Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

TRÁCH NHIỆM HIẾN PHÁP TRONG BỐI CẢNH CẢI CÁCH PHÁP LUẬT VÀ NHU CẦU KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY



Nguồn ảnh: internet
Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
Nguồn: Tạp chí Luật học
Trường Đại học Luật Hà Nội
Số 5 (228)/2019
Tóm tắt: Bài viết luận giải sự cần thiết thừa nhận trách nhiệm hiến pháp như là loại trách nhiệm pháp lí ở Việt Nam hiện nay. Trách nhiệm hiến pháp, một mặt góp phần khoả lấp những khoảng trống, bất cập của lí luận pháp luật, làm tường minh ranh giới giữa trách nhiệm pháp lí và trách nhiệm chính trị, giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn, mặt khác, góp phần quan trọng hoàn thiện mô hình, phương thức tổ chức quyền lực nhà nước ở Việt Nam theo định hướng pháp quyền, dân chủ, thúc đẩy phân quyền và đặc biệt hỗ trợ đắc lực trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam.
Từ khóa: Cải cách pháp luật; kiểm soát quyền lực; trách nhiệm hiến pháp.

CONSTITUTIONAL LIABILITY IN THE CURRENT CONTEXT OF LEGAL REFORM AND THE NEED
FOR CONTROLLING STATE POWER IN VIETNAM
Abstract: The article argues for the necessity of recognising constitutional libalibity as a legal liability in Vietnam. Constitutional liability, on the one hand, fills the gaps and shortcomings in legal theory, clarifies the boundary between legal liability and political liability, and thus resolving various problems arising in practice; on the other hand, it greatly contributes to improving the models and methods of organising state power in Vietnam in adherence to the rule of law and democracy orientation, thereby enhancing power separation and especially assisting in the process of state power control in Vietnam.
Key words: Constitutional liability, Power control, Constitutional violation, Legal liability




Ở những nước theo truyền thống pháp luật xã hội chủ nghĩa trước kia, thông thường vấn đề trách nhiệm hiến pháp (TNHP) rất ít khi được đặt ra. Điều này được lí giải bởi vai trò không rõ nét với bản chất mang đậm tính tuyên ngôn chính trị([1]) của Hiến pháp trong đời sống xã hội. Những gì thuộc về TNHP thường được bảo đảm và thay thế khá hiệu quả bằng trách nhiệm chính trị của các đảng viên, tổ chức cơ sở đảng và của chính đảng theo lí tưởng cộng sản được biết đến với sự chặt chẽ, kỉ luật trong tổ chức và hoạt động trên nền tảng tập thể lãnh đạo và tập trung dân chủ. Ở Liên Xô, những tranh luận về TNHP chỉ thực sự sôi nổi vào cuối thập niên 80 của thế kỉ XX và gắn với công cuộc cải tổ ở quốc gia này.([2])
Ngược lại, ở nước Nga thời hậu Xô Viết, trong bối cảnh xây dựng xã hội pháp quyền, dân chủ, những vấn đề về TNHP được nghiên cứu, bàn luận nhiều trong khoa học lí luận về pháp luật, khoa học luật hiến pháp (luật nhà nước)([3]) và các khoa học về chính trị...([4]) Ở những quốc gia có truyền thống pháp luật Thông luật (Common law) hoặc Dân luật (Civil law), do lí thuyết về trách nhiệm pháp lí không theo cơ chế phân ngành và nền dân chủ khá phát triển, nghiên cứu về TNHP thường không được quan tâm nhiều hoặc nếu có thì thường được đề cập trong những nghiên cứu về trách nhiệm pháp lí nói chung hoặc những nghiên cứu về hiến pháp, bảo hiến.([5])
Cần nhận thức rằng, pháp luật của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) hoặc ảnh hưởng của pháp luật XHCN có xu hướng phân ngành rất rõ.([6]) Vì vậy, việc tách bạch nghiên cứu trách nhiệm pháp lí của từng ngành luật, về lí thuyết, đúng ra phải có vị trí, ý nghĩa quan trọng. Trước đây, pháp luật XHCN có lí do để hạn chế đề cập vấn đề này. Tuy nhiên, trong bối cảnh cải cách pháp luật ở nhiều quốc gia theo mô hình XHCN hiện nay, cùng với nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, hướng tới minh bạch, quản trị tốt, kiểm soát quyền lực hiệu quả để hội nhập thành công, phát triển nhanh, bền vững, TNHP trở nên đặc biệt quan trọng và cấp thiết. Bởi lẽ chế định trách nhiệm mới này không chỉ phù hợp với tư duy phân ngành chịu ảnh hưởng từ truyền thống pháp luật XHCN, mà còn góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng xã hội pháp quyền, thiết lập công cụ, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đặc biệt là kiểm soát từ bên trong. Bên cạnh đó, TNHP cũng sẽ góp phần quan trọng xây dựng cơ sở pháp lí giúp Đảng kiểm soát việc thực thi quyền lực, kiểm tra, giám sát cơ quan, tổ chức, cán bộ và đảng viên một cách hiệu quả trong điều kiện mới ở Việt Nam hiện nay.([7]) Bài viết này tập trung tìm lời giải cho những luận điểm ấy.
