Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Đôi điều về trường phái Tâm lý học pháp luật


TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN
              I.       Bối cảnh hình thành
Vào nửa cuối thể kỷ XIX, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thuyết đa nguyên luận trong khoa học pháp lý, giới nghiên cứu châu Âu chứng kiến sự xuất hiện của một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới, khi sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của nhà nước, pháp luật được lý giải bằng các quy luật, hiện tượng tâm lý con người – đó là trường phái tâm lý học pháp luật.
Tâm lý học pháp luật xuất hiện trong bối cảnh rất đặc biệt khi mọi thứ liên quan đến nhà nước và pháp luật hầu hết đã được lý giải thông qua các quy luật của tự nhiên, xã hội như sự đấu tranh giai cấp, phân công lao động xã hội, bạo lực, tiến hóa tự nhiên, thậm chí là từ ý nguyện của Đấng siêu nhiên… Tuy nhiên, theo một số học giả, nhà nước và pháp luật suy cho cùng sinh ra và tồn tại là để phục vụ con người, và như vậy ắt hẳn các hiện tượng đó cũng phải xuất phát từ chính con người. Từ nhận thức đó, các nhà nghiên cứu tâm lý học pháp luật đi tìm mối liên hệ giữa sự ra đời của nhà nước và pháp luật với những diễn biến tâm lý bên trong của con người[1] và họ phát hiện rằng, những xúc cảm, xung động, tâm tư, suy nghĩ… nghĩa là tâm lý của con người có mối liên hệ chặt chẽ với hai hiện tượng nhà nước và pháp luật.
Sự xuất hiện của trường phái tâm lý học pháp luật vào thời điểm nửa cuối thể kỷ XIX, còn phải kể đến sự ra đời và phát triển của khoa học tâm lý như là một ngành khoa học độc lập. Những kết quả nghiên cứu của tâm lý học đã được vận dụng một hiệu quả để đem đến những luận giải có tính thực chứng về sự ra đời, tồn tại và phát triển của nhà nước và pháp luật.
Trên khía cạnh lịch sử tư tưởng, có thể nói, tư tưởng tâm lý học pháp luật đã hình thành từ rất sớm. Trong nhiều công trình của Ciceron, [2] như “Luật pháp”, “Bàn về trách nhiệm” và “Nhà nước”, sự xuất hiện của nhà nước đã được lý giải gắn liền với thuộc tính bên trong của con người cũng như nhu cầu tự nhiên của con người là tiếp tục nòi giống của mình.[3] Tuy nhiên, tâm lý học pháp luật chỉ trở thành một trường phái, học thuyết pháp lý phổ biến ở châu Âu và Hoa Kỳ gắn liền với các tên tuổi như: L.I. Petrazhisky (1867 - 1931),  N.M. Korkunov (1853 - 1904) và Jean Tarde (1843-1904) …


II.               Các đại diện tiêu biểu của trường phái tâm lý học pháp luật
1.     Tư tưởng của L.I. Petrazhisky
Lev Iosifovich Petrazhisky (1867 - 1931)[4] nhà xã hội học, luật học, đồng thời là người sáng lập ra trường phái xã hội học pháp luật người Ba Lan. Từng là Trưởng Bộ môn triết học pháp luật thuộc Trường Đại học Tổng hợp Sant-Peterburg, Nga, thành viên BCH Trung ương Đảng dân chủ lập hiến nước Nga (Đảng Kadet) đồng thời là đại biểu Đuma Quốc gia Nga Khóa I…, Petrazhisky đã may mắn có được khối kiến thức khổng lồ cả về lý luận lẫn thực tiễn về những vấn đề xã hội, chính trị, pháp lý. Chính vì thế, tác phẩm nổi tiếng của ông “Lý luận về pháp luật và nhà nước trong mối liên hệ với lý luận về đức”[5] như là sự biểu hiện ra bên ngoài sự uyên thâm đó cũng như bày tỏ quan điểm của một chính khách dân chủ, một nhà nghiên cứu triết học pháp luật trong bối cảnh nước Nga trước cách mạng.
