Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

Làng xã và "dân chủ" ở làng xã trong truyền thống và lịch sử Việt Nam

TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN
 Muốn tìm hiểu lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam thì phải tìm hiểu cộng đồng làng xã, và muốn xây dựng lại đất nước Việt Nam thì cũng phải bắt đầu bằng việc xây dựng lại cộng đồng làng xã. Vì không có làng xã Việt Nam thì không có quốc gia Việt Nam" 
- Vũ Đình Hòe - 

 Sinh ra từ làng nên tôi luôn "bị ám ảnh" bởi làng. Có lẽ vì thế mà dù đi được đây đó nhưng tầm mắt tôi vẫn không vượt khỏi chữ "Làng". Trong bài viết này, trên cơ sở lĩnh hội những tri thức, nghiên cứu của các bậc đại tiền bối trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tôi xin có đôi lời bình luận và qua đây cũng xin được bày tỏ mong muốn về những đổi mới trong quản trị địa phương sao cho vừa mang được hơi thở của các xu thế hiện đại, nhưng phải kế thừa những tinh túy của "Làng Việt" - những tinh túy mà không phải nơi nào trên thế giới này cũng dễ mà có được.
 Nghiên cứu về làng xã không phải là đề tài hay hướng nghiên cứu mới, mà đã có rất nhiều những công trình nghiên cứu về nó một cách công phu trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Tuy vậy, làng xã luôn là đề tài có tính hấp dẫn, có tính cấp thiết và giá trị cao, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách thể chế, dân chủ hóa và định hướng xây dựng tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay. Về ý nghĩa này, ông Vũ Đình Hòe, trong cuốn Hồi ký Thanh Nghị đã viết: “Muốn tìm hiểu lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam thì phải tìm hiểu cộng đồng làng xã, và muốn xây dựng lại đất nước Việt Nam thì cũng phải bắt đầu bằng việc xây dựng lại cộng đồng làng xã. Vì không có làng xã Việt Nam thì không có quốc gia Việt Nam”.[1]
Tất nhiên, không chỉ có ông Vũ Đình Hòe, mà giá trị của làng xã đối với quốc gia, dân tộc Việt Nam đã được nói đến rất nhiều. Vua Gia Long đã từng nói “Nước là họp các làng mà thành. Từ làng đến nước dạy dân nên tục. Vương chính lấy làng làm trước” hay P. Mus – học giả, sĩ quan quân đội Pháp đầu thế kỷ XX cũng nhận định: “Làng là cái chìa khóa để giải mã bí mật Việt Nam, thần kỳ Việt Nam”.[2] GS Hà Văn Tấn – nhà nghiên cứu lịch sử với nhiều công trình nghiên cứu về làng rất có giá trị đã nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa làng, liên làng và siêu làng. Sự liên hệ chặt chẽ biện chứng giữa làng, liên làng và siêu làng đã hình thành nên ý thức của cộng đồng dân tộc Việt Nam.[3]

    Mặc dù không hề đả động đến làng,[4]nhưng điều đó không có nghĩa Hiến pháp 2013 đã không chú ý đến yếu tố làng. Với những quy định mang tính chất nền tảng trong Chương IX “Chính quyền địa phương” Hiến pháp đã tạo cơ hội cho luật hóa những quy định mới về tổ chức CQĐP. Và vì vậy, dù không phải là cấp chính quyền nhưng vai trò và sự ảnh hưởng của yếu tố làng không thể thiếu trong những nghiên cứu đề xuất xây dựng luật về CQĐP, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm và đa dạng hóa mô hình, phương thức tổ chức CQĐP ở nước ta.
