TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
Để phục vụ cho
những thảo luận của sinh viên Khoa Luật, ĐHQGHN trong khuôn khổ môn học Lý luận nhà nước và
pháp luật, tôi xin đưa lên đây một số khảo cứu của tôi xung quang khái niệm hệ thống pháp
luật. Rõ ràng, có một sự phức tạp không hề nhẹ và phức tạp tựa như vấn đề chúng ta đang
gặp phải ở quan niệm về pháp luật mà chúng ta đã và đang gặp phải trong Lý luận về pháp luật. (Đây là một phần trong nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2016 "Sự ảnh hưởng của tư tưởng pháp luật Xô Viết lên HTPL Việt Nam do TS. Mai Văn Thắng làm chủ nhiệm).
Xin mời các bạn
sinh viên đọc và đưa ra quan điểm, thảo luận!
Hiện nay trên thế giới quan niệm về “hệ
thống pháp luật” rất đa dạng và những tranh luận về nội hàm của khái niệm vẫn
chưa chấm dứt, thậm chí còn sôi nổi hơn do sự phát triển của xu thế toàn cầu
hóa, hội nhập và hài hòa hóa pháp luật. Ngoài ra, ở nước ta, thuật ngữ “hệ
thống pháp luật” cũng thật sự rắc rối do xuất phát từ những hạn hẹp về ngôn ngữ
mà hai thuật ngữ khác nhau trong các ngôn ngữ nước ngoài, như: “legal system”
và “ system of law” trong tiếng Anh hay “правовая система” (pravovya systema)
“система права” (systema prava) trong tiếng Nga đều được gọi chung trong tiếng
Việt là “hệ thống pháp luật” dù trong các ngôn ngữ khác chúng có nội hàm không
tương đồng nhau. Như vậy, minh định rõ nội hàm khái niệm hệ thống pháp luật trong
khuôn khổ đề tài này là quan trọng để giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu đề ra.
Ở Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về nội hàm của
khái niệm hệ thống pháp luật được cho là GS.TS. Lê Minh Tâm.[1] Dựa
trên việc cắt nghĩa “hệ thống pháp luật” là “hệ thống” cộng với “pháp luật”,
GS.TS. Lê Minh Tâm cho rằng, “hệ thống là một chỉnh thể bao gồm những ý tưởng,
vấn đề hoặc bộ phận có liên hệ mật thiết với nhau, được sắp xếp theo một trật
tự (trình tự) logic, khách quan và khoa học”.[2] Khái niệm hệ thống “chỉ giới
hạn ở những vấn đề mà giữa chúng có mối liên hệ bản chất. Nó không bao hàm
những vấn đề hoặc yếu tố, dù có những ảnh hưởng nhất định, nhưng hoàn toàn là
yếu tố bên ngoài, rời rạc.”[3]
“Pháp luật … là tổng thể các quy phạm xã hội do Nhà nước ban hành hoặc thừa
nhận thể hiện ý chí nhà nước, phản ánh những nhu cầu khách quan của xã hội để
điều chỉnh các quan hệ xã hội… Pháp luật luôn có tính thống nhất, vì pháp luật
phản ánh những nhu cầu khách quan, phổ biến có tính chân lý, do những quy luật
vận động nội tại của xã hội quyết định; đồng thời thể hiện ý chí Nhà nước, nó
là kết quả hoạt động tự giác, chủ quan của con người.”[4] Các quan hệ xã hội dù phức
tạp và nhiều loại, nhưng luôn có liên hệ nội tại với nhau, vì chúng hình thành
và phát triển phù hợp với các quy luật vận động khách quan của xã hội. Ý chí
của nhà nước thể hiện trong pháp luật…phải xuất phát và phụ thuộc vào tính chất
của các quan hệ xã hội vốn có mối liên hệ nội tại thống nhất đó, tạo ra cho
pháp luật một khả năng vượt lên sự tản mạn, thứ yếu, ngẫu nhiên, tự phát, để có
được tính ổn định tương đối, tính thống nhất nội tại. Vì vậy, pháp luật luôn
hình thành một hệ thống. Tính hệ thống vừa mang yếu tố khách quan lại vừa là
kết quả của yếu tố chủ quan. Tính hệ thống của pháp luật biểu hiện ở chỗ nó bao
gồm nhiều bộ phận hợp thành, và giữa các bộ phận đó có mối liên hệ nội tại ổn định
và thống nhất với nhau.”[5]
Trên nền tảng nhận thức đó, GS.TS. Lê Minh Tâm cho rằng “hệ thống pháp luật là tổng thể các quy phạm
pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau được phân định thành các
chế định pháp luật và các ngành luật, được thể hiện trong các văn bản do Nhà
nước ban hành theo trình tự và hình thức nhất định.”[6] Theo quan niệm này, hệ thống
pháp luật có hai mặt biểu hiện cụ thể là “hệ thống cấu trúc… của pháp luật” và
“hệ thống văn bản pháp luật”.
