Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Đảm bảo sự độc lập tư pháp ở Liên bang Nga và một số gợi ý cho công cuộccải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay

Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
Nguồn: Tạp chí NCLP số 6 tháng 3 năm 2014


Tư pháp độc lập là điều kiện và cũng là đặc trưng cơ bản, phổ quát của nhà nước pháp quyền (NNPQ). Vì vậy, để xây dựng thành công NNPQ không thể không thiết lập những đảm bảo vững chắc cho một nền tư pháp độc lập. Nghị quyết số 49/NQ-TW ban hành năm 2005[2] đã khẳng định mục tiêu đúng đắn của Đảng xây dựng nền tư pháp độc lập trong NNPQ xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Để đảm bảo nền tư pháp độc lập, thì sự độc lập của tòa án với các cơ quan lập pháp, hành pháp, với hệ thống chính trị và chính quyền các cấp là điều kiện cần thiết. Tuy nhiên, để có nền tư pháp độc lập thật sự, trên hết và trước hết phải có những thẩm phán độc lập, bởi thẩm phán, chứ không phải tòa án, mới là người nắm giữ quyền tư pháp, nhân danh quyền lực và công lý để đưa ra phán quyết bảo vệ lẽ phải, sự thượng tôn của pháp luật, công bằng, trật tự xã hội.
Việt Nam và Liên bang Nga có nhiều điểm tương đồng trong lịch sử, có độ tin cậy chính trị cao với mối quan hệ chiến lược toàn diện đã được thiết lập.[3] Đặc biệt, với hàng chục năm nghiên cứu, tìm hiểu và chiêm nghiệm đời sống pháp luật nước Nga nói chung và nền tư pháp nói riêng, tác giả nhận thấy, ở đó trên thực tế đang vận hành một cơ chế tương đối hiệu quả đảm bảo sự độc lập của thẩm phán và đó là nguyên nhân chủ yếu góp phần tạo dựng quyền lực tư pháp độc lập trong NNPQ Liên bang Nga hiện đại. Chính vì những lẽ đó, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin được trình bày những kết quả khảo cứu cơ bản của mình về những đảm bảo cho sự độc lập của thẩm phán ở Liên bang Nga và trên cơ sở đó đưa ra một số gợi ý cho công cuộc cải cách tư pháp của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
1.     Những đảm bảo cho sự độc lập của thẩm phán ở Liên bang Nga hiện nay
a.     Đảm bảo bằng hệ thống những nguyên tắc pháp lý
Một trong những đảm bảo hữu hiệu cho sự độc lập của thẩm phán ở Liên bang Nga đó là hệ thống nguyên tắc pháp lý. Những nguyên tắc này được quy định trong Hiến pháp, Luật hiến pháp Liên bang[4]Về hệ thống tòa án của Liên bang Nga” năm 1996 và Luật Liên bang “Về quy chế thẩm phán ở Liên bang Nga” 1992 và được coi là những quy định cơ sở, nền tảng góp phần đảm bảo cho sự độc lập của thẩm phán.
Trước hết, là nguyên tắc phân quyền. Nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 10 của Hiến pháp Liên bang Nga (HP Liên bang Nga). Phân quyền không chỉ được hiểu là phân quyền giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp (phân quyền ngang) mà còn được hiểu cả việc phân định quyền lực giữa trung ương và địa phương (phân quyền dọc) và phân định quyền lực giữa hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước các cấp với người dân (lưu quyền).[5] Với mô hình phân quyền này, nền tư pháp của Liên bang Nga về cơ bản được đảm bảo sự độc lập với các nhánh lập pháp, hành pháp, với hệ thống chính quyền địa phương và hệ thống chính trị Liên bang Nga.
Nguyên tắc quyền xét xử chỉ thuộc về tòa án. Theo Khoản 1 Điều 118 của HP Liên bang Nga, tất cả các cơ khác mà không phải là tòa án đều không được phép thực hiện quyền xét xử. Cụ thể hóa nguyên tắc này của Hiến pháp, Điều 4 Luật hiến pháp Liên bang “Về hệ thống tòa án tại Liên bang Nga” năm 1996 quy định thẩm quyền xét xử ở Liên bang Nga chỉ được thực hiện bởi các tòa án được thành lập phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật hiến pháp Liên bang “Về hệ thống tòa án ở Liên bang Nga”. Việc thành lập các tòa án đặc biệt và các tòa án không đúng theo quy định tại Luật này đều bị cấm.
