Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

Lobby ở Liên bang Nga và những gợi mở cho Việt Nam


TS. Mai Văn Thắng
 Khoa Luật-ĐHQGHN

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo
"Vận động chính sách công trên thế giới 
và ở Việt Nam" do Viện IPL tổ chức tháng 8/2015

Ở Việt Nam, cho đến nay,"Lobby" vẫn là một thuật ngữ bị mang "tiếng xấu" nhiều hơn là "tiếng tốt". Nhưng, dù xấu hay tốt, nó vẫn đã và đang hiện hữu ở mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Hội thảo với tiêu đề trên là một trong những buổi toạ đàm khoa học hết sức có ý nghĩa và thú vị mà tôi từng tham gia. Tại Hội thảo này, có nhiều nhà khoa học, nhà chính trị, nhà hoạt động xã hội đã nói và viết rất thẳng thắn, nhưng cũng không ít người được cho là đã tiếp cận theo cách mà chúng ta thường gọi là "Nói gió để làm động lòng mây".  
Về phần mình, do còn non trẻ nên tôi xin được mon men theo cách tiếp cận thứ hai nói trên. Khi bắt tay vào tìm hiểu nhiều hơn về hoạt động lobby ở Nga, tôi mới nhận thấy, hình như cả trong quá khứ và ngay ở hiện tại chúng ta đã và đang có cái gì đó giống họ. Từ bài học lịch sử và kinh nghiệm hiện tại của nước Nga, mong rằng chúng ta sẽ minh định cho mình cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả về hoạt động vận động chính sách ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.


1. Đặt vấn đề
Đến nay, lobby chưa được coi là một thiết chế chính trị chính thức và cũng chưa được hợp pháp hóa với tư cách như là hoạt động nghề nghiệp ở Liên bang Nga. Tuy nhiên, trên thực tế “hoạt động lobby” đã, đang tồn tại và phát triển như nhu cầu chính đáng, tự nhiên, vốn có của mỗi con người. Với nghĩa như là những phương thức, hình thức tác động lên các cơ quan, cá nhân, nhà chức trách có thẩm quyền nhằm ảnh hưởng, gây tác động đến các quyết sách, chính sách theo hướng có lợi cho mình thì lobby đang tồn tại ở khắp nơi, trong mọi góc cạnh của xã hội Nga cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Dù không phải là “quê hương” của “lobby”, nhưng những phương diện khác nhau của lobby luôn hiện diện ở mọi xã hội, trong đó có Liên bang Nga. Tuy nhiên, cùng với sự khác biệt về các điều kiện xã hội, thể chế chính trị, ý thức và các điều kiện về văn hóa-lịch sử, ở mỗi xã hội lobby lại hiện hữu dưới những hình thức, phương thức và cấp độ khác nhau. Được ví như “tảng băng trôi” với cả phần nổi và phần chìm,[1] hoạt động lobby ở Nga biểu hiện ở cả phương diện “tiêu cực” lẫn “tích cực”, cả “hợp pháp” và “bất hợp pháp.[2]
Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin được trình bày khái lược về sự tồn tại và phát triển của hoạt động lobby trong giai đoạn tồn tại của nhà nước Xô Viết, phân tích những đặc thù trong mô hình, phương thức biểu hiện của hoạt động lobby ở Liên bang Nga trong giai đoạn hiện nay.
Trong bài này, tác giả dùng thuật ngữ “lobby” với nghĩa như “hoạt động lobby” để chỉ ra những đặc thù trong mô hình, phương thức lobby ở xã hội Liên bang Nga. Theo tác giả, nếu chỉ dùng thuật ngữ “lobby” thì sẽ không đảm bảo sự chính xác với điều kiện ở nước Nga vì ở đây lobby chưa được coi là một chế định độc lập, chưa được hợp pháp hóa, trong khi đó, mọi biểu hiện của nó trên phương diện hoạt động thì luôn hiện hữu trên thực tiễn cuộc sống. Trong bài tác giả cũng dùng thuật ngữ “hoạt động lobby” thay cho thuật ngữ “vận động hành lang” vì ở Nga nếu dùng vận động hành lang thì không thật chính xác, bởi hoạt động này không diễn ra phổ biến ở “hành lang” hay ở cơ quan dân cử như nhiều quốc gia. Trong bài này, ý nghĩa của thuật ngữ “hoạt động lobby” cũng được biểu đạt theo nghĩa rộng hơn ý nghĩa của thuật ngữ “vận động chính sách công” bởi hoạt động lobby ở Nga được thể hiện rất đa diện và không chỉ dừng lại ở “vận động chính sách” mà còn tồn tại ở nhiều những mục đích và động cơ khác nhau.

2. Khái lược lịch sử phát triển hoạt động lobby ở Nga
2.1. Hoạt động lobby trong thời kỳ Xô Viết
“Lobby” như một thuật ngữ không được phép nhắc đến trong các văn bản, đường lối chính thống của Đảng và nhà nước trong thời kỳ Xô Viết. Thực tế này xuất phát từ mô hình tổ chức quyền lực mang tính chất lý tưởng khi nhà cầm quyền luôn tuyên truyền đề cao đạo đức cách mạng và phụng sự cho lý tưởng cao đẹp, phục vụ một nhà nước “ưu việt” hướng tới bảo vệ quyền lợi của đại đa số nhân dân lao động, phải biết hi sinh để chống lại bất công, áp bức, bóc lột trong xã hội. Mỗi một cá nhân cần phải vì cái chung, vì cái cộng đồng vì xã hội và vì lý tưởng và lập trường giai cấp. Một xã hội và mô hình tổ chức quyền lực như vậy thì không thể thừa nhận một loại quan hệ “đen tối”, “bẩn thỉu”, “tư sản” như “lobby”. Vì lẽ đó, trong hệ thống pháp luật Xô Viết không có chỗ cho những quy định về lobby. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động lobby vẫn tồn tại, phát triển trong xã hội Xô Viết.
Dù không gọi là hoạt động lobby, nhưng trong thời kỳ Xô Viết hoạt động lobby vẫn tồn tại một cách chính thức dưới các “vỏ bọc”, như: Hiệp thương chính trị của các tổ chức liên minh chính trị trước các cuộc đại hội, hội nghị của Đảng, tiếng nói của tổ chức công đoàn trong xây dựng các luật về lao động, việc làm và an sinh xã hội, hay ý kiến, kiến nghị của Đoàn Thanh niên Cộng sản Lê-nin trong xây dựng các chính sách liên quan đến thanh niên… Các tổ chức này được thừa nhận là những đại diện hợp pháp, chính thống cho quyền, lợi ích của tổ chức và các thành viên. Tuy nhiên, có thể nói, do vấn đề ý thức hệ, tư tưởng, vai trò của các tổ chức này trong xây dựng và thực thi chính sách công hay những hoạt động cụ thể liên quan đến vận động chính sách, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi thành viên là khá hiếm, thậm chí mang tính chất hình thức bởi bên cạnh sứ mệnh đại diện quyền lợi của nhóm, giới, các tổ chức này được coi là tổ chức hậu thuẫn cho các chính sách của Đảng cộng sản Liên Xô, tuyên truyền, vận động, cổ vũ và tập hợp quần chúng trong việc thực hiện chính sách, đường lối của Đảng Cộng sản Liên Xô. Vì vậy, các tổ chức này khá khiêm tốn trong việc tham gia vận động các chính sách theo hướng bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên.
