Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Một số vấn đề về xây dựng Đề cương và trích dẫn trong luận văn, luận án

TS. Mai Văn Thắng
 Khoa Luật - ĐHQGHN
[Nguồn: Báo cáo tại Hội thảo 
"Phương pháp NCKH ngành luật"
Khoa Luật, ĐHQGHN 6/6/2015]
1. Dẫn nhập
Thực hiện luận văn, luận án chưa bao giờ được coi là công việc dễ dàng đối với mỗi học viên, nghiên cứu sinh (NCS), bởi luận văn, luận án là công trình khoa học, nhưng thường lại là sản phẩm đầu tay của những nhà khoa học trẻ.
Cần phải khẳng định rằng, chất lượng của luận văn, luận án cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tri thức, kỹ năng, thái độ của học viên, môi trường đào tạo, khả năng tiếp cận tài liệu, kinh nghiệm, sự tận tâm của cán bộ hướng dẫn khoa học…Chính vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này, với những gì trải nghiệm được tôi không có tham vọng trình bày tất cả những suy nghĩ về các vấn đề mà học viên thường gặp phải khi thực hiện luận văn mà chỉ xin chia sẻ một số vấn đề liên quan đến đề cương luận văn và trích dẫn trong luận văn.


Xây dựng đề cương cho luận văn là công việc không hề đơn giản, nhưng lại vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công của luận văn. Đề cương luận văn thực chất là đường hướng nghiên cứu hay theo quan điểm của GS. Nguyễn Văn Tuấn là đề ra cương lĩnh cho việc nghiên cứu.[1] Nếu không có cương lĩnh đúng đắn thì không thể có hành động đúng đắn và, đương nhiên sẽ không có kết quả như mong muốn.
Xây dựng đề cương được ví như vẽ bản thiết kế cho ngôi nhà mà mình mong muốn, là thiết lập phần khung (kết cấu) cho luận văn, luận án. Nếu đề cương không khoa học, thiếu logic, không thanh thoát, khách quan thì sẽ khó có một luận văn, luận án thành công như mong đợi.
Bên cạnh đó, gần đây có nhiều luận văn, luận án vi phạm những quy định về trích dẫn, đạo văn. Vậy, những lỗi nào liên quan đến trích dẫn mà học viên thường mắc phải và làm thế nào để tránh?
2. Một số vấn đề khi xây dựng đề cương luận văn, luận án
a) Vấn đề xác định “hướng nghiên cứu” (Câu hỏi hay vấn đề nghiên cứu).
Hiện nay có một cơ số học viên, NCS không nhận thức được tầm quan trọng của việc cần xác định trước (chuẩn bị) cho mình hướng nghiên cứu, hay nói chính xác là vấn đề mình cần quan tâm nghiên cứu. Thông thường trong khi học, hoặc trước khi vào học hoặc quyết định làm luận án tiến sĩ, không ít học viên, NCS không biết mình quan tâm hay sẽ nghiên cứu vấn đề gì. Tình trạng đó tương tự như khi một doanh nhân tham gia vào hoạt động thương mại nhưng lại không biết mình kinh doanh mặt hàng gì, mình có thế mạnh gì. Có học viên cho đến khi cần phải bảo vệ đề cương cũng còn “rất hoang mang”, “loay hoay” chọn hướng nghiên cứu. Cầm trong tay danh sách những đề tài mà bộ môn/khoa gợi ý, có học viên đã không biết mình nên làm đề tài nào vì đề tài nào cũng hay hoặc đề tài nào cũng khó (vì không biết phải triển khai như thế nào). Đó là thực trạng không phải là hiếm.
Xin đương cử một ví dụ: Có lần một học viên tìm gặp tôi muốn nhờ tôi làm người hướng dẫn luận văn, luận án. Sau một hồi trao đổi, tôi hỏi về định hướng nghiên cứu, về lĩnh vực gì hay cái gì học viên quan tâm nhất, thấy thú vị nhất. Tuy nhiên, học viên nói không biết nghiên cứu cái gì, cũng không biết cái gì là thú vị và muốn được khám phá, nghiên cứu. Tôi hỏi, vậy trước khi vào học mà không biết mình quan tâm gì hay sao? Học viên chia sẻ là thực sự không quan tâm lắm vì thấy mọi người đi học cao học thì cũng muốn đi chứ không biết viết gì. Tôi hỏi lại là sao không đến gặp tôi sớm hơn một chút vì mấy hôm nữa là đến ngày bảo vệ đề cương rồi còn gì? Học viên nói với tôi là vì sắp đến ngày bảo vệ đề cương rồi mà vẫn chưa biết làm gì nên mới đến gặp tôi…
Có lẽ những ví dự tương tự không hiếm ở nước ta. Rõ ràng, sự chuẩn bị hay nói chính xác là mục đích học cao học dường như chưa được xác định một cách đúng đắn ngay từ đầu. Thực ra điều này cũng có thể được giải quyết nếu học viên may mắn gặp được cán bộ hướng dẫn tận tình, có kinh nghiệm, chuyên môn vững. Nhưng, nếu bản thân học viên, NCS chưa biết mình muốn gì, chưa quan tâm đến vấn đề cần nghiên cứu (câu hỏi nghiên cứu) thì sẽ rất bối rối, lúng túng khi thực hiện luận văn, luận án. Thực tế ấy cũng nói lên rằng, học viên khá thụ động trong khoa học nên phần nhiều cũng sẽ không phong phú về kiến thức để phục vụ cho việc viết luận văn, luận án.