Có một điều rất thú vị ở chỗ, khi nghiên cứu về làng, các nhà nghiên cứu thường liên hệ đến vấn đề dân chủ ở làng xã. Điều này không phải ngẫu nhiên, mà lịch sử đã chứng minh rằng, ở Việt Nam làng luôn gắn liền với dân chủ. Dù biểu hiện dưới nhiều phương diện khác nhau, làng xã Việt Nam luôn là biểu hiện và cũng là bảo đảm của dân chủ, là sự khác biệt với phương thức tổ chức quyền lực mang nặng tính trung ương tập quyền chuyên chế kiểu phương Đông.[5] Vì vậy, nghiên cứu về làng xã và dân chủ làng xã có ý nghĩa đặc biệt quan trong trong bối cảnh mở rộng dân chủ, nhất là dân chủ ở cơ sở, và thúc đẩy bảo vệ quyền con người như tính thần của Hiến pháp 2013.
 Về làng Việt, GS. Nguyễn Quang Ngọc nhận xét: “Từ thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên cách ngày nay khoảng 4000 năm, trên đất nước ta đã diễn ra quá trình tan rã của công xã thị tộc và thay vào đó là quá trình hình thành công xã nông thôn- hay nói một cách khác đấy là quá trình hình thành làng Việt. Mỗi làng bao gồm một số gia đình sống quây quần trong một khu vực địa lý nhất định. Ở đây, bên cạnh quan hệ địa lý- láng giềng, quan hệ huyết thống vẫn được bảo tồn và củng cố tạo thành kết cấu vừa làng vừa họ, hay kết cấu làng họ rất đặc trưng ở Việt Nam. Lúc này toàn bộ ruộng đất cày cấy cùng với rừng núi, sông ngòi, ao đầm trong phạm vi làng đều thuộc quyền sở hữu của làng. Ruộng đất của làng được phân chia cho các gia đình thành viên sử dụng theo những tục lệ mang tính chất bình đẳng, dân chủ của cộng đồng làng và có thể là phân chia một lần rồi có kết hợp điều chỉnh khi cần thiết. Đơn vị sản xuất chủ yếu trong làng là gia đình nhỏ. Ngoài những ruộng đất phân chia cho các thành viên cày cấy, làng có thể giữ một phần ruộng đất để sản xuất chung nhằm sử dụng hoa lợi thu hoạch vào những chi phí công cộng. Công việc khai hoang, làm thuỷ lợi và các hình thức lao động công ích khác đều được tiến hành bằng lao động hiệp tác của các thành viên trong làng. Làng Việt như thế, là một loại hình của công xã Phương Đông, trong đó nông nghiệp gắn liền với thủ công nghiệp, làng xóm gắn liền với ruộng đất, nên tự nó mang tính ổn định cao. Tính ổn định cao này đã hoá thân thành tinh thần công xã, thành truyền thống xóm làng nên nó trở thành nguồn sức mạnh tiềm tàng trong cuộc đọ sức nghìn năm với các mưu đồ nô dịch và đồng hoá của phương Bắc”.[6]
Trên cơ sở những nghiên cứu của mình, GS, Nguyễn Quang Ngọc đã chỉ ra mấy đặc điểm cơ bản của Làng Việt như sau:
-Thứ nhất, mỗi làng có một địa vực nhất định coi như không gian sinh tồn gồm khu cư trú, ruộng đất, đồi gò, núi sông, ao đầm... do cộng đồng làng hay các thành viên của cộng đồng làng sử dụng;
- Thứ hai, cư dân trong làng là thành viên của một cộng đồng gắn bó với nhau bằng nhiều mối quan hệ như quan hệ láng giềng (làng, xóm, ngõ...), quan hệ huyết thống (gia đình, dòng họ), quan hệ nghề nghiệp, quan hệ tín ngưỡng, quan hệ tương trợ giúp đỡ lẫn nhau (phường, hội, họ...)...
- Thứ ba, về mặt văn hoá mỗi làng thường có đình làng thờ thành hoàng làng, có chùa, đền, miếu, am, quán, có cơ sở sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng và lễ hội chung (riêng các làng theo Thiên chúa giáo các sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng tập trung ở nhà thờ).
