Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Tính biện chứng của tư duy pháp lý

ảnh: Internet
TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật-ĐHQGHN
Nguồn: Sách chuyên khảo
"Tư duy pháp lý: Lý luận và thực tiễn"
NXB. ĐHQGHN, 2016
Chủ biên: Nguyễn Hoàng Anh,
Vũ Công Giao, Nguyễn Minh Tuấn
Thông thường, nhiều người hay bàn về những quy luật của tư duy. Điều này rất đúng, nhưng đó là tư duy lý tưởng, tư duy logic hay nói một cách khác - những đòi hỏi của tư duy logic, khoa họcỞ một góc nhìn bình dân hơn, tôi thấy tư duy đơn giản là một sản phẩm sinh ra t cuộc sống và luôn vận động biến đổi cùng cuộc sống. Đến lượt mình tư duy cũng góp phần không nhỏ làm thay đổi cuộc sống, thay đổi chính mình. Thiết nghĩ, ở một góc nhìn "bình dân" thì chúng ta sẽ có một cái nhìn "khoan dung" hơn với lề lối tư duy của một xã hội đương thời và cũng từ đó sẽ nỗ lực hơn để thay đổi (hoàn thiện hoặc đổi mới) thực tại xã hội để tư duy, nhất là tư duy pháp lý, ngày một tiệm cận hơn tới các chuẩn mực của tư duy khoa học, logic và hiện đại.
Mở đầu
Tư duy pháp lý là một loại hình của tư duy - tư duy chuyên nghiệp của luật gia, vì vậy nó cũng cần phải tuân thủ đầy đủ những quy luật cơ bản của tư duy logic hình thức, như quy luật đồng nhất, quy luật không mâu thuẫn, quy luật triệt tam và quy luật lý do đầy đủ.[1] Những quy luật này cũng chính là những yêu cầu cần thiết của luật gia trong hoạt động nghề nghiệp.
Tư duy là một hoạt động nhận thức của con người và tư duy pháp lý cũng vậy. Vì thế tư duy pháp lý không tách rời thực tại khách quan. Những quy luật của tư duy logic hình thức đòi hỏi trạng thái tĩnh, lý tưởng, trong khi đó, trên thực tế, tư duy pháp lý luôn gắn liền với hoạt động của mỗi chủ thể, đặt trong bối cảnh, hoàn cảnh, thời điểm xác định, vì vậy nó còn chịu tác động và nằm trong mối liên hệ qua lại với thực tại xã hội. Tư duy pháp lý là hoạt động nhận thức (ý thức) của cá nhân, chịu sự quy định của thực tại xã hội, của chủ thể nên luôn vận động, biến đổi và phát triển. Nói một cách khác, cũng như tư duy, tư duy pháp lý không chỉ là những quy luật, những điều kiện, mà còn là một hiện tượng có mối quan hệ chặt chẽ với thực tại xã hội, luôn vận động, biến đổi và phát triển.

1.        Sự đa dạng của tư duy pháp lý
Tư duy rất đa dạng, phong phú. Trên một bình diện rộng, thế giới cũng thừa nhận sự khác biệt giữa tư duy phương Đông và tư duy phương Tây. Tư duy phương Đông thường được gắn với tư duy duy tình, tinh thần truyền thống từ tổ tiên để lại, tập trung vào minh triết, nhận thức về ngã…, còn phương Tây thì thiên về tư duy duy lý.[2] Người ta còn biết đến tư duy làng xã, tư duy nông nghiệp, tư duy công nghiệp, tư duy khoa học…
Cũng giống như tư duy, tư duy pháp lý cũng đa dạng, phong phú. Dù còn nhiều những quan niệm khác nhau về sự phân chia các họ pháp luật trên thế giới nhưng có thể khẳng định, về cơ bản, luật học so sánh đã coi tư duy pháp lý như là một trong những tiêu chí cơ bản để so sánh và nhóm các hệ thống pháp luật trên thế giới. Các nhà luật học so sánh luôn khẳng định sự khác biệt trong tư duy pháp lý của các luật gia Anh - Mỹ so với tư duy pháp luật của các luật gia châu Âu lục địa. Chúng ta cũng hiếm khi chứng kiến sự tranh luận khi có ai đó khẳng định, tư duy pháp lý của các luật gia Hồi giáo khác với tư duy pháp lý của các luật gia vùng châu Âu lục địa hoặc khác với tư duy pháp lý của các luật gia theo hệ thống pháp luật XHCN…
Luật học so sánh, về cơ bản, đã thừa nhận tư duy pháp lý như một tiêu chí so sánh và phân nhóm các dòng, họ pháp luật lớn trên thế giới và thừa nhận có một số “phong cách tư duy pháp luật” đặc thù lớn. Trong số đó, trước hết phải kể đến tư duy pháp lý Common law, tư duy pháp lý châu Âu lục địa, tư duy pháp lý Hồi giáo, tư duy pháp lý XHCN…[3]
Như vậy, tư duy pháp lý trên thực tế là khá đa dạng. Điều này cũng dễ hiểu bởi mọi thứ thuộc về ý thức, ý nhiệm và nhận thức luôn chịu sự quy định của tồn tại xã hội. Tư duy logic là điều kiện tiên quyết trong hoạt động nhận thức - tư duy của mỗi luật gia, tuy nhiên, phong cách tư duy và phương thức tư duy không phải là giống nhau và điều này đã làm nên sự đa dạng của tư duy pháp lý.
