Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Buôn chuyện với người học: Bàn thêm về Mối quan hệ giữa Hiến pháp, Đạo luật và Pháp quyền

TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN

Không hiểu sao cho đến tận bây giờ tôi vẫn có một ý niệm rằng, Hiến pháp và "Đạo luật cơ bản của Nhà nước" không phải là một.
“Đạo luật” là văn bản do nhà nước, mà chính xác hơn là (thông thường là) do cơ quan lập pháp ban hành. Đây thường là cơ quan dân cử, tuy nhiên không phải ở đâu cũng vậy. Thiết chế này có thể đại diện cho lợi ích của quảng đại dân chúng, nhưng cũng có thể là không, nhưng có điều chắc chắn rằng, đạo luật luôn có hiệu lực bắt buộc. Khi nói đến “luật” là nói đến những quy định bắt buộc và có cơ chế đảm bảo cho sự tuân thủ, thực thi. Luật Bóng đá và các luật chơi khác cũng vậy, kể cả luật tục của các cộng đồng. Nhưng nói đến “Đạo luật” là nói đến một loại luật đặc biệt - văn bản với những quy định có tính chất nhà nước và được đảm bảo bằng quyền lực nhà nước. Đạo luật luôn là sản phẩm của hoạt động quyền lực nhà nước. Dự luật có thể xuất phát từ sáng kiến của ai đó, thiết chế nào đó, nhưng nó phải được cơ quan lập pháp thông qua theo quy trình thì mới trở thành đạo luật.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Đôi điều về Khoản 1, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014

Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN

Có lẽ không cần bàn luận nhiều khi nói rằng, Luật Doanh nghiệp 2014 là Đạo luật của tinh thần “Tự do kinh doanh” và “Mọi người được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”. Nhiều điểm mới, tiến bộ của Đạo luật này đã được bàn luận rất nhiều trong thời gian qua. Từ chuyện loại bỏ quy định bắt buộc ghi ngành nghề kinh doanh khi đăng ký kinh doanh, tới việc cho phép đa đại diện doanh nghiệp, tự quyết định con dấu, nội dung, hình thức con dấu, hay những quy định không bắt buộc phải họp tại cùng một địa điểm… đã chứng minh cho tinh thần mới và tiến bộ của Luật này.
Tuy vậy, bên cạnh những vấn đề như quá “rùa bò” trong hướng dẫn chi tiết thi hành luật… thì còn một vấn đề nhỏ tôi muốn đề cập đến ở đây đó là quy định tại Khoản 1, Điều 4 của Luật.
Theo quy định tại Khoản này, “cá nhân nước ngoài” được hiểu là “người không có quốc tich Việt Nam”. Không biết những quy định này có tiến bộ và đem lại lợi ích như thế nào, nhưng theo quan điểm của tôi thì quy định đó rất dễ gây nhầm lẫn dù không hoàn toàn sai (Bởi luật có thể giải thích hẹp lại như vậy trong khuôn khổ áp dụng luật đó)

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Giới thiệu sách “Phương pháp nghiên cứu, viết luận văn, luận án ngành Luật”

Sách tham khảo:
“Phương pháp nghiên cứu, viết luận văn, 
luận án ngành luật”, NXB.ĐHQGHN, 2015
Đồng Chủ biên: 
PGS.TS Vũ Công Giao, 
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh. 



Ngày 6/6/2015 Bộ môn Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật và Bộ môn Hiến pháp – Hành chính, Khoa Luật – ĐHQGHN, dưới sự hỗ trợ của Alpha Books, Viện Chính sách công và pháp luật (IPL) và Luật sư Nguyễn Hưng Quang, đã tổ chức Hội thảo tập huấn về Phương pháp nghiên cứu, viết luận văn, luận án ngành luật. Sau Hội thảo, dưới sự giúp đỡ của Trung tâm Kinh doanh xuất bản và phát hành sách thuộc NXB. ĐHQGHN cuốn sách tham khảo này đã được xuất bản.
Đây là cuốn sách xuất bản dưới dạng sách tham khảo rất có ý nghĩa với những ai muốn học luật và nghiên cứu luật. Đặc biệt, trong cuốn sách có nhiều những bài viết có giá trị về những quy tắc trích dẫn, đạo văn và phương pháp tiếp cận nghiên cứu khoa học của các trường Luật nổi tiếng trên thế giới như của ĐH Harvard, Bộ quy tắc Bluebook, Bộ quy tắc của ĐH Oxford, ĐH Chicago... Ngoài ra, trong sách còn có một sô bài viết mang tính chất trải nghiệm trong quá trình nghiên cứu luật học, những bài viết chia sẻ về các quy định hiện hành của ĐHQGHN về cách thức, yêu cầu đối với luận văn, luận án.
Chủ biên: PGS.TS Vũ Công Giao, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh. 
Các tác giả: PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh; GS.TS. Nguyễn Đăng Dung; ThS. Nguyễn Thuỳ Dương; TS. Mai Hải Đăng; ThS. Nguyễn Anh Đức; PGS.TS. Vũ Công Giao; PGS.TS. Nguyễn Phú Hải; TS. Nguyễn Huy Hoàng; NCS. Trần Kiên; Maleiha Malik; GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế; TS. Bùi Ngọc Sơn; TS. Nguyễn Minh Tâm; GS.TS. Phạm Hồng Thái; TS. Nguyễn Bích Thảo; TS. Phạm Thị Duyên Thảo; TS. Mai Văn Thắng; TS. Bùi Hải Thiêm; TS. Đặng Minh Tuấn; TS. Nguyễn Minh Tuấn; TS. Nguyễn Tiến Vinh; GS.TSKH. Đào Trí Úc.
Mời các bạn quan tâm tìm đọc (tại Khoa Luật - ĐHQGHN)!

