Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

Trình tự công bằng trong pháp luật Liên bang Nga: Nhận thức và nội dung cốt lõi


 TS. Mai Văn Thắng

Khoa Luật, ĐHQGHN

Nguồn: Chuyên san Luật học

Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, số 36/2020

DOI: https://doi.org/10.25073/2588-1167/vnuls.4330

Tóm tắt: Bài viết luận giải vì sao ở Nga không phổ biến thuật ngữ “due process of law”, nhưng nhận thức, nội dung, các yêu cầu của nguyên tắc ấy vẫn được thể hiện tương đối đầy đủ, toàn diện trong hệ thống pháp luật hiện nay dưới tên gọi khác với nhiều cấp độ, hình thức thể hiện, bảo đảm khác nhau. Qua phân tích trường hợp ở Nga, tác giả muốn khẳng định rằng, trình tự công bằng không nên chỉ dừng lại ở các quy trình, thủ tục tố tụng trước phán quyết/quyết định của cơ quan xét xử, mà còn cần cho cả quy trình, thủ tục thi hành các bản án, phán quyết của tòa án, cần cho các thủ tục, quy trình xử lý vi phạm bởi các chủ thể khác không phải là tòa án và hơn tất cả, để ý nghĩa, mục tiêu cao đẹp của trình tự công bằng đạt được rất cần dung dưỡng “hệ sinh thái” phù hợp với với nó.

Từ khóa: Trình tự công bằng, Liên bang Nga, Hiến pháp, các hình thức tố tụng

 Đọc toàn văn tại đây: https://js.vnu.edu.vn/LS/article/view/4330

1.      Dẫn nhập

“Trình tự pháp luật công bằng” (due process of law) [1] như là nguyên tắc pháp lý không được biết đến rộng rãi ở Nga. Có lẽ là bởi nguyên tắc này được hình thành và phát triển ở truyền thống Thông luật vốn xa lạ với văn hóa pháp luật nước Nga. Nhưng điều này không đồng nghĩa những nội dung cốt lõi của “trình tự không bằng” không hiện hữu trong hệ thống pháp luật quốc gia này.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, người Nga bắt đầu xây dựng thể chế cộng hòa pháp quyền dân chủ liên bang [2]. Các giá trị cốt lõi của phân quyền, quyền, tự do của con người cũng như những nguyên tắc phổ quát của luật quốc tế hiện đại đều được ghi nhận, tôn trọng và ở chừng mực nhất định được bảo vệ, bảo đảm, thúc đẩy.

Hiến pháp Liên bang Nga, về cơ bản, có thuộc tính hiến pháp pháp quyền và trên cơ sở đó nước Nga thiết lập nền dân chủ đa nguyên, phân quyền và hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, hiện đại. Từ các nguyên tắc chung như phân quyền, kiểm soát quyền lực, độc lập tư pháp, chủ quyền nhân dân, quyền con người, tự quản địa phương đến các nguyên tắc, quy định cụ thể như “suy đoán vô tội”, “luật bất hồi tố”, “tố tụng tranh tụng”, “bình đẳng trước luật pháp và tòa án”, “được xét xử bởi một tòa án có thẩm quyền, vô tư, khách quan và kịp thời”, “quyền được xét xử phúc thẩm”, “quyền được bồi thường”… đều đã được ghi nhận đầy đủ và dần hiện thực hóa trong đời sống chính trị-pháp luật.

Điều chứng minh sự hiện hữu của “trình tự pháp luật công bằng” trong luật pháp nước Nga.

Như vậy, với một nguyên tắc được hình thành, phát triển ở Thông luật vốn có nhiều điều khác biệt, “trình tự pháp luật công bằng” được nhận thức, thể hiện như thế nào ở một hệ thống pháp luật đang bước ra từ truyền thống Xô Viết và phát triển theo các giá trị, chuẩn mực của hệ thống pháp luật châu Âu lục địa nhưng vẫn mang trong mình đầy đủ sự đa dạng và nhiều khi là “hỗn tạp” vốn có của một nền văn hóa pháp luật được cho là có sự pha trộn, giằng co giữa châu Á và châu Âu, giữa phương Đông và phương Tây,[3] giữa pháp luật XHCN và châu Âu lục địa, thậm chí có cả bóng dáng của truyền thống pháp luật Á Đông, Luật Hồi giáo… chắc chắn sẽ có nhiều điều cần được nghiên cứu, làm rõ để từ đó có những liên hệ tới Việt Nam trong điều kiện đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập như hiện nay.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.