- Thứ tư, về mặt quản lý thời kỳ đầu có thể chỉ là hội đồng già làng, chủ yếu tổ chức, quản lý theo tục, sau đó đến Hội đồng kỳ mục rồi Hội đồng tộc biểu..., quản lý thông qua hương ước.[7]
   Như vậy, làng không có nghĩa chỉ là đơn vị quản lý lý ở một phạm vi lãnh thổ nhất định. Làng Việt đặc trưng ở chỗ đó là sự gắn kết tự nhiên của cộng đồng người mà thông thường có quan hệ họ hàng than thích hoặc gần gũi, làng xóm láng giềng với những truyền thống, tập quán sinh hoạt cộng đồng, tín ngường chung. Làng Việt còn là đơn vị sản xuất độc lập có thể tự cung tự cấp, có ruộng đất, tải sản chung của làng, có cơ quan quản lý với những quy định, quy ước được thiết lập, đặt ra để tổ chức, quản lý cuộc sống của làng.
Xét ở góc độ này, làng Việt  không chỉ được coi như là đơn vị tụ cư rất bền vừng mà còn mang dáng dấp của một quốc gia thu nhỏ. Nói như Lorin, một nhà nghiên cứu người Pháp: “Thời tiền cổ Việt Nam là một liên bang gồm hơn 2000 tiểu vương quốc[8] hay như nhận định của Toàn quyền Đông Dương Piere Pasquieu: “Làng hợp thành một khối hoàn bị đến nỗi người ta không thể sửa đổi một điểm nhỏ nào… Chúng ta không có ích, lợi gì mà đả phá trực tiếp hoặc gián tiếp một cơ quan hiện là một lợi khí màu nhiệm miễn ta nên để nó nguyên vẹn tôn trọng các hình thức của nó”.[9]
Khác với làng, “làng xã” là thuật ngữ xuất hiện muộn hơn. Và theo GS. Nguyễn Quang Ngọc: “Làng xã là một đơn vị tụ cư, đơn vị kinh tế, đơn vị tín ngưỡng và sinh hoạt văn hoá cộng đồng, đơn vị hành chính cấp cơ sở (ở đây chúng tôi muốn nói về trường hợp thời kỳ đầu một xã chỉ có một làng). Cụm từ “làng xã” hết sức thông dụng, thậm chí nhiều người tưởng rằng làng với xã chỉ là một và có cùng nguồn gốc rất lâu đời. Thật ra khái niệm “làng xã” chỉ xuất hiện sớm nhất là từ thế kỷ VII, nhưng chắc chắn phải đến thế kỷ X, sau khi cấp xã chính thức xuất hiện mới có điều kiện trở thành phổ biến trong xã hội”.[10]
Dù còn có nhiều quan niệm khác nhau về thuật ngữ này, nhưng tác giả đồng tình với quan niệm trên và cũng cho rằng, thuật ngữ “làng xã” có nhiều điểm tương đồng với thuật ngữ “làng” nhưng xuất hiện muộn hơn. Ngoài ra, thuật ngữ “làng xã” cũng được sử dụng khá phổ biến để chỉ cấp quản lý thấp nhất khi nói một cách chung chung. Ở đây, cũng có sự khác biệt khi làng xã đôi khi cũng được coi là cấp chính quyền cơ sở trong hệ thống bộ máy quản lý của chính quyền đô hộ cũng như chính quyền phong kiến Việt Nam.
Bàn về “dân chủ” ở làng xã, trước hết tác giả khẳng định rằng. Thuật ngữ “dân chủ” được dùng với nghĩa phi truyền thống, không hoàn toàn theo nghĩa được hiểu hiện nay. Bởi, trong bối cảnh xã hội bị đô hộ hoặc dưới phương thức quản lý nhà nước trong thời kỳ phong kiến Việt Nam, thuật ngữ “dân chủ” khó có thể được hiểu theo nghĩa “là phương thức tổ chức quyền lực mà ở đó người dân là chủ của quyền lực”. Dù dân chủ được hiểu trên nhiều giác độ như: chính trị pháp lý, triết học, trên phương diện kinh tế, phương diện quan hệ quốc tế… thì trong xã hội tiền phong kiến, phong kiến và thực dân ở Việt Nam thì cũng khó có thể hiểu “dân chủ” thời đó theo nghĩa hiện nay.