Có thể khẳng định, trước nghiên cứu của tác giả Lê Minh Tâm,
rất nhiều học giả Việt Nam đã tiếp thu tinh thần và quan niệm của các học giả
Xô Viết về vấn đề này. Vì vậy, trong nhiều nghiên cứu đều cho rằng, hệ thống
pháp luật là hệ thống thống nhất nội tại của pháp luật (cấu trúc bên trong của
pháp luật) bao gồm chỉnh thể thống nhất các quy phạm pháp luật. Trong quan niệm này, hệ thống pháp luật thực
định không thuộc cấu phần của khái niệm hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật
thực định chẳng qua là kết quả của quá trình tập hợp hóa và pháp điển hóa mà
thôi. [7] Ngoài
ra, trong giới học giả Liên Xô và Việt Nam trước đây cũng có những quan điểm
khác nhưng ít phổ biến hơn. Cũng có những quan niệm cho rằng, hệ thống pháp
luật ngoài hệ thống quy phạm còn có hệ thống các văn bản pháp luật, tuy nhiên
lại có sự khác biệt về nhận diện tế bào của hệ thống pháp luật. Một số quan
điểm khác cho rằng, hệ thống pháp luật là khái niệm rộng, nó không chỉ bao hàm
các quy phạm, các văn bản mà còn các yếu tố liên quan khác, như: trào lưu… pháp
lý, kỹ thuật pháp lý, các nguyên tắc chính trị, triết học, cũng như các phương
pháp hoạt động của các nhà luật học-thực nghiệm”. Tuy nhiên, quan niệm này ở Liên
Xô cũng như ở Việt Nam bị cho là không ổn và chưa chính xác bởi theo đa số học
giả thời đó khái niệm hệ thống pháp luật “bao giờ cũng có giới hạn nội dung
nhất định. Giới hạn đó chỉ bao gồm những vấn đề có mối liên hệ nội tại với
nhau, không hàm chứa những yếu tố bên ngoài không có đặc điểm đó…[8]
Khảo cứu các quan niệm ở Nga thời kỳ hậu Xô Viết, tác giả
nhận thấy có rất nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Thậm chí như quan
điểm của GS. Glebov đã từng phải thốt lên rằng: “Để xây dựng một khái niệm cần
phải có những nghiên cứu chuyên sâu, đầy đủ, khách quan và toàn diện về bản
chất, nội dung, chức năng, hiện tượng… Nếu vậy, liên quan đến khái niệm hệ
thống pháp luật thì có thể khẳng định, dường như chúng ta chưa sẵn sàng”.[9] Cần
phải khẳng định rằng, khi ông viết những câu trên vào năm 1999, có nghĩa cả
khoa học pháp lý Xô Viết và khoa học pháp lý Liên bang Nga đã “quần thảo” rất
kỹ về khái niệm này và đã có hàng trăm quan điểm khác nhau về nó.
Ở Nga, có rất nhiều những nhà nghiên cứu lý luận pháp luật
và triết học pháp luật tên tuổi không chỉ có uy tín và ảnh hưởng trong giới
luật học trong nước mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới, như: GS. Matuzov,
GS. Balko, GS. Babaev, GS. Marozova, GS. Sinhiukov, GS.VS. Tikhomirov, GS.