1. Bản chất của trách nhiệm hiến pháp và sự cần thiết, ý nghĩa của nó đối với lí luận và thực tiễn pháp luật ở Việt Nam hiện nay
1.1. Bản chất của TNHP
Ở Việt Nam, TNHP đã được đề cập trong một số nghiên cứu của các tác giả như Nguyễn Đăng Dung, Bùi Ngọc Sơn, Đặng Minh Tuấn([8]) và một số học giả khác chuyên về luật hiến pháp và lí luận pháp luật. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến bản chất, đặc điểm của TNHP thì dường như chưa được đề cập một cách đầy đủ, toàn diện. Nghiên cứu rõ ràng nhất về vấn đề này là bài viết “Bàn về lập hiến” của tác giả Bùi Ngọc Sơn.([9]) Trong bài viết này, tác giả phân tích một số khía cạnh lí luận của TNHP và một số chủ thể của TNHP. Tuy nhiên, bài viết chưa bàn đến mối liên hệ của TNHP với kiểm soát quyền lực nhà nước. Ngoài bài viết này, các nghiên cứu khác ở Việt Nam chủ yếu tập trung về chủ nghĩa hiến pháp, cơ chế bảo hiến hoặc gần hơn là nghiên cứu về tố tụng hiến pháp.
Các tranh luận về TNHP ở Liên Xô và Nga giai đoạn đầu cải tổ tập trung về bản chất, đặc điểm của TNHP, thậm chí còn đặt vấn đề có cần thiết phải thừa nhận một loại trách nhiệm pháp lí mới là TNHP không hay chỉ cần những loại trách nhiệm pháp lí hiện có như trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỉ luật là đủ.([10]) Sau thời kì cải cách, nước Nga hiện đại đã thừa nhận TNHP và tố tụng hiến pháp như là cơ chế trách nhiệm pháp lí riêng biệt để giải quyết khoảng trống về cơ chế trách nhiệm cho những vi phạm hiến pháp trong điều kiện lí thuyết pháp lí phân theo ngành.
Xét về mặt bản chất, TNHP cần được công nhận là một loại trách nhiệm pháp lí độc lập bởi những đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, TNHP là một loại trách nhiệm pháp lí độc lập biểu hiện trong quan hệ luật hiến pháp và được quy định bởi luật hiến pháp. TNHP được thiết kế để bảo đảm cho các quan hệ cơ bản nhất, chung nhất – các quan hệ là đối tượng điều chỉnh của ngành luật hiến pháp.
Có quan niệm cho rằng, hiến pháp là luật khung, quy định cơ bản và chung nhất nên sự bảo đảm cho các quy định ấy đã thể hiện trong các loại trách nhiệm pháp lí chuyên ngành, gồm: trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỉ luật, trách nhiệm vật chất. Tuy nhiên, khi nghiên cứu các quy định của luật hiến pháp, dễ nhận thấy có nhiều loại quan hệ, hành vi chưa được bảo đảm hoặc nằm ngoài phạm vi của các loại trách nhiệm pháp lí chuyên ngành hiện có hoặc đã có nhưng chưa được gọi tên theo đúng bản chất vốn có của nó. Chẳng hạn, việc miễn hoặc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, HĐND cùng các thủ tục liên quan là quan hệ pháp lí chứ không phải chỉ là các quan hệ chính trị. Đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu là dự kiến, đề xuất của tổ chức, cơ quan và mang tính chính trị nhưng thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội là quan hệ của luật hiến pháp, không phải quan hệ chính trị và cũng không phải phạm vi trách nhiệm kỉ luật. Đại biểu Quốc hội không đơn thuần chỉ là thành viên của cơ quan, tổ chức (Quốc hội, đoàn đại biểu, uỷ ban…), mà còn là đại diện dân cử, đại diện của quyền, lợi ích, tiếng nói cộng đồng dân cư, mối quan hệ giữa chủ quyền quốc gia và chủ quyền nhân dân, là đại diện cho dân, cộng đồng trong quan hệ quyền lực công. Quan hệ đó lớn hơn quan hệ nội bộ của một cơ quan, tổ chức và cũng không hoàn toàn là quan hệ giữa đảng viên (đại biểu là đảng viên) với tổ chức cơ sở đảng của mình….
Một ví dụ khác: Uỷ ban thường vụ Quốc hội có thể ban hành văn bản đình chỉ hoặc bãi bỏ văn bản của HĐND cấp tỉnh trái luật, nghị quyết của Quốc hội... Đây là thủ tục và biện pháp pháp lí thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hiến pháp, không phải của bất kì ngành luật nào khác và càng không phải đơn thuần là các quan hệ chính trị…
Một điểm khá đặc biệt của TNHP là ở chỗ đây là loại trách nhiệm được áp dụng trong rất nhiều trường hợp để chống lại các hành vi vi phạm các quy phạm mang tính chất nguyên tắc, quy phạm mục đích. Nếu ở các ngành luật khác, các vi phạm thường là vi phạm quy phạm cụ thể, chi tiết thì với bản chất của một văn bản cơ bản nhất, chung nhất và nền tảng nhất, nhiều biện pháp TNHP được tìm thấy hay vận dụng cho những vi phạm nguyên tắc chung của Hiến pháp.
Thứ hai, TNHP thể hiện rõ tính chất chính trị nhất nhưng không trùng khít và không phải là trách nhiệm chính trị.([11])
Nếu các loại trách nhiệm pháp lí khác thông thường được tách bạch, thậm chí loại trừ những tác động về chính trị, cấm thể hiện động cơ chính trị trong các phán quyết, biện pháp cưỡng chế được áp dụng thì TNHP lại là loại trách nhiệm pháp lí thể hiện rõ tính chất chính trị và nhiều khi mang tính chất, động cơ hoặc là hệ quả của hoạt động chính trị. Chẳng hạn, việc đề nghị bầu Thủ tướng Chính phủ thường gắn liền với hoạt động chính trị. Việc bỏ hay lấy phiếu tín nhiệm gắn liền với hoạt động chính trị (đặc biệt là các quốc gia phương Tây) nhưng thủ tục tiến hành, áp dụng các biện pháp xử lí và sử dụng kết quả đó luôn có cơ sở pháp lí là nguồn của luật hiến pháp.
Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, dù có động cơ chính trị hay mang đậm màu sắc chính trị thì TNHP vẫn là một loại trách nhiệm pháp lí chứ không phải là trách nhiệm chính trị. Sự tách bạch này cần phải được nhận thức dựa trên quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ được các quy phạm hiến pháp điều chỉnh hay không điều chỉnh và thủ tục tiến hành, áp dụng các biện pháp thuộc TNHP phải là thủ tục được thể hiện trong quy phạm luật hiến pháp.
Thứ ba, TNHP có nhiều điểm “gần gũi” với các loại trách nhiệm pháp lí chuyên ngành nhưng không trùng khớp mà khác về bản chất và mục đích áp dụng.
Sự “gần gũi” của THNP với các loại trách nhiệm pháp lí chuyên ngành khác thể hiện trước hết ở hành vi vi phạm. Không khó nhận thấy có một số hành vi vi phạm trật tự hiến định được xem xét và quy định ở luật chuyên ngành, chẳng hạn, các tội phản bội Tổ quốc, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội bạo loạn, tội phá hoại chính sách đoàn kết, tội khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân…([12]) Những hành vi kể trên cũng xâm phạm những quy định của hiến pháp, vi phạm các nguyên tắc, trật tự hiến định. Sự gần gũi về cấu thành vi phạm cũng có thể xảy giữa trách nhiệm vật chất, trách nhiệm kỉ luật với TNHP, đặc biệt khi chủ thể luật hiến pháp nằm trong tổ chức, cơ quan nào đó.
Có thể tạm giải thích là vì Hiến pháp luôn là văn bản luật điều chỉnh những quan hệ chung nhất, bao quát nhất và đồng thời cũng là nền tảng của hệ thống pháp luật quốc gia. Tuy nhiên, sự trùng hợp giữa TNHP và các loại trách nhiệm chuyên ngành khác là không thể xảy ra và không được phép xảy ra.
Sự khác biệt cũng nằm ở mục đích của việc áp dụng trách nhiệm pháp lí và thủ tục tiến hành. Nếu như đối với các chủ thể thực hiện tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm chế độ hiến định nói trên, việc áp dụng trách nhiệm pháp lí có mục đích đưa ra hình phạt đối với các vi phạm cụ thể và khôi phục lại quyền đã bị xâm phạm thì TNHP pháp lại có mục đích khác. TNHP “có bản chất và cũng là mục đích thiết lập hệ thống các bảo đảm pháp lí hiệu quả ngăn chặn sự tập trung quyền lực, tạo lập cơ chế vận hành quyền lực một cách cân bằng và được kiểm soát, ngăn ngừa lạm dụng quyền lực trong nhà nước pháp quyền, dân chủ”.([13]) Trong trường hợp xâm phạm trật tự hiến định, an ninh quốc gia kể trên, TNHP có mục đích thiết lập các cơ chế pháp lí để phòng ngừa và chống lại các vi phạm đó (giám sát của quốc hội, Nghị viện, Ombudsmen, Impeachment...). Bên cạnh đó, TNHP còn có mục đích thiết lập hệ thống thống nhất các điều kiện thực hiện hiệu quả chủ quyền, quyền làm chủ của người dân mà hiến pháp đã định. 
Thứ tư, cơ sở áp dụng TNHP là nguồn của luật hiến pháp và chỉ bao gồm hiến pháp, các đạo luật về tổ chức (hay luật hiến pháp),([14]) văn bản mang tính hiến định của quốc hội, nghị viện, các văn bản giải thích hiến pháp của các cơ quan có thẩm quyền, của các thiết chế tài phán hiến pháp. Cơ sở truy cứu TNHP không thể là các văn bản như nghị định, thông tư điều chỉnh lĩnh vực cụ thể, quản lí nhà nước hay quy chế tổ chức nội bộ của quốc hội, nghị viện hay chính phủ…
Thứ năm, TNHP được các chủ thể của luật hiến pháp áp dụng và áp dụng cho các chủ thể luật hiến pháp.([15]) Các chủ thể này thường có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước và có những đặc quyền, được miễn trừ đối với nhiều loại trách nhiệm pháp lí thông thường khác.
Thứ sáu, TNHP thể hiện ở cả các chế tài pháp lí hiến pháp cụ thể hoặc cũng có thể ở các biện pháp khác bảo đảm trật tự hiến định hoặc khôi phục lại quan hệ luật hiến pháp bị xâm phạm.
Chẳng hạn, có thể có các chế tài hoặc biện pháp được áp dụng khi có vi phạm luật hiến pháp như: công nhận văn bản, quy định nhất định vi hiến, đình chỉ hiệu lực; bãi bỏ hay huỷ bỏ một văn bản trái hiến pháp; bãi nhiệm, miễn nhiệm, phế truất nguyên thủ hay chức vụ cao cấp của nhà nước; bất tín nhiệm chính phủ hay thành viên chính phủ; tước quyền, tạm đình chỉ chức vụ nhất định; thậm chí có cả các chế tài rất gần gũi với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỉ luật như huỷ bỏ quyết định cho nhập quốc tịch vì vi phạm luật quốc tịch; từ chối đăng kí cho tổ chức nào đó, đơn vị bầu cử nào đó; tước bỏ danh hiệu, phần thưởng cao quý của nhà nước…
1.2. Sự cần thiết và ý nghĩa của TNHP đối với lí luận và thực tiễn pháp luật ở Việt Nam
Công nhận TNHP như là chế định pháp lí chính thức không phải là ý chí chủ quan, sáng tạo của các nhà nghiên cứu, nhà lập pháp, nhà chính trị mà phản ánh sự phát triển, nhu cầu khách quan của xã hội hiện đại. Nếu trước đây, hiến pháp của nhiều nước, đặc biệt là các nước XHCN, như đã đề cập, chủ yếu mang tính chất tuyên ngôn, đậm chất chính trị, ít tính pháp lí thì nay đã trở thành văn bản luật hiệu lực trực tiếp, có giá trị pháp lí cao nhất, được viện dẫn trong giải quyết các vụ việc thực tế. Khi hiến pháp đã trở thành văn bản áp dụng trực tiếp và luật hiến pháp là ngành luật độc lập, cần phải có các công cụ, các quy phạm bảo đảm riêng cho sự uy nghiêm của nó cũng như sự tuân thủ các quy định hiến pháp trên thực tế, đặc biệt trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền.
Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận tố tụng hiến pháp như là hệ quả tất yếu của việc thừa nhận bảo hiến là công cụ bảo vệ tính tối thượng của hiến pháp nhằm hướng tới trật tự pháp quyền. Bảo hiến làm nảy sinh nhu cầu đối với loại hình tố tụng mới mà trước đây ở các nước còn theo truyền thống pháp luật XHCN không có.([16]) Sự xuất hiện của tố tụng hiến pháp, theo quy luật khách quan, sẽ đồng hành với nhu cầu đối với TNHP.
Việt Nam hiện chưa có cơ chế bảo hiến rõ ràng được luật định. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng đã uỷ quyền cho Quốc hội ban hành luật để thiết lập cơ chế này.([17]) Đây là một trong những tiền đề quan trọng phát sinh quy trình, thủ tục tố tụng hiến pháp. Điều này đồng nghĩa với tính tất yếu của TNHP ở nước ta trong thời gian tới.
Ngoài ra, giá trị của hiến pháp ngày càng được khẳng định như là công cụ hữu hiệu để hạn chế và kiểm soát sát quyền lực nhà nước, ngăn ngừa sự tuỳ tiện của quyền lực nhà nước, bảo vệ nhân quyền.([18]) Dân chủ, nhân quyền, phân quyền được thừa nhận và phổ biến như là những xu hướng phát triển cơ bản của thế giới hiện đại cũng làm cho hiến pháp, theo lẽ rất tự nhiên, trở nên có vai trò, vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật và đời sống chính trị của mỗi quốc gia.
Để bảo vệ sự tối thượng của hiến pháp và nền tảng pháp quyền, ngoài việc thiết lập cơ chế bảo hiến, các quy trình, thủ tục, các xã hội hiện đại đã thừa nhận TNHP và coi đó là thiết chế hữu hiệu không chỉ đối với bảo vệ hiến pháp mà còn như là công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước hiện đại.
Việt Nam không nằm ngoài quy luật phát triển đó và trong những thập niên gần đây được coi là quốc gia hội nhập tích cực, chủ động vào đời sống quốc tế. Các xu hướng phổ biến, hiện đại trên thế giới cũng vì thế mà có những ảnh hưởng, tác động đến đời sống chính trị và pháp luật Việt Nam. Những điểm mới của tư duy lập hiến, xu hướng pháp quyền, nhân quyền, phân quyền thể hiện trong quá trình xây dựng, ban hành và triển khai Hiến pháp năm 2013 là những minh chứng rõ nét cho sự phát triển của đời sống pháp luật, của tư duy pháp quyền và manh nha của chủ nghĩa hiến pháp ở nước ta.
Tuy nhiên, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 vẫn còn có những vấn đề chưa được giải quyết triệt để nhằm định hình chủ nghĩa hiến pháp thực sự, một Hiến pháp mạnh có hiệu lực trực tiếp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp chưa được minh định, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được cụ thể hoá đã làm cho Hiến pháp chưa phát huy hết vai trò, sứ mệnh vốn có của nó cũng như làm thoả mãn sự kì vọng của đảng, nhà nước và nhân dân.
Bên cạnh những vấn đề của cơ chế bảo hiến, trong cả quy định lẫn thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập, nhập nhằng về chế độ trách nhiệm, cơ chế truy cứu trách nhiệm của các thiết chế hiến định và mối quan hệ quyền lực, kiểm soát, phân định quyền lực giữa các thiết chế ấy còn có bất cập dễ bị khai thác, lạm dụng. Trong nhiều trường hợp, việc chậm ban hành luật, văn bản dưới luật hay việc ban hành văn bản luật, văn bản dưới luật vi phạm trình tự, thủ tục, trái với tinh thần Hiến pháp, trái với văn bản luật hoặc việc lạm quyền, tranh chấp quyền của các chủ thể pháp luật hiến pháp… chưa được giải quyết bằng các thủ tục pháp lí, chưa xác định được trách nhiệm pháp lí cụ thể hoặc mới chỉ dừng lại ở khiển trách, kiểm điểm, phê bình hoặc cao hơn là dùng các biện pháp mang tính chính trị để giải quyết các vấn đề pháp lí… hoặc những vấn đề pháp lí chưa được pháp luật “lường trước” để điều chỉnh nếu phát sinh. Đơn cử như các vấn đề liên quan đến những hành vi vi phạm dưới dạng “không hành động” của các chủ thể luật hiến pháp; thủ tục giải quyết đối với các chức danh cao cấp trong Nhà nước, Quốc hội… khi bị tuyên phạm các tội nằm ngoài phạm vi quyền bất khả xâm phạm, quyền được miễn trừ; xung đột và tranh chấp thẩm quyền giữa các thiết chế quyền lực ở trung ương và chính quyền địa phương, vi phạm cam kết của chính quyền với cộng đồng địa phương, việc lạm quyền của chủ thể luật hiến pháp (ví dụ như lạm quyền của chủ tịch UBND tỉnh, của các bộ trưởng…)
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, ở nước ta có những vấn đề mang tính chất pháp lí lại được giải quyết bằng biện pháp chính trị bởi chưa có cơ chế pháp lí để giải quyết hoặc có nhưng chưa rõ ràng, đủ mạnh, hiệu quả. Điều này được lí giải bởi nhiều nguyên nhân: Một là nhiều vấn đề không nằm trong phạm vi của trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỉ luật nên không thể áp dụng các loại trách nhiệm này (chưa có công cụ pháp lí phù hợp); hai là ở một mức độ nào đó, chưa có sự tường minh giữa quan hệ hiến pháp và quan hệ chính trị, chưa có được tư duy pháp quyền đầy đủ. Nhiều giải pháp, cách thức vận dụng trên thực tế hiện nay được đánh giá là khá hay nhưng tiềm ẩn nguy cơ và có thể nguy hại cho trật tự pháp quyền nếu công cụ ấy không được các chủ thể chính trị sử dụng một cách phù hợp với các chuẩn mực chính trị, đạo đức. Trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền hội nhập quốc tế, quyết tâm xây dựng nền quản trị hiện đại, kiểm soát quyền lực, việc dùng các phương tiện chính trị để giải quyết các vấn đề pháp lí có nhiều rủi ro, chưa thật sự phù hợp với các chuẩn mực và giao lưu quốc tế. Điều này cần được giải quyết sớm và một trong những phương thức quan trọng là nhận diện chính xác bản chất, vị trí, vai trò và thừa nhận TNHP.
