Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Văn hóa pháp luật nước Nga - những đặc trưng cơ bản



TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
[Trích trong Sách "Văn hóa pháp luật:
Những vấn đề lý luận cơ bản và ứng dụng chuyên ngành",
Nxb. ĐHQGHN, 2011] 


Sau khi Liên Xô sụp đổ người Nga đã rất chật vật để đi tìm cho mình một “lối đi riêng”. Phải mất hàng thập kỷ với biết bao nhiêu biến cố một mô hình nhà nước và một hệ thống pháp luật cũng đã dần được định hình. Mặc dù vậy, cho đến nay vẫn còn khá nhiều tranh luận xung quanh mô hình nhà nước và pháp luật Liên bang Nga, đặc biệt là về hệ thống pháp luật. Nhiều học giả cho rằng pháp luật Nga hiện nay mang nhiều đặc trưng của dòng họ pháp luật Châu Âu lục địa.[1] Một số khác lại nhận định hệ thống pháp luật Liên bang Nga so với pháp luật Châu Âu lục địa có nhiều nét riêng và đủ sức tạo nên một hệ thống pháp luật đặc trưng[2], trong số đó một số nhà nghiên cứu cho là có đầy đủ cơ sở khẳng định sự tồn tại dòng họ pháp luật Slavơ mà hệ thống pháp luật Liên bang Nga là đại diện tiêu biểu.[3] Cũng có một số nhà nghiên cứu cho rằng rằng hệ thống pháp luật Nga vẫn còn nhiều đặc trưng pháp luật xã hội chủ nghĩa[4], số khác lại khẳng định ở Nga hình thành hệ thống pháp luật kiểu mới – hệ thống pháp luật hậu Xô Viết...[5]
Trong bài viết này trên cơ sở những luận điểm của các nhà khoa học khi nghiên cứu về hệ thống pháp luật Nga và những tư liệu có được, tác giả xin được tiếp cận pháp luật Liên bang Nga trên khía cạnh văn hóa - văn hóa pháp luật. Thiết nghĩ, khi hiểu được văn hóa pháp luật của một đất nước cũng như các yếu tố quy định đặc trưng của nó chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nhận diện bản chất, đặc trưng pháp luật đất nước đó. Trong khuôn khổ bài này tác giả cũng không có tham vọng và cũng không thể trình bày hết được những khía cạnh khác nhau về văn hóa pháp luật Liên bang Nga, bởi nội hàm của khái niệm văn hóa pháp luật cho đến nay vẫn chưa được xác định một cách thống nhất trong giới luật học, hơn nữa văn hóa nói chung và văn hóa pháp luật nói riêng luôn là một phạm trù rất rộng. Vì vậy, bài viết này bàn về những yếu tố mà theo tác giả có ảnh hưởng đến sự hình thành và một số nét đặc trưng cơ bản văn hóa pháp luật nước Nga hiện đại.

1. Các yếu tố tác động lên sự hình thành nền văn hóa pháp luật Nga
Cũng đã có những hoài nghi về sự tồn tại của nền văn hóa pháp luật Nga. Có ý kiến cho rằng nước Nga không có văn hóa pháp luật.[6] Tuy nhiên khó có thể chấp nhận quan điểm này bởi một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, có lịch sử pháp luật phát triển hàng ngàn năm nay lại không có một nền văn hóa pháp luật. Tác giả hoàn toàn đồng tình với quan điểm cho rằng "không có một một dân tộc nào là không có văn hóa pháp luật, không có một cá nhân nào là không có văn hóa pháp luật, chẳng qua là nó ở mức độ nào mà thôi và nó khác với các nền văn hóa pháp luật khác ở chỗ nào mà thôi"[7].
Hiện nay, nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa pháp luật Nga vẫn luôn là đề tài có sức hấp dẫn trong giới khoa học, đặc biệt là khoa học pháp lý. Tuy nhiên để biết được các đặc trưng của văn hóa pháp luật Nga, trước hết hãy xem xét các yếu tố quy định, hay nói một cách chính xác là tác động lên sự hình thành nền văn hóa pháp luật của nước Nga, bởi nếu xét trên cơ sở quan điểm triết học Mác pháp luật hay văn hóa pháp luật đều là bộ phận của kiến trúc thượng tầng và luôn bị quy định bởi cơ sở hạ tầng.
Về điều kiện địa lý, tự nhiên: Xét về điều kiện địa lý và tự nhiên, Liên bang Nga là một quốc gia với diện tích kéo dài tới 11 múi giờ và chiếm gần nửa phần Bắc bán cầu. Điều kiện đó kéo theo sự đa dạng tự nhiên, điều kiện sống của người Nga. Nếu như ở phía bắc người dân quanh năm khoác trên mình chiếc áo lông, thì ở miền nam vẫn có những nơi cây cối mọc một cách nhọc nhằn do cái nóng của những vùng hoang mạc. Ở Nga người ta có thể thấy những cánh đồng cỏ xanh và những cánh rừng tai-ga bất tận. Cái lạnh đã làm nên tính cách Nga rất hiền hòa từ tốn, không chút nóng nảy, hung hăng. Cái rộng lớn, bao la của tự nhiên kèm với nó là sự rộng lớn của những đồng bằng, cách đồng cỏ, thảo nguyên hay những cánh rừng đã làm nên tính cách Nga phóng khoáng, mộc mạc, bao dung. Khó có thể khẳng định rằng, sự rộng lớn cùng với những tính cách rất Nga đó lại không ảnh hưởng lên sự đa dạng của truyền thống pháp luật của nước Nga, lên tư duy, suy nghĩ và quan niệm của người Nga về pháp luật.
Về chủng tộc: Sự đa dạng về điều kiện địa lý, tự nhiên dẫn đến sự đa dạng về chủng tộc. Với 2/3 lãnh thổ thuộc Châu Á và 1/3 lãnh thổ thuộc Châu Âu cùng hơn 100 chủng tộc rất khác nhau về màu da, tập quán, cách sinh hoạt, cùng chung sống đã làm nên một nước Nga với nền văn hóa vô cùng đa dạng. Ở Nga có thể gặp rất nhiều vóc dáng Mông Cổ, Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Á, Ả Rập hay người Châu Âu... Nhưng khác với sự đa dạng về chủng tộc ở nước Mỹ, Nga là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rốn của họ cùng với những truyền thống, tập quán hình thành và truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi tộc người luôn có những truyền thống, phong tục, tập quán riêng và nói rộng hơn là một nền văn hóa rất đặc trưng và không nghi ngờ khi điều đó cũng làm nên những nét đặc trưng của văn hóa pháp luật nước Nga.
Về tôn giáo: Cùng với sự đa dạng về chủng tộc, Nga là một quốc gia đa tôn giáo. Ở các vùng đất khác nhau lại có các tôn giáo khác nhau, thậm chí trong một vùng đất có rất nhiều tôn giáo cùng tồn tại. Ở phần Châu Âu của Nga đâu đâu cũng gặp những nhà thờ với chóp củ hành[8] của Chính thống giáo. Ở đó cũng có thể bắt gặp những nhà thờ của Thiên chúa giáo, đạo Tin lành hay đền thờ của người Do Thái. Ở vùng Capcadơ có thể thấy nhiều nhà thờ Hồi giáo, thậm chí nó phát triển mạnh mẽ ngay cả ở phương Bắc và trở thành tôn giáo chính của cộng hòa Tatarstan. Ở vùng Viễn Đông, đâu đó lại xuất hiện những đền chùa với kiến trúc của phật giáo Tây Tạng, phật giáo Trung Hoa...càng làm cho bức tranh tôn giáo Nga thêm đa dạng.
Sự đa dạng về tôn giáo đã cho thấy sự đa dạng về cách nghĩ, cách tư duy, ứng xử của con người, bởi tôn giáo dạy con người ta ứng xử, dạy con người ta giao tiếp, dạy con người ta sống và những điều đó trở thành thói quen của con người, mà khi thói quen được dùng thường xuyên và dùng trong phạm vi cộng đồng thì thói quen ấy trở thành truyền thống.