Thuật ngữ “dân chủ làng xã” mà tác giả sử dụng trong bài này nhằm mô tả một dạng tổ chức quản lý đặc biệt ở làng xã Việt Nam trong lịch sử. Một dạng tổ chức có sự tham gia rộng rãi của các thành viên làng xã, có tính tự quản, tự trị cao trong đời sống vật chất, quản lý và đời sống tinh thần, tâm linh. “Dân chủ” ở đây còn được hiểu rộng ra là sự đánh giá cao vai trò của người dân, cộng đồng làng xã trong việc giải quyết các công việc quốc gia hệ trọng.[11]
Trên cơ sở những khảo cứu và tham khảo những nghiên cứu của các bậc tiền bối, tác giả cho rằng, dân chủ làng xã ở Việt Nam trong truyền thống được quy định bởi các yếu tố sau:
Thứ nhất, tính tự trị, tự quản của làng xã.
- Dù rằng, tự quản, tự trị không phải hoàn toàn đồng nghĩa với dân chủ,[12]nhưng tính chất tự quản, tự trị của làng xã Việt Nam trong truyền thống là nhân tố có tác động nhiều đến dân chủ.
Theo GS. Phan Đại Doãn tính tự trị, tự quản này có nguồn gốc từ chế độ ruộng đất: “Tính tự trị của làng xã vốn có nguồn gốc lịch sử xa xưa, nhưng vịêc thực hiện chế độ quân điền và sự xuất hiện thêm các quan hệ cộng đồng trong làng xã làm cho nó càng được củng cố. Việc chia ruộng đất đòi hỏi phải có tổ chức đại diện các giáp, các họ cùng với hội đồng chức dịch bảo đảm sự phân chia cho hợp lý, tương đối công bằng. Việc phân chia này lại có lệ riêng của làng, có khi không theo đúng thể lệ quân điền của nhà nước. Chế độ quân điền Gia Long đề ra 3 năm một lần chia, nhưng không ít làng xã lại kéo dài đến 4 năm. Ngoài phần ruộng chia cho dân, làng còn để ruộng cho giáp, cho chùa, cho đình, cho hội Tư văn, cho các chức dịch từ xã trưởng cho đến mõ - mà nhà nước trung ương không kiểm soát nổi. Như vậy, tính tự trị của làng xã được duy trì một phần là do chế độ quân điền”.
Điều này có lẽ là hợp lý, bởi với việc làng có đất đai riêng - tài sản, tư liệu liệu quan trọng nhất trong xã hội phong kiến, đã giúp cho làng có thể độc lập, tự chủ hơn so với triều đình phong kiến. Do có ruộng đất, làng xã có thể tự lo liệu, sản xuất làm ăn, tự bàn bạc, hỗ trợ nhau trong việc tạo lập ra của cải vật chất nuôi sống chính mình và gia đình đồng thời góp phần vào giải quyết những nhu cầu chung của làng như tôn tạo đường xá, cầu cống, đền thờ, miều mạo, thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng bằng chính tài sản do làng tạo dựng nên. Việc có ruộng đất canh tác đã làm cho sự độc lập, tự chủ của làng cao hơn, qua đó có tính tự quyết cao hơn.
-         Bên cạnh ruộng đất, tính tự quản, tự trị còn thể hiện ở việc làng xã thường lập các hương ước, làng ước riêng để tạo lập những qui tắc, chuẩn mực cho người làng trong ứng xử cộng đồng và giải quyết các công việc của cộng đồng. Khác với luật pháp của nhà nước, hương ước lệ làng là những qui tắc chuẩn mực do chính nhân dân trong làng tạo lập nên. Nguồn của những hương ước lệ làng đó có thể là những qui tắc đạo đức, qui tắc tập quán, tín ngưỡng, những thói quen trong sinh hoạt cộng đồng đã được truyền từ đời này qua đời khác. Mục đích của các hương ước lệ làng ấy chính là để thiết lập ra các chuẩn mực ứng xử, qui tắc quản lý phù hợp với điều kiện, ý chí, nhu cầu của người dân địa phương. Việc thực thi các qui tắc, chuẩn mực này cũng được bảo đảm bằng hệ thống các biện pháp, bao gồm cả các hình thức cưỡng chế đã được qui ước. Đôi khi hương ước cũng phải được phê chuẩn của chính quyền. Nhưng quan trọng hơn cả, hương ước, lệ làng chính là tiếng nói của tất cả người dân trong làng, là sản phẩm của sự đúc kết, ý chí công cộng chứ không phải là sản phẩm xa lạ mang tính áp đặt, cưỡng chế như luật pháp của triều đình. Không chỉ có hương ước, lệ làng, làng Việt còn có nhiều những « Lệ » của các hội, các phường trong quan hệ sản xuất, làm ăn.
