Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Tòa án nên nhân danh công lý hay nhân danh nhà nước!?

Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN

Trong số các nhánh quyền lực nhà nước, có lẽ tôi có ấn tượng nhất với tư pháp bởi tư pháp, về mặt sứ mệnh, luôn được coi là tấm bình phong, là cái khiên bảo vệ con người, lẽ phải, sự thật, sự công bằng và công lý xã hội.
 Nhiều người cho rằng, lập pháp nghĩa là ban hành pháp luật, hành pháp là thi hành luật pháp còn tư pháp là bảo vệ pháp luật, giải quyết các tranh chấp, xử lý vi phạm, bảo vệ trật tự hiến định. 
Hiểu như thế có lẽ chưa được tròn nghĩa cho lắm, bởi nếu chỉ nói là bảo vệ pháp luật thì rất dễ bị lợi dụng. Rất rắc rối nếu luật pháp không phải là hiện thân của công bằng và ý nguyện xã hội mà là hiện thân của lợi ích nhóm, của những kẻ “bề trên” trong xã hội mà điều này rất dễ xảy ra khi có sự ủy quyền nhưng việc giám sát những người được ủy quyền không hiệu quả. Lúc này tư pháp lại là cái khiên bảo vệ những kẻ đó, là kẻ thù của nhân dân và dù bảo vệ được trật tự hiến định nhưng lại đi ngược lại với lẽ công bằng.

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Mô hình phân quyền ở Liên bang Nga

Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
Nguồn: Tạp chí NCLP số 13 và 14/2012

DẪN NHẬP

Khi tìm hiểu và phân tích mô hình tổ chức quyền lực ở Liên bang Nga tác giả xuất phát từ thiển ý, quyền lực trong một nhà nước dân chủ chỉ có một và duy nhất, quyền lực ấy thống nhất ở quyền lực của nhân dân. Thống nhất ở đây là thống nhất ở nguồn gốc quyền lực, còn trong vận hành quyền lực ấy phải được phân chia theo những mô hình nhất định để đảm bảo thực thi dân chủ và phát triển đất nước. Chính vì vậy, sẽ không có "tam quyền phân lập" hay "tứ quyền phân lập"(TG)... mà chỉ có một thứ quyền lực và thứ quyền lực ấy được phân chia theo các cơ chế khác nhau để quản trị tốt hơn, cũng như thỏa mãn tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Trên cơ sở đó, tác giả cho rằng ở Nga đang tồn tại mô hình "phân quyền" chứ không phải "tam quyền phân lập" hay "tập quyền". Trong bài này tác giả sẽ làm rõ một số vấn đề: quyền lực được phân chia như thế nào và thực tế vận hành ra sao?
 "Phân quyền", trong tiếng Nga được viết "Разделение власти". Nội hàm của khái niệm này cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất.[2] Trong bài viết này, khái niệm phân quyền sẽ được hiểu trong lĩnh vực phân chia quyền lực nhà nước ở Liên bang Nga và theo quan điểm của tác giả, để có được cái nhìn toàn diện nhất, phân quyền cần được xem xét trên các phương diện sau:
+ phân quyền ngang - cơ chế phân chia quyền lực giữa các thiết chế quyền lực ở trên cùng một mức độ - phân quyền ngang hàng (giữa các thiết chế quyền lực ở trung ương);
+ phân quyền dọc - cơ chế phân chia quyền lực giữa trung ương và địa phương;
+ phân quyền đặc biệt (lưu quyền) - quyền lực mà nhân dân sử dụng bằng các hình thức khác nhau nhằm thực thi trực tiếp, giám sát và chế ước sự tùy tiện của cơ quan nhà nước khi các cơ quan nhà nước sử dụng phần quyền lực đã được phân chia.