Ngược lại với sự kém phát triển của các hình thức trên, theo Lepekhin V.A.[3] ở Liên Xô lại khá phát triển các hình thức lobby theo kiểu “lợi ích nhóm”, “bè phái”, hối lộ, đút lót để tác động lên các chính sách, luật pháp có lợi cho một hoặc vài nhóm đặc biệt nhất định. Lepekhin V.A. cho rằng, trong thời Xô Viết tồn tại dưới nhiều hình thức nhưng nổi trội hơn cả là các hình thức: “Lobby theo lợi ích nhóm địa phương, đồng hương”, “Lobby lợi ích theo các nhóm ngành kinh tế”.[4]
- Lobby theo lợi ích nhóm địa phương, đồng hương
Xuất phát từ thực tế Xô Viết là quốc gia đa dân tộc, thậm chí có thể ví là quốc gia “đa quốc gia”, nên tính chất dân tộc hay “dấu hiệu đồng hương” và lợi ích khu vực luôn có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, do mô hình tổ chức quyền lực ở Liên Xô lại mang tính tập trung cao độ, nguồn lực tập trung và mọi quyết sách đều xuất phát từ trung ương nên tạo ra một xu thế hình thành nên các nhóm lợi ích nhằm tác động lên quyết sách của trung ương nhằm gia tăng lợi ích của địa phương dựa trên yếu tố lợi ích địa phương (hay lợi ích của người đồng hương). Thông qua các nhóm này họ sẽ ảnh hưởng lên các quyết sách của Trung ương theo hướng có lợi cho địa phương của họ hoặc dùng những chiêu “đồng hương” để len lỏi sâu hơn vào hệ thống chính quyền, hệ thống chính trị để hình thành những nhóm ảnh hưởng. Những nhóm “đồng hương” đã liên kết lại để tạo nên sức mạnh tác động lên các chính sách (về nhân sự, kinh tế…) nhằm tăng cường và củng cố quyền lợi cho nhóm mình hoặc cho địa phương mình. Lịch sử Xô Viết đã chứng kiến rất nhiều nhóm ảnh hưởng như: nhóm Ucraine, nhóm Uzbeckistan, nhóm Leningrad, nhóm Sibiria, nhóm Gruzia… Có quan điểm cho rằng, việc Lãnh thổ Crimea được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên xô N. Khơruxôp chuyển giao cho Ucraine vào năm 1954 đã phần nào thể hiện được xu hướng “Lobby theo nhóm lợi ích địa phương, đồng hương”.
- Lobby lợi ích theo các nhóm ngành kinh tế
Liên Xô được biết đến như là hình mẫu của mô hình kinh tế kế hoạch tập trung. Tuy nhiên, có thể nói rằng, mọi kế hoạch kinh tế của Liên Xô cũng đã chịu nhiều tác động bởi các nhóm ngành kinh tế. Vì lý do đó, thậm chí, có quan điểm cho rằng, ở Liên Xô đã không tồn tại nền kinh tế “Kế hoạch tập trung” mà thay vào đó là một nền “Kinh tế thỏa thuận” giữa các thế lực hay nhóm lợi ích kinh tế (nhóm ngành kinh tế chủ đạo).[5]
Thực tế chứng minh, có quá nhiều những ảnh hưởng của các khối, lĩnh vực kinh tế lên quá trình hoạch định chính sách kinh tế cũng như phương thức quản lý điều hành nền kinh tế Xô Viết. Các tổ hợp kinh tế như: Dầu khí, điện, khai khoáng, công nghiệp chế tạo có ảnh hưởng lớn lên các chính sách, đường lối kinh tế của Liên Xô bởi đa phần nguồn thu ngân sách phụ thuộc vào các lĩnh vực này. Nền kinh tế Liên Xô về cơ bản được chỉ đạo, điều hành theo hướng của các tổ hợp, ngành kinh tế có sức chi phối lớn như các lĩnh vực nói trên và hầu như không thể thoát ra được. Các thành viên của các nhóm kinh tế này đã chi phối không chỉ lên quá trình hoạch định chính sách kinh tế, mà còn lên cả vấn đề tổ chức quyền lực và sắp xếp nhân sự trong giới lãnh đạo của Liên Xô.[6]
Ngoài những mô hình tác động chính sách tiêu biểu nói trên, một trong những đặc điểm khá thú vị trong hoạt động lobby của Liên Xô là hầu như không có các nhà vận động chuyên nghiệp, các hội đoàn bảo vệ quyền lợi của thành viên thì mang tính hình thức, trong khi đó, các quan chức, lãnh đạo cấp cao lại là chủ thể chủ yếu thực hiện các hoạt động lobby.
Thông thường, lobby được coi là điểm kết nối giữa xã hội và chính quyền. Tuy nhiên, ở Liên Xô lobby gắn liền với hoạt động của các quan chức (nhất là hành pháp) tác động lên các quan chức khác hay các vị đại biểu nhằm gây ảnh hưởng lên chính sách, lợi ích cá nhân, lợi ích của bên mà mình đang “bảo trợ” theo kiểu có qua có lại: “tôi - anh, anh - tôi”.
Một đặc điểm khác biệt nữa trong hoạt động lobby ở Xô Viết đó là vận động hành lang không được thực hiện chủ yếu ở cơ quan lập pháp tối cao (Xô Viết tối cao) mà lại thông qua các bộ trưởng hoặc các nhà chức trách trong lĩnh vực hành pháp và thông qua hệ thống cán bộ cao cấp của Đảng cầm quyền. Bởi lẽ, hầu hết các chính sách, kiến nghị luật pháp đều xuất phát từ cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Bộ Chính trị và từ các bộ ngành của chính phủ Liên Xô, Xô Viết tối cao, trên thực tế, chỉ làm nhiệm vụ thông qua và luật hóa các chính sách đó mà thôi. Các thành viên của Bộ Chính trị đưa ra các chủ trương, chính sách, còn các bộ, ngành thực tế trực tiếp nắm trong tay tất cả các nguồn lực của đất nước và phụ trách quản lý kinh tế, xã hội. Vị trí này đã biến các bộ, ngành và Bộ Chính trị thành nơi thực tế diễn ra các cuộc thương thuyết “ngầm” về lợi ích và sau đó các bộ trưởng, thủ trưởng sẽ là những người đi thương thuyết với những người “bấm nút” thông qua.
2.2. Hoạt động lobby trong thời kỳ nước Nga hậu Xô Viết
Khác với thời kỳ Xô Viết, các hoạt động vận động hành lang ở giai đoạn hình thành nhà nước Liên bang Nga đã chuyển dần sang công khai, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một đạo luật chuyên biệt điều chỉnh lĩnh vực này.
Ở giai đoạn đầu, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng cải cách tự do, thời kỳ này bắt đầu có nhu cầu trong việc hợp pháp hóa các quan hệ giữa doanh nhân và chính quyền (nhà chức trách có thẩm quyền) thông qua việc khởi động các dự luật liên quan đến điều chỉnh các hoạt động vận động chính sách, lợi ích ở Liên Xô. Tuy nhiên, do hệ thống cũ đã bị sụp đổ nhanh chóng, trong khi đó, hệ thống mới, nhất là hệ thống pháp luật, chưa được định hình rõ nét, vì vậy, để bảo vệ lợi ích hoặc gây ảnh hưởng lên các quyết định của các cơ quan quyền lực nhà nước, các nhóm ảnh hưởng tiến hành trong các hoạt động vận động lợi ích thông qua cả hai kênh: kênh chính thức và phi chính thức.
