TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN
I. Bối
cảnh hình thành
Xã
hội học pháp luật như là một trường phái pháp luật hoàn chỉnh được hình thành
vào nửa đầu thế kỷ XX. Tư tưởng xã hội học pháp luật được nhen nhóm và hình
thành ở Tây Âu, nhưng lại trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ.
Vào
cuối thể kỷ XIX giới luật học đã nhìn thấy sự bất hợp lý trong các lý thuyết về
pháp luật. Với nhiều người khái niệm pháp luật mà trường phái pháp luật thực
chứng (legal positivism),[1]
trường phái được coi là thịnh hành nhất vào thời điểm đó, đưa ra không thể phản
ánh hết được nội dung cũng như chức năng của pháp luật. Theo họ, pháp luật
không chỉ là hệ thống quy tắc sử xự do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm
bảo bằng cưỡng chế nhà nước. Họ không phủ nhận tính quy phạm hình thức của pháp
luật, tuy nhiên, nếu chỉ hiểu pháp luật là như vậy sẽ không phù hợp và khó có
câu trả lời chính xác cho nhiều vấn đề hóc búa đang hình thành trong xã hội
như: những mẫu thuẫn và xung đột đang xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội
dân sự, về mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội, làm thế nào để bảo đảm pháp
chế, trật tự pháp luật, hoặc bẳng phương pháp luận hình thức của pháp luật thực
chứng thì khó thể đưa ra những luận cứ cho sự xuất hiện, tồn tại và phát triển
của nhà nước pháp quyền… Trên tất cả, pháp luật theo quan điểm thực chứng là
pháp luật chết, “pháp luật trên sách vở”, tách rời khỏi xã hội, trừu tượng khó
hiểu, không phản ánh được nhu cầu, ý nguyện và lợi ích của xã hội và như vậy
pháp luật không thể hiện đúng chức năng vốn có của nó. Pháp luật, với họ, không
đơn giản chỉ là những quy phạm trừu tượng trong các văn bản luật.
Từ
những lý giải đó đã xuất hiện trường phái xã hội học pháp luật. Những đại biểu
tiêu biểu của học thuyết này cần phải kể đến R. Iering, E. Erlich, R. Pound, M.
Weber, Đ. Frank, G. Kantorovich, S.A. Muromsev, E. Young…
II.
Quan
niệm pháp luật của các nhà tư tưởng xã hội học pháp luật
1.
Tư
tưởng của R.Iering
Người
đầu tiên đã thử kết hợp lý thuyết xã hội học và nghiên cứu các vấn đề pháp luật
và nhà nước để giải thích cho những mâu thuẫn kể trên là nhà luật học người Đức
R. Iering (1818 - 1892).
R.
Iering phát hiện ra thuyết “luật học của những nhu cầu” để đem đối lập với
“luật học của những khái niệm”. Trong cuốn sách “Mục đích của pháp luật”[2]
R. Iering đã thổi vào pháp luật và nhà nước hơi thở của xã hội, chứng minh sự
tồn tại của nó bằng các phương pháp xã hội học. Khái niệm trung tâm của thuyết
R. Iering chính là khái niệm “lợi ích” (interest) được thể hiện trong pháp
luật.
Theo
quan điểm của R. Iering, pháp luật không thể chỉ là “những quy tắc mang tính
bắt buộc của nhà nước, được bảo đảm bởi nhà nước”. Pháp luật, với ông, phải là
“hệ thống những mục đích xã hội được bảo đảm bởi sự cưỡng chế” hay “pháp luật
là tổng thể những điều kiện sống của xã hội được bảo đảm bởi cưỡng chế - bằng
quyền lực nhà nước”. Ông cho rằng sự hình thành pháp luật chính là kết quả của
cuộc đấu tranh giữa vô vàn những lợi ích khác nhau trong xã hội. Mỗi cá nhân
đều có mục đích là nhằm bảo vệ lợi ích riêng của mình và cố gắng để lợi ích đó
được ghi nhận và nhà nước bảo vệ, tuy nhiên họ cũng cố gắng để dung hòa lợi ích
chung và phấn đấu sao cho lợi ích riêng và lợi ích chung đều được pháp luật bảo
vệ. Với ông “mục đích (mục đích bảo vệ lợi ích - MVT) chính là nhà sáng lập ra
luật pháp” chứ không phải nhà nước và luật pháp là “sự biểu hiện các lợi ích
chung”.
