Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Vài lời về hai chữ "THI ĐUA"

Mai Văn Thắng

Khoa Luật, ĐHQGHN
 

Sau khi UBTVQH đưa Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa này, tôi xin có đôi lời bàn về nguồn gốc và bối cảnh của cái gọi là phong trào thi đua. Thi đua đúng, phù hợp trong một mô hình xã hội được tổ chức kiểu khác và đã lùi vào quá khứ. Giờ xã hội đã đã khác đi, thi đua có lẽ đã hết sứ mệnh lịch sử của mình. Nếu vẫn dùng hai chữ Thi đua, xin cho nó một nội hàm và một cách thức tiến hành phù hợp và khoa học hơn để hiệu quả và đúng là động lực thúc đẩy xã hội phát triển.

Phong trào “Thi đua” xuất hiện và phát triển như vũ bảo trong nền kinh tế kế hoạch bao cấp theo mô hình Xô Viết. Vì ở đó, gần như không có cạnh tranh, ít lợi ích kinh tế nên động lực làm việc bị hạn chế nếu không có cách nào đó hối thúc người ta làm việc.

Nhưng nhà nước thì cần mọi cá nhân, đơn vị phải hăng say lao động, sản xuất, sáng tạo, tạo ra của cải vật chất, chiến đấu, cải tạo xã hội…để tiến tới CNXH và cuối cùng là CNCS.

Vậy làm thế nào?


Cơ bản có 2 cách để khiến người ta làm việc: 1) Sợ hãi mà phải lao động; 2) “Thi đua mà lao động”.

Cách thứ nhất thì xin phép không bàn tới vì cách đó chỉ phù hợp với giai đoạn lịch sử nào đó và gắn với nhân tố lãnh đạo hội tụ được quyền uy và một “bàn tay thép” (Liên Xô đã trải nghiệm giai đoạn này). Hơn nữa, cách này không phù hợp với một chế độ đang chứng minh tính ưu việt và nhân văn hơn bên kia chiến tuyến.

Cách thứ hai – Thi đua. Đây có lẽ là “động lực tích cực duy nhất” khiến người ta lao động để sống, cống hiến, tiến thân và phát triển trong mô hình kinh tế và hệ thống xã hội ấy. Nhưng đại đa số con người thường “nhạy bén” nên một thời gian sau họ nhận ra, thi đua thật không bằng làm cách khác nhẹ nhành hơn mà vẫn được công nhận thi đua. Vì vậy, thi đua đã phản thi đua. Điều này chắc có lẽ cũng góp phần nào đó đưa Liên Xô từ vị trí siêu cường đến trì trệ và tan rã. Thật ra, người ta cũng cố gắng đưa thêm nhiều tiêu chí để việc bình xét thi đua ngày càng chặt chẽ với mục tiêu cao nhất là chọn được đúng người. Nhưng trong môi trường và hệ thống kiểu ấy dường như mọi tiêu chí bình xét được bổ sung chỉ làm khó thêm cho những người trung thực mà thôi.

Việt Nam hiện nay có nền kinh tế không giống Liên Xô và xã hội đã vận hành theo cơ chế khác, đa dạng hơn. Những cá nhân và tập thể của họ có nhiều động lực khác nhau để làm việc, có nhiều định hướng hơn để phấn đấu, cống hiến và sinh tồn… Vì lẽ đó, theo thiển ý của tôi, nếu vẫn tư duy thi đua kiểu cũ thì không còn phù hợp nữa, thậm chí làm phong trào hóa mọi thứ, làm hình thức hóa mọi thứ, làm hiện hữu nguy cơ suy giảm động lực, năng suất lao động….(đương nhiên nếu được làm nghiêm thì không có chuyện này – nhưng đó là điều kiện lý tưởng và không tưởng). Quan trọng hơn, theo quan sát cá nhân, một cơ số người có năng lực, trung thực còn cảm thấy bị phiền hà bởi các điều kiện, quy trình ngày càng chặt chẽ, thậm chí có người thấy bị tổn thương, cự tuyệt với các danh hiệu thi đua. Trong bối cảnh ấy, nếu vẫn lấy thi đua làm tiêu chí chính, thì khu vực công sẽ chỉ tuyên dương được những người “thích thi đua”. Thành thích thi đua ấy lại sẽ được nhân bản trong vô vàn thành tích và lợi ích khác. Nền công vụ chắc chắn sẽ bị tổn hại nhiều nhất nếu không dũng cảm từ bỏ tư duy và mô hình thi đua này.

Xã hội thay đổi, cần phải có chính sách thay đổi. C. Mác, lãnh tụ tư tưởng của chúng ta, nói rồi “cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng”. Mọi thứ đã thay đổi thì tư duy và mô hình quản trị cũng cần thay đổi cho phù hợp và hiệu quả hơn.

 “Khen thưởng” thì xin không bàn, nó vốn có và cần có trong mọi xã hội loại người và ngày nay cũng thế, xã hội ta cũng thế.

Mỗi ngày một chuyện!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.