ảnh internet |
Tóm tắt
Nhà
nước là hiện tượng kiến trúc thượng tầng vì vậy luôn biến đổi cùng với sự thay
đổi của đời sống kinh tế-xã hội. Bằng phương pháp luận duy vật biện chứng của
triết học Mác-Lênin và phương pháp so sánh, bài viết tập trung làm rõ những
thay đổi của xã hội hiện đại và sự chuyển dịch của bản chất nhà nước hiện đại theo
hướng pháp quyền, dân chủ như là một hệ quả tất yếu. Nhận diện đúng đắn, khách
quan bản chất của nhà nước hiện đại là một trong những điều kiện quan trọng góp
phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong bối cảnh mới.
Từ khóa: Bản chất nhà nước, Nhà nước pháp quyền, dân chủ, Việt Nam
1. Dẫn nhập
Sau
khi nhà nước Việt Nam hiện đại được thành lập, như một mối lương duyên và sự lựa
chọn của lịch sử, lý thuyết, mô hình tổ chức quyền lực nhà nước, tư tưởng pháp
luật Xô Viết đã được tiếp nhận và trở thành chính thống ở nước ta cho đến ngày
nay dù Liên bang Xô Viết như là một thực thể, một nhà nước và đại diện tiêu biểu
cho quan niệm, tư tưởng này đã không còn tồn tại nữa.
Tiếp
nhận tư tưởng chính trị-pháp lý Xô Viết, nên ngay từ đầu những năm 1950, trong
nhiều văn bản chính thức, tài liệu khoa học ở Việt Nam đã khẳng định nhà nước
và pháp luật Việt Nam có hai thuộc tính không thể tách rời: thuộc tính giai cấp và thuộc tính xã hội.
Hiến pháp năm 1959 đã long trọng tuyên bố “Nhà
nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công
nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”[1] dù
trước đó, Điều 1 Hiến pháp 1946 quy định: “Nước
Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền binh trong nước là của toàn
thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp,
tôn giáo”.[2]
Như vậy, từ thời đểm này, bản chất nhà nước ta được nhận diện phù hợp với tư tưởng
chính trị-pháp lý Xô Viết khi tư tưởng ấy trở thành chính thống ở Việt Nam.[3] Nhận
thức mang tính quy luật này phù hợp với bản chất của nhà nước trong lịch sử
phát triển của nhân loại mà các nhà tư tưởng của Chủ nghĩa Mác đã phát hiện ra.
Tuy
nhiên, cũng như mọi hiện tượng khác của kiến trúc thượng tầng, nhà nước hiện đại
có nhiều biến đổi mang tính quy luật và khách quan. Sự xuất hiện và vận hành của
mô hình nhà nước Xô Viết dù chưa được thành công trên thực tế nhưng đã góp phần
thay đổi lớn về bản chất của nhà nước trong xã hội hiện đại. Toàn cầu hóa và những
nỗ lực ở cấp độ toàn cầu đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, pháp quyền cùng với
thành tựu của các cuộc cách mạng về khoa học, kỹ thuật và công nghệ đã làm cho
phương thức, mô hình tổ chức quyền lực nhà nước dần biến đổi, trong đó có bản
chất của nhà nước.
Nhà
nước Việt Nam cũng không ngoại lệ. Những đột phá trong nhận thức về chủ quyền
nhân dân, dân chủ và nỗ lực kiến thiết nền pháp quyền XHCN đã được thể hiện rất
rõ trong Hiến pháp năm 2013 so với các bản hiến pháp trước đó. Như là hệ quả của
tiến trình hội nhập quốc tế, các xu hướng phát triển của thế giới hiện đại đang
được Việt Nam tiếp nhận một cách chủ động, linh hoạt và tích cực. Xây dựng và
hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân
dân là một trong những nỗ lực ấy.
Vấn
đề đặt ra là, về bản chất, Nhà nước pháp quyền XHCN cần có một nhận thức mới phù
hơn. Đây là một trong những điều kiện quan trọng, bởi, nếu không có được những
thay đổi về nhận thức một cách thống nhất, đồng bộ và phù hợp, Việt Nam sẽ gặp
không ít khó khăn, trở lực cả về mặt lý luận, mô hình tổ chức quyền lực cũng
như thực tiễn để kiến thiết và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
trong bối cảnh hiện nay.