Đảm bảo sự độc lập tư pháp ở Liên bang Nga và một số gợi ý cho công cuộccải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay

Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
Nguồn: Tạp chí NCLP số 6 tháng 3 năm 2014


Tư pháp độc lập là điều kiện và cũng là đặc trưng cơ bản, phổ quát của nhà nước pháp quyền (NNPQ). Vì vậy, để xây dựng thành công NNPQ không thể không thiết lập những đảm bảo vững chắc cho một nền tư pháp độc lập. Nghị quyết số 49/NQ-TW ban hành năm 2005[2] đã khẳng định mục tiêu đúng đắn của Đảng xây dựng nền tư pháp độc lập trong NNPQ xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Để đảm bảo nền tư pháp độc lập, thì sự độc lập của tòa án với các cơ quan lập pháp, hành pháp, với hệ thống chính trị và chính quyền các cấp là điều kiện cần thiết. Tuy nhiên, để có nền tư pháp độc lập thật sự, trên hết và trước hết phải có những thẩm phán độc lập, bởi thẩm phán, chứ không phải tòa án, mới là người nắm giữ quyền tư pháp, nhân danh quyền lực và công lý để đưa ra phán quyết bảo vệ lẽ phải, sự thượng tôn của pháp luật, công bằng, trật tự xã hội.

Bàn về pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế

 Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN

Mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế luôn là đề tài nhận được sự quan tâm lớn của luật học, bởi nó có ý nghĩa không chỉ đối với khoa học pháp lý mà còn đối với thực tiễn áp dụng pháp luật
Trước hết, khi bàn về mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế cho đến nay về cơ bản có hai thuyết: thuyết Nhị nguyên luận (Dualism) và thuyết Nhất nguyên luận (Monism).
Thuyết Nhị nguyên luận cho rằng pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia là hai hệ thống hoàn toàn riêng biệt, bởi chúng có chủ thể khác nhau, phạm vi điều chỉnh khác nhau.[1]

Pháp luật nội dung và pháp luật thủ tục

Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN


Cách đây ít ngày, khi hỏi sinh viên về pháp luật thủ tục và pháp luật nội dung thì có nhiều bạn không biết, vì vậy nay tôi xin viết đôi chút về vấn đề này để các bạn sinh viên đọc và hiểu hơn về pháp luật thủ tục và pháp luật nội dung để làm cơ sở cho việc học tập và nghiên cứu tiếp theo. Trân trọng!

Khi bàn về hệ thống pháp luật trong khoa học pháp lý còn biết đến sự phân chia pháp luật ra thành pháp luật nội dung (substantive law) và pháp luật thủ tục (procedural law).[1] Việc phân chia này trên thực tế không có ý nghĩa về mặt pháp lý, nhưng có ý nghĩa rất lớn trong khoa học pháp lý cũng như thực tiễn.  

Thơ và Đời

YÊU VÀ GHÉT
Sao yêu thế cái nghề sư phạm
       nghề của thanh cao và trí tuệ con người
Sao yêu lắm cái nghề sư phạm
nghề của sẻ chia và hạnh phúc ai ơi!

"Sao ghét thế" cũng cái nghề sư phạm
nghề lao tâm, khổ tứ với đời
Rồi vô số những yêu cầu, phẩm chất
Nhưng cho ta chỉ cơm cháo cầm hơi.

Đã yêu rồi thì chấp nhận mà thôi
Dù thấy tủi vì người đời đâu biết
Nhưng vẫn nguyện cùng tình yêu tha thiết
Đi bên nhau cho trọn nghĩa với đời...!
                                   MVT, 20/11/2013

Giới thiệu sách "Cải cách tư pháp vì một nền tư pháp liêm chính"

Sách chuyên khảo:
"Cải cách tư pháp vì một nền tư pháp liêm chính"
NXB. ĐHQGHN, 2014