Thông thường học cao học là bắt đầu bước vào con đường nghiên cứu, nhưng ở Việt Nam không hẳn lúc nào cũng cũng được nhận thức như vậy. Định hướng nghiên cứu trong luật học cũng không phải dễ mà tìm ra được ngay, bởi muốn tìm được định hướng nghiên cứu đúng, ngoài những hiểu biết, nhạy cảm về xã hội, thời cuộc, học viên còn phải có tri thức về lĩnh vực ấy.
Vì vậy, nếu như thực sự có những suy tư, trăn trở về lĩnh vực, hướng nào đó, thì học viên ắt sẽ tìm ra những vấn đề mình quan tâm và tìm hiểu xem vấn đề đó đã được người khác nghiên cứu như thế nào, đã giải quyết những gì, vấn đề gì chưa được nghiên cứu cần được tiếp tục nghiên cứu. Ngược lại, nếu học viên không chủ động (hay không quan tâm) suy tư, trăn trở trước cho hướng nghiên cứu thì đồng nghĩa với việc họ cũng gặp không ít khó khăn khi tìm cho mình một nhà nghiên cứu là chuyên gia trong lĩnh vực mình quan tâm để xin được hướng dẫn, giúp đỡ xây dựng đề cương. Thực tế chỉ ra rằng, những học viên (thiếu định hướng) này thường cố gắng tìm cho mình những cán bộ hướng dẫn “dễ tính”, “có học hàm cao”, “nhiệt tình” hay thậm chí thấy thích vì những lý do liên quan đến tính cách, hình dáng, ăn nói…mà chẳng quan tâm đến việc người hướng dẫn đó có phải là một chuyên gia hay không.
Để không thụ động chờ “may mắn”, đảm bảo cho mình có được hướng nghiên cứu hữu ích, phù hợp với những suy tư, trăn trở của mình, và đương nhiên có được người hướng dẫn phù hợp và chất lượng luận văn, luận án tốt, tôi cho rằng, trước hết học viên, NCS cần:
- Suy tư, trăn trở về lĩnh vực mà mình quan tâm nghiên cứu (có thể liên quan đến lĩnh vực công tác, có thể do thiên hướng, sở thích…) và tìm hiểu những thông tin liên quan đến lĩnh vực đó càng sớm, càng nhiều càng tốt;
- Dù xác định được hay chưa xác định được hướng nghiên cứu nhưng hãy mang tất cả những trăn trở, suy tư của mình đến chuyên gia (hãy tìm hiểu trước về chuyên gia thuộc lĩnh vực mình quan tâm) để nhờ xác định cụ thể hơn hướng nghiên cứu sao cho phù hợp, chính xác và khoa học;
- Đối với học viên cao học, hãy coi học cao học là học nghiên cứu, là bước đi đầu tiên trên con đường tiếp cận khoa học và phải có thái độ khoa học nghiêm túc. Còn đối với NCS hãy xác định rằng, làm luận án tiến sĩ có nghĩa là đã chọn nghiên cứu khoa học pháp lý làm nghề nghiệp cho bản thân;
Thiết nghĩ, nếu không có sự chuẩn bị, không có những suy tư, không tham vấn các chuyên gia từ trước, thì khó có thể có một hướng nghiên cứu tốt, phù hợp và, đương nhiên không thể có một đề cương tốt cho luận văn, luận án. Và khi không có một đề cương tốt thì không thể đảm bảo rằng sẽ có một luận văn, luận án có chất lượng.
b) Về vấn đề “tính cấp thiết của đề tài” và “tổng quan tình hình nghiên cứu
Đối với luận văn thạc sĩ, một trong những vấn đề mà tôi cảm nhận thấy không ít học viên dường như chưa nhận diện rõ và phân biệt được: “Tính cấp thiết của đề tài” và “Tổng quan tình hình nghiên cứu”. Có học viên trong khi viết “Tính cấp thiết của đề tài” lại đi phân tích một số tài liệu có liên quan đến đề tài nhằm chứng minh là vấn đề này ít được nghiên cứu, nghiên cứu đã không còn tính mới, hoặc hướng nghiên cứu hoàn toàn khác để qua đó chứng minh cho tính cần thiết của việc nghiên cứu đề tài. Có lẽ, theo nhiều học viên, đây là cách để nêu lên tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu?!
Trước khi xây dựng đề cương, có khi người hướng dẫn chỉ cần yêu cầu học viên phác thảo sơ qua kết cấu của luận văn, luận án (các chương, mục của đề tài) rồi chỉnh sửa, nhưng từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng, để xây dựng đề cương tốt và đặc biệt để sau này học viên thực sự viết tốt, học viên cần phải chứng minh cho người hướng dẫn biết tại sao họ lại chọn đề tài này, tính cần thiết, tính thời sự của vấn đề và, đặc biệt, là tổng quan tình hình nghiên cứu. Thiết nghĩ, khi làm được những điều đó chứng tỏ học viên đã cảm thụ được tại sao mình lại chọn đề tài này (hướng nghiên cứu này) và hướng nghiên cứu này sẽ có ích, giá trị như thế nào đối với xã hội, đối với ngành hay lĩnh vực khoa học mình quan tâm. Thông qua việc tìm hiểu, đánh giá tình hình nghiên cứu trước đó, học viên có một cái nhìn khá toàn diện, có chiều sâu về lĩnh vực mình muốn nghiên cứu. Điều đó giúp người hướng dẫn và học viên định vị tốt hơn và sẽ xây dựng được một đề cương (đặc biệt là kết cấu của luận văn, luận án) tốt hơn.
Để phân biệt được hai mục này, dưới đây, tôi xin trình bày quan điểm của mình về “tính cấp thiết” và “tổng quan tình hình nghiên cứu” và sau đó phân biệt chúng để học viên, NCS có được sự nhận diện tốt hơn khi xây dựng đề cương cho luận văn, luận án của mình.
