Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
Hiện tôi đang thảo luận với các bạn sinh viên về một số vấn đề liên quan đến lý luận pháp luật. Thực tế, đây là những vấn đề lớn của triết học pháp luật,... rất khó, chưa có sự thống nhất. Pháp luật theo phái thực chứng được coi là hệ thống những quy tắc, chuẩn mực được định ra từ phía người cầm quyền và đặt vào trong những hình thức xác định. Vậy, để tiện cho việc trao đổi, tôi cũng xin đưa mấy ý của tôi lên đây cho các bạn sinh viên đọc trước về quan niệm liên quan đến một vấn đề rất nhạy cảm - quy phạm pháp luật. Luật Ban hành VBQPPL thì cũng định nghĩa rồi, nhưng tôi cũng xin có mấy ý kiến gọi là gợi mở để cho sinh viên có không khí trao đổi, tranh luận. Pháp luật không chỉ là những quy phạm, nhưng ở Việt Nam hiện nay đa phần pháp luật vẫn được nhận thức là hệ thống các quy phạm pháp luật.
Xin giới thiệu để làm tiền đề cho những thảo luận của sinh viên!
Phần 1: (Phần 1) Khái niệm và đặc trưng (dấu hiệu) của quy phạm pháp luật
Quy phạm pháp luật là một loại quy phạm xã hội. Tuy nhiên, khác với
các quy phạm xã hội khác, quy phạm pháp luật là quy tắc, chuẩn mực của hành vi mang
tính phổ biến, bắt buộc chung và có mối liên hệ mang tính bản chất với quyền lực
nhà nước.
Dưới góc độ hệ thống cấu trúc của pháp luật, quy phạm pháp luật là bộ
phận cấu thành, nhưng là bộ phận cấu thành quan trọng nhất, là hạt nhân, nền tảng
cơ sở của cả hệ thống.
Cũng như pháp luật, cho đến nay, nhận thức lý luận về quy phạm pháp
luật trên thế giới và ở Việt Nam chưa có được sự thống nhất trong giới học thuật.[1] Tuy nhiên, theo quan điểm
của tác giả, bên cạnh những đặc điểm chung vốn có ở mọi loại quy phạm xã hội, quy
phạm pháp luật có những đặc trưng (hay dấu hiệu) cơ bản dưới đây:
Thứ nhất, quy phạm pháp luật được thiết lập bởi nhà nước và được đảm bảo
bằng quyền lực nhà nước.
Trong xã hội có nhiều loại quy phạm và, tất nhiên, mỗi loại quy phạm
đều do tổ chức, cá nhân, cộng đồng lập ra để xác định chuẩn mực ứng xử cho cộng
đồng và đảm bảo cho những quy tắc, chuẩn mực ấy được thực thi, tôn trọng. Tuy
nhiên, khác với các quy phạm xã hội, quy phạm pháp luật gắn liền với nhà nước và
được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước. Nhà nước công nhận (thừa
nhận) hoặc ban hành ra các quy tắc xử sự để điều chỉnh, bảo vệ hoặc phát triển
các quan hệ xã hội được coi là hoạt động thiết lập ra các quy phạm pháp luật. Các
quy phạm pháp luật này được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Thuộc tính mang tính bản chất của quy phạm pháp luật là được đảm bảo
thực hiện bằng quyền lực của nhà nước. Đương nhiên, mỗi loại quy phạm xã hội đều
được đảm bảo bằng các thiết chế cụ thể. Chẳng hạn, quy phạm tín ngưỡng, tôn giáo
được đảm bảo bằng niềm tin, sự sùng bái hay sự sợ hãi thánh thần hoặc các thiết
chế tôn giáo, tín ngưỡng khác. Trong khi đó, quy phạm tập quán, tập tục được đảm
bảo bằng các thiết chế cộng đồng, bằng dư luận…
Khác với các quy phạm xã hội khác, quy phạm pháp luật được đảm bảo bằng
cưỡng chế, uy quyền và hệ thống các phương thức khác mà nhà nước sử đụng để bảo
đảm sự tôn nghiêm của các quy phạm ấy. Không có sự đảm bảo bằng quyền lực nhà
nước, các quy phạm pháp luật sẽ trở nên mong manh, dễ bị xâm hại. Để những quy
phạm pháp luật được thực hiện nghiêm túc trong cuộc sống vẫn cần phải có các đảm
bảo khác như ý thức pháp luật, dư luận xã hội, niềm tin… nhưng, nếu không có hệ
thống cưỡng chế (cảnh sát, kiểm sát, tòa án, thi hành án…) và quyền uy của nhà
nước, các quy phạm pháp luật sẽ mất đi tính chất quyền lực vốn có.