Sách chuyên khảo "Cải cách tư pháp vì một nên tư pháp liêm chính" là công trình của Viện Chính sách công và pháp luật do Nhà xuất bản ĐHQGHN, xuất bản năm 2014 là tác phẩm rất có giá trị. Sách là tập hợp các bài viết theo chuyên đề của các tác giả có uy tin trong nước như  GS.TSKH Đào Trí Úc (Khoa Luật, ĐHQGHN), GS.TS. Nguyễn Đăng Dung  (Khoa Luật, ĐHQGHN), GS.TSKH. Lê Cảm  (Khoa Luật, ĐHQGHN), GS.TS. Phạm Hồng Thía  (Khoa Luật, ĐHQGHN), PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí  (Khoa Luật, ĐHQGHN), PGS.TS. Vũ Công Giao  (Khoa Luật, ĐHQGHN), PGS.TS. Chu Hồng Thanh  (Khoa Luật, ĐHQGHN), PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh  (Khoa Luật, ĐHQGHN), TS. Đặng Minh Tuấn  (Khoa Luật, ĐHQGHN), TS. Tô Văn Hòa (Đại học Luật HN)... 
Cuốn sách được chia làm ba phần: Phần 1: Quyền Tư pháp trong NNPQ, Phần 2: Cải cách Tư pháp trong xây dựng NNPQ XHCN ở Việt Nam, Phần 3: Liêm chính tư pháp: Những vấn đề và giải pháp. Với 397 trang, cuốn sách không chỉ nêu bật những quan điểm về tư pháp và liêm chính tư pháp mà đặc biệt còn nêu lên mỗi quan hệ giữa độc lập tư pháp và liêm chính tư pháp.
Trong sách, tác giả cũng có một phần trình bày quan điểm của tác giả về mối quan hệ giữa độc lập của thẩm phán và liêm chính tư pháp và các điều kiện để đảm bảo sự độc lập của thẩm phán nhằm bảo đảm nền tư pháp liêm chính.

Trân trọng kính mời đón đọc!

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Một số vấn đề về xây dựng Đề cương và trích dẫn trong luận văn, luận án

TS. Mai Văn Thắng
 Khoa Luật - ĐHQGHN
[Nguồn: Báo cáo tại Hội thảo 
"Phương pháp NCKH ngành luật"
Khoa Luật, ĐHQGHN 6/6/2015]
1. Dẫn nhập
Thực hiện luận văn, luận án chưa bao giờ được coi là công việc dễ dàng đối với mỗi học viên, nghiên cứu sinh (NCS), bởi luận văn, luận án là công trình khoa học, nhưng thường lại là sản phẩm đầu tay của những nhà khoa học trẻ.
Cần phải khẳng định rằng, chất lượng của luận văn, luận án cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tri thức, kỹ năng, thái độ của học viên, môi trường đào tạo, khả năng tiếp cận tài liệu, kinh nghiệm, sự tận tâm của cán bộ hướng dẫn khoa học…Chính vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này, với những gì trải nghiệm được tôi không có tham vọng trình bày tất cả những suy nghĩ về các vấn đề mà học viên thường gặp phải khi thực hiện luận văn mà chỉ xin chia sẻ một số vấn đề liên quan đến đề cương luận văn và trích dẫn trong luận văn.

Cơ chế giới hạn chính đáng các quyền con người ở Liên bang Nga


TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN


      1.     Về thuật ngữ giới hạn (hạn chế) quyền con người ở Liên bang Nga
 Giới hạn (hạn chế) quyền con người là một trong những vấn đề được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn khoa học cũng như thực tiễn cuộc sống ở Liên bang Nga trong hai thập niên trở lại đây. Tính thời sự của nó được qui định bởi bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tổ chức quyền lực, dân chủ hóa và xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước Nga thời kỳ hậu Xô viết.
Cơ sở pháp lý của việc giới hạn (hạn chế) quyền con người ở Liên bang Nga là Hiến pháp Liên bang. Bản Hiến pháp này được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân (bỏ phiếu toàn dân) được tiến hành vào ngày 12 tháng 12 năm 1993.[2] Theo qui định của Hiến pháp, quyền con người có nguồn gốc tự nhiên, không thể phân chia và thuộc về mỗi cá nhân ngay từ khi mới được sinh ra. Các quyền này phù hợp với các nguyên tắc chung được thừa nhận rộng rãi và các chuẩn mực của pháp luật quốc tế.[3] Tuy vậy, cũng như theo các nguyên tắc và chuẩn mực của pháp luật quốc tế, việc thực thi các quyền con người cũng có thể bị giới hạn (hạn chế) trong những trường hợp và mục tiêu xác định. Theo Khoản 3 Điều 55 Hiến pháp Liên bang Nga “Các quyền và tự do của con người và của công dân có thể bị giới hạn bởi luật liên bang chỉ trong mức độ cần thiết đủ để bảo vệ nền tảng chế độ hiến pháp, đạo đức, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bảo đảm phòng thủ đất nước và an ninh quốc gia”.