Bài
viết sẽ làm rõ hơn việc cần thiết phải có một nhận thức mới mẻ, phù hợp về bản
chất của nhà nước trong điều kiện hiện đại để góp phần tạo tiền đề quan trọng
cho tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.
Trong
khuôn khổ bài viết này, tác giả không bàn về các quan niệm truyền thống trước
Mác ở Việt Nam. Quan niệm truyền thống về bản chất nhà nước và pháp luật trong
bài viết này là quan niệm Mác-xít về nhà nước và pháp luật.
2. Quan niệm truyền thống về bản chất
nhà nước
2.1.
Tư tưởng Mác-Lênin về bản chất nhà nước
Theo
quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, bản chất của bất kỳ nhà nước nào cũng đều
được thể hiện ở hai đặc tính cơ bản là tính
giai cấp và tính xã hội.
Tính
giai cấp của nhà nước thể hiện ở chỗ nhà nước là bộ máy đặc biệt do giai cấp thống
trị tổ chức ra; quyền lực nhà nước thuộc về giai cấp thống trị và mục đích chủ
yếu là bảo vệ vị thế, lợi ích của giai cấp thống trị.
Trong
xã hội có đối kháng giai cấp, sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp
khác được thể hiện dưới ba hình thức: kinh tế, chính trị và tư tưởng. Trong ba
quyền lực đó, quyền lực kinh tế đóng vai trò chủ đạo và là cơ sở để đảm bảo cho
sự thống trị giai cấp. Quyền lực kinh tế tạo ra cho chủ sở hữu khả năng bắt những
người khác phụ thuộc vào mình về mặt kinh tế. Tuy nhiên, bản thân quyền lực
kinh tế lại không có khả năng duy trì quan hệ bóc lột, vì thế để bảo đảm cho
quan hệ bóc lột, giai cấp nắm quyền lực kinh tế phải thông qua quyền lực chính
trị.
Quyền
lực chính trị xét về mặt bản chất là bạo lực có tổ chức của một giai cấp nhằm
trấn áp các giai cấp khác. Thông qua nhà nước, giai cấp thống trị về kinh tế đã
trở thành chủ thể của quyền lực chính trị. Nhờ nắm trong tay nhà nước, giai cấp
thống trị đã tổ chức và thực hiện quyền lực chính trị của mình, hợp pháp hoá ý
chí của giai cấp mình thành ý chí nhà nước và như vậy buộc các giai cấp khác phải
tuân theo trật tự phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị. Bằng cách đó giai
cấp thống trị đã thực hiện sự chuyên chính của giai cấp mình đối với các giai cấp
khác. Ph. Ăngghen viết: “Vì nhà nước xuất
hiện từ nhu cầu phải kiềm chế sự đối lập giữa các giai cấp, vì Nhà nước đồng thời
cũng xuất hiện trong cuộc đấu tranh giai cấp ấy, cho nên theo lệ thường, nó là
Nhà nước của giai cấp có thế lực nhất, của giai cấp thống trị về mặt kinh tế,
và nhờ có Nhà nước giai cấp này cũng trở thành giai cấp thống trị về mặt chính
trị và do đó có thêm những thủ đoạn mới để đàn áp và bóc lột giai cấp bị áp bức”[4].
Để
thực hiện sự chuyên chính giai cấp, giai cấp thống trị không đơn thuần chỉ sử dụng
bạo lực cưỡng chế mà còn thông qua sự tác động về tư tưởng. Chính vì vậy, khi nắm
trong tay quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị, giai cấp thống trị còn
thông qua nhà nước xây dựng hệ tư tưởng của giai cấp mình thành hệ tư tưởng thống
trị trong xã hội, buộc các giai cấp khác phải lệ thuộc vào mình về mặt tư tưởng.
Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, C Mác và Ph. Ăngghen viết: “Trong mọi thời đại, những tư tưởng của giai
cấp thống trị là những tư tưởng thống trị. Điều đó có nghĩa là giai cấp nào là
lực lượng vật chất thống trị trong xã hội thì cũng là lực lượng tinh thần thống
trị trong xã hội. Giai cấp nào chi phối những tư liệu sản xuất vật chất thì
cũng chi phối luôn cả những tư liệu sản xuất, thành thử nói chung những tư tưởng
của những người không có tư liệu sản xuất tinh thần cũng đồng thời bị giai cấp
thống trị đó chi phối. Những tư tưởng thống trị không phải là cái gì khác mà chỉ
là sự biểu hiện tinh thần của những quan hệ vật chất thống trị, chúng là những
quan hệ vật chất thống trị được biểu hiện dưới hình thức tư tưởng; do đó là sự
biểu hiện của chính ngay của những quan hệ làm cho một giai cấp trở thành giai
cấp thống trị; do đó, đó là những tư tưởng của sự thống trị của giai cấp ấy”.[5]
Trên
cơ sở quan điểm này và thực tế của lịch sử Ph. Ăngghen đã kết luận: “Nhà nước cổ đại trước hết là nhà nước của chủ
nô dùng để đàn áp nô lệ, Nhà nước phong kiến là cơ quan của bọn quý tộc dùng để
đàn áp nông nô và những nông dân bị phụ thuộc, còn Nhà nước đại nghị hiện đại
(nhà nước tư sản) là công cụ của tư bản dùng để bóc lột lao động làm thuê”.[6]
Phát
triển tiếp tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen, V.I.Lênin đã khẳng định: “Nhà nước là bộ máy để giai cấp này áp bức
giai cấp khác, một bộ máy để duy trì dưới sự thống trị của một giai cấp tất cả
các giai cấp bị lệ thuộc khác”.[7]
Vì
nhà nước có các thuộc tính đó nên pháp luật luôn phản ánh ý chí của giai cấp thống
trị, là công cụ của nhà nước để quản lý xã hội. Khi nghiên cứu về pháp luật của
nhà nước tư sản C.Mác khẳng định: “Pháp
luật tư sản chẳng qua là ý chí của giai cấp tư sản đề lên thành luật. Cái ý chí
mà nội dung mà nội dung do những điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp tư sản
quy định”.[8]
Tuy
nhiên, trên thực tế ở mỗi giai đoạn nhất định tính giai cấp của nhà nước cũng
được biểu hiện ở những mức độ khác nhau. Trong đó, nhà nước tư sản ngày càng tiến
bộ và tính xã hội ngày càng tăng.
Bên
cạnh tính giai cấp, thuộc tính thứ hai của nhà nước, theo quan điểm của Chủ
nghĩa Mác là tính xã hội. Nhà nước (và cả pháp luật – Tác giả) “nảy sinh ra từ
xã hội” nên tất yếu phải có tính xã hội.
Tính
xã hội của nhà nước thể hiện ở chỗ nhà nước là tổ chức đại diện chính thức của
toàn xã hội và có trách nhiệm quản lý, bảo vệ các vấn đề, các lợi ích của xã hội
gắn với chủ quyền của quốc gia. Chỉ có nhà nước mới có khả năng huy động mọi
nguồn lực của xã hội, quản lý xã hội, quản lý dân cư của mình và thực hiện các
mục tiêu chung.
Tuy
nhiên, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà
tính xã hội của nhà nước ở mỗi hình thái kinh tế - xã hội, mỗi kiểu nhà nước được
biểu hiện ở mức độ khác nhau. Trong đó, theo quy luật phát triển chung thì tính
xã hội của nhà nước sau luôn cao hơn của nhà nước trước và ở phạm vi toàn cầu
tính quốc tế cũng ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng.
2.2.