-          Hoạt động lobby qua các kênh “chính thức”
Các cuộc vận động hành lang chính thức được tiến hành qua các kênh như: qua các đảng phái chính trị, tổ chức công đoàn độc lập, liên minh các nhà sản xuất và doanh nhân, các tổ chức hay ban tư vấn chính sách cho Tổng thống, Chính phủ Liên bang hoặc thông qua các đại diện của Tổng thống hoặc đại diện của Chính phủ Liên bang trong Quốc hội Liên bang…
Một trong những yếu tố tác động lớn đến hoạt động vận động hành lang ở giai đoạn này là đã hình thành hai trung tâm quyền lực khá độc lập với nhau: Lập pháp Liên bang (Quốc hội) và Hành pháp Liên bang (gồm Tổng thống – thông qua Văn phòng Tổng thống và Chính phủ Liên bang). Với hệ thống chính trị và chính quyền mới được thiết lập này các hoạt động lobby được thực hiện đa dạng hơn. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, do những lợi ích gắn chặt chẽ hơn với khối Hành pháp cho nên các hoạt động lobby thường thông qua Văn phòng Tổng thống hoặc Chính phủ. Điều này cũng dễ hiểu bởi các quyết sách của Tổng thống và Chính phủ gắn liền với nền kinh tế đang được “Tư nhân hóa”, các tập đoàn công ty trước đây thuộc nhà nước sẽ được tư nhân hóa nhanh hơn, chắc chắn hơn trong bối cảnh cơ chế pháp lý vẫn chưa được định hình một cách rõ ràng.
Về phía lập pháp, hoạt động lobby cũng diễn ra khá nhộn nhịp do nền tảng dân chủ đa nguyên đã được định hình. Nhiều nhóm tác động (có thể gọi là các nhóm lobbist bán chuyên trách) như các nhóm nghị sĩ, nhóm đảng phái, các ủy ban của Đuma… mà chức năng chính là gây tác động lên một chính sách hay dự luật nào đó.[7]
Sau Hiến pháp 1993 ở Nga đã định hình nền tảng của chính quyền dân chủ với cơ chế tổ chức quyền lực được chia thành 3 cấp chính quyền: Chính quyền Liên bang, Chính quyền khu vực (các chủ thể Liên bang) và Chính quyền tự quản địa phương. Cùng với đó, hoạt động lobby ở Nga phát triển ở cả 3 cấp độ: Liên bang, Khu vực và cấp chính quyền tự quản địa phương. Đây cũng là điểm khác biệt so với hoạt động lobby ở các giai đoạn trước đó.
 Một trong những hình thức không phải là mới nhưng trở nên công khai và phát triển mạnh mẽ ở giai đoạn hậu Xô Viết là là hình thức lobby qua kênh Thông tin đại chúng. Các nhóm lợi ích ở Nga đã vận dụng khá tốt các hình thức truyền thông đại chúng để gây ảnh hưởng lên chính quyền cũng như các quyết sách của các cơ quan quyền lực nhà nước của Nga hoặc vận động ủng hộ cho các chính sách, tư tưởng của các nhóm chính trị ở Liên bang Nga. Ở giai đoạn này, các nhà tài phiệt cũng đã thành lập nhiều các công ty truyền thông đại chúng, trong đó phát triển các đài truyền hình, các tờ báo, trang thông tin điện tử của tư nhân, đảng phái chính trị…
Ngoài các hình thức trên, ở giai đoạn Hậu Xô Viết nước Nga hình thành thiết chế Ombudsman nhân quyền Liên bang và đây cũng được coi là thiết chế có tầm ảnh hưởng lên các chính sách của Chính phủ, Tổng thống, Quốc hội Liên bang và cả ở cấp chính quyền các bang và chính quyền tự quản địa phương.
-          Hoạt động lobby qua các kênh “phi chính thức”
Hiến pháp 1993 của Liên bang Nga đã mở đường phát triển kinh tế thị trường tự do và nền dân chủ đa nguyên. Cùng với đó tầng lớp doanh nhân có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, dù có Hiến pháp nhưng hệ thống pháp luật chưa đi vào ổn định, trong khi đó, để bảo vệ lợi ích của mình không ít các doanh nhân đứng sau các chính trị gia, thậm chí tác động lên các chính sách bằng những con đường phi pháp như mua chuộc, dụ dỗ thậm chí là tống tiền...
Do nền kinh tế Nga vẫn chủ yếu dựa vào một số lĩnh vực chủ chốt như tổ hợp công nghiệp quốc phòng, năng lượng, điện… nên những doanh nhân trong lĩnh vực này có sức ảnh hưởng lớn lên chính trường cũng như những chính sách của Nga ở giai đoạn đầu của nhà nước Liên bang non trẻ. Lực lượng này đã câu kết chặt chẽ với hành pháp và Văn phòng Tổng thống để đưa ra những quyết định hành chính hoặc văn bản dưới luật có lợi cho họ và có hiệu lực tức thì – điều có lợi cho họ trong bối cảnh xã hội mới. Những nhóm lợi ích này đã hợp thành khối mà sau này hay được gọi là “Các thành viên trong gia đình Tổng thống B. Yeltsin”.
Một trong những hình thức vận động phi chính thức khá phổ biến trong giai đoạn này là hoạt động của các tổ chức đại diện người nước ngoài tại Nga. Trên danh nghĩa đây là các tổ chức xã hội mang tính chất cộng đồng, đồng hương, nhưng trên thực tế lại là các doanh nghiệp của người nước ngoài làm ăn tại Nga tập hợp lại để thực hiện các hoạt động đút lót, thậm chí gây ảnh hưởng tới chính quyền thông qua các hoạt động thường được liên hệ với tên gọi là các nhóm “Maphia”. Các hiệp hội này do các tài phiệt hay các doanh nhân người nước ngoài lập nên để có kênh chính thức gặp gỡ với các quan chức chính quyền, mua chuộc họ, đưa đút lót để thực hiện các phi vụ làm ăn, tác động tới các chính sách có lợi cho cộng đồng họ hoặc xóa bỏ những chính sách có thể ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc làm ăn, buôn bán … của họ tại Nga. Hình thức này chủ yếu và được thực hiện một cách phổ biến ở chính quyền các chủ thể Liên bang hoặc ở các cơ quan của chính quyền liên bang nhưng được đặt ở các chủ thể Liên bang.[8]
Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm rằng, trên thực tế, từ những năm 90 của thể kỷ trước, ở Nga cũng đã hình thành các công ty chuyên nghiệp chuyên thực hiện các cuộc vận động hành lang nhưng lại được núp bóng dưới dạng các công ty tư vấn hay các trung tâm phân tích chiến lược…[9]
2.3.            Quá trình xây dựng một Đạo luật chuyên biệt điều chỉnh hoạt động lobby ở Nga
Khi nói về quá trình phát triển lobby ở Nga cần phải bàn đến những nỗ lực trong việc xây dựng đạo luật điều chỉnh hoạt động Lobby ở Nga.
