ảnh: Internet |
Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN
Gần đây, có một số bạn sinh viên trong
thời gian ôn thi môn Lý luận nhà nước và pháp luật có biên thư hỏi tôi về mối tương quan giữa quy phạm pháp luật và điều
luật trong văn bản quy phạm pháp luật. Để tiện cho các bạn sinh viên tôi xin đưa quan điểm của mình
lên đây cho các bạn đọc, nếu ai có quan điểm khác hoặc thắc mắc xin gửi thư góp
ý cho tôi hoặc phản biện để tôi hoàn thiện hơn. Trân trọng cảm ơn!
Quy phạm pháp
luật và điều luật là hai hiện tượng pháp lý độc lập. Nếu quy phạm pháp luật là
một bộ phận cấu thành của pháp luật trên phương diện nội dung, thì điều luật lại
là sự biểu hiện của pháp luật về mặt hình thức. So sánh hai hiện tượng khác
nhau thông thường không có nhiều ý nghĩa, tuy vậy, việc chỉ ra mối liên hệ giữa
quy phạm pháp luật và các điều luật lại có ý nghĩa trong cả nhận thức, lý luận
và thực tiễn.
Trên khía cạnh
nhận thức và lý luận, tìm ra mối liên hệ giữa quy phạm pháp luật và điều luật
giúp người học phân biệt rõ hơn về quy phạm pháp luật cũng như về các điều luật,
phần nào giải quyết những hoài nghi về cấu trúc của quy phạm pháp luật. Ở khía
cạnh thực tiễn, việc chỉ ra mối liên hệ này không chỉ giúp cho quá trình tư duy
phân tích quy phạm và áp dụng pháp luật trong giải quyết một vụ việc, tình huống
pháp lý cụ thể mà còn giúp hoàn thiện và nâng tầm kỹ thuật lập pháp.
Có thể khẳng định,
quy phạm pháp luật là bộ phận cấu thành nội dung của pháp luật, chưa đựng các
quy tắc chuẩn mực ứng xử trong xã hội và được nhà nước đảm bảo thực hiện. Các
quy phạm pháp luật cùng tham gia điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội có tính chất
tương đồng thì được nhóm lại thành các chế định pháp lý, và, đến lượt mình, các
chế định pháp lý nếu cùng điều chỉnh một lĩnh vực quan hệ xã hội thì được nhóm
lại thành một lĩnh vực hay một ngành luật. Đó là hệ thống pháp luật xét trên phương
diện nội dung (hay cấu trúc). Các quy phạm pháp luật cùng được nhóm vào một ngành
luật có thể được biểu hiện ở trong một đạo luật, bộ luật, nhưng cũng có thể được
thể hiện ở rất nhiều bộ luật, đạo luật hay các văn bản pháp luật khác và các văn
bản này được gọi là hình thức (hay là nguồn luật thành văn) của ngành luật đó. Các quy phạm pháp
luật (hay là các quy tắc xử sự) không thể không có một nơi nương tựa (nơi thể
hiện hay nơi chứa đựng) chúng. Thông thường chúng được chứa đựng trong các văn
bản quy phạm pháp luật (đạo luật, bộ luật, nghị định, thông tư…). Đến lượt mình
các văn bản chứa quy phạm đó lại có cấu trúc riêng của mình. Các văn bản quy phạm
pháp luật, tùy từng loại cụ thể, có thể chia thành các phần, các chương, các tiết,
các điều khoản… Đây chính là các hình thức mà trong đó chứa đựng các cấu thành
của quy phạm pháp luật.
Điều luật và các
quy phạm pháp luật có thể trùng khớp với nhau hoặc có thể không trùng khớp với
nhau. Trường hợp trùng khớp là khi cả ba phần của quy phạm pháp luật được thể
hiện ở trong cùng một điều luật, còn trường hợp không trùng khớp là khi nội
dung của quy phạm pháp luật được thể hiện ở một vài điều luật khác nhau.