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

Lobby ở Liên bang Nga và những gợi mở cho Việt Nam


TS. Mai Văn Thắng
 Khoa Luật-ĐHQGHN

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo
"Vận động chính sách công trên thế giới 
và ở Việt Nam" do Viện IPL tổ chức tháng 8/2015

Ở Việt Nam, cho đến nay,"Lobby" vẫn là một thuật ngữ bị mang "tiếng xấu" nhiều hơn là "tiếng tốt". Nhưng, dù xấu hay tốt, nó vẫn đã và đang hiện hữu ở mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Hội thảo với tiêu đề trên là một trong những buổi toạ đàm khoa học hết sức có ý nghĩa và thú vị mà tôi từng tham gia. Tại Hội thảo này, có nhiều nhà khoa học, nhà chính trị, nhà hoạt động xã hội đã nói và viết rất thẳng thắn, nhưng cũng không ít người được cho là đã tiếp cận theo cách mà chúng ta thường gọi là "Nói gió để làm động lòng mây".  
Về phần mình, do còn non trẻ nên tôi xin được mon men theo cách tiếp cận thứ hai nói trên. Khi bắt tay vào tìm hiểu nhiều hơn về hoạt động lobby ở Nga, tôi mới nhận thấy, hình như cả trong quá khứ và ngay ở hiện tại chúng ta đã và đang có cái gì đó giống họ. Từ bài học lịch sử và kinh nghiệm hiện tại của nước Nga, mong rằng chúng ta sẽ minh định cho mình cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả về hoạt động vận động chính sách ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Tư vấn ngoài giờ cho sinh viên: "Bàn thêm về Quân chủ và Phong kiến, giá trị của nền Quân chủ trong thế giới hiện đại"

TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN

Trong lúc giảng về hình thức nhà nước, tôi có cảm nhận, nhiều bạn sinh viên có vẻ ngạc nhiên và chưa hiểu lắm, vì sao trên thế giới hiện đại ngày nay “mà” vẫn còn nhiều “chính thể Quân chủ” đến thế.  Tôi cũng cảm nhận rằng, hình như có bạn còn nhầm lẫn giữa hai khái niệm “Quân chủ” và “Phong kiến”. ..
Do thời gian trên lớp ít ỏi, cũng có thể là do cần “chạy đua” với chương trình hoặc vài lý do khác nữa, nên tôi mạn phép dùng diễn đàn này để “câu thêm” chút thời gian nhằm tư vấn thêm cho các bạn sinh viên. Do đây chỉ là sự trao đổi theo kiểu hỏi - trả lời nên nếu có gì không đúng (kể cả văn phong) hoặc kiến thức chưa được chuẩn mong các bạn  thông cảm và góp ý qua email hoặc gặp trực tiếp để tôi được tiếp thu, trao đổi hoặc có những giải trình về quan điểm của mình.

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

Làng xã và "dân chủ" ở làng xã trong truyền thống và lịch sử Việt Nam

TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN
 Muốn tìm hiểu lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam thì phải tìm hiểu cộng đồng làng xã, và muốn xây dựng lại đất nước Việt Nam thì cũng phải bắt đầu bằng việc xây dựng lại cộng đồng làng xã. Vì không có làng xã Việt Nam thì không có quốc gia Việt Nam" 
- Vũ Đình Hòe - 

 Sinh ra từ làng nên tôi luôn "bị ám ảnh" bởi làng. Có lẽ vì thế mà dù đi được đây đó nhưng tầm mắt tôi vẫn không vượt khỏi chữ "Làng". Trong bài viết này, trên cơ sở lĩnh hội những tri thức, nghiên cứu của các bậc đại tiền bối trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tôi xin có đôi lời bình luận và qua đây cũng xin được bày tỏ mong muốn về những đổi mới trong quản trị địa phương sao cho vừa mang được hơi thở của các xu thế hiện đại, nhưng phải kế thừa những tinh túy của "Làng Việt" - những tinh túy mà không phải nơi nào trên thế giới này cũng dễ mà có được.
 Nghiên cứu về làng xã không phải là đề tài hay hướng nghiên cứu mới, mà đã có rất nhiều những công trình nghiên cứu về nó một cách công phu trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Tuy vậy, làng xã luôn là đề tài có tính hấp dẫn, có tính cấp thiết và giá trị cao, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách thể chế, dân chủ hóa và định hướng xây dựng tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay. Về ý nghĩa này, ông Vũ Đình Hòe, trong cuốn Hồi ký Thanh Nghị đã viết: “Muốn tìm hiểu lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam thì phải tìm hiểu cộng đồng làng xã, và muốn xây dựng lại đất nước Việt Nam thì cũng phải bắt đầu bằng việc xây dựng lại cộng đồng làng xã. Vì không có làng xã Việt Nam thì không có quốc gia Việt Nam”.[1]