Về “Tính cấp thiết của đề tài”:
Tính cấp thiết của đề tài thường là phần để tác giả chỉ ra tính quan trọng của đề tài, giá trị của định hướng nghiên cứu đối với việc giải quyết vấn đề nào đó đang nảy sinh trong xã hội, trong đời sống khoa học và cần được giải quyết hay góp sức, đưa ra những khuyến nghị, giải pháp khoa học. Nghiên cứu khoa học ở nước ta thường được đánh giá cao nếu hướng tới trực tiếp giải quyết “vấn đề xã hội” nào đó (xu hướng vị nhân sinh) nên việc chỉ ra tính cấp thiết của định hướng nghiên cứu là vô cùng quan trọng. Nếu hiểu một cách đơn giản hơn, tính cấp thiết có nghĩa là chỉ ra chỉ ra tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của việc nghiên cứu vấn đề nghiên cứu đối với xã hội, ngành, chuyên ngành khoa học.
Các học viên khi bắt đầu viết “Tính cấp thiết” thường viện dẫn những chính sách quan trọng, nghị quyết chính trị, vấn đề nổi cộm, đang rất nóng của xã hội để nói lên tính cấp thiết của đề tài. Thực chất, đấy mới chỉ là nói đến một phần của “Tầm quan trọng” của đề tài.
“Tầm quan trọng” của định hướng nghiên cứu là những tác động, giá trị của đề tài nghiên cứu đối với khoa học hay giải quyết các vấn đề xã hội, hay chỉ là góp sức nhỏ nhoi nào đó và đặt trong bối cảnh của thời đại, xã hội. Nghĩa là, ngoài tính “nóng” (tính thời sự), cũng cần chỉ ra những tác động của kết quả nghiên cứu đối với xã hội. Ở phần này tác giả nên “lên giọng” hay “nổ” một chút về tính quan trọng, sự ảnh hưởng của công trình đó đối với ngành, chuyên ngành và xã hội.[2]
Như vậy, trong phần “Tính cấp thiết của đề tài”, học viên cần phải lưu ý:
+ Phân tích một cách cô đọng nhất bối cảnh thời đại đặt trong mối liên hệ trực tiếp với định hướng nghiên cứu để chứng minh tính “nóng” của vấn đề;
+ Khẳng định tầm quan trọng của đề tài (hướng nghiên cứu) (giải trình về những tác động, ảnh hưởng của những kết quả dự kiến đối với ngành, chuyên ngành và xã hội (ở mức độ nào đó có thể hiểu là sự giải trình rõ hơn về mục đích nghiên cứu);
+ Không đi vào phân tích các công trình khoa học khác đã nói gì về vấn đề này như thế nào như là cách để lập luận cho việc tiếp cận nghiên cứu đề tài vì đó là việc của mục “Tổng quan tình hình nghiên cứu”.
- Về “Tổng quan tình hình nghiên cứu”:
Khác với “Tính cấp thiết của đề tài”, “Tổng quan tình hình nghiên cứu” là phần để tác giả phô diễn những hiểu biết của mình về lĩnh vực nghiên cứu theo công thức: những gì đã được nghiên cứu, những gì chưa được nghiên cứu (xác định khoảng trống trong định hướng hay vấn đề nghiên cứu) và qua đó khẳng định hướng nghiên cứu, đeo đuổi của mình.
Mục đích của phần này là nhằm chỉ ra tính kế thừa, tính mới, tính độc lập của hướng nghiên cứu, qua đó nhà nghiên cứu khẳng định hướng nghiên cứu của họ là mới, không lặp lại, không sao chép và họ đã thật sự trăn trở, tìm hiểu kỹ về lĩnh vực này và sẽ là chuyên gia về lĩnh vực này theo hướng nghiên cứu mới.
Trên thực tế, “Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài” là phần mà nhiều học viên, NCS ở nước ta thiếu sự đầu tư nhất, đôi khi mang tính chất đối phó. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu là việc học viên, NCS ít quan tâm, trăn trở đến vấn đề mình muốn tiếp cận, thụ động trong việc chọn câu hỏi nghiên cứu (research question), sự khó khăn trong tiếp cận tài liệu…
Một nhà khoa học hay người phản biện luận văn, luận án sẽ khó có thể bị thuyết phục, thiếu niềm tin vào kết quả của luận văn, luận án nếu phần “Tổng quan tình hình nghiên cứu” được viết một cách hời hợt, qua loa và theo đó sẽ đánh giá rất thấp kết quả nghiên cứu của học viên cũng như nghi ngờ về tính mới, sự độc lập cũng như những vấn đề được đưa ra trong luận văn, luận án. Học viên khẳng định và cam đoan là “Luận văn, luận án là công trình khoa học của riêng tôi, những kết luận, số liệu được đưa ra … là mới và chưa hề được công bố ở công trình khác[…]” thì phải chỉ ra cho mọi người thấy trước đó có những ai quan tâm đến lĩnh vực này rồi, người khác quan tâm như thế nào, chỉ ra những bất hợp lý của họ và qua đó xác định và lập luận hướng nghiên cứu của bạn là mới là đúng đắn, phù hợp. Như vậy, nếu không chỉ ra hướng nghiên cứu mới (hướng đó chưa có ai nghiên cứu hoặc cách tiếp cận khác) thì những lời cam đoan trên, thiết nghĩ, chỉ là “viết cho đủ thủ tục” mà thôi.
