Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Cơ chế giới hạn chính đáng các quyền con người ở Liên bang Nga


TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN


      1.     Về thuật ngữ giới hạn (hạn chế) quyền con người ở Liên bang Nga
 Giới hạn (hạn chế) quyền con người là một trong những vấn đề được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn khoa học cũng như thực tiễn cuộc sống ở Liên bang Nga trong hai thập niên trở lại đây. Tính thời sự của nó được qui định bởi bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tổ chức quyền lực, dân chủ hóa và xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước Nga thời kỳ hậu Xô viết.
Cơ sở pháp lý của việc giới hạn (hạn chế) quyền con người ở Liên bang Nga là Hiến pháp Liên bang. Bản Hiến pháp này được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân (bỏ phiếu toàn dân) được tiến hành vào ngày 12 tháng 12 năm 1993.[2] Theo qui định của Hiến pháp, quyền con người có nguồn gốc tự nhiên, không thể phân chia và thuộc về mỗi cá nhân ngay từ khi mới được sinh ra. Các quyền này phù hợp với các nguyên tắc chung được thừa nhận rộng rãi và các chuẩn mực của pháp luật quốc tế.[3] Tuy vậy, cũng như theo các nguyên tắc và chuẩn mực của pháp luật quốc tế, việc thực thi các quyền con người cũng có thể bị giới hạn (hạn chế) trong những trường hợp và mục tiêu xác định. Theo Khoản 3 Điều 55 Hiến pháp Liên bang Nga “Các quyền và tự do của con người và của công dân có thể bị giới hạn bởi luật liên bang chỉ trong mức độ cần thiết đủ để bảo vệ nền tảng chế độ hiến pháp, đạo đức, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bảo đảm phòng thủ đất nước và an ninh quốc gia”.

Mặc dù đã được hiến định, nhưng cho đến nay, chỉ riêng vấn đề liên quan đến việc sử dụng thuật ngữ “ограничить” trong Hiến pháp cũng đã dẫn đến nhiều quan niệm, cách nhận thức rất khác nhau. Thuật ngữ “ограничить” nên hiểu là “giới hạn” hay “hạn chế” và điều này có tác động như thế nào đến thực thi chế định Hiến pháp nói trên cũng như đến nhận thức của giới nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước. Tại Khoản 3 Điều 55 của Hiến pháp Liên bang Nga các nhà lập hiến Liên bang Nga đã dùng thuật ngữ “ограничить” để miêu tả nội dung quan trọng nhất của điều khoản này. Nhưng thuật ngữ này được hiểu không chỉ với nghĩa là “giới hạn”. Ngay trong các bản dịch Hiến pháp Liên bang Nga sang tiếng Việt, cùng một thuật ngữ “ограничить” nhưng lại được các tác giả dịch theo cả nghĩa “giới hạn” và “hạn chế”.[4]
Vấn đề là ở chỗ, nội hàm của hai khái niệm “hạn chế” và “giới hạn” trong lĩnh vực nhân quyền lại có sự khác biệt. Luật Nhân quyền quốc tế phân biệt rất rõ ràng hai khái niệm “Limitation of human rights” và “Derogation of human rights”. Theo đó, các quyền có thể bị giới hạn còn việc thực thi các quyền ấy thì có thể bị hạn chế. TS. Vũ Công Giao đã phân tích rất thuyết phục sự khác biệt và nguy hiểm khi đồng nhất hai khái niệm này.[5]
Như vậy, nhất thiết cần phải làm rõ nội hàm thuật ngữ “ограничить” được dùng trong Hiến pháp Liên bang để đảm bảo sự nhất quán trong nhận thức và thực thi các qui định của Hiến pháp liên quan đến nội dung đặc biệt quan trọng và nhạy cảm này.
Theo các Từ điển Tiếng Nga, thuật ngữ “ограничить” được định nghĩa là “hạn chế, gò ép bởi những điều kiện xác định, đặt cái gì đó vào khung hay phạm vi nào đó[6] hay “hạn định, co lại, giảm bớt (cái gì đó, khả năng gì đó, quyền gì đó), đặt cái gì đó vào khung, thiết lập giới hạn cho cái gì đó”.[7]
Như vậy, thuật ngữ này được sử dụng để biểu đạt cả hai nghĩa: “giới hạn” và “hạn chế”. Vậy, cần hiểu nội hàm của thuật ngữ này trong Hiến pháp như thế nào cho phù hợp?
Với nghĩa “ограничение” – “hạn chế”, có thể hiểu là quyền con người trong các trường hợp, thời điểm xác định (luật định) việc sử dụng các quyền con người có thể bị giảm bớt, thu hẹp, gián đoạn, không được đầy đủ, liên tục.
Với xuất phát từ ngôn ngữ gốc của tiếng Nga “-гранич-”(nghĩa: giới hạn, ranh giới, phạm vi…),[8]  thuật ngữ “ограничениеcũng được hiểu là “giới hạn”. Trong lĩnh vực quyền con người thuật ngữ này được sử dụng để biểu đạt giới hạn quyền con người - là việc thiết lập một cách hợp pháp các ranh giới, phạm vi, thời điểm mà trong khuôn khổ đó việc thực thi quyền con người có thể bị hạn chế hoặc bị trì hoãn.
Trong giới nghiên cứu Liên bang Nga, tranh luận về thuật ngữ này cũng khá gay gắt. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cần phải phân biệt rõ ngay trong Hiến pháp để công quyền (và cả chủ thể mang quyền) không thể lạm dụng. Theo họ, không nên sử dụng thuật ngữ “quyền và tự do của con người và công dân có thể bị giới hạn”, mà chỉ cần “quyền con người có thể bị giới hạn” là đủ. Bởi, tự do là lợi ích mà quyền đem lại, là nội dung của quyền.[9] Còn theo một số khác thì cần thiết phải thêm tính từ “quyền - правовые” vào trước danh từ “giới hạn - ограничения” để phân biệt rõ “giới hạn quyền - правовые ограничения” với “ограничения” theo nghĩa “hạn chế”, bởi hạn chế là hạn chế trong việc sử dụng, trong việc thủ đắc các lợi ích mà quyền đem lại mà thôi.[10] Một số khác lại cho rằng, cần thiết phải thêm danh từ “Пределы – giới hạn” ngay trước từограничения (Những giới hạn của sự hạn chế) khi nói về nghĩa giới hạn để tránh sự nhầm lẫn.[11]
Như vậy, có thể có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng về cơ bản thuật ngữ “ограничение” theo cả hai nghĩa. Với nghĩa “hạn chế” quyền thì có nghĩa là hạn chế trong việc thực thi, sử dụng, áp dụng các quyền con người, còn nghĩa “giới hạn” được sử dụng khi diễn đạt việc thiết lập phạm vi, ranh giới mà trong khuôn khổ đó quyền có thể bị hạn chế trong các điều kiện, hoàn cảnh, mục đích xác định. Và vì vậy, tại Khoản 3 Điều 55, thuật ngữ “ограничить” cần được nhận thức và được hiểu theo nghĩa “giới hạn” để phù hợp với Luật Nhân quyền quốc tế cũng như với ý tưởng, nội dung cơ bản của Hiến pháp Liên bang Nga.
