Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

“Suy đoán vô tội”, “giả định vô tội” hay “mặc định vô tội”!?

ảnh Internet
Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN

Tôi vốn không thích cãi cọ, nhưng tranh luận khoa học hoặc phản biện thì có chút hứng thú. Vậy nên tôi viết bài này với mục đích góp phần tranh luận về những thứ rất mới, rất tiến bộ về mặt pháp lý vừa được ghi nhận ở nước ta hai năm trở lại đây (nhưng cũng rất nguy hiểm nếu không nhận diện đúng và phù hợp). Tôi đơn giản nghĩ rằng, chân lý chỉ có thể đạt được khi tranh luận. Tôi thật không muốn chứng tỏ điều gì, mà ngược lại, những gì tôi biết, tôi suy nghĩ tôi cứ viết lên đây để mọi người đọc và góp ý qua đó tôi sẽ có cơ hội hoàn thiện mình hơn. Âu cái sự học cũng là cái nghiệp suốt đời. Ngoài ý này ra, tôi viết bài này cũng là bởi vì tôi quá xúc động khi nghe câu nói của ông "Người tù thế kỳ " Huỳnh Văn Nén: "Ở cái đất nước này có ai khổ như tôi không!?....". Giá như cái gọi là "Mặc định vô tội" hay "suy đoán vô tội", "giả định vô tội" được nhận thức và áp dụng ở nước ta sớm hơn...!.... 
Cách đây không lâu tôi có đọc được một bài viết khá thú vị trên chuyên mục Tuần Việt Nam của giảng viên Khoa Luật, ĐHQGHN Bùi Tiến Đạt về cách dịch thuật ngữ “presumption of innocence” trong tiếng Anh sang tiếng Việt và tính chất quan trọng của việc chuẩn hóa việc sử dụng thuật ngữ đó, nhất là trong những vấn đề liên quan đến pháp luật. Phải nói rằng, đây là một phân tích khá thú vị và mở ra nhiều điều, nhất là những vấn đề liên quan đến lập pháp, du nạp pháp luật nước ngoài, mối quan hệ giữa văn hóa, ngôn ngữ và luật pháp…
Tôi đồng tình với tác giả Bùi Tiến Đạt ở chỗ không nên dịch thuật ngữ nói trên trong tiếng Anh sang tiếng Việt là “Suy đoán vô tội” (SĐVT). Những lập luận của tác giả về vấn đề này tôi cho là khá thuyết phục.