Baitin, GS.VS. Nhersheshans… Tuy vậy, các quan niệm về hệ thống pháp luật cho đến
nay vẫn chưa có sự bàn thảo để thống nhất. Các diễn đàn bàn luận về khái niệm
và nội hàm của hệ thống pháp luật vẫn luôn rất sôi nổi và có nhiều quan điểm
trái chiều. Dù vậy, cho đến nay, có thể khẳng định, ở Nga có ba dòng quan niệm
khác nhau về vấn đề này. Dòng quan niệm
thứ nhất cho rằng, khái niệm và nội hàm hệ thống pháp luật là rất linh động
và khó có thể thống nhất bởi bản thân khái niệm pháp luật cũng chưa hề có sự
thống nhất. Khái niệm và nội hàm của nó phụ thuộc vào cách, dụng ý, lĩnh vực mà
nó được sử dụng. Ngay chính trong các văn bản quy phạm pháp luật ở Nga (kể cả
Hiến pháp) đôi khi cũng dùng khái niệm này với ý nghĩa khác nhau trong ngữ cảnh
khác nhau. Dòng quan niệm thứ hai được
cho là dòng quan niệm hẹp về khái niệm hệ thống pháp luật. Theo đó, hệ
thống pháp luật chỉ bao gồm những thứ liên quan đến pháp luật và phải có tính
hệ thống. Thành tố của nó chỉ bao gồm các quy phạm pháp luật (quan niệm rất
hẹp) hoặc chỉ bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật và các hình thức chứa đựng
nó (quan niệm mở hơn). Dòng quan niệm thứ
ba là dòng quan niệm rộng về hệ thống pháp luật. Đây là dòng quan niệm
thịnh hành cuối những năm 80 và phổ biến hiện nay ở Nga. Các nhà lý luận luật
học theo quan niệm nay cho rằng pháp luật không chỉ là những quy phạm, không
chỉ là những hình thức chứa đựng nó (cụ thể là các văn bản quy phạm pháp luật).
Bởi, trong bối cảnh hội nhập pháp luật sâu rộng, hài hòa hóa pháp luật, vị trí,
vai trò và sự biểu hiện pháp luật cũng khác nhau. Pháp luật không chỉ ở trên
giấy mà còn trong nhận thức và hành động thực tiễn. Pháp luật còn thể hiện và
chịu sự chi phối bởi các yếu tố như kỹ thuật lập pháp, tư tưởng pháp lý chính
thống… và pháp luật không chỉ thể hiện trong các văn bản mà còn trong các bản
án, trong cảm nhận chủ quan và niềm tin nội tâm của thẩm phán về lẽ công bằng,
công lý, trong các quy phạm xã hội khác có các tố chất như quy phạm pháp luật
và thậm chí cả trong các giáo lý… Nếu hiểu pháp luật đơn thuần chỉ là các quy
phạm trong các văn bản được định ra thì khó giải thích về sự tồn tại của pháp
luật của rất nhiều vùng, quốc gia trên bản đồ pháp luật thế giới.[10]
Trong giới luật học phương Tây, hiểu về hệ thống pháp luật được
chia làm hai nghĩa.[11] Theo nghĩa thứ nhất, “hệ thống pháp luật” được coi là một hệ thống các quy
phạm. Theo nghĩa này, nói đến hệ thống pháp luật của một quốc gia là nói tới
“tổng hợp có tính cách khép kín các quy tắc và nguyên tắc đang có hiệu lực
trong biên giới của một vùng lãnh thổ quốc gia”. Khái niệm “pháp luật” (law) và
“hệ thống pháp luật” (legal system) được coi là hai khái niệm tương đồng như
nhau. Cũng theo nghĩa này, hệ thống pháp luật của một quốc gia được hiểu là tất
cả các quy phạm pháp luật của quốc gia đó cũng như mối quan hệ giữa các quy
phạm ấy với nhau.[12]
Tiêu biểu cho trường phái này là học giả Hans Kelsen, một triết gia pháp luật
người Áo có ảnh hưởng rộng rãi tại châu Âu lục địa và tại Bắc Mỹ.
Theo nghĩa thứ hai, hệ thống pháp luật là hệ thống các
thiết chế liên quan đến việc sản sinh và thực thi các quy phạm pháp luật. Chẳng
hạn, John Henry Merryman, một học giả nổi tiếng ở Hoa Kỳ định nghĩa “hệ thống
pháp luật” (legal system) là “một tập hợp các thiết chế, thủ tục và các quy
phạm pháp luật đang được vận hành”. Theo nghĩa này, hệ thống pháp luật bao gồm
các bộ phận cấu thành như cơ quan lập pháp (nghị viện), nội các, tòa án và các
thiết chế liên quan. Tương ứng với hệ thống đó là các hệ thống chức danh như
nghị sỹ, thành viên nội các, thẩm phán, công tố, cảnh sát, luật sư v.v. Theo
nghĩa này, tế bào của hệ thống pháp luật là những con người có chức danh pháp
lý và những thiết chế mà những con người đó hoạt động.[13]
Còn theo nghĩa của các học giả “Luật học so sánh”, hệ thống
pháp luật là khái niệm có nhiều nội hàm khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh sử
dụng thuật ngữ đó. Tuy nhiên, khái niệm này cũng có hai nghĩa cơ bản. Nghĩa thứ
nhất, đó là “tổng thể các quy phạm pháp luật của một quốc gia hay vùng lãnh
thổ”. Nghĩa thứ hai, đó là “không chỉ là tổng thể các quy phạm pháp luật mà còn
bao hàm cả các thiết chế pháp luật của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ.”