2.     Cơ chế giới hạn quyền con người trong pháp luật Liên bang Nga
Về mặt pháp lý, cho đến nay, kể cả ở Liên bang Nga cũng như ở Việt Nam, vẫn chưa có những giải nghĩa một cách chính thức thuật ngữ “cơ chế”. Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học biên soạn và xuất bản năm 2000 thì “cơ chế là cách thức mà theo đó một quá trình được thực hiện”, còn theo tiếng Nga, cơ chế “механизм” có nghĩa là hệ thống kết cấu bên trong có chức năng xác định trình tự, quá trình của một loại hình hoạt động nào đó để đạt được, tiến hành cái gì đó.[12] Còn trong khoa học, thuật ngữ cơ chế cũng được dùng khá phổ biến để nói về hệ thống các yếu tố cấu thành (những phương tiện, phương thức, chế định, chuẩn mực, quan hệ, hành vi…) được xác định, thiết lập để tổ chức, vận hành những hoạt động, quá trình nhất định nhằm đạt được mục tiêu (những mục tiêu) xác định nào đó.[13]  Như vậy, có thể hiểu một cách khái quát, cơ chế giới hạn quyền con người trong pháp luật Liên bang Nga là hệ thống những phương tiện pháp lý (nguyên tắc, quy định, chế định, hành vi, quan hệ, các thiết chế pháp lý khác…) hay các phương thức được Luật liên bang xác định để thiết lập khuôn khổ, phạm vi hạn chế việc sử dụng quyền con người trong các trường hợp thật cần thiết theo luật định vì mục tiêu bảo vệ quyền, tự do và phẩm giá của con người.
Pháp luật Liên bang Nga hiện hành ghi nhận cơ chế pháp lý bao gồm những phương thức, phương tiện pháp lý cơ bản dưới đây trong việc giới hạn quyền con người.
2.1.               Giới hạn quyền con người trong Hiến pháp Liên bang Nga
Với tư cách là Đạo luật cơ bản nhất của quốc gia, có hiệu lực pháp lý cao nhất, Hiến pháp Liên bang Nga đã ghi nhận những qui định mang tính chất cơ sở, nền tảng, cơ bản nhất để xác định các nguyên tắc, điều kiện, hoàn cảnh, phạm vi, thẩm quyền, yêu cầu, mục tiêu của giới hạn quyền, tự do của con người.
2.1.1.                        Hiến pháp xác định các nguyên tắc cơ bản liên quan đến giới hạn quyền con người
a)       Nguyên tắc “Con người, quyền, tự do và phẩm giá của họ là tối thượng và quyền, tự do của con người có nguồn gốc tự nhiên”
Mặc dù ngay trong Hiến pháp không qui định rõ nguyên tắc “Cấm việc giới hạn quyền làm mất đi bản chất của quyền” như trong Hiến pháp của một số các quốc gia dân chủ khác,[14] nhưng Hiến pháp Liên bang Nga lại thiết lập nguyên tắc tính tối thượng của con người, quyền, tự do và phẩm giá của con người[15] như là một đảm bảo khỏi sự xâm hại từ phía công quyền dù dưới bất kỳ lý do, điều kiện và hoàn cảnh nào.
Tại Khoản 3 Điều 55 Hiến pháp Liên bang Nga qui định các điều kiện và mục đích của giới hạn quyền con người. Tuy nhiên, với qui định đó thì khó xác định được như thế nào là “đủ” và phải như thế nào để đảm bảo sự hợp lý, cân bằng giữa quyền, tự do của cá nhân với quyền, tự do cũng như lợi ích của người khác, cộng đồng và quốc gia.
Để tránh sự xuyên tạc, lạm dụng từ phía công quyền (bao gồm cả hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước và hệ thống cơ quan của tự quản địa phương), tại các điều 2, 15, 18, 21 và 22 của Hiến pháp đã khẳng định, trong mọi trường hợp con người, quyền, tự do và phẩm giá của họ phải là tối thượng, là giá trị thiêng liêng nhất ở Liên bang Nga. Điều này có nghĩa, việc đảm bảo sự cân bằng lợi ích không được đồng nghĩa với việc cá nhân phải chấp nhận hi sinh quyền, tự do, nhân phẩm của mình vì lợi ích của quốc gia, cộng đồng hay của những người khác. Việc giới hạn quyền, tự do phải được hiểu là để đảm bảo bản chất của quyền đó không bị mất đi, hay, việc giới hạn quyền, tự do của cá nhân chỉ được coi là biện pháp mang tính cấp thiết tạm thời[16]để các quyền đó được bảo đảm, thực thi một cách lâu dài. Bởi, suy cho cùng các cá nhân không thể sử dụng quyền của mình một cách biệt lập. An ninh quốc gia, hay lợi ích công cộng bị xâm hại sẽ kéo theo nguy cơ khó khả thi thực hiện các quyền cá nhân trong tương lai. Việc giới hạn quyền cá nhân trong một thời hạn, mức độ nhất định để đảm bảo an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng… là sự đảm bảo cần thiết cho việc thực thi các quyền đó được bền vững. Vì vậy, khi giới hạn các quyền của cá nhân mà làm mất đi tính tối thượng của quyền, tự do, nhân phẩm của cá nhân ấy thì sẽ bị coi là vi hiến.
Theo Điều 2 Hiến pháp Liên bang qui định “Con người, quyền, tự do của người đó là giá trị cao quý nhất. Việc ghi nhận, tuân thủ và bảo vệ các quyền, tự do đó là trách nhiệm của Nhà nước”. Trong khí đó, tại Điều 21 Hiến pháp qui định: “Phẩm giá của con người được nhà nước bảo hộ. Không có bất cứ điều gì được cho là căn cứ để hạ thấp phẩm giá của con người”. Hiến pháp Liên bang Nga cũng qui định quyền và tự do của con người và của công dân có hiệu lực trực tiếp. Các quyền và tự do đó xác định ý nghĩa, nội dung và việc áp dụng pháp luật, hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, chính quyền địa phương và được đảm bảo bằng tòa án (Điều 18). Việc liệt kê các quyền và tự do cơ bản trong Hiến pháp Liên bang Nga không có nghĩa là phủ nhận hoặc xem nhẹ các quyền và tự do khác của con người và công dân đã được thừa nhận rộng rãi (dù chưa được liệt kê trong Hiến pháp) (Khoản 1 Điều 55). Ở Liên bang Nga không được phép ban hành các đạo luật để tước bỏ hay xem nhẹ các quyền, tự do của con người và công dân (Khoản 2, Điều 55).
Để đảm bảo sự tối thượng của quyền, tự do và phẩm giá của con người, khi kiểm tra tính hợp hiến của các luật, Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga đã chỉ rõ, việc giới hạn quyền không được phép mất đi “nội dung cơ bản” của quyền con người (“основное содержание" прав человека) của các quyền này. Theo Tòa án Hiến pháp Liên bang, nội dung cơ bản của quyền là giới hạn về chất của việc hạn chế quyền con người và không thể xâm hại dưới bất kỳ lý do gì.[17] Vấn đề này sẽ được bàn luận cụ thể hơn ở phần “Tòa án Hiến pháp với việc giới hạn quyền con người ở Liên bang Nga” dưới đây.
Liên quan chặt chẽ đến nguyên tắc khẳng định sự tối thượng của quyền, tự do và phẩm giá của con người, Hiến pháp Liên bang cũng khẳng định tính chất “tự nhiên” của quyền con người.