Bối cảnh, tình hình chính trị và các chính sách quản lý đất nước thời Hậu Lê


TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN
[Trích trong sách "NN&PL triều Hậu Lê
với việc bảo vệ quyền con người", Nxb. ĐHQGHN, 2014]


    1. Bối cảnh, tình hình chính trị và các chính sách quản lý đất nước giai đoạn từ Lê Thái Tổ đến trước thời kỳ Lê Thánh Tông
Như đã nói ở trên, Hậu Lê được thiết lập trên cơ sở thắng lợi vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn trước giặc Minh xâm lược. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, tình hình chính trị và các chính sách quản lý nhà nước của các vị vua trước thời Lê Thánh Tông thể hiện mối liên hệ sâu sắc với cuộc khởi nghĩa này.
Trước hết, phải kể đến sự ảnh hưởng của đội ngũ tướng lĩnh, những khai quốc công thần trong nền chính trị, hành chính quốc gia cũng như trong các chính sách quản lý đất nước của các vị vua trong giai đoạn đầu trị quốc.


Đã từng vào sinh ra tử, cùng sát cánh bên nhau đánh giặc cứu nước nên khi có thái bình thịnh trị Lê Thái Tổ không thể không “ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”. Trong mấy chục năm đầu của triều đại, những danh tướng như Lê Sát, Lê Khuyến, Lê Diên, Lê Văn Linh, Lê Luyện, Lê Lễ, Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn Xảo… hiện diện trong hàng ngũ đại quan, những chính khách có ảnh hưởng lớn đến triều đình là điều không có gì làm lạ. Và chính họ đã có ảnh hưởng không nhỏ lên tư tưởng chính trị đầu Hậu Lê.
Về những ảnh hưởng tích cực lên chính sách, tư tưởng triều đại từ những khai quốc công thần, phần nào đã được đề cập ở trên. Trước hết phải kể đến chính sách trọng dụng người tài trong bộ máy nhà nước, điều mà trước đây chủ yếu dành cho giới quý tộc.[1]

Đa dạng hóa các loại nguồn pháp luật ở Việt Nam hiện nay là một tất yếu khách quan


TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN



       1.Đặt vấn đề
Cũng như nhà nước, pháp luật là hiện tượng thuộc kiến trúc thượng tầng. Là hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung được đảm bảo thực hiện bằng nhà nước, nhưng pháp luật không phải là sản phẩm của ý nguyện của Thượng Đế, mà được nảy sinh từ thực tiễn, từ chính các điều kiện vật chất của xã hội, phản ánh hài hòa các nhu cầu, ý chí của các chủ thể khác nhau trong xã hội nhằm đảm bảo cho xã hội luôn trong vòng trật tự, tạo điều kiện cho xã hội phát triển, bảo đảm quyền và tự do của các chủ thể trong sinh hoạt cộng đồng.
Chính vì vậy, pháp luật không phải là hiện tượng bất biến, vĩnh cửu, mà cần thiết phải thay đổi theo sự biến đổi của xã hội và bản thân nó luôn chịu sự tác động của các sự vật, hiện tượng khác nhau trong đời sống xã hội.
Trong những năm gần đây, cùng với quyết tâm thực hiện đường lối “Đổi mới” của Đảng, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, trong đó phải kể đến sự tham gia sâu rộng và thực chất vào tiến trình hội nhập quốc tế và đang có những bước vững chắc trong việc thực hiện mục tiêu có tính chiến lược là xây dựng thành công nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Giới thiệu sách "Nhà nước và pháp luật triều Hậu Lê với việc bảo vệ quyền con người"


 Đồng Chủ biên: 

TS. Nguyễn Minh Tuấn 

TS. Mai Văn Thắng 

Nhà xuất bản: 

Đại học Quốc gia Hà Nội 

Loại sách: 

Sách Chuyên khảo 

Năm xuất bản: 2014 

Các tác giả: GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, TS. Nguyễn Minh Tuấn, TS. Mai Văn Thắng,TS. Phạm Thị Duyên Thảo, ThS. Phan Thị Lan Phương, ThS. Lê Thị Phương Nga, ThS. Nguyễn Thị Hoài Phương 



LỜI NÓI ĐẦU 

Trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Việt Nam thời trung đại nói riêng, triều Hậu Lê (1428 – 1789)[1] lâu nay vẫn được đánh giá là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất. Đây là giai đoạn lịch sử đã để lại nhiều dấu ấn, thành tựu quan trọng nhất về phương diện cải cách kinh tế, giáo dục và đặc biệt là về phương diện tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật và bảo vệ quyền con người. 