Sự ảnh hưởng từ Đế chế Byzantine. Khi nghiên cứu về qúa trình hình thành và phát triển pháp luật Nga, rất dễ nhận thấy rằng, các yếu tố lịch sử góp phần không nhỏ vào sự hình thành nền văn hóa pháp luật nước Nga hiện nay. Nếu như luật pháp của Pháp, Đức và các quốc gia khác thuộc dòng Civil Law chịu sự tác động mạnh mẽ của pháp luật La Mã hay pháp luật Anh quốc và dòng Common Law nói chung chủ yếu hình thành từ những toan tính của "kẻ chinh phục" William Đệ nhất, thì pháp luật nước Nga cũng có lối đi riêng trong lịch sử.
Những nghiên cứu của nhiều nhà khoa học uy tín[9] đã chỉ ra rằng, ngay từ trong Bộ luật đầu tiên của nước Nga thời Nhà nước cổ đại Kievskya Rus thế kỷ thứ X - "Russkaya Pravda" đã chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ các Bộ Luật Ecloga hay Prokhirona của Đế chế Byzantine. Những văn bản này đã trở thành nguồn cơ bản của bộ cổ luật đầu tiên của nước Nga. Các nghiên cứu chứng minh rằng những quy định liên quan đến hoạt động xét xử của tòa án, hôn nhân và gia đình, nuôi con nuôi, hợp đồng, tài sản, ruộng đất trong Bộ luật "Russkaya Pravda" có nhiều điểm tương đồng so với những quy định của luật pháp Byzantine.[10] Ngoài ra các hiệp ước, thỏa thuận giữa Kievskaya Rus với Đế chế Byzantine cũng như giữa Byzantine với các công quốc lân bang của Nhà nước Kievskaya Rus đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của pháp luật Nga thời cổ đại. Xét về mặt lịch sử, Đế chế Byzantine là sự nối tiếp của Đế chế La Mã vì thế người ta còn gọi nó là Đế chế Đông La Mã. Nói như vậy cũng có thể khẳng định rằng luật La Mã ít nhiều có tác động lên văn hóa pháp luật nước Nga, nhất là các chế định luật, các thuật ngữ pháp lý, và đặc biệt từ đây nước Nga biết đến xây dựng luật thành văn. Mặc dù vậy pháp luật truyền thống vẫn là nền tảng của văn hóa pháp luật nước Nga cổ đại. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất đến từ hai nền văn hóa nói trên vẫn là yếu tố tôn giáo và qua đó đã ảnh hưởng ít nhiều đến văn hóa pháp luật Nga. Nếu như ở thành Roma người ta theo Công giáo thì ở thành Constantinopolis cuộc sống gắn liền với Chính thống giáo. Cả Công giáo Roma và Chính thống giáo đều là nhánh của Ki-tô giáo, tuy nhiên trong quan hệ với các thiết chế như nhà nước và pháp luật Chính thống giáo có quan điểm mềm hơn và thường có xu thế liên minh với nhà nước chứ không biệt lập hay nhiều khi chống lại nhà nước như Công giáo Roma. Chính cách ứng xử này đã hình thành nên một nét đặc trưng trong quan niệm về pháp luật cũng như vai trò của pháp luật trong đời sống ở Hy Lạp và sau đó ảnh hưởng tới nước Nga.
Yếu tố Mông Cổ: Sự xâm lược nước Nga của Đế chế Mông Cổ vào thế kỷ XIII đã làm cho văn hóa, truyền thống pháp luật Nga có nhiều thay đổi. Trước hết, nó làm ngưng lại dòng chảy văn hóa, truyền thống pháp luật của Byzantine vào nước Nga. Một trăm năm đô hộ mặc dù Mông Cổ không áp đặt được hoàn toàn truyền thống pháp luật Yasac lên nước Nga, song nó cũng đủ làm cho nước Nga biệt lập với văn hóa pháp luật Châu Âu một thời gian dài, ngoài ra nó góp phần tô đậm thêm phong cách phương Đông trong cách tư duy, cách nghĩ của người Nga.
Cải cách của Piot Đại Đế và Alexsander Đệ Nhị: Lịch sử hình thành và phát triển pháp luật nước Nga chuyển sang một thời kỳ mới gắn liền với vai trò của Piot Đại Đế. Với mục tiêu cách tân đất nước và đưa đất nước phát triển theo Tây phương, Piot Đại Đế đã tiến hành cải cách nước Nga vào đầu thế kỷ XVIII. Ông quyết tâm xây dựng nước Nga theo mô hình của Vương quốc Hà Lan - một quốc gia phất triển vào bậc nhất châu Âu thời bấy giờ. Những cuộc cải cách gắn liền với quân đội và nền sản xuất, nhưng nó cũng tác động tới pháp luật. Piot Đại Đế đã ban hành nhiều văn bản luật để hướng đất nước theo mô hình Hà Lan, tuy nhiên ông vẫn tập trung nhiều về lĩnh vực hình sự.[11] Mặc dù vậy đây cũng là bước ngoặt mang tính đột phá giúp Nga bước đầu quay lại với văn minh Châu Âu.[12]
Một sự kiện nữa trong lịch sử gắn liền với sự thay đổi nền văn hóa pháp luật Nga là cải cách của Alexsander Đệ Nhị vào những năm 60-70 thế kỷ XIX. Cuộc cải cách này gắn liền với sự loại bỏ luật Nông Nô - một Sắc luật mang bản sắc phương đông. Trước cuộc cải cách này người Nga không biết đến luật sư và hoạt động của luật sư, họ còn hầu như không phân biệt được ranh giới giữa tòa án, cảnh sát và cơ quan hành chính. Đến thời này nước Nga vẫn chưa có trường đào tạo luật theo đúng nghĩa. Khi bàn đến luật pháp nước Nga thời này Rene David có nhận xét "luật thành văn như là một cái gì đó quá xa lạ với người dân. Pháp luật về cơ bản là luật hành chính và hầu như ít đả động đến luật tư và không quan tâm đến số đông quần chúng nhân dân, nếu có luật tư thì luật này gọi là "luật thành thị" vì nó chỉ điều chỉnh đến các con buôn và nhà tư sản...".[13] Tuy nhiên, những cải cách tư pháp (tòa án), thành lập nghiệp đoàn luật sư, cải cách luật tố tụng theo hướng tranh tụng trực tiếp tại tòa, tăng cường luật tư và tăng tính độc lập cho chính quyền địa phương đã làm cho hệ thống pháp luật Nga sau cải cách tiến rất gần các chuẩn mực của nền pháp lý Châu Âu lục địa.
Cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự hình thành văn hóa pháp luật Xô Viết:
Cách mạng tháng Mười và xây dựng nhà nước Xô Viết trong gần trọn thế kỷ XX là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự hình thành nền văn hóa pháp luật Liên bang Nga trong giai đoạn hiện nay. Hệ tư tưởng, quan điểm của Nhà nước về pháp luật về vai trò của pháp luật trong cuộc sống đã ảnh hưởng không nhỏ tới đại bộ phận người dân, đặc biệt là thế hệ sinh ra và được giáo dục trong xã hội Xô Viết. Với tư tưởng xây dựng một xã hội cộng sản mà ở đó không có nhà nước và cũng chẳng có pháp luật quan niệm về vai trò của pháp luật đã khác rất nhiều so với tư duy pháp luật các nước thuộc dòng họ pháp luật civil law. Phải khẳng định rằng các thiết chế pháp luật, vai trò của luật trong điều chỉnh quan hệ xã hội, sự đồng thuận có phần hơi khiên cưỡng của các tư tưởng khoa học pháp lý, quan niệm của lãnh đạo cũng như người dân về pháp luật rất khác so với các chuẩn mực chung của Châu Âu. Trong công trình của mình Rene David đã nhận định "pháp luật Liên Xô là sự sáng tạo cách mạng của những nhà lập pháp thể hiện ý nguyện của Đảng cộng sản".[14] Như vậy, những yếu tố này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới tư duy cũng như văn hóa pháp luật ở nước Nga trong giai đoạn hiện nay, bởi những gì thuộc về ý thức hay quan niệm thì thay đổi ngay trong một sớm một chiều không phải là điều dễ thực hiện.