Thứ hai, quy phạm pháp luật
có tính phổ biến, bắt buộc chung.
Quy phạm pháp luật mang tính phổ biến. Quy phạm pháp luật không có mục
đích cũng như không cần thiết phải đặt mục tiêu xác lập chuẩn mực ứng xử của hành
vi cho mọi tình huống, hoàn cảnh và quan hệ xã hội. Những quy tắc xử sự được
ghi nhận trong các quy phạm pháp luật phải là những chuẩn mực được chấp nhận
chung cho cộng đồng xã hội vốn đa dạng và phong phú với vô số những tập quán, lối
tư duy, ngôn ngữ, nếp sống, truyền thống lịch sử… khác nhau. Muốn pháp luật có
sức sống và được chấp nhận chung trong xã hội, các quy phạm pháp luật cần xác lập
những quy tắc, chuẩn mực phổ quát, được thừa nhận chung và phù hợp với giá trị
phổ quát của cộng đồng xã hội.
Tính chất phổ biến của quy phạm pháp luật còn thể hiện ở chỗ các quy
tắc xử sự của hành vi được xác lập trong quy phạm pháp luật dù phải được quy định
một cách cụ thể, chi tiết để đảm bảo thực thi nhưng không có nghĩa là các chuẩn
mực ấy được quy định chỉ dành riêng cho một chủ thể hoặc một trường hợp cá biệt.
Quy phạm pháp luật đề ra các điều kiện, tình huống, chuẩn mực ứng xử cho tất cả
các chủ thể miễn là thuộc các trường hợp, điều kiện được các quy phạm dự liệu từ
trước.
Tính phổ biến và bắt buộc chung có mối liên hệ chặt chẽ với nhau như
là thuộc tính chung của quy phạm pháp luật. Quy phạm pháp luật đề ra các chuẩn
mực, các quy tắc xử sự cho các hành vi trong xã hội và làm cơ sở để xác định một
hành vi hợp pháp hay bất hợp pháp. Quy phạm pháp luật xác định những quy tắc được
phép, bắt buộc và cấm đoán, và trên cơ sở đó các chủ thể thực hiện pháp luật xác
định chuẩn mực cho hành vi trong xã hội. Các chuẩn mực ấy được áp dụng cho tất
cả các chủ thể, các trường hợp mà quy phạm pháp luật hướng đến điều chỉnh, tác
động. Khi sự kiện, trường hợp được quy định trong quy phạm pháp luật xảy ra thì
tất cả các chủ thể mà trong quy phạm ấy đã dự liệu đều phải thực hiện các quy định
mà quy phạm đó đã ghi nhận. Nếu có trường hợp loại trừ hoặc đặc biệt thì cũng
phải được ghi nhận trong quy phạm để áp dụng bắt buộc chung cho tất cả các trường
hợp ấy.
Tính bắt buộc chung của quy phạm pháp luật còn thể hiện ở chỗ, quy
phạm pháp luật có tính quyền lực nhà nước. Nhân dân bằng những cơ chế khác nhau
trao cho nhà nước quyền lực và nhờ vậy nhà nước có khả năng và có quyền yêu cầu
tất cả mọi người dân dân phải làm theo những chuẩn mực đã được xác lập trong
quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, mức độ phổ biến và bắt buộc chung cũng
còn phụ thuộc vào phạm vi, giới hạn được ghi nhận trong quy phạm pháp luật cụ
thể. Chẳng hạn, cũng là quy phạm pháp luật, nhưng nếu là quy phạm hiến pháp thì
tính phổ quát thông thường cao hơn, trong khi đó, các quy phạm trong một văn bản
quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương thì tính phổ biến, bắt buộc chung
thường ở mức độ thấp hơn.