Nguyên tắc thẩm phán không thể bị bãi miễn. Theo Điều 121 HP Liên bang Nga, thẩm phán liên bang không thể bị bãi miễn và được bổ nhiệm suốt đời. Quyền hạn của thẩm phán chỉ có thể bị chấm dứt trên cơ sở các căn cứ được quy định bởi luật Liên bang. Cũng theo quy định tại các điều 14 và 15 Luật hiến pháp Liên bang “Về hệ thống tòa án ở Liên bang Nga” năm 1996, thẩm phán không thể bị thay thế hoặc chuyển sang một chức vụ khác nếu chưa có sự đồng ý của chính thẩm phán đó. Trong trường hợp vi phạm kỷ luật thì thẩm quyền của thẩm phán có thể bị tước bỏ theo quyết định của Hội đồng kỷ luật thẩm phán Liên bang. Quyết định này có thể bị kháng cáo lên cơ quan Giám sát kỷ luật của thẩm phán Liên bang.
Nguyên tắc bất khả xâm phạm của thẩm phán. Theo Điều 122 HP Liên bang Nga Thẩm phán bất khả xâm phạm và không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo trình tự khác với những quy định của pháp luật Liên bang. Nguyên tắc này được cụ thể hóa ở các điều 16 và 17 của Luật Liên bang năm 1992 “Về địa vị của thẩm phán”, theo đó, bất khả xâm phạm của thẩm phán được hiểu là sự bất khả xâm phạm về nhân phẩm, nơi ở, nơi làm việc, các phương tiện giao thông cá nhân cũng như công vụ, bí mật thư tín, điện thoại hoặc các hình thức trao đổi điện tử khác. Bất khả xâm phạm còn bao hàm cả thủ tục để truy cứu trách nhiệm thẩm phán được quy định rất chặt chẽ trong luật Liên bang.
Nguyên tắc mọi thẩm phán đều bình đẳng về địa vị pháp lý. Theo Điều 12 Luật hiến pháp Liên bang “Về hệ thống tòa án Liên bang” năm 1996, mọi thẩm phán đều bình đẳng với nhau về địa vị pháp lý. Giữa các thẩm phán chỉ khác nhau về chức năng và nhiệm vụ. Điều này không có nghĩa là tất cả mọi quyền lợi hay nghĩa vụ của mọi thẩm phán đều như nhau. Các thẩm phán đều có địa vị pháp lý, có vị thế và hệ thống những đảm bảo bình đẳng như nhau trong thực thi công vụ.
Nguyên tắc thẩm phán trung lập về chính trị. Đây là nguyên tắc được quy định cụ thể tại Điều 3 Luật Liên bang “Về địa vị thẩm phán ở Liên bang Nga”. Đây là nguyên tắc cần thiết và phù hợp nhằm đảm bảo sự độc lập, sự công tâm của thẩm phán ở đất nước với nền chính trị đa nguyên.
Ngoài ra còn nhiều các nguyên tắc hiến định khác khác như: Nguyên tắc nhân dân là nguồn gốc duy nhất của quyền lực (Điều 3); Nguyên tắc pháp quyền (Điều 1); Thẩm phán và tòa án độc lập chỉ tuân theo Hiến pháp, pháp luật và niềm tin cá nhân (Điều 120)[6]... Các nguyên tắc này là cơ sở, nền tảng góp phần đảm bảo cho sự độc lập của thẩm phán ở Liên bang Nga.
b.     Đảm bảo bằng mô hình hệ thống tòa án được thiết kế độc lập
Để mỗi thẩm phán độc lập thì một trong những yêu cầu cơ bản là phải có một hệ thống tòa án độc lập. Hiện nay, ở Liên bang Nga đã hoàn thiện hệ thống hai cấp độ tòa án độc lập với lập pháp, hành pháp, với hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và với chính các cấp tòa, các loại tòa án với nhau.
Ở cấp Liên bang có 03 hệ thống tòa án chức năng biệt lập với nhau: Tòa án Hiến pháp Liên bang; Hệ thống Tòa án thẩm quyền chung và Hệ thống tòa án kinh tế Liên bang. Ngoài tòa án Hiến pháp Liên bang, các hệ thống tòa án khác đều có các cấp tòa đặt ở các chủ thể Liên bang (nước cộng hòa, tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương... ) và thậm chí là ở các quận, huyện... Tuy nhiên, các tòa này được coi là đặt ở địa phương đó, còn trong tổ chức và hoạt động độc lập với chính quyền địa phương nơi tòa án đó đặt trụ sở.