Sự tan rã của Liên Xô và thành lập nhà nước và Liên bang Nga: Sau khi xây dựng không thành chủ nghĩa xã hội người Nga lại loay hoay đi tìm cho mình một kiểu nhà nước và pháp luật riêng. Cùng với những biến cố lịch sử của những năm cuối của thế kỷ XX nước Nga đã có cho mình một nền pháp lý mà theo nhiều người đó là sự quay lại với các chế định pháp luật theo mô hình pháp luật các nước Châu Âu lục địa. Tuy nhiên cần phải khẳng định rằng, cùng với những minh chứng của lịch sử hình thành nên cách nghĩ, cách sinh hoạt cách giao tiếp của người Nga... văn hóa pháp luật của nước Nga có không ít những đặc trưng.
2. Đặc trưng văn hóa pháp luật Nga
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây trên RIA Novosti[15] thủ tướng Nga V. Putin cho rằng "Pháp luật của chúng ta so với pháp luật Anh-Mỹ chẳng kém cạnh chỗ nào, thậm chí đâu đó nó còn tốt hơn...".[16]
Cần phải nhấn mạnh rằng, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Tuy nhiên cần làm rõ, thuật ngữ "pháp luật" mà ông đề cập ở đây là như thế nào? Đó là điều rất quan trọng, bởi nếu hiểu pháp luật đơn thuần là hệ thống văn bản thì có thể là ông đã đúng, nhưng nếu xem xét pháp luật trên phương diện rộng hơn, nghĩa là bao gồm không chỉ là hệ thống văn bản đồ sộ mà cả cách người ta nghĩ về pháp luật, cách người ta thực thi, áp dụng nó trong thực tiễn cuộc sống cũng như vai trò vị trí của pháp luật trong đời sống và ứng xử xã hội... thì rất có thể là lại khác. Làm luật thì dễ nhưng để pháp luật chính là cuộc sống, để người dân coi sự cần thiết của pháp luật như là một lẽ hiển nhiên, như là khí để thở - đó mới là điều cần thiết. Có lẽ V. Putin không đơn giản chỉ bàn về hệ thống văn bản pháp luật, mà có thể ông nói rộng hơn khi ông đặt pháp luật trong mối tương quan với lịch sử, những đặc điểm dân tộc, văn hóa...
Ở phần trên chúng ta đã phân tích về những yếu tố tác động lên sự hình thành và phát triển của văn hóa pháp luật Nga, dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sản phẩm sự tác động nói trên nghĩa là đặc trưng của nền văn hóa pháp luật Nga. Theo quan niệm của tác giả, tìm hiểu về văn hóa pháp luật, nghĩa là ta đang tìm hiểu cách mà người Nga quan niệm như thế nào về pháp luật, vai trò của nó ra sao và cách người ta thực hiện cũng như đối xử với pháp luật như thế nào trong đời sống thường ngày.
Như đã nói ở trên, hiện nay trong khoa học pháp lý Liên bang Nga nói riêng và toàn thế giới nói chung chưa có sự thống nhất về nội hàm của khái niệm văn hóa pháp luật. Chẳng hạn Lawrence M. Friedman và nhiều học giả khác lại có cách tiếp cận khái niệm văn hóa pháp lý từ chức năng hay tiếp cận xã hội học. Đối với họ văn hóa pháp luật là thái độ của các nhóm xã hội và thiểu số; các thể chế pháp lý; sự đánh giá xã hội học về các vụ việc tranh chấp và tội phạm.[17] Ngược lại những nhà khoa học khác như Michael Grossberg hay Roger Cotterrell thì xác định văn hóa pháp luật thông qua hệ tư tưởng pháp luật và nhìn nhận xem hệ tư tưởng pháp luật hình thành các trật tự pháp luật như thế nào (cùng với việc nghiên cứu pháp luật và giáo dục pháp luật); thái độ và tâm lý cũng có liên quan nếu chúng được tạo ra từ những ranh giới của các thiết chế pháp luật.[18] Ngoài ra còn có rất nhiều cách tiếp cận khác. Chẳng hạn như John Bell thì cho rằng văn hoá pháp luật là phương cách cụ thể mà trong đó các giá trị, các tập quán, các khái niệm được hợp thành một thể thống nhất trong hoạt động của các thể chế pháp luật và sự  giải thích các văn bản pháp luật. Khái niệm văn hoá pháp luật là phạm vi rộng hơn hệ thống các quy tắc và khái niệm. Nó còn bao gồm cả thực tiễn xã hội trong một cộng đồng pháp luật.[19] Riêng ở Nga đã thống kê được trong khoa học pháp lý có 250[20] cách hiểu khác nhau về văn hóa pháp luật.
Như vậy có thể thấy sự đa dạng của cách hiểu về văn hóa pháp luật cũng như định lượng nội hàm của thuật nhữ này. Tuy nhiên trên cơ sở tổng hợp quan điểm và bằng nhận định cá nhân tác giả xin mạo muội chỉ ra các đặc trưng của văn hóa pháp luật Nga cơ bản thông qua nghiên cứu về quan niệm, nhận thức về pháp luật về hệ thống pháp luật, hệ thống tư pháp và thực tiễn xét xử, ý thức pháp luật, khoa học pháp lý và thực trạng đào tạo luật ở nước Nga hiện nay.
Về pháp luật như là một thành tố của văn hóa pháp luật:
Trước hết tác giả xin bàn về quan niệm về pháp luật và hệ thống pháp luật. Trong giới khoa học, đặc biệt là khoa học pháp lý đã công nhận thuyết đa nguyên luận trong cách tiếp cận về pháp luật và hệ thống pháp luật. Đây là kết quả của sự thay đổi tư duy từ chính sự thay đổi thể chế chính trị. Nhiều nhà khoa học pháp lý trước đây có quan niệm tương đối hẹp về pháp luật khi mà họ gắn liền pháp luật với nhà nước, pháp luật là sản phẩm sáng tạo của các nhà lập pháp và là công cụ của nhà nước duy trì trật tự xã hội. Ngày nay, trong rất nhiều công trình khoa học hầu như vắng bóng những quan điểm tương tự, nó đã nhường chỗ cho một tư duy rất rộng về pháp luật, cũng như những cách hiểu rất khác nhau về pháp luật. Pháp luật đã được coi là trạng thái tự nhiên của con người, là tâm lý con người và cả là cái con người được có, phải có.[21] Về khái niệm hệ thống pháp luật cũng vậy, những quan điểm hẹp truyền thống thời xô viết về hệ thống pháp luật đã nhường chỗ cho những quan điểm rộng đôi khi tự do, phóng khoáng. Nhiều nhà khoa học xô vết đã thay đổi quan điểm của mình từ chỗ chỉ hiểu hệ thống pháp luật đơn thuần là hệ thống các nghành luật, cùng lắm là có thêm hệ thống văn bản pháp luật sang quan điểm mới - theo nghĩa rộng hơn. Tuy nhiên nội hàm khái niệm này rộng đến đâu vẫn chưa có sự thống nhất trong giới khoa học[22] và họ cho rằng cần thiết phải thế thậm chí theo quan điểm của Giáo sư Glebov A.P. "đưa ra một khái niệm chung là cự kỳ nguy hiểm".[23]
Như vậy việc nhận thức được tầm quan trọng của đa nguyên luận trong khoa học pháp lý ở Liên Bang Nga hiện nay là một dấu hiệu cho thấy nhận thức về pháp luật cũng như về hệ thống pháp luật đã thay đổi về cơ bản.
Tuy nhiên sự thay đổi đó hầu như không biến chuyển nhiều trong thực tiễn áp dụng pháp luật cũng như quan niệm của dân chúng. Đa số cán bộ công chức nhà nước và người dân đều quan niệm rằng pháp luật là của nhà nước và do nhà nước ban hành. Quan niệm này gắn liền với ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa kiểu xô viết đã ăn sâu và bám rễ vào nhận thức của người dân như là một lẽ tự nhiên.