Tản mạn về mối liên hệ và vai trò của chính quyền địa phương với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê, đi nhiều, được trải nghiệm cuộc sống ở nhiều địa phương và cũng được lắng nghe vô số những than phiền, cảm nhận nỗi bức xúc của người dân đối với các cấp chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở, tôi trộm nghĩ: có lẽ những nỗ lực cải cách ở cấp vĩ mô (cấp trên) là tốt, nhưng chưa đủ, chưa hiệu quả, mà phải đổi mới cả ở cấp vi mô - đổi mới một cách mạnh mẽ, triệt để và can đảm. Phải xây dựng lại mô hình quản trị địa phương kiểu mới thì mới có thể đảm bảo được sự phát triển bền vững, thực thi một cách nghiêm túc các quyền dân chủ của người dân.
Suy cho cùng, đối với mỗi người dân thì đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội, thiết lập thiết chế Hội đồng Bầu cử Quốc gia hay việc Chủ tịch nước, Thủ tướng...nhậm chức phải tuyên thệ... đều quan trọng và cần thiết. Nhưng, thiết nghĩ, đối với mỗi người dân, điều quan trọng hơn là phải giải quyết cho họ ngay và nhanh các câu hỏi, đại loại như: “đất của tôi sao các UBND xã lại tịch thu và bán đi?” “Hàng xóm nuôi 100 con heo nên rất ồn, hôi thối nồng nặc, ruồi muỗi nhiều sao các ông cán bộ xã không có ý kiến gì?”, “Sao trên 1 sào ruộng lại có tới 17-20 loại phí như vậy? Chi vào đâu, làm việc gì?”, “Sao đến thời vụ cấy rồi mà Ủy ban không cho cấy mà bắt dân phải cấy vào ngày A, ngày B nào đó để Ủy ban Tỉnh C, Huyện D về quay hình, kiểm tra và làm “Lễ xuống đồng” và để rồi lúa cấy muộn chết rét hàng loạt?”, “Cát tặc hoành hành, cán bộ ủy ban đi đâu?”... mới là quan trọng và cấp thiết hơn cả. Vì đó là cuộc sống thường ngày của họ,
Trộm nghĩ, Trung ương thì tốt, nhưng lại ở quá xa, còn chính quyền địa phương thì gần (về địa lý) nhưng mà lại xa vì chỉ biết có nhìn lên mà không trông xuống?! Làm sao để chính quyền ở địa phương phải thật sự gần dân, của dân, do dân và vì dân?!
Để trả lời cho những câu hỏi này, trước hêt, dưới đây tôi xin được phân tích đôi điều về mối liên hệ và vai trò của chính quyền địa phương (CQĐP) với việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân và qua đó cũng mong góp một chút ý kiến làm rõ hơn sự cần thiết phải đổi mới nền quản trị địa phương ở nước ta hiện nay.

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Declaration of the Rights of Man and of the Citizen




Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN

Đã vài lần đọc bản Tuyên ngôn này, nhưng mỗi lần đọc lại tôi lại phát hiện ra nhiều cái mới. Không hiểu tại sao, những thứ được làm ra cách đây đã vài thế kỷ mà đến bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự. Đọc và suy ngẫm để thấy rằng, mình còn kém cỏi quá, còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bằng họ vài trăm năm trước. Người Nga có câu "Muộn còn hơn không bao giờ". Câu này tỏ ra đúng với chúng ta hôm nay. 
Chẳng hạn, có những triết lý đơn giản thế này "Ở bất kỳ xã hội nào, mà trong đó quyền con người, quyền công dân không được bảo đảm và không có phân quyền, thì không có Hiến pháp" (Điều 16 Tuyên ngôn này), mà mãi đến hôm nay chúng ta mới lờ mờ nhận ra. Ấy thế mà vẫn có người quả quyết với tôi rằng, Hiến pháp và Đạo luật cơ bản của Nhà nước là giống nhau cơ đấy!
Trân trọng giới thiệu bản Tuyên ngôn này bằng tiếng Anh và tiếng Nga cho những ai quan tâm, gọi là có chút trách nhiệm xã hội trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục tinh thần pháp luật cho cộng đồng!