Ngoài ra, mỗi một luật gia lại là một sản phẩm xã hội và mang tính chất cá biệt. Mỗi cá nhân lại chịu sự tác động của các yếu tố khác nhau và các yếu tố đó lại góp phần định hình nên phong cách (lối) tư duy đặc thù của mỗi cá nhân. Điều này giúp lý giải tại sao, một luật gia được sinh ra ở trong nền văn minh Hồi giáo lại có thể có được tư duy pháp luật của các luật gia Anh quốc và trường hợp này cũng không phải là hiếm, nhất là trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
2.         Đặc trưng ba đoạn biện chứng trong sự phát triển của tư duy pháp lý
Tư duy biện chứng luôn có một thuộc tính đặc trưng trong sự phát triển của nó gọi là ba đoạn biện chứng. Thuộc tính này đã được phát kiến và sử dụng phổ biến trong quá trình tư duy, tranh biện của các triết gia cả ở phương Đông và phương Tây từ thời cổ đại.
Là một hình thức của tư duy, từ góc độ biện chứng, tư duy pháp luật cũng có tính chất ba đoạn biện chứng.
Trong tư duy của các luật gia luôn hiện diện “chính đề”, “phản đề” và “hợp đề”. Trong quá trình nhận thức sự vật, hiện tượng pháp lý, các luật gia (nhà luật học, luật sư, thẩm phán…) trong tư duy của họ cũng luôn bắt đầu bằng một chính đề. Đây là sự khởi đầu cho một hoạt động tư duy biện chứng của luật gia. Trong đầu mỗi luật gia khi bắt gặp một sự kiện, hiện tượng pháp lý (hoặc liên quan) luôn xuất hiện một ý tưởng hay một tiên liệu, một giả thiết nào đó về sự vật, hiện tượng. Chẳng hạn, khi nhìn thấy một xác chết, điều tra viên liền đặt ra một ý tưởng, giả thiết nào đó về xác chết đó, ví như: với những vết thương ở trên đầu, trên cổ của nạn nhân và bằng trực quan kinh nghiệm, điều tra viên đưa ra một giả thiết là người này có thể bị giết.
Tuy nhiên, cũng giống như tính tam đoạn biện chứng của tư duy biện chứng, chính đề chỉ là cái khởi đầu bởi khi xuất hiện một chính đề, thì trong tư duy biện chứng lại xuất hiện một “phản đề” và đó là quy luật của tư duy biện chứng. Phản đề là một ý tưởng, một giả thiết được xuất hiện để chống lại chính đề. Tư duy của luật gia cũng vậy. Những đòi hỏi của hoạt động tư duy chính xác và chuyên nghiệp của tư duy pháp lý làm cho  phản đề trong tư duy của luật gia xuất hiện nhanh và thậm chí đôi khi xuất hiện gần như đồng thời ngay khi xuất hiện chính đề. Chẳng hạn, như ví dụ nói trên, khi xuất hiện trong tư duy của người điều tra viên giả thiết về vụ giết người (chính đề), trong đầu anh ta lại xuất hiện ngay một phản đề chống lại – “do ngã mà chết”. Sau khi có một phản đề này, thì xuất hiện một hợp đề. Hợp đề là một kết quả, là giải pháp đạt được của hoạt động tư duy, là sự tranh đấu biện chứng giữa chính đề và phản đề. Hợp đề xuất hiện sau khi có kết luận từ chính đề và phản đề. Như ví dụ trên, hợp đề của điều tra viên sẽ là: người này bị chết do ngã gây nên thương tích nặng quá mà chết.