Sau năm 1917 ông sang Ba Lan và tiếp tục theo đuổi con đường và quan điểm nghiên cứu của mình. Với tư cách là Trưởng Bộ môn xã hội học pháp luật của Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp Vác-sa-va.  Với những nghiên cứu về xã hội học cùng với quan điểm chính trị - pháp lý được công bố trong tác phẩm “Lý luận về pháp luật và nhà nước trong mối liên hệ với lý luận về đạo đức” đã đưa ông trở thành người sáng lập, đại diện tiêu biểu nhất của trường phái tâm lý học pháp luật.
Với ông, nhà nước ra đời và tồn tại là bởi con người có tâm lý quy thuận những người có uy tín, có tư chất lãnh đạo và nhu cầu được trong tập thể được tổ chức chặt chẽ. Pháp luật, theo quan điểm của ông, thực tế có hai loại: pháp luật nhà nước (pháp luật chính thống) và pháp luật trực quan (intuitive law). Pháp luật trực quan chính là pháp luật được sinh ra từ những xúc cảm của mỗi con người. Pháp luật của nhà nước phải phù hợp với pháp luật trực quan đó thì mới tồn tại, bởi pháp luật trực quan nó gắn với mỗi con người và từ sâu thẳm bên trong họ đã cảm nhận được trách nhiệm của mình và chỉ có thế người ta mới tự giác thực hiện trách nhiệm đó.
2.     Tư tưởng của N.M. Korkunov
Một đại diện khác của trường phái tâm lý học pháp luật là Nicolai Mikhailovich Korkunov (1853 - 1904) – nhà lý luận, lịch sử về các tư tưởng nhà nước và pháp luật, giáo sư Đại học Tổng hợp Sant-Peterburg, Nga. Mặc dù lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy chính của ông là luật nhà nước, luật quốc tế, nhưng những đóng góp của ông cho trường phái tâm lý học pháp luật là không nhỏ.
Trong nhiều công trình của mình như “Ý nghĩa xã hội của pháp luật”, “Tập bài giảng về lý luận chung về nhà nước và pháp luật”, “Lý luận về luật nhà nước”, “Sắc lệnh và luật”… ông đã tỏ rõ quan điểm về mối liên hệ của cá nhân và tâm lý của họ với nhà nước và pháp luật. Ông cho rằng, “Nhà nước là một khối thống nhất của toàn bộ các các nhân có phẩm chất của chủ thể pháp luật, có ý nguyện và là chủ thể nắm quyền”[6], “quyền lực nhà nước là một hiện tượng mà xuất hiện không phải do ý chí của người nắm quyền mà là trên cơ sở nhận thức của mỗi cá nhân về sự phụ thuộc của họ vào nhà nước” và chính nhận thức của mỗi cá nhân về sự phụ thuộc của họ vào nhà nước đã tạo nên sức mạnh (quyền lực nhà nước - MVT) và tạo nên một nhà nước thống nhất.[7]
3.     Tư tưởng của Jean Tarde
Khi nói đến tâm lý học pháp luật không thể không nói đến Jean Tarde (1843-1904) – nhà xã hội học, tội phạm học người Pháp. Jean Tarde có thể coi là người sáng lập ra trường pháp tâm lý học xã hội như là một nhánh của xã hội học.
Trong sự nghiệp của mình, Jean Tarde đã để lại nhiều công trình có ý nghĩa như “Tội phạm học so sánh”, “Triết học của hình phạt”, “Logic xã hội” (1895)... Những công trình này đã đưa ông trở thành một nhà khoa học nổi tiếng. Tuy nhiên, đối với tâm lý học pháp luật thì những đóng góp của ông thật sự được ghi nhận sau khi xuất bản tác phẩm nổi tiếng “Những quy luận mô phỏng[8] (Les lois de l’imitation) (1890) mà điểm nhấn đáng chú ý nhất đó là thuyết “mô phỏng”.