Ở cấp Chủ thể có hai loại tòa án: Tòa án Hiến pháp của Chủ thể (hay Tòa án Hiến Chương)[7] và thẩm phán khu vực (còn gọi là tòa án khu vực). Tòa án Hiến pháp của Chủ thể được Chủ thể thành lập để bảo vệ Hiến pháp hoặc Luật Cơ bản của Chủ thể và tính cần thiết của nó do mỗi Chủ thể Liên bang tự quyết định. Thẩm phán khu vực (hay tòa án khu vực), khác với Tòa án Hiến pháp của Chủ thể, lại thuộc hệ thống tòa án có thẩm quyền chung. Tuy nhiên, về nhân sự, chi phí trang bị cho tòa án lại được quyết định bởi Chủ thể Liên bang. Mặc dù vậy, để đảm bảo sự thống nhất và bình đẳng về địa vị pháp lý, tất cả các thẩm phán, không phân biệt cấp Liên bang hay cấp Chủ thể Liên bang, đều được hưởng lương, thưởng từ ngân sách Liên bang cũng như các đảm bảo vật chất hay pháp lý khác.
Không chỉ có hai cấp tòa án. Ở Liên bang Nga, như đã nói, mỗi loại tòa án đều có hệ thống riêng và có thẩm quyền riêng độc lập với nhau. Hệ thống tòa án thẩm quyền chung xét xử những vi phạm và vụ việc, tranh chấp trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, lao động. Hệ thống tòa án kinh tế Liên bang xét xử những vụ việc, tranh chấp thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Tòa án Hiến pháp Liên bang thực hiện chức năng bảo hiến và các chức năng khác theo quy định. Các tòa án Hiến pháp (Tòa án Hiến Chương) của các Chủ thể thực thi nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp, Luật Cơ bản của Chủ thể tương ứng.
Đảm bảo sự độc lập của thẩm phán bằng hệ thống tòa án độc lập còn thể hiện ở việc thiết lập sự độc lập của mỗi đơn vị tòa án (cấp tòa) trong mối tương quan với chính hệ thống bên trong của mình. Chẳng hạn, cùng nằm trong hệ thống tòa án có thẩm quyền chung của Liên bang Nga, nhưng mỗi cấp tòa: Tòa án tối cao; các tòa án nước cộng hòa, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu, tỉnh tự trị... ; các tòa án quận, huyện... đều độc lập với nhau theo nguyên tắc tòa án cấp này này không phải là cấp dưới của cấp tòa kia và ngược lại. Mỗi cấp tòa có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền riêng và độc lập với nhau. Ở Liên bang Nga việc tòa án cấp này lấy vụ việc thuộc thẩm quyền của cấp tòa cấp khác để xét xử là điều cấm. Không thể có tranh chấp về thẩm quyền giữa các cấp tòa. Theo quy định của pháp luật Liên bang, một cấp tòa không thể bị xóa bỏ, chấm dứt hoạt động nếu thẩm quyền của nó chưa được chuyển giao cho tòa án khác theo quy định.
c.      Đảm bảo an ninh cá nhân, thân nhân thẩm phán
Đảm bảo tính mạng, sức khỏe, an ninh cá nhân của thẩm phán là sự đảm bảo cần thiết cho sự độc lập của thẩm phán. Theo lẽ tự nhiên, tính mạng, sức khỏe là cái quý nhất của mỗi con người. Với thẩm phán – người gác đền công lý nhưng lại luôn đối mặt với vô số hiểm nguy, thì an ninh của họ càng cần phải được bảo đảm. Và cũng chính bởi công việc đặc thù ấy, không chỉ có thẩm phán mà người thân của họ cũng là đối tượng dễ bị xâm hại nhất. Thực tế cho thấy, có những thẩm phán chấp nhận những nguy hiểm, nhưng khi những đe dọa, xâm hại được chuyển sang những người thân thiết thì rất ít thẩm phán có thể chấp nhận đánh đổi. Xét xử là công việc hàng ngày và khó có một thẩm phán có thể chấp nhận hi sinh an ninh, an toàn của tất cả người thân để bảo vệ công lý xã hội...
Ý thức được điều này, Liên bang Nga đã tạo lập được một hệ thống những đảm bảo an ninh tính mạng, sức khỏe không chỉ của thẩm phán mà còn của cả thân nhân thẩm phán.