Theo quy định tại Điều 17 Khoản 2 “Các quyền và tự do cơ bản của con người là không thể chuyển nhượng và thuộc về mỗi con người từ khi được sinh ra”. Đây là cơ sở để khẳng định các quyền cơ bản là bản chất tự nhiên của con người. Các quyền cơ bản thuộc về mỗi cá nhân như là lẽ tự nhiên ngay từ khi họ được sinh ra, không cần sự ban phát và không ai có quyền tước đoạt. Mọi sự giới hạn chỉ được coi là biện pháp tạm thời để bảo đảm thực thi lâu dài các quyền đó và không thể có bất kỳ sự hạn chế nào có thể làm mất đi thuộc tính bản chất tự nhiên của các quyền này.
b)    Nguyên tắc “Giới hạn quyền phải đảm bảo bình đẳng” hay “Không giới hạn quyền một cách bất bình đẳng”
Không chỉ được đảm bảo bình đẳng trước pháp luật và tòa án (Khoản 1 Điều 19), Hiến pháp Liên bang Nga còn đảm bảo sự bình đẳng ngay cả trong trường hợp cần thiết phải giới hạn quyền con người, quyền công dân. Thực tế cho thấy, đây là qui định rất quan trọng đảm bảo công quyền (và các chủ thể mang quyền) không lạm dụng những tình hình có thể giới hạn quyền để đối xử bất bình đẳng.
 Tại Khoản 2, Điều 19 Hiến pháp Liên bang Nga qui định: “… Nghiêm cấm mọi hình thức giới hạn quyền công dân theo các dấu hiệu liên quan đến sự phụ thuộc vào địa vị xã hội, dân tộc, chủng tộc, ngôn ngữ, hoặc tôn giáo”. Qui định này vừa là sự đảm bảo bình đẳng của mọi người trước pháp luật và tòa án, đồng thời là sự đảm bảo cho trường hợp đặc biệt – giới hạn quyền. Nguyên tắc này cho phép tuyên vi hiến mọi sự giới hạn quyền chuyên biệt đối với một số nhóm người theo các dấu hiệu bất bình đẳng nói trên.[18]
c)      Nguyên tắc“Việc giới hạn quyền cần phải được công khai”
Bên cạnh những qui định đảm bảo sự bình đẳng trong giới hạn các quyền, Hiến pháp Liên bang Nga thiết lập một nguyên tắc để đảm bảo cho sự giới hạn quyền không bị lạm dụng. Tại Khoản 3 Điều 15 qui định “Các đạo luật phải được công bố chính thức. Những đạo luật chưa được công bố thì không được áp dụng. Bất kỳ văn bản qui phạm pháp luật nào động chạm đến các quyền, tự do và nghĩa vụ của con người và công dân, sẽ không được áp dụng nếu không được công bố chính thức cho tất cả mọi người được biết”.[19]
Ngoài ra, tại Điều 24 Khoản 2 của Hiến pháp, cũng đã ghi nhận trách nhiệm của các cơ quan nhà nước cung cấp thông tin, tài liệu động chạm đến các quyền, tự do của con người: “Các cơ quan quyền lực nhà nước, tự quản địa phương, các nhà chức trách phải đảm bảo khả năng cho mỗi cá nhân có thể tiếp cận các văn bản động chạm trực tiếp các quyền và tự do của người đó, nếu luật không quy định khác”.
Như vậy, Hiến pháp qui định việc giới hạn quyền được qui định bởi luật. Các văn bản luật giới hạn quyền được coi là các văn bản “động chạm” đến quyền, tự do và nghĩa vụ của con người và nhất thiết phải được công bố công khai. Từ đây có thể khẳng định, sẽ không có bất kỳ căn cứ nào cho việc không công bố công khai chính thức các văn bản giới hạn quyền con người cho dù ở đâu đó trong văn bản đó có chứa nội dung được coi là “không được công khai”.
d)       Nguyên tắc “Việc giới hạn quyền phải phù hợp với các nguyên tắc chung được thừa nhận rộng rãi và các quy phạm của pháp luật quốc tế và của Hiến pháp Liên bang”
Theo Điều 55 Khoản 3 Hiến pháp Liên bang, quyền và tự do của con người và công dân ở Liên bang Nga có thể bị giới hạn bởi luật. Tuy nhiên, để đảm bảo những đạo luật không bị lạm dụng hay bị ảnh hưởng bởi các xu thế chính trị nhất thời chiếm vị trí thượng phong (thế áp đảo) trong xã hội, Hiến pháp đã đề ra nguyên tắc “Việc giới hạn quyền phải phù hợp với các nguyên tắc chung được thừa nhận rộng rãi và các quy phạm của pháp luật quốc tế và của Hiến pháp Liên bang” và được thể hiện ở nội dung Khoản 1 Điều 17 và gián tiếp ở các khoản 1 và 2 Điều 55 khi nghiêm cấp việc ban hành ở Liên bang Nga các đạo luật tước bỏ hoặc làm giảm bớt các quyền, tự do cơ bản của con người và của công dân, hay quy định rõ: “việc liệt kê danh sách các quyền, tự do của con người của công dân không được giải thích theo hướng phủ nhận hoặc xem nhẹ các quyền, tự do khác đã được thừa nhận rộng rãi.
Liên quan đến vị thế của các điều ước quốc tế (bao gồm cả các điều ước nhân quyền quốc tế mà Nga là thành viên) trong mối tương quan với các quy phạm pháp luật trong nước, thì tại Khoản 4 Điều 15 Hiến pháp Liên bang Nga khẳng định “Các nguyên tắc chung được thừa nhận rộng rãi, các quy phạm của pháp luật quốc tế và các điều ước quốc tế của Liên bang Nga là bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật Liên bang Nga. Trong trường hợp điều ước quốc tế của Liên bang Nga có quy định khác so với các quy định của luật Liên bang thì áp dụng các quy định của điều ước quốc tế”.
2.1.2.     Hiến pháp Liên bang quy định những điều kiện, mục đích cơ bản giới hạn quyền con người
 Để đảm bảo tính tối cao của Hiến pháp và hiệu lực trực tiếp của các quy định liên quan đến hạn chế quyền con người, tại Khoản 3, Điều 55 Hiến pháp Liên bang Nga đã qui định các điều kiện mang tính chất nền tảng hiến định, theo đó quyền con người có thể bị giới hạn: “Các quyền và tự do của con người và của công dân có thể bị giới hạn bởi luật liên bang chỉ trong mức độ cần thiết đủ để bảo vệ nền tảng chế độ hiến pháp, đạo đức, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bảo đảm phòng thủ đất nước và an ninh quốc gia”.
Như vậy, theo quy định của Hiến pháp Liên bang, quyền và tự do của con người có thể bị giới hạn ở mức độ cần thiết bởi các điều kiện, mục đích cơ bản sau:
-         Về điều kiện: 1) chỉ có thể bị hạn chế bởi luật Liên bang; 2) Chỉ trong mức độ cần thiết đủ để bảo vệ các mục tiêu được qui định ngay trong Hiến pháp.
-         Về mục đích: 1) Bảo vệ nền tảng của chế độ hiến pháp; 2) Đạo đức; 3) Sức khỏe; 4) Quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; 5) Phòng thủ đất nước; 6) An ninh quốc gia.