Trong nhiều lần làm tham gia hội đồng đánh giá luận văn, luận án thạc sĩ luật học tôi nhận thấy có nhiều luận văn, luận án viết phần này theo kiểu cho có. Nhiều tác giả luận văn, luận án có lẽ chỉ làm một việc rất đơn giản là tìm kiếm trên mạng hay sao chép từ Danh mục tài liệu tham khảo của các công trình khác có liên quan đến tên đề tài luận văn, luận án rồi đưa vào phần “Tổng quan tình hình nghiên cứu” theo kiểu có “điểm danh” đến. Thậm chí, trong nhiều luận văn, luận án còn không ghi cụ thể hay ghi không đúng tên tài liệu, tác giả, năm xuất bản, nhà xuất bản, tên tạp chí… Thiết nghĩ, học viên cần phải phân biệt hai khái niệm “Tổng quan tình hình nghiên cứu” và “Danh mục tài liệu tham khảo”.
Có trường hợp, các danh mục tài liệu được liệt kê trong phần “Tổng quan tài liệu tham khảo” có mối liên hệ rất xa hoặc không liên quan đến đề tài của luận văn, luận án. Chẳng hạn, luận văn, luận án bàn về “Quyền của lao động nữ” nhưng tác giả luận văn, luận án chỉ liệt kê tài liệu về quyền con người, nhà nước pháp quyền hay tốt hơn một chút là quyền của phụ nữ… mà không hề có bất cứ một tài liệu nào liên quan đến quyền của lao động nữ.
Đôi khi trong luận văn, luận án học viên chỉ liệt kê mà không phân tích các tài liệu đó, không chỉ ra những luận điểm cơ bản của các công trình đó, không phê bình khoa học đối với các công trình trước đó. Một số khác nghiêm túc hơn thì sau khi liệt kê hàng loạt công trình nghiên cứu trước đó bèn đưa ra một kết luận khá chắc chắn rằng “Những công trình khoa học nói trên dù có những thành tựu đặc biệt, được phân tích khá công phu, nghiêm túc […], nhưng nhìn chung nay đã cũ, hoặc nói quá chung chung […] mà chưa đi sâu vào nghiên cứu vấn đề cụ thể (ví dụ về quyền của lao động nữ)”. Rõ ràng, cách tiếp cận này là khá hơn, nhưng cũng khó có thể chấp nhận được khi tác giả luận văn, luận án không phân tích toàn diện những công trình trước đó, bình luận, phê phán… rồi sau đó mới chỉ ra được những khoảng trống cho mình nghiên cứu.
Tầm quan trọng của phần này là ở chỗ, sau khi phân tích toàn diện các công trình nghiên cứu trước đó thì tác giả mới phát hiện ra khoảng trống để cho mình nghiên cứu và nhận thấy khoảng trống đó nếu không được lấp thì rất không ổn (vì tính cấp thiết (tầm quan trọng phải lấp chỗ trống) như đã chỉ ra ở trên). Từ các bước trên, tác giả mới hùng hồn chứng minh cho hướng nghiên cứu của mình.
Một trong những vấn đề nữa mà tôi hay gặp là tỷ lệ phần Tổng quan tài liệu thường quá ngắn, nhất là đối với các luận văn. Từ những luận văn thạc sĩ mà tôi được tiếp cận, đa phần dung lượng cho mục “Tài liệu tổng quan” thường chỉ khoảng 1 hoặc 1,5 trang. Rõ ràng số trang trên là quá ít đối với một công trình như luận văn thạc sĩ.
Có ý kiến cho rằng đối với luận văn thạc sĩ thì không nên đòi hỏi mục này quá cầu kỳ như luận án tiến sĩ. Nhưng, thiết nghĩ đã là công trình khoa học thì phần Tổng quan tài liệu là vô cùng cấn thiết, vì nếu không đánh giá đúng tầm quan trọng của phần này, toàn bộ lập luận của tác giả luận văn sẽ yếu và không đảm bảo độ tin cậy về tính mới, tính độc lập của các kết quả nghiên cứu. Nếu có khác, có lẽ khác nhau ở quy mô, phạm vi (thường thì luận án tiến sĩ phải tìm hiểu chuyên sâu cả những công trình có liên quan ở nước ngoài).
Số lượng trang không quan trọng lắm vì nó còn phụ thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu rộng hay hẹp, được nghiên cứu nhiều hay ít, tác giả luận văn, luận án mô tả trực tiếp hay đi vòng vo về lĩnh vực nghiên cứu…Tuy nhiên, thường các luận văn, luận án ở nước ta có phạm vi nghiên cứu khá rộng và được nghiên cứu rất nhiều nên với dung lượng một trang thì khó mà tạo được niềm tin là học viên đã tiếp cận một cách nghiêm túc vấn đề mình nghiên cứu.
Theo quan điểm của tôi, ít nhất các học viên phải thực hiện các bước sau trong phần “Tổng quan tình hình nghiên cứu” để đảm bảo luận văn, luận án được thực hiện một cách khoa học, logic, có tính mới, tính kế thừa và tạo được niềm tin của Hội đồng đánh giá về sự nghiêm túc, đáng tin cậy của các kết quả của luận văn, luận án:
+ Thứ nhất, cần tìm các tài liệu có liên quan trực tiếp đến đề tài và nghiên cứu các tài liệu đó;
+ Thứ hai, phải biết so sánh các công trình khoa học có liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu;
+ Thứ ba, đối chiếu để lý giải nguyên nhân sự khác biệt, tương đồng trong các dữ liệu khoa học của các công trình khoa học đó (phương pháp tiếp cận, cách tiếp cận, các kết luận, những đóng góp mới…);
+ Thứ tư, sau khi đối chiếu, lý giải những nguyên nhân đó thì hãy nhóm vấn đề lại để tiện cho việc trình bày ở phần tổng quan nhằm giúp cho người đọc dễ hiểu, dễ đánh giá;
+ Thứ năm, tìm ra những điểm còn chưa được nghiên cứu (khoảng trống) của các nghiên cứu trước đó;
+ Thứ sáu, cần biết đưa ra những quan điểm phản biện khoa học về các công trình trước (hay có thể gọi là phê bình một cách văn hóa nhằm thuyết phục người đọc cho việc mở đường nghiên cứu của mình);
+ Thứ bảy, phải tìm những ngôn ngữ thật khúc triết, mạch lạch, chính xác và đậm chất khoa học để trình bày những bước trên vào mục “Tổng quan tình hình nghiên cứu”.