Tuy
nhiên, R. Iering cũng thừa nhận rằng, trên thực tế pháp luật không phải lúc nào
cũng phản ánh được lợi ích của toàn xã hội. Pháp luật, với ông, không tồn tại
và phát triển một cách hòa bình và tuần tự như ngôn ngữ hay văn hóa mà ở đó
luôn có sự đấu tranh.[3]
Không thể có pháp luật mà không có đấu tranh, cũng giống như không thể có tư
hữu tài sản nếu con người không lao động. Đấu tranh là bản chất của pháp luật.
Nhưng ông cho rằng, tính chất đấu tranh của pháp luật trong xã hội hiện đại
không còn là đấu tranh của các giai cấp, sự đổ máu của những cuộc đấu tranh của
các giai tầng trong xã hội để có thể ghi nhận và bảo vệ quyền lợi của mình, của
giai cấp mình vào trong luật, mà theo ông bản chất pháp luật đã khác nên tính
chất của đấu tranh đã khác. Giờ đây cũng là đấu tranh nhưng đấu tranh chống vi
phạm pháp luật, đấu tranh bảo vệ những nguyên tắc pháp luật mới đó là nguyên
tắc xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền. Tại sao lại như vậy? Bởi đơn giản là
vì pháp luật hiện đại là pháp luật mà ở đó đã có sự công bằng, bình đẳng trước
pháp luật của tất cả mọi người.
Như
đã nói, với R. Iering đấu tranh vì quyền lợi (quyền lợi đã được ghi nhận trong
pháp luật - MVT) khỏi những vi phạm luôn là thuộc tính của xã hội hiện đại.
Chính vì vậy, người ta luôn cần có nhà nước, bởi nhà nước là công cụ giúp họ
bảo vệ quyền lợi của mình một cách thỏa đáng nhất. Nhưng nhà nước không có tính
giai cấp mà với ông “nhà nước chính là xã hội với sức mạnh cưỡng chế”, “nhà nước
là một xã hội có tổ chức và có quyền lực”. Từ quan điểm này, có thể thấy, ông ủng hộ một
nhà nước có sức mạnh, có quyền lực thực sự. Bởi chỉ khi nhà nước có sức mạnh
thật sự thì mới có năng lực và uy tín bảo vệ trật tự pháp luật đã được thiết
lập, một trật tự mà ở đó pháp luật là biểu hiện của lợi ích xã hội. Ông đã từng
thừa nhận “Một nhà nhà nước mà ở đó có sự bất lực của quyền lực là cái tội chết
người của nhà nước ấy, cái tội không thể được tha thứ… Một nhà nước như thế thì
thà không có có lẽ còn tốt hơn”. Nhà nước mạnh, theo ông, không có nghĩa là nhà
nước trên tất cả, mà cũng chỉ là công cụ mạnh để bảo vệ lợi ích. Nhà nước cũng
phải nằm dưới trật tự đã được xác lập và chỉ như thế mới bảo vệ được sự trường
tồn của pháp luật.
Như
vậy, với thuyết “pháp luật của những lợi ích” và khái niệm trung tâm của nó là
“mục đích” R. Iering đã thổi vào thời đại một luồng tư tưởng mới, quan niệm mới
một quan niệm rất xã hội của pháp luật.
2.