Bằng qui định này của Hiến pháp Liên bang, có thể thấy được các điều kiện hiến định cho phép hạn chế quyền của con người. Tuy nhiên, cho đến nay, trong giới khoa học và cả thực tiễn còn nhiều những tranh luận xung quanh vấn đề này. Những tranh luận chủ yếu vẫn tập trung ở vấn đề hiểu như thế nào là “đủ” như thuật ngữ dùng trong Khoản 3 Điều 55 của Hiến pháp. Nếu không xác định rõ, thì nguy cơ dẫn đến việc lạm quyền là rất lớn, bởi những điều kiện đưa ra trong Khoản 3 Điều 55 của Hiến pháp để giới hạn quyền con người là rất chung chung và khó xác định một cách cụ thể. Liên quan đến điều này, đã có nhiều tranh luận là cần phải giải thích rõ một cách chính thức các thuật ngữ sau: “tính hợp lý” “tính cần thiết” và “tính phù hợp” của việc giới hạn quyền theo các điều kiện nêu trên. Điều này cần thiết phải có sự vào cuộc của Tòa án Hiến pháp Liên bang – cơ quan chịu trách nhiệm giải thích và bảo hiến.[20]
Ngược lại, với quan điểm trên, theo quan điểm của Neshaeva T.N., quan trọng nhất là việc xác định lợi ích nào cần phải được ưu tiên bảo vệ trong các trường hợp giới hạn quyền con người: lợi ích cá nhân hay lợi ích công cộng, lợi ích xã hội? Vấn đề ở đây đã được xác định ở Điều 2 Hiến pháp Liên bang Nga. Bởi theo Điều này, thì “con người, quyền và tự do cơ bản của con người là giá trị cao quý nhất” và như vậy, khi cần thiết phải giới hạn quyền con người thì quan trọng nhất, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đặt quyền con người là cao nhất, ưu tiên nhất vì đó là giá trị cao nhất là đích cuối cùng của Nhà nước. Đây là giá trị chung của châu Âu và cũng đã được quy định trong Công ước châu Âu về nhân quyền.[21]
Về vấn đề này, Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga trên cơ sở phán quyết liên quan đến vụ kiện của công dân Chernova I.G. đã đưa ra giải thích: “Việc xác lập giới hạn quyền và tự do của con người cần thiết phải phù hợp với các giá trị pháp quyền được bảo vệ bởi Hiến pháp và các đạo luật. Các giới hạn ấy cần phải được tính đến sự cân bằng hợp lý giữa quyền lợi của con người, xã hội và nhà nước”.[22] Theo cách giải thích này, việc áp dụng Khoản 2 Điều 3 của Hiến pháp Liên bang cần phải đảm bảo nguyên tắc lấy giá trị cao nhất của pháp quyền mà Hiến pháp và các đạo luật đang bảo vệ. Điều này được hiểu đồng nghĩa với việc cần phải lấy nguyên tắc được quy định trong Điều 2 của Hiến pháp ra làm căn cứ. Tuy nhiên, việc áp dụng nó cũng nên tính đến sự “cân bằng cần thiết” giữa quyền lợi của cá nhân, xã hội và nhà nước. Bên cạnh đó, cũng trong phán quyết này, Tòa án Hiến pháp đã buộc các nhà lập pháp Liên bang nghĩa vụ khi làm luật cần “xác định một cách rõ ràng các giới hạn mà trong đó được phép hạn chế con người sử dụng các quyền, tự do của họ”.[23]
Ngoài ra, Hiến pháp còn quy định các trường hợp giới hạn quyền khác trong trường hợp tình trạng khẩn cấp.
Tại điều 56 Hiến pháp Liên bang Nga qui định: “Trong điều kiện tình trạng khẩn cấp, để bảo đảm an toàn cho công dân và bảo vệ chế độ hiến pháp, theo một đạo luật hiến pháp liên bang, có thể thiết lập những giới hạn hạn chế khác đối với các quyền và tự do với điều kiện phải chỉ rõ phạm vi và thời hạn của những giới hạn đó. Tình trạng khẩn cấp có thể được ban bố trên toàn bộ lãnh thổ Liên bang Nga hoặc một phần lãnh thổ nhất định khi xuất hiện bối cảnh và theo trình tự được quy định trong đạo luật hiến pháp liên bang”.
Như vậy, ngoài những điều kiện nêu ở phần trên, Hiến pháp quy định tình trạng khẩn cấp cũng là điều kiện để giới hạn quyền con người với các mục đích nêu ngay tại điều luật này. Tuy vậy, ngay trong Hiến pháp cũng nêu rõ qui định “cần phải chỉ rõ phạm vi và thời gian của giới hạn đó” để tránh trường hợp lạm dụng một cách tùy tiện tình trạng khẩn cấp để giới hạn quyền con người. Thực tế cho thấy, nếu Hiến pháp không quy định nghĩa vụ chỉ rõ thời gian, phạm vi giới hạn thì quyền con người rất dễ bị hạn chế một cách tùy tiện trong điều kiện được coi là “tình trạng khẩn cấp”.
Cũng theo quy định của Hiến pháp, Đạo luật về tình trạng khẩn cấp là Đạo luật hiến pháp[24] chứ không phải là đạo luật thông thường bởi nó được ban hành theo trình tự của Hiến pháp và bắt buộc phải công bố công khai. Ngoài ra, việc ban bố tình trạng khẩn cấp, thời gian áp dụng và các biện pháp giới hạn quyền đều phải được thông báo cho Tổng thư ký LHQ như là một nghĩa vụ của thành viên Công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự.
Ngoài ra, theo nội dung của các điều 55 và 56 Hiến pháp Liên bang Nga, có thể xác định, việc giới hạn quyền con người là thẩm quyền của các nhà lập pháp Liên bang chứ không được chuyển giao cho Chính quyền Chủ thể Liên bang (Chính quyền bang) và Tự quản địa phương. Đây cũng là một trong những phương thức mà qua đó giúp kiểm soát, giám sát được việc giới hạn quyền con người trong các trường hợp theo quy định của luật có thể bị giới hạn, đồng thời góp phần hạn chế sự tùy tiện của chính quyền trong việc hạn chế, giới hạn các quyền của con người.
2.1.3.  Hiến pháp trực tiếp giới hạn quyền và tự do của con người
Cùng với việc khẳng định nền tảng chế độ dân chủ, chủ quyền nhân dân, pháp quyền, mô hình cộng hòa liên bang, Hiến pháp 1993, có thể khẳng định, là bản Hiến pháp nhân quyền nhất trong tất cả các bản Hiến pháp từng tồn tại ở nước Nga. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hiến pháp khẳng định “Con người, quyền và tự do của họ là giá trị cao quý nhất. Ghi nhận, tuân thủ và bảo vệ quyền và tự do của con người và công dân là trách nhiệm của Nhà nước” (Điều 2).
Không chỉ ghi nhận các quyền con người phù hợp với các tiêu chuẩn và điều kiện của Luật nhân quyền quốc tế, Hiến pháp Liên bang, ngoài việc thiết lập nền tảng cơ sở để bảo vệ nhân quyền, đã trực tiếp quy định những giới hạn các quyền cơ bản của con người như là một phương thức đảm bảo nhân quyền trong các trường hợp đặc biệt.
Việc giới hạn trực tiếp quyền con người trong Hiến pháp không đồng nghĩa với việc hạn chế nhân quyền. Trên thực tế, ghi nhận trực tiếp trong Hiến pháp giới hạn quyền con người được coi là cơ chế rõ ràng và hữu hiệu để bảo đảm nhân quyền. Trong xã hội luôn có những đan xen, thậm chí xung đột về nhu cầu, mục tiêu, quyền lợi… của các cá nhân, các nhóm người, tổ chức và cộng đồng. Khi sử dụng quyền của mình rất có thể sẽ động chạm đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác. Vì vậy, dù là Đạo luật cơ bản, Hiến pháp Liên bang Nga vẫn dành không ít những quy định trực tiếp giới hạn quyền con người như là một minh chứng cho sự tối cần thiết phải thiết lập được hành lang pháp lý ở mức độ cao nhất cho việc giới hạn các quyền cơ bản của con người mà trong khuôn khổ đó các chủ thể công quyền (có quyền giới hạn) không thể vượt qua bằng bất cứ phương thức, hình thức nào.
Tại Điều 17 Khoản 3 Hiến pháp quy định: “Việc thực hiện các quyền và tự do của công dân không được vi phạm các quyền và tự do của người khác”. Với quy định này, Hiến pháp đã trực tiếp xác lập nên giới hạn cho viêc sử dụng quyền của mỗi cá nhân là, mỗi cá nhân chỉ có thể tự do dùng các quyền của mình với điều kiện (giới hạn) khi thủ đắc những quyền và tự do ấy không được làm tổn hại đến quyền và tự do của người khác.
