Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Pháp luật nội dung và pháp luật thủ tục

Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN


Cách đây ít ngày, khi hỏi sinh viên về pháp luật thủ tục và pháp luật nội dung thì có nhiều bạn không biết, vì vậy nay tôi xin viết đôi chút về vấn đề này để các bạn sinh viên đọc và hiểu hơn về pháp luật thủ tục và pháp luật nội dung để làm cơ sở cho việc học tập và nghiên cứu tiếp theo. Trân trọng!

Khi bàn về hệ thống pháp luật trong khoa học pháp lý còn biết đến sự phân chia pháp luật ra thành pháp luật nội dung (substantive law) và pháp luật thủ tục (procedural law).[1] Việc phân chia này trên thực tế không có ý nghĩa về mặt pháp lý, nhưng có ý nghĩa rất lớn trong khoa học pháp lý cũng như thực tiễn.  


Theo quan niệm phổ biến, pháp luật nội dung được hiểu là hệ thống các quy phạm pháp luật chứa đựng những quy định mà nhà nước ban hành hoặc thừa nhận để điều chỉnh, bảo vệ các quan hệ xã hội. Các quy phạm pháp luật này luôn được coi là nền tảng cơ sở của hệ thống pháp luật bởi nó xác định quy chế pháp lý, quyền, nghĩa vụ chủ thể, các tiền đề vật chất cũng như điều kiện cần thiết để thực hiện được mục đích của pháp luật trong các trường hợp cụ thể của thực tiễn cuộc sống. Chính vì vậy, quy phạm pháp luật nội dung thường được coi là cái thứ nhất, cái có trước trong mối tương quan với pháp luật thủ tục. Các quy phạm pháp luật nội dung hiện nay được biết đến phổ biến là các quy phạm thuộc các ngành luật dân sự, ngành luật hình sự, ngành luật lao động, ngành luật hôn nhân gia đình, ngành luật hành chính, ngành luật đất đai, môi trường… Khác với pháp luật nội dung, pháp luật thủ tục được hiểu là các quy phạm pháp luật xác định cơ chế, quy trình, thủ tục và hình thức pháp lý nhằm đưa các quy định trong các quy phạm pháp luật nội dung vào cuộc sống. Ví dụ, để xác định một người là có tội theo quy định của điều 93 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam năm 1999 (Tội giết người – quy phạm pháp luật nội dung), pháp luật phải đặt ra một loại quy phạm xác định trình tự, thủ tục, hình thức pháp lý từ điều tra, truy tố, xét xử... để xác định có hành vi của chủ thể đó có cấu thành tội phạm theo quy định của điều luật đó hay không, và việc đó được xác định bởi các quy phạm pháp luật thủ tục (Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành). Hiện nay, ở Việt Nam, theo quy định của pháp luật, có các hình thức tố tụng sau: tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, tố tụng trọng tài. Ngoài các hình thức tố tụng này, quy phạm pháp luật thủ tục còn có thể được tìm thấy ở các văn bản quy định trình tự, thủ tụ, hình thức xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật lao động, bầu cử, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, thuyên chuyển, biệt phái cán bộ, công chức, viên chức…Như vậy, có thể thấy, pháp luật thủ tục và pháp luật nội dung là hai mặt của một vấn đề. Pháp luật sẽ chỉ là những quy định trên giấy nếu chỉ có những quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ thể mà không có quy trình, cơ chế để thực thi các quyền, nghĩa vụ ấy. Ngược lại, sẽ chẳng có một hình thức, thủ tục pháp lý nào có thể được triển khai nếu không có những quy định về nội dung của vấn đề cần thực hiện (thực hiện cái gì, ai thực hiện...). Cần phải nói thêm rằng, những quy định của pháp luật nội dung có thể sẽ rất lý tưởng nhưng không có quy trình, cơ chế pháp lý chặt chẽ của pháp luật thủ tục thì sẽ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, lạm quyền, thiếu nhất quán… và đương nhiên, hệ qủa tất yếu là sẽ dẫn đến nguy cơ làm mất đi giá trị, ý nghĩa đích thực của pháp luật trong bảo đảm, bảo vệ sự công bằng và lẽ phải.Vì vậy, trong mối tương quan này, sự hoàn thiện của pháp luật thủ tục luôn có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong xã hội hiện đại khi xây dựng một xã hội dân chủ, pháp quyền đang được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.