Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Buôn chuyện với người học: Bàn thêm về Mối quan hệ giữa Hiến pháp, Đạo luật và Pháp quyền

TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN

Không hiểu sao cho đến tận bây giờ tôi vẫn có một ý niệm rằng, Hiến pháp và "Đạo luật cơ bản của Nhà nước" không phải là một.
“Đạo luật” là văn bản do nhà nước, mà chính xác hơn là (thông thường là) do cơ quan lập pháp ban hành. Đây thường là cơ quan dân cử, tuy nhiên không phải ở đâu cũng vậy. Thiết chế này có thể đại diện cho lợi ích của quảng đại dân chúng, nhưng cũng có thể là không, nhưng có điều chắc chắn rằng, đạo luật luôn có hiệu lực bắt buộc. Khi nói đến “luật” là nói đến những quy định bắt buộc và có cơ chế đảm bảo cho sự tuân thủ, thực thi. Luật Bóng đá và các luật chơi khác cũng vậy, kể cả luật tục của các cộng đồng. Nhưng nói đến “Đạo luật” là nói đến một loại luật đặc biệt - văn bản với những quy định có tính chất nhà nước và được đảm bảo bằng quyền lực nhà nước. Đạo luật luôn là sản phẩm của hoạt động quyền lực nhà nước. Dự luật có thể xuất phát từ sáng kiến của ai đó, thiết chế nào đó, nhưng nó phải được cơ quan lập pháp thông qua theo quy trình thì mới trở thành đạo luật.

Thật là có phúc cho dân nếu cơ quan lập pháp ấy là đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của toàn dân và mỗi đại biểu là công bộc thực sự, “chiến sĩ” đấu tranh cho lợi ích của những người đã tin tưởng và ủy quyền cho mình. Thật là lý tưởng và, thiết nghĩ, ai chẳng muốn điều tốt đẹp ấy xảy ra. Tuy nhiên, có lẽ ngay cả những người lạc quan nhất cũng khó mà tin rằng, những người được họ ủy quyền ấy (dù được bầu bằng các cuộc bầu cử tự do, dân chủ nhất, là đại biểu ưng ý nhất) cũng sẽ luôn hành động theo “sự ủy quyền” của họ. Sẽ tồi tệ hơn nếu cơ quan lập pháp ấy không do người dân thực tâm bầu lên hoặc là thiết chế được “dựng lên”. Trong trường hợp này ý chí của Đạo luật sẽ chưa chắc (mà thường là như vậy) phù hợp với ý chí của nhân dân. Có điều dù muốn hay không, không may thay, đạo luật ấy lại có tính chất bắt buộc và được sự đảm bảo bằng sự “cưỡng chế” của nhà nước.
Đạo luật luôn là văn bản do nhà nước (một bộ phận của nhà nước) tạo ra và đương nhiên là của nhà nước (nếu nói cũng là của dân thì chỉ đúng khi nhân dân thực sự là chủ của nhà nước).
Đạo luật có nhiều loại: đạo luật chuyên ngành, đạo luật tổ chức, đạo luật cơ bản…  Nó chỉ khác ở phạm vi điều chỉnh, ý nghĩa và hiệu lực (có thể) mà thôi. Nhưng dù là đạo luật nào thì về bản chất nó cũng là “của nhà nước”.
Sẽ là như thế nào nếu Hiến pháp cũng chỉ là một đạo luật cơ bản? Pháp quyền có thể tồn tại không, nhà nước có nằm dưới luật không khi Hiến pháp cũng chỉ là một đạo luật của Nhà nước? “Hiến pháp” là sản phẩm của nhà nước, nhưng bản thân “Hiến pháp” ấy lại quy định ra hệ thống tổ chức quyền lực, các nguyên tắc cơ bản nhất để thực thi quyền lực của chính Nhà nước và quy định những vấn đề cơ bản nhất về trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước với nhân dân (bảo vệ, bảo đảm quyền con người). Thật khó hiểu khi, “Hiến pháp” quy định ra “Cơ quan lập pháp” nhưng “Cơ quan lập pháp” lại định ra “Hiến pháp”!?
Với tôi, Hiến pháp không phải là đạo luật cơ bản của nhà nước mà là văn bản chính trị-pháp lý của nhân dân. Hiến pháp là một “sự thỏa thuận của cộng đồng” (phải chăng có gì đó liên quan giữa “Constitution” và “Contract”). Thỏa thuận ấy khi được thông qua sẽ mang tính chất là thỏa thuận thiết lập các cơ chế, thiết chế nền tảng để tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước, cơ chế thực thi trách nhiệm của nhà nước với cộng đồng và ngược lại. Khi Hiến pháp được nhất trí thông qua, Hiến pháp ấy trở thành cơ sở cho những quy phạm mang tính nguyên tắc cho toàn bộ xã hội và nhà nước. Từ đây, lập pháp, hành pháp, tư pháp… (hay có thể nhiều thứ khác) mới được tổ chức ra. Các thiết chế thực thi quyền lực nhà nước phải THỪA NHẬN đó là văn kiện pháp lý cao nhất và coi đó là “Luật cơ bản của mỗi Quốc gia" và nhà nước cũng có nghĩa vụ phải tuân theo. Trên cơ sở đó, hệ thống cơ quan nhà nước mới có thể được tổ chức để thực thi quyền lực.  Có lẽ phải như thế thì nhà nước mới chịu “nằm dưới” pháp luật và cũng chỉ như vậy mới có được pháp quyền, bởi ngay cả hệ thống quyền lực ấy còn được “tổ chức ra” trên cơ sở Hiến pháp cơ mà.
Có lẽ cũng chính vì thế nên người ta còn gọi Hiến pháp là Văn bản khẳng định “Chủ quyền nhân dân”.
Hiến pháp chỉ quy định những cái gì gọi là cơ bản nhất, nền tảng nhất. Để tổ chức và thực thi được thẩm quyền, người dân trao quyền cho nhà nước ban hành các đạo luật và các văn bản pháp lý khác… để cụ thể hóa thực thi quyền lực nhà nước. Quyền lập pháp được giao cho cơ Nghị viện, nhưng để tránh sự xuyên tạc và sự lạm quyền, xa rời Hiến pháp, người ta mới cần thiết chế BẢO HIẾN. Không một văn bản luật nào nào được trái với Hiến pháp là nguyên tắc hiến định và BẢO HIẾN phải là thiết chế HIẾN ĐỊNH. Nếu không có bảo hiến thì nguy cơ người dân mất quyền khi ủy quyền là khá rõ ràng. Bên cạnh những thiết chế như BẢO HIẾN, Hiến pháp còn quy định những quyền dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện khác của người dân có thể để ảnh hưởng đến bộ máy quyền lực hoặc để sửa sai khi cần thiết.
Với bản chất này của Hiến pháp thì chuyện có được pháp quyền cũng không phải là khó khăn cho lắm, vì ít nhất cũng có được một thứ: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo pháp luật” (nằm dưới luật).
Biết rằng, bàn về vấn đề này còn nhiều tranh luận lắm, nhưng tôi chưa bị người khác thuyết phục để suy nghĩ cho khác đi nên tạm vẫn tư duy như vậy. Trước đây tôi cũng nghĩ như vậy, nên mới có những phát biểu như trong trang báo dưới đã nêu (Đọc trang báo đính kèm).
Đôi điều cùng luật học và xã hội pháp quyền, mong nhận được sự góp ý, thảo luận!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.