Theo quan điểm của Jean Tarde, nền tảng của sự phát triển xã hội là hoạt động giao tiếp xã hội của cá nhân dưới hình thức mô phỏng. Với ông, xã hội chẳng qua là một quá trình mô phỏng khi người này mô phỏng hành vi của người khác và các giá trị của xã hội được truyền từ đời này sang đời khác cũng chính là nhờ sự “mô phỏng” ấy.
Ngoài khái niệm “mô phỏng” trong thuyết của mình ông còn dùng khái niệm “phát minh” (nhân tố mới). Chính nhờ những nhân tố mới, tư tưởng mới này và cộng với quy luật của sự mô phỏng đã làm lên sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của xã hội, nhà nước. Theo ông, có một số cá nhân kiệt xuất đã phát minh và đưa ra cái mới, sau đó dựa trên nguyên tắc tâm lý mô phỏng của con người mà cái mới được nhân lên “cũng giống như giọt nước rớt trên mặt hồ nó sẽ tạo nên các vòng tròn từ chỗ giọt nước đó tiếp xúc mặt hồ và rồi các hình tròn đó mô phỏng thành nhiều hình tròn khác…”. Và cũng như vậy, lúc đầu là “phát minh” của “một số người nổi trội sau đó được “mô phỏng” thành của nhiều người và biến thành xã hội. Nhà nước và pháp luật cũng vậy, nó như là ý tưởng, phát minh mới của một số người nổi trội, tiên phong, nhưng sau đó được mô phỏng và trở thành các hiện tượng xã hội.
Đúng như nhiều nhà khoa học đã nhận định, sự ra đời của tâm lý học pháp luật gắn liền với sự hình thành tâm lý học như là một ngành luật độc lập,[9] vì thế khi nói về tâm lý học pháp luật không thể không kể đến Sigmund Freud (1856-1939) và Erich Fromm (1900-1980). Với những nghiên cứu về phân tâm học, hai ông đã chỉ ra những mối liên hệ giữa tâm lý con người với sự hình thành và phát triển các tiến trình và các hiện tượng xã hội trong đó có nhà nước và pháp luật. Những nghiên cứu của hai ông góp phần không nhỏ vào hình thành và phát triển trường phái tâm lý học pháp luật.
III.           Những quan điểm cơ bản của trường phái tâm lý học pháp luật
1.     Tư tưởng về nhà nước
Theo các nhà tâm lý học pháp luật, đặc biệt là L. I. Petrazhisky nhà nước ra đời dựa trên yếu tố tâm lý con người. Theo L. I. Petrazhisky con người, từ sâu thẳm bên trong, luôn mong muốn được sống trong một xã hội có tổ chức. Họ muốn sống trong tập thể - một tập thể có tổ chức và đó là nhu cầu tự nhiên của con người. Theo ông, các cảm xúc tâm lý, những động lực bên trong là những nhân tố không chỉ giúp con người dễ hòa nhập hơn với tự nhiên mà còn là nhân tố tạo nên nhà nước và xã hội.
Con người về cơ bản không phải là những động vật mạnh nhất, họ trở nên nhỏ bé trước thiên nhiên hung dữ. Từ điều kiện đó trong mỗi cá nhân xuất hiện tâm lý cần phải sống trong một tổ chức chặt chẽ để bảo vệ họ. Đó là nhu cầu tự nhiên, nhu cầu tự vệ của con người.