Xét về mặt hình thức, thì ngày nay nước Nga đã có một hệ thống văn bản pháp luật tương đối hoàn chỉnh có thể nói là "không kém cạnh một quốc gia nào". Nước Nga theo chính thể cộng hòa liên bang cho nên ở Nga có một hệ thống văn bản pháp luật khá đa dạng. Ở cấp liên bang văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp. Bản Hiến pháp được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 12 tháng 12 năm 1993 cũng là bản hiến pháp theo mô hình dân chủ tư sản đầu tiên của nước Nga. Dưới Hiến pháp có các luật hiến pháp như Luật Chính phủ, Luật Quốc hội liên bang, Luật Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao, Tòa án Trọng tài cấp cao, về hệ thống tòa án Liên bang Nga, về tổ chức trưng cầu dân ý, về thay đổi quy chế chủ thể liên bang, hạn chế quyền con người hoặc về quy chế ban bố tình trạng khẩn cấp... nghĩa là các đạo luật ban hành trực tiếp trên cơ sở Hiến pháp và theo các vấn đề mà Hiến pháp quy định phải ban hành luật hiến pháp liên bang để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp. Dưới các luật hiến pháp liên bang là các bộ luật, đạo luật liên bang. Văn bản dưới luật cấp liên bang bao gồm các sắc lệnh của Tổng thống Liên bang, nghị quyết của Chính Phủ Liên bang và các văn bản của cơ quan cấp Bộ, ngang Bộ và các cơ quan chuyên môn.
Ngoài hệ thống văn bản pháp luật cấp Liên bang ở Nga còn tồn tại một hệ thống văn bản của Chủ thể Liên bang. Đây cũng là nét khác biệt về văn hóa pháp luật của Cộng hòa Liên bang Nga nó thể hiện sự đa dạng của hệ thống pháp luật cũng như tôn trọng sự khác biệt của mỗi địa phương. Nếu như ở cấp Liên bang có Hiến pháp thì ở cấp chủ thể cũng có Hiến pháp và văn bản tương đương hiến pháp của từng chủ thể. Tên gọi của nó tùy vào quy chế của chủ thể Liên bang. Nếu là nước cộng hòa thuộc liên bang thì văn bản này có tên gọi là Hiến pháp còn lại là tên gọi khác như Quy chế cơ bản của chủ thể. Ngoài hiến pháp hay văn bản mang tính chất hiến pháp mỗi chủ thể lại có quyền ban hành luật của chủ thể. Luật này do cơ quan dân biểu của từng chủ thể ban hành. Song song với hệ thống văn bản pháp luật của nhà nước ở cấp liên bang và cấp chủ thể, ở Nga còn tồn tại một hệ thống văn vản của hệ thống cơ quan tự quản địa phương (cấp thành phố, cấp huyện thuộc chủ thể liên bang). Các văn bản của từng cấp độc lập tương đối với nhau, tuy nhiên không được trái với quy định của Hiến pháp. Tất nhiên các văn bản của từng địa phương được ban hành phù hợp với điều kiện văn hóa cũng như các điều kiện khác của địa phương mình.
Cần phải nhìn nhận rằng trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như tôn giáo ở mỗi chủ thể, mỗi địa phương rất khác nhau chính vì thế việc ban hành cũng như điều chỉnh pháp luật ở mỗi địa phương cũng không giống nhau. Điều đó đã tạo nên đặc trưng của pháp luật Liên bang Nga.
Xét về hệ thống các nghành luật, Liên bang Nga sở hữu một hệ thống các ngành luật tương đối hoàn chỉnh và phong phú. Do sự ảnh hưởng của pháp luật Byzantine (một bộ phận của Luật La Mã) tại Nga có hệ thống ngành luật được phân chia theo hai hệ thống luật công và luật tư. Mặc dù chịu ảnh hưởng hệ thống pháp luật Xô Viết, nhưng do pháp luật Xô Viết, trên thực tế, đều có nguồn và rất gần với luật La Mã như Rene David đã khẳng định trong công trình luật so sánh nổi tiếng của mình.[24] Nếu như trước đây các ngành luật hình sự, tố tụng hình sự phát triển mạnh mẽ, thì trong những năm gần đây dân sự, tố tụng dân sự, luật thương mại, luật thuế, luật doanh nghiệp, an sinh xã hội và các ngành luật tố tụng dân sự, tố tụng trọng tài lại có những bước phát triển vượt bậc. Bộ luật dân sự Liên bang Nga được ban hành với phần đầu tiên vào năm 1994 với 1551 điều đã đủ nói lên điều đó.
Nói như vậy không hẳn khẳng định rằng dân luật ở Nga rất phát triển. Trên thực tế do nhu cầu cải cách kinh tế trong những năm gần đây và dưới sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa kinh tế thì dân luật mới có những bước phát triển. Tuy nhiên công bằng mà nói ở nước Nga luật công nói cung và luật hình nói riêng có lịch sử phát triển rất lâu đời. Cũng giống như nhiều nước phương Đông Bộ luật đầu tiên của nước Nga cổ (Russkaya Pravda) mang hình hài của một Bộ Hình luật mặc dù trong đó điều chỉnh nhiều loại quan hệ xã hội khác nhau, nhưng hầu như các quan hệ ấy đã được hình luật hóa. Cho đến tận thế kỷ 19 luật dân sự ở Nga mới dần dần phát triển và Bộ luật dân sự đầu tiên của nước Nga được ban hành trong thời kỳ Nhà nướccộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Nga (1922). Về thực chất dân luật chỉ phát triển trong những năm gần đây. Hiện nay tại các trung tâm đào tạo luật, luật hình sự, tố tụng hình sự đạt đến sự phát triển mạnh mẽ khi số lượng các nhà khoa học có uy tín lâu năm thuộc các lĩnh vực hình sự, điều tra hình sự luôn áp đảo các nhà khoa học thuộc lĩnh vực luật tư đang còn non trẻ cả về số lượng cũng như uy tín trong ngành. Đó cũng là minh chứng cho thấy truyền thống luật công trong tư duy pháp luật của người Nga (tư duy hình luật), một điều làm ta liên tưởng đến văn hóa pháp luật phương Đông hơn là văn hóa pháp luật Châu Âu lục địa mà cội nguồn của nó đến từ luật La Mã.
Về truyền thống và ý thức pháp luật: Có thể khẳng định nước Nga có một hệ thống ngành luật và văn bản quy phạm pháp luật rất đầy đủ và đa dạng "không kém cạnh" nước nào. Tuy nhiên phải xem xét thái độ của công chúng đối với hệ thống ấy như thế nào và thực tế nó được thực hiện ra sao, bởi khi xem xét pháp luật như là hiện tượng văn hóa thì cần nhìn nhận pháp luật từ thực tiễn cuộc sống.
Từng có một thời gian rất dài nghiên cứu và chiêm nghiệm thực tiễn pháp luật nước Nga cũng như trên cơ sở phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới nền văn hóa pháp luật, tác giả thấy rằng, ý thức pháp luật như là một bộ phận cấu thành của văn hóa pháp luật Liên bang Nga mang cả phong cách phương Đông và phương Tây.