Tương tự như vậy, Hiến pháp Liên bang Nga khẳng định công dân có quyền tự do hội họp, tự do biểu tình, mít tinh, diễu hành, nhưng phải bị giới hạn trong điều kiện “hòa bình” và “không vũ khí” (Điều 31). Hoặc, tại Khoản 2 Điều 29 Hiến pháp quy định “Mỗi cá nhân đều được đảm bảo quyền tự do tư duy và tự do ngôn luận” (Khoản 1), nhưng tuyệt đối không thể dùng những quyền ấy vào việc tuyên truyền, cổ động sự hằn thù, chia rẽ dân tộc, tôn giáo hay sắc tộc.
Liên quan đến quyền tự do lập hội, tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 13 Hiến pháp khẳng định mọi công dân có quyền tự do lập hội, tự do tư tưởng và đảm bảo thể chế đa đảng, đa nguyên về tư tưởng. Mọi tổ chức xã hội bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, cũng ngay tại Khoản 4 Điều này Hiến pháp đã trực tiếp thiết lập các giới hạn của quyền tự do ấy, cụ thể: “Nghiêm cấm việc thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội có mục đích hay hành động hướng tới dùng bạo lực để thay đổi nền tảng của chế độ hiến pháp, xâm hại đến sự toàn vẹn của Liên bang Nga, đe dọa an ninh quốc gia, thành lập các tổ chức có vũ trang, tuyên truyền gây chia rẽ về xã hội, chủng tộc, sắc tộc và tôn giáo”.
Về tự do kinh doanh, Hiến pháp cũng ghi nhận đây là một trong những quyền cơ bản và được đảm bảo bởi Nhà nước. Mọi người đều có quyền tự do sử dụng khả năng, tài sản của mình vào các các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm (Khoản 1 Điều 34). Tuy nhiên, việc sử dụng quyền này sẽ bị cấm nếu có mục đích hướng tới thiết lập sự độc quyền hoặc tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh (Khoản 2 Điều 24).
2.1.4.  Hiến pháp Liên bang ghi nhận những quyền không thể bị hạn chế trong mọi trường hợp
Đây là quy định hết sức quan trọng của Hiến pháp, bởi, một mặt, những quy định ấy đã khẳng định sự tương thích giữa pháp luật nhân quyền Liên bang Nga với Luật nhân quyền quốc tế, mặt khác, góp phần tạo lập cơ chế hữu hiệu bảo vệ những quyền tuyệt đối của mỗi cá nhân. Đó là những quyền không thể bị hạn chế vì việc hạn chế nó sẽ làm mất đi bản chất (nội dung cơ bản) của quyền. Khoản 3 Điều 56 Hiến pháp Liên bang Nga vừa liệt kê danh mục các quyền không thể bị giới hạn trong mọi trường hợp (bao gồm các điều: 20, 21, 23 (Khoản 1), 24, 28, 34 (Khoản 1), 40 (Khoản 1) và  các điều từ 46-54 của Hiến pháp Liên bang Nga), đồng thời thiết lập một phạm vi (giới hạn) hiến định mà trong phạm vi ấy mọi sự giới hạn quyền con người từ phía công quyền dù dưới bất cứ lý do, điều kiện cấp thiết chính đáng nào, đều bị coi là vi hiến, vi phạm nhân quyền.
Về cơ bản, các quyền không thể bị giới hạn theo qui định của Hiến pháp gồm:
-         Quyền sống. Theo pháp luật liên bang, cho đến khi chưa được bãi bỏ, tử hình được áp dụng với tư cách là biện pháp trừng phạt đặc biệt đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm cuộc sống con người chỉ với điều kiện bị cáo có quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn (Điều 20);
-         Quyền đối với phẩm giá. Phẩm giá của mỗi cá nhân không thể bị hạ thấp bởi bất cứ lý do, hoàn cảnh nào. Không một ai phải chịu tra tấn, bạo lực hay bất kỳ hình thức đối xử, trừng phạt dã man nào hạ thấp phẩm giá con người. Không một ai chịu thử nghiệm y học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác nếu chính người đó không tự nguyện đồng ý (Khoản 1, 2 Điều 21);
-         Quyền bất khả xâm phạm thân thể và quyền bí mật đời tư. Thân thể của cá nhân là bất khả xâm phạm. Cuộc sống riêng tư, bí mật gia đình và bí mật cá nhân, quyền bảo vệ danh dự và uy tín của cá nhân được bảo đảm (Khoản 1 Điều 23); Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời tư của người khác nếu người đó không đồng ý. (Điều 24);
-         Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng (Điều 28);
-         Quyền tự do sử dụng khả năng và tài sản của mình để tiến hành kinh doanh hoặc những hoạt động kinh tế hợp pháp khác (Khoản 1 Điều 34);
-         Các quyền tiếp cận công lý ở trong và ngoài nước (nếu đã sử dụng hết các phương thức pháp lý sẵn có trong nước), quyền được xét xử công bằng, công khai bởi một tòa án có thẩm quyền, độc lập (Các điều 46,47);
-         Quyền suy đoán vô tội. Người bị buộc tôi không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Các tình tiết gây nghi ngờ được giải thích có lợi cho bên bị buộc tội. Quyền trợ giúp pháp lý được đảm bảo trong mọi trường hợp (Điều 48);
-         Quyền được xét xử lại bởi một tòa án cấp cao hơn, quyền đề nghị ân xá, giảm hình phạt (Điều 50);
-         Quyền khước từ cung cấp chứng cứ chống lại chính mình, vợ chồng mình, những người thân của mình (Điều 52);
-         Quyền được bồi thường thiệt hại (Điều 53);
Như vậy, danh mục các quyền không thể bị giới hạn được liệt kê trong Hiến pháp, ở mức độ nào đó, tiệp cận với Điều 4 Công ước quốc tế về các quyền dân dự, chính trị (1966). Có những quyền tên gọi không giống nhau ở hai văn bản nêu trên nhưng nội hàm của nó được đan xen ở những quyền hay điều khoản khác nhau. Tuy vậy, vẫn có những sự khác biệt. Chẳng hạn, Trong Hiến pháp Liên bang Nga, chưa quy định một cách rõ ràng có phải là quyệt tuyệt đối hay không những quyền như, quyền được công nhận là thể nhân, quyền không bị bắt đi tù vì lý do không có khả năng thực hiện nghĩa vụ theo hợp. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Hiến pháp Liên bang lại liệt kê nhiều hơn những quyền tuyệt đối được ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự năm 1966. Chẳng hạn như, các quyền bí mật đời tư, suy đoán vô tội, quyền tiếp cận công lý cả trong và ngoài nước, quyền bồi thường thiệt hại, quyền không cung cấp thông tin chống lại chính mình, vợ chồng mình và người thân thích của mình.
2.2.         Giới hạn quyền con người trong khuôn khổ Luật Liên bang
 Việc giới hạn quyền con người không chỉ được thiết lập bởi Hiến pháp, ở Liên bang Nga việc giới hạn quyền con người được quy định cụ thể ở cấp độ Luật Liên bang. Theo Khoản 3 Điều 55 của Hiến pháp, các quyền và tự do của con người và của công dân có thể bị giới hạn bởi luật liên bang chỉ trong mức độ cần thiết đủ để bảo vệ nền tảng chế độ hiến pháp, đạo đức, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bảo đảm phòng thủ đất nước và an ninh quốc gia”.
