Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
Trong số các nhánh quyền lực nhà nước, có lẽ tôi có ấn
tượng nhất với tư pháp bởi tư pháp, về mặt sứ mệnh, luôn được coi là tấm bình phong, là cái
khiên bảo vệ con người, lẽ phải, sự thật, sự công bằng và công lý xã hội.
Nhiều người cho rằng,
lập pháp nghĩa là ban hành pháp luật, hành pháp là thi hành luật pháp còn tư
pháp là bảo vệ pháp luật, giải quyết các tranh chấp, xử lý vi phạm, bảo vệ trật tự hiến
định.
Hiểu như thế có lẽ chưa được tròn nghĩa cho lắm, bởi nếu chỉ nói là bảo vệ
pháp luật thì rất dễ bị lợi dụng. Rất rắc rối nếu luật pháp không phải là hiện
thân của công bằng và ý nguyện xã hội mà là hiện thân của lợi ích nhóm, của những
kẻ “bề trên” trong xã hội mà điều này rất dễ xảy ra khi có sự ủy quyền nhưng việc
giám sát những người được ủy quyền không hiệu quả. Lúc này tư pháp lại là
cái khiên bảo vệ những kẻ đó, là kẻ thù của nhân dân và dù bảo vệ được trật tự
hiến định nhưng lại đi ngược lại với lẽ công bằng.
Hiện nay, ở nhiều nước khi thực hiện quyền tư pháp thẩm
phán hay hội đồng xét xử (khi tuyên phán quyết) luôn có câu "cửa miệng" được quy định là: “NHÂN DANH NHÀ NƯỚC…”… Liệu có công bằng khi tòa án lại nhân danh nhà nước?
Điều này có ổn không khi có tranh chấp giữa một bên đại diện quyền lợi nhà nước
(chẳng hạn như ai đó kiện Chính phủ) còn bên kia là một công dân – kẻ luôn được
coi là yếu thế! Nếu tòa án nhân danh nhà nước thì kết quả sẽ thế nào? Nhà nước
như một tổ chức – một pháp nhân công quyền cũng có thể bị kiện bởi người dân, vậy
nếu Tòa – người phân xử, lại nhân danh nhà nước thì kết quả thế nào nhỉ? Vậy là
đã rõ, bên đi kiện nhà nước thua chắc rồi (chỉ trừ một số trường hợp khi thẩm
phán có lương tâm và chống lại cái mà mình nhân danh để bảo vệ công lý). Vậy là,
thật là rắc rối cho cái "nhân danh nhà nước" của Tòa án. Tại sao tòa án không
“NHÂN DANH CÔNG LÝ”?
Cũng có người cho rằng, nhân danh nhà nước hay nhân danh
công lý không quan trọng, đó chỉ là hình thức. Thiết nghĩ, dù gì đi nữa cũng
không nên “thô thiển” quá. Hơn nữa, khi tòa án phải nhân danh công lý thì mỗi
thẩm phán hay hội đồng xét xử cũng được nhắc nhở (chí ít là với lương tâm) là
mình phải có nghĩa vụ bảo vệ công lý chứ không phải bảo vệ "nhà nước".
Tìm hiểu thêm một chút, tôi thấy vấn đề nằm ở chỗ:
Thật ra ở một số quốc gia người ta vẫn nhân danh nhà nước
hoặc người ta thấy nhân danh công lý hay nhân danh nhà nước đều như nhau bởi
vì lý do rất đơn giản là: ở đó CHÍNH QUYỀN và NHÀ NƯỚC không phải là hai khái
niệm đồng nghĩa. Nhà nước là hiện thân của ý nguyện chung của nhân dân, là chủ
quyền, là danh dự, là hệ thống những chuẩn mực pháp luật, là lãnh thổ, là sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế và là tất
cả những giá trị cao đẹp của một cộng đồng được tổ chức và quản trị văn minh. Còn
chính quyền chẳng qua chỉ là những lực lượng chính trị được nhân dân gửi gắm (tin tưởng ủy thác) để
thực hiện chức năng, sứ mệnh cao đẹp mà nhà nước giao cho. Chính quyền có được
thực hiện quyền lực nhà nước hay không còn phù thuộc vào việc chính quyền ấy có được sự tín nhiệm
của nhân dân và làm đúng theo các giá trị cao đẹp của nhà nước hay không. Trong
trường hợp này, thẩm phán nhân danh nhà nước thì có nghĩa cũng là nhân danh
công lý. Bởi thẩm phán cũng chỉ là người được lựa chọn để thực thi quyền
lực nhà nước và tư pháp là một nhánh quyền lực nhà nước mà hệ thống tòa án được
nhân danh và được giao nhiệm vụ thực thi quyền năng ấy. Tư pháp lúc này nhân
danh nhà nước chứ không nhân danh chính quyền.
Cũng có người cho rằng "nhân danh nước" khác "nhân danh nhà nước". Về mặt chữ nghĩa đúng là như vậy bởi nước với nhà nước không phải là hai khái niệm đồng nghĩa. Tuy nhiên, về mặt thực tế, phụ thuộc vào phương thức tổ chức quyền lực ở mỗi quốc gia thì trong rất nhiều trường hợp "nhân danh nhà nước" với "nhân danh nước" chẳng có gì là khác biệt cả.
Vì lẽ đó, khi nào và ở nơi nào chính quyền và nhà nước còn
chưa được phân định thì thẩm phán xin hãy nhân danh công lý để người dân đỡ cảm
thấy bị bất công ngay từ khi mới tiếp cận đến chốn “”pháp đình. Dù thực chất có thể vẫn phũ phàng, nhưng ít ra, người dân cũng có thể cảm nhận thấy "sự công bằng hơn" hoặc mỗi thẩm phán cũng cảm thấy mình có sứ mệnh cao cả hơn hay lương tâm đỡ cắn rứt hơn!
Thật là, trong rất nhiều trường hợp người ta hay đồng nhất Chính quyền với Nhà nước và điều đó cũng là bình thường, tuy nhiên, khi liên quan đến "Công lý" chỉ xin đừng coi chúng như nhau!
(Bài viết tham gia sửa đổi Hiến pháp 2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.