Như vậy, “Tổng quan tình hình nghiên cứu” không phải là liệt kê một cách đơn thuần những công trình trước đó mà còn phải nghiên cứu, so sánh, đối chiếu, đưa ra những bình luận có tính chất phản biện khoa học cho những công trình khoa học trước đó nhằm mục tiêu duy nhất là để khẳng định và thuyết phục cho “tính cấp thiết”, “tính phù hợp” của việc lựa chọn định hướng nghiên cứu của đề tài. Ngoài ra còn một mục đích nữa chứng mình cho các nhà khoa học thấy học viên rất am hiểu lĩnh vực nghiên cứu chứ không phải là người đơn thuần đi cóp nhặt các tài liệu mà không tìm hiểu gì cả.
Về sự khác biệt giữa “Tổng quan tình hình nghiên cứu” và “Tính cấp thiết của đề tài”, theo quan điểm của tôi, nói ngắn gọn hơn, “Tổng quan tình hình nghiên cứu” là để chỉ ra “khoảng trống” của định hướng nghiên cứu, còn “Tính cấp thiết của đề tài” là để khẳng định các khoảng trống đó cần thiết phải được “lấp đầy lại” và việc đó là vô cùng quan trọng.
c) Về vấn đề “Nhiệm vụ nghiên cứu” và “Đối tượng nghiên cứu”
Một vấn đề nữa và học viên cũng hay mắc phải đó là sự nhầm lẫn giữa đối tượng nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu.
Thực tế tôi đã gặp những luận văn, luận án mà khi đọc thật khó để mà phân biệt được “Đối tượng” và “Nhiệm vụ” nghiên cứu trong luận văn, luận án dù theo yêu cầu luận văn, luận án cần có cả hai mục này. Thậm chí, trong một số luận văn, luận án thiếu cả “Đối tượng” hoặc “Nhiệm vụ nghiên cứu” hoặc bỏ đi một trong hai mục trên.
Đối tượng nghiên cứu là các hiện tượng, sự vật mà tác giả luận văn, luận án nhắm tới (bằng cách đó hoặc thông qua đó) để tìm hiểu, nghiên cứu nhằm giải quyết những nhiệm vụ đã được đặt ra.
Thông thường khi bắt đầu nghiên cứu, trước hết, tác giả xác định mục đích nghiên cứu (kết quả muốn đạt được thông qua hoạt động nghiên cứu), sau đó xác định các nhiệm vụ để đạt được mục tiêu đó và tiếp theo là xác định đối tượng nghiên cứu để qua đó có thể giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu đã đặt ra.
Việc xác định đối tượng nghiên cứu là việc tác giả luận văn, luận án xác định khi theo đề tài nào đó thì tác giả phải nghiên cứu những cái gì (sự vật, hiện tượng gì). Xác định nhiệm vụ là việc tác giả đề ra những vấn đề cần giải quyết. Nhiệm vụ là những gì cần phải giải quyết, còn đối tượng là những gì cần tiếp cận và thông qua đó để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu (thông qua nghiên cứu những thứ đó thì các vấn đề cần nghiên cứu sẽ được giải quyết).
Như vậy, nếu tác giả chọn nhầm đối tượng nghiên cứu thì sẽ ra kết quả không đúng, hoặc nếu tác giả không đề ra nhiệm vụ nghiên cứu thì cũng sẽ không biết mình sẽ giải quyết những vấn đề gì để đạt được mục tiêu nghiên cứu.
Thông thường, những nhà nghiên cứu kinh nghiệm thì sau khi nhìn tên đề tài sẽ xem đến đối tượng nghiên cứu, nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể (được tác giả xác định và công bố ngay trong phần đầu của luận văn, luận án) và thêm vào đó nhìn “Khung (kết cấu) luận văn, luận án” là họ có thể phán đoán được luận văn, luận án có logic, có đáp ứng yêu cầu không. Vì thế, đôi khi người phản biện chỉ cần nhìn vào phần mở đầu của luận văn, luận án thì có thể kết luận được ngay sự đúng hướng, logic và phù hợp của luận văn, luận án với hướng nghiên cứu.
Những đối tượng nghiên cứu là công cụ để thực hiện nhiệm vụ đặt ra và qua việc nghiên cứu các đối tượng đó bằng các phương pháp nghiên cứu khoa học, mục đích nghiên cứu sẽ đạt được.