Nếu ở phương Đông người ta coi pháp luật không phải là công cụ chủ yếu để điều chỉnh các quan hệ xã hội mà thay vào đó là đạo đức, là nhân trị, thì ở phương Tây "pháp luật là nền tảng của xã hội"[25], "pháp luật mang bản chất là một khế ước và nền tảng của nó là tự do cá nhân và quyền tự quyết của mỗi cá nhân"[26] hay là "tối thiểu của đạo đức".[27]
Có thể vì thế mà lý giải được rằng tại sao khi nước Nga đang tiến hành cải cách dân chủ toàn diện thì V.Putin trong một cuộc trả lời phỏng vấn đã nói rằng người Mỹ đừng chõ mũi vào việc của người Nga, nước Nga rất dân chủ và có cho mình một nền dân chủ riêng. Phải chăng đây là nền dân chủ kiểu Á Âu kết hợp? Nước Nga luôn khẳng định xây dựng một nhà nước kiểu phân quyền, kiềm chế và đối trọng nhau trong các nhánh quyền lực. Trên thực tế xu hướng tập quyền đang ngày càng lớn mạnh. Tập quyền là một hiện tượng hay thể chế mang màu sắc Phương Đông[28] nhưng nay trong xu thế dân chủ của Nga ta lại nhận thấy xu hướng tập quyền. Minh chứng cho điều đó là việc V. Putin ban hành Sắc lệnh số 1603 ngày 27 tháng 12 năm 2004 thay đổi quy định Hiến pháp và pháp luật liên quan đến việc bầu cử người đứng đầu các chủ thể liên bang. Nếu như trước đây người đứng đầu các chủ thể Liên Bang do người dân chủ thể liên bang trực tiếp bầu lên thì từ năm 2005 theo Sắc lệnh nói trên Tổng thống được quyền giới thiệu ứng cử viên để cơ quan dân biểu của chủ thể đó phê chuẩn. Điều này thật sự nguy hiểm cho một nền dân chủ, tuy nhiên người Nga cũng như chính khách Nga dễ dàng chấp nhận một sự thay đổi pháp luật thậm chí là Hiến pháp[29] bởi người ta tin vào ông và muốn nhìn thấy một nhà lãnh đạo với "hình tượng mạnh mẽ" cả nghĩa đen và nghĩa bóng như ông. Khi được hỏi về Putin phần lớn người dân Nga chỉ có một câu trả lời: "nước Nga cần một nhà lãnh đạo quyền lực như Putin".[30] Phải chăng trong mỗi người Nga đang chảy một dòng máu phương Đông, một thái độ đối với pháp luật cũng rất phương Đông?
Khi bàn về thái độ đối với pháp luật, nhiều nhà nghiên cứu Nga giật mình nhận ra rằng, mặc dù sống với rất nhiều tiêu chuẩn của phương Tây về nhà nước và pháp luật, nhưng nhiều người Nga lại đang sống theo cái mà người ta gọi là "Chủ nghĩa hư vô pháp luật". Hư vô pháp luật trong tiếng Nga là "Правовой нигилизм" nó bắt nguồn từ chữ La Tinh "Nihil - không có, sự phủ nhận". Tiến sỹ Korotkix M.N. cùng các cộng sự của mình nghiên cứu và nhận thấy rằng, người Nga đặc biệt giới trẻ họ không quan tâm gì đến pháp luật, thậm chí phủ nhận các thiết chế pháp luật khi họ cho rằng pháp luật chính là hoạt động của các cơ quan quyền lực. Họ không tuân thủ, không thực hiện theo pháp luật. Thanh niên hầu như chẳng quan tâm gì đến công việc nhà nước, công việc xã hội; họ sẵn sàng đánh đổi pháp chế bằng mục đích cá nhân và thương mại hóa tất cả những quy định pháp lý; họ chỉ tuân thủ pháp luật khi nó có lợi cho họ còn khi pháp luật chống lại họ, họ sẵn sàng chống đối ví dụ như cấm uống bia nơi công cộng thì họ lại đem bia đến tượng đài Puskin để uống...[31]
Khi nghiên cứu về truyền thống pháp luật Nga, Rene David cũng đã từng khẳng định "nước Nga có một truyền thống pháp luật tương đối yếu".[32] Theo ông, nếu như ở lục địa Châu Âu (bao gồm cả Anh quốc) pháp luật là nền tảng của xã hội, thì ở Nga điều này không đúng lắm. Mãi gần đây nước Nga mới có luật gia. Trường Đại học tổng hợp đầu tiên là trường Đại học tổng hợp quốc gia Matxitcova thành lập vào năm 1755, còn trường Tổng hợp Sant-Peterburg  thì mãi tới năm 1802 mới có. Sách pháp luật xuất hiện ở Nga mới từ nửa cuối thế kỷ XIX. Nguyên tắc "ubi societas, ibi  jus - Không có xã hội không có pháp luật" có vẻ như chẳng có gì đúng lắm với nước Nga bởi chính Lev Tolstoi cũng đã từng mơ ước một sự biến mất của pháp luật và thay vào đó là tình thương là đạo lý của tôn giáo.[33]
Nói như vậy không hoàn toàn đúng lắm trong điều kiện hiện nay, tuy nhiên truyền thống đó ít nhiều ảnh hưởng đến ý thức pháp luật của người dân hiện đại. Bằng kiểm chứng bản thân với tròn một thập kỷ ở Nga, tác giả thấy rằng Người Nga vẫn giống người Pháp, người Đức vẫn tuần tự đứng xếp hàng khi cần giải quyết một việc gì tại cơ quan công quyền, nhưng đâu đó với một mái tóc đen cứ chạy lên chạy xuống và bằng thủ đoạn nào đó anh ta vẫn vào trước và làm xong việc mình. Điều đấy ít nhiều cũng làm cho những người Nga "tóc vàng" sốt ruột và rồi thì cũng sẽ làm theo "vì thời gian quý như vàng". Người Nga ngày nay cũng rất cần tòa án để giải quyết những tranh chấp và những vấn đề pháp lý liên quan và họ đã xây dựng cho mình một hệ thống tòa án khá độc lập để làm việc đó. Tuy nhiên vẫn những ai đó với "mái tóc đen" vẫn lầm lũi đi cửa sau để nói chuyện với quan tòa và rồi được việc và lại một lần nữa làm "những mái tóc vàng" sốt sắng... Nhưng làm sao trách được những "mái tóc đen" kia. Họ vẫn là công dân của nước Nga và họ vẫn hành xử theo thói quen mà họ đã được tiếp thu từ chính nền văn hóa của họ. Cũng giống như một số vùng của Nga họ vẫn dùng truyền thống "Nợ máu phải trả bằng máu", "Nam giới có quyền lấy nhiều vợ", hoặc người phụ nữ phải phụ thuộc vào chồng...
Về nguồn pháp luật: Trong khoa học pháp lý ở hầu hết các nước trên thế giới đều công nhận nguồn pháp luật là một nét để nhận ra đặc trưng văn hóa pháp luật của dân tộc. Thông qua cách mà người dân dùng hình thức pháp luật nào hay hình thức pháp luật nào là chủ yếu để điều chỉnh các quan hệ pháp luật có thể hiểu được quan điểm, cách hiểu cách tiếp cận cũng như thái độ của họ đối với pháp luật. Trong rất nhiều công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu luật so sánh nguồn pháp luật luôn là một tiêu chí so sánh hệ thống pháp luật này với hệ thống pháp luật khác.
Vậy thì người Nga quen dùng nguồn pháp luật nào để điều chỉnh các quan hệ xã hội cũng như giải quyết các vấn đề pháp lý của họ?