Ngay từ đầu những năm 1990 một nhóm công tác đã được Hội đồng tối cao Liên bang Nga lập ra để soạn thảo Dự luật về điều chỉnh hoạt động vận động hành lang ở Nga. Một trong những người đầu tiên có công soạn thảo ra dự thảo luật này phải kể đến Lepekhin V.A.[10] Ở giai đoạn này, hoạt động vận động hành lang theo nhóm công tác chỉ hạn chể ở phạm vi cơ quan lập pháp liên bang và theo Dự thảo thì nhà vận động hành lang có thể đăng ký với tư cách cá nhân cũng có thể cả với tư cách pháp nhân.[11]
Một trong những bước phát triển chế định vận động hành lang ở Nga đó là ngay trong khóa đầu tiên Đuma quốc gia Nga đã lập nhóm công tác để sửa đổi lại những nội dung của Dự thảo luật “Điều chỉnh hoạt động vận động hành lang trong các cơ quan nhà nước liên bang ở Nga”. Theo đó, khác với Dự thảo lần 1, lần này hoạt động lobby được mở rộng phạm vi: không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ quyền lập pháp mà cho phép thực hiện trong phạm vi cả ba nhánh quyền lực: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đặc biệt, theo Dự thảo nhà vận động hành lang chỉ được công nhận là các cá nhân. Nhóm này lãnh đạo bởi Hạ nghị sĩ V. Lepekhin và dưới sự hỗ trợ về chuyên môn của các cộng tác viên và chuyên gia đến từ viện Nghiên cứu Mỹ và Canada, trường ĐH Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp…
Trước khi đưa ra lấy ý kiến ở Đuma Quốc gia Nga, Dự luật trên cũng được thảo luận rộng rãi trong cả chính giới cũng như trong cộng đồng khoa học. Trên thực tế cũng có không ít chính trị gia, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội đã phản ánh sự bất hợp lý hay sự chưa phù hợp của luật này đối với xã hội Nga ở thời điểm đó. Theo họ, Nga còn nhiều vấn đề cần giải quyết hơn là hợp thức hóa một hoạt động mà người dân đang quen hiểu nó theo nghĩa rất xấu, phản cảm. Ngoài ra, cũng còn có khá nhiều ý kiến liên quan đến sự bất hợp lý hay sự mâu thuẫn giữa luật này với hệ thống chính trị, xã hội Nga ở thời điểm đó. Theo họ, quyền lợi hợp pháp của nhiều nhóm, tổ chức đã được bảo vệ bởi các hội, nhóm và được điều chỉnh bởi rất nhiều luật, như Luật “Về các tổ chức xã hội”, Luật “Về các tổ chức công đoàn, quyền và những đảm bảo cho hoạt động của công đoàn”, Luật “Về các tổ chức phi chính phủ”…. Theo họ, nếu cho phép hoạt động lobby thì nguy cơ các hội này sẽ bị lu mờ và trên hết sẽ tạo ra sự bất nhất, mâu thuẫn giữa các văn bản luật ở Liên bang Nga và cần phải có chỉnh sửa bổ sung nếu luật đó được ban hành.[12]
Dù còn nhiều tranh luận nhưng vào tháng 12 năm 1995 Dự luật “Về điều chỉnh hoạt động vận động hành lang trong các cơ quan nhà nước liên bang ở Nga” vẫn được đưa ra lấy ý kiến tại Viện Đuma quốc gia Nga. Kết quả có tới 226 nghị sĩ của viện này bỏ phiếu thuận, 08 nghị sĩ bỏ phiếu chống, 5 phiếu ‘không có ý kiến gì” và có tới 96 nghị sĩ đã không tham dự phiên bỏ phiếu. Như vậy, dù nhận được khá đông ý kiến đồng tình nhưng cuối cùng dự luật vẫn không được thông qua ngay tại lần lấy phiếu đầu tiên bởi có tới 96 nghị sĩ đã không tham dự để bỏ phiếu và theo quy định thì dự luật chưa đạt đủ số phiếu tối thiểu để được thông qua tại Viện này.[13]
Không chỉ ở cấp Liên bang, ở cấp chủ thể (cấp bang) đã có nhiều những nỗ lực để xây dựng những quy phạm pháp luật chuyên biệt điều chỉnh hoạt động lobby chính trị ở Nga. Chẳng hạn, tại tỉnh Irkursk vào năm 1992 đã ban hành Văn bản quy phạm pháp luật sô 14/6-MC “Về lập pháp và các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh Irkursk”, trong đó tại chương số 7 hoạt động lobby đã được quy định rất chi tiết như là một hoạt động trong hoạt động lập pháp của tỉnh này. Hay, Tại Krasnodar vào năm 1995 cũng đã ban hành Văn bản quy phạm pháp luật “Về lập pháp và văn bản quy phạm pháp luật của vùng Krasnodar”, theo đó, tại chương 7 với tên gọi “Lobby trong hoạt động lập pháp” đã đưa ra khái niệm lobby, trình tự đăng ký đại diện, quyền và nghĩa vụ của các nhà vận động hành lan, quá trình thực hiện hoạt động vận động hành lang ở khu vực.[14]
Trong những năm Tổng thống Medvedev cầm quyền (2008-2012) các cuộc thảo luận về Dự luật “Điều chỉnh hoạt động vận động hành lang trong các cơ quan nhà nước cấp liên bang ở Nga” lại được đem ra thảo luận, lấy ý kiến. Tuy nhiên, dù có nhiều những nỗ lực, thỏa hiệp, cho đến nay ở Nga một đạo luật chuyên biệt điều chỉnh các hoạt động lobby vẫn chưa được thông qua.
3. Pháp luật về hoạt động lobby và những đặc điểm của hoạt lobby ở Liên bang Nga hiện nay
3.1. Pháp luật Liên bang Nga về hoạt động lobby
Ở cấp độ Liên bang, hiện nay Nga không có một đạo luật chuyên biệt điều chỉnh hoạt động lobby, tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, điều đó không có nghĩa ở Nga không có những quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động lobby. Các quan hệ liên quan đến hoạt động lobby được điều chỉnh một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bởi nhiều những văn bản pháp luật khác nhau và ở những cấp độ khác nhau. Đặc điểm này được coi là sự khác biệt của mô hình lobby ở Nga so với mô hình lobby của một quốc gia trên thế giới.
Trong số những văn bản quan trọng mà trong đó có những quy phạm điều chỉnh những nguyên tắc cơ bản hoặc mối quan hệ qua lại giữa các chủ thể tham gia quan hệ lobby ở Nga hiện nay, trước hết phải kể đến: Hiến pháp Liên bang, các luật hiến pháp liên bang, các luật liên bang, các quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Liên bang Nga và Đuma Quốc gia Nga, các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ Liên bang…
Hiến pháp Liên bang Nga được coi là văn bản quan trọng bậc nhất chứa đựng nhiều nguyên tắc, quy phạm điều chỉnh quan hệ và hoạt động lobby ở Nga. Tại Khoản 2, Điều 3 Hiến pháp Liên bang Nga quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực của mình trực tiếp hoặc thông qua các cơ quan của quyền lực nhà nước và tự quản địa phương”.  Hay, tại Khoản 1, Điều 32 Hiến pháp Liên bang Nga cũng quy định: “Công dân có quyền tham gia vào các công việc quốc gia một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại diện của mình”. Tại Điều 33 Hiến pháp ghi nhận: “Công dân Liên bang Nga có quyền tiếp xúc trực tiếp hoặc gửi các kiến nghị cá nhân hoặc tập thể tới các cơ quan nhà nước và tự quản địa phương”.
