Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

Hiến pháp pháp quyền và những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

ảnh internet

 TS. Mai Văn Thắng

Khoa Luật, ĐHQGHN

Bài viết tham dự Hội thảo

TP. Huế, 2021


Tóm tắt

 Bài viết tập trung nhận diện, đánh giá, phân tích các tiêu chuẩn của một bản Hiến pháp pháp quyền. Hiến pháp pháp quyền không phải là một bản hiến pháp đơn thuần, mà phải là trụ cột và sự bảo đảm cho tính thượng tôn của pháp luật trong đời sống xã hội, là cơ sở pháp lý tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền. Bằng các phương pháp chính như so sánh, phân tích quy phạm, bài viết sẽ nhận diện Hiến pháp năm 2013 từ góc độ của Hiến pháp pháp quyền và trên cơ sở đó, đồng thời đặt trong bối cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam, tác giả đưa ra một số khuyến nghị góp phần hoàn thiện nhà nước pháp quyền và hệ thống pháp luật trong nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.

 Từ khóa: Hiến pháp pháp quyền, nhà nước pháp quyền, bảo hiến, hệ thống pháp luật, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

1.    Giới thiệu

Sự hiện hữu của một bản hiến pháp chưa phải là sự bảo đảm cho nền pháp quyền. Trong xã hội hiện đại, tuyệt đại đa số các quốc gia đều ban hành hiến pháp. Nhưng không phải quốc gia nào cũng có nền pháp quyền bền vững. Giá trị, vị trí và vai trò của hiến pháp ở mỗi quốc gia được nhận thức, định vị không đồng nhất và đó là một trong nguyên nhân có hiến pháp nhưng không hiện hữu pháp quyền.  

Ngày nay, ở bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào, Hiến pháp được xác định là luật cơ bản, bởi trong đó quy định những vấn đề cốt lõi, cơ bản nhất trong sinh hoạt của cộng đồng chính trị và tổ chức, vận hành quyền lực. Tuy vậy, ở một số quốc gia, Hiến pháp được tạo ra trên nền tảng ý chí và chủ quyền nhân dân, được ví như là một “khế ước xã hội”, trong khi đó, ở nơi khác, hiến pháp không có quyền lực thực tế, không được bảo vệ trước những sai phạm của các lực lượng cầm quyền và hiến pháp được coi như là một đạo luật cơ bản của nhà nước.

Việt Nam trên con đường đổi mới, hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống quốc tế, xích lại gần hơi tới những chuẩn mực, xu hướng toàn cầu. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đã lại một lần nữa được tái khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 và gần đây nhất, để cụ thể hóa mục tiêu đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.[1]

Để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền XHCN, Việt Nam cần tiếp tục triển khai nhiều cải cách quyết liệt và đồng bộ. Những tiêu chí của nhà nước pháp quyền dù còn tranh luận, nhưng cơ bản đã có được những nhận thức phổ quát. Tuy nhiên, Nhà nước pháp quyền XHCN thì không phải như vậy. Cho đến nay, chưa hề có bất kỳ văn bản pháp lý chính thức nào quy định hay giải thích nội hàm của khái niệm “Nhà nước pháp quyền XHCN”. Chỉ có những ghi nhận trong văn bản của Đảng Cộng sản Việt Nam về những nhiệm vụ cần phải làm để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.[2]

Tuy vậy, ở bất kỳ khía cạnh hay hình thái nào, pháp quyền đồng nghĩa với quyền lực phải thuộc về pháp luật và pháp luật có vị trí tối thượng trong xã hội. Để có được điều đó, Hiến pháp với tư cách là luật gốc, luật cao nhất phải có được các thuộc tính của Hiến pháp pháp quyền.

Bài viết này sẽ nhận diện và làm rõ hơn các thuộc tính của một bản hiến pháp như thế, chỉ ra mối liên hệ giữa hiến pháp pháp quyền, nhà nước pháp quyền và một hệ thống pháp luật phát triển theo các tiêu chí pháp quyền. Trên cơ sở đối chiếu với tiêu chí của hiến pháp pháp quyền, tác giả sẽ làm rõ hơn những điểm cần tiếp tục hoàn thiện để Việt Nam có được một hiến pháp pháp quyền và cuối cùng là một nhà nước pháp quyền và hệ thống pháp luật hoàn thiện theo tiêu chí pháp quyền dù ơ bất kỳ tên gọi hay hình thái nào đi chăng nữa.

1.      Nhận diện Hiến pháp pháp quyền

Để hiểu được Hiến pháp pháp quyền trước hết phải tìm hiểu đôi điều về Hiến pháp. Cả trong lý luận và thực tiễn đã có rất nhiều những quan điểm, tranh luận về bản chất về Hiến pháp và bản chất của hiến pháp.

Về khía cạnh bản chất, có nhiều quan điểm cho rằng, Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước.[3] Quan điểm này cho rằng, Hiến pháp thực tế là một đạo luật, nhưng khác ở chỗ nó là đạo luật cơ bản, là đạo luật gốc, là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, làm nền tảng cho tất cả các văn bản luật, dưới luật khác. Tính cơ bản của Hiến pháp trước hết thể hiện ở chỗ Hiến pháp không điều chỉnh mọi quan hệ xã hội hiện hữu mà chỉ điều chỉnh những quan hệ chủ đạo nhất, chính yếu nhất, có tính nguyên tắc và nền tảng nhất.[4]

Phản biện lại quan điểm trên, nhiều học giả cho rằng, giữa đạo luật cơ bản và hiến pháp có sự khác nhau.[5] Bởi khi nói đến việc làm luật là nói đến chức năng lập pháp của nhà nước, mà lập pháp chỉ là một loại quyền lực phái sinh từ hoạt động lập hiến mà ra. Theo họ, phàm những gì nhà nước ban hành thì không phải là hiến pháp, bởi khi ấy nó mất đi tính chất như là một văn bản có tính chất kiến tạo quyền lực, thiết lập bộ máy nhà nước.[6] 

Trong cuốn sách Các quyền của con người (1791-1792), Thomas Paine đã khẳng định: “Hiến pháp không phải là đạo luật của chính quyền, mà là của nhân dân tạo dựng nên chính quyền và một chính quyền không có Hiến pháp là quyền lực không có quyền… ”.[7]

Hiến pháp được coi là đạo luật cơ bản của nhà nước bắt nguồn từ sự phát triển và lớn mạnh của phong trào cách mạng vô sản với đỉnh cao là thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.[8] Sau khi thành công, vào năm 1918 nhà nước đầu tiên của giai cấp công nông đã ban hành bản Hiến pháp thành văn nhằm khẳng định thắng lợi của lực lượng, giai cấp cách mạng mới, là công cụ để tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội. Hiến pháp này được ban hành trên cơ sở tư tưởng, đường lối lãnh đạo của lực lượng cầm quyền, là sản phẩm lập pháp của chính giai cấp đó và vì vậy nó luôn được coi là sản phẩm phát sinh từ quyền lực của nhà nước để tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Hiến pháp này chỉ khác với các đạo luật khác là ở chỗ nó mang ý nghĩa của một đạo luật cơ bản.