Trong những công trình của mình, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định hệ thống pháp luật nước Nga mang màu sắc của hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa bởi một trong những đặc trưng quan trọng của nó chính là văn bản quy phạm pháp luật được coi là nguồn chính của pháp luật. Rene David và Spinoze K. đã khẳng định: "Hệ thống pháp luật Nga thuộc dòng họ pháp luật Châu Âu lục địa.... vai trò sáng tạo quy phạm pháp luật không thuộc tòa án mà thuộc về những nhà lập pháp, những luật gia người Nga cũng hiểu quy phạm pháp luật như những luật gia của Đức và Pháp... người Nga không có những bộ luật đầy đủ nhưng họ muốn và sẽ có nó."[34]
Như vậy có thể thấy rằng, có một sự đồng thuận rất cao trong giới khoa học là ở Nga nguồn pháp luật chủ yếu là các văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí cả những người không đồng tình với quan điểm hệ thống pháp luật Nga thuộc hệ thống pháp luật châu Âu lục địa.[35]
Văn bản pháp luật như là một loại nguồn chính của hệ thống pháp luật bắt đầu hình thành trong tư duy của người Nga từ sự ảnh hưởng của pháp luật Byzantine thế kỷ thứ X và XI. Vị trí của loại nguồn này trong văn hóa pháp luật nước Nga ngày càng được củng cố qua các thời kỳ lịch sử, qua các cuộc cải cách pháp luật của Nga Hoàng và thậm chí nó còn chiếm vị trí độc tôn trong hệ thống pháp luật Xô Viết. Ngày nay với việc xây dựng nhà nước dân chủ theo hình thức liên bang, nước Nga đang có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật rất đa dạng và phức tạp như là sự đa dạng và phức tạp của nền văn hóa nước Nga. Vai trò lập quy phạm pháp luật chủ yếu thuộc về các nhà lập pháp (kể cả cấp liên bang và cấp bang). Tổng thống và một số cơ quan hành pháp cũng có vai trò này tuy nhiên chỉ là thứ yếu. Đôi điều về hệ thống văn bản pháp luật đã được tác giả đề cập ở các phần trên và xin phép không nhắc lại ở phần này.
Ngoài văn bản pháp luật, ngày nay trong sự giao thoa của các nền văn hóa dưới tác động mạnh mẽ của hội nhập và toàn cầu hóa, ở nước Nga vai trò của các nguồn khác cũng đã dần dần được khẳng định. Một trong số đó đang được bàn đến đó là tiền lệ pháp.
Người Nga đã bắt đầu nhìn nhận vai trò của tiền lệ pháp trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật, tuy nhiên việc áp dụng nó như thế nào hay tên gọi nó ra sao cho phù hợp... vẫn là những vấn đề đang được tranh luận sôi nổi của giới khoa học. Hầu như người Nga không thích dùng từ án lệ hay tiền lệ pháp bởi những cái đó chẳng phù hợp chút nào với văn hóa và truyền thống pháp luật của họ. Nước Nga vẫn tin rằng có thêm một sự bổ sung từ phía tòa án thực chất sẽ tốt hơn - đó là một sự bổ sung cho pháp luật, một sự thực tiễn hóa, sự sinh động hóa pháp luật vốn rất trừu tượng và đôi khi khó hiểu theo phong cách luật Châu Âu lục địa. Chính vì thế thay vào việc dùng hai thuật ngữ trên, trong khoa học pháp lý Nga xuất hiện thuật ngữ "thực tiễn xét xử" (судебная практика). Thực tiễn xét xử khác với án lệ ở chỗ nó không phải lúc nào cũng là phán xét của tòa án cấp cao đối với vụ án cụ thể được dùng để giải quyết các vụ án có tình tiết tương tự, mà đôi khi nó cũng chỉ là một hướng dẫn của Tòa án tối cao liên quan đến việc áp dụng thống nhất pháp luật cho một số hoặc một tình huống cụ thể phát sinh trong thực tiễn. Đôi khi nó cũng là một bản án cụ thể của Tòa tối cao và được khuyến cáo dùng cho việc giải quyết các vụ việc có nội dung tương tự về sau, tuy nhiên không mang tính chất bắt buộc. Một trong những vấn đề gây tranh luận là thực tiễn xét xử của Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga. Trên thực tế các phán quyết của Tòa án Liên bang có giá trị bắt buộc đối với các tòa án nói chung trên toàn Liên bang Nga và trong khi xét xử các vụ án cụ thể đương sự có thể dẫn nguồn tới phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang. Đặc biệt những quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang về việc công nhận những văn bản luật hoặc sắc lệnh của Tổng thống cũng như các văn bản có chứa quy phạm pháp luật của một số cơ quan khác trái Hiến pháp lại có một khả năng rất đặc biệt -  thay đổi hoặc triệt tiêu các quy phạm pháp luật. Việc thực tiễn xét xử có được công nhận hay không vẫn còn tranh luận trong giới khoa học, tuy nhiên trên thực tế việc áp dụng rất sáng tạo "tiền lệ pháp" đã và đang làm rất tốt công việc của luật - điều chỉnh, bảo vệ các quan hệ pháp luật.
Bên cạnh những loại nguồn nêu trên, ở Nga có thêm hai loại nguồn pháp luật nữa mà việc công nhận nó hầu như không gây tranh cãi trong giới luật học - đó là điều ước quốc tế và tập quán pháp.
Như là một loại nguồn luật, trong giai đoạn hiện nay vị thế của điều ước quốc tế ngày càng được khẳng định. Việc tham gia vào các tổ chức quốc tế, tích cực hợp tác song và đa phương để khẳng định sự hội nhập tìm kiếm cơ hội phát triển đất nước đã nâng cao vai trò của điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật nước Nga. Hầu hết các điều ước quốc tế (tuyên ngôn, công ước, hiệp ước, hiệp định song và đa phương...) có hai con đường trở thành nguồn của pháp luật Nga. Thứ nhất là con đường nội luật hóa, nghĩa là ban hành một văn bản nội luật chứa nội dung tương tự điều ước quốc tế; và thứ hai, áp dụng nguyên điều ước quốc tế như là một nguồn luật chính thống.
Tập quán pháp ở Nga có một lịch sử rất đáng tự hào. Ngoài những bộ cổ luật đầu tiên, người Nga chủ yếu áp dụng tập quán trong điều chỉnh quan hệ xã hội. Trước cách mạng tháng Mười thì có đến 80 % tập quán pháp đã được sử dụng trong điều chỉnh lĩnh vực luật tư ở Nga.[36] Chính vì thế mà sau khi thành lập nhà nước công nông đầu tiên, mặc dù không mặn mà lắm với tập quán pháp nhưng những người cộng sản Nga vẫn cho phép dùng tập quán pháp như là một nguồn pháp luật chính thống. Trong các điều 8 và 77 của Bộ luật đất đai năm 1922 của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô viết Nga đã cho phép người nông dân được sử dụng tập quán pháp trong các quan hệ liên quan đến đất đai của mình. Hiện nay ở Liên Bang Nga tập quán pháp vẫn được coi là nguồn luật. Chẳng hạn như trong điều 5 của Bộ luật dân sự hiện hành của Liên Bang Nga cho phép các thương nhân trong hoạt động kinh doanh được phép dùng các tập quán thương mại để giải quyết những vấn đề phát sinh ngay cả khi các tập quán thương mại đó không được quy định trong các văn bản pháp luật của nhà nước. Mặc dù vậy, tập quán pháp cũng không phải là một nguồn luật có vai trò quan trọng trong điều chỉnh các quan hệ pháp luật như là nguồn luật chính thống. Tuy nhiên do ở Nga có nhiều sắc tộc và tôn giáo khác nhau nên có rất nhiều phong tục, tập quán vẫn điều chỉnh các quan hệ xã hội, mặc dù nó không được công nhận như là nguồn luật chính thống. Chẳng hạn các nghiên cứu chỉ ra rằng ở Nga, đặc biệt là ở vùng tiếp giáp Trung Á và Nam Á, rất nhiều tập quán vẫn được người dân áp dụng như "nợ máu phải trả bằng máu". Các dân tộc như Chesnia, Dagestan, Ingusetia... vẫn cho rằng nếu một người giết một người thì người khác phải đền mạng mới công bằng, nếu thủ phạm trốn chạy thì người đền mạng phải là con cái, bố mẹ hoặc anh em của thủ phạm. Những hủ tục ép hôn, tảo hôn, đa thê, gia trưởng vẫn được áp dụng nhiều nơi trong nước Nga. Mặc dù chính quyền cho rằng những hủ tục đó cần bị ngăn cấm, nhưng do vấn đề luôn là nhạy cảm bởi nó liên quan đến các loại văn hóa khác nhau nên nhiều khi chỉ dùng lại ở những hình thức tuyên truyền. Như vậy có thể thấy những tập quán được công nhận là nguồn chính thức của pháp luật Liên bang Nga thì chủ yếu vẫn là các tập quán liên quan đến thương mại, còn rất nhiều các tập quán, phong tục tuy không được công nhận nhưng vẫn hàng ngày hàng giờ điều chỉnh các quan hệ xã hội ở mỗi vùng miền khác nhau và tạo nên một đặc trưng của văn hoa pháp luật nước Nga.