Nghiên cứu các loại nguồn của luật hiến pháp ở nước ta chỉ ra rằng, trên thực tế đã có rất nhiều biện pháp mang tính chất TNHP và không thuộc bất kì loại trách nhiệm pháp lí nào. Chẳng hạn, đã có những quy định về bãi nhiệm (bao gồm cả trường hợp đã được tuyên phạm tội hình sự…), miễn nhiệm đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; đã có những quy định về trách nhiệm giải trình, báo cáo, trả lời chất vấn của các chủ thể do Quốc hội, HĐND các cấp bầu, phê chuẩn và có thể bị bỏ phiếu tín nhiệm… Các quy định ấy không phải là trách nhiệm chính trị, cũng không phải là trách nhiệm kỉ luật hay là một loại trách nhiệm pháp lí truyền thống khác. Dù chưa được gọi tên nhưng những biện pháp áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định ngành luật hiến pháp đó, về bản chất là TNHP.
2. Trách nhiệm hiến pháp và vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước
Dù còn tranh luận về nhiều vấn đề, song hầu hết những nghiên cứu về TNHP đều thống nhất TNHP có mục đích (mang tính bản chất) thiết lập hệ thống các bảo đảm pháp lí hiệu quả ngăn chặn sự tập trung quyền lực, tạo lập cơ chế vận hành quyền lực một cách cân bằng và được kiểm soát, ngăn ngừa lạm dụng quyền lực trong nhà nước pháp quyền, dân chủ. Thừa nhận và áp dụng TNHP sẽ góp phần tạo lập cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện mô hình tổ chức quyền lực, tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực và lần đầu tiên đã hiến định nguyên tắc “kiểm soát” quyền lực. Tuy vậy, việc chưa nhận thức rõ, chưa tách bạch được TNHP với trách nhiệm chính trị và các trách nhiệm pháp lí khác đã làm cho cơ chế kiểm soát quyền lực ở nước ta chưa thực sự hiệu quả như mong đợi của Đảng, nhà nước và nhân dân. Có không ít những vi phạm pháp luật (vi phạm hiến pháp) chưa có cơ chế pháp lí hiệu quả, phù hợp để xử lí, lộ ra những khoảng trống pháp lí, tạo kẽ hở lạm dụng quyền lực và trở thành tiền lệ bất lợi cho nhà nước pháp quyền, hội nhập và phát triển.
Để làm rõ mối liên hệ giữa kiểm soát quyền lực và TNHP, cần phải nhận diện đúng bản chất là TNHP hoặc ít nhất là dự liệu trước để qua đó có được công cụ hữu hiệu kiểm soát quyền lực nhà nước – vấn đề đang nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, nhà nước và xã hội.
Thứ nhất, hiện hữu hoặc nguy cơ hiện hữu các vi phạm hiến pháp, vi phạm các quy định trong các văn bản là nguồn của luật hiến pháp, xâm phạm trật tự hiến định hoặc không tuân thủ, không thực hiện nghĩa vụ được Hiến pháp cũng như các văn bản là nguồn của luật hiến pháp đã quy định.
Khoản 1 Điều 119 Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định: “Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều phải bị xử lí”.
Như vậy có nghĩa là đã có sự thừa nhận hiện diện của một loại vi phạm pháp luật - vi phạm hiến pháp. Tuy nhiên, có thể có những vi phạm được xử lí bằng các quy định pháp luật chuyên ngành nhưng không phải lúc nào mọi hành vi vi phạm, không thực hiện hay không tuân thủ hiến pháp cũng đã được pháp luật định sẵn cơ chế xử lí phù hợp, chẳng hạn:
- Không ban hành, ban hành chậm (nợ, đọng) các văn bản luật triển khai thi hành các quyền, cụ thể hoá luật, giải thích luật được Hiến pháp, các văn bản luật uỷ quyền mà không có lí do chính đáng, gây thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, xã hội, làm chậm sự phát triển chung của xã hội… Hiện nay, ở nước ta cơ chế trách nhiệm giải trình, xử lí trách nhiệm về vấn đề này chưa thật sự rõ ràng. Hành vi vi phạm, không tuân thủ ở đây chủ yếu thể hiện ở dạng không hành động và do chủ thể Luật hiến pháp thực hiện, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức mà đối với các chủ thể này không thể áp dụng trách nhiệm hình sự.([19]) Trách nhiệm chính trị ở đây trên thực tế khó hiệu quả, đặc biệt đối với những chức danh, tổ chức, cơ quan có vị trí, ảnh hưởng lớn trong hệ thống công quyền và còn do tính chất kém tính minh bạch, phụ thuộc nhiều vào năng lực tổ chức cơ sở đảng và người đứng đầu.