Những người theo quan điểm thuyết “Khế ước xã hội” cho rằng, Hiến pháp không phải là đạo luật cơ bản của nhà nước mà là sản phẩm của xã hội, là một sự thỏa thuận vĩ đại của những người tự do. Theo Bary M. Hager: “Hiến pháp là một tuyên bố cơ sở về những gì mà một tập đoàn người hợp lại cùng nhưng như những công dân của một quốc gia cụ thể xem như các quy tắc và giá trị cơ bản mà họ chia sẻ và với chúng mà họ tự mình tuân thủ”.[9] Một số khác thì cho rằng, Hiến pháp là bản hợp đồng thể hiện sự nhất trí giữa các thành viên của cộng đồng về các thủ tục tập thể trong việc thuê các đại diện để thực hiện một loạt dịch vụ cụ thể trong một thời gian dài và kiểm soát việc thực hiện dịch vụ của các đại diện đó.[10] Với Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thì “Hiến pháp phải là một bản khế ước xã hội đề cao sự thỏa hiệp, thái độ nhún nhường, thỏa thuận, vì lợi ích chung của cộng đồng…[11]

Như vậy, hầu hết những người theo quan điểm thuyết “Khế ước xã hội” đều cho rằng, hiến pháp là sản phẩm của thỏa thuận xã hội nhằm tạo lập ra chính quyền và trao cho chính quyền quyền được sử dụng quyền lực trong phạm vi Hiến pháp và bị giám sát, giới hạn quyền lực cũng bởi Hiến pháp.

Tuy nhiên, ở đây cần làm rõ hơn vấn đề, hiến pháp là thỏa thuận giữa ai với ai – giữa những người dân tự do với nhau hay là giữa nhà nước (chính quyền) với người dân. Bởi, trong bài viết của tác giả Lý Ba[12]có trích dẫn khái niệm Hiến pháp của Từ điển Luật Black, theo đó Hiến pháp được định nghĩa là một hợp đồng giữa chính quyền và người dân theo đó quyền cai trị của chính quyền là do người dân giao cho. Trước hết, câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu hiến pháp là một thỏa thuận giữa người dân và chính quyền thì có hợp lý không? Vấn đề là ở chỗ, có hay không một sự thỏa thuận bình đẳng, sòng phẳng giữa một bên là người có quyền (Kẻ mạnh, kẻ cai trị) và một bên không có quyền (Kẻ yếu thế, người bị trị) về vấn đề tổ chức quyền lực nhà nước và nghĩa vụ của chính quyền trong việc bảo đảm quyền của dân chúng (con người). Liên quan đến vấn đề này, Thomas Jefferson có viết: “Trong các vấn đề về quyền lực, đừng nói thêm gì nữa về lòng tin vào đức tính tốt của con người mà phải trói anh ta lại bằng một sợi dây Hiến pháp để anh ta không còn làm được những điều ác”.[13]

Như vậy, Hiến pháp về thực chất là một sợi dây xích đối với những người có quyền lực. Nhìn nhận lại khái niệm trên của Từ điển Black mà Lý Ba trích dẫn có thể thấy, thực tế chính quyền chỉ xuất hiện sau khi có được quyền cai trị do người dân giao cho thông qua thỏa thuận lập hiến.[14] Với ý nghĩa này thì người dân mới là chủ thể của quyền lực và thông qua một bản thỏa thuận xã hội họ đã ủy quyền cho một số người có được quyền cai trị xã hội theo các điều kiện ủy quyền –  điều kiện của khế ước xã hội. Điều đó có nghĩa là nhà nước cùng với mô hình tổ chức chính quyền chỉ là sản phẩm của thỏa thuận xã hội và chỉ xuất hiện sau khi những người tự do đã thống nhất (thỏa thuận) về một mô hình tổ chức quyền lực. Từ đây có thể thấy, thật khó có thể hợp logic khi một cơ quan của nhà nước làm ra Hiến pháp trong khi chỉ Hiến pháp (đúng theo nghĩa của nó) mới sáng tạo ra mô hình tổ chức nhà nước (bộ máy nhà nước).

Thực tiễn cho thấy, Hiến pháp có thể được ủy quyền cho một cơ quan nào đó soạn thảo.[15] Tuy nhiên, dù được ủy quyền cho cơ quan hay thiết chế nào thì vẫn phải đảm bảo những cơ chế để người dân thể hiện quyền của người làm chủ quyền lực và là những người quyết định mô hình tổ chức quyền lực một cách thực chất. Thiếu điều này thì dù văn bản ấy cũng được gọi là “Hiến pháp” thì cũng chưa mang được tinh thần của chủ nghĩa hiến pháp.

Những điều nói trên cho thấy, nếu văn bản nào đó được gọi là Hiến pháp thì cũng chưa chắc đã hội tụ đủ phẩm chất, thuộc tính mang tính bản chất của hiến pháp. Hiến pháp không đơn thuần là đạo luật,[16] cũng không đơn thuần là một văn bản quy định về tổ chức, vận hành quyền lực nhà nước.

Cũng có quan điểm cho rằng, một bản Hiến pháp thành văn chỉ có sự vững chắc và có ý nghĩa khi nó là sự phản ánh chính xác mối tương quan thực tế của các lực lượng xã hội.[17] Thực tế, Hiến pháp là kết quả của sự tương quan, sự thỏa hiệp của các lực lượng trong xã hội.

Quan niệm này có lẽ, theo tác giả, là sự phản ánh có phần rất chân thực về hiến pháp. Lập hiến, trên thực tế, là một hoạt động mang tính chất chính trị, và như vậy thường gắn liền với lợi ích (nhất là lợi ích chính trị) và sự đấu tranh, thỏa hiệp để lợi ích của cá nhân, của nhóm hay của cộng đồng mình được phản ánh trong Bản văn Hiến pháp. Vì vậy, hiến pháp nhiều khi thực chất là sản phẩm của mối tương quan lực lượng chính trị trong xã hội.

Không phủ nhận quan điểm này, nhưng tác giả cho rằng, không chỉ mang tính chất chính trị, hiến pháp còn có thuộc tính pháp lý. Vì lẽ đó, Hiến pháp không thể tách rời được mục tiêu công lý, lẽ phải, bình đẳng, công bằng và bảo vệ con người.

Rõ ràng trên thế giới đã có rất nhiều bản hiến pháp đã được làm ra, đã tồn tại và được sửa đổi, bổ sung, nhưng không phải ở tất cả những nơi đó đều đã có nhà nước và xã hội pháp quyền.