Tòa án và thực tiễn xét xử: Khi nghiên cứu về hệ thống tòa án và thực tiễn xét xử ta sẽ có một cái nhìn đa chiều và toàn diện về đặc trưng văn hóa của một đất nước. Như trên đã phân tích, cho đến tận nửa cuối thế kỷ XIX nước Nga chưa có một hệ thống tòa án theo đúng nghĩa của nó. Người Nga khi ấy không thể nào phân biệt nổi tòa án khác cảnh sát hay các cơ quan hành chính ở chỗ nào. Như vậy có thể thấy trong phần lớn chiều dài của lịch sử quan niệm về tòa án và vai trò của nó ở nước Nga không khác là mấy so với các quan niệm ở các nước phương Đông. Hiện nay nước Nga có một hệ thống tòa án tương đối hoàn chỉnh. Trong hệ thống tòa án bảo hiến có Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga và các Tòa án bảo hiến của các chủ thể Liên bang. Các tòa án này về cơ bản độc lập với nhau và có nhiệm vụ bảo vệ mỗi bản hiến pháp khác nhau. Ngoài hệ thống tòa bảo hiến, ở Liên Bang Nga có hệ thống xét xử chung bao gồm: Tòa án tối cao, tòa án cấp chủ thể, tòa án cấp quận và tương đương. Một đặc trưng khác là ở Nga có một loại tòa án xét xử chung nhưng không thuộc tòa án của liên bang mà là thuộc biên chế của chủ thể liên bang. Loại tòa án này gọi là tòa án khu vực. Thường thì trong một quận tùy vào dân số có thể có một hoặc vài tòa khu vực nhằm giải quyết các vụ án nhỏ (cả hình sự, dân sự, hành chính...). Ngoài hệ thống tòa án xét xử chung ra, ở Nga còn có hệ thống tòa trọng tài. Hệ thống tòa này biệt lập hẳn khỏi hệ thống tòa án xét xử chung với một bộ máy và chức năng riêng biệt. Hệ thống này cũng bao gồm ba cấp. Cấp cao nhất là Tòa trọng tài cấp cao Liên bang Nga, sau đó đến các tòa trọng tài vùng (gồm một vài chủ thể) và cuối cùng là tòa trọng tài của chủ thể liên bang.
Với những cải cách quyết liệt thì gần đây vai trò của tòa án ngày càng được nâng cao, tòa án về cơ bản là hệ thống cơ quan độc lập và người dân ngày càng tin tưởng vào tòa án như là một cơ quan bảo vệ công lý. Thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời, được trả lương rất cao và được đảm bảo an ninh cá nhân và gia đình để đảm bảo sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh rằng, Nga không hẳn là một quốc gia mà ở đó vì hai con gà đánh nhau người ta cũng ra tòa. Nếu ở phần phía tây của lãnh thổ Nga người ta có thể chiêm nghiệm một chút sự uy nghiêm và công bằng của tòa án, thì ở các vùng Viễn Đông hoặc tiếp giáp Trung Á người dân lại có vẻ không coi trọng tòa án cho lắm. Ở đó nếu cần ra tòa thì các bên vẫn thường quan niệm rằng nên gặp thẩm phán trước thì mọi việc sẽ tốt hơn.
Như vậy với những thành công trong công cuộc cải cách tư pháp, nước Nga đang có hệ thống tòa án phát triển và ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống. Tuy nhiên người ta vẫn có quyền quan ngại về sự công bằng của các vị thẩm phán khi mà trong những năm gần đây người dân và giới chính trị bàn tán về những vụ xét xử có vẻ mang nhiều mầu sắc chính trị như vụ án liên quan đến nhà tài phiệt dầu mỏ Khodokovski hoặc các vụ kiện liên quan đến bầu cử. Những quan ngại đó ngày càng trở nên sâu sắc khi quyền lực ngày càng bị tập trung hóa trên vũ đài chính trị nước Nga.
Khoa học pháp lý và đào tạo luật:
So với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước Tây Âu, khoa học pháp lý Nga phát triển muộn hơn. Rene David đã dẫn chứng cho thấy cho đến tận nửa cuối thể kỷ XIX nước Nga chưa có sách về khoa học pháp lý.[37] Trong gần một thế kỷ dưới thời kỳ Xô Viết khoa học pháp lý Nga đã có nhiều bước phát triển. Tuy nhiên do ảnh hưởng của tư tưởng phục vụ giai cấp, phục vụ chính trị và không có được sự đa nguyên luận về tư tưởng cũng như vai trò của pháp luật không được đánh giá cao trong xã hội, sự phát triển của khoa học pháp lý Xô Viết không có nhiều bước đột phá.
Ngày nay nhờ đa nguyên luận về tư tưởng và tự do ngôn luận, ở Nga khoa học pháp lý đã có sự phát triển vượt bậc. Các trung tâm đào tạo luật đã trở thành các trường phái luật khác nhau với nhiều công trình nghiên cứu rất giá trị. Trong một trung tâm đào tạo luật (cấp khoa) hàng năm có khoảng 5đến 6 loại tạp chí khoa học pháp lý phát hành với vài nghìn công trình công bố, ngoài ra còn có rất nhiều công trình trên các tạp chí cấp liên bang và quốc tế.[38]
Do sự tác động tích cực từ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học pháp lý và ảnh hưởng bởi yếu tố thời đại, đào tạo luật ở Nga hiện nay ngày cang phát triển. Nhu cầu học luật ngày càng trở nên cấp thiết trong giới trẻ. Chính vì điều đó mà ở Nga hiện nay ngoài số lượng sinh viên đỗ vào đại học không phải trả học phí theo hạn ngạch của Bộ giáo dục và khoa học cấp, các trung tâm đào tạo luật thường phải mở thêm hệ đào tạo trả tiền để đáp ứng nhu cầu nhân dân. Mức học phí thường là cao nhất so với học phí cho các chuyên nghành đào tạo khác ở bậc đại học và sau đại học.
Như vậy, nhìn nhận dưới góc độ khoa học pháp lý và đào tạo luật ở Nga hiện nay có thể nhận thấy quan niệm cũng như vai trò của pháp luật trong nhân dân cũng đã thay đổi rõ rệt. Người dân nhận thấy pháp luật cần cho chính cuộc sống của họ. Mặc dù đó là một nhu cầu khách quan của cuộc sống và có thể không gắn với quan niệm, thái độ chủ quan của người dân đối với pháp luật, nhưng dù sao đi chăng nữa đó cũng là một tín hiệu cho thấy pháp luật ở một góc độ nào đó đang đi vào cuộc sống và đang rất cần cho cuộc sống của người dân.
Tóm lại, qua những phân tích ở trên có thể thấy nền văn hóa pháp luật Nga dưới tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau từ các điều kiện địa lý tự nhiên cho đến các đặc trưng lịch sử, tôn giáo, dân tộc... đã làm lên một nền văn hóa pháp luật rất đặc trưng của nước Nga. Khó có thể nói pháp luật nước Nga "tốt hơn" pháp luật nước nào đó mà chỉ có thể nói rằng "nó chẳng kém cạnh nước nào" như tuyên bố của đương kim thủ tướng Nga V. Putin. Âu cũng là điều dễ hiểu, bởi khi pháp luật là một thành tố của văn hóa thì sự "tốt" hay "không tốt" của pháp luật phải đem ra xem xét trong mối tương quan với các đặc trưng cũng như điều kiện sinh tồn khác của dân tộc đó. Dù nói thế nào đi chăng nữa, theo thiển ý của tác giả, văn hóa pháp luật của nước Nga là một nền văn hóa pháp luật đặc trưng cũng như chính vị trí của nước Nga mà ở đó luôn có sự giằng co, hay chính xác hơn, là sự giao thoa giữa hai nền văn hóa lớn – giữa phương Đông và phương Tây.