Như vậy, với những quy định nêu trên, Hiến pháp đã thiết lập nền tảng pháp lý cơ bản giúp người dân trực tiếp hoặc thông qua đại diện của mình bày tỏ quan điểm, nêu lên các sáng kiến, can thiệp hay tác động vào các chính sách, quyết định của các cơ quan nhà nước, chính quyền tự quản địa phương hoặc đòi hỏi, yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình. Trên cơ sở những quy định hiến định này, Dự luật “Về điều chỉnh hoạt động lobby tại các cơ quan cấp liên bang ở Liên bang Nga” đã được soạn thảo và trình Viện Đuma Quốc gia Nga xem xét từ những năm đầu tiên sau khi Hiến pháp có hiệu lực.
Ngoài những quy định của Hiến pháp, điều chỉnh hoạt động vận động chính sách ở Nga còn có nhiều các văn bản pháp luật quan trọng như: Luật Hiến pháp Liên bang về Chính phủ, Luật Hiến pháp Liên bang về Ombudsman Liên bang nhân quyền, các luật liên bang về các đảng chính trị, về các tổ chức xã hội, về bầu cử đại biểu Viện Đuma quốc gia Nga, về trình tự thành lập Hội đồng Liên bang, về quy chế của đại biểu Đuma Quốc gia và Đại biểu Hội đồng Liên bang và đặc biệt là Luật về Viện xã hội Liên bang Nga và Luật Về kiến nghị công dân.
Luật Tổ chức Chính phủ Liên bang ban hành năm 1997 có nhiều quy định liên quan đến hoạt động vận động chính sách công ở Nga. Trong Luật Tổ chức Chính phủ đã quy định chặt chẽ thẩm quyền của Chính phủ Liên bang trong việc tổ chức thực hiện pháp luật và có quyền sáng kiến pháp luật.[15] Luật còn quy định cụ thể mối quan hệ giữa Chính phủ Liên bang với Tổng thống Liên bang, với các Viện thuộc Quốc hội Liên bang, với hệ thống tòa án, với chính quyền địa phương và với các thiết chế xã hội khác như Viện xã hội Nga hoặc Ombudsman nhân quyền Liên bang…
Theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ Liên bang, trong mối quan hệ với Viện Đuma Quốc gia Nga và Hội đồng Liên bang (hai viện của Quốc hội Liên bang), thì Chính phủ Liên bang có quyền trình các dự án luật, có đại diện thường trực của Chính phủ trong mỗi viện để bảo bảo vệ quyền lợi, quan điểm của Chính phủ trong nhiều vấn đề. Trong trường hợp cần thiết, đối với các dự luật do Chính phủ trình hoặc liên quan đến vấn đề về thuế Chính phủ có thể gửi biệt phái đến các Viện của Quốc hội Liên bang để bảo vệ quan điểm của Chính phủ. Những quy định này và nhiều quy định khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Chính phủ Liên bang là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các hoạt động “vận động chính sách công” một cách công khai và minh bạch theo các kênh chính thức và hợp pháp.
Ngoài những thẩm quyền nói trên, Chính phủ còn có mối quan hệ đặc biệt với Viện xã hội Liên bang Nga[16]như một kênh liên hệ đặc biệt giữa xã hội dân sự với chính quyền các cấp, trong đó có Chính phủ Liên bang để đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức phi lợi nhuận ở Liên bang Nga trong quá trình hoạch định và thực hiện các chính sách quốc gia, kiểm tra việc thực hiện các chính sách đó trên thực tiễn. Đây là một kênh chính thức giúp xã hội dân sự có thể tác động lên việc hoạch định và thực hiện các chính sách của Chính phủ và, trên thực tế, đây là kênh quan trọng để thực hiện các hoạt động lobby chính sách ở Nga bởi lẽ thiết chế này mang tính chính thống và có thẩm quyền tác động nên các chính sách của Chính phủ cũng như lên hoạt động lập pháp.
Ngoài những văn bản nói ở trên, một cơ sở pháp lý quan trọng bậc nhất cho hoạt động “vận động chính sách công” ở Nga phải kể đến Luật Liên bang “Về Viện xã hội Liên bang Nga”.
Mặc dù ở Nga vẫn chưa có đạo luật chuyên biệt điều chỉnh hoạt động lobby, tuy nhiên, nhờ có Luật Liên bang “Về Viện xã hội Liên bang Nga” nên mối tương tác giữa xã hội dân sự và chính quyền được thiết lập một cách chính thống và qua đó hoạt động hoạt động vận động chính sách ở Nga đang được diễn ra một cách công khai, hợp pháp và hiệu quả.
Luật Liên bang “Về Viện xã hội Liên bang Nga” ban hành ngày 4/4/2005 và được sửa đổi bổ sung 11 lần, trong đó lần cuối cùng gần đây nhất là ngày 20 tháng 4 năm 2014. Có thể nói đây là nguồn luật quan trọng nhất điều chỉnh mô hình hoạt động lobby đặc biệt ở nước Nga hiện nay.
 Theo quy định của Luật này, Viện xã hội Liên bang Nga là nhân tố kết nối, bảo đảm mối liên hệ giữa công dân, các tổ chức xã hội, công đoàn, tổ chức sáng tác nghệ thuật, liên minh các tổ chức công đoàn và các tổ chức phi chính phủ khác được lập nên để bảo vệ quyền và lợi ích của các tổ chức xã hội, tổ chức phi lợi nhuận với các cơ quan nhà nước của chính quyền liên bang, chính quyền các chủ thể liên bang và tự quản địa phương với mục tiêu ghi nhận các nhu cầu chính đáng và bảo vệ quyền, lợi ích của công dân Liên bang Nga, bảo vệ quyền của các tổ chức xã hội, các tổ chức phi lợi nhuận khác trong việc xây dựng và thực thi các chính sách quốc gia hướng tới kiểm soát việc thực thi các chính sách ấy của các cơ quan hành pháp của các cấp chính quyền và phối hợp với các cơ quan nhà nước, chính quyền tự quản trong việc bảo đảm quyền trong các cơ sở giam giữ.[17] Luật này cũng quy định, thành viên của Viện xã hội Liên bang không thể là các nhà chức trách có thẩm quyền trong hệ thống cơ quan nhà nước, không thể là các tổ chức chính trị, cũng như các tổ chức có mục tiêu chính trị hay các tổ chức có tư tưởng cực đoan.[18]
Như vậy, với những quy định của Luật này, các công dân Liên bang Nga, các tổ chức xã hội, tổ chức phi lợi nhuận khác (bao gồm cả liên minh các tổ chức công đoàn, các tổ chức công đoàn, tổ chức của những người tuyển dụng lao động, tổ chức nghệ thuật…) đã có cơ chế bảo vệ quyền lợi của mình đó là Viện xã hội Liên bang Nga mà trực tiếp là Hội đồng Viện (cơ quan thường trực của Viện xã hội). Với chức năng chính là tham gia vào quá trình hoạch định và thực thi các chính sách quốc gia, kiểm soát việc thực thi các chính sách ấy của các cơ quan hành pháp của các cấp chính quyền, Viện xã hội hoàn toàn có đầy đủ thẩm quyền và cơ sở pháp lý để vận động các chính sách đang được thiết kế bởi các cơ quan nhà nước, nhất là Chính phủ Liên bang và của chính quyền cấp tự quản địa phương. Bên cạnh đó, theo quy định của Khoản 3, Điều 2 của Luật này, Viện xã hội Liên bang Nga cũng có thẩm quyền thẩm định các dự luật, văn bản quy phạm cũng như các chính sách khác của Chính phủ Liên bang. Đây là phương tiện rất quan trọng để Viện lobby một cách chuyên nghiệp và tác động lên các chính sách, văn bản luật của Chính phủ Liên bang. Cũng cần nói thêm rằng, trong cơ cấu của Viện xã hội Liên bang có đại diện của 85 viện cấp chủ thể Liên bang (cấp bang). Cơ chế này giúp thể hiện được tiếng nói và bảo đảm quyền lợi của các tổ chức xã hội địa phương ở cấp địa phương trong quá trình vận động chính sách ở cấp Liên bang.