Tư
tưởng của E. Erlich
Một
đại diện khác của trường phái xã hội học pháp luật là nhà xã hội học người Áo
E. Erlich. Cũng giống như R. Iering, E. Erlich không phủ nhận quan điểm cho
rằng pháp luật là những quy phạm của nhà nước, nhưng theo ông luật[4]
không phải là nguồn duy nhất của pháp luật. Ngoài luật ra pháp luật còn có
những nguồn khác như ý thức pháp luật của thẩm phán, ý thức pháp luật của xã
hội…
E.
Erlich là người sáng tạo ra thuyết “luật
tự do”. Theo ông “luật tự do” là luật sống, luật được làm nên bởi chính
cuộc sống. Trong cuốn sách “Cơ sở của xã hội học pháp luật” mà ông viết vào năm
1913 ông đã đưa ra thuyết “Pháp luật sống
của các liên minh” trong đó ông nhấn mạnh tính đa nguyên của pháp luật và
cho rằng tòa án và cơ quan hành chính cũng cần có được cái tự do lập pháp. Khái
niệm “ pháp luật sống” (living law) xuất phát từ quan điểm khi ông
cho rằng trong mỗi tổ chức hay sự liên kết của con người (mà ông gọi là liên
minh) (bộ lạc, gia đình, công ty, hội đoàn, công xã…) đều tồn tại một trật tự
tự thân, cái trật tự do họ tự làm được gọi là các thỏa thuận, hợp đồng hay quy chế
hoặc là các tên gọi khác. Nhưng nó khác quy định trong luật nhà nước là ở chỗ
nó do các liên minh của con người tự làm nên và nó luôn có một trật tự khiến
người ta tự nguyện tuân thủ. Vì vậy, theo E. Erlich nền tảng và bản chất của
pháp luật nên tìm trong chính xã hội. Phương pháp tìm kiếm tốt nhất đó là trực
quan: quan sát cuộc sống, hành vi của con người, nghiên cứu tập quán, các giấy
tờ trong thực thi pháp luật…
Để
lập luận cho quan điểm “pháp luật sống” của mình E. Erlich chỉ ra rằng, trong
khoa học pháp lý đã đưa ra khái niệm chưa đúng, chưa khoa học về pháp luật.
Khái niệm pháp luật mà người ta dùng lâu nay là hạn hẹp và không đúng, bởi nó
chỉ phản ánh các hoạt động và quy định thủ tục cho ứng xử của công quyền. Điều
đó làm cho pháp luật rất hạn chế. Theo ông, cuộc sống và hành vi của con người
là do tập quán đời sống xã hội điều khiển chứ không phải do quan tòa điều khiển,
vì vậy còn có một loại pháp luật rộng hơn nhiều, nó đang tồn tại trong mỗi tổ
chức, liên minh và suy rộng ra là thực tiễn xã hội. Chỉ pháp luật ấy mới sinh
động và giúp con người giải quyết tất cả các mâu thuẫn phát sinh trong xã hội.
Cũng theo E. Erlich nhà làm luật không làm ra luật mà chỉ phát hiện ra luật mà
thôi.
3.
Tư
tưởng của R. Pound
Như
đã nói, trường phái xã hội học pháp luật mặc dù xuất hiện ở châu Âu nhưng lại trở
nên phổ biến ở Mỹ. Một trong những học giả góp phần phổ biến cái gọi là “pháp
luật trong hành động” phải kể đến R. Pound – luật gia nổi tiếng, nguyên Hiệu
trưởng Trường Luật thuộc Đại học Harvard, Mỹ.
Cũng
giống như E. Erlich, R. Pound nhận thấy nghiên cứu sự phát sinh, tồn tại, phát
triển hay hiệu quả của pháp luật cần phải đặt trong mối liên hệ với các hiện
tượng xã hội khác. Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm trong các nghiên cứu của R.