Như vậy về mặt hình thức, hiến pháp có ở tất cả những nơi mà nó đã, đang tồn tại, nhưng “Hiến pháp pháp quyền” thì không phải ở nơi nào cũng có. Với tác giả, Hiến pháp pháp quyền là loại hiến pháp thể hiện ý chí và chủ quyền nhân dân, có vị trí và hiệu lực tối thượng và được bảo vệ nghiêm ngặt, nó vừa là điều kiện tiên quyết, là nền tảng và cũng là đặc trưng của nhà nước pháp quyền.

Theo tác giả, Hiến pháp pháp quyền trước hết phải là một Hiến pháp với những thuộc tính cơ bản sau:

Thứ nhất, Hiến pháp pháp quyền phải là Hiến pháp khẳng định chủ quyền nhân dân, hiện thân một cách thực chất ý chí của người dân

Đa phần các bản Hiến pháp hiện đại, bằng cách này hay cách khác, đều khẳng định nguồn gốc của quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là ở bản thân Hiến pháp phải là minh chứng cho chủ quyền thực chất của người dân. Người dân phải là những người có tiếng nói quyết định, hay nói một cách khác là “thỏa thuận” để làm nên Hiến pháp. Chủ quyền nhân dân trên hết và trước hết phải là quyền của dân được tự quyết trong vấn đề lập hiến. Chủ quyền có các đặc tính là “duy nhất” “không thể chuyển nhượng” và “không có thời hiệu”,[18]vậy nên người dân cần thiết phải tham gia vào quyết định vấn đề hệ trọng nhất là lập ra bộ máy quyền lực, trao quyền cho họ để họ quản lý lại chính mình. Việc ủy quyền cho người khác quyết định vận mệnh của mình, tương lai của các thế hệ sau của mình là vô cùng mạo hiểm, bởi “quyền lợi cá nhân là phổ thông” và “lo tư lợi cho mình là khuynh hướng của tất cả mọi người.[19] Chính vì vậy, ngoài việc khẳng định nhân dân là gốc của quyền lực, Hiến pháp pháp quyền phải khẳng định đồng thời bản thân nó phải là minh chứng hùng hồn cho việc “nhân dân mới là người xây dựng nên Hiến pháp này”.

Hiến pháp là luật cao nhất thì không thể và không nên là sản phẩm của nhà nước hoặc đáp ứng yêu cầu chủ quyền nhân dân chỉ trên phương diện hình thức. Đó là yêu cầu cơ bản.

Thuộc tính chủ quyền nhân dân của Hiến pháp pháp quyền luôn gắn liền với thuộc tính dân chủ. Hiến pháp này là sản phẩm của thể chế dân chủ và cũng chính là công cụ thể hiện thực hóa thể chế dân chủ. Nội hàm khái niệm dân chủ vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên với tiêu chí của nhà nước pháp quyền, dân chủ có nghĩa là “Phương thức cầm quyền mà cho phép các cá nhân, các nhóm người và các chủ thể khác nhau trong xã hội cơ hội bình đẳng với nhau để tham gia vào tất cả các quá trình và các hoạt động chính trị một cách đầy đủ và thực sự”.[20] Dân chủ như là một trong những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp pháp quyền không đồng nghĩa với quyết định của đa số, mà là quyền lực thuộc về đa số nhưng quyền lợi của thiểu số phải luôn được bảo vệ.[21] Bản thân nội hàm khái niệm dân chủ đã khẳng định quyền lực tối cao và thống nhất thuộc về nhân dân và chỉ có như vậy nhà nước mới có thể “nằm dưới” hoặc “được tạo ra” từ các quy tắc từ sự đồng thuận của người dân và những quy tắc xử sự từ ý dân mới cao hơn được các mệnh lệnh của nhà nước.

Thứ hai, Hiến pháp pháp quyền là Hiến pháp nhân quyền

Ngay từ đầu trong Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Mỹ nhân quyền đã không được đề cập. Mặc dù có rất nhiều cách lý giải, tranh luận khác nhau nhưng cuối cùng nhân quyền đã được bổ sung trở thành một nội dung cơ bản của Hiến pháp Hoa Kỳ. Ngày nay, trong hầu hết các bản hiến pháp, nhân quyền không thể thiếu.[22]

Sự hiện diện của nhân quyền trong Hiến pháp pháp quyền nhằm trước hết và trên hết khẳng định chủ quyền nhân dân. Ngoài ra, việc ghi nhận nhân quyền trong Hiến pháp pháp quyền còn mang ý nghĩa gắn chặt trách nhiệm của nhà nước pháp quyền phải bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy nhân quyền. Nhân quyền vẫn được coi là phạm trù đa diện và mang nhiều nghĩa khác nhau, vì vậy việc ghi nhận nhân quyền trong Hiến pháp pháp quyền chỉ góp phần khẳng định chủ quyền và nghĩa vụ của nhà nước – tổ chức được ủy quyền để bảo vệ nhân quyền và tránh việc “bỏ bê”, “vô trách nhiệm” hoặc thậm chí vi phạm nhân quyền từ phí nhà nước.

Chỉ ghi nhận nhân quyền không chưa đủ, Hiến pháp pháp quyền còn là Hiến pháp bảo vệ nhân quyền. Việc ghi nhận nhân quyền chỉ là điều kiện cần, còn nếu ghi nhận mà không có cơ chế hữu hiệu bảo vệ nhân quyền thì Hiến pháp đó cũng chưa phải là Hiến pháp pháp quyền. Thực tế có không ít bản Hiến pháp có ghi nhận quyền con người, quyền công dân, tuy nhiên lại không rõ cơ chế để bảo vệ nó một cách hữu hiệu. Những bản Hiến pháp ấy khó có thể gọi là Hiến pháp pháp quyền.

Thông thường, ở mỗi quốc gia tùy vào điều kiện cụ thể mà có những cơ chế hữu hiệu khác nhau để bảo vệ nhân quyền, nhưng về cơ bản là không thể thiếu những thiết chế sau: 1) Thiết chế bảo hiến độc lập; 2) Tư pháp độc lập; 3) Phân quyền; 4) Có các thiết chế bảo vệ nhân quyền độc lập; 5) Bầu cử định kỳ và tự do; 6) Có các thiết chế phản biện và giám sát xã hội độc lập; 7) Sự phát triển của các hình thức dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp. Những thiết chế này thường được ghi nhận trực tiếp trong Hiến pháp pháp quyền.

Thứ ba, Hiến pháp pháp quyền là Hiến pháp tổ chức chính quyền dựa trên phân quyền và là cơ sở để xác lập các cơ chế kiểm soát, giới hạn và giám sát quyền lực.

Hầu hết các bản Hiến pháp đều có một trong những mục đích quan trọng bậc nhất là tổ chức chính quyền. Hiến pháp pháp quyền quy định cách thức, hình thức cầm quyền mà bất cứ thế lực nào lên nắm quyền cũng phải tuân theo.