Bản chất nhà nước và pháp luật trong một số học liệu, công trình khoa học cơ bản
ở Việt Nam hiện nay
Cuốn
giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật xuất bản năm 2019 của Trường
Đại học Luật Hà Nội khẳng định nhà nước có tính giai cấp và tính xã hội. Khác với
các giáo trình xuất bản trước đó, tính xã hội của nhà nước trong Giáo trình này
được đặt lên trước như là một sự phát triển khách quan của thuộc tính này qua
các kiểu nhà nước. Nhà nước Việt Nam hiện nay dù có rất nhiều đặc điểm mang
tính bản chất, khẳng định bản chất xã hội to lớn, nhưng tựu chung lại cũng có
hai thuộc tính không thể tách rời là tính
giai cấp và tính xã hội.[9]
Giáo
trình Lý luận nhà nước và pháp luật của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
(ĐHQGHN), về bản chất của nhà nước, có những tiếp cận tương đối mở hơn. Theo
giáo trình này: “Xét trên bình diện tổng
thể, bản chất nhà nước là một chỉnh thể thống nhất bao gồm các phương diện:
giai cấp, xã hội, dân tộc và nhân loại.”[10] Nhưng
kết luận lại, bản chất của nhà nước có hai thuộc tính: tính giai cấp và tính xã
hội. Tính giai cấp của nhà nước được thể hiện: nhà nước đó do giai cấp nào tổ chức thành, quyền lực nhà nước nằm trong
tay giai cấp nào, nhà nước bảo vệ lợi ích của giai cấp nào là chủ yếu.[11]
Trước
đó, vào những năm 2000, Khoa Luật ĐHQGHN sử dụng cuốn Giáo trình lý luận chung
về nhà nước và pháp luật do PGS.TS. Nguyển Cửu Việt làm chủ biên. Trong đó khẳng
định bản chất giai cấp và vai trò xã hội của nhà nước. Giáo trình này không
dùng thuật ngữ “thuộc tính xã hội” mà thay vào đó là “vai trò xã hội”. Chỉ khi
phân tích đến thuộc tính giai cấp các tác giả mới dùng thuật ngữ “tính giai cấp”
của nhà nước.[12]
Cuốn
Giáo trình cao cấp lý luận chính trị, Nhà nước và pháp luật của Học viện chính
trị quốc gia Hồ Chí Minh thì khẳng định bản chất nhà nước XHCN mang bản chất
giai cấp, bản chất xã hội và bản chất dân chủ.[13]
Cũng
ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nhà nước và pháp luật có xuất bản
Tập tài liệu học tập và nghiên cứu môn lý luận chung về nhà nước và pháp luật,
trong đó cũng ghi rõ bản chất nhà nước
thể hiện ở tính giai cấp và tính xã hội.[14]
Trong
Tập tài liệu học tập Lý luận nhà nước và pháp luật của Trường Đại học Kinh tế-Luật,
ĐHQG Hồ Chí Minh, cũng khẳng định “nói đến bản chất của nhà nước là nói đến hai
thuộc tính cơ bản là tính giai cấp và tính xã hội”.[15]
Như
vậy, đa số các giáo trình, học liệu của các cơ sở đào tạo luật lớn ở Việt Nam hiện
nay đều khẳng định bản chất nhà nước có hai thuộc tính là tính xã hội và tính giai
cấp dù mức độ biểu hiện ở mỗi giai đoạn, thời kỳ lịch sử có khác nhau.
Đây
là những quan điểm truyền thống và hoàn toàn phù hợp với xã hội tiền hiện đại
nơi mà hiện hữu sự bất bình đẳng, có sự phân chia, đối kháng giai cấp sâu sắc.
3. Một số vấn đề đặt ra về bản chất
nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiên nay
3.1.
Bản chất nhà nước trong xã hội hiện đại
Cổ
đại, trung đại, cận đại, hiện đại và tới là thời kỳ hậu hiện đại là cách phân kỳ
phổ biến về các giai đoạn phát triển chính của nhân loại. Trong đó, thời kỳ cổ
đại, trung đại và cận đại (xã hội tiền hiện đại) có những đặc điểm chung, như:
bất bình đẳng xã hội; không hiện hữu xã hội công dân; tồn tại các giai cấp với
các lợi ích đối kháng nhau; không có nhân quyền; thiếu nền tảng pháp quyền; quyền
lực nhà nước thuộc về giai cấp, nhóm nhỏ nắm giữ lực lượng sản xuất chủ yếu
trong xã hội và chi phối toàn bộ xã hội… Trên nền tảng đó, xuất hiện và hiện hữu
các nhà nước với bản chất như những người Mác-xít đã phát hiện ra: mang thuộc
tính giai cấp và thuộc tính xã hội.