Tư duy biện chứng không dừng lại và luôn vận động. Sự phát triển và sự vận động không ngừng của tư duy giúp cho con người nói chung và luật gia nói riêng ngày càng tiệm cận hơn với chân lý. Sau khi có được hợp đề, hợp đề (kết luận) ấy, đến lượt mình, lại trở thành chính đề cho giai đoạn tư duy tiếp theo (giai đoạn 2) và chính đề thứ hai này lại là nguyên nhân để xuất hiện một phản đề thứ 2 chống lại chính đề đó (hay cái kết luận đó). Đến lượt mình, từ kết quả của sự đối lập của chính đề thứ 2 và phản đề 2, trong tư duy của luật gia lại xuất hiện ra hợp đề 2. Đến lượt mình, hợp đề 2 lại có thể trở thành chính đề 3 cho một giai đoạn tư duy mới. Nhờ thuộc tính này mà tư duy nói chung và tư duy pháp lý nói riêng luôn có cơ sở vững chắc, có chặt chẽ và giúp cho con đường tiệm cận tới chân lý ngày một rõ ràng hơn. Như ở ví dụ trên, nhờ có một loạt quá trình trong hoạt động tư duy biện chứng, điều tra viên đã tìm ra sự thật là “người này bị chết là do có ai đó quăng từ trên cao xuống đất”. Luật gia được đào tạo để có được một tư duy pháp lý biện chứng sắc sảo, nhạy bén và đó là đòi hỏi, yêu cầu của nghề luật. Luật gia được đào tạo để có tư duy logic, chính xác và nhanh nhạy nên các chính đề, phản đề và hợp đề thường chính xác, logic vì thế chân lý sẽ được tiệm cận nhanh hơn và chính xác hơn.
3.     Tư duy pháp lý trong mối liên hệ và ảnh hưởng qua lại với thực tại xã hội
Tư duy pháp lý không chỉ có mối liên hệ nội tại chặt chẽ với nhau ngay trong quá trình tư duy, mà còn có mối liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng qua lại với thực tại xã hội. Khác với tư duy siêu hình, tính biện chứng của tư duy pháp lý còn thể hiện ở mối quan hệ, ảnh hưởng lẫn nhau giữa tư duy pháp lý và điều kiện xã hội.
Từ góc nhìn biện chứng có thể thấy, tư duy pháp lý (như là hoạt động nhận thức, ý thức) luôn chịu sự tác động, thậm chí bị quy định bởi các điều kiện khách quan của thực tại xã hội. Tuy nhiên, đến lượt mình, tư duy pháp lý lại góp phần cải tạo lại xã hội, đổi mới và hoàn thiện xã hội.