Với cơ sở là một Hiến pháp kiến tạo quyền lực, Hiến pháp pháp quyền luôn ghi nhận nguyên tắc phân quyền. Phân quyền là phương thức tốt nhất để quản lý chính quyền và đảm bảo tính hiệu quả của quyền lực, tạo khả năng tự giám sát và giám sát quyền lực. Thomas Jeffeson cũng đã từng viết “Trong các vấn đề về quyền lực, đừng nói thêm gì nữa về lòng tin vào đức tính tốt của con người mà phải trói anh ta lại bằng một sợi dây Hiến pháp để anh ta không còn làm được những điều ác”.[23] Phân quyền ở mỗi quốc gia khác nhau có thể hiểu là sự phân chia quyền lực theo chiều ngang: phân chia thành các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; theo chiều dọc: phân chia quyền lực giữa chính quyền trung ương và địa phương; và có thể là phân chia quyền lực giữa nhà nước và xã hội dân sự.[24]  Dù cách này hay cách khác, phân quyền phải tạo được cơ chế tự giám sát (giám sát bên trong) và giám sát (giám sát bên ngoài - giám sát từ phía người dân, từ các thiết chế phi nhà nước, xã hội dân sự và quốc tế). Phân quyền nhằm mục tiêu cao nhất là giám sát, cân bằng quyền lực, ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực và sử dụng hiệu quả quyền lực. Ở giác độ này, phân quyền là điều kiện cơ bản cho pháp quyền. Phân quyền là một sự bảo đảm và bảo vệ cho nhân quyền.

Thứ tưHiến pháp pháp quyền là Hiến pháp được bảo vệ nghiêm ngặt và có khả năng ngăn ngừa sự chuyên chế và những cảm xúc nhất thời của công chúng.

Những quy định của Hiến pháp mang tính chất nền tảng, là những thỏa thuận vĩ đại về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền của những người được ủy quyền đối với dân chúng. Nếu không được bảo vệ chắc chắn, khi những người có được quyền lực sẽ cố gắng thay đổi để giảm bớt nghĩa vụ, trách nhiệm và tăng quyền cho mình. Đó là chuyện bình thường bởi nhà cầm quyền cũng là con người.  St. Holmes đã từng viết “Là người bình thường, nhà cầm quyền cũng cần phải bị cai trị[25] người cầm quyền cũng chỉ là người bình thường vì họ có tất cả tình cảm, cảm xúc, hỉ, nộ ái, ố của một con người, họ cũng cần phải bị giám sát, kiềm chế.

Bảo hiến còn thể hiện ở chỗ Hiến pháp phải khó bị thay đổi. Hiến pháp pháp quyền phải có quy trình sửa đổi hết sức chặt chẽ, minh bạch và khó sửa đổi. Điều này cho phép ngăn ngừa được cảm xúc nhất thời của công chúng hay sự lớn mạnh bất thường tạm thời của một lực lượng chính trị. Bởi cùng với sự lớn mạnh tạm thời đó lực lượng chính trị thường nghĩ đến sửa đổi Hiến pháp theo chiều hướng có lợi cho vị trí và định hướng chính trị của họ. Nếu dễ bị thay đổi, Hiến pháp mất đi tính tối cao, và như vậy, sẽ không có sự thượng tôn của Hiến pháp. Không có thượng tôn Hiến pháp thì không có thượng tôn pháp luật và tất nhiên cũng sẽ không có pháp quyền.

Để có được vị trí tối thượng đó, Hiến pháp pháp quyền phải được bảo vệ trước mọi sự xâm hại bằng một cơ chế bảo hiến độc lập, chuyên nghiệp. Tính độc lập của thiết chế này để bảo đảm cho mọi quyết định của nó luôn phù hợp với bản chất và ý chí của người ra quyết định. Tính chuyên nghiệp của thiết chế đó là sự bảo đảm cho tất cả những ai tham gia vào quá trình ra quyết định phải là những chuyên gia lớn, có tầm cỡ và kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Chỉ có một cơ chế độc lập và chuyên nghiệp mới đủ sức bảo vệ được sự tôn nghiêm của Hiến pháp và khi đó Hiến pháp ấy mới mang thuộc tính pháp quyền.

Thứ nămHiến pháp pháp quyền là Hiến pháp có có vị trí tối thượng và có khả năng đảm bảo cho hệ thống pháp luật được thống nhất, nhân đạo, công bằng, minh bạch, và có tính tiên liệu.

Nhà nước pháp quyền là nhà nước có sự thượng tôn của pháp luật. Tất cả mọi văn bản pháp luật, văn bản áp dụng và giải thích pháp luật do các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền khác nhau của nhà nước ban hành đều không được trái với Hiến pháp.

Tính thượng tôn của Hiến pháp pháp quyền là sự biểu hiện rõ nét nhất của nhà nước pháp quyền. Nếu Hiến pháp không được tôn trọng, bảo vệ và có vị trí tối thượng, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có thể ban hành những văn bản trái với tinh thần Hiến pháp, trái với ý nguyện nhân dân để phục vụ lợi ích của riêng họ. Khi ấy, Hiến pháp sẽ bị “lãng quên”, có nghĩa những thỏa thuận về nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà nước trước nhân dân sẽ bị lãng quên. Nhà cầm quyền không “bị trói bởi sợi dây Hiến pháp nữa”, và mỗi người, mỗi cơ quan tùy vào địa vị của mình sẽ ban hành những văn bản phục vụ lợi ích của riêng mình. Tệ hại hơn, pháp luật không còn xuất phát từ ý nguyện dân chúng mà là xuất phát từ ý nguyện chính trị của các “nhóm lợi ích” từ đó người dân sẽ xa lánh, sẽ chạy trốn và chống lại pháp luật. Pháp luật trong nhà nước pháp quyền phải là pháp luật xuất phát từ ý nguyện của dân chúng. Khi xuất phát từ ý nguyện của nhân dân, pháp luật là những quy phạm, quy tắc xử sự mang đầy tính nhân văn, công bằng và lẽ phải, phản ánh đúng cách nghĩ, cách xử sự chuẩn mực nhất của cộng đồng. Pháp luật ấy là pháp luật đi ra từ cuộc sống và sẽ được chấp nhận một cách tự nhiên không áp đặt. Con người ta thông thường luôn giữ gìn và trân trọng những gì mình làm ra.

Làm sao để có được điều đó trong khi người dân không tự làm ra các đạo luật, nghị định, thông tư hay là các án lệ… ? Làm sao để các văn bản đó đều hướng tới một mục tiêu, một giá trị và một tư tưởng thống nhất? Câu trả lời chỉ có thể là thượng tôn của Hiến pháp. Hiến pháp là văn bản người dân làm ra, trong đó ghi nhận những nguyên lý cơ bản nhất trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, những giá trị, tư tưởng cốt lõi nhất mà cộng đồng, xã hội hướng tới, tôn thờ. Tất cả tuân theo Hiến pháp thì pháp luật mới được thượng tôn, mới được thống nhất, công bằng và dễ tiên liệu và cũng chỉ như thế mới có được pháp quyền.