d) Về việc thiết lập kết cấu cho luận văn, luận án
Xây dựng kết cấu (chương, mục) cho luận văn, luận án thường nhận được sự giúp đỡ của người hướng dẫn, nhưng để luận văn, luận án có một kết cấu logic và phù hợp với mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu, thiết nghĩ, học viên phải lưu ý:
- Suy tư về định hướng nghiên cứu
Học viên phải cơ bản xác định trước cho mình hướng nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích tài liệu có liên quan (Trong trường hợp tồi tệ nhất là không biết nghiên cứu gì thì nên gặp các thầy, cô tham gia giảng dạy các học phần cao học càng sớm, càng tốt để tham vấn về định hướng nghiên cứu);
- Tìm gặp chuyên gia khoa học chuyên ngành
Sau khi đã xác định được định hướng nghiên cứu và đã tìm hiểu về những nghiên cứu trước đó về lĩnh vực mình quan tâm, hãy tìm gặp cán bộ khoa học chuyên sâu và có uy tín về lĩnh vực mà mình quan tâm để nhờ giúp đỡ hoặc nhận được sự tư vấn chuyên sâu hơn về hướng nghiên cứu;
- Tự mình xây dựng đề cương
+ Sau khi nhận được những tư vấn khoa học của chuyên gia, hãy cố gắng tự thiết lập đề cương với đầy đủ các mục theo yêu cầu và gửi lại cho chuyên gia góp ý, chỉnh sửa. Ở bước này, cần phải làm rất công phu các mục: Tổng quan tình hình nghiên cứu; xác định nhiệm vụ và đối tượng nghiên cứu; kết cấu luận văn, luận án);
+ Trong quá trình này, hãy liên hệ với chuyên gia càng nhiều càng tốt;
- Đề xuất người hướng dẫn và làm việc với người hướng dẫn
+ Hãy tự chọn cho mình người hướng dẫn mà bạn thấy yên tâm về chuyên môn, cung cách làm việc, sự tận tình, kinh nghiệm… Nếu bạn đã làm tốt các bước trên thì thiết nghĩ bạn đã có dự kiến về người hướng dẫn cho mình;
+ Khi đã được phân công người hướng dẫn học viên hãy mang hết những gì đã chuẩn bị trước trình bày cho người hướng dẫn và đề nghị người hướng dẫn góp ý và hoàn thiện đề cương cho luận văn, luận án. Trong trường hợp người hướng dẫn lại không phải là người bạn đề xuất cũng không sao, vì học viên cũng đã có sự chuẩn bị khá tốt từ trước. Vì vậy, học viên hoàn toàn có đủ tự tin để trao đổi với người hướng dẫn mới về lĩnh vực mình quan tâm và thuyết phục người hướng dẫn về định hướng của mình;
+ Để có hiệu quả, khi làm việc với người hướng dẫn, học viên cần phải là người có sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu. Hãy chứng minh học viên là người nghiêm túc, chỉn chu trong khoa học và luôn đúng hạn. Hãy mạnh dạn trình bày quan điểm của mình về đề tài để nhận được nhiều hơn những góp ý vì luận văn, luận án là công trình khoa học của học viên.
3. Về trích dẫn trong luận văn, luận án
Trích dẫn trong luận văn, luận án không phải là vấn đề mới, nhưng cũng không phải là điều mà ai cũng có những hiểu biết thấu đáo. Hoạt động nghiên cứu luôn gắn liền với những thông tin, dữ liệu, quan điểm, quan niệm, ý tưởng và trong khoa học, các tác giả thường dẫn những quan niệm, ý tưởng, câu chữ của các học giả khác để làm minh chứng cho lập luận của mình hoặc cũng có thể để chỉ dẫn nguồn thông tin, quan điểm, dữ liệu ấy.
Thực tế chỉ ra rằng, có không ít học viên “hoang mang” về trích dẫn trong luận văn, luận án. Khi nào cần trích dẫn, trích dẫn sao cho đúng, trích dẫn bao nhiêu thì đủ, làm sao để không bị coi là đạo văn,… là những vấn đề mà các học viên lo lắng nhất. Đã có những học viên phải “ngậm ngùi” làm lại, bị khiển trách, giáo viên hướng dẫn bị kỷ luật do những lý do liên quan đến đạo văn hay trích dẫn không đúng, không trung thực.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của khoa học là khi đã dùng ý tưởng hay ngôn từ, thông tin… của người khác thì cần phải trích dẫn nguồn thông tin, và đó là đạo đức nghề nghiệp.
Những vấn đề mà học viên, NCS thường băn khoăn hay vi phạm trong trích dẫn:
- Học viên ghi các trích dẫn không đúng quy định
Trong nhiều luận văn, luận án, học viên chỉ trích dẫn số thứ tự tài liệu mà không trích dẫn số trang tài liệu. Ví dụ, chỉ ghi [20] bên cạnh nguồn thông tin cần trích dẫn, theo đó, 20 là số thứ tự của tài liệu được trích dẫn nằm trong Danh mục tài liệu tham khảo. Rõ ràng, nếu trích dẫn như trên thì khó cho người kiểm chứng khi nguồn thông tin là sách chuyên khảo dày khoảng 800 trang.
Dẫn nguồn có nghĩa là dẫn chính xác nguồn nơi chứa đựng thông tin trích dẫn, vì vậy nếu học viên trích dẫn như ví dụ trên thì sẽ khó kiểm chứng và nếu ai muốn kiểm chứng thì gặp phải tình trạng “mò kim đáy biển”. Vì vậy, thay vì đánh số [20], cần phải trích nguồn và chỉ rõ số trang hay số các trang (ví dụ: [20, tr.152-153]).
Ngoài ra, còn khá nhiều những quy định trích dẫn trong luận văn, luận án liên quan đến từng loại tài liệu mà thường học viên cũng không nắm được. Về việc này, học viên hãy đề nghị cán bộ đào tạo cung cấp những quy định về trích dẫn trong luận văn, luận án để sau này khỏi phải thân chinh mang xuống Phòng đào tạo cho mấy cán bộ, chuyên viên “sửa lại cho đúng”.
- Ngại trích dẫn nhiều
Có một tâm lý khá phổ biến là nhiều học viên ngại trích dẫn quá nhiều dù rằng những gì họ viết đều lấy của người khác với lý do là nhiều trích dẫn quá thì không còn gì là của mình. Đây là quan niệm sai lầm và cũng là lý do mà các luận văn, luận án bị coi là đạo văn. Như đã nói, dùng nội dung, thông tin, quan điểm, ý tưởng, câu chữ của người khác thì phải trích dẫn, còn dùng mà không trích dẫn thì dù với bất cứ lý do gì đều bị coi là đạo văn.