Một yếu tố tâm lý khác của con người đó là tâm lý kiếm tìm hình mẫu người có uy tín, người mạnh mẽ để mô phỏng và noi theo. Tại sao lại có tâm lý như thế? Bỏi đơn giản là con người sống trong tự nhiên luôn có tâm lý đoàn kết để sống trong xã hội có tổ chức tốt hơn. Nhưng con người sinh ra không ai giống ai, có kẻ mạnh và người yếu, và các quy luật và hiện tượng tâm lý cũng vậy, cũng có kẻ có phẩm chất mạnh mẽ, có người yếu đưới. Trong mỗi người đều có tâm lý gửi gắm ở những người uy tín, quyền uy, mạnh mẽ hơn mình. Đó cũng là nhu cầu muốn được gửi gắm để bảo vệ mình. Kẻ cảm thấy yếu hơn thì thuần phục kẻ mạnh hơn. Chính yếu tố tâm lý đó đã trao cho người mạnh hơn quyền được lãnh đạo người thuần phục mình. Từ đó, xã hội xuất hiện hai loại người: người lãnh đạo (kẻ mạnh) và người bị lãnh đạo (kẻ yếu). Người lãnh đạo dần dần có quyền uy và để củng cố quyền lực và đảm nhiệm trách nhiệm mà người thuần phục họ gửi gắm – tìm kiếm sự bảo vệ, dẫn đến hình thành tổ chức quy củ hơn đó là nhà nước. Họ trở thành giới thượng lưu, thành đại diện cho quyền lực công cộng, đại diện cho xã hội và lãnh đạo xã hội.
Sự tồn tại và hoạt động của nhà nước cũng dựa vào những quy luật tâm lý đó của con người. Con người luôn muốn sống trong tập thể và luôn muốn quy tụ nơi kẻ mạnh để tìm kiếm sự bảo vệ che chở. Người ta có tâm lý mô phỏng hành vi của giới thượng lưu, của người có uy quyền và họ tự trấn an rằng, đó là điều kiện để có được sự bảo vệ, là cơ sở cho bình đẳng và ổn định xã hội. Sự khuất phục của những người khác, sự mô phỏng hành vi của họ từ phía những người khác đã làm cho những người được gọi là “kẻ mạnh” có thêm uy quyền, thêm sự tự tin để lãnh đạo xã hội, nắm giữa quyền lực nhà nước.
2.     Tư tưởng về pháp luật
Các nhà tư tưởng tâm lý học pháp luật cho rằng, pháp luật có gốc rễ ở tâm lý của con người “một người luật gia sẽ sai lầm nếu ông ta tìm kiếu luật ở đâu đó trong không gian ở bên trên hay ở giữa những con người, hay ngoài xã hội…trên thực tế pháp luật là hiện tượng được sinh ra ở đầu, ở tâm lý con người và chỉ có ở đó mà thôi”.[10]
L.I. Petrazhisky khẳng định, nguồn gốc của luật pháp chính là cảm xúc của con người. Cảm xúc là bộ phận quan trọng nhất của tâm lý. Đó chính là động lực (xung lực) của mọi hoạt động tâm lý và chính nó mới là nhân tố quyết định thúc giục, thôi thúc (hay bắt buộc) con người thực hiện một hành vi nào đó. L.I. Petrazhisky phân cảm xúc làm hai loại: loại cảm xúc đạo đức và cảm xúc pháp luật. Ông khẳng định, chỉ có hai loại cảm xúc này mới quyết định quan hệ giữa con người với con người.[11]
So với cảm xúc pháp luật, cảm xúc đạo đức chỉ có tính một chiều, bởi xúc đạo đức, thực tế là, những nhận thức của con người về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Cảm xúc đó không có chiều ngược lại. Ông chứng minh điều này bằng ví dụ: “Xúc cảm đạo đức là xúc cảm của một người nhìn thấy một người ăn mày và đem tiền cho người ăn mày đó”. Đó chỉ là cảm xúc đạo đức bởi thực tế trong tâm lý người cho tiền không hề xuất hiện một cảm xúc ngược lại đó là: “họ không có suy nghĩ là người ăn mày có quyền đòi tiền từ họ”. Rõ ràng cảm xúc kiểu như thế là cảm xúc đạo đức.