Nhưng
cùng với sự biến chuyển của xã hội, nhân loại bước sang kỷ nguyên mới –xã hội
hiện đại với những đặc trưng cơ bản như: sự bình đẳng xã hội; xã hội công dân;
nhân quyền, tự do, pháp quyền, phân quyền và tự quản…
Bối
cảnh khác nhau thì không thể có bản chất nhà nước như nhau. Những người theo Chủ
nghĩa Mác đã khẳng định kinh điển nhà nước là hiện tượng của kiến trúc thượng tầng
và vì vậy phải thay đổi theo sự thay đổi của cơ sở hạ tầng. Xã hội nào thì nhà
nước đó, bao gồm cả bản chất nhà nước.[16]
Tính
giai cấp của nhà nước hiện đại khó xác định. Quyền lực nhà nước không thuộc về
một giai cấp cụ thể dù xã hội chia thành nhiều tầng lớp, nhóm xã hội, nhóm lợi
ích khác nhau. Đặc thù xã hội hiện đại làm cho mỗi cá nhân có thể chuyển hóa từ
nhóm này, tầng lớp này sang tầng lớp khác. Nông dân có thể thành lập doanh nghiệp
hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao. Người công nhân đơn giản
hay một giáo viên cũng có thể mở các cửa hàng trên các trang thương mại điện tử
và thuê nhân công đóng gói, vận chuyển hàng hóa. Tổng thống có xuất thân từ
nông dân hoặc thủ tướng, tỉnh trưởng hoặc các chính trị gia nổi tiếng khác cũng
xuất thân từ nhiều tầng lớp, nhóm xã hội khác nhau. Điều này đã trở nên phổ biến
ở xã hội hiện đại. Quyền lực nhà nước được phân chia thành các nhánh và kiềm chế,
đối trọng với nhau. Quyền lực của Tổng thống, nhánh hành pháp có thể thuộc về
nhóm chính trị này, nhưng quyền lập pháp lại thuộc nhóm chính trị khác. Quyền lực
của một số đảng chính trị ở trung ương không đồng nghĩa với việc đảng đó cũng nắm
quyền ở các cấp chính quyền địa phương. Các chính quyền hiện đại được người dân
lập ra thông qua các cơ chế hiến định. Những người có quyền lập ra chính quyền
là bất kỳ ai có quyền công dân và quyền này là của bất kỳ ai không phụ thuộc tầng
lớp, giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị....nào.
Pháp
luật hiện đại là pháp luật dân chủ. Xã hội pháp quyền là xã hội mà ở đó pháp luật
có vị trí tối thượng, là cơ sở cho việc tổ chức, vận hành của mọi thiết chế, thể
chế và chuẩn mực cho mọi ứng xử xã hội. Nhà nước cũng tổ chức và hoạt động theo
hiến pháp và luật. Hiến pháp mang bản chất dân chủ, có hiệu lực pháp lý cao nhất,
cao hơn tất thảy mọi điều ước quốc tế và nội luật khác bởi nó là hiện thân cao
nhất của ý chí và chủ quyền nhân dân. Vì lẽ đó, pháp luật không còn là công cụ
của nhà nước mà pháp luật là cơ sở cho sự tồn tại và vận hành của chính nhà nước.
Nhân
quyền là xu thế và là chuẩn mực của xã hội hiện đại, là tiêu chí đánh giá một chính
thể cầm quyền. Nhân quyền về bản chất là bình đẳng, là giá trị và những yêu cầu
chung, cơ bản của toàn thể nhân loại đối với mỗi xã hội, mỗi chế độ. Nhân quyền
không phụ thuộc vào giai cấp, nhóm xã hội, sắc tộc nào.
Trong
một xã hội mà mỗi công dân bình đẳng với nhau, cùng nhau kiến tạo ra nhà nước,
cùng được tiếp cận quyền lực và công lý như nhau thì tính giai cấp của nhà nước
dường như không còn là đặc tính của nhà nước hiện đại. Để bảo vệ quyền, tự do
và lợi ích chính đáng của mình, công dân hiện đại còn có cả một xã hội công dân
với các hiệp hội, nhóm xã hội và một nền kinh tế thị trường. Cơ sở kinh tế, cơ
sở xã hội không còn thuộc về một giai cấp cụ thể nào nữa.