Thành tựu đặc sắc bậc nhất về pháp luật trong lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam thời trung đại chính là Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) và Bộ Quốc triều khám tụng điều lệ triều Hậu Lê. Đây là những Bộ luật phản ánh trung thực, rõ nét nhất trạng thái chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Đại Việt triều Hậu Lê. Những Bộ luật này đã trở thành khuôn mẫu cho các triều đại sau với nhiều lần được bổ sung, sửa chữa. Trong hoàn cảnh và trình độ pháp lý của thời kỳ này, tính chất hoàn thiện, hệ thống, phong phú, nhưng cũng rất chặt chẽ, cụ thể của Quốc Triều Hình Luật triều Hậu Lê, Bộ Quốc Triều Khám Tụng điều lệ hàm chứa nhiều giá trị kế thừa từ kỹ thuật lập pháp đến việc bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền các nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong các chế định thuộc lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính và tố tụng. 

Văn hóa pháp luật nước Nga - những đặc trưng cơ bản



TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
[Trích trong Sách "Văn hóa pháp luật:
Những vấn đề lý luận cơ bản và ứng dụng chuyên ngành",
Nxb. ĐHQGHN, 2011] 


Sau khi Liên Xô sụp đổ người Nga đã rất chật vật để đi tìm cho mình một “lối đi riêng”. Phải mất hàng thập kỷ với biết bao nhiêu biến cố một mô hình nhà nước và một hệ thống pháp luật cũng đã dần được định hình. Mặc dù vậy, cho đến nay vẫn còn khá nhiều tranh luận xung quanh mô hình nhà nước và pháp luật Liên bang Nga, đặc biệt là về hệ thống pháp luật. Nhiều học giả cho rằng pháp luật Nga hiện nay mang nhiều đặc trưng của dòng họ pháp luật Châu Âu lục địa.[1] Một số khác lại nhận định hệ thống pháp luật Liên bang Nga so với pháp luật Châu Âu lục địa có nhiều nét riêng và đủ sức tạo nên một hệ thống pháp luật đặc trưng[2], trong số đó một số nhà nghiên cứu cho là có đầy đủ cơ sở khẳng định sự tồn tại dòng họ pháp luật Slavơ mà hệ thống pháp luật Liên bang Nga là đại diện tiêu biểu.[3] Cũng có một số nhà nghiên cứu cho rằng rằng hệ thống pháp luật Nga vẫn còn nhiều đặc trưng pháp luật xã hội chủ nghĩa[4], số khác lại khẳng định ở Nga hình thành hệ thống pháp luật kiểu mới – hệ thống pháp luật hậu Xô Viết...[5]
Trong bài viết này trên cơ sở những luận điểm của các nhà khoa học khi nghiên cứu về hệ thống pháp luật Nga và những tư liệu có được, tác giả xin được tiếp cận pháp luật Liên bang Nga trên khía cạnh văn hóa - văn hóa pháp luật. Thiết nghĩ, khi hiểu được văn hóa pháp luật của một đất nước cũng như các yếu tố quy định đặc trưng của nó chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nhận diện bản chất, đặc trưng pháp luật đất nước đó. Trong khuôn khổ bài này tác giả cũng không có tham vọng và cũng không thể trình bày hết được những khía cạnh khác nhau về văn hóa pháp luật Liên bang Nga, bởi nội hàm của khái niệm văn hóa pháp luật cho đến nay vẫn chưa được xác định một cách thống nhất trong giới luật học, hơn nữa văn hóa nói chung và văn hóa pháp luật nói riêng luôn là một phạm trù rất rộng. Vì vậy, bài viết này bàn về những yếu tố mà theo tác giả có ảnh hưởng đến sự hình thành và một số nét đặc trưng cơ bản văn hóa pháp luật nước Nga hiện đại.