Theo quy định của Luật Liên bang “Về các biện pháp của nhà nước nhằm bảo vệ thẩm phán, cán bộ, công chức cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra” năm 1995 và được triển khai trên thực tế từ đầu năm 2010,[8] và Chương trình mục tiêu quốc gia về “Phát triển hệ thống tư pháp ở Nga” nghĩa vụ đảm bảo an ninh nơi ở, nơi làm việc của thẩm phán được giao cho Cục hỗ trợ tư pháp thuộc Tòa án tối cao Liên bang (Судебный депертамент при Верховном суде РФ)  Cục Liên bang hỗ trợ tư pháp và thi hành án (Федеральная служба судебных приставов), các cơ quan thuộc Bộ Nội vụ (подразделения органов внутренных дел) và một số cơ quan khác. Theo đó, tại trụ sở làm việc của thẩm phán, phòng xét xử, phòng nghị án, nơi lưu giữ hồ sơ, chứng cứ vụ án phải được trang bị các thiết bị: hệ thống cửa quay; máy, cửa dò kim loại (bao gồm máy đặt tại cửa ra vào và máy cầm tay); hệ thống cảnh báo cháy và cảnh báo anh ninh được kết nối với trung tâm thông tin thuộc cơ quan nội vụ; hệ thống chữa cháy tự động đặc biệt tại nơi lưu trữ hồ sơ vụ án; nốt báo an ninh khẩn cấp lắp tại các phòng xử án, phòng làm việc của thẩm phán; camera theo dõi an ninh trong và ngoàì tòa nhà và các phạm vi phụ cận của tòa án.[9] [10] Ngoài những trang thiết bị này, kể từ năm 2010 trở đi lực lượng thường trực bảo vệ tòa án được chuyển giao từ lực lượng bảo vệ thuộc Bộ Nội vụ sang cơ quan chuyên nghiệp là lực lượng cảnh vệ của Cục Liên bang hỗ trợ tư pháp và thi hành án (Федеральная служба судебных приставов).
Để đảm bảo an ninh cá nhân của thẩm phán, theo Điều 5 và Điều 7 Luật Liên bang “Về các biện pháp của nhà nước nhằm bảo vệ thẩm phán, cán bộ, công chức cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra” năm 1995, mỗi thẩm phán có thể được trang bị vũ khí, áo, mũ chống đạn hoặc các trang bị bảo vệ cá nhân trong trường hợp khẩn cấp. Việc cấp vũ khí hiện được thực hiện theo đơn đề nghị của thẩm phán có tính đến tình hình thực tiễn, nguy cơ xâm hại an ninh của thẩm phán và tiến hành theo quy định của Luật Liên bang “Về vũ khí” năm 1996, Nghị định của Chính phủ Liên bang số 1575 ban hành ngày 18/12/1997 “Những quy định về cấp vũ khí cho thẩm phán bởi cơ quan nội vụ”.
Nơi ở của thẩm phán Liên bang Nga được lắp đặt thiết bị cảnh báo an ninh và kết nối với đơn vị nội vụ phụ trách bảo vệ an ninh theo nơi cư trú của mỗi thẩm phán. Thân nhân của thẩm phán được bảo vệ và được cung cấp đường dây nóng cảnh báo an ninh. Ngoài ra, thẩm phán, cũng như thân nhân của thẩm phán còn có thể được cơ quan chuyên trách thực hiện hàng loạt các biện pháp bảo vệ an ninh như: Tạm chuyển đến một nơi an toàn; chuyển sang công việc khác, nơi học tập khác hoặc chuyển chỗ làm, chỗ học, chuyển sang chỗ ở mới; thay đổi giấy tờ tùy thân hoặc thay đổi hình dạng bên ngoài.[11]
d.     Những đảm bảo về thu nhập, nhu cầu vật chất khác của thẩm phán
Thẩm phán không chỉ là nghề nguy hiểm mà còn là nghề có nhiều cám dỗ. Để những nhu cầu chính đáng về vật chất của thẩm phán không làm thay đổi sự thật của bản án, ở Liên bang Nga, nhờ những thành tựu về kinh tế trong những năm gần đây, hàng loạt chính sách đảm bảo thu nhập cũng như nhu cầu vật chất của thẩm phán đã được thực hiện.
