Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Tư vấn ngoài giờ cho sinh viên: "Bàn thêm về Quân chủ và Phong kiến, giá trị của nền Quân chủ trong thế giới hiện đại"

TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN

Trong lúc giảng về hình thức nhà nước, tôi có cảm nhận, nhiều bạn sinh viên có vẻ ngạc nhiên và chưa hiểu lắm, vì sao trên thế giới hiện đại ngày nay “mà” vẫn còn nhiều “chính thể Quân chủ” đến thế.  Tôi cũng cảm nhận rằng, hình như có bạn còn nhầm lẫn giữa hai khái niệm “Quân chủ” và “Phong kiến”. ..
Do thời gian trên lớp ít ỏi, cũng có thể là do cần “chạy đua” với chương trình hoặc vài lý do khác nữa, nên tôi mạn phép dùng diễn đàn này để “câu thêm” chút thời gian nhằm tư vấn thêm cho các bạn sinh viên. Do đây chỉ là sự trao đổi theo kiểu hỏi - trả lời nên nếu có gì không đúng (kể cả văn phong) hoặc kiến thức chưa được chuẩn mong các bạn  thông cảm và góp ý qua email hoặc gặp trực tiếp để tôi được tiếp thu, trao đổi hoặc có những giải trình về quan điểm của mình.


Thứ nhất, về “Quân chủ” và “Phong kiến”. Khi nói đến quân chủ là nói đến hình thức chính thể mà trong đó có dấu hiệu cơ bản nhất là quyền lực nhà nước được đại diện hoặc nhân danh bởi một vị “Quân chủ” đứng đầu nhà nước, như: Vua, Hoàng Đế, Nữ Hoàng, Nhật Hoàng….(và có thể nhiều tên gọi khác). Quyền lực của người đứng đầu này có thể là do được thừa kế từ cha, mẹ của mình (cũng là Quân chủ) hoặc được “bầu”, “chỉ định” trong số những người có quyền kế vị. Vị Quân chủ này có thể có rất nhiều quyền lực hoặc có thể chỉ là biểu tượng quốc gia với quyền lực rất hạn chế.
Trong khí đó, “Phong kiến” là một hình thái kinh tế-xã hội (theo quan điểm của thuyết hình thái kinh tế xã hội). Cách phân chia này dựa trên mối tương quan giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất chủ yếu, phương tiện sản xuất chủ yếu nằm ở giai cấp nào. Trên cơ sở của hình thái này xuất hiện “kiểu” nhà nước và pháp luật Phong kiến. Đây là một kiểu nhà nước và pháp luật phát sinh sau kiểu nhà nước và pháp luật chiếm hữu nô lệ, nhưng lại tan rã và nhường chỗ cho kiểu nhà nước Tư sản được mặc định là tiến bộ hơn. Thông thường trong giai đoạn phát triển của quan hệ sản xuất phong kiến đa phần có sự hiện diện của vua (quân chủ), cho nên nhiều bạn có sự nhầm lẫn đó. Chính vì có sự nhầm lẫn nên chúng ta mới có thể chấp thuận câu “Quân chủ mà Dân chủ”, dù rằng, trên thực tế trong xã hội hiện đại ngày nay hai mệnh đề này không phải hoàn toàn loại trừ hoặc phủ định nhau. Thiết nghĩ, sự hay ở đây chủ yếu nằm ở ý nghĩa của nghệ thuật chơi chữ.