[1] Давид Р., Жоффре-Спинози К. Основные правовые системы современности.  Перевод с франц. Туманова. М., 1998. С. 118 (Rene David, Spinoze K. Những hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới, Bản dịch tiếng Nga của Tumanov, Matxitcơva 1998. tr. 118.) (Tiếng Nga)
[2] Glendon M., Gordon M., Osakwe Ch. Op. cit. P. 268.
[3] http://www.ifldgpu.narod.ru/tgp27.htm
[4] Bogdan M. Comparative Law. Kluwer, 1994. P. 83.
[5] Марченко М.Н. Правовые системы современного мира. Учебное пособие. Изд. Зерцало. М. 2008 Стр. 295 (Marchenko M.N. Những hệ thống pháp luật của thế giới hiện đại. NXB Zersalo, M. 2008 Tr. 295)
[6] Cụ thể xem:  http://ru.wikipedia.org/wiki/правовая культура
[7] Xem thê:  http://ru.wikipedia.org/wiki/правовая культура
[8] Nhà thờ củ hành là một kiến trúc độc đáo một sự kết hợp tài tình kiến trúc Á và Âu - một biểu tượng cho nền văn hóa nước Nga
[9] Ví dụ như: Kliuchepski O.P., Trebiusheva-Dmitrieva A., Sobina I.Iu, Phillipov, Chereminskaya V.V và nhiều học giả khác
[10]  Sobina I.Iu. Sự ảnh hưởng của luật Byzantine tới sự phát triển của luật hôn nhân gia đình của nước Nga// tạp chí Xã hội và pháp luật số 8/2009 tr. 30 hoặc xuất bnr phẩm của nhà nghiên cứu người Nga về Byzantine Vasinlevski V.G. Luật pháp của những người bảo vệ tượng thánh // Tạp chí khoa học của Bộ giáo dục của nước Nga. Phần CXCIX năm 1878.
[11] Sắc luật về Quân Đội, Hình Binh (Воинский Устав и Воинские артикулы)
[12] Căn cứ trên tư liệu lịch sử này một số học giả đã cho rằng hệ thống pháp luật Nga hiện nay giống với hệ thống pháp luật Hà Lan. (Xem bài viết của Nguyễn Minh Tuấn trên: http://tuanhsl.blogspot.com/2009/02/common-law-va-civil-law.html/ tại Phần 1: Hệ thống pháp luật châu Âu lục địa)
[13] Давид Р., Жоффре-Спинози К. Основные правовые системы современности.  Перевод с франц. Туманова. М., 1998. С. 312 (Rene David  Những hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới, Bản dịch tiếng Nga của Tumanov,, Matxitcova 1998. tr. 312.) (Tiếng Nga)
[14] Давид Р., Жоффре-Спинози К.  указ. соч., С. 60 ( Rene David, Spinoze K. Sđd,  Tr. 60. (Tiêng Nga)
[15] Hãng thông tấn báo chí nổi tiếng của Liên Bang Nga
[16] http://vz.ru/news/2011/9/23/524757.html
[17] Kjell A Modeer, Comparative legal Cultures-A Reader in Comparative legal History, Lund University, Faculty of Law, P. 277.
[18] Kjell A Modeer. Sđd. P. 277
[19] Kjell A Modeer. Sđd. P. 278
[20] Комаров С. А. Общая теория государства и права: учебник. 7 изд. СПб.: Питер,2008. C.362 (Kamarov S.A. Lý luận chung về nhà nước và pháp luật. Tái bản lần thứ 7, NXB. ĐHTHQG Sant-Peterburg, 2008. tr. 362).
[21] Алексеев С.С., Корельский В.М., Перевалов В.Д. Теория государства и права. Учебник для юридических вузов и факультетов. Москва, Изд: Норма-Инфра, 1999.С. 223-227. (Alexeiev S.S., Korelski B.M., Perevalov B.D. Lý luận chung về nhà nước và pháp luật. Giáo trình dành cho các trường luật và khoa luật. Matxitcova, Nxb. Norma-Infra, 1999. Tr. 223-227)
[22] Có thể tìm hiểu thêm về những quan điểm khác nhau của các nhà khoa học Nga về khái niệm Hệ thống pháp luật trongchương I, Luận án tiến sỹ luật học Mai Văn Thắng  về Hệ thống pháp luật Việt Nam và vấn đề hiện đại hóa (Tiếng Nga)
[23] Российское государство и правовая система: современное развитие, проблемы, перспективы / под ред. Ю.Н. Старилова. Воронеж, 1999. - С. 309 (Nhà nước và hệ thống pháp luật Nga: hiện trạng, những vấn đề và tương lai. Chủ biên Ui. N. Starilov, Nxb. Varonezh, 1999 Tr. 309.)
[24] Давид Р., Жоффре-Спинози К.  указ. соч., С. 60 ( Rene David, Spinoze K. Sđd,  Tr. 60. (Tiêng Nga)
[25] Давид Р., Жоффре-Спинози К.  указ. соч., С. 125 ( Rene David, Spinoze K. Sđd,  Tr. 125. (Tiêng Nga))
[26] Берман Г. Дж. Западная традиция права: эпоха формирования. – М., 1994 – С. 15 (Berman G.DTruyền thống pháp luật phương Tây: thời kỳ hình thành. - Matxitcova, 1994. Tr. 15(Tiêng Nga))
[27] Соловьёв В. Сочинения.  Т. 1, М., 1988. – С. 450. (Soloviov V., Toàn tập, tập 1, Matxitcova 1988. Tr. 450 )
[28] http://tuanhsl.blogspot.com/2010/12/tuong-ong-va-khac-biet-giua-nha-nuoc-va.html (Bài viết: Tương đồng và khác biệt giữa nhà nước và pháp luật Đông và Tây)
[29] Mới đây việc thay đổi Hiến pháp Liên Bang Nga liên quan đến gia tăng thời gian nắm quyền của Tổng thống từ 4 lên 6 năm cũng khẳng định thêm điều này.
[30] http://rus.ruvr.ru/2011/10/10/58440747.html
[31] Коротких М.Н., Правовая культура российского общества: векторы развития // Вестник Курского государственного университета. Серия Права. 2010. Стр. 30-45. (Korotkix M.N., Văn hóa pháp luật Nga: vectơ của sự phát triển, Tạp chí Khoa học của Đại học tập hợp quốc gia Kursk, chuyên san Pháp luật 2010, Tr. 30-45)
[32]Давид Р., Жоффре-Спинози К.  указ. соч., С. 125 ( Rene David, Spinoze K. Sđd,  Tr. 125. (Tiêng Nga)
[33] Xem thêm: Rene David, Sđd. tr. 125
[34] Давид Р., Жоффре-Спинози К.  указ. соч., С. 118 ( Rene David, Spinoze K. Sđd,  Tr. 118. (Tiêng Nga)
[35] Cụ thể xem thêm: 1) Glendon M., Gordon M., Osakwe Ch. Op. cit. P. 268.; 2) Bogdan M. Comparative Law. Kluwer, 1994. P. 83.;  3) Саидов А.Х. Введение в сравнительное правоведение. М., 1988. С. 48–60 (Saidov A.X. Dẫn nhập luật so sánh, M. 1988. Tr. 48-69 (Tiếng Nga)).


[36] Xem thêm: http://lawguard.net/pravovoy-obychay-kak-istochnik-prava-3.html
[37] Давид Р., Жоффре-Спинози К.  указ. соч., С. 125 ( Rene David, Spinoze K. Sđd,  Tr. 125. (Tiêng Nga)
[38] Ví dụ như Khoa Luật Đại học tổng hợp quốc gia Varonhet hàng năm có 5 loại tạp chí khác nhau với số lần phát hành 2 lần trong năm và đăng khoảng từ 2-3 ngàn công trình nghiên cứu, ngoài ra còn đăng ở rất nhiều tập chí chuyên ngành của Bộ hoặc các trung tâm nghiên cứu khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.