-         Tính tự trị, tự quản còn được thể hiện ở tính tự tổ chức, quản lý của làng xã. Ở mỗi thời kỳ khác nhau, sự tổ chức, quản lý của làng xã cũng không giống nhau. Nhưng tựu chung lại, quản lý ở làng xã mang tính chất tự quản, tự trị. Người đứng đầu làng xã thường không phải là quan chức nhà nước mà là người của địa phương, thậm chí còn do dân địa phương bầu lên. Bên cạnh chức xã trưởng, ở làng xã còn có các cơ quan mang tính chất đại diện, đại biểu hoặc các thiết chế sinh hoạt quản lý cộng đồng như Hội đồng kỳ dịch, Hội đồng kỳ mục, cuộc họp toàn dân làng…[13]
Thứ hai, tính mở của làng xã Việt Nam
Thông thường khi nói đến làng Việt, nhiều người hay liên tưởng đến sjw khép kín, tự cung tự cấp, làng «ẩn mình sau lũy tre xanh», kín đáo sau « chiếc cổng làng».
Điều này không sai, nhưng nếu chỉ nói thể cũng chưa phản ánh một cách toàn diện về làng xã Việt Nam.
Tác giả cho rằng, GS Phan Đại Doãn đã có nhận định đúng khi cho rằng không nên gọi làng là công xã.[14] Việt Nam không có công xã theo nghĩa công xã thị tộc, công xã nông thôn, công xã gia tộc như đã từng tồn tại ở nhiều nơi trong lịch sử.
Đúng vậy, làng Việt không hoàn toàn là một cụm dân chỉ chỉ bao gồm một hay một vài dòng tộc, họ.  Làng Việt cũng không phải là nơi có mô hình sản xuất kiểu công xã nông thôn. Làng Việt rất chặt chẽ, nhưng đa nguyên. Làng Việt có khi chỉ bao gồm vài họ lớn, nhưng Làng Việt không bài trừ thủ tiêu các họ khác. Làng Việt là nơi dân cự ngụ hoàn toàn có thể gia nhập vào và sôngs bình đẳng ở đó miễn là tuân theo các qui tắc và chuẩn mực của Làng. Có làng Việt là nới tứ xứ đến để ngụ cư. Cái cổng làng những lũy tre nhiều khi là nơi che chở cho những người bị triều đình, quan quân truy nã. Làng Việt rất mở, làng Việt không phải là tổ chức mang tính chất dòng tộc.
Làng Việt cũng không phải là công xã nông thôn, mà là nơi sản xuất tiểu nông nhỏ lẻ. Mỗi gia đình, mỗi hộ là một chủ thể kinh tế độc lập của làng. Ngoài đất của làng, mỗi nhà đều có cho mình phần đất để «cắm dùi » để sản xuất, tăng gia. Cũng vì thế mà các thành viên của làng độc lập và dễ dàng tiếp nhận những thành viên mới.
Thứ ba, đặc thù của các mối quan hệ trong Làng Việt.