Do có một thực tế là có những học viên còn khiêm tốn về tri thức lý luận, khả năng viết cho nên thường “bê” nguyên các quan niệm của người khác vào làm nguyên liệu cho luận văn, luận án của mình, và vì vậy những người này thường “ngại” trích dẫn. Thiết nghĩ, trong khoa học, ta chỉ dùng thông tin, quan điểm của người khác để tránh phải nói lại những gì đã biết, để “tô” thêm cho quan điểm của mình chứ không phải dùng chữ của người khác để làm đầy trang hay đủ mục luận văn, luận án của mình.
- Trích dẫn tài liệu chưa đọc
Trích dẫn tài liệu khi chưa đọc tài liệu đó là cấm kỵ trong khoa học, nhưng trên thực tế hiện tượng này không phải là không có.
Có lần tôi hỏi học viên về tài liệu mà bạn ấy trích trong luận văn, luận án là bạn ấy lấy được ở đâu và có thể cho tôi mượn được không (vì tôi cũng đang cần tài liệu đó) thì bạn học viên đã thú nhận chưa hề được tiếp cận tài liệu đó. Học viên có giải thích với tôi là đã sưu tầm trên mạng những bài viết và do trong các bài viết đó có trích dẫn nguồn này nên bạn đó đã trích lại (như thể là mình tự trích từ bản gốc).
Ngày nay, khi việc tiếp cận các tài liệu trên Internet trở nên dễ dàng thì sự “lười biếng” trong việc tìm tài liệu gốc lại trở nên phổ biến. Thay vì dẫn nguồn trang điện tử đó thì học viên lại trích dẫn tài liệu lại của tác giả bải viết đã dùng và trích dẫn. Điều này là vi phạm đạo đức nghề nghiệp bởi sự không trung thực của tác giả luận văn, luận án. Hành động này dẫn đến nguy cơ “tam sao thất bản”, và nguy hại hơn, khi những thông tin không được kiểm chứng trên internet lại được tác giả luận văn, luận án dùng lại và trích dẫn y như tác giả đã đọc tài liệu đó. Và, nếu sau này người khác lại dùng lại những quan điểm hay thông tin trong luận văn, luận án của học viên, thì nguy hiểm sẽ khó lường.
- Trích dẫn nhiều tài liệu thứ cấp
Trích dẫn nhiều tài liệu thứ cấp đang là hiện tượng khá phổ biến hiện nay ở nước ta. Trên thực tế, nếu không thể tiếp cận được tài liệu gốc, thiết nghĩ, việc sử dụng tài liệu thứ cấp cũng có thể được chấp nhận khi đảm bảo nguyên tắc trung thực, khách quan.
Trích tài liệu thứ cấp là khi tác giả trích dẫn một câu văn, ý tưởng của một người nào đó thông qua trích dẫn những tác phẩm, công trình của người khác có trích dẫn ý tưởng đó. Chẳng hạn, tác giả luận văn, luận án muốn trích dẫn ý tưởng của GS. Nguyễn Đăng Dung trong cuốn “Tòa án Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền” nhưng vì ngại mượn sách này của thư viện, hơn nữa ý văn đó đang được trích dẫn trong bài viết của TS. Nguyễn Văn K và để cho tiện, tác giả đã lấy ý tưởng đó đưa vào luận văn, luận án và trích dẫn trung thực là: Xem trong: Nguyễn Văn K, Tên bài viết,Tạp chí A, số B, trang C…
Cần lưu ý rằng lạm dụng việc trích dẫn tài liệu thứ cấp sẽ làm cho độ tin cậy của luận văn, luận án giảm sút đáng kể. Hãy cố gắng dùng tài liệu gốc, nhưng đừng mạo hiểm trích tài liệu gốc bằng thủ thuật “trích dẫn tài liệu chưa đọc” như phân tích ở trên.
- Trích dẫn các số liệu của các báo cáo nội bộ, báo cáo mang tính chất bí mật
Hiện nay có rất nhiều học viên gặp khó khăn trong việc trích dẫn nguồn của các số liệu lấy được từ các báo cáo “xin được” hay “được cung cấp” theo con đường nội bộ. Có nhiều học viên đưa ra rất nhiều số liệu trong luận văn, luận án (vì thường thực hiện các đề tài luận văn, luận án liên quan đến thực tiễn công tác nên có nhiều số liệu) nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong trích nguồn. Có một số học viên muốn trích nguồn các số liệu này nhưng không biết trích nguồn như thế nào, còn một số khác thì cho rằng không cần và coi đó như là số liệu mình tự phát kiến.
Ví dụ, một cán bộ Sở giáo dục đào tạo tỉnh A khi thực hiện đề tài về Áp dụng pháp luật về giáo dục và đào tạo của tỉnh A đã dùng rất nhiều số liệu trong luận văn, luận án của mình về tỷ lệ vi phạm quy định về quản lý giáo dục các cấp, số liệu về tuyển chỉ tiêu viên chức mầm non qua các năm…Vấn đề là, có cần trích nguồn những số liệu này không và nếu cần thì trích nguồn như thế nào? Thiết nghĩ đây cũng là khó khăn chung và phổ biến của nhiều học viên khi thực hiện luận văn, luận án. Theo quan điểm cá nhân, mọi số liệu dùng trong luận văn, luận án cần phải được trích nguồn để đảm bảo tính trung thực của luận văn, luận án. Việc không dẫn nguồn các số liệu sẽ làm cho luận văn, luận án mất đi độ tin cậy.