2.    Hiến pháp năm 2013 và những vấn đề đặt ra trên con đường xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tiêu chuẩn pháp quyền

 

Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đã được xác định là mục tiêu có tính chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đã có rất nhiều những nỗ lực được thực hiện để đẩy nhanh tiến trình ấy, trong đó trước hết phải kể đến việc thông qua Hiến pháp 2013.

Hiến pháp năm 2013 còn phải làm những gì để Việt Nam xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các tiêu chuẩn pháp quyền?

Những thành công của Hiến pháp 2013 từ tiêu chuẩn Hiến pháp pháp quyền:

 (1) Tại Lời nói đầu của Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giầu, nước mạng, công bằng, dân chủ, văn minh”. Đây là quy định hết sức quan trọng, bởi khác với Hiến pháp 1992, Nhân dân đã được đặt vào vị trí là chủ nhân, người “xây dựng” Hiến pháp. Thiết nghĩ, chỉ có như vậy mới đáp ứng được những tiêu chuẩn đầu tiên, cơ bản của pháp quyền. Một kỹ thuật lập hiến rất đặc biệt và rất khó thấy ở các bản hiến pháp nước ngoài đó là quy định “thực hiện quyền lập hiến”.[26]  Đây là cách tiếp cận mới khi trả lại quyền lập hiến cho Nhân dân nhưng lại trao cho Quốc hội thực hiện quyền này. Việc Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp không đồng nghĩa với Quốc hội là cơ quan có quyền này như trước đây mà chỉ là cơ quan được trao quyền thực hiện quyền lập hiến. Như vậy, về hình thức và pháp lý, Nhân dân là chủ thể nắm giữ quyền lập hiến. Đây là một trong những nỗ lực để tiến tới tiêu chuẩn của Hiến pháp pháp quyền.

(2) Một cơ hội quan trọng khác để xây dựng nhà nước pháp quyền của Việt Nam là những quy định về chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp và khẳng định mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Hiến pháp năm 2013 khẳng định tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân có thể thực hiện quyền làm chủ của mình bằng cả hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.[27] Việc khẳng định dân chủ và khẳng định người dân có thể thực hiện quyền làm chủ của mình bằng tất cả các hình thức dân chủ cho thấy sự tiến triển mạnh mẽ trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Trước đây, nhân dân chỉ thực hiện quyền mình thông qua các thiết chế đại diện, còn giờ đây, người dân có thể thực hiện quyền dân chủ thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp. Luật trưng cầu ý dân và các quy định khác liên quan đến thực hành dân chủ trực tiếp ra đời cũng là dựa trên những điểm mới đó của Hiến pháp năm 2013.

Hiến pháp năm 2013 cũng lần đầu tiên bỏ cụm từ “duy nhất” khi định vị chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội là cơ quan “có quyền lập hiến, lập pháp”.[28] Như vậy, quyền lập hiến và quyền lập pháp có thể được thực hiện bởi người dân. Đây là cơ hội mở ra cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm các quyền dân chủ trực tiếp.

Cũng tại Hiến pháp này, Đảng đã xác định là lực lượng “có nghĩa vụ và trách nhiệm” lãnh đạo nhân dân xây dựng nhà nước và xã hội và chịu sự giám sát của nhân dân. Quy định này đã cho thấy sự chuyển biến trong tư duy của Đảng đồng thời nâng cao trách nhiệm của Đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng đối với dân, với nước.

(3) Hiến pháp 2013 đã lần đầu tiên khẳng định đây là bản Hiến pháp nhân quyền. Các bản Hiến pháp của Việt Nam trước đây đều có chương ghi nhận quyền công dân, tuy nhiên chỉ có Hiến pháp 2013 mới là Hiến pháp ghi nhận quyền con người trong chương II “Quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Đây là cơ hội rất tốt để hoàn thiện hệ thống pháp luật nhân quyền như là mục tiêu cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền. Ở mức độ nào đó, Hiến pháp 2013 đã được coi là Hiến pháp nhân quyền bởi đã tách bạch được quyền con người và quyền công dân và rất nhiều trong số đó đã ghi nhận những quyền con người theo những tiêu chuẩn quốc tế.

(4) Hiến pháp 2013 đã phần nào tạo tiền đề cho phân quyền và kiểm soát quyền lực. Mặc dù vẫn khẳng định nguyên tắc quyền lực là thống nhất, nhưng Hiến pháp đã chỉ rõ các cơ quan thực hiện quyền lập pháp (Quốc hội), quyền hành pháp (Chính phủ) và quyền tư pháp (Tòa án). Hiến pháp cũng đã thiết lập lại quy chế pháp lý của các thiết chế hiến định khác như Kiểm toán nhà nước để bảo đảm sự độc lập hơn. Bên cạnh đó đã có sự sắp xếp lại thẩm quyền, tổ chức lại các cơ quan, đảm bảo kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước. Không chỉ manh nha phân quyền ngang, Hiến pháp 2013 còn khẳng định phân quyền dọc khi quy định rất nhiều điểm mới trong chương IX “Chính quyền địa phương”. Theo khoản 2 Điều 112 “Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương” và “Cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế do luật định” (Khoản 2 Điều 111). Những quy định trên cho thấy sự tiến chuyển mạnh mẽ của tư duy phân quyền trong tổ chức quản lý nhà nước ở Việt Nam.  Bên cạnh phân quyền ngang, dọc, Hiến pháp 2013 cũng đã khẳng định các hình thức dân chủ trực tiếp, như: trưng cầu dân ý, bãi miễn, phản biện xã hội… Rõ ràng đây là các cơ hội để xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Luật Tổ chức chính quyền địa phương ra đời với nhiều thay đổi so với trước đây cũng là dựa trên “cơ hội” này của Hiến pháp trao cho.

Ngoài ra, lần đầu tiên Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận “Kiểm soát…trong việc  thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.[29]Rõ ràng, đây chưa phải là kiểm soát quyền lực mà chỉ là kiểm soát thực hiện các quyền. Tuy nhiên, đây cũng được coi là những dấu hiệu cơ bản để khởi động một hệ thống các cơ chế để kiểm soát thực hiện quyền lực ở Việt Nam.

(5) Cơ hội cho một thiết chế bảo hiến được cụ thể hóa.