- Luật, văn bản dưới luật được thông qua, có hiệu lực (hoặc chưa có hiệu lực) nhưng phát hiện có nhiều sai sót, lỗi về kĩ thuật lập pháp… Trách nhiệm chính trị trong trường hợp này là đương nhiên nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì không làm thoả mãn người dân và xã hội, không thể hiện được sự minh bạch và tính pháp quyền. Trong trường hợp văn bản có hiệu lực gây thiệt hại thì phải bồi thường nhưng nếu không có TNHP thì chỉ áp dụng trách nhiệm chính trị. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại là trách nhiệm chính trị (hoặc không thể xử lí trách nhiệm hình sự nếu là cơ quan, tổ chức) thì không tương xứng và không phù hợp với bản chất pháp lí của hành vi và thiệt hại gây ra. Nếu làm được, rõ ràng sẽ có cơ chế kiểm soát quyền lực, tránh lạm quyền hoặc thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. 
- Để kiểm soát quyền lực nhà nước được hiệu quả, cũng cần có những dự liệu cho trường hợp ít khi ngờ tới. Dù không muốn bất cứ bất trắc nào xảy ra nhưng cơ chế pháp lí đối với trường hợp giả định như tuyên thệ không đúng, cố tình không tuyên thệ, cố tình chậm hoặc trì hoãn giới thiệu nhân sự để bầu, phê chuẩn theo quy định cũng cần được xem xét. Trong các trường hợp đó, trách nhiệm chính trị rõ ràng là không đủ, không hiệu quả và cơ chế TNHP sẽ là công cụ ngăn ngừa hiệu quả những hành vi này, giúp ổn định chính trị, bảo vệ quyền lực nhà nước.
- Có thể xảy ra những vi phạm liên quan đến tham gia các hoạt động kinh doanh, mua bán cổ phiếu, tham gia các hoạt động có trả lương khác, nhận huân huy chương của các tổ chức, cá nhân trái quy định của các chủ thể luật hiến pháp (các trường hợp ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức) mà theo quy định là bị cấm thực hiện. Những hành vi này trên thực tế không phải là không có nhưng chưa có cơ chế hữu hiệu để thực hiện, đặc biệt đối với các chủ thể của luật hiến pháp nắm giữ các chức vụ cấp cao trong bộ máy công quyền hoặc có được những đặc quyền miễn trừ truy tố, đặc quyền bất khả xâm phạm…
 Thứ hai, nhóm hành vi phạm hoặc không tuân thủ những quy định hiến định về quyền con người của các chủ thể luật hiến pháp.
Quyền con người là một trong những chế định thực sự tiến bộ, đột phá của Hiến pháp năm 2013 so với các bản hiến pháp trước đó của Nhà nước ta. Tuy nhiên, các quy định đó, đặc biệt là các quy định về giới hạn quyền, luôn có nguy cơ bị xâm phạm. Trên thực tế, ở nhiều quốc gia, các thiết chế hiến định để bảo vệ quyền con người như thanh tra nhân quyền, các thiết chế “Ombudsmen” hoặc quy định chi tiết về các tổ chức bảo vệ nhân quyền, cơ chế vận hành hệ thống bảo đảm quyền con người trong các trường hợp đặc biệt như ban bố tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh… vận hành khá hiệu quả, giúp cho các vi phạm nhân quyền bị hạn chế hoặc nếu có vi phạm thì cũng bị phát giác, truy cứu. Ở Việt Nam, những cơ chế đó chưa được thiết lập hoặc chưa được quy định cụ thể, khiến cho việc hạn chế quyền con người luôn có nguy cơ bị lạm dụng. Ngay cả trong trường hợp có lạm dụng thì cơ chế chịu trách nhiệm pháp lí vẫn chưa thực sự rõ ràng. Trên thực tế, vi phạm quyền con người luôn có ở mọi quốc gia, tuy nhiên vi phạm của các chủ thể luật hiến pháp thường là nguy hiểm nhất, hậu quả nặng nề nhất nhưng cũng khó xử lí nhất. Trong các trường hợp này, TNHP là công cụ hữu hiệu vừa là để ngăn ngừa, vừa để xử lí vi phạm.
Thứ ba, phòng ngừa hành vi lạm quyền, vượt quá quyền lực được hiến định của chủ thể luật hiến pháp.
Đây là một trong những vấn đề được bàn luận nhiều trong thời gian qua. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa qua có cam kết với người dân Đồng Tâm là một ví dụ.([20]) Thành phố có được quyền cam kết với người dân địa phương những nội dung đó không và cam kết thì được cam kết những gì, cơ chế thực hiện cam kết là gì vẫn chưa được tường minh. Dư luận đánh gia cao sự dũng cảm và vào cuộc mạnh mẽ của người đứng đầu chính quyền Hà Nội để tháo gỡ, giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, còn có nhiều tranh luận về nền tảng pháp lí của cam kết đó, thậm chí còn có câu hỏi về thẩm quyền, trách nhiệm pháp lí của cam kết… Rõ ràng, vẫn chưa có cơ chế pháp lí hữu hiệu giải quyết vấn đề này. Trên phương diện khác, đối với vụ việc ở Đồng Tâm thì động cơ kí cam kết rõ ràng trong sáng, hướng tới giải quyết ổn thoả và bình ổn tình hình nhưng nếu ở một vụ việc tương tự khác, cam kết của người đứng đầu chính quyền không có động cơ tốt như vậy… thì trách nhiệm sẽ là gì, trình tự, thủ tục truy cứu sẽ như thế nào? Trong các trường hợp ấy, nếu chưa vi phạm quy định của pháp luật hình sự thì khả năng và phương án xử lí về mặt pháp luật vẫn sẽ còn bỏ ngỏ.