Như vậy, ngoài những qui định mang tính chất nền tảng đã được phân tích ở trên, Hiến pháp đã ủy quyền cho luật liên bang thiết lập các giới hạn cụ thể để giới hạn quyền, tự do của con người theo đúng các quy định và tiêu chí của Hiến pháp.
Rõ ràng, với tính chất là một đạo luật cơ bản, Hiến pháp không thể và không cần thiết phải quy định một cách chi tiết tất cả các điều kiện, phạm vi, hoàn cảnh… giới hạn các quyền con người trong các hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt là trong bối cảnh việc liệt kê các quyền trong Hiến pháp không có nghĩa đã bao hàm tất cả các quyền cơ bản của con người.[25]
 Việc ủy quyền là cần thiết, nhưng Hiến pháp đã chỉ cho phép ủy quyền việc giới hạn cụ thể các quyền cho các nhà lập pháp liên bang chứ không cho phép việc ủy quyền tiếp theo và đặc biệt, không ủy quyền cho các nhánh hành pháp liên bang cũng như các cơ quan lập pháp của Chủ thể Liên bang. Nghĩa là, việc giới hạn quyền chỉ được thực hiện bởi Luật Liên bang chứ không phải pháp luật Liên bang cũng như bởi Luật của các Chủ thể Liên bang.[26]
Triển khai quy định của Hiến pháp, ở cấp độ luật Liên bang đã cụ thể hóa các điều kiện, hoàn cảnh, mục đích giới hạn quyền phù hợp với những yêu cầu về tính cần thiết, tính phù hợp, tính hợp pháp, tính tương thích trong việc giới hạn quyền trong các linh vực cụ thể. Chẳng hạn, Bộ luật tố tụng hình sự Liên bang Nga qui định cụ thể các điều kiện tạm giam, tạm giữ, khám xét các đối tượng bị tình nghi, bị bắt quả tang hay các bị can, bị cáo… điều kiện để áp dụng các biện pháp ngăn chặn…[27] Luật Liên bang về “Hoạt động trinh sát” (1995)[28] qui định cụ thể các điều kiện, giới hạn khi tiến hành các hoạt động trinh sát, như nghe các cuộc hội thoại, xem thư, kiểm tra thư, theo dõi đối tượng, đột nhập… để đảm bảo thực hiện công vụ nhưng không làm mất đi nội dung cơ bản của quyền con người trong các lĩnh vực nói trên.
Ngoài ra, Hiến pháp cũng cho phép có những giới hạn khác đối với các quyền cơ bản trong các trường hợp tình trạng khẩn cấp. Cụ thể hóa qui định này, Liên bang Nga đã ban hành Luật hiến pháp Liên bang về “Tình trạng khẩn cấp” (2001) cho phép thiết lập thêm những giới hạn quyền con người bằng việc quy định thêm thẩm quyền cho công quyền, bổ sung thêm trách nhiệm, nghĩa vụ, những hạn chế đối với công dân trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn Liên bang hay ở một khu vực địa lý nhất định nhưng với điều kiện phải chỉ rõ phạm vi của những hạn chế sẽ được áp dụng và thời hạn kết thúc áp dụng các hạn chế ấy. Tương tự như vậy, Luật hiến pháp Liên bang về “Tình trạng chiến tranh” (2001) cũng qui định cụ thể các điều kiện, giới hạn cho phép giới hạn các quyền của con người trong trường hợp ban bố tình trạng chiến tranh nhưng cũng kèm theo các điều kiện chỉ rõ những hạn chế sẽ được áp dụng và thời hạn kết thúc áp dụng các hạn chế ấy.
Khác với Hiến pháp, Luật Liên bang quy định một cách cụ thể các hình thức hạn chế việc sử dụng quyền của các cá nhân. Các hình thức ấy, tùy thuộc vào các lĩnh vực khác nhau có thể khác nhau, song về cơ bản, bao gồm: các chế tài, nghĩa vụ, điều cấm, đình chỉ thực hiện, các biện pháp bảo vệ, các biện pháp khẩn cấp tạm thời, các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp cưỡng chế, trách nhiệm,…
Để đảm báo giám sát tình hình nhân quyền trong điều kiện tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh, theo quy định của pháp luật Liên bang, Ombudsman Nhân quyền Liên bang Nga vẫn được phép hoạt động và không bị hạn chế trong thực thi quyền hạn của mình. Bên cạnh đó, việc bảo đảm tính hợp hiến của các luật Liên bang liên là chức năng quan trọng của Tòa án Hiến pháp Liên bang, cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn những quy định giới hạn quyền con người một cách vi hiến bởi các nhà lập pháp Liên bang.
2.3.          Tòa án với việc giới hạn quyền con người
2.3.1.  Tòa án Hiến pháp Liên bang với việc giới hạn quyền con người
Bên cạnh những quy định được coi là nền tảng và đóng vai trò rất quan trọng trong việc thiết lập khung pháp lý cho việc giới hạn quyền con người, không thể phủ nhận rằng, những gì được quy định trong Khoản 3 Điều 55 Hiến pháp Liên bang, nếu không được xem xét trong tổng thể với các quy phạm khác của Hiến pháp, thì chưa chỉ ra được những giới hạn, yêu cầu, điều kiện rõ ràng cho việc giới hạn quyền con người bởi các nhà lập pháp liên bang. Điều này, nếu không được giải thích cụ thể và phù hợp, sẽ tạo ra những lỗ hổng cho việc lạm dụng hoặc nguy cơ thiết lập một cách quá mức cần thiết những hạn chế đối với việc thực hiện các quyền con người.
Để giải quyết bất cập này, Tòa án Hiến pháp Liên bang đã thực hiện thẩm quyền giải thích Hiến pháp thông qua thực tiễn xét xử. Trong các phán quyết của mình, Tòa án Hiến pháp Liên bang đã đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể trong việc giới hạn quyền con người bởi pháp luật Liên bang. Cụ thể là việc giới hạn quyền con người phải đảm bảo sự phù hợp và đặc biệt phải dựa trên nguyên tắc được Tòa này tiếp thu từ thực tiễn xét xử của Tòa án nhân quyền châu Âu – đó là nguyên tắc giới hạn quyền không được làm mất đi bản chất (hay nội dung cơ bản) của quyền.[29]
Việc giải thích và đưa ra nguyên tắc giới hạn quyền không được làm mất đi bản chất của quyền thực chất là việc tiếp thu kinh nghiệm của Tòa án nhân quyền châu Âu trong việc giải quyết vụ việc Đảng cộng sản Thổ Nhĩ Kỳ kiện chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ năm 1998 liên quan đến việc cấm việc liên hiệp của Đảng cộng sản Thổ Nhĩ Kỳ.[30] Theo đó, Tòa nhân quyền châu Âu tuyên lệnh cấm của Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đối với Đảng cộng sản Thổ Nhĩ Kỳ là vi phạm Công ước châu Âu về quyền con người vì việc cấm đó làm mất đi bản chất của quyền tự do thành lập đảng phái chính trị như là biểu hiện của thể chế dân chủ mà ở đó công dân có quyền thiết lập các nhóm chính trị để tham gia vào đời sống chính trị.
Ngoài ra, trong thực tiễn xét xử, Tòa án Hiến pháp Liên bang còn tham gia một cách tích cực vào việc thừa nhận hay không thừa nhận những quy định của luật liên bang liên quan đến giới hạn quyền con người là hợp hiến hay vi hiến. Chẳng hạn, trong vụ việc công dân Sherenko A.P. khiếu kiện việc thiết lập các hạn chế bổ sung đối với hoạt động của công chức trong hoạt động công vụ là vi hiến vì vi phạm các quyền hiến định trong quan hệ lao động và nguyên tắc bình đẳng,[31] Tòa án Hiến pháp đã đưa ra phán quyết công nhận các qui định của Luật Liên bang “Về hoạt động công vụ” liên quan đến việc hạn chế một số quyền đối với công chức trong thực thi công vụ  là hợp hiến vì xuất phát từ những tính chất công việc khác nhau thì có những yêu cầu khác nhau.