Pound là cách hiểu của ông về tính chất công cụ của pháp luật. Trong công trình
khoa học lớn nhất của mình – Sách “Pháp luật” gồm 5 tập, ông nhấn mạnh việc
nghiên cứu pháp luật trên phương diện hành động và chức năng nhưng từ quan điểm
triết học thực dụng. Chủ nghĩa thực dụng coi mọi tri thức là khoa học và xuất
phát từ thực tiễn. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả nếu tri thức không gắn liền với
thực tiễn. Xuất phát từ quan điểm đó R. Pound nghiên cứu hệ thống luật nhưng
trong hành động và gắn với những mục đích xã hội.
Trong
nghiên cứu của mình, R. Pound nêu vấn đề về mâu thuẫn giữa tính ổn định của
trật tự pháp luật với sự cần thiết thay đổi trong pháp luật, mà chính lý thuyết
pháp luật nảy sinh ra là để giải quyết vấn đề này. Trung tâm của lý thuyết pháp
luật của ông chính là thực tiễn pháp luật, quản lý tư pháp và quản lý hành
chính. Tuy nhiên, ở mức độ nhất định điều này lại mâu thuẫn với các nhu cầu chung
nhất của thời đại và của xã hội, đặc biệt là nhu cầu xây dựng pháp luật một
cách có chủ định. Để giải quyết vấn đề này R. Pound đưa ra ý tưởng “luật tự
nhiên tương đối”. Quan điểm của ông là kết hợp cách tiếp cận thực dụng với cách
tiếp cận chức năng. “Xu hướng là đem phân tích xem các chuẩn mực pháp luật vận
hành ra sao và làm thế nào để xây dựng các chuẩn mực ấy để đạt được kết quả còn
hơn là ngồi để phân tích nội dung trừu tượng của nó. Vì lẽ đó cần thiết phải
nghiên cứu mục tiêu của pháp luật. Chức năng là nhằm đạt mục tiêu”.[5]
Từ xuất phát điểm đó ông kêu gọi “Chúng tôi kêu gọi sự hỗ trợ của triết học,
đạo đức học, chính trị học, xã hội học giúp chúng tôi giải quyết các vấn đề mà
chúng tôi xem là các vấn đề của luật học. Cần phái nghiên cứu pháp luật trong
tất cả các quan hệ của nó như một giai đoạn chuyên biệt của của cái theo chủ
nghĩa rộng là khoa học về xã hội”.[6]
Theo
quan niệm của R. Pound pháp luật không phải chỉ là những gì nằm trên giấy. Từ ý
tưởng “luật tự nhiên tương đối” toát ra hàm ý của ông là, luật có tính chất tự
nhiên tương đối bởi nó là các định đề xuất phát từ nhu cầu lợi ích cụ thể của
xã hội trong thời kỳ nhất định. Thực chất, nền móng của các định đề cần xây
dựng cho pháp luật nằm ở các nhu cầu, lợi ích thực sự của con người trong xã
hội nhất định. Theo ông, các nhà luật học cần phải xuất phát từ các ham muốn,
lợi ích, nhu cầu thực tế của con người và pháp luật luôn có một mục đích là làm
sao để thỏa mãn một cách tối đa các nhu cầu ấy. Ông nói “Nhà tư tướng pháp luật cần phải rời bỏ chiếc ghế tháp ngà để “đo đạc”
các nhu cầu thực tế và lợi ích thực tế”, cần phải suy nghĩ về pháp luật như
là một thiết chế xã hội để phục vụ nhu cầu xã hội.