Muốn có pháp quyền, Hiến pháp phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Không thể có một chủ thể nào có thể sửa đổi, bổ sung Hiến pháp một cách tùy tiện hoặc diễn giải ngữ nghĩa của Hiến pháp theo hướng có lợi cho mình và trái lại tinh thần và ý chí của chủ thể lập hiến. Trước đây, Việt Nam không có cơ chế bảo hiến rõ ràng. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nhưng cũng chính là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp. Trong bối cảnh đó, rất khó có thể Quốc hội tự phát hiện hoặc tự xử lý mình khi ban hành luật trái với Hiến pháp. Các thiết chế khác được giao quyền giám sát việc tuân thủ hiến pháp cũng rất ít có động lực để phanh phui các hành vi, quy định trái với Hiến pháp. Một cơ chế bảo hiến phi tập trung rõ ràng là không hiệu quả trong bối cảnh Việt Nam. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 đã lần đầu tiên ghi nhận “Cơ chế bảo về Hiến pháp do luật định”.[30] Dù rằng, cho tới nay, vẫn chưa hề có một đạo luật nào quy định về cơ chế bảo hiến, nhưng rõ ràng, quy định trên tạo cơ sở và tiền đề pháp lý cho một cơ chế bảo hiến được định hình trong tương lai.

(6) Cơ hội cho cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam.

Nhà nước pháp quyền và hệ thống pháp luật trong nhà nước pháp quyền cần phải được bảo đảm bằng tính thượng tôn của pháp luật. Câu hỏi đặt ra là thiết chế nào là chiếc khiên vững chắc nhất để bảo vệ thuộc tính đó. Có lẽ, không có thiết chế nào khác xứng đáng hơn là tòa án. Các tòa án có độc lập, chuyên nghiệp thì luật pháp mới được bảo vệ hiệu quả và nghiêm ngặt.

Hiến pháp năm 2013 đã đặt nền móng cho công cuộc cải cách tư pháp. Lần đầu tiên, Hiến pháp đã khẳng định, tòa án không chỉ là cơ quan xét xử mà còn thực hiện quyền tư pháp. Việc được trao thực hiện quyền tư pháp đang cho thấy, hệ thống tòa án đang được trao vị thế nhiều hơn, dần tương quan hơn so với các thiết chế thực hiện quyền lập pháp và thực hiện quyền hành pháp. Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã trở thành những nhiệm vụ hàng đầu của tòa án. Đây là tư duy rất mới, rất khác so với trước đây. Hiến pháp cũng không còn khẳng định khi xét xử, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán và chỉ khẳng định hội thẩm nhân dân tham gia “sơ thẩm” chứ không như trước.[31] Đây rõ ràng là tiền đề rất quan trọng để cải cách chế định hội thẩm nhân dân – một chế định cần phải cải cách để hướng tới nền tư pháp chuyên nghiệp, độc lập và hội nhập.

Hiến pháp năm 2013 cũng đã khẳng định các nguyên tắc mới như “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”, “suy đoán vô tội”… Đây là nền tảng cho cải cách tư pháp, đặc biệt là luật tố tụng hình sự. Không bàn cãi khi cho rằng, nhà nước pháp quyền phải có một “trình tự pháp luật công bằng” (due process of law).[32]

(7) Cơ hội tiếp theo, theo tác giả, là ở chỗ cần hoàn thiện lại hệ thống pháp luật theo tinh thần Hiến pháp mới, trước hết là pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương, về cơ chế thực hiện các quyền, về kiểm soát thực hiện quyền lực, về luật tố tụng…. Đây là điều kiện tốt để làm cho nền quản trị quốc gia, tổ chức bộ máy nhà nước và pháp luật của chúng ta hoàn thiện, hiện đại hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của pháp luật trong nhà nước pháp quyền XHCN.

 

Những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhìn từ tiêu chuẩn Hiến pháp pháp quyền:

 

Thứ nhất, Bảo hiến có lẽ là thách thức rất quan trọng của chúng ta sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực. Rất khó có được Nhà nước pháp quyền XHCN và khó có được hệ thống pháp luật tối thượng nếu bản thân Hiến pháp – Luật cơ bản nhất – không được bảo vệ chuyên nghiệp, độc lập và không có vị trí tối thượng thực tế. Hiện nay, Việt Nam đang theo đuổi mô hình bảo hiến phi tập trung nhưng có thể thấy, mô hình này chưa thực sự hiệu quả. Chỉ có một mô hình bảo hiến chuyên nghiệp và độc lập thì mới có thể bảo vệ được Hiến pháp. Tuy vậy, về tính chuyên nghiệp thì, theo tác giả, có thể bảo đảm nhưng tính độc lập lại còn nhiều khó khăn. Điều này nó gắn với nền tảng tổ chức quyền lực. Quốc hội được giao thực hiện quyền lập hiến, quyền lâp pháp, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và quyết định những vấn đề quan trọng nhất của quốc gia, thực hiện giám sát tối cao. Từ quy định này, thật khó có thể thấy một thiết chế khác được lập ra mà không phải do Quốc hội thành lập. Và nếu do Quốc hội lập ra, liệu có độc lập với Quốc hội được không, bởi Hiến pháp cũng do Quốc hội làm ra. Nếu vẫn là thiết chế thuộc hay do Quốc hội lập ra thì sự độc lập chưa được bảo đảm để chống lại các luật do Quốc hội ban hành mà trái với Hiến pháp. Nếu không do Quốc hội thiết lập thì lại trái với mô hình cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Điều này cần được nghiên cứu thấu đáo. Bởi nếu chỉ xây dựng cơ chế bảo hiến cho có thì không có ý nghĩa gì nhiều mà chỉ lại làm tăng thêm bộ máy, nhân sự.

Tuy nhiên, với quy định hiện nay của Hiến pháp thì không hẳn là không có khả năng xuất hiện một cơ chế hay thậm chí là một thiết chế bảo hiến chuyên nghiệp và độc lập. Như trên đã phân tích, Hiến pháp khẳng định Nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến. Quốc hội cũng chỉ là cơ quan được trao thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp. Bên cạnh đó, Hiến pháp cũng đã bỏ quy định Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền làm hiến pháp, làm luật, trao cho Nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp và đặc biệt là đã có luật về trưng cầu ý dân. Điều này tạo một cơ hội cho phép xây dựng một Dự thảo sửa đổi Điều 119 hoặc thêm chí thêm 01 điều khoản nữa về “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp”. Trong đó, sửa đổi chi tiết về cơ chế bảo hiến độc lập, chuyên nghiệp, tựa như một thiết chế ngoài bộ máy nhà nước và nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm sự vận hành, hoạt động của nó. Sửa đổi, bổ sung này cần được đưa ra trưng cầu ý dân như quy định của Hiến pháp hiện nay. Thiết chế này cũng được trao giải thích Hiến pháp bên cạnh Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.[33] Trong trường hợp xung đột về nội dung giải thích, thì cần có một thiết chế để giải quyết xung đột nếu có. Như vậy, Quốc hội vẫn là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, còn thiết chế bảo hiến (có thể gọi là Hội đồng bảo hiến quốc gia hoặc tên gọi khác) sẽ là một thiết chế ngoài nhà nước, thực hiện quyền bảo vệ Hiến pháp. Thiết chế này được bảo đảm độc lập và chuyên nghiệp do do Nhân dân lập ra trên cơ sở trưng cầu dân ý theo quy định của Hiến pháp. Không có bảo hiến chuyên nghiệp và độc lập, không có Hiến pháp tối thượng. Không có Hiến pháp tối thượng thì không có nhà nước pháp quyền và pháp luật có vị trí tối thượng.