Đôi điều về tư tưởng của Nguyễn Trãi


TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN

Nhân kỷ niệm 570 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, Cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã viết:

 “Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc, văn võ song toàn, văn là chính trị, chính trị cứu nước cứu dân, nội trị, ngoại giao, “mở nền thái bình muôn thuở, rửa nỗi hẹn ngàn thu”; võ là quân sự: chiến lược và chiến thuật, "yếu đánh mạnh ít địch nhiều ... thắng hung tàn bằng đại nghĩa"; văn và võ đều là võ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm đao... Thật là một con người vĩ đại về nhiều mặt trong lịch sử nước ta…”.[1]
Không chỉ thế, Nguyễn Trãi còn là nhà tư tưởng kiệt xuất, là ngôi sao sáng trên bầu trời tư tưởng chính trị Việt Nam vào cuối triều Trần, Hồ và đầu Hậu Lê.
Giống như nhiều nhà tư tưởng khác của nước ta, Nguyễn Trãi không trình bày tư tưởng của mình một cách có hệ thống vào một công trình nào đó, mà tư tưởng của ông được thể hiện trong rất nhiều những tác phẩm để lại cho hậu thế, như: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Dư địa chí, Lam sơn thực lục, Luật thư, Giao tự đại lễ , Phú núi Chí Linh…
Tư tưởng của Nguyễn Trãi phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội, từ tư tưởng về thiên mệnh, đạo trời, thân dân, đạo đức, mỹ học….cho đến nội dung cốt lõi nhất là thuyết “Nhân nghĩa” được kế thừa từ Nho giáo của Trung Quốc, nhưng đã có sự phát triển và mở rộng lên một tầng cao mới gắn với quan niệm của ông và truyền thống, thực tiễn cuộc sống của dân tộc. Tư tưởng của Nguyễn Trãi không chỉ có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn đối với xã hội Việt Nam thời điểm đó, mà còn có ảnh hưởng sâu sắc đối với toàn bộ tiến trình lịch sử của đất nước về sau này.

Bàn về trường phái Xã hội học pháp luật


TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN
                 I.   Bối cảnh hình thành
Xã hội học pháp luật như là một trường phái pháp luật hoàn chỉnh được hình thành vào nửa đầu thế kỷ XX. Tư tưởng xã hội học pháp luật được nhen nhóm và hình thành ở Tây Âu, nhưng lại trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ. 
Vào cuối thể kỷ XIX giới luật học đã nhìn thấy sự bất hợp lý trong các lý thuyết về pháp luật. Với nhiều người khái niệm pháp luật mà trường phái pháp luật thực chứng (legal positivism),[1] trường phái được coi là thịnh hành nhất vào thời điểm đó, đưa ra không thể phản ánh hết được nội dung cũng như chức năng của pháp luật. Theo họ, pháp luật không chỉ là hệ thống quy tắc sử xự do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo bằng cưỡng chế nhà nước. Họ không phủ nhận tính quy phạm hình thức của pháp luật, tuy nhiên, nếu chỉ hiểu pháp luật là như vậy sẽ không phù hợp và khó có câu trả lời chính xác cho nhiều vấn đề hóc búa đang hình thành trong xã hội như: những mẫu thuẫn và xung đột đang xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội dân sự, về mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội, làm thế nào để bảo đảm pháp chế, trật tự pháp luật, hoặc bẳng phương pháp luận hình thức của pháp luật thực chứng thì khó thể đưa ra những luận cứ cho sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của nhà nước pháp quyền… Trên tất cả, pháp luật theo quan điểm thực chứng là pháp luật chết, “pháp luật trên sách vở”, tách rời khỏi xã hội, trừu tượng khó hiểu, không phản ánh được nhu cầu, ý nguyện và lợi ích của xã hội và như vậy pháp luật không thể hiện đúng chức năng vốn có của nó. Pháp luật, với họ, không đơn giản chỉ là những quy phạm trừu tượng trong các văn bản luật.
Từ những lý giải đó đã xuất hiện trường phái xã hội học pháp luật. Những đại biểu tiêu biểu của học thuyết này cần phải kể đến R. Iering, E. Erlich, R. Pound, M. Weber, Đ. Frank, G. Kantorovich, S.A. Muromsev, E. Young…