2.3.2.  Giới hạn quyền con người  bởi các tòa án Liên bang
Một trong những thiết chế có vai trò quan trọng trong cơ chế giới hạn quyền con người ở Liên bang Nga chính là hệ thống tòa án liên bang. Theo quy định của Hiến pháp và luật liên bang, có rất nhiều quyền con người có thể bị giới hạn bởi tòa án. Khác với các nhánh quyền lực khác, việc giới hạn quyền con người bởi tòa án không đồng nghĩa với việc tòa án như là cơ quan công quyền được trao cơ hội để “bóp nghẹt”, “hạn chế” các quyền của con người. Điều này xuất phát từ triết lý tổ chức quyền lực ở Liên bang Nga, theo đó quyền lực tư pháp là loại quyền lực độc lập, có nhiệm vụ cao nhất là đảm bảo và thực thi công lý. Tòa án chính là cái khiên quan trọng nhất để bảo vệ quyền con người.
Theo quy định của Hiến pháp Liên bang Nga, các quyền bất khả xâm phạm đời tư, bất khả xâm phạm về nơi ở được đảm bảo. Tuy nhiên, quyền này cũng có thể bị giới hạn và nếu có bị giới hạn thì chỉ có thể bị giới hạn bởi một quyết định của tòa án.[32] Tương tự như vậy, mỗi cá nhân được đảm bảo quyền tự do và bất khả xâm phạm về thân thể. Tuy nhiên, quyền này cũng có thể bị giới hạn bởi tòa án bằng việc ra quyết định cho phép hoặc chuẩn y việc bắt giữ, tạm giam.[33]
Qua những phân tích ở trên có thể nhận thấy, pháp luật Liên bang Nga đã thiết lập được cơ chế khá đầy đủ, phù hợp trong việc thực thi chế định giới hạn quyền, tự do của con người. Các quy định của Hiến pháp, Luật liên bang cũng như của thực tiễn hoạt động của hệ thống tư pháp liên quan đến giới hạn quyền con người, ở mức độ nào đó, đã tiệm cận những nguyên tắc chung được thừa nhận rộng rãi và các quy phạm của pháp luật nhân quyền quốc tế. Sở dĩ như vậy, bởi có thể ở những quy định, quy phạm cụ thể trong Hiến pháp, Luật liên bang, xét ở góc độ riêng rẽ, có thể chưa chặt chẽ, rõ ràng và chưa phù hợp với Luật nhân quyền quốc tế trong lĩnh vực này, nhưng xét về tổng thể và trong mối tương quan với các thiết chế khác như hệ thống tư pháp, các thiết chế tổ chức bảo vệ giám sát nhân quyền, việc giới hạn quyền con người ở Liên bang Nga đã có những thành tựu và bước tiến đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh của nền dân chủ non trẻ cũng như truyền thống văn hóa, ý thức pháp luật có sự đan xen, pha trộn, đấu tranh giữa các nhân tố giá trị Đông – Tây và, thậm chí cả truyền thống, giá trị cũ và mới (giữa truyền thống, văn hóa, ý thức pháp luật Xô viết và Tây phương).








[1] Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội
[2] Trong bài viết này, tác giả có trích dùng bản dịch Hiến pháp Liên bang Nga trong cuốn “Tuyển tập hiến pháp của mốt số nước trên thế giới”, Nxb. Thống kê, 2009 và cuốn “Tuyển tập hiến pháp của một số quốc gia – Tài liệu tham khảo”, Nxb. Hồng Đức 2012 và trong nhiều trường hợp có đối chiếu, so sánh và đưa ra quan điểm cá nhân về những phần, đoạn dịch cụ thể.
[3] Các khoản 1 và 2 Điều 17 Hiến pháp Liên bang Nga.
[4] Trong cuốn “Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới”,Nxb. Thống kê, Hà Nội – 2009, và Cuốn “Tuyển tập hiến pháp của một số quốc gia – Tài liệu tham khảo”, Nxb. Hồng Đức, 2012, tại điều 55 và điều 56 của Hiến pháp Liên bang Nga, các tác giả đều dịch từ “ограничить” với cả hai nghĩa “hạn chế” và “giới hạn”.
[5] Xem: Vũ Công Giao, Tạp chí khoa học ĐHQGHN, Luật học, tập 29, số 3 (2013), trang 53.
[6]   Ожегов С. И. Словарь русского языка. М., 1988. С. 357. Nguyên văn Tiếng Nga là:  «стеснить определенными условиями, поставить в какие-то рамки, границы».
[7] Xem: Словарь синонимов русского языка. М., 1986. С. 305. Nguyên văn tiếng Nga: “лимитировать, свести к чему-то (возможности, сферу деятельности и т.п.), сузить (возможности, права и т.п.), ущемить, поставить в рамки, поставить предел чему-либо”.
[8]http://ru.wiktionary.org/wiki
[9] Xem: Беломестных Л.Л. Ограничение прав человека. — М., 2003. — С. 8
[10] Xem: Малько А. В. Правовые ограничения: от отраслевого понимания к теоретическому// Правоведение. 1993. № 5. С. 19. Кроме того, см.: Хессе К. Основы конституционного права ФРГ/ Под ред. Н. А. Сидорова. М., 1981. С. 163
[11] Шмоткин А.В. Пределы ограничения прав и свобод личности при обеспечении национальной безопасности / В кн.: Проблемы обеспечения национальной безопасности в современных условиях. Минск, 2001. С. 74-75
[12] https://ru.wikipedia.org/wiki/механизм.
[13] Chẳng hạn như cơ chế điều chỉnh pháp luật, cơ chế điều chỉnh xã hội, cơ chế pháp lý đảm bảo quyền con người, cơ chế thị trường, cơ chế xin-cho, cơ chế bảo hiến….
[14] Chẳng hạn như Điều 19 Khoản của Luật Cơ bản (Hiến pháp) Liên bang Đức. xem: Nguyễn Minh Tuấn, Giới hạn các quyền cơ bản, xem trên: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=6398.
[15] Các điều 2 , 15, 18, 21 và 22 Hiến pháp Liên bang Nga.
[16] Có tác giả còn cho rằng, giới hạn quyền thực chất là hình thức đặc biệt củaTình thế cấp thiết” (xem: Yakubovskaya, D. trên: www.law-n-life.ru/arch/153/153-7.doc).
[17] Xem: Đoạn 5 và đoạn 6 của phần giải thích của Nghị quyết Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga ngày 2/2/1996 kiểm tra tính hợp hiến của các điều 371 Khoản 2 Mục 5, Điều 374 Khoản Z và Mục 4 Khoản 2 Điều 384 của Bộ Luật tố tụng hình sự Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (khi đó vẫn được áp dụng ở Liên bang Nga) trong vụ khiếu kiện của các công dân  (Абзац 5  п.6  мотивировочной  части  Постановления Конституционного Суда РФ от 2 февраля 1996 г. по делу о проверке конституционности п.5 ч.2 ст.371, ч.З ст.374 и п.4  ч.2  ст.384  УПК  РСФСР в связи с жалобами граждан К.М.  Кульнева,  В.С.Лалуева, Ю.В.Лукашова и И. П. Серебренникова).
