Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Bàn về pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế

 Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN

Mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế luôn là đề tài nhận được sự quan tâm lớn của luật học, bởi nó có ý nghĩa không chỉ đối với khoa học pháp lý mà còn đối với thực tiễn áp dụng pháp luật
Trước hết, khi bàn về mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế cho đến nay về cơ bản có hai thuyết: thuyết Nhị nguyên luận (Dualism) và thuyết Nhất nguyên luận (Monism).
Thuyết Nhị nguyên luận cho rằng pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia là hai hệ thống hoàn toàn riêng biệt, bởi chúng có chủ thể khác nhau, phạm vi điều chỉnh khác nhau.[1]

 Ngược lại với quan điểm của Nhị nguyên luận, những người theo quan điểm Nhất nguyên luận cho rằng không thể có hai hệ thống pháp luật tồn tại song song và biệt lập với nhau mà chỉ có một: đó là chỉ có hệ thống pháp luật quốc gia hoặc hệ thống pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, khi giải quyết vấn đề này, thuyết Nhất nguyên luận lại chia thành hai hướng trái ngược nhau: luật pháp quốc gia chỉ là một bộ phận của luật pháp quốc tế  (khẳng định tính ưu việt của luật quốc tế) và, ngược lại, luật pháp quốc tế thật ra chỉ là một bộ phận của luật quốc gia (khẳng định tính ưu việt của pháp luật quốc gia).[2]
Ngoài hai học thuyết trên, còn một số tư tưởng khác liên quan đến mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, không nên khẳng định sự độc lập tuyệt đối của pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế bởi trên thực tế không thể có sự tách bạch tuyệt đối và không ảnh hưởng, liên hệ lẫn nhau giữa hai hệ thống này. Ngoài ra, đòi hỏi một sự vượt trội của luật quốc gia lên trên luật quốc tế đó cũng là sự đòi hỏi không hợp lý.[3]
Cũng có quan điểm cho rằng, pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế thật ra là hai cấu trúc của hệ thống pháp luật quốc gia. Trong hệ thống pháp luật của một quốc gia bao giờ cũng bao gồm các quy phạm pháp luật quốc gia và các quy phạm pháp luật quốc tế (được quốc gia thừa nhận và thực thi). Trong khi đó vẫn tồn tại một hệ thống pháp luật quốc tế bao gồm các nguyên tắc được thừa nhận chung, các quy phạm pháp luật quốc tế các điều ước quốc tế khác mà chưa trở thành một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật quốc gia.[4]
Ở Việt Nam hiện nay, vấn đề xác định mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế có vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh đẩy mạnh tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa. Trong hệ thống pháp luật của Nhà nước cũng như các văn kiện của Đảng cũng đã phần nào phản ánh mối quan hệ này.
Trước hết phải kể đến năm 2001 Việt Nam gia nhập Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước. Trên cơ sở điều 26 của Công ước  này,[5] trong Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam năm 2005 đã khẳng định "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên" (khoản 6 điều 3) và “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ược quốc tế ”(khoản 3 điều 6).
Như vậy, có thể nhận thấy, trong mối quan hệ với pháp luật quốc gia thì những quy định của công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì có vị trí ưu việt hơn trong quá trình áp dụng. Điều này cũng được khẳng định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.[6]
Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, dù được công nhận ưu việt hơn, song để ký kết, gia nhập một điều ước quốc tế và có giá trị bắt buộc đối với Việt Nam thì trước hết điều ước đó cần phải được thẩm định kỹ càng để không trái với những quy định của Hiến pháp cũng như đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phù hợp với lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.[7] Ngoài ra, sau khi ký kết, tham gia nếu có phát hiện việc thực hiện điều ước quốc tế có nguy cơ làm tổn hại lợi ích quốc gia, các nguyên tắc Hiến định thì theo quy định của pháp luật Việt Nam có quyền tạm định chỉ, từ bỏ, chấm dứt hoặc bảo lưu điều ước quốc tế đó.
Một trong những vấn đề liên quan đến mối liên hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế thể hiện ở việc chuyển hóa những quy định của pháp luật quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia để áp dụng. Hiện nay, về cơ bản có hai hình thức chuyển hóa pháp luật: chuyển hóa trực tiếp và chuyển hóa gián tiếp.
Chuyển hóa trực tiếp là khi quốc gia thừa nhận và cho phép áp dụng một cách trực tiếp các quy định trong điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên và trong quá trình áp dụng các chủ thể có thể viện dẫn một cách trực tiếp các quy định trong điều ước quốc tế đó. Trong trường hợp này, điều ước quốc tế là nguồn pháp luật độc lập.
Từ sau khi gia nhập WTO hình thức chuyển hóa trực tiếp được áp dụng mạnh mẽ ở Việt Nam. Trong rất nhiều lĩnh vực liên quan đến thương mại quốc tế, sở hữu trí tuệ, thuế quan... đã được pháp luật Việt Nam cho phép viện dẫn trực tiếp các điều ước quốc tế.
Chuyển hóa gián tiếp là khi quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật để chuyển hóa nội dung của điều ước quốc tế vào nội luật. Ví dụ, trong Luật bình đẳng giới  năm 2006 của Việt Nam có nội dung chuyển hóa quy định của Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), hay trong các Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam có nhiều quy định được cho là chuyển hóa từ các Công ước BERN về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật, Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Hiệp định thương mại Việt-Mỹ...
Mai Văn Thắng








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.