Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Đôi điều về Khoản 1, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014

Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN

Có lẽ không cần bàn luận nhiều khi nói rằng, Luật Doanh nghiệp 2014 là Đạo luật của tinh thần “Tự do kinh doanh” và “Mọi người được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”. Nhiều điểm mới, tiến bộ của Đạo luật này đã được bàn luận rất nhiều trong thời gian qua. Từ chuyện loại bỏ quy định bắt buộc ghi ngành nghề kinh doanh khi đăng ký kinh doanh, tới việc cho phép đa đại diện doanh nghiệp, tự quyết định con dấu, nội dung, hình thức con dấu, hay những quy định không bắt buộc phải họp tại cùng một địa điểm… đã chứng minh cho tinh thần mới và tiến bộ của Luật này.
Tuy vậy, bên cạnh những vấn đề như quá “rùa bò” trong hướng dẫn chi tiết thi hành luật… thì còn một vấn đề nhỏ tôi muốn đề cập đến ở đây đó là quy định tại Khoản 1, Điều 4 của Luật.
Theo quy định tại Khoản này, “cá nhân nước ngoài” được hiểu là “người không có quốc tich Việt Nam”. Không biết những quy định này có tiến bộ và đem lại lợi ích như thế nào, nhưng theo quan điểm của tôi thì quy định đó rất dễ gây nhầm lẫn dù không hoàn toàn sai (Bởi luật có thể giải thích hẹp lại như vậy trong khuôn khổ áp dụng luật đó)
Tôi cho rằng, người không có quốc tịch Việt Nam không hẳn là người nước ngoài. Có lẽ, theo tư duy của người làm luật, tất cả những người Việt Nam đều phải mang quốc tịch Việt Nam chăng? Đành rằng, đối với phần lớn người dân, có quốc tịch Việt Nam là điều cao quý và trở thành công dân Việt Nam là thiêng liêng, nhưng đã là một xã hội thì không phải ai cũng nghĩ hoặc có quan niệm như thế. Sẽ có những người không có bất kỳ một chứng minh nào để nói rằng anh ta có quốc tịch Việt Nam. Ví như, đồng bào vùng sâu vùng xa mấy đời sinh sống ở đó nhưng chưa hề đi làm khai sinh và cũng chẳng có ai có giấy tờ tùy thân gì cả hoặc có những người không xác định được gốc gác, nguồn cội (người rừng…, chẳng hạn). Trong những trường hợp đấy, có lẽ theo quy định của Luật nói trên, họ là người nước ngoài! Có lẽ họ sẽ ngơ ngác lắm, kiểu như: “Ơ, tôi không có giấy tờ chứng minh Quốc tịch Việt Nam, thì các anh bảo tôi là người nước ngoài. Vậy cho hỏi, tôi là người nước nào? Tôi nhớ là Bố tôi, Ông tôi đã cùng bản làng đánh đuổi thằng Mỹ, thằng Pháp khỏi làng này từ mấy chục năm trước cơ mà, còn nuôi bộ đội cơ mà…”. Ai trả lời giúp họ để họ tìm lại Tổ quốc, Đất nước của mình với!
Phải chăng, người ta đang hiểu “Người nước ngoài là người nằm bên ngoài nhà nước” nên mới định nghĩa tương đồng với “người không có quốc tịch Việt Nam” như thế.  Thật không biết lúc nào nên hiểu từ “Nước” theo nghĩa “Đất nước” còn lúc nào nên hiểu theo nghĩa “Nhà nước” nữa.
Thiết nghĩ, cần phải rõ ràng ba khái niệm: “Công dân Việt Nam”, “Người nước ngoài (Công dân nước ngoài) và “Người không có quốc tịch” (Người không có quốc tịch của bất cứ quốc gia nào). Trong xu thế dân chủ hiện nay, việc không nhận quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào cũng là quyền của cá nhân. Nhưng điều đó không có nghĩa họ không được nhà nước sở tại đảm bảo các quyền cơ bản với tư cách là một cá nhân trong cộng đồng nhân loại.
Vậy nên, nếu vì một lý do nào đó, một cá nhân dù nhiều đời sống ở nước ta nhưng không nhận quốc tịch Việt Nam mà lại bị coi là “người nước ngoài” có lẽ là chưa thỏa đáng cho lắm! Đành rằng, mọi nhà nước đều không thích tình trạng có nhiều người “không quốc tịch”, nhưng dù sao đó cũng là quyền của mỗi cá nhân! Nên chăng cũng phải chấp nhận có những người “khác người”, như: “Tôi là người Việt Nam, tôi không phải là người nước ngoài, tôi vẫn sẽ ở đây, nhưng tôi không nhập quốc tịch Việt Nam đâu”!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.