Cũng
cần nhấn mạnh rằng, trong tư tưởng của R. Pound pháp luật cũng được coi là
“công cụ kiểm soát xã hội” là công cụ làm hài hòa và thỏa hiệp các lợi ích. Theo ông, pháp luật là “một hình thức kiểm soát
xã hội đặc biệt trong một xã hội đã có hình thức tổ chức chính trị ở bậc cao”.[7]
Vì vậy, ông cũng dành phần nhiều thời gian để nghiên cứu cái gọi là các “vấn đề
về lợi ích trong pháp luật” bởi ông cho rằng vấn đề này là sự đảm bảo hữu hiệu
và an toàn nhất cho tất cả các nhu cầu của cá nhân cũng như xã hội. Trong các
công trình của mình R. Pound cũng chỉ ra rằng vấn đề kiểm soát xã hội dù thế
này hay thế khác có liên quan mật thiết đến sự điều tiết, phối hợp hành vi ứng
xử hay mối tương tác xã hội của công dân, vì vậy trong luật học ông đưa ra
thuật ngữ mà ông cho rằng hoàn toàn phù hợp mà ông gọi là “Kỹ sư xã hội” (social
engineering). Ông gọi những người thực hiện pháp luật chính là các
“kỹ sư xã hội” bởi họ là những người đảm bảo sự thỏa hiệp và hài hòa các lợi
ích xã hội.
Ngoài
ra, “kỹ sư xã hội” là một phạm trù mà theo ông có thể loại trừ được sự can
thiệp của nhà nước vào lĩnh vực tư nhân cũng như lợi ích tư. Có thể nói đây là
tư tưởng mà thông qua đó ông cũng phản ánh sự không đồng tình với chính sách
kinh tế kế hoạch tập trung và phi tự do hóa trong kinh tế đang được nhiều nước
áp dụng thời đó.[8]
Có
thể thấy rằng, trong quan điểm của R. Pound pháp luật có mục đích là đạt được
sự thỏa hiệp giữa cá nhân và xã hội, còn về chức năng – pháp luật có sứ mệnh
điều tiết và làm hài hòa xã hội.
4.
Tư
tưởng của M. Weber
Một
trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng đến học thuyết xã hội học pháp luật còn
phải kể đến M. Weber – nhà xã hội học, kinh tế học, chính trị học và luật học
người Đức.
Với M. Weber,
luật pháp có liên quan tới một “bộ máy cưỡng chế” (coercive apparatus),
mục đích của bộ máy này là buộc mọi người phải tuân theo các chuẩn mực của cộng
đồng hay tổ chức. Những chuẩn mực pháp lý có thể được bảo đảm thi hành bởi nhà
nước và các yếu tố (tổ chức) xã hội khác, tuy vậy, nhà nước khác với tất cả các
tổ chức khác ở chỗ nó giữ vai trò độc quyền về khả năng “cưỡng chế bằng bạo
lực”. Nhưng theo Weber, động lực thúc
đẩy người ta tuân thủ các chuẩn mực không phải chỉ do có bộ máy cưỡng chế.
Trong số ba loại hình lý tưởng về quyền lực và về nhà nước,
Weber coi nhà nước có bộ máy hành chính là loại nhà nước phát triển nhất vì nó
có một “trật tự pháp lý” bao gồm các qui phạm mang tính chất duy lý. Weber coi sự phát triển của
luật pháp là một quá trình tiến hóa từ tính phi duy lý sang tính duy lý (tức là
quá trình duy lý hóa). Ở đây, tính duy lý pháp lý (legal rationality) có
nghĩa là một hệ thống các qui phạm mang tính chất nhất quán và lôgíc. Còn tính
phi duy lý pháp lý (legal irrationality) có nghĩa là sử dụng những
phương tiện khác ngoài lôgic hay lý trí để xử lý các vấn đề hay để phán quyết
các vụ án. Theo Weber, loại hình hệ thống pháp luật luôn luôn phù hợp và tương
thích với loại hình tổ chức chính trị tổng quát của một xã hội.
5.
Tư tưởng E. Durkheim
Bàn đến trường phái xã hội học pháp luật cũng cần phải nói đến
Emile Durkheim – nhà xã
hội học người Pháp.