Còn cảm xúc pháp luật thì lại khác. Nó có tính hai chiều bởi, khi trong mỗi con người xuất hiện nhận thức về nghĩa vụ của mình thì liền theo đó là xuất hiện những nhận thức về quyền của người khác và ngược lại. Khi có cảm xúc kiểu đó thì đó là cảm xúc pháp luật. Pháp luật, theo L.I. Petrazhisky, chẳng là gì cả ngoài việc cái quyền của người này thì bao giờ cũng gắn liền với nghĩa vụ của người khác. Như vậy, các quy phạm pháp luật đều xuất phát từ những xúc cảm pháp luật và luôn có tính hai chiều.
Với quan niệm như vậy về sự hình thành pháp luật thì có thể thấy, theo L.I. Petrazhisky pháp luật có nội hàm vô cùng rộng. Bởi tất cả những gì được hình thành từ cảm xúc có tính chất hai chiều (quyền và nghĩa vụ) đó là pháp luật, thậm chí cả những quy tắc của trò chơi trẻ con, quy tắc trong giao tiếp… Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, có rất nhiều quy phạm kiểu đó trong xã hội, đặc biệt là trong xã hội thuở ban sơ (nguyên thủy), những xúc cảm pháp luật đó chủ yếu do các cá nhân tạo nên và vì vậy nguy cơ có sự xung đột giữa chúng là không tránh khỏi. Lúc đó, các cá nhân bảo vệ các quyền của mình một cách rất tùy tiện (bằng chính bản thân hoặc những người thân quen của mình).
Nhưng, khi xã hội ngày càng phát triển thì các hình thức bảo vệ quyền, lợi ích được chấn chỉnh. Pháp luật đã có các hình thức tồn tại văn minh hơn (tiền lệ, các luật, chỉ thị…) cùng với đó đã xuất hiện hệ thống cơ quan quyền lực và ngày càng độc quyền hóa chức năng cưỡng chế. Nhờ thế pháp luật đã được định hình (có hình thức biểu hiện xác định - MVT) và trở nên rõ nét hơn.
 Như vậy, theo các nhà tư tưởng của thuyết tâm lý học pháp luật, thì với sự xuất hiện của nhà nước, cùng với sự độc quyền hóa quyền lực cưỡng chế đã xuất hiện một loại luật mới. Luật đó được L.I. Petrazhisky và các đại diện khác trong tâm lý học pháp luật gọi là “luật chính thống” (hay luật nhà nước). Tuy nhiên, các đại diện của trường phái này cũng nhận định rằng, trong xã hội hiện đại dù các hình thức pháp luật chính thống có hoàn thiện đến đâu cũng không thể xóa bỏ hoặc bóp nghẹt những cảm xúc cá nhân (cảm xúc pháp luật của mỗi cá nhân). Trong xã hội có nhiều giai tầng khác nhau thì tạo ra các “luật trực quan” (intuitive law) như: luật trực quan của người giàu, công nhân, nông dân, tổ chức tội phạm…
Rõ ràng với quan điểm này, thuyết tâm lý học pháp luật thừa nhận thuyết đa nguyên luận của pháp luật. Pháp luật không chỉ là những gì có xuất xứ từ nhà nước mà còn có pháp luật của mỗi cá nhân, giai tầng hay nhóm xã hội. Trên thực tế loại pháp luật này rất sống động và đa dạng, bởi có có xuất xứ từ các các nhân và được giải thích cũng mang tính cá biệt. L.I. Petrazhisky từng nói “có bao nhiêu cá nhân thì có bấy nhiêu loại luật”. Các loại luật của cá nhân hay nhóm xã hội ông gọi là “luật trực quan” (intuitive law) .
Mối quan hệ giữa luật trực quan và luật chính thống, theo các nhà tư tưởng tâm lý học pháp luật, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và ở mỗi quốc gia thì mức độ cũng rất khác nhau. Mức độ tương thích giữa chúng phụ thuộc vào trình độ nhận thức, ý thức, văn hóa xã hội, tâm lý dân tộc… Các đại diện trường phái này cũng cho rằng, pháp luật chính thống sẽ tốt nếu phản ánh được tâm lý của cá nhân. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng cần phát triển mạnh, nhất thể hóa luật nhà nước làm sao cho nó hạn chế những luật trực quan của các nhóm xã hội.