Đôi điều về trường phái Tâm lý học pháp luật


TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN
              I.       Bối cảnh hình thành
Vào nửa cuối thể kỷ XIX, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thuyết đa nguyên luận trong khoa học pháp lý, giới nghiên cứu châu Âu chứng kiến sự xuất hiện của một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới, khi sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của nhà nước, pháp luật được lý giải bằng các quy luật, hiện tượng tâm lý con người – đó là trường phái tâm lý học pháp luật.
Tâm lý học pháp luật xuất hiện trong bối cảnh rất đặc biệt khi mọi thứ liên quan đến nhà nước và pháp luật hầu hết đã được lý giải thông qua các quy luật của tự nhiên, xã hội như sự đấu tranh giai cấp, phân công lao động xã hội, bạo lực, tiến hóa tự nhiên, thậm chí là từ ý nguyện của Đấng siêu nhiên… Tuy nhiên, theo một số học giả, nhà nước và pháp luật suy cho cùng sinh ra và tồn tại là để phục vụ con người, và như vậy ắt hẳn các hiện tượng đó cũng phải xuất phát từ chính con người. Từ nhận thức đó, các nhà nghiên cứu tâm lý học pháp luật đi tìm mối liên hệ giữa sự ra đời của nhà nước và pháp luật với những diễn biến tâm lý bên trong của con người[1] và họ phát hiện rằng, những xúc cảm, xung động, tâm tư, suy nghĩ… nghĩa là tâm lý của con người có mối liên hệ chặt chẽ với hai hiện tượng nhà nước và pháp luật.
Sự xuất hiện của trường phái tâm lý học pháp luật vào thời điểm nửa cuối thể kỷ XIX, còn phải kể đến sự ra đời và phát triển của khoa học tâm lý như là một ngành khoa học độc lập. Những kết quả nghiên cứu của tâm lý học đã được vận dụng một hiệu quả để đem đến những luận giải có tính thực chứng về sự ra đời, tồn tại và phát triển của nhà nước và pháp luật.
Trên khía cạnh lịch sử tư tưởng, có thể nói, tư tưởng tâm lý học pháp luật đã hình thành từ rất sớm. Trong nhiều công trình của Ciceron, [2] như “Luật pháp”, “Bàn về trách nhiệm” và “Nhà nước”, sự xuất hiện của nhà nước đã được lý giải gắn liền với thuộc tính bên trong của con người cũng như nhu cầu tự nhiên của con người là tiếp tục nòi giống của mình.[3] Tuy nhiên, tâm lý học pháp luật chỉ trở thành một trường phái, học thuyết pháp lý phổ biến ở châu Âu và Hoa Kỳ gắn liền với các tên tuổi như: L.I. Petrazhisky (1867 - 1931),  N.M. Korkunov (1853 - 1904) và Jean Tarde (1843-1904) …

Những yêu cầu đối với Hiến pháp trong NNPQ và những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng NNPQ Việt Nam theo Hiến pháp 2013


TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
[Bài tham dự Hổi thảo quốc tế:
"Nhà nước pháp quyền:Lý luận và thực tiễn", 
Tại trường ĐHKHXH&NV, Hà Nội, 9/2013]