E. Durkheim đã dùng khái niệm “đoàn
kết xã hội” (social solidarity) – là khái niệm cơ bản trong xã hội học để lý giải cho pháp
luật. Ông cho rằng pháp luật có một quá trình tiến hóa. Trong các xã hội cổ
xưa, người ta gắn bó với nhau bằng sự “đoàn
kết cơ học” (mechanical solidarity), nghĩa là một sự liên kết dựa
trên sự đồng nhất về văn hóa, vị thế xã hội, còn trong xã hội hiện đại con
người lại gắn bó với nhau bằng sự “đoàn
kết hữu cơ” (organic solidarity) - dựa trên sự phân công lao động,
tính đa dạng và sự khác biệt. Luật pháp trong các xã hội cổ xưa chủ yếu mang
tính chất trừng phạt để xử
lý các hành vi sai trái, còn luật pháp trong các xã hội hiện đại thì chủ yếu
mang tính chất tạo dựng và phục hồi công lý nhằm mục đích điều chỉnh lại, sửa
lại những điều sai trái trong điều kiện “đoàn kết hữu cơ”.
III. Kết
luận
Như vậy, dù thế này hay thế khác trong quan niệm của nhiều nhà
tư tưởng thuộc trường phái xã hội học pháp luật có thể thấy nổi lên những điểm
cơ bản sau:
Thứ nhất, Phân biệt luật pháp (luật thực định, văn bản) và pháp luật.
Pháp luật không chỉ là những quy phạm do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận mang
trong đó ý chí của nhà nước và được “gói” trong một dạng văn bản nào đó, mà
pháp luật được hình thành trong cuộc sống, trong thực tiễn, trong hành vi của
con người, xã hội. Pháp luật không phải là những gì trong tự nhiên, cũng không
chỉ là những gì nằm trong văn bản mà pháp luật biểu hiện ở thực tiễn cuộc sống
là sự thực hiện luật pháp trong cuộc sống;
Thứ hai, pháp luật được hiểu là các hành vi pháp lý, thực tiễn pháp luật,
trật tự pháp luật, thực hiện pháp luật… Pháp luật chính là hành vi thực tế của
chủ thể quan hệ pháp luật. Pháp luật theo trường phái này cũng còn được gọi là
“pháp luật sống” (living law);
Thứ ba, khẳng định vai trò của thẩm phán trong quá trình tạo lập “pháp
luật sống”. Chính thẩm phán trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình đã góp
phần “bù đắp” luật pháp. Khi đưa ra các phán quyết hay quyết định, thẩm phán
đang đóng vai trò là chủ thể lập pháp.
Thứ tư, pháp luật có mục đích và chức năng tạo sự đồng thuận và hài hòa
của xã hội. Pháp luật phải là công cụ điều tiết và thỏa hiệp lợi ích trong xã
hội.
Thứ năm, pháp luật được bảo đảm thực hiện không chỉ bởi cưỡng chế nhà
nước mà còn các biện pháp xã hội khác. Do tính chất của pháp luật là phản ánh
nhu cầu và lợi ích của xã hội, của người dân, phản ánh thực tiễn cuộc sống nên
các các biện pháp xã hội khác lại là động lực cho sự tuân thủ pháp luật.
Từ
những phân tích tư tưởng nêu trên, có thể thấy trường phái xã hội học pháp luật
đã tiếp cận pháp luật ở cái đích cuối cùng, cái giá trị thực của pháp luật – đó
chính là thực tiễn cuộc sống. Các nhà tư tưởng xã hội học pháp luật đã coi nội
dung quan trọng của pháp luật đó chính là các quan hệ xã hội, là quan hệ thực
tiễn và cũng chính họ đã góp phần làm cho sự năng động, tự chủ, tự quản của xã
hội qua đó hạn chế sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào đời tư, đời sống xã
hội.
Tuy
nhiên, theo thiển ý của tác giả, với những quan niệm nêu trên thì ranh giới
tính hợp pháp hay bất hợp pháp của hành vi trở lên khó định. Nếu coi thực tiễn,
thực hiện pháp luật cũng chính là luật thì đôi lúc thực hiện pháp luật không
biết là đúng luật hay chống luật?