Thứ hai, Hoàn thiện cơ chế kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước là một nhiệm vụ đầy khó khăn trong giai đoạn tới. Kiểm soát quyền lực phải là một cơ chế đồng bộ cả bên trong, bên ngoài. Cơ chế kiểm soát từ bên trong phải là một bộ máy thực hiện quyền lực có khả năng tự kiềm chế, giám sát lẫn nhau. Kiểm soát từ bên ngoài là kiểm soát từ các lực lượng chính trị, kiểm soát từ xã hội (người dân, báo chí, tổ chức xã hội...), thị trường, các thể chế quốc tế... Tuy nhiên, cơ chế phân quyền ở Việt Nam chưa thật rõ ràng và hiệu quả.

Việt Nam không thừa nhận xã hội dân sự, không thừa nhận tam quyền phân lập – đó là bản chất của chế độ. Tuy nhiên, có lẽ, cơ chế phân quyền rõ ràng hơn cần được hoàn thiện. Phân quyền không phải là tam quyền phân lập. Phân quyền là nguyên tắc quản trị khoa học và cần được áp dụng cho phù hợp. Không có xã hội dân sự thì cần khuyến khích và tạo lập nền tảng giám sát, phản biệt xã hội thực chất. Đó là dân chủ ở cơ sở, là các kênh phản biện xã hội cần được xây dựng nhưng độc lập với chính quyền lực, là mạng xã hội, internet hay các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình… của quản trị tốt cần được phát huy tối đa để thế chỗ cho những lỗ hổng kiểm soát quyền lực. Ngoài ra, xây dựng nền quản trị thông minh, số hóa…cũng sẽ góp phần kiểm soát thực hiện quyền lực tốt hơn. Hệ thống pháp luật vì vậy, chắc chắn sẽ phải tiếp tục hoàn thiện.

Thứ ba, về cơ chế bảo vệ quyền con người hiệu quả, thực chất. Việt Nam đã thừa nhận các quyền cơ bản của con người và ghi nhận trong Hiến pháp. Đây là bước tiến không chỉ ở nhận thức mà còn tạo tiền đề cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Đảng và Nhà nước đã khẳng định, con người là mục tiêu, là động lực của đường lối phát triển[34] thì quyền của họ chắc chắn cũng phải được bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy. Đưa nhân quyền vào Hiến pháp là ràng buộc trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy trước hết thuộc về Nhà nước. Để bảo vệ nhân quyền, cần phải có thiết chế hiệu quả và độc lập. Thiết chế này có lẽ phải do Quốc hội lập nên hoặc chí ít cũng do Chủ tịch nước thành lập và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chủ tịch nước về bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy nhân quyền. Chủ tịch nước trên hết và trước hết phải là thiết chế trung tâm của việc bảo vệ, bảo đảm và thúc Nhân quyền.

Thứ tư, mô hình và tư duy tố tụng Việt Nam đang chưa thật sự cải cách để hướng tới mục tiêu bảo vệ công lý và quyền con người, quyền công dân là nhiệm vụ hàng đầu. Hiến pháp đã mở ra cơ hội, nhưng để tòa án thực sự độc lập, chuyên nghiệp, để tranh tụng được bảo đảm, để sự tham gia của Hội thẩm nhân dân vào tiến trình tố tụng…cần phải có những cải cách lớn trong lĩnh vực tư pháp. Luật tổ chức tòa án, các bộ luật tố tụng cần được tiếp tục hoàn thiện. Tòa án phải độc lập với các thiết chế thực hiện quyền khác, phải độc lập với hệ thống chính quyền các cấp, cấp ủy địa phương. Thẩm phán phải độc lập với chính tòa án, chánh án, với chánh tòa, với hội đồng xét xử và đặc biệt là độc lập về kiến thức, kỹ năng, độc lập về tư duy, độc lập với tình trạng tài chính với tình trạng sức khỏe, tính mạng và an ninh của bản thân và gia đình. Tư pháp độc lập là hướng tới mỗi thẩm phán được độc lập. Để có được điều này, chắc chắn còn nhiều nỗ lực và không dễ đạt được trong thời gian ngắn. Tư pháp không độc lập, khó có một hệ thống pháp luật có năng lực và hiệu lực thực sự.

3. Kết luận

Không phải ngẫu nhiên khi Hội thảo này có chủ đề về pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà tác giả lại chọn viết về Hiến pháp pháp quyền. Một logic rất đơn giản là, Hiến pháp là luật cao nhất, trụ cột của hệ thống pháp luật quốc gia, là hiện thân của pháp luật tối thượng mà chưa đạt được trạng thái Hiến pháp pháp quyền thì rất khó để bàn về pháp luật trong nhà nước pháp quyền XHCN phải như thế nào. Theo quan điểm của tác giả, tiêu chí và điều kiện quan trọng nhất của pháp luật trong nhà nước pháp quyền là phải có được Hiến pháp pháp quyền.

Bài viết nhận diện các đặc điểm của Hiến pháp pháp quyền, đối chiếu với Hiến pháp năm 2013 và từ đó đưa ra những khuyến nghị hoàn thiện. Thiết nghĩ, mỗi quốc gia, dân tộc sẽ có đặc thù riêng, điều kiện, trình độ phát triển đặc thù và cũng biết rằng, pháp quyền là giá trị phổ quát. Vì vậy, bài viết này có một số đề xuất, khuyến nghị hướng tới đặc thù của Việt Nam nhưng gắn với các nguyên lý cơ bản và phổ quát của pháp quyền.

Hi vọng rằng, với những gì đang diễn ra, những nỗ lực cải cách của Đảng, Nhà nước, những tâm huyết của giới luật học và xã hội, Việt Nam sẽ có được một Hiến pháp pháp quyền và đó là cơ sở để có một hệ thống pháp luật hiện đại, phù hợp nhưng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí pháp quyền phổ quát./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Đào Trí Úc, Hiến pháp trong đời sống xã hội và quốc gia. In trong sách: Hiến pháp: những vấn đề lý luận và thực tiễn (Sách chuyên khảo), Nxb. ĐHQGHN, 2011.

2.    Hiến pháp: Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Nxb. ĐHQGHN, 2011.

3.    Ngô Huy Cương, Luật Hiến pháp và văn hóa chính trị. Tạp chí: Nghiên cứu Lập pháp, Đặc san Chuyên đề Hiến pháp và các luật về nhà nước, số 1, tháng 4/2001.

4.    Giáo trình Lý luận về quyền con người, Khoa Luật, ĐHQGHN, Nguyễn Đăng Dung – Vũ Công Giao – Lã Khánh Tùng (Chủ biên), Nxb. ĐHQGHN, năm 2011.