Thứ hai, tôi xin trả lời cho câu hỏi “Tại sao trong thế giới hiện đại chính thể quân chủ còn nhiều thế?”[1]
Một phần của câu trả lời cho câu hỏi này đã được trả lời ở phần trên. Trong khuôn khổ diễn đàn này, tôi xin trả lời vắn tắt như sau: “Cái gì tồn tại thì về cơ bản đều hợp lý”. Liên quan đến những lý giải cho sự hiện diện của nhiều chính thể quân chủ hiện nay, tôi cho rằng hình thức chính thể này vẫn có rất nhiều "giá trị" và hữu ích, ví dụ:
-          Quân chủ là biểu tượng, đại diện cho toàn dân không phân biệt đảng phái, chính kiến. Một nguyên thủ dân cử thường được sự hậu thuẫn bởi một đảng phái và cũng “ngấm ngầm” hoặc “công khai” ủng hộ đảng phái đó. Điều này dẫn tới một hệ quả là, phần còn lại sẽ cảm thấy mình không có dự phần trong cơ cấu quyền lực nhà nước. Điều này đôi khi không tốt cho sự thống nhất quốc gia.
-          Quân chủ là chiếc van an toàn cuối cùng cho nền hòa bình của quốc gia. Thông thường, trong các xã hội dân chủ hiện đại, người dân rất tích cực trong việc bảo vệ các quyền của mình, trong đó có các quyền cơ bản và các quyền chính trị, dân sự. Điều này tất nhiên là tốt, nhưng cũng dễ dẫn đến các xung đột chính trị, thậm chí là xung đột sắc tộc nhất là ở các quốc gia có nền dân chủ đang (hoặc kém) phát triển. Trong thời khắc khủng hoảng chính trị leo thang, thì cũng là lúc chiếc van Quốc Vương của nền Quân chủ được sử dụng và sẽ phát huy tối đa vai trò, quyền năng trong việc hòa giải, đưa ra các giải pháp hợp lý để giải quyết khủng hoảng.
-          Quân chủ là biểu tượng của lịch sử, truyền thống dân tộc và thống nhất quốc gia. Người dân có thể yêu thích một đảng phái hay các lãnh tụ chính trị khác, nhưng có một điều các lãnh tụ chính trị đó không bao giờ có được đó là họ không bao giờ có thể trở thành biểu tượng của truyền thống lịch sử dân tộc và sự thống nhất quốc gia. Chế độ quân chủ đóng vai trò như một kho lưu trữ các truyền thống, lịch sử của dân tộc và qua đó gợi lòng tự tôn, tự hào dân tộc, thống nhất đất nước, giúp người dân không lãng quên truyền thống và lịch sử dân tộc.
-          Chế độ quân chủ giúp cho quyền lực nhà nước có sự “kế thừa”, liên tục và đáng tin cậy hơn. Thế giới luôn thay đổi và chính phủ cũng luôn thay đổi. Có nhiều nơi vì sự thay đổi của chính phủ dẫn đến thay đổi hàng loạt các chính sách (nhiều khi không ngờ)… và điều này có thể làm mất đi sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với quốc gia đó. Chính phủ mới có thể hoàn toàn đoạn tuyệt với một khối, một chính sách mà trước đây trong thời chính phủ cũ từng rất khăng khít và gắn bó. Đôi khi thật buồn khi biết rằng, chỉ vì sự chia rẽ quốc gia mà người dân của bên thua cuộc không được hưởng bất kỳ một chính sách nào (nhất là thương binh, liệt sĩ), trong khi đó bên thắng cuộc thì lại được quan tâm. Sự hụt hẫng đó sẽ đỡ đi phần nào nếu có một nền quân chủ đứng trên tất cả những mưu toan chính trị ấy.
-          Quân chủ cũng giúp ngăn ngừa những chính phủ cực đoan. Điều này thật khó tin, nhưng luôn hiện hữu. Người đời ai cũng nghĩ mình thông minh, nhưng thật ra nhiều lúc họ đã bị tuyên truyền bởi những luận điệu xuyên tạc của những kẻ “đầu sỏ” chính trị hoặc do những tình cảm dân tộc quá lớn, thậm chí do những làn gió của xu thế mới thoảng qua… và điều này giúp cho những kẻ cực đoan có thể nên nắm quyền. Trong bối cảnh ấy, Quốc Vương sẽ ngăn ngừa những phần tử cực đoan chui vào chính phủ bằng tiếng nói cuối cùng của mình nhân danh Thượng đế và tình yêu của dân chúng.
Tất nhiên, còn nhiều lý do nữa để giải thích cho sự “tồn tại” của rất nhiều chính thể quân chủ trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, những gì tôi nói trên chỉ đúng với các chính thể quân chủ lập hiến (quân chủ hạn chế), còn đối với các chính thể quân chủ chuyên chế (quân chủ tuyệt đối) thì cùng với sự phát triển của nhân loại, tất yếu sẽ dẫn đến diệt vong và bị thay thế./.





[1] Trong phần này, tác giả có tham khảo một phần bài của  Akhilesh Pillalamarri  đăcng trên http://thediplomat.com/2014/06/why-monarchies-are-still-relevant-and-useful-in-the-21st-century/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.