[18] Tại các bản dịch Hiến pháp Liên bang Nga của cuốnTuyển tập hiến pháp một số nước trên thế giới”. Nxb Thống kê - 2009 và cuốnTuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia Tài liệu tham khảo”, Nxb. Hồng Đức – 2012, Điều 19 đều bị dịch thiếu và không chuẩn xác theo bản gốc. đây, tại Khoản 1 Điều này, các tác giả dịch là “Tất cả đều bình đẳng trước pháp luậtlà chưa chuẩn xác, mà phải là “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và tòa án” (Nguyên bản Tiếng Nga: 1. Все равны перед законом и судом). Tại Khoản 2 Điều 19, các tác giả dịch là “2. Nhà nước đảm bảo sự bình đẳng về quyền và tự do của con người và công dân mà không bị phụ thuộc vào giới, chủng tộc, sắc tộc, ngôn ngữ, xuất thân, vị thế, tài sản, chỗ , tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức xã hội và những hoàn cảnh kháclà thiếu, cần bổ sung phần sau của khoản này vì đây là nguyên tắc quan trọng liên quan đến giới hạn quyền ở Liên bang Nga. Cụ thể, nên bổ sung như sau: “….Nghiêm cấm mọi hình thức giới hạn quyền công dân theo các dấu hiệu liên quan đến sự phụ thuộc vào địa vị xã hội, dân tộc, chủng tộc, ngôn ngữ, hoặc tôn giáo”. Nguyên bản tiếng Nga khoản 2 điều 19 là: “2. Государство гарантирует равенство прав и свобод человека и гражданина независимо от пола, расы, национальности, языка, происхождения, имущественного и должностного положения, места жительства, отношения к религии, убеждений, принадлежности к общественным объединениям, а также других обстоятельств. Запрещаются любые формы ограничения прав граждан по признакам социальной, расовой, национальной, языковой или религиозной принадлежности”.
[19] Liên quan đến điều này, các tác giả của hai cuốn Tuyển tập hiến pháp nêu trên đều dịch từ tiếng Nga “затрагивающие” sang tiếng Việt là “liên quan”. Tuy nhiên, theo tác giả, việc dịch từ này theo nghĩaliên quanlà chưa hoàn toàn chính xác. Trong ngôn ngữ tiếng Nga, từ “затрагивающие” được dùng trong văn cảnh của điều này có nghĩa là “động chạmhay sự  tác động đến quyền, tự do con người theo nghĩa tiêu cực, theo hướng những văn bản có thể làm tổn hại, làm suy giảm các quyền đó. Đ đảm bảo độ chính xác hơn, tác giả cho rằng nên dịch từ nói trên là “động chạm”.
[20] Xem: Рыбаков О.Ю. Личность и правовая политика // Российская правовая политика. М.: Норма, 2003. С. 252; Малько А.В. Об ограничениях прав и свобод человека и гражданина в проекте Конституции РФ: О пробелах в обсуждении проекта Основного закона России // Государство и право. 1993. N 3. С. 101; Коробова А.П. Приоритеты правовой политики // Российская правовая политика. М.: Норма, 2003. С. 109; Шайо А. Самоограничение власти (краткий курс конституционализма). М., 2001. С. 282 – 283; Конституционное право зарубежных стран: Учебник для вузов / Под общ. ред. М.В. Баглая, Ю.И. Лейбо и М.Л. Энтина. 2-е изд. М.: Норма, 2005. С. 1027 – 1028; Дедов Д.И. Соразмерность ограничения свободы предпринимательства. М.: Юристъ, 2002. С. 157  и др.
[21] Нешатаева Т.Н. Суд и общепризнанные нормы международного права // Вестник ВАС РФ. 2004. N 3. С. 134 - 135
[22] Определение Конституционного Суда РФ от 14 июля 1998 г. N 86-О "По делу о проверке конституционности отдельных положений Федерального закона "Об оперативно-розыскной деятельности" по жалобе гражданки И.Г. Черновой" // СЗ РФ. 1998. N 34. Ст. 4368.
[23] Cũng xem phán quyết đã dẫn của Tòa án Hiến pháp Liên bang.
[24] Theo pháp luật Liên bang Nga, Luật hiến pháp là Đạo luật có hiệu lực thấp hơn Hiến pháp Liên bang nhưng cao hơn các đạo luật Liên bang thông thường khác và được ban hành, sửa đổi, bổ sung theo qui trình lập hiến rất khắt khe, chặt chẽ.
[25] Khoản 1 Điều 55 Hiến pháp Liên bang Nga đã khẳng định danh sách các quyền cơ bản trong Hiến pháp Liên bang Nga không phải là danh mục đóng, và việc liệt kê các quyền này trong Hiến pháp không được giải thích theo hướng xem nhẹ các quyền được thừa nhận rộng rãi nhưng chưa được ghi nhận trong Hiến pháp. Không có sự phân biệt về thứ hạng của các quyền cơ bản của con người.
[26] Hệ thống văn bản pháp luật của Liên bang Nga rất đa dạng. Ở cấp độ Liên bang , Quốc hội Liên bang cũng được phép ban hành các Đạo luật (gồm luật hiến pháp và luật liên bang thong thường ), ở cấp Chủ thể (cấp bang), cơ quan lập pháp (cơ quan đại diện) của Chủ thể cũng có quyền ban hành các đạo luật, tuy nhiên các đạo luật này chỉ có giá trị trong phạm vi Chủ thể.
[27] Bộ luật tố tụng hình sự Liên bang Nga năm 2001 sửa đổi bổ sung đến tháng 10/2014.
[28] Sửa đổi, bổ sung đến tháng 12/2013.
[29] Nguyên tắc này được giải thích trong hai vụ việc giải quyết khiếu kiện cụ thể bởi Tòa án Hiến pháp Liên bang. Vụ thứ nhất là xem xét tính hợp hiến của một vài qui định của Luật liên bang “Về các đảm bảo cơ bản cho quyền bầu cử và quyền tham gia trưng cầu ý dân”. Năm 2003 (Абзац 4 п. 3 мотивировочной части постановления КС РФ от 30 октября 2003 г. № 15-П по делу о проверке конституционности отдельных положений ФЗ «Об основных гарантиях избирательных прав и права на участие в референдуме граждан РФ» в связи с запросом группы депутатов Государственной Думы и жалобами граждан С.А. Бутмана, К.А. Катаняна и К.С. Рожкова // СЗ РФ. — 2003. — № 44. — Ст. 4358.) Và từ vụ việc Kiểm tra tính hợp hiến của các mục 2, 3 Khoản 2 Điều 3 và Mục 6 Điều 47 Luật Liên bangVề các đảng phái chính trịliên quan đến đơn kiện của Đảng cộng hòa Baltika năm 2005 (Постановление Конституционного Суда Российской Федерации от 1 февраля 2005 г. № 1-П по делу о проверке конституционности абзацев второго и третьего пункта 2 статьи 3 и пункта 6 статьи 47 Федерального закона «О политических партиях» в связи с жалобой общественно-политической организации «Балтийская республиканская партия» // Российская газета. — 2005. — 8 февраля).
[30] Постановление Европейского Суда по правам человека по делу Объединенной коммунистической партии Турции и других против Турции от 30 января 1998 г.
[31] По жалобе гражданина Щеренко Александра Павловича на нарушение его конституционных прав положениями ч. 4 ст. 332 и п. 3 ст. 336 Трудового кодекса РФ: определение Конституционного Суда РФ от 11 июля 2006 г. № 213-О // СЗ РФ. – 2006. – № 41. – Ст. 4285.
[32] Điều 23 Khoản 2 Hiến pháp Liên bang Nga.
[33] Khoản 2 Điều 22 Hiến pháp Liên bang Nga.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.