Tư duy pháp lý, dù có những yêu cầu bắt buộc về mặt quy luật hình thức, luôn có sự đa dạng trong phong cách và cách thức thể hiện. Một loại hình tư duy pháp lý nói trên được định hình bởi đời sống xã hội. Không có tranh luận nhiều khi nói rằng lối tư duy diễn dịch đã làm nên truyền thống Civil law với tính trừu tượng cao trong hoạt động xây dựng, giải thích và áp dụng pháp luật. Ngược lại, người Anh cùng lối tư duy quy nạp đã góp phần làm nên hệ thống pháp luật án lệ và phong cách tư duy pháp luật mang tính chất thực tế, vụ việc và thực dụng đặc thù. Nói như vậy, không có hàm ý tư duy quy định lên xã hội, mà chính xác hơn là các điều kiện lịch sử, truyền thống, văn hóa, điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị nhân chủng học, địa lý… đã làm nên một phong cách tư duy. Thực tiễn nước Anh thời trung cổ đã làm nên thông luật, sự cai trị của người La Mã, vinh quang La Mã, Luật La Mã và lịch sử châu Âu lục địa đã làm nên tư duy pháp lý Civil law. Sự hình thành Hồi giáo và thực tiễn quản lý xã hội ở các quốc gia Hồi giáo làm hình thành tư duy pháp lý Hồi giáo… Tuy nhiên, nói như vậy thì cũng không có nghĩa, thực tại xã hội ảnh hưởng một chiều lên tư duy và phong cách pháp lý ở các khu vực đó. Dù chịu sự ảnh hưởng của thực tại xã hội, tư duy pháp lý đến lượt mình cũng đã làm thay đổi thực tại xã hội. Phong cách, hình mẫu tư duy của các luật gia tiêu biểu, các công trình khoa học bàn về tư duy pháp lý, nhận thức về pháp luật trong xã hội thay đổi cũng đã góp phần làm cho tư duy pháp lý của nhiều luật gia đã thay đổi, phát triển. Không nghi ngờ gì khi các luật gia từng sống và làm việc dưới thời Liên bang Xô Viết đã chuyển biến tư duy pháp lý của mình. Từ tư duy nhà nước tối thượng, Đảng tối thượng, tập quyền… các luật gia, dưới sự ảnh hưởng của các hình mẫu, phong cách tư duy tiêu biểu, điển hình, đã đổi mới tư duy. Tư duy pháp quyền, tư duy phân quyền, tư duy nhân quyền… đã ngày càng được khẳng định trong nếp nghĩ, nhận thức pháp lý của các luật gia Liên bang Nga hiện đại.
Rất nhiều người cho rằng, tư duy pháp lý của các luật gia Việt Nam vẫn mang nặng phong cách “nhà nước tối thượng”, “bất bình đẳng”, “đan xen giữa luân lý và pháp luật”, “pháp trị chứ không phải pháp quyền”… Thiết nghĩ, nhận định này cũng không phải là không có cơ sở. Hàng ngàn năm ảnh hưởng bởi nền văn hóa, truyền thống tổ chức quyền lực và pháp luật Đông Á, nơi mà luân lý lấn át pháp luật, nơi mà tính tập quyền trở thành văn hóa, nơi mà quyền lực nhà nước là thiêng liêng và cao quý (còn điều khiển cả thần quyền)…, thì chắc chắn Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng của phong cách tư duy Đông Á. Có lẽ vì vậy mà cách sắp xếp vị trí trong tòa án hiện nay (thậm chí cả tư duy vành móng ngựa) cho đến vị trí, vai trò của luật sư trong phiên tòa xét xử (cả ở ngoài xã hội)… cũng chịu sự ảnh hưởng bởi tư duy đậm chất Á Đông.
Không chỉ là do nền văn hóa Á Đông, tư duy pháp lý của giới luật hiện nay còn chịu sự tác động của một thời gian dài thực hiện tổ chức nhà nước và áp dụng triệt để nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa và pháp chế xã hội chủ nghĩa. Rất may thay, những yếu tố quy định ấy ngày càng bị nhật nhòa đi và bị lấn lướt bởi nhu cầu đổi mới, tự do, bình đẳng và hội nhập.
Nhìn lại lịch sử lập hiến của nước ta thì có thể thấy rõ ảnh hưởng bởi tồn tại xã hội và mô hình tư duy lên tư duy pháp lý. Với bối cảnh bức thiết của sự độc lập, đoàn kết dân tộc, cùng với sự ảnh hưởng chưa đủ lớn của Liên Xô và Trung Quốc XHCN, Hiến pháp 1946 với sự tập hợp trí tuệ của các nhà tư tưởng, chính trị gia chịu ảnh hưởng của tư duy phương Tây nên đã có những dấu ấn lớn của một mô hình phân quyền, tự do và bình đẳng. Ngược lại với nó, Hiến pháp 1980 lại là sản phẩn của khí phách và tư tưởng của những người cộng sản theo tinh thần chuyên chính giai cấp và tập thể lãnh đạo theo mô hình của Liên Xô. Hiến pháp 2013 lại là sự thể hiện của phương thức tư duy mới – tư duy hội nhập, phát triển và nhân quyền.