Thứ ba, quy phạm pháp luật
là căn cứ, chuẩn mực để xác định tính chất pháp lý của hành vi
Chức năng cơ bản của quy phạm pháp luật là làm cơ sở để xác định tính
chất chuẩn mực của hành vi xét trên khía cạnh luật pháp. Chẳng hạn, để khẳng định
hành vi vượt tín hiệu đèn đỏ có phải là hành vi bất hợp pháp (vi phạm pháp luật
về trật tự an toàn giao thông đường bộ) hay không còn phải tìm xem có hay không
một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định hành vi đó là bất hợp pháp. Tương tự
như vậy, việc một người đàn ông dùng bạo lực để quan hệ tình dục với một người đàn
ông khác ngoài ý muốn của người đó có phải là một hành vi hiếp dâm hay không còn
phải tìm xem, có hay không có một quy phạm pháp luật đã dự liệu về trường hợp này.
Đây là một trong những đặc điểm quan trọng của quy phạm pháp luật bởi
lẽ, trong xã hội có vô vàn những chuẩn mực, vô vàn những quy tắc xử sự và nhiều
khi những chuẩn mực xã hội khác có ranh giới khá mong manh với các chuẩn mực pháp
lý hoặc do vấn đề về ý thức pháp luật trong xã hội nhiều khi có những phán xét
khá tùy tiện về tính hợp pháp hay bất hợp pháp của một hành vi. Để phân định rõ
tính chuẩn mực của hành vi từ góc độ pháp lý cần thiết phải có quy phạm pháp luật
và quy phạm pháp luật được coi là căn cứ để minh định hành vi là hợp pháp hay bất
hợp pháp, còn các quy phạm xã hội khác thì không thể có chức năng này.
Thứ tư, quy phạm pháp luật
có mối liên hệ chặt chẽ và thống nhất nội tại
Quy phạm pháp luật là bộ phận cấu thành quan trọng nhất để tạo nên hệ
thống pháp luật (theo khía cạnh nội dung). Pháp luật bao gồm hệ thống các quy
phạm pháp luật còn một nhóm các quy phạm pháp luật không tạo thành một hệ thống
pháp luật. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chỉ có pháp luật nói chung mới có
tính hệ thống còn các quy phạm pháp luật không có tính hệ thống. Tính hệ thống
của quy phạm pháp luật thể hiện ở chỗ, giữa các quy phạm pháp luật có mối liên
hệ nội tại thống nhất với nhau. Không thể có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh nếu
các quy phạm pháp luật chống lại nhau và mâu thuẫn với nhau. Quy phạm pháp luật
diễn giải hay quy phạm pháp luật được ban hành bởi các cơ quan, thiết chế quyền
lực thấp hơn thì phải có hiệu lực thấp hơn. Bên cạnh tính thống nhất về quyền lực,
nội dung của các quy phạm cũng phải được thống nhất với nhau. Mối liên kết chặt
chẽ với nhau giữa các quy phạm pháp luật tạo nên đặc trưng riêng của các quy phạm
pháp luật. Nếu không có tính thống nhất, không tạo thành một hệ thống, các quy
phạm pháp luật nói riêng và pháp luật nói chung khó có thể được đảm bảo thực
thi và phát huy vị thế, vai trò của nó trong xã hội.
Thứ năm, quy phạm pháp luật
luôn được biểu hiện dưới một hình thức xác định
Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự của hành vi được xác định
là chuẩn mực xét trên góc độ pháp luật. Nhưng các quy tắc xử sự đó chưa được
coi là quy tắc xử sự pháp lý khi chưa được thể hiện dưới một hình thức pháp luật
xác định. Không có quy phạm pháp luật không tồn tại dưới một hình thức xác định
nào đó. Khác với các hình thức biểu hiện của các quy phạm xã hội khác, quy phạm
pháp luật được biểu hiện trong các hình thức được thừa nhận chính thống, rõ ràng,
xác định trước và hợp pháp.
Như vậy, quy phạm pháp luật là
bộ phận cấu thành, cơ sở nền tảng, hạt nhân của hệ thống pháp luật và được hiểu
là những quy tắc xử sự phổ biến có tính chất bắt buộc chung được nhà nước đặt
ra hoặc thừa nhận để làm cơ sở điều chỉnh, bảo vệ hoặc tác động lên các quan hệ,
hành vi trong xã hội và đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước.
[1] Giáo trình Lý luận nhà nước
và pháp luật (Chủ biên I.N. Matuzov và A.V. Malko), Tài liệu đã dẫn, tr. 570.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.