Nhằm đảm bảo thu nhập của thẩm phán và xứng với địa vị cao quý của nghề nghiệp, theo quy định của Điều 11 Luật hiến pháp Liên bang “Về hệ thống tư pháp ở Liên bang nga”, năm 1996 thu nhập của thẩm phán ở Liên bang Nga được thống nhất đảm bảo từ nguồn ngân sách của toàn Liên và không thể bị cắt giảm trong suốt thời gian tại vị.[12]
Ngoài ra, nếu như trước đây, ở Liên bang Nga trong văn bản pháp luật có dùng từ "tiền công" ("заработная плата") thì từ năm 2010 với việc cải cách chế độ tiền lương, ở Nga từ "tiền công" được thay bằng "tiền lương thưởng" (денежное содержание и денежное вознаграждение). Việc thay thế từ ngữ không chỉ thể hiện sự thay đổi tư duy,[13] ghi nhận địa vị cao quý của thẩm phán mà còn thay đổi cơ chế trả tiền lương thưởng cho thẩm phán khác với hệ số lương của cán bộ, công chức khác trong hệ thống cơ quan nhà nước nói chung.[14]
Không chỉ được đảm bảo về thu nhập, thẩm phán còn được đảm bảo về chỗ ở cho những ai chưa đạt chuẩn về diện tích phòng ở. Nếu chưa được đảm bảo về chỗ ở, thẩm phán được bồi hoàn tiền thuê phòng ở riêng với diện tích tối thiểu là 20m2. Nếu đã có chỗ ở nhưng chưa đạt chuẩn về diện tích và có phòng biệt lập thì cũng được nhà nước hỗ trợ từ nguồn ngân sách liên bang. Cũng theo quy định của pháp luật Liên bang, thẩm phán và nhân thân của thẩm phán còn được hưởng các đảm bảo chăm sóc sức khỏe theo bảo hiểm y tế, được cấp thuốc miễn phí, hưởng các dịch vụ nghỉ dưỡng tại các khu nghỉ dưỡng, chữa bệnh theo quy định...[15] 
e.      Những đảm bảo khác
Ngoài những đảm bảo kể trên, để thực sự độc lập trong thực thi công vụ, thẩm phán còn được đảm bảo được bảo vệ bởi Hội đồng thẩm phán Liên bang Nga;[16]bị cấm nhận những danh hiệu, bằng cấp danh dự, huân, huy chương... của các tổ chức cá nhân khi chưa được phép; cấm ra nước ngoài bằng kinh phí của tổ chức, cá nhân khác; cấm tham gia các hoạt động khác ngoại trừ nghiên cứu khoa học và giảng dạy nhưng vẫn phải đảm bảo thực thi nhiệm vụ xét xử...
2.     Thực trạng bảo đảm sự độc lập của thẩm phán ở Việt Nam hiện nay và một số gợi ý
Cần phải khẳng định rằng, mỗi xã hội đều có những điều kiện sinh tồn khác nhau, vì vậy, việc lấy tiêu chuẩn, điều kiện của một xã hội này áp dụng vào xã hội khác đều duy ý chí và khó có thể cho kết quả như mong đợi. Tuy vậy, xuất phát từ quan điểm cho rằng, vẫn tồn tại những tiêu chuẩn mang tính phổ quát, nhất là những điều kiện cơ bản đảm bảo sự độc lập của thẩm phán trong thực thi công vụ, tác giả cho rằng, những biện pháp mà Liên bang Nga đã áp dụng và đặt trong bối cảnh kinh tế, chính trị Việt Nam, hoàn toàn có giá trị tham khảo, vận dụng hiệu quả.
Về thực trạng độc lập tòa án, thẩm phán ở Việt Nam hiện nay, trong khuôn khổ báo cáo này khó có thể trình bày tường tận. Nhưng, có thể khẳng định, nhờ sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình đổi mới, cải cách, các điều kiện cơ bản của nền tư pháp độc lập đã được xác lập. Các nguyên tắc tiến bộ, dân chủ của nền tư pháp hiện đại đã hiện diện trong tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án nước ta.[17]
Tuy vậy, vấn đề đảm bảo sự độc lập của thẩm phán ở nước ta vẫn chưa được quan tâm thích đáng như đáng ra nó phải có.
 Trước hết, đó là vấn đề hành chính hóa tư pháp: Ở Việt Nam, ở khía cạnh nào đó, tòa án cấp huyện được hiểu là tòa án cấp dưới của toàn án cấp tỉnh và ngược lại; Tòa án cấp trên có quyền lấy vụ việc của tòa án cấp dưới lên để xét xử trong một số trường hợp cần thiết; Chánh án tòa án của một cấp tòa có nhiều quyền lực trong điều động, biệt phái, luân chuyển... thậm chí là trong công tác thi đua, khen thưởng, phân công xét xử; Chánh án tòa án cấp tỉnh có nhiều quyền lực trong Hội đồng tuyển chọn thẩm phán cấp tỉnh và huyện; Vai trò của chính quyền, đoàn thể địa phương đối với việc lựa chọn, tái bổ nhiệm thẩm phán, hội thẩm nhân dân còn lớn...[18]
Một trong những thực trạng ảnh hưởng không nhỏ đến sự độc lập của thẩm phán đó là an ninh phiên tòa, an ninh cá nhân, thân nhân thẩm phán chưa thực sự được đảm bảo. Tòa án không được trang bị thiết bị bảo vệ cần thiết như máy dò kim loại, vũ khí, camera an ninh, lực lượng bảo vệ tòa án còn yếu và chưa chuyên nghiệp.[19] Thậm chí, còn có nhiều cấp tòa trụ sở, phòng xét xử còn phải đi thuê, mượn địa điểm. Tại nơi cư trú chưa có biện pháp đảm bảo an ninh cần thiết bảo đảm an ninh cá nhân và thân nhân thẩm phán.
