Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

Ảnh hưởng của pháp luật phương Tây đến pháp luật Nhật Bản trong lịch sử và những giá trị tham khảo đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay



ảnh Internet
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Số 34 (3) tháng 9/2018.


Là giảng viên, tôi tâm niệm rằng, nỗ lực làm cho mình hoàn thiện hơn từng ngày là vô cùng quan trọng, nhưng có lẽ quan trong hơn tất cả là phải làm cho người học ngày càng giỏi hơn, gia tăng được nhiều hơn giá trị trong lĩnh vực chuyên môn, bởi suy cho cùng, người thầy dù có nỗ lực làm cho mình hoàn thiện hơn mỗi ngày cũng là hướng đến thành quả là người học.
Bài viết này là nỗ lực của một sinh viên năm thứ nhất dưới sự hướng dẫn của tôi. Bài viết chắc chắn chưa hoàn thiện, tuy nhiên, với một sinh viên năm thứ nhất đại học mà đã làm được như thế này là điều vô cùng trân quý. Ở cùng thời điểm năm nhất đại học như bạn ấy, tôi đã không làm được như thế. Mong rằng, đây là bước khởi đầu cho sự hoàn thiện và phát triển của sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu tại Khoa Luật của chúng tôi. Xin được giới thiệu bài viết này và đây chỉ là báo cáo tóm lược công trình nghiên cứu gần 100 trang của các tác giả.

Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích những lĩnh vực của hệ thống pháp luật Nhật Bản đã chịu tác động, ảnh hưởng của pháp luật các quốc gia phương Tây, làm rõ những yếu tố tiếp nhận pháp luật nước ngoài, những nguyên do góp nên thành công của hệ thống pháp luật Nhật Bản khi tiếp nhận pháp luật từ các hệ phái pháp luật tiến bộ khác nhau của phương Tây cũng như sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống của Nhật Bản với những giá trị tiến bộ ngoại lai qua đó chỉ ra những kinh nghiệm quý có thể tham khảo cho Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện nay.
Từ khóa: Ảnh hưởng của pháp luật, pháp luật phương Tây, pháp luật Nhật Bản, lịch sử pháp luật; pháp luật Việt Nam.

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Đặc trưng của mô hình, phương thức tổ chức đơn vị hành chính lãnh thổ ở Liên bang Nga hiện nay


ảnh: Internet
TS. Mai Văn Thắng 
Khoa Luật, ĐHQGHN
Nguồn bài đăng:
 Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
Số 1, tháng 3/2018 
Chân thành cám ơn Tạp chí NCLP đã chấp nhận đăng bài viết! Xin đăng lên đây để cho ai quan tâm đọc và góp ý!!!
Tóm tắt: Tổ chức đơn vị hành chính lãnh thổ và tổ chức chính quyền địa phương là những vấn đề vô cùng hệ trọng của mỗi quốc gia. Tuy có liên quan mật thiết đến nhau nhưng chúng lại khác nhau về bản chất, vai trò và vì vậy cần có sự phân biệt rõ ràng, rành mạch để vừa thiết lập được mô hình phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ phù hợp, thúc đẩy phát triển đất nước và hỗ trợ quản trị quốc gia thống nhất nhưng cũng không làm triệt tiêu hoặc hạn chế quyền tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm, thui chột sự năng động, sáng tạo của chính quyền và nhân dân địa phương, góp phần thúc đẩy nền tảng dân chủ, pháp quyền và quản trị tốt. Bài viết phân tích những đặc điểm của mô hình, phương thức tổ chức hành chính lãnh thổ ở nước Nga hiện đại và chỉ ra những điểm mà theo tác giả là có giá trị tham khảo đối với Việt Nam hiện nay dù bối cảnh chính trị, xã hội có nhiều điểm khác nhau.
Từ khóa: mô hình, đơn vị hành chính lãnh thổ, Nga, đặc điểm, tự quản địa phương.

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

ĐÀO TẠO LUẬT Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

ảnh: Internet

Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN

Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán về đoàn viên với gia đình, quê hương, vì có thời gian rảnh, không biết làm gì nên tôi có chút mơ màng và suy tư về đào tạo luật ở Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0. Bài viết này chỉ là cảm nhận, phân tích của cá nhân với nhiều hạn chế về nhận thức, nên mong nhận được góp ý chân thành của các đồng nghiệp và những ai quan tâm!
Trân trọng cám ơn!
1.     Dẫn nhập
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang hiện hữu trong mọi khía cạnh của cuộc sống xã hội. Nhận thức đúng bản chất, nội dung của cuộc cách mạng này và nắm vững được những cơ hội, thách thức mà nó đem lại giúp cho mỗi quốc gia điều chỉnh, xây dựng được chiến lược phù hợp tận dụng thời cơ để phát triển đất nước và không bị bỏ lại phía sau.
    CMCN 4.0 lần đầu tiên được đề cập đến từ năm 2011[1] tại Đức và, thực tế, đã được tận dụng khá thành công ở nhiều quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp góp phần tạo thịnh vượng, thiết lập các xu hướng, dẫn dắt sự phát triển của thế giới.
    Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, đẩy mạnh truyền thông về cuộc cách mạng này và đã có những quyết sách bước đầu quan trọng.[2] Trong lĩnh vực học thuật, đã có một số hoạt động, nghiên cứu có chất lượng bàn về CMCN 4.0 nhằm chỉ ra những thách thức, cơ hội mà Việt Nam đã và sẽ đối diện.[3] Tuy nhiên, thực tế cho thấy không chỉ nhận thức về CMCN 4.0 chưa thật đầy đủ, toàn diện, mà cho đến nay dường như chưa có sự chuyển dịch lớn nào trên phương diện chính sách pháp luật hướng tới kỷ nguyên 4.0 ở nước ta.