Ngoài cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích của các tổ chức xã hội, tổ chức phi lợi nhuận (được lập nên với mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích của các công dân, nhóm xã hội ở Nga) nêu trên, công dân Nga, các nhóm chính trị còn có hình thức khác để tham gia vào quá trình vận động chính sách ở Nga thông qua việc tham gia vào các đảng, khối chính trị. Cơ chế vận động chính sách này được quy định trong Luật Liên bang “Về các đảng chính trị”.
Luật Liên bang “Về các đảng chính trị” được ban hành năm 2001 (sửa đổi đến tháng 5 năm 2015) là cơ sở pháp lý quan trọng của hệ thống chính trị Liên bang Nga. Bên cạnh đó, luật này cũng góp phần thiết lập cơ chế pháp lý cho hoạt động vận động chính sách công ở Liên bang Nga thông qua việc tham gia vào các hoạt động bầu cử, trưng cầu ý dân, tham gia vào hoạch định chính sách nhà nước ở các cơ quan dân cử (lập pháp) và các cơ quan khác của các cấp chính quyền nhà nước và tự quản địa phương ở Nga.
Theo Luật nói trên, các đảng chính trị là cơ sở cho thể chế đa nguyên chính trị, có sứ mệnh giúp người dân tham gia vào đời sống chính trị của nước Nga thông qua việc hình thành và thể hiện ý nguyện chính trị của họ, đại diện và bảo vệ lợi ích của người dân trong các cơ quan quyền lực nhà nước và tự quản địa phương.[19] Cũng theo luật này, mục đích chính của các đảng chính trị ở Liên bang Nga là: 1) hình thành quan điểm (dư luận) xã hội; 2) giáo dục chính trị cho công dân; 3) thể hiện quan điểm của công dân và đem những quan điểm đó đến với quần chúng nhân dân và cơ quan của chính quyền các cấp; 4) giới thiệu ứng viên tham gia vào các cuộc bầu cử Tổng thống, nhà chức trách cấp cao của chính quyền chủ thể Liên bang, chính quyền tự quản địa phương, cơ quan lập pháp của chính quyền Liên bang, các bang và bầu cơ quan đại biểu của chính quyền tự quản địa phương; tham gia vào quá trình bầu cử và các công việc liên quan đến bầu cử.[20]
Như vậy, nếu Luật về Viện xã hội Liên bang thiết lập cơ sở pháp lý cho công dân và các tổ chức xã hội, tổ chức phi lợi nhuận tham gia vào quá trình vận động chính sách công thì Luật về các đảng chính trị lại tạo lập cơ chế cho các tổ chức chính trị để tham gia vào quá trình hình thành, thực thi chính sách công ở Nga thông qua việc tham gia vào đời sống chính trị.
Nếu theo nội dung các đạo luật nói trên, công dân, các nhóm xã hội, nhóm chính trị tham gia vào hoạt động vận động chính sách công chủ yếu bằng cơ chế mang nhiều tính chấp “tập thể”, đại diện tập thể, thì Luật Hiến pháp Liên bang về “Ombudsman nhân quyền Liên bang ở Nga” năm 1997 lại thiết lập cơ chế mang tính chất cá nhân, tác động vào các chính sách thông qua vụ việc cụ thể. 
Theo luật này, Ombudsman Liên bang Nga là thiết chế được thiết lập có mục đích bảo đảm sự bảo vệ các quyền và tự do của con người, của công dân đồng thời đảm bảo sự tôn trọng, tuân thủ các quyền, tự do này từ phía các cơ quan nhà nước, chính quyền tự quản địa phương cũng như từ các nhà chức trách.
Về thẩm quyền, Ombudsman Liên bang, theo qui định có các thẩm quyền cơ bản sau: (1) Xem xét các đơn, thư khiếu nại, thông tin về vi phạm quyền con người, quyền công dân và đưa ra các biện pháp phù hợp để phục hồi các quyền bị vi phạm; (2) Phân tích những qui định của pháp luật Liên bang hiện hành trong lĩnh vực nhân quyền và đưa ra những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật theo những nguyên tắc và chuẩn mực chung đã được công nhận của pháp luật nhân quyền quốc tế; (3) Phát triển hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền; (4) Giáo dục pháp luật về các quyền, tự do của con người cũng như các hình thức và phương pháp bảo vệ nhân quyền; (5) Chuẩn bị những báo cáo thường niên về hoạt động của mình gửi cho Tổng thống Liên bang, hai Viện của Quốc hội Liên bang, Chính phủ Liên bang, Tòa án Hiến pháp Liên bang, Tòa án tối cao Liên bang, Tòa án kinh tế cao cấp Liên bang, Tổng kiểm sát trưởng Liên bang; (6) Báo cáo tại các phiên họp của Đu-ma Quốc gia Nga về những trường hợp vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hoặc vi phạm nhân quyền hàng loạt; (7) Gửi tới Đu-ma Quốc gia Nga báo cáo đặc biệt về việc tuân thủ những quy định về quyền và tự do của công dân ở Liên bang Nga trong những vấn đề nhất định; (8) Đề nghị Đu-ma Quốc gia thành lập các ủy ban đặc biệt để điều tra những sự kiện vi phạm nhân quyền và đề nghị cơ quan này họp để nghe báo cáo, tham gia vào quá trình xác minh các sự kiện cũng như các buổi họp đó; (9) Tiếp cận các tòa án thẩm quyền chung, Tòa án Hiến pháp Liên bang nhằm bảo vệ quyền, tự do của con người; (10) Áp dụng những biện pháp cần thiết trong phạm vi thẩm quyền của mình trong trường hợp có những thông tin về những vụ việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, có tính chất hàng loạt hoặc trong những trường hợp có ý nghĩa xã hội đặc biệt hoặc liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của những cá nhân không có khả năng tự sử dụng các biện pháp bảo vệ trong trường hợp quyền bị xâm hại; (11) Phân tích thực tiễn thực thi pháp luật trong lĩnh vực nhân quyền và đề xuất kiến nghị hoàn thiện; (12) Thông tin cho các cơ quan nhà nước và xã hội về hiện trạng tuân thủ quyền, tự do của công dân ở Liên bang Nga; (13) Gửi đến các cơ quan nhà nước, chính quyền tự quản địa phương, các nhà chức trách những lưu ý, khuyến nghị mang tính chất chung liên quan đến việc bảo vệ các quyền tự do của con người, của công dân cũng như việc hoàn thiện các thủ tục hành chính và một số thẩm quyền khác theo qui định của Luật Hiến pháp Liên bang.[21]
Theo thẩm quyền của Ombudsman là thiết chế nửa xã hội bởi bên cạnh tư cách là một nhà chức trách, Ombudsman Liên bang đồng thời được coi là nhà hoạt động xã hội. Theo quy định của Luật hiến pháp liên bang “Về Ombudsman Liên bang ở Nga”, trong khi thực thi hoạt động của mình, Ombudsman có nghĩa vụ phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội, như Viện xã hội Liên bang Nga, các hội đồng giám sát xã hội của Nga… Các tổ chức xã hội đó có thể tham vấn, đề nghị hoặc, ngược lại, Ombudsman có thể yêu cầu các tổ chức xã hội báo cáo hoặc thông tin về tình hình hoạt động có liên quan đến nhân quyền. Điều này giúp cho Ombudsman có mối liên hệ chặt chẽ với xã hội dân sự qua đó kịp thời phát hiện, giải quyết các vấn đề trong phạm vi chức trách nhiệm vụ của mình đồng thời có những kiến nghị, đề xuất kịp thời đối với các cơ quan, tổ chức hữu quan nhằm bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy nhân quyền và tác động lên các chính sách quốc gia liên quan đến các lĩnh vực nhân quyền.