5.    Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới (Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp), Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2012.

6.    Holmes, Stephen. Passions and Constraint: On the Theory of Liberal Democracy. Chicago: University of Chicago Press, 1995

Ten years of Democratic Constitutionalism in Central and Easten Europe”. Budapesht, 2001



[2] Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Tập 1, NXB. Chính trị quốc gia sự thật, 2021, trang 174-179.

[3] Lời nói đầu Hiến pháp 1980, Điều 146 Hiến pháp 1992 của nước CHXHCN Việt Nam; Tên gọi của các bản Hiến pháp Liên-xô: Hiến pháp (Đạo Luật cơ bản) của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô viết; Giáo trình Luật Hiến pháp, Trường ĐHL Hà Nội. Nxb. CAND, Hà Nội, 2008, tr.66

[4] Đào Trí Úc, Hiến pháp trong đời sống xã hội và quốc gia. In trong sách: Hiến pháp: những vấn đề lý luận và thực tiễn (Sách chuyên khảo), Nxb. ĐHQGHN, 2011, tr.29.

[5] http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&News=6162&CategoryID=42 (Bài viết: Nhầm lẫn khái niệm Hiến pháp của TS. Nguyễn Sĩ Phương).

[6] Lý Ba, Chủ nghĩa hợp hiến là gì?. In trong sách Về pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến: Một số tiểu luận của các học giả nước ngoài, Nxb. Lao động-xã hội, Hà Nội, tr. 41,43.

[7] Dẫn theo: Ngô Huy Cương, Luật hiến pháp và văn hóa chính trị. In trong sách Hiến pháp: Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Nxb. ĐHQGHN, 2011, tr. 57.

[8] Ngay trong tên gọi của bản Hiến pháp đầu tiên của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết Nga năm 1918 đã viết: Hiến pháp (Đạo Luật cơ bản) của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết Nga. Nguyên văn bằng tiếng Nga: «Конституция (Основной Закон) Российской Социалистической Федеративной Советской Республики (принята V Всероссийским Съездом Советов в заседании от 10 июля 1918 г.)”

[9] Xem: Jay M.Shafrits. tr. 278. (Dẫn theo: Nguyễn Đăng Dung in trong sách Hiến pháp những  vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. ĐHQGHN, tr. 20).

[10] Xem: Lựa chọn công cộng – Một cách tiếp cận nghiên cứu chính sách công. Viện chính trị học, học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, tr. 135.

[11] Barack Obama, Hy vọng và táo bạo, Nxb. Trẻ, tr. 104.

[12] Lý Ba, Sđd tr. 38.

[13] Xem: Jay M.Shafrits. tr. 278. (Dẫn theo: Nguyễn Đăng Dung in trong sách Hiến pháp những  vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. ĐHQGHN, tr. 20

[14] Bởi theo Từ điển “… theo đó quyền cai trị của chính quyền là do người dân giao cho”.

[15] Liên quan đến vấn đề này, tác giả Mai Thái Lĩnh trong bài “Quyền lập Hiến và trưng cầu dân ý” cho rằng, dân có quyền lập hiến không đồng nghĩa với việc dân phải trực tiếp phúc quyết Hiến pháp (http://hienphap.net/2013/05/04/quyen-lap-hien-va-trung-cau-dan-y-mai-thai-linh/)

[16] Theo PGS.TS. Ngô Huy Cương: Không nên coi Hiến pháp chỉ là một văn bản, Bản thân Bản văn Hiến pháp (Hiến pháp thành văn) cũng chỉ là một loại nguồn của Luật Hiến pháp mà thôi. (Xem: Ngô Huy Cương, Luật Hiến pháp và văn hóa chính trị. Tạp chí: Nghiên cứu Lập pháp, Đặc san Chuyên đề Hiến pháp và các luật về nhà nước, số 1, tháng 4/2001.)

[17] Quan điểm của Ph. Lassal nhà cách mạng xã hội người Đức (1825-1864). Trích trong cuốn: “Ten years of Democratic Constitutionalism in Central and Easten Europe”. Budapesht, 2001, p. 33.

[18] Ngô Huy Cương, Luật Hiến pháp và văn hóa chính trị. Tạp chí: Nghiên cứu Lập pháp, Đặc san Chuyên đề Hiến pháp và các luật về nhà nước, số 1, tháng 4/2001.

[19] Cụ thể xem thêm: Lý Ba, Chủ nghĩa hợp hiến là gì? In trong sách chuyên khảo “Về pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến – Một số tiểu luận của các học giả nước ngoài”. Nxb. Lao động – Xã hội, 2012, tr. 41.

[20] Xem Giáo trình Lý luận về quyền con người, Khoa Luật, ĐHQGHN, Nguyễn Đăng Dung – Vũ Công Giao – Lã Khánh Tùng (Chủ biên), Nxb. ĐHQGHN, năm 2011, tr. 87.

[21] Liên quan đến vấn đề này, trong bài viết “Các hình thức dân chủ và việc mở rộng dân chủ ở Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 6 (314), 2014, tr. 35, tác giả Nguyễn Minh Tuấn có viết: “Dân chủ là quá trình hướng tới sự đồng thuận mà thiểu số phải phục tùng đa số còn đa số phải bảo vệ quyền lợi của thiểu số”. Tác giả cho rằng quan niệm này cũng phù hợp với nguyên tắc dân chủ trong Hiến pháp pháp quyền.

[22] Trong cuốn sách chuyên khảo: Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới (Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp), Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2012, tr.19, Nhân quyền được khái quát là một trong sáu chức năng cơ bản của Hiến pháp.

[23] Xem: Jay M.Shafrits. tr. 278. (Dẫn theo: Nguyễn Đăng Dung in trong sách Hiến pháp những  vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. ĐHQGHN, tr. 20

[24] Xem thêm: Mai Văn Thắng, Mô hình phân quyền ở Liên bang Nga // Nghiên cứu lập pháp số 13 tháng 7/2012 (p.1)

[25] Holmes, Stephen. Passions and Constraint: On the Theory of Liberal Democracy. Chicago: University of Chicago Press, 1995, p.5.

[26] Điều 69 của Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp…”

[27] Các điều 2, 3 và điều 6. Hiến pháp năm 2013

[28] Điều 83, Hiến pháp năm 1992.

[29] Khoản 3, Điều 2, Hiến pháp năm 2013.

[30] Điều 119, Hiến pháp năm 2013.

[31] Xem thêm: Bình luận khoa học Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013. NXB Lao động xã hội, 2014, trang 486.

[32] Bùi Tiến Đạt, Học thuyết trình tự công bằng và việc bảo vệ quyền con người: Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam, trong Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 11(291), tháng 6/2015. Xem tại đây:  http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210181

[33] Do mô hình nên rất khó bỏ quy định Quốc hội giải thích Hiến pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.