Xuất phát từ quan điểm cho rằng có hai loại pháp luật, nên các đại diện của tâm lý học pháp luật cho rằng để nghiên cứu tốt nhất các loại pháp luật này nhất thiết phải có hai loại khoa học pháp lý: khoa học lý luận về pháp luật (theory of law)và khoa học chính sách pháp luật (policy of law). Lý luận pháp luật sẽ nghiên cứu về luật chính thống, còn chính sách pháp luật sẽ nghiên cứu pháp luật trực quan. Cũng theo họ, trong mối quan hệ với pháp luật, nhà nước không nên chú trọng vào chức năng cưỡng chế, mà nên coi trọng chức năng giáo dục và tác động lên cảm xúc của con người để điều chỉnh hành vi của họ.
VI. Kết luận
Có thể nói, trường phái tâm lý học pháp luật cùng với các tên tuổi nổi tiếng như L.I. Petrazhisky, N.M. Korkunov, Jean Tarde và nhiều học giả khác đã tạo nên một bức tranh hoàn toàn mới về pháp luật trong cuối thể kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Pháp luật giờ đây không chỉ là những gì của nhà nước mà pháp luật thực tế bao gồm cả những cảm xúc mang tính chất hai chiều của mỗi cá nhân. Nói cách khác pháp luật, một phần, cũng chính là những xúc cảm của con người. Như vậy, pháp luật từ chỗ xa lạ và mang tính áp đặt đã được hiểu gần gũi đến mức không thể gần gũi hơn – đó chính là ở trong đầu, trong tâm lý của mỗi con người.
Cũng tương tự như pháp luật, nhà nước, với các nhà tâm lý học pháp luật, không hẳn là bộ máy để trấn áp mà thực ra nó xuất hiện và tồn tại từ nhu cầu chính đáng của con người. Nhu cầu ấy xuất phát từ mong muốn bên trong (tâm lý) của họ đó là muốn sống trong một tập thể được tổ chức tốt hơn và tâm lý tin tưởng và tìm kiếm sự bảo vệ ở những cá nhân có uy tín, có sức mạnh và quyền uy. Với họ chỉ những người như thế mới đủ sức bảo vệ họ và vì vậy họ mô phỏng hành vi của những người đó, quy thuận những người đó để những người đó tổ chức và quản lý xã hội. Như vậy, nhà nước là tổ chức được tạo nên bởi chính nhu cầu tự nhiên bên trong của con người.
Tuy nhiên, tác giả cũng khó lòng nhất trí hoàn toàn với các nhà tư tưởng tâm lý học ở chỗ, tâm lý con người là nhân tố quyết định sự hình thành nhà nước và pháp luật. Tác giả chỉ có thể nhất trí rằng, tâm lý người cũng là một trong vô vàn những nhân tố tạo nên nhà nước và pháp luật. Thật khó có thể phủ nhận vai trò của các nhân tố khác như điều kiện kinh tế xã hội, mâu thuẫn xã hội, sự xâm chiếm, chiến tranh, … trong sự hình thành, tồn tại và phát triển của nhà nước.
Trong tư tưởng của các nhà tâm lý học pháp luật còn có yếu tố “đồng thuận”(đoàn kết) xã hội trên cơ sở tâm lý người.  Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, mỗi cá nhân là một sinh linh, mỗi sinh linh ấy có những xúc cảm rất khác nhau và hành vi của họ, như các nhà tâm lý học khẳng định, được thực hiện do những xúc cảm chi phối. Nếu vậy thì cũng khó có sự đồng thuận trong hành động để rồi lập nên, và tuân thủ nhà nước, pháp luật…
Có thể nói thế này hay thế khác, nhưng có lẽ cũng nhìn nhận một cách khách quan rằng, các nhà tư tưởng của học thuyết tâm lý học pháp luật đã nỗ lực chứng minh một chân lý mà không phải ai cũng nhận ra (hoặc cố tình không nhận ra) – con người, suy nghĩ và hành động của họ phải là trung tâm, là nguồn gốc của mọi hiện tượng xã hội, trong đó trước hết và trên hết là nhà nước và pháp luật. Những nhà tư tưởng tâm lý học pháp luật đã gửi một thông điệp nhất quán rằng, con người là chủ nhân, là nguồn gốc của nhà nước và pháp luật. Chính vì thế, pháp luật và nhà nước nhất thiết phải phù hợp với suy nghĩ hành động của con người vì mục tiêu phục vụ con người.