Ngày nay, khi kỹ
thuật lập pháp ngày càng nâng cao, cũng như để đảm bảo sự tiện lợi, khoa học, rõ
ràng trong xây dựng, thực hiện, giải thích pháp luật và tránh sự chồng chéo, trùng
lập, các phần của quy phạm pháp luật thường được gửi gắm ở rất nhiều điều khoản
khác nhau ở trong cùng một văn bản, thậm chí là trong các văn bản khác nhau. Vì
vậy, thực tế có thể gặp rất nhiều các điều khoản chỉ nêu lên các quyền của một
chủ thể nhất định hay chỉ nêu các nghĩa vụ pháp lý của chủ thể khác. Hoặc cũng
có nhiều trường hợp, trong một điều khoản chỉ có phần giả định và quy định mà
không có chế tài hay các biện pháp bảo đảm khác. Điều này không có nghĩa, quy
phạm pháp luật chỉ có hai phần là giả định và quy định mà không có phần đảm bảo
thực hiện. Phần thứ ba của quy phạm đó đã được ghi nhận (hoặc được gửi) ở một điều
khoản khác và nhiệm vụ của người áp dụng pháp luật phải hiểu và tìm kiếm nó. Đó
cũng là ý nghĩa của đào tạo luật.
Về cơ bản, tồn
tại ba cách thức thể hiện mối liên hệ giữa một điều luật và quy phạm pháp luật.
Thứ nhất, khi một điều luật trùng khớp với
một quy phạm pháp luật. Đây là trường hợp không phải là quá phổ biến trong kỹ
thuật lập pháp hiện đại mà là phổ biến trong lịch sử xây dựng luật pháp ở nhiều
quốc gia trên thế giới. Hiện nay, cách thức này được tìm thấy nhiều ở trong phần
các tội phạm của Bộ luật hình sự ở nước ta. Trong nhiều điều luật ở phần các tội
phạm của Bộ luật hình sự hiện hành, phần quy định của quy phạm pháp luật được
biểu hiện dưới dạng “quy định cấm đoán”, còn giả thiết là nêu các điều kiện hay
chủ thể và phần thứ ba là các chế tài (tử hình, chung thân, tù có thời hạn…).
Ví dụ, tại Điều
94 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi) “Giết con mới đẻ” quy định: “Người mẹ nào
do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc
biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết,
thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai
năm”.[1]
Ở Điều luật này có thể thấy cả ba phần của quy phạm pháp luật hình sự. Giả định
bao gồm người mẹ mới đẻ con, do ảnh hưởng của tư tưởng lạc hậu nặng nề hoặc do
hoàn cảnh khách quan đặc biệt, giết con hoặc vứt làm đứa trẻ chết; quy định thể
hiện ở việc cấm giết con mới đẻ; chế tài có thể là phạt cải tạo không giam giữ
đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Thứ hai, khi một quy phạm pháp luật được
thể hiện ở nhiều điều luật khác nhau trong cùng một văn bản hoặc trong các văn
bản khác nhau. Đây là trường hợp khi giả định hoặc giả định và quy định nằm
trong một điều luật hoặc cả ba phần khác nhau của quy phạm pháp luật được thể
hiện trong các điều luật khác nhau. Chẳng hạn, Bộ luật Lao động năm 2012 tại Điều
108 quy định về nghỉ trong giờ làm việc:
“1. Người lao động làm việc liên tục 08 giờ
hoặc 06 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất
30 phút, tính vào thời giờ làm việc.
2.
Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45
phút, tính vào thời giờ làm việc.
3. Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại
khoản 1 và khoản 2 Điều này, người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt
nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.”
Theo Điều này,
chúng ta hoàn toàn không tìm thấy phần thứ ba “bảo đảm” (hay “chế tài”) đâu.
Tuy nhiên, có thể thấy phần đảm bảo này lại được quy định ở các điều khoản
trong chương XVI “Thanh tra lao động, xử phạt vi phạm lao động” hoặc ở Nghị định
95/2013/ NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động,
bảo hiểm xã hội và đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng…
Thứ ba, khi trong một điều luật chứa đựng
không chỉ một quy phạm pháp luật mà một vài quy phạm pháp luật.
Trường hợp này
thực tế cũng không phải là hiếm trong kỹ thuật lập pháp ở nước ta hiện nay. Có
thể thấy, ở trong rất nhiều điều luật thuộc phần các tội phạm của Bộ luật hình
sự hiện hành có đến hai hoặc ba “khoản” mà mỗi một khoản hoàn toàn có thể đứng
độc lập thành một quy phạm pháp luật riêng biệt. Có thể thấy ví dụ ở các điều
như “Điều 93 - Tội giết người” hay “Điều 111 - Tội hiếp dâm”. Trong mỗi điều luật
này có từ 3 đến 5 khoản và rất nhiều trong số các khoản đó có đầy đủ các bộ phận
của một quy phạm pháp luật hoàn chỉnh.
[1] Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015 (chưa có hiệu lực
đến thời điểm hiện tại) thì điều này đã sửa đổi thành “tội giết hoặc vứt con mới
đẻ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.