Xã
hội tiền hiện đại khác xã hội hiện đại và sẽ càng khác xã hội hậu hiện đại mà ở
góc nào đó của thế giới, một số xã hội đang bước tới. Các nhà nước hiện đại
không mang bản chất giống như các nhà nước tiền hiện đại. Vậy, vấn đề đặt ra là
nếu bản chất giai cấp không phù hợp nữa, thì nhà nước hiện đại mang bản chất
như thế nào?
Nhà
nước hiện đại không có bản chất giai cấp nhưng vẫn là một nhà nước. Về cơ bản,
nhà nước hiện đại vẫn mang thuộc tính là một thiết chế quyền lực công. Đây là một thuộc tính mang tính bản chất của mọi
nhà nước, nhưng trong nhà nước hiện đại, quyền lực này có được là do người dân
chuyển giao bằng con đường dân chủ. Chỉ nhà nước mới có thuộc tính này và sử dụng
quyền lực để tổ chức xã hội, nhân danh toàn bộ xã hội thực hiện các chức năng,
nhiệm vụ mà người dân ủy thác cho. Khác với các nhà nước trong xã hội tiền hiện
đại, quyền lực công của nhà nước được người dân chuyển giao từ chủ quyền nhân
dân, nhân danh toàn bộ xã hội và hoạt động vì lợi ích của toàn xã hội. Khả năng
tiếp cận quyền lực công là bình đẳng và công bằng với tất cả người dân.
Bên
cạnh quyền lực công, nhà nước hiện đại còn mang bản chất dân chủ. Nhà nước từ dân mà ra và hoạt động vì lợi ích chung
của toàn thể nhân dân. Nhân dân là phạm trù rộng, không phụ thuộc vào đặc điểm
giai cấp, tôn giáo, màu da, sắc tộc, địa vị xã hội. Nhân dân kiến tạo ra Nhà nước
để tổ chức, quản lý xã hội, để nhân danh và đại diện cho toàn xã hội giải quyết
các vấn đề chung, bảo đảm, bảo vệ lợi ích chung, giá trị chung cũng như bảo vệ
quyền, tự do và nhân phẩm của mỗi con người theo các nguyên tắc, giá trị đã được
xác lập. Nhà nước hiện đại là biểu hiện tập trung nhất và rõ ràng nhất của ý
chí và chủ quyền nhân dân.
Bản
chất nhà nước là tổng thể những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ cơ bản
bên trong, tương đối ổn định và có tính quy định đối với sự ra đời, tồn tại,
khuynh hướng phát triển của nhà nước. Trong lịch sử và ở giai đoạn xã hội tiền
hiện đại, tính giai cấp và tính xã hội là hai thuộc tính có mối liên hệ biện chứng
với nhau và quy định sự ra đời tồn tại và phát triển của nhà nước. Trong xã hội
hiện đại, thuộc tính quyền lực công và thuộc tính dân chủ là hai thuộc tính
mang tính bản chất, liên chệ chặt chẽ với nhau và cùng quyết định sự ra đời, tồn
tại và xu hướng phát triển của nhà nước. Không có quyền lực công, nhà nước
không khác các tổ chức chính trị, xã hội khác, nhưng quyền lực công ấy không phải
từ trên trời rơi xuống mà từ nhân dân, từ xã hội mà ra. Đó là sự ủy thác, sự
trao quyền để đáp ứng nhu cầu của nhân dân về một thiết chế quyền lực đủ năng lực
quản lý, đủ thẩm quyền nhân danh toàn bộ xã hội để phụng sự xã hội. Nhưng quyền
lực ấy không hướng đến cai trị, đàn áp xã hội nhằm bảo vệ lợi ích trên hết và
trước hết của giai cấp cầm quyền như trong quá khứ mà là hướng tới tổ chức, quản
lý xã hội, để đại diện cho toàn xã hội, giải quyết các vấn đề chung, bảo đảm, bảo
vệ lợi ích chung, giá trị chung cũng như bảo vệ quyền, tự do và nhân phẩm của mỗi
con người. Bản chất dân chủ xác định nguồn cội và tính chất của quyền lực công,
quyền lực công là biểu hiện của ý chí chung của toàn xã hội. Dân chủ quyết định
sự ra đời của nhà nước hiện đại và quyết định xu hướng phát triển của nhà nước
hiện đại, còn tính chất, mức độ quyền lực công gắn chặt với thuộc tính dân chủ
của nhà nước và là sức mạnh của nhà nước hiện đại.