Đối với việc trích dẫn, nếu các báo cáo đó đã được công bố trên các hội nghị, hay đã được công khai thì việc trích dẫn cần phải đảm bảo nguyên tắc: Tên báo cáo, được công bố trên hội nghị nào, công bố công khai trên địa chỉ nào, đang được lưu giữ ở đâu. Còn nếu là những số liệu do chính học viên đi xin thông qua việc hỏi đáp người có chức vụ, thẩm quyền thì nên hợp thức hóa các số liệu đó bằng việc áp dụng các phương pháp điều tra xã hội học. Tuyệt đối không dẫn nguồn bằng cách “Số liệu do bà Nguyễn Thị B – Giám đốc sở A cung cấp trong buổi trao đổi cùng học viên” vì thông tin đó không được kiểm chứng.
Liên quan đến các số liệu thuộc phạm trù bí mật thì tuyệt đối không nên dùng trong luận văn, luận án bởi luận văn, luận án sẽ công khai và các số liệu đó cũng sẽ bị công khai, hơn nữa việc kiểm chứng những thông tin thuộc dạng “bí mật” là vô cùng khó khăn.
- Trích dẫn thông tin quá dài và trích dẫn y nguyên lời văn của người khác
Một số luận văn, luận án mà tôi có dịp được tiếp cận lại gặp phải một vấn đề khác đó là: trích dẫn thông tin quá dài và trích dẫn y nguyên lời văn của tác giả khác trong luận văn, luận án của mình.
Thật ra, việc này chẳng có gì sai, nhưng nếu gặp một luận văn, luận án mà trích dẫn quá dài, trích dẫn nguyên xi cũng làm cho người đọc thấy khó chịu, luận văn, luận án mất đi tính hấp dẫn, tính “tôi” của tác giả. Thiết nghĩ, sẽ hay hơn nếu tác giả chuyển ý tưởng của người khác bằng những câu văn của mình thì sẽ hấp dẫn hơn và đương nhiên, dù ý tưởng của người khác nhưng đã viết bằng lời văn của mình thì vẫn phải trích dẫn. Điều này có ý nghĩa khi tác giả muốn trích dẫn ý tưởng của người khác nhưng lại gặp phải một đoạn văn quá dài.
Trên thực tiễn còn khá nhiều những vấn đề liên quan đến trích dẫn trong luận văn, luận án, luận án, như: trích dẫn tài liệu khi có nhiều tên tác giả, trích dẫn tài liệu là các bản sáng chế, trích dẫn tài liệu trên mạng, trích dẫn tài liệu trên báo chí…, và đặc biệt cách làm thế nào để tránh bị đạo văn… Tất cả những điều này đều được trình bày một cách khá thuyết phục trong cuốn “Từ nghiên cứu đến công bố: Kỹ năng mềm cho nhà khoa học”, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2013 của tác giả Nguyễn Văn Tuấn. Thiết nghĩ, tài liệu trên rất bổ ích và có thể tiếp cận dễ dàng trên thư viện của Bộ môn Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật và Bộ môn Hiến pháp-Hành chính của Khoa Luật ĐHQG Hà Nội.
4. Kết luận
Luận văn, luận án là công trình khoa học thường được coi là đầu tay của các học viên và vì vậy những khó khăn, lúng túng là điều không tránh khỏi.
Một luận văn, luận án tốt phải hội tụ nhiều yếu tố, nhưng theo quan điểm của tôi, một trong những điều kiện quan trọng là phải có được sự chuẩn bị và xây dựng một đề cương tốt. Tầm quan trọng của đề cương đối với luận văn, luận án đã được bàn luận rất nhiều trong các quy định, diễn đàn khoa học. Đề cương là rường cột của luận văn, luận án, và đôi khi được ví như kết cấu, kiến trúc chung của ngôi nhà. Đề cương luận văn, luận án cũng được ví như là tuyên ngôn, cương lĩnh nghiên cứu của học viên trong quá trình thực hiện luận văn, luận án. Có được đề cương tốt cũng chưa thể đảm bảo chắc chắn rằng sẽ có một luận văn, luận án tốt, nhưng có điều chắc chắn rằng, đó là điều kiện tối quan trọng cho một luận văn, luận án có chất lượng.
Quá trình làm việc cùng các học viên, NCS, trao đổi cùng các đồng nghiệp đi trước đã giúp tôi nhận ra một số vấn đề mà chính tôi cũng từng lúng túng và thiếu kinh nghiệm như: vấn đề định hình sớm định hướng nghiên cứu, nhận diện và tầm quan trọng của việc phân biệt rõ ngay từ đầu “Nhiệm vụ nghiên cứu”, “Đối tượng nghiên cứu”, “Tính cấp thiết của đề tài” và “Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài”… Vì lẽ đó, tôi cho rằng, nếu học viên nhận thức đúng ngay từ đầu để có sự chuẩn bị sớm thì sẽ có điều kiện để xây dựng một đề cương tốt cho luận văn, luận án – điều kiện quan trọng đảm bảo sự thành công của luận văn, luận án.
Tương tự như xây dựng đề cương, trích dẫn trong luận văn, luận án cũng là những vấn đề mà theo tôi học viên, NCS cũng còn nhiều lúng túng. Từ việc cần trích dẫn bao nhiêu thì đủ, trích dẫn tài liệu trong các báo cáo nội bộ, tài liệu mật, cho đến các “mánh khóe” mà học viên thường sử dụng khi làm luận văn, luận án nhưng lại có nguy cơ bị phát hiện và làm cho luận văn, luận án bị coi là “đạo văn”…, đều là những trải nghiệm hữu ích cho học viên, NCS trong quá trình thực hiện luận văn, luận án – công trình khoa học đầu tay của mình./.






* Giảng viên Khoa Luật ĐHQG Hà Nội.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.