Thứ năm, hành vi của chủ thể luật hiến pháp đề nghị, trao hoặc tước danh hiệu cao quý nhà nước sai quy định.
Hành vi này hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế. Không bàn ở khía cạnh vi phạm kỉ luật mà bàn ở góc độ Luật hiến pháp thì thấy vấn đề vẫn chưa rõ ràng về trách nhiệm. Nếu người thẩm định là công chức thì không có vấn đề gì cần bàn vì đã có những công cụ pháp lí khác và trách nhiệm kỉ luật. Tuy nhiên, nếu vi phạm lại là hành vi của cán bộ cao cấp, là bộ trưởng và thậm chí cao hơn bộ trưởng thì lại chưa có cơ chế xử lí thấu đáo. Hiện nay, cơ chế trách nhiệm chính trị vẫn được phát huy trong các vi phạm kiểu này nhưng cần phải rõ ràng hai loại trách nhiệm: Trách nhiệm chính trị trước Đảng vẫn phải thi hành và trách nhiệm trước Nhà nước, TNHP càng không được bỏ qua.
Thứ sáu, mất tín nhiệm, mất niềm tin theo quy định của Hiến pháp.
Việt Nam hiện nay đã thực hiện các quy định về lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, đây là quy trình mang tính cảnh báo, phòng ngừa và răn đe nhiều hơn là quy định mang tính chất chế tài. Hiện nay, có lẽ sau khi bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm mà vẫn thấp thì sẽ cho thôi chức vụ nhưng quy trình pháp lí như thế nào chưa thật tường minh. Rõ ràng với quy định mới về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu thì Việt Nam tiệm cận với thế giới về các hình thức của TNHP nhưng trong thực tiễn và lí luận vẫn chưa đặt tên cho các hình thức này. Miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội chưa được gọi tên là loại trách nhiệm pháp lí gì nếu không thừa nhận là TNHP? Thiết nghĩ, những quy định của luật hiến pháp phải là TNHP chứ không nên là trách nhiệm chính trị. Đến lúc cần thừa nhận TNHP bởi nó đã tồn tại trong pháp luật hiện hành.
Thứ bảy, cần dự liệu công cụ và biện pháp pháp lí cho việc xử lí đối với bên vi phạm, bên gây thiệt hại trong quá trình giải quyết những tranh chấp về thẩm quyền hoặc những tranh chấp khác giữa cơ quan nhà nước ở trung ương với nhau hoặc với chính quyền địa phương hoặc giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau.
Thiết lập các cơ chế, quy trình để xử lí các trường hợp như trên luôn được lường trước để xử lí ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi việc phân định thẩm quyền dù có rõ ràng đến mấy cũng luôn có những va chạm, xung đột, chồng chéo trên thực tế. Những va chạm, xung đột, chồng chéo có thể là luật không phân định rõ về thẩm quyền, có sự chồng lấn về quyền trong những quy định phân quyền, chính quyền trung ương lạm quyền trong một số trường hợp và can thiệp vào tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, chính quyền trung ương hoặc chính quyền cấp trên vi phạm pháp luật, chính quyền cấp trên hoặc chính quyền trung ương có những kết luận thanh, kiểm tra([21]) mà chính quyền địa phương không chấp nhận và cho rằng bất hợp pháp, thiếu cơ sở hay trường hợp giao hoặc uỷ quyền nhưng không giao phương tiện để thực hiện…
Hiện nay, Luật tổ chức chính quyền địa phương đã có nhiều những quy định về phân quyền, phân cấp, uỷ quyền và có những nguyên tắc khi xung đột thẩm quyền, chồng chéo về thẩm quyền để giải quyết. Tuy nhiên, những tranh chấp hoặc va chạm như trên vẫn chưa lường hết trong Luật này. Thậm chí, Luật tổ chức chính quyền địa phương vẫn chưa xác định cơ chế rõ ràng để chính quyền địa phương các cấp có thể khiếu nại, khiếu kiện các cơ quan trung ương hoặc chính quyền địa phương cấp trên. Dù hiện nay, mô hình tổ chức của Việt Nam vẫn dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, song điều đó không loại trừ quyền của chính quyền địa phương bảo vệ sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mình, đặc biệt là trong bối cảnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ như hiện nay. Việc có cơ chế pháp lí hữu hiệu để giải quyết các tranh chấp, khúc mắc, va chạm này sẽ giúp cho tình hình luôn được kiểm soát, tránh dồn nén tạo nên các bức xúc cao trong xã hội, làm nguy hại đến sự thống nhất và đoàn kết quốc gia, giảm đi sự chủ động, linh hoạt của chính quyền địa phương. TNHP rất cần trong các trường hợp như đã bàn đến ở trên. Đã đến lúc, các quan hệ về luật hiến pháp cần nhường chỗ cho TNHP xử lí chứ không nên dùng các hình thức trách nhiệm chính trị thay thế cho TNHP.
Thứ tám, sự hiện diện của TNHP sẽ gắn liền với sự ra đời của quy trình tố tụng hiến pháp. Sự hiện diện của tố tụng hiến pháp với cơ chế bảo vệ hiến pháp hiệu quả luôn là vũ khí quan trọng bảo đảm quyền lực được kiểm soát hiệu quả. Những hành vi vi hiến ở nước ta dù chưa được công bố chính thức nhưng không có nghĩa là trên thực tế không có, có lẽ chỉ là chưa có tố tụng hiến pháp để có cơ sở khẳng định.