Yếu tố này có quan hệ mật thiết với các yếu tố nêu trên. Trong Làng Việt không chỉ có quan hệ họ hàng, huyết thống. Mà quan trọng hơn cả, quan hệ ấy là quan hệ kiểu «tình làng, nghĩa xóm». Quan hệ này được hun đúc bởi chính những nhu cầu trong cuộc sống, sự cần thiết phải dựa dẫm vào nhau những lúc «trái gió, trở trời». Các thành viên của làng rất cần đến nhau trong các việc lớn của gia đình như việc hiếu, việc hỉ, ma chay, giỗ tết, hay cùng nhau giúp đỡ xây dựng ngôi nhà, lập nên nơi cư ngụ hay cùng nhau gánh vác công việc cộng đồng. Không phải không đề cao huyết thống nhưng câu tục ngữ «Bán anh em xa mua láng giềng gần» phần nào lột tả được đặc thù của quan hệ này trong làng Việt. Mối quan hệ làng xóm cũng như quan hệ họ hàng phần nào lý giải tính bình đẳng, tính tương hỗ, ngang bằng nhau trong quan hệ của người Việt. Ở Làng không phải là không có thứ bậc, nhưng sự phổ biến ở những quan hệ tình nghĩa, tương hỗ ấy làm nên tính dân chủ cao hơn, tính con người cao hơn so với những nơi mà ở đó tính thứ bậc trong quan hệ họ hàng, gia đình, quyền lực luôn ngự trị.





[1] Vũ Đình Hòe, Hồi ký Thanh Nghị, NXB. Hà Nội, Hà Nội, 1997. Tr. 318.
[2] Dẫn theo Lời giới thiệu sách của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc “Làng – Đa nguyên và chặt”. NXB. ĐHQGHN, 2006.
[3] Hà Văn Tấn: Làng, liên làng và siêu làng (Mấy suy nghĩ về ph­ơng pháp) // Một chặng đư­ờng nghiên cứu lịch sử (1995-2000), Nxb Chính trị quốc gia, H., 2000, tr 51-58.
[4] TS. Võ Trí Hảo đã từng bàn luận (hay nói đúng hơn là than thở) về việc “Làng không có chỗ trong Hiến pháp”. Xem trên: http://hienphap.net/2013/05/12/lang-khong-co-cho-trong-hien-phap-vo-tri-hao/.
[5] Điều này đã được khẳng định trong nhiều nghiên cứu của các nhà sử học, văn hóa học, luật học như Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng , Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Đăng Dung…
[6] Nguyễn Quang Ngọc, Quan hệ nhà nước – làng xã. Quá trình lịch sử và bài học kinh nghiệm. Xem trên: http://khoalichsu.edu.vn/bai-nghien-cu/383-quan-h-nha-nc-lang-xa-qua-trinh-lch-s-va-bai-hc-kinh-nghim-gsts-nguyn-quang-ngc.html.
[8] Dẫn theo: Nguyễn Minh Tuấn, Dân chủ ở xã  từ góc nhìn pháp lý. NXB. CAND, Hà Nội, 2006. tr.46.
[9] Nguyễn Đăng Dung, Dân chủ làng xã – những vấn đề cần phải đặt ra nghiên cứu. Nhà nước và pháp luật, 1998.tr.6.
[11] Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khác với nhiều quốc gia trong khu vực, các triều đại phong kiến Việt Nam cũng như trong các tư tưởng của vua quan Việt Nam, nhân dân không hoàn toàn đồng nghĩa với dân đen, mà người dân đôi khi có vai trò đặc biệt quan trọng như “lật thuyền, giữ thuyền”, nhà vua hỏi ý kiến dân trong những việc trọng đại quốc gia như Hội nghị Diên Hồng…(Xem them: Nguyễn Minh Tuấn, Dân chủ ở xã từ góc nhìn pháp lý. Sdd, tr.23-46)
[12] Về vấn đề này, tác giả Nguyễn Việt Hương cũng đã đề cập trong “Dân chủ làng xã: truyền thống và hiện tại” Tạp chí NNPL số 8 (196), 2004. Theo đó, tác giả Việt Hương cho rằng “Dân chủ khác với tự quản. Tự quản có thể nằm trong phạm trù chính trị, mang tính chính trị, có thể không mang tính chính trị. Trong khi đó dân chủ luôn là một khái niệm chính trị”
[13] Xem them: http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%A0ng
[14] Phan Đại Doãn, Làng Việt Nam, đa nguyên và chặt, NXB. ĐHQGHN, 2006, tr.7-24.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.