Làng xã Việt Nam là một mô hình tổ chức cộng đồng khá đặc thù. Nhưng ở khía cạnh pháp luật, làng xã cũng đã góp phần hình thành một tư duy phản kháng pháp luật và tư duy tự vệ trước những quy định áp đặt từ chính quyền phong kiến. Tư duy cộng đồng, tư duy luân lý, tư duy cục bộ, nể nang trong thực thi nhiệm vụ của công chức địa phương cũng là nét tư duy khá phổ biến ở Việt Nam từ truyền thống đến hiện tại. Âu cũng là những dấu ấn của lịch sử, truyền thống để lại.
Nhận thức, quan niệm pháp luật và ý thức pháp luật của cá nhân, cộng đồng được định hình từ những điều kiện xã hội và chính những điều đó cũng đã định hình lên phong cách (lối) tư duy pháp lý ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nói như thế không phải tất cả những ai là người Việt Nam hoặc luật gia Việt Nam lại có một phong cách tư duy giống nhau. Do những ảnh hưởng bởi các điều kiện khác nhau, mỗi luật gia lại có kiểu (lối, phong cách) tư duy riêng. Một luật sư Việt Nam được đào tạo nhiều năm ở Mỹ hoặc Anh sẽ có tư duy pháp luật khác với tư duy của các luật gia được đào tạo ở Việt Nam. Thậm chí, hai luật gia được đào tạo ở hai trường phái khác nhau ở Việt Nam cũng có hai phong cách tư duy không giống nhau. Điều này minh chứng rằng, điều kiện xã hội và thực tại xã hội có mối liên hệ chặt chẽ đến sự hình thành và phát triển của tư duy pháp lý của mỗi cá nhân.
Đến lượt mình, tư duy pháp lý cũng góp phần làm biến đổi thực trạng xã hội. Các tư tưởng mới về pháp luật, tư duy nhân quyền, pháp quyền…của các học giả, luật gia… tiêu biểu gần đây đã có tác động không nhỏ tới hoạt động lập pháp, đến hoạt động xét xử, cung ứng dịch vụ công và đến mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Tư duy tranh tụng đang dần làm biến đổi “công đường” ở nước ta. Rồi đây tư duy pháp lý thẩm phán, công tố viên trong mỗi phiên tòa sẽ dần thay đổi khi áp dụng nguyên tắc đảm bảo tranh tụng trong xét xử. Tương lai không xa, khi tư duy tranh tụng đã phổ cập ở nước ta nó sẽ giúp cho sự tranh tụng không chỉ nằm trong phiên tòa mà còn lan ra cả những quá trình trước đó của hoạt động tố tụng. Từ “nguyên tắc đảm bảo tranh tụng trong xét xử” tới “nguyên tắc tố tụng tranh tụng”, dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tư duy tranh tụng, sẽ không còn là tương lai xa xôi.
4.     Sự vận động, biến đổi và phát triển không ngừng của tư duy pháp lý
Là hoạt động nhận thức pháp luật, tư duy pháp lý luôn vận động, biến đổi và phát triển không ngừng. Cũng do có các đặc trưng của ba đoạn biện chứng và luôn nằm trong mỗi liên hệ tác động qua lại mất thiết với thực tại xã hội, tư duy pháp lý luôn vận động, biến đổi và phát triển.
Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này khó có thể trình bày hết được thuộc tính này của tư duy pháp lý. Tuy nhiên, nếu nhận thức được rằng, tư duy pháp lý là một dạng của hoạt động ý thức thì hiển nhiên nó phải thay đổi, vận động theo sự vận động, biến đổi của xã hội. Khác với tư duy siêu hình, tư suy pháp lý mang tính chất biện chứng nên nó luôn vận động, biến đổi và phát triển không ngừng.
Như trên đã trình bày, đặc trưng ba đoạn biện chứng trong sự phát triển của tư duy giúp cho quá trình tư duy luôn được diễn ra tạm cho tới khi chủ thể tự thỏa mãn là đã đạt được chân lý. Xã hội luôn vận động từ thấp đến cao nên hoạt động nhận thức về nó cũng đi từ thấp đến cao. Tư duy phản ánh nhận thức về xã hội và chịu sự quy định bởi tồn tại xã hội nên nếu xã hội luôn vận động và biến đổi từ trình độ phát triển thấp đến trình độ phát triển cao hơn thì tư duy cũng như vậy.
Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của mình, tư duy của các luật gia ở các lĩnh vực khác nhau cũng luôn vận động và biến đổi, phát triển hoàn thiện hơn. Khi hơi thở của các xu thế nhân quyền, bình đẳng, tự do đã phả vào xã hội làm xã hội biến đổi, tư duy của các thẩm phán, điều tra viên, luật sư… cũng thay đổi. Họ sẽ phải chấp nhận tư duy phản biện, chấp nhận sự bình đẳng, chấp nhận sự “vô tội cho đến khi tội của bị can, bị cáo chưa được chứng minh trong một bản án đã có hiệu lực và theo một quy trình hợp pháp”, chấp nhận quen dần với nguyên tắc “suy đoán vô tội”…
Có thể thấy rõ sự thay đổi trong nhận thức và tư duy của các luật gia ở các quốc gia Đông Âu hay ở Việt Nam và Trung Quốc. Ngược lại, điều này lại chưa được nhận thấy rõ nét ở Triều Tiên hay một số quốc gia bảo thủ của Hồi giáo. Ở đâu có cải cách mạnh mẽ về xã hội, ở đó có tư duy thay đổi mạnh mẽ. Nói như thế không có nghĩa là ở một số nơi, tư duy của các luật gia không thay đổi. Tư duy pháp lý của mỗi luật gia đều thay đổi và không bao giờ đứng một chỗ. Tư duy vận động theo các điều kiện tác động. Kinh nghiệm nhiều hơn, được đào tạo tốt hơn hay những bối cảnh khác nhau…chỉ làm cho tư duy biến đổi, vận động và phát triển nhanh hơn.
Kết luận
Tư duy pháp lý là một hoạt động nhận thức chuyên nghiệp của luật gia. Cũng như mọi hoạt động nhận thức khác, tư duy pháp lý cũng phải tuân thủ các quy luật hình thức của tư duy. Tuy nhiên, tư duy pháp lý không phải là hiện tượng bất biến mà luôn vận động, biến đổi, phát triển và nằm trong mối liên hệ qua lại với thực tại xã hội. Vì vậy, trên thực tế, cách thức, phong cách hay kiểu tư duy ở mỗi nơi, mỗi thời điểm và của mỗi cá nhân là không giống nhau và có mức độ phát triển cũng khác nhau.
Như vậy, tư duy pháp luật không chỉ là các quy luật hình thức, yêu cầu, đòi hỏi mà còn là một hoạt động nhận thức chuyên nghiệp luôn đặt trong mối liên hệ, quan hệ với thực tại xã hội, luôn vận động, biến đổi và phát triển không ngừng. Tiếp cận từ góc độ này giúp chúng ta vừa thấy được các yêu cầu mang tính nguyên tắc của tư duy pháp lý, nhưng quan trọng hơn, nó giúp ta nhận thức được rằng, tư duy pháp lý cũng như mọi loại tư duy khác, đều có thể thay đổi, vận động và phát triển. Vậy nên, muốn đổi mới, hoàn thiện tư duy pháp lý cần thiết phải cải thiện các điều kiện tác động, ảnh hưởng tới nó và đến lượt mình, như là quy luật của sự biện chứng, tư duy pháp lý lại tự vận động và phát triển chính nó và tác động lên xã hội làm thay đổi thực tại xã hội. Nhận thức này, thiết nghĩ là phù hợp và cần thiết để đổi mới và phát triển tư duy pháp lý ở nước ta trong bối cảnh hiện nay./.








[1] Phạm Đình Nghiệm. Nhập môn Logic học. Nxb. Đại học quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh, 2008, tr. 35-42.
[2]http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/triet-hoc-dong-phuong/nhung-van-de-tu-duy-phuong-dong_79.html
Những vấn đề tư duy phương Đông.
[3] Điều này có thể thấy rõ trong các công trình Luật so sánh của các học giả nổi tiếng như: Rene David (Các hệ thống pháp luật chính trên thế giới đương đại), Michael Bogdan (Luật so sánh)….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.