Như vậy, dù còn rất nhiều những văn bản luật và dưới luật có chứa các quy phạm điều chỉnh hoạt động vận động chính sách công ở Liên bang Nga, tuy nhiên, trên cơ sở khái quát những văn bản luật quan trọng kể trên có thể thấy ở Nga hoạt động lobby hay vận động chính sách vẫn được pháp luật điều chỉnh cho dù vẫn chưa có một đạo luật chuyên biệt ghi nhận và điều chỉnh quan hệ trong lĩnh vực vận động chính sách như là một loại hoạt động đặc thù và được thực hiện bởi các chủ thể chuyên biệt.
3.2. Các đặc điểm cơ bản của hoạt động lobby ở Liên bang Nga
Nghiên cứu quá trình hình thành, vận hành, phát triển và các quy định pháp luật hiện hành của Liên bang Nga liên quan đến hoạt động lobby, tác giả cho rằng, hoạt động lobby ở Nga có những đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, Hoạt động lobby ở Nga không phải là hoạt động mang tính chất nghề nghiệp của những chuyên gia coi vận động hành lang là nghề của mình mà là hoạt động của các tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên của tổ chức hay theo nhiệm vụ thẩm quyền do luật định thông qua hoạt động vận động, tác động lên các chính sách hoặc hoạt động của cá nhân, tổ chức tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc tổ chức của mình thông qua các hoạt động tác động lên chính sách công của nhà nước;
Thứ hai, các quan hệ trong hoạt động lobby ở Nga không được điều chỉnh bởi một đạo luật chuyên biệt mà được quy định ở rất nhiều các loại văn bản quy phạm pháp luật khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau;
Thứ ba, tham gia vào hoạt động lobby ở Nga có nhiều chủ thể khác nhau và được thực hiện ở nhiều cấp độ. Về cấp độ, có cấp độ Liên bang, cấp độ chủ thể liên bang và cấp chính quyền tự quản. Về mặt chủ thể, có các chủ thể sau trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào hoạt động vận động chính sách: Tổng thống, Chính phủ, các Viện của Quốc hội Liên bang, các nhóm nghị sĩ, các đảng phái chính trị, các ủy ban của các Viện thuộc Quốc hội Liên bang, Viện xã hội Liên bang, các tổ chức thành viên của Viện xã hội Liên bang, Ombudsman nhân quyền liên bang, các ombudsman nhân quyền ở các bang, các công dân…
Thứ tư, hoạt dộng lobby ở Nga được thực hiện dưới nhiều hình thức: thông qua các kiến nghị, chương trình hành động của các đảng phái, khối chính trị; kiến nghị của Tổng thống, Thủ tướng Chính phủ; phát biểu của các nghị sĩ, nhóm nghị sĩ; tiếp xúc đa phương, song với với giới chức, người có thẩm quyền xây dựng, thực thi hoặc giám sát thực thi các chính sách, quyết sách; kiến nghị, phát biểu của Hội đồng Viện xã hội, của các ombudsmen nhân quyền, báo cáo thẩm định các dự luật, dự thảo chiến lược của Viện xã hội, các ủy ban của Quốc hội Liên bang; thông qua báo chí, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hình thức biểu tình, tuần hành….… Bên cạnh những hình thức hợp pháp, ở Nga lobby còn tồn tại nhiều hình thức lobby bất hợp pháp như hối lộ, móc ngoặc, maphia hóa, mua chuộc, tống tiền… và cả những hình thức được coi là “nửa hợp pháp” (trá hình) như: mời phát biểu, đến dự hoặc hiện diện tại hội thảo, hội nghị… với mục đích dùng ảnh hưởng để gây tác động, hoặc “trả công hậu hĩnh” cho sự có mặt hoặc vài lời phát biểu…
Thứ năm, hoạt động lobby ở Nga không chỉ diễn ra trong hoạt động lập pháp, mà ở cả trong các hoạt động hành pháp, tư pháp. Do đặc thù của cơ cấu tổ chức quyền lực ở Nga và văn hóa chính trị ở Nga, các hoạt động lobby trong hoạt động hành pháp vẫn đem đến sự hiệu quả và phổ biến hơn cả;
Thứ sáu, quá trình chuyên nghiệp hóa và hợp pháp hóa hoạt động lobby ở Nga chưa nhận được sự đồng tình cao trong xã hội. Lý do của hiện tượng này chủ yếu nằm ở việc thiếu sự phát triển đồng bộ và hoàn thiện của xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền, các thể chế dân chủ, ý thức hệ, quan niệm của người dân cũng như chính giới, và đặc biệt là gặp những trở lực lớn từ những nhóm lợi ích đang quen và có lợi hơn theo phương thức cũ, không muốn công khai hóa, chính thức và chuyên nghiệp hóa hoạt động lobby;
4. Một số gợi mở cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
Giữa Nga và Việt Nam có nhiều sự khác biệt về điều kiện xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế, tuy nhiên, giữa hai quốc gia lại từng có nhiều nét tương đồng về lịch sử và đều đang có những nỗ lực cải cách thể chế, dân chủ hóa đời sống xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền và thúc đẩy nhân quyền. Bên cạnh đó, do những tác động của lịch sử, truyền thống văn hóa, điều kiện kinh tế, xã hội còn kém phát triển, ở Nga cũng như Việt Nam, người dân và chính giới chưa được làm quen với chế định lobby, thậm chí ở rất nhiều nơi và ở nhiều những tầng lớp khác nhau trong nhân dân còn có cái nhìn định kiến về lobby. Cũng như Nga, Việt Nam chưa có được một xã hội dân sự phát triển để vận hành một cách hiệu quả thiết chế lobby như là một thiết chế độc lập, chuyên nghiệp và mang tính chất nghề nghiệp. Hơn nữa, ở Việt Nam hiện nay, rõ ràng “còn nhiều thứ để làm”, “còn nhiều thứ đáng quan tâm” hơn là ban hành một đạo luật hay xây dựng một thiết chế theo mô hình lobby chuyên nghiệp, nhất là trong bối cảnh hệ thống chính trị và nền tảng tư tưởng ở nước ta đang được vận hành theo mô “xã hội chủ nghĩa”. Vì lẽ đó, thiết nghĩ trong bối cảnh hiện nay và trước mắt, Việt Nam chưa nên xây dựng mô hình lobby theo kiểu Anh, Mỹ, mà trước hết cần phải:
