Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

GIỚI THIỆU SÁCH "THI HÀNH HIẾN PHÁP 2013: THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA"


 Giới thiệu sách tham khảo
"Thi hành Hiến pháp 2013:
Thực trạng và những vấn đề đặt ra"
NXB. CTQGST, 2019
Đồng chủ biên:
Nguyễn Thị Quế Anh
Vũ Công Giao
Nguyễn Hoàng Anh
Mai Văn Thắng
Trong khuôn khổ Chương trình Thạc sĩ “Pháp luật về Quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng”, ngày 28/9/2018, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đánh giá 05 năm thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2013”.
Hội thảo đã thu hút hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học tham gia với hơn 40 tham luận đánh giá những thành tựu nổi bật của 5 năm thi hành Hiến pháp 2013 từ nhiều góc độ, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Các đại biểu tham dự hội thảo cũng thảo luận, chia sẻ quan điểm về những vấn đề đặt ra và đề xuất một số giải pháp khoa học nâng cao hiệu quả thi hành Hiến pháp 2013 trong giai đoạn tới.

Nhằm cung cấp ý kiến tư vấn cho các cơ quan nhà nước và các nhà hoạch định chính sách trong việc tổ chức thực thi Hiến pháp 2013, đồng thời để xây dựng, củng cố hệ thống học liệu cho việc giảng dạy các chuyên ngành đào tạo tại Khoa Luật, đặc biệt là chuyên ngành Luật hiến pháp-luật hành chính; Pháp luật về Quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng; Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi quyết định chọn lọc, biên tập hơn 30 bài viết gửi đến hội thảo nêu trên và bổ sung một số bài viết khác để hình thành cuốn sách này.
Cuốn sách tiếp cận nội hàm của khái niệm thi hành hiến pháp tương đối rộng. Không chỉ dừng lại ở việc đánh giá những hoạt động triển khai thi hành các quy định của Hiến pháp vào thực tiễn, thi hành hiến pháp còn được nhìn nhận từ khía cạnh nhận diện tư tưởng, giá trị và cách hiểu, diễn giải, giải thích tư tưởng, quan niệm, quy phạm, nguyên tắc của hiến pháp trong đời sống xã hội và cộng đồng khoa học.
Chuyên khảo “Thi hành Hiến pháp năm 2013: Thực trạng và những vấn đề đặt ra” là tập hợp các bài viết của các tác giả độc lập cùng luận bàn một vấn đề liên quan đến thi hành Hiến pháp năm 2013, vì vậy để vừa bảo đảm tính đa dạng, tôn trọng quan điểm của các tác giả và tự do học thuật, các đồng chủ biên chỉ hướng tới sắp xếp các bài viết theo trình tự của Hiến pháp năm 2013 và tạm chia cuốn sách này thành ba phần: Phần 1: Thi hành các quy định về hệ thống chính trị; Phần 2: Thi hành các quy định về quyền con người, quyền công dân và các chính sách kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ; Phần 3: Thi hành các quy định về tổ chức bộ máy nhà nước.
Phần thứ nhất là tập hợp các bài viết về quan điểm, cách tiếp cận về chủ nghĩa hiến pháp, nhà nước pháp quyền, nêu rõ tính cần thiết phải tường minh giữa các khái niệm nhà nước pháp quyền, pháp quyền và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhận diện đúng và chuẩn xác các khái niệm này và xây dựng thành công nền tảng của chủ nghĩa hiến pháp, văn hóa hiến pháp được cho là sẽ thể hiện đúng tư tưởng, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, góp phần tích cực thi hành đúng, đầy đủ và toàn diện các quy định tiến bộ của Hiến pháp năm 2013 trong thời gian tới. Ngoài ra, trong phần này, cuốn sách còn đề cập đến việc triển khai các quy định về bầu cử, thi hành các quy định về dân chủ trực tiếp, các nguyên tắc quản trị quốc gia và các quy định liên quan đến một số tổ chức đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam là Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Công đoàn Việt Nam. Các phân tích đã chỉ rõ những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị để chuyển hóa những quy định, tư tưởng tiến bộ của Hiến pháp năm 2013 vào thực tiễn. Bên cạnh đó, các bài viết cũng chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện để thực hiện có hiệu quả hơn các quy định, tư tưởng của Hiến pháp trong thời gian tới.
Ở phần thứ hai, cuốn sách tập hợp những bài viết liên quan đến thực hiện các quy định được ghi nhận ở một trong những phần được cho là tiến bộ nhất của Hiến pháp năm 2013 – Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Những bài viết đã chỉ rõ những việc đã làm được trong thời gian qua trên cơ sở phân tích các nhóm quyền: chính trị, dân sự, văn hóa, xã hội. Trong đó, có thể kể đến các thành tựu nổi bật trong thực thi các quyền thuộc lĩnh vực tư pháp, quyền tự do kinh doanh... Không chỉ dừng lại ở việc đánh giá, phân tích hiện trạng thực thi các quyền, một số bài viết còn nêu quan điểm về cách hiểu, diễn giải về giới hạn quyền, hạn chế các quyền và cách hiểu của quy định “chỉ có thể hạn chế theo quy định của luật” trong Hiến pháp. Vấn đề về trách nhiệm của nhà nước trong thực thi, bảo đảm, bảo vệ các quyền như là một trong những phương tiện bảo đảm thi hành đầy đủ các quyền hiến định cũng đã được đề cập, phân tích. Phần này, ngoài những phân tích liên quan đến các quyền, một số bài viết về thi hành các chính sách kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ cũng được nhóm vào đây bởi tính chất liên quan.
Phần thứ ba là tập hợp các bài viết phân tích việc thi hành các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước. Các bài viết phân tích rất chuyên sâu về việc triển khai thi hành các thiết chế hiến định độc lập và quan trọng trong mô hình tổ chức quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013. Các phân tích đánh giá những thành tựu, chỉ ra những thách thức và đề xuất các giải pháp khoa học để thực thi các quy định về Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Chính quyền địa phương và một số chế định mới như Hội đồng bầu cử quốc gia và vấn đề triển khai thi hành các quy định về cơ chế bảo vệ Hiến pháp.
Do tính chất rộng lớn của vấn đề, cuốn sách này chưa bao quát hết được toàn bộ nội dung của Hiến pháp 2013, đồng thời, những luận giải, phân tích trong một số bài viết mới chỉ mang tính chất khái quát, gợi mở. Điều này có nghĩa là vẫn cần có thêm những công trình nghiên cứu khác để có thể nhìn nhận, đánh giá việc thực thi Hiến pháp 2013 một cách toàn diện, sâu sắc hơn.
Chúng tôi hy vọng cuốn sách sẽ là một tài liệu hữu ích cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức thi hành và nghiên cứu, giảng dạy về việc thi hành Hiến pháp 2013. Trong điều kiện giới hạn về nguồn lực và thời gian, chắc chắn cuốn sách này vẫn còn những hạn chế, thiếu sót. Chúng tôi mong nhận được sự góp ý chân tình của bạn đọc để có thể biên soạn những công trình tốt hơn về lĩnh vực này trong những năm tới đây./.
Sách dày 663 trang, giá bán 247.000VNĐ do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành!
Trân trọng cám ơn các tác giả đã tham gia biên soạn và Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã lựa chọn để xuất bản cuốn sách này!
Trân trọng giới thiệu cùng đồng nghiệp và người học!
Mai Văn Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.