Nhưng,
điều này không có nghĩa là mọi nhà nước đang hiện hữu ở giai đoạn hiện đại có bản
chất hiện đại. Vẫn tồn tại những thể chế hiện nay nhưng mang bản chất của thần
quyền, bản bản chất bóc lột nặng nề, bất bình đẳng. Cũng có những thể chế đang
từng bước chuyển đổi từ trạng thái tiền hiện đại sang nhà nước hiện đại mà biểu
hiện rõ nét nhất là sự chuyển dịch sang một xã hội dân chủ hiện đại. Sự hiện diện
của các yếu tố ban đầu của nền dân chủ, chủ quyền nhân dân; tôn trọng, thúc đẩy,
ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm quyền con người; pháp quyền; phân quyền…là những dấu
hiệu cho thấy một sự chuyển dịch từ nhà nước có bản chất tiền hiện đại sang một
nhà nước hiện đại.
3.2.
Bản chất nhà nước hiện đại và ý nghĩa với việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước
pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay
(Đoạn này xin phép chưa công bố tại
đây, xin thứ lỗi cùng anh chị em NCS, học viên, sinh vien)
4. Thay lời kết
Nhà
nước và pháp luật là hiện tượng thượng tầng và vì vậy không thể không biến đổi
cùng xã hội. Bản chất nhà nước và pháp luật cũng vậy. Ở xã hội tiền hiện đại,
nhà nước và pháp luật có hai thuộc tính không thể tách rời nhau là thuộc tính
giai cấp và thuộc tính xã hội, nhưng ở nhà nước hiện đại không hẳn là như vậy.
Thuộc tính dân chủ và quyền lực công gắn với nhà nước hiện đại, còn pháp luật
mang bản chất của các chuẩn mực ứng xử xã hội được bảo đảm bằng quyền lực công
và mang bản chất dân chủ. Nhưng, không phải mọi chế độ nhà nước và pháp luật tồn
tại trong xã hội hiện đại đều có bản chất hiện đại. Đó còn là trình độ phát triển,
điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ...những yếu tố xác định nên bản chất của
nhà nước và xã hội. Xã hội hiện đại không chỉ là thời gian mà còn là thuật ngữ
thể hiện trình độ phát triển xã hội. Xã hội, nhà nước và pháp luật của chúng ta
đang chuyển đổi mạnh mẽ và vì vậy bản chất của nhà nước và pháp luật cũng đang có
những chuyển đổi. Đó là sự phát triển khách quan và là một xu hướng phát triển
tiến bộ trong một xã hội hiện đại ngày nay mà chúng ta đang hướng tới.
Nhà
nước pháp quyền nói chung hay một phiên bản có những đặc thù như Nhà nước pháp
quyền XHCN đều giống nhau ở bản chất dân chủ và thượng tôn pháp luật. Vì vậy, nếu
xác định mục tiêu xây dựng NNPQ XHCN thì bản chất của Nhà nước cần định vị lại
cho tương thích với một xã hội hiện đại và mục tiêu cao cả mà xã hội hiện đại
đang hướng tới. Đó là mục tiêu phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện
đại, cao cả và đầy tính nhân văn./.
Tài liệu tham khảo
1.
C.Mác và Ph. Ăngghen, Tuyển tập, Nxb Sự
thật, Hà Nội, 1980, tập 1.
2.
Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và
pháp luật. Trường Đại học Luật Hà Nội (2019), NXB Tư pháp.
3.
GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế (Chủ biên), Giáo
trình Lý luận nhà nước và pháp luật (2016), NXB. ĐHQGHN.