Tài liệu tham khảo:
1.       Alyabeva T.K.  Các học thuyết và thực tế xã hội về sự xuất hiện của nhà nước, Nxb.: MGOU, Matxcơva, 2012, tr. 254 (Tiếng Nga).
2.       Gurevich P.V.  Về Lev Iosifovich Petrazhisky.// Tạp chí Luật lọc, Số 5, 1971. Tr. 130-132 (Tiếng Nga)
3.       Korkunov N.M., Luật Nhà nước Nga, Quyển I, NXB. SPGU, 1908 Tr. 51.
4.       Korkunov N.M., Sắc lệnh và luật, NXB. SPGU, 1894 Tr. 193.
5.       Bản dịch sang tiếng Nga: Законы подражания = (Les lois de l’imitation): Пер. с фр. / [Соч.] Ж. Тарда. — СПб.: Ф. Павленков, 1892. — [4], IV, 370 с.
6.       Leist O.E., Lịch sử các học thuyết chính trị-pháp lý, Nxb. Pháp luật, Matxcova 1997. Tr.412 (Tiếng Nga)
7.       Dẫn theo: Leist O.E., Lịch sử các học thuyết chính trị-pháp lý, Nxb. Pháp luật, Matxcova 1997. Tr.413 (Tiếng Nga)
8.       L.I. Petrazhisky, Lý luận về pháp luật và nhà nước trong mối liên hệ với lý luận về đạo đức, Tập 1, Nxb. SPG, 1909 (Tiếng Nga) Có thể xem thêm trên: http://www.allpravo.ru/library/doc108p0/instrum4914/







* Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.
[1] Hướng nghiên cứu Khác với trường phái pháp luật tự nhiên.
[2] Chính khách, nhà văn của La Mã cổ đại (106-43 Tr CN).
[3] Xem thêm: Alyabeva T.K.  Các học thuyết và thực tế xã hội về sự xuất hiện của nhà nước, Nxb.: MGOU, Matxcơva, 2012, tr. 254 (Tiếng Nga).
[4] Xem thêm: Gurevich P.V.  Về Lev Iosifovich Petrazhisky.// Tạp chí Luật lọc, Số 5, 1971. Tr. 130-132 (Tiếng Nga)
[5] Ông hoàn thành công trình này vào năm 1908 tại Nga.
[6] Korkunov N.M., Luật Nhà nước Nga, Quyển I, NXB. SPGU, 1908 Tr. 51.
[7] Korkunov N.M., Sắc lệnh và luật, NXB. SPGU, 1894 Tr. 193.
[8] Bản dịch sang tiếng Nga: Законы подражания = (Les lois de l’imitation): Пер. с фр. / [Соч.] Ж. Тарда. — СПб.: Ф. Павленков, 1892. — [4], IV, 370 с.
[9] Leist O.E., Lịch sử các học thuyết chính trị-pháp lý, Nxb. Pháp luật, Matxcova 1997. Tr.412 (Tiếng Nga)
[10] Dẫn theo: Leist O.E., Lịch sử các học thuyết chính trị-pháp lý, Nxb. Pháp luật, Matxcova 1997. Tr.413 (Tiếng Nga)
[11] L.I. Petrazhisky, Lý luận về pháp luật và nhà nước trong mối liên hệ với lý luận về đạo đức, Tập 1, Nxb. SPG, 1909 (Tiếng Nga) Có thể xem thêm trên: http://www.allpravo.ru/library/doc108p0/instrum4914/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.