 “Nhà nước pháp quyền” là một trong những thuật ngữ được nhắc đến, tranh luận nhiều nhất ở Việt Nam trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây. Tuy vậy, đến nay vẫn còn chưa thống nhất được về mặt lý luận, nhà nước pháp quyền là gì; nhà nước này có những giá trị chung, bất biến hay tùy vào từng điều kiện cụ thể mà lại có nhà nước pháp quyền “mang màu sắc”, “đặc trưng” riêng… Sự chưa thống nhất còn thể hiện ở sự biểu đạt một cách đa dạng thuật ngữ “Rechtsstaat”[1] bằng tiếng Anh: “The rule of law”, “The rule of law state”, “The legal state”, “The state of law”…
Dù vậy, trong khoa học cũng như thực tiễn, những đặc trưng nhất, điều kiện tối thiểu cần phải có của nhà nước pháp quyền, về cơ bản, cũng đã được xác định. Theo đó, nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu hay hình thức nhà nước mà thường được coi như là lý thuyết về tổ chức quyền lực nhà nước trên cơ sở đảm bảo sự tối thượng của nền pháp luật dân chủ, bình đẳng, minh bạch trong xã hội, có cơ chế sự phân quyền hợp lý nhằm giới hạn, kiểm soát và giám sát quyền lực với mục tiêu cao nhất là bảo vệ và phát triển con người.
Vậy, làm sao để có được nhà nước pháp quyền? Những tiền đề nào, điều kiện nào cần và đủ để xây dựng thành công mô hình nhà nước pháp quyền? Điều kiện nào để có được sự tối thượng của pháp luật, làm sao để nhà nước phải “nằm dưới” luật và được tổ chức và vận hành theo pháp luật…? Thực tế cho thấy, đây là những vấn đề gai góc nhất trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền ở mỗi quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam.


Sự độc của thẩm phán - nhân tố quan trọng đảm bảo liêm chính tư pháp ở Liên bang Nga


TS. Mai Văn Thắng[1]
 [Trích trong cuốn sách chuyên khảo:
Cải cách tư pháp vì một nền tư pháp liêm chính
Viện IPL, 2014.]
    1.  Mối quan hệ giữa độc lập của thẩm phán và liêm chính tư pháp ở Liên bang Nga
Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga đã lựa chọn xây dựng xã hội dân chủ và pháp quyền. Ngay tại Điều 1 Hiến pháp Liên bang Nga, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, là cơ sở, nền tảng của cả hệ thống pháp luật, đồng thời cũng chính là sản phẩm của sự lựa chọn và tiến trình dân chủ ở Nga,[2] đã khẳng định: “Liên bang Nga là một nhà nước liên bang dân chủ, pháp quyền với hình thức chính thể cộng hòa”. Và trong Điều 2 Hiến pháp Liên bang tuyên bố “Ở Liên bang Nga, con người, quyền, tự do và phẩm giá của họ là giá trị cao quý nhất. Việc thừa nhận, tuân thủ và bảo vệ các quyền, tự do con người, của công dân là trách nhiệm của Nhà nước”.
Như vậy, nước Nga đã khẳng định giá trị cao quý nhất, căn nguyên, ý nghĩa của mọi hoạt động, tổ chức của chính quyền đó chính là con người, quyền, tự do và phẩm giá của họ.[3] Để giữ gìn và phát triển giá trị ấy, người Nga đã và đang dần thiết lập một hệ thống thể chế, trong đó, thiết lập hệ thống tư pháp độc lập, có năng lực, uy tín là đặc biệt quan trọng. Bởi, khác với các nhánh quyền lực khác, quyền lực tư pháp vừa là bộ phận của bộ máy quyền lực, nhưng đồng thời là chiếc khiên đỡ, thành trì vững chắc bảo đảm cho các quyền, tự do, bình đẳng và phẩm giá của con người, bảo vệ sự thương tôn của pháp luật trong xã hội pháp quyền, dân chủ. Là một bộ phận của bộ máy quyền lực, nhưng tư pháp lại được thiết kế để, trong nhiều trường hợp, chống lại chính bộ máy quyền lực ấy nhằm bảo vệ con người. Điều 18 Hiến pháp Liên bang Nga đã khẳng định: Các quyền và tự do của con người và công dân có hiệu lực trực tiếp. Các quyền và tự do xác định ý nghĩa, nội dung và việc áp dụng các đạo luật, hoạt động của lập pháp và hành pháp, chính quyền tự quản địa phương, và được đảm bảo bởi toà án”.[4]
Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, Hiến pháp và các luật liên bang đã thiết kế một hệ thống tư pháp độc lập và ghi nhận quyền tư pháp chỉ được thực hiện bởi tòa án. Không  có bất kỳ cơ quan, cá nhân nào có quyền can dự việc thực thi quyền tư pháp của tòa án. Nghiêm cấm thành lập các tòa án đặc biệt.[5]