4.
Nguyễn Cửu Việt. Giáo trình Lý luận
chung về nhà nước và pháp luật (2003). NXB. ĐHQGHN.
5.
Ph. Ăngghen, Nguồn gốc của gia đình, của
chế độ tư hữu và Nhà nước, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
6.
Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Giáo trình cao cấp
lý luận chính trị, Nhà nước và pháp luật, Nxb. lý luận chính trị, Hà Nội, 2018.
7.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện
Nhà nước và Pháp luật, Tài liệu học tập và nghiên cứu môn học Lý luận chung về
nhà nước và pháp luật, tập 1, Nxb. Lý luận chính trị, tr. 18, tr. 140
8.
Tài liệu học tập Lý luận nhà nước và pháp luật.
Chủ biên Lê Vũ Nam. NXB. ĐHQG Hồ Chí Minh, 2020.
9.
Marchenko M.N. Lý luận nhà nước và pháp
luật. Mat-x-cơ-va, NXB. Zertsalo, 2013. (tiếng Nga)
10.
Hiến pháp nước Việt Nam DCCH 1959. Xem tại:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-1959-Viet-Nam-Dan-Chu-Cong-Hoa-36855.aspx
11.
Hiến pháp nước Việt Nam DCCH 1946. Xem tại:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-1946-Viet-Nam-Dan-Chu-Cong-Hoa-36134.aspx
12.
V.I.Lênin (2005), Toàn tập, NXB Chính trị Quốc
gia Hà Nội t. 33.
[1] Lời nói đầu Hiến pháp nước Việt
Nam DCCH 1959. Xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-1959-Viet-Nam-Dan-Chu-Cong-Hoa-36855.aspx (Truy cập ngày )
[2] Hiến pháp nước Việt Nam DCCH
1946. Xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-1946-Viet-Nam-Dan-Chu-Cong-Hoa-36134.aspx
[3] Xem thêm: Đề tài nghiên cứu khoa
học cấp cơ sở (KHoa Luật) năm 2016 do TS. Mai Văn Thắng làm chủ nhiệm “Sự ảnh
hưởng của tư tưởng pháp luật Xô Viết lên hệ thống pháp luật Việt Nam (tiếp cận
từ góc độ lịch sử pháp luật)”
[4] Ph. Ăngghen, Nguồn gốc của gia
đình, của chế độ tư hữu và Nhà nước, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1972, tr. 285.
[5] Ph. Ăngghen, Sđd, trang 285.
[6] Ph. Ăngghen, Sđd, trang 285.
[7] V.I.Lênin (2005), Toàn tập, NXB
Chính trị Quốc gia Hà Nội t. 33, tr. 87.
[8] C.Mác và Ph. Ăngghen, Tuyển tập,
Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tập 1 trang 253.
[9] Giáo trình Lý luận chung về nhà
nước và pháp luật. Trường Đại học Luật Hà Nội (2019), NXB Tư pháp. Tr. 53-64.
[10] GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế (Chủ
biên), Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật (2016), NXB. ĐHQGHN, trang 82.
[11] GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, Tlđd,
trang 82.
[12] Nguyễn Cửu Việt. Giáo trình Lý
luận chung về nhà nước và pháp luật (2003). NXB. ĐHQGHN, tr.37-38.
[13] Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Giáo
trình cao cấp lý luận chính trị, Nhà nước và pháp luật, Nxb. lý luận chính trị,
Hà Nội, 2018, tr. 15-16; 38-39
[14] Học viện Chính trị quốc gia Hồ
Chí Minh, Viện Nhà nước và Pháp luật, Tài liệu học tập và nghiên cứu môn học Lý
luận chung về nhà nước và pháp luật, tập 1, Nxb. Lý luận chính trị, tr. 18.
[15] Tài liệu học tập Lý luận nhà nước
và pháp luật. Chủ biên Lê Vũ Nam. NXB. ĐHQG Hồ Chí Minh, 2020, trang 15.
[16]
Xem thêm: Marchenko M.N. Lý luận nhà nước và pháp luật. Mat-x-cơ-va, NXB.
Zertsalo, 2013, tr.100-101 (tiếng Nga)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.