Về thu nhập cũng như các đảm bảo nhu cầu vật chất khác của thẩm phán, về cơ bản, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Mặc dù đã có những điều chỉnh nhằm nâng cao thu nhập của thẩm phán như quy định tăng mức phụ cấp trách nhiệm, nâng cao mức bồi dưỡng phiên tòa,[20] tuy nhiên, thẩm phán vẫn chưa đảm bảo cuộc sống cho cá nhân và gia đình. Cho đến nay, có một thực tế là, nhiều thẩm phán vẫn còn đi thuê nhà, chưa đảm bảo được chỗ ở ổn định, an toàn.
Ngoài ra, việc bổ nhiệm thẩm phán theo nhiệm kỳ 5 năm, vai trò của hội thẩm nhân dân trong quá trình xét xử, chưa có tổ chức nghiệp đoàn riêng biệt bảo vệ quyền lợi, nói tiếng nói của thẩm phán... cũng là những yếu tố có tính chất đặc thù nhưng ít nhiều làm ảnh hưởng đến sự độc lập của thẩm phán.
Những vấn đề nêu trên thực tế chỉ là những tồn tại cơ bản nhưng đã và đang có những tác động không hề nhỏ lên những quyết định của thẩm phán trong quá trình thực thi công vụ bảo vệ công lý.
Trên cơ sở nghiên cứu những đảm bảo cho sự độc lập của thẩm phán ở Liên bang Nga, với mong muốn thực hiện hiệu quả hơn nữa công cuộc cải cách tư pháp, thiết nghĩ cần thiết phải xem xét một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh đổi mới mô hình tổ chức hệ thống tòa án theo hướng tòa án cần phải là một hệ thống độc lập thực thi quyền tư pháp sao cho trong tổ chức và hoạt động của mình, các tòa án độc lập với các cơ quan lập pháp, hành pháp, với chính quyền và hệ thống chính trị địa phương nơi tòa án đặt trụ sở. Về cơ bản, tác giả bày tỏ sự đồng tình với mô hình tổ chức tòa án tách khỏi đơn vị hành chính lãnh thổ như trong Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49/ NQ-TW, tuy nhiên, cần chú ý đến tính thực chất của sự độc lập về tổ chức và chức năng của các tòa án và các cấp tòa.
Thứ hai, hoàn thiện cơ sở pháp luật đảm bảo sự độc lập của thẩm phán. Hiện nay, trong hệ thống văn bản quy pháp pháp luật của nước ta không có một văn bản luật nào quy định về địa vị pháp lý, những đảm bảo pháp lý cũng như những biện pháp bảo vệ, quan tâm đến thẩm phán. Nếu có chăng chỉ là những văn bản dưới luật. Thật khó cho tòa án nếu vấn đề tài chính của tòa án, thu nhập thẩm phán,... lại được quyết định bởi Chính phủ hay các cơ quan thực thi quyền hành pháp khác.
Thứ ba, cần xác lập nguyên tắc – quyền xét xử chỉ thuộc về thẩm phán. Việc thành lập các tòa án đặc biệt hay “lấy án” lên trên cần phải được bãi bỏ để đảm bảo sự độc lập của tòa án nói chung và thẩm phán nói riêng.
Thứ tư, cải cách chế độ lương và đảm bảo vật chất khác cho thẩm phán. Thiết nghĩ việc dùng chế độ lương, thưởng theo mô hình cải cách ở Liên bang Nga như đã phân tích ở trên thay cho chế độ hệ số lương và phụ cấp trách nhiệm hay chế độ “bồi dưỡng” phiên tòa như hiện nay sẽ rất hợp lý. Thẩm phán cần phải có chế độ lương thưởng riêng để xứng đáng với địa vị cao quý và trách nhiệm nặng nề của họ. Thiết nghĩ, cần bỏ ngay chế độ “bồi dưỡng phiên tòa” bởi điều này dễ làm tầm thường hóa và thậm chí tạo cảm giác “chấm công” trong hoạt động đầy ý nghĩa – bảo vệ công lý. Thẩm phán không làm việc chỉ để được trả công mà nhà nước có nghĩa vụ thưởng bằng lương xứng đáng cho những cống hiến, địa vị cao quý và trách nhiệm nặng nề của họ. Ngoài ra, trong bối cảnh chính sách nhà ở xã hội hiện nay, việc có những chế độ đãi ngộ phù hợp về nhà ở cho những thẩm phán có nhu cầu bức thiết là điều cần thiết và hoàn toàn có thể thực hiện được.