Thứ nhất, đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu sâu rộng và toàn diện về các mô hình lobby trên thế giới và có những đánh giá tác động khách quan và toàn diện để qua đó tuyên truyền, làm cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn thẩm thấu vai trò, ý nghĩa và giá trị xã hội của lobby và các nhà vận động hành lang (lobbist) (hay chính xác hơn là nhằm dần thay đổi định kiến của xã hội về lobby). Đồng thời, qua những nghiên cứu có thể tìm kiếm được mô hình phù hợp với điều kiện xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa Việt Nam;
Thứ hai, trước mắt cần đẩy mạnh phát triển xã hội dân sự, nâng cao tính thực chất, tính đại diện của các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ khác để tăng cường năng lực đại diện, bảo vệ quyền lợi và năng lực tác động lên chính sách của các tổ chức đó. Cần thiết phải loại bỏ tính hình thức trong hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp, xây dựng luật về hội và tự do hiệp hội một cách phù hợp với bối cảnh Việt Nam để đảm bảo tiếng nói có trọng lượng của các hiệp hội lên các chính sách của Đảng, Nhà nước;
Thứ ba, tiếp tục đổi mới hoạt động của các cơ quan dân cử, nhất là cơ quan lập pháp nhằm tăng cường mối liên hệ với cử tri, chịu trách nhiệm trước cử tri, sự giám sát của cử tri đối với các đại biểu dân cử, quy định rõ hơn trách nhiệm giải trình của các đại biểu dân cử, đổi mới quy trình xây dựng luật, lấy ý kiến đóng góp cho các dự luật sao cho việc lấy ý kiến đảm bảo hiệu quả, thực chất;
Thứ tư, đổi mới tổ chức và hoạt động của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam theo hướng tăng cường vai trò trong thẩm định các dự luật, chính sách, mở rộng thẩm quyền, thành viên, đẩy mạnh tính xã hội dân sự của thiết chế này để đảm bảo tạo diễn đàn công khai, minh bạch, chính thống của giới doanh nhân lên những chính sách của Đảng, Chính phủ và Quốc hội;
Thứ năm, nghiên cứu xây dựng thiết chế bảo đảm, bảo vệ nhân quyền độc lập theo mô hình Ombudsman (có thể tham khảo mô hình Nga) để đảm bảo bảo vệ quyền, lợi ích của mỗi cá nhân trong những trường hợp cụ thể. Nếu thiết chế này được thiết lập theo mô hình của Nga thì sẽ đảm bảo được sự tác động lên các chính sách của Quốc hội, Chính phủ hay chính quyền địa phương thông qua các kiến nghị, báo cáo chất vấn của Ombudsman được rút ra từ những vụ việc cụ thể.
Thứ sáu, xây dựng và ban hành luật Trưng cầu ý dân bởi đây là kênh hữu hiệu giúp người dân có thể thể hiện trực tiếp và chính thức ý kiến của mình đối với các vấn đề trọng của quốc gia.






[1] Лепехин В.А. Лоббизм в России и проблемы его правового регулирования // `Полис` (`Политические исследования`) 1998-№4 c. 62 (Lepekhin V.A., Lobby ở nước Nga và những vấn đề pháp lý // Tạp chí “Nghiên cứu chính trị” số 4 năm 1998, tr.58)
[2] Có quan niệm cho rằng nếu hiểu lobby là hiện tượng tiêu cực là sai lầm vì lobby là chế định chính thức, hoạt động nghề nghiệp hợp pháp của những chuyên gia, những người đại diện để thể hiện và bảo vệ lợi ích của khách hàng hay của người mình có nghĩa vụ đại diện… nhằm tác động lên những chính sách, quyết sách theo hướng có lợi cho thân chủ mình và lobby là công cụ phòng chống tham nhũng, rửa tiền hiệu quả… Tuy nhiên, ở Nga và nhiều quốc gia trên thế giới, trong nội hàm thuật ngữ lobby chứa đựng cả hai khía cạnh: tích cực và tiêu cực. Vì vậy, trong bài viết này tác giả bàn về cả hai khía cạnh đó khi phân tích về lobby ở Liên bang Nga.
[3] Đại biểu Đu-ma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Khóa I (1993-1995), nhà nghiên cứu chính trị, Trưởng nhóm biên tập, tác giả Dự luật “Điều chỉnh hoạt động vận động hành lang trong các cơ quan nhà nước cấp liên bang ở Nga
[4] Лепехин В.А. Лоббизм в России и проблемы его правового регулирования // `Полис` (`Политические исследования`) 1998-№4 c. 62 (Lepekhin V.A., Lobby ở nước Nga và những vấn đề pháp lý // Tạp chí “Nghiên cứu chính trị” số 4 năm 1998, tr.59-61)
[5] Любимов А.П. История лоббизма в России. - М. “Либеральная миссия”, 2005. C. 23. (Liubimov A.P. Lịch sử lobby nước Nga, M. “Sứ mệnh tự do”, 2005, tr.23)
[6] Любимов А.П. Sđd, tr.25.
[7] Любимов А.П., Sđd, tr.28-29.
[8] Moscow trong những năm trước 2008 có khu chợ do người nước ngoài quản lý được coi là lớn nhất Đông Âu gọi là chợ Vòm (trong đó có rất đông người Việt Nam kinh doanh, buôn bán).
[9] Лепехин В.А. Sđd, tr.71-72.
[10] Перегудов С.П., Лапина Н.Ю., Группа интересов в России и Российское государство. - М. Эдиориал УРСС 1999, c. 112. (Peregodov S.P., Lapina N.Yu., Nhóm lợi ích nước Nga và Nhà nước Nga, - M. Ediorial URSS, 1999, tr.112).
[11] Любимов А.П., Sđd, tr.45-46.
[12] Любимов А.П., Sđd, tr.50
[13] Проблемы правового регулирования в Федеральных органах государственной власти //Думский вестник. 1995, N0: 5 (10), 22-24. (Những vấn đ của điều chỉnh pháp luật đối với hoạt động lobby các cơ quan cấp Liên bang của quyền lực nhà nước// Biên niên của Viện Đuma, số 5 (10) năm 1995, trang từ 22-24)
[14] Любимов А.П., Sđd, tr.49.
[15] Điều 13 Luật hiến pháp Liên bangVề Chính phủ Liên bang Ngaban hành năm 1997 (sửa đổi năm 2015) (Tiếng Nga)
[16] Nguyên văn tiếng Nga: “ Общественная палата России”
[17] Điều 1 Luật Liên bangVề Viện xã hội Liên bang Nganăm 2005 (Tiếng Nga)
[18] Khoản 2 Điều 6 Luật Liên bang “Về Viện xã hội Liên bang Nga” năm 2005 (Tiếng Nga)
[19] Khoản 2, Điều 3 Luật Liên bang sô 95-FZ  “Về các đảng chính trị” của Liên bang Nga, ban hành 21/7/2001 sửa đổi 23/5/2015 (Tiếng Nga)
[20] Khoản 4 Điều 3 Luật Liên bang số 95-FZ. Luật đã dẫn.
[21] Luật Hiến pháp liên bang “Về ombudsman nhân quyền liên bang ở Nga” năm 1997, sửa đổi bổ sung đến 23/5/2015 (Tiếng Nga)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.