Cũng
biết rằng, việc công nhận vai trò sáng tạo pháp luật của thẩm phán và những nhà
chức trách có thẩm quyền là một trong những thành công khi có thêm được sự “bù
đắp” kịp thời cho những “khô cứng”, “trừu tượng” và thiếu hụt của luật pháp,
nhưng ở góc độ nào đó cũng tạo ra nguy cơ lạm quyền từ những thẩm phán và nhà
chức trách đó…
Có
thể còn có nhiều những tranh luận, nhưng, theo tác giả, những đóng góp của các
nhà tư tưởng theo thuyết xã hội học pháp luật đã tạo ra bước đột phá trong quan
niệm về pháp luật. Nó góp phần khẳng định sự đa nguyên về quan niệm pháp luật
tạo nên sự đa dạng trong quan niệm về pháp luật vốn bị coi là “cứng nhắc”, “quy
chụp”… Pháp luật giờ đây được tiếp cận từ chính thực tiễn cuộc sống sinh động,
là sản phẩm cũng như công cụ của xã hội để điều hòa lợi ích xã hội. Thiết nghĩ,
đó cũng là một trong những giá trị thực của pháp luật và chính những nhà tư
tưởng thuộc trường phái xã hội học pháp luật đã giúp chúng ta nhận thức sâu sắc
hơn về điều đó.
Tài
liệu tham khảo
1. Kulcsar Kalman
(Đức uy biên dịch), Cơ sở xã hội học pháp luật, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1999,
tr. 40.
2. Ngọ Văn Nhân, Xã
hội học pháp luật. Nxb. Tư pháp, 2010, 352 trang.
3. Võ Khánh Vinh,
Về những nội dung cơ bản của xã hội học pháp luật, Tạp chí Nhà nước và pháp
luật số 10 (126) 1998.
4. Phạm Tất Dong,
Lê Ngọc Hùng (Đồng chủ biên), Xã hội học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội 2007.
5. Cited in James M. Donovan, Legal
Anthropology: An Introduction (Lanham:
Altamira Press, 2008) at 7.
6. Sách “Mục đích
của pháp luật” ”Quyển 1 xuất bản năm 1872
7. Nguyễn Duy Lãm
(Chủ biên), Sổ tay thuật nhữ pháp lý thông dụng, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996.
8.
Блюдина У.А.
Петражицкий и Полская школа социалогии // Государство и право, 2004.
9.
Варчук В.В.
Социалогия права – отрасль социалогии // Социс.1996, №.10.
10.
Кудрявцев В.Н.,
Казимирчук В.П., Современная социалогия права, Москва, 1995.
* Khoa Luật – Đại
học Quốc gia Hà Nội.
[1] Theo trường
phái này: Pháp luật chỉ đơn thuần là
những quy tắc xử sự có giá trị ràng buộc do cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc
thừa nhận (Xem thêm: http://en.wikipedia.org/wiki/Legal_positivism)
[2] Sách “Mục đích
của pháp luật” ”Quyển 1 xuất bản năm 1872
[3] Xem thêm sách
“Đấu tranh vì pháp luật” của R. Iering
[4] Luật ở đây được
hiểu theo nghĩa là văn bản do Nhà nước ban hành (là văn bản quy phạm pháp luật
của nhà nước)
[5] Dẫn theo:
Kulcsar Kalman (Đức uy biên dịch), Cơ sở xã hội học pháp luật, Nxb. Giáo dục,
Hà Nội, 1999, tr. 40.
[6] Dẫn theo: Kulcsar Kalman, Sđd, tr. 42.
[7]
Cited in James M. Donovan, Legal
Anthropology: An Introduction (Lanham:
Altamira Press, 2008) at 7
[8] Trong đó ông thể hiện sự không đồng tình cả
với chính sách kinh tế “New Deal” của Tổng thống Franklin
D. Roosevelt
trong thời kỳ Đại khủng hoảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.