Thứ năm, tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh cá nhân, an toàn tính mạng, sức khỏe cho thẩm phán và gia đình cũng như các biện pháp tăng cường an ninh trụ sở tòa án, phiên xét xử, nơi lưu giữ hồ sơ, tài liệu chứng cứ vụ án. Việc xem xét những giải pháp của Liên bang Nga, nhất là phân công lực lượng chức năng bảo vệ phiên tòa, tòa án, bảo vệ tư gia thẩm phán, hay trang bị cho thẩm phán nút bấm an ninh bỏ túi có kết nối với trung tâm cảnh báo an ninh... là những biện pháp không quá tốn kém và có thể thực hiện không mấy khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Thứ sáu, đổi mới cơ chế bổ nhiệm, sử dụng thẩm phán và mở rộng nguồn thẩm phán. Việc kéo dài thời gian bổ nhiệm lên 10 năm (thậm chí lâu hơn) hoặc bổ nhiệm suốt đời cũng là phương án tốt đảm bảo sự độc lập của thẩm phán. Ngoài ra, cần mở rộng nguồn thẩm phán giúp cho các thẩm phán đỡ bị “lệ thuộc” vào các “thầy hướng dẫn” hoặc “người đào tạo” mình như từ nguồn thư ký tòa như hiện nay. Thiết nghĩ việc bổ sung nguồn thẩm phán từ các luật sư giỏi, có uy tín không chỉ cung cấp lực lượng chuyên môn cao cho tòa án mà còn bởi giới luật sư thường có tư duy pháp quyền, tư duy gỡ tội, tư duy tranh biện và bảo vệ con người – điều này phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp hiện nay.
Thứ bảy, thiết lập bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của thẩm phán. Ở Việt Nam hiện nay, ngoài những quy định, yêu cầu của pháp luật, giới thẩm phán chưa hề có bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức riêng mà do chính cộng đồng thẩm phán lập ra. Những quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức này giúp cho thẩm phán hành xử đúng mực, giữ đúng phẩm chất và ở khía cạnh nào đó giúp thẩm phán độc lập với chính cái “tôi”, với lòng tham, sự tha hóa của mình. Bộ quy tắc này phải do chính cộng đồng thẩm phán lập ra, công bố với xã hội và có Hội đồng thẩm phán đảm bảo và giám sát việc thực thi chúng.
Có thể còn nhiều những kiến nghị khác, tuy nhiên, từ kinh nghiệm của nước Nga và với sự xem xét nghiêm túc những điều kiện của Việt Nam, tác giả cho rằng, những gợi ý nêu trên rất đáng được lưu ý, bàn bạc để giúp cho công cuộc cải cách tư pháp của chúng ta đi đến thắng lợi đáp ứng yêu cầu xây dựng NNPQ của dân, do dân và vì dân. Trong nền tư pháp ấy, thẩm phán phải là nhân vật trung tâm và được đảm bảo tốt nhất để được độc lập trong thực thi công vụ, bảo vệ công lý, công bằng và trật tự xã hội./.









[1] Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Email: mvtanson@gmail.com;  ĐT: 0947.055.811
[2] Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị BCH Trung ương ban hành ngày 20/6/2005 về “Chiến lược cải cách tư pháp từ nay đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”.
[3] Năm 2012 Việt Nam và Liên bang Nga đã nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện.
[4] Ở Liên bang Nga các đạo luật ban hành cụ thể hóa Hiến pháp Liên bang và ban hành, sửa đổi, bổ sung theo trình tự lập hiến được gọi là Luật hiến pháp (Федеральный конституционный закон). Đây là văn bản có hiệu lực pháp lý cao chỉ sau Hiến pháp (Конституция РФ) và trên các đạo luật Liên bang (Федеральный закон).
[5] Cụ thể xem thêm trong bài viết của TS. Mai Văn Thắng - “Mô hình phân quyền ở Liên bang Nga” trong tạp chí NCLP số 13-14/ tháng 7 năm 2012.
[6] Được quy định trong Hiến pháp Liên bang Nga 1993.