Thậm chí, khái niệm này còn mở rộng tới mức bao hàm cả văn hóa pháp luật, các
thiết chế pháp lý, và các quy trình pháp lý có liên quan. Ngoài ra, “hệ thống
pháp luật” còn được sử dụng “để nói tới pháp luật của một nhóm quốc gia hoặc
vùng lãnh thổ mà hệ thống pháp luật của chúng có những điểm chung nhất định”
với ý nghĩa nhấn mạnh tới “triết học pháp luật và kỹ thuật pháp lý” chung của
nhóm quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó.[14]
Như vậy, có thể thấy, khái niệm và nội hàm của
hệ thống pháp luật rất có nhiều cách tiếp cận khác nhau tùy theo bối cảnh sử
dụng, quan niệm … Tuy nhiên, trong khuôn khổ đề tài này, để tiếp cận một cách
toàn diện, đầy đủ và chuẩn xác sự ảnh hưởng của một tư tưởng pháp luật lên một hệ
thống pháp luật khác thì không thể có cái nhìn hạn hẹp. Bởi nếu chỉ nhìn trên
phương diện quy phạm, văn bản thì khó có thể đưa ra những kết luận chính xác,
bởi lẽ pháp luật trên thực tế đôi khi không trùng khớp hoàn toàn với những gì được
viết ra. Sự tồn tại và phát triển của pháp luật còn chịu sự tác động của nhiều
yếu tố, trong đó có những yếu tố gắn liền với tư duy, truyền thống, cách nghĩ,
nhận thức và các điều kiện sinh tồn khác. Bởi vậy, trong khuôn khổ đề tài này,
tác giả tiếp cận khái niệm hệ thống pháp luật theo nghĩa rộng và nội hàm của nó
không chỉ là quy phạm pháp luật (pháp luật nội dung), mà còn hệ thống hình thức
pháp luật (nguồn luật), tư tưởng pháp luật, ý thức pháp luật, thực tiễn pháp lý
(chủ yếu là thực tiễn tư pháp và tổ chức quyền lực tư pháp), tư duy pháp lý và
cả hệ thống tổ chức quyền lực, vị trí, vai trò của pháp luật trong thực tiễn./.
Còn nữa!!!
[1] Ông nghiên cứu đầu tiên và
chuyên sâu về vấn đề này trong công trình Luận án Phó tiến sĩ luật học vào đầu
những năm 1990 ở Việt Nam.
[2] Lê Minh Tâm, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn
thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (Luận án Phó tiến sỹ), 1992, tr. 32.
[3] Lê Minh Tâm, Tài liệu đã dẫn, tr. 33.
[4] Lê Minh Tâm, Tài liệu đã dẫn, tr.33.
[5] Lê Minh Tâm, Tài liệu đã dẫn, tr.33.
[6] Lê Minh Tâm, Tài liệu đã dẫn, tr.34.
[7] Dẫn theo Lê Minh Tâm, Tài liệu đã dẫn trang 24.
[8] Dẫn theo Lê Minh Tâm, Tài liệu đã dẫn trang 31, 32.
[9] Российское государство и правовая
система: современное развитие, проблемы, перспективы / под ред. Ю.Н. Старилова.
Воронеж, 1999. - С. 309.
[10] Xem thêm: Luận án TS Luật học của Mai Văn Thắng “Современная правовая система Вьетнама и проблемы
ее модернизации/ The modern legal system of Vietnam and the problems of its modernization” (Tháng 10/2010). Có thể tìm đọc ở Việt Nam trên Thư viện Quốc gia Việt Nam.
[11] Scott J. Shapiro, Legality (Cambridge, MA: Harvard University
Press, 2011) at 5
[12] Dẫn theo: Nguyễn Văn Cương “Quan niệm về pháp luật và hệ thống pháp
luật ở phương Tây” trên: http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1549
(truy cập 30/5/2017).
[13] Nguyễn Văn Cương “Quan niệm
về pháp luật và hệ thống pháp luật ở phương Tây” trên: http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1549
(truy cập 30/5/2017).
[14] Nguyễn Văn Cương “Quan niệm về pháp luật và hệ thống pháp luật ở
phương Tây” trên: http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1549 (truy cập 30/5/2017).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.