[7] Do Liên bang Nga được tạo thành từ các Chủ thể có quy chế khác nhau nên tên gọi của cấp chính quyền, cơ quan nhà nước của mỗi Chủ thể cũng khác nhau. Nếu ở nước cộng hòa thì được gọi là tòa án Hiến pháp, còn ở các tỉnh, khu tự trị… gọi là Tòa án Hiến chương, tuy nhiên về quy chế pháp lý là ngang nhau. Hiện ở Nga Tòa án Hiến pháp của Chủ thể không được thiết lập ở tất cả các chủ thể mà chỉ có ở 25/83 chủ thể Liên bang.
[8] Theo thông báo của ông Gusev A.V. Vụ trưởng vụ hỗ trợ tư pháp thuộc Tòa án tối cao Liên bang Nga trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến trên Hãng thông tấn Garant. Nguồn: http://www.garant.ru/action/conference/288511/
[9] Điều 6 Luật Liên bang “Về bảo vệ nhà nước đối với thẩm phán, cán bộ, công chức của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra”, 1995.
[10]. Cũng theo báo cáo của ông Gusev A.V chỉ trong năm 2009 từ ngân sách của Liên bang đã chi ra trên 20 triệu USD (Khoảng 550 triệu rúp) để trang bị các thiết bị bảo vệ các tòa án thẩm quyền chung.
[11] Cụ thể xem thêm các điều 8,9,10,11 của Luật Liên bang “Về các biện pháp của nhà nước nhằm bảo vệ thẩm phán, cán bộ, công chức cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra” năm 1995.
[12] Khoản 1 Điều 19 Luật Liên bang “Về địa vị thẩm phán ”, 1992
[13] Theo các nhà lập pháp Nga dùng từ  "tiền công"  không phù hợp với chức danh cao quý – thẩm phán. Họ không làm việc để lấy tiền công là chủ yếu, mà họ làm việc vì công lý, công bằng xã hội và để đảm bảo cuộc sống tốt cho thẩm phán thì nhà nước có nghiã vụ đảm bảo thu nhập xứng đáng với địa vị và công sức của họ. Chính vì vậy, hiện nay các nhà lập pháp đã thay từ “зарплата судьи” bằng từ  “денежное содержание судьи” (tạm dịch là tiền lương thưởng – nhưng dùng theo nghĩa thẩm phán làm việc không vì thu nhập mà đó là ghĩa vụ nhà nước phải đảm bảo).
[14]  Nhờ sự thay đổi này mà lương, thưởng của thẩm phán ở Liên bang Nga đã tăng rất nhanh. Theo báo cáo của ông Gusev A.V thì thẩm phán cấp tòa án tỉnh (như tỉnh Voronezh) thì năm 2012 thu nhập khoảng 140.000 rúp/1 tháng (tương đương hơn 6000 USD/1 tháng), cấp huyện thì thấp hơn . Trong khi đó thu nhập bình quân của cán bộ, công chức khác trong năm 2012 vào khảng trên dưới 1200 USD/1 tháng (Số liệu còn dẫn theo: http://www.lawinrussia.ru/node/205060).
[15] Điều 16 và Điều 19 Luật Liên bang “Về quy chế thẩm phán tại Liên bang Nga”, 1992
[16] Tổ chức đại diện quyền lợi, tiếng nói của thẩm phán toàn Liên bang Nga.
[17] Trước hết đó là những nguyên tắc như: khi xét xử thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (Điều 5), mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật (Điều 8), xét xử công khai (Điều 7), nguyên tắc thực hiện hai cấp xét xử (Điều 11)... (Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2002)
[18] Những vấn đề trên đã được chứng minh trong nhiều công trình của các nhà khoa học. Ví dụ như: Nguyễn Đăng Dung (Chủ biên): Tòa án Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền, Nxb. ĐHQGHN, 2011. Vấn đề này, xem thêm: Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh thẩm phán và hội thẩm nhân dân của UBTVQH số 14/2011 (Điều 1 và Điều 19)
[19]  Qua vụ việc xét xử  Hồ Duy Trúc ngày 25/12/2013 thì vấn đề an ninh phiên tòa, an ninh thẩm phán và những người tham gia tố tụng ở Việt Nam đã bị phơi bày và đáng báo động: Xem thêm trên báo điện tử Người Lao động: http://nld.com.vn/phap-luat/nguoi-nha-ke-chat-rot-tay-co-gai-cuop-sh-danh-luat-su-20131225195400649.htm
[20] Quyết định số 41/2012/QĐ – TTg ban hành ngày 5/10/2012 (Theo đó mức bồi dưỡng của thẩm phán  chủ tọa tăng từ 50.000 đồng/vụ lên 90.000/vụ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.