Thứ chín, ngoài những vấn đề đã nêu ở trên, còn những khoảng trống chưa được lấp đầy trong hệ thống pháp luật của nước ta nếu không thừa nhận sự hiện diện và vai trò của TNHP. Ví dụ, những vấn đề liên quan đến cách chức những chức vụ đã không còn ở thời điểm hiện tại cần phải có những quy định thuộc phạm trù điều chỉnh của luật hiến pháp, không chỉ dừng lại ở Luật cán bộ, công chức và cũng không nên chỉ ở phạm vi trách nhiệm chính trị. Tương tự như vậy, khi Quốc hội quyết nghị một đại biểu không đủ tư cách, trong khi đó ở kì họp đầu tiên của khóa Quốc hội này đã tuyên bố là đủ tư cách và phiếu của đại biểu đó đã được tính cho nhiều quyết nghị quan trọng. Vấn đề hiệu lực của các phiếu bầu của đại biểu đó sẽ như thế nào, trách nhiệm của cơ quan thẩm tra tư cách đại biểu đến đâu… vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo trong khung khổ pháp lí hiện hành. Còn nhiều vấn đề khác như chưa có cơ chế xử lí hiệu quả đối với thành viên Chính phủ nói và hành động khác với quyết nghị của Chính phủ đã được đưa ra. Ở đây, nguyên tắc tập trung dân chủ phần nào bị xâm phạm nhưng chưa có cơ chế pháp lí hữu hiệu để xứ lí.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đổi mới mạnh mẽ hệ thống pháp luật để phù hợp với các xu hướng của thế giới hiện đại. Nếu trong bối cảnh cũ, TNHP không quá quan trọng và cần kíp thì ngày nay, cùng với những yêu cầu bức thiết của xã hội hiện đại và yêu cầu kiểm soát quyền lực nhà nước, TNHP trở thành công cụ phù hợp và hữu hiệu. Với tính chất phân ngành truyền thống, khoa học pháp lí và thực tiễn pháp luật Việt Nam đang để lại nhiều khoảng trống về trách nhiệm pháp lí đối với những hành vi vi phạm của chủ thể luật hiến pháp và quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hiến pháp. Trong bối cảnh hiện nay, nếu chỉ dựa vào các giải pháp chính trị và các loại trách nhiệm pháp lí thông thường khác thì sẽ không đủ công cụ hoặc sẽ không đạt được hiệu quả cần thiết, phù hợp xử lí vi phạm luật hiến pháp từ phía các chủ thể của ngành luật đặc biệt này./.  
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Thị Quế Anh, Ngô Huy Cương, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với cải cách pháp luật Việt Nam, Sách chuyên khảo, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2018.
2. Богомолов Никита Сергеевич, Конституционно-правовая ответственность как формально-юридическая категория/ Богомолов Никита Сергеевич // Вестник Академии Генеральной прокуратуры РФ. 2010. №17. (Bogomolov Nikita Sergeievich, “Trách nhiệm hiến pháp như là phạm trù pháp hình thức”, Chuyên san khoa học, Tổng viện công tố Liên bang Nga, 2010, số 17.
3. Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Đăng Duy, “Bàn về lập hiến: Chúng ta cần hiến pháp hay chủ nghĩa hiến pháp/chủ nghĩa hợp hiến”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 13/2013.
4. Крысанов Антон Вячеславович, Конституционно-правовая ответственность выборных и должностных лиц федеральных органов государственной власти. Южно-Уральский государственный университет/диссертации кандидатская, 2014 (Krưisanov Anton Vyacheslavovich, Trách nhiệm pháp lí hiến pháp của các chức vụ bầu cử trong các cơ quan nhà nước của Liên bang, Luận án tiến sĩ luật học, 2014).
5. Шевердяев С., Филиппов И. Проблемы конституционно-правовой ответственности: конференция на юридическом факультете МГУ// Вестник Московского университета. Серия 11. Право. 2001. №3 (Sheverdyaev S, Philippov I, Những vấn đ của trách nhiệm hiến pháp, Hội thảo khoa học của Khoa luật, Đại học tổng hợp Mat-xcơ-va, Chuyên san khoa học của Đại học Tổng hợp Mat-xcơ-va, Quyển số 11 “Luật học”, số 3, 2001.
6. Bùi Ngọc Sơn, Bàn về lập hiến, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 4/2003, http://quochoi.vn/tulieuquochoi/anpham/Pages/anpham.aspx?AnPhamItemID=33
7. Bùi Ngọc Sơn, Tố tụng hiến pháp, Tạp chí nhà nước và pháp luật, số 12/2004.
8. Bùi Ngọc Sơn, Tài phán hiến pháp và viễn cảnh chủ nghĩa hợp hiến ở Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 4/2009.
9. Bùi Ngọc Sơn, Tài phán hiến pháp và vị trí của Quốc hội, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 16/2009.
10. Bùi Ngọc Sơn, Cơ sở của toà án hiến pháp, Tạp chí nhà nước và pháp luật, số 7/2012.
11. Zdrazhevskya T.D., Chức năng của trách nhiệm hiến pháp trong nhà nước pháp quyền, Chuyên san khoa học pháp lí của Trường đại học tổng hợp Voronezh, Liên bang Nga, số 15/2002, Nxb. VGU, 2002.



([1]). Nguyễn Thị Quế Anh, Ngô Huy Cương, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với cải cách pháp luật Việt Nam, Sách chuyên khảo, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 20.
([2]). Крысанов Антон Вячеславович, Конституционно-правовая ответственность выборных и должностных лиц федеральных органов государственной власти. Южно-Уральский государственный университет/диссертации кандидатская, 2014, C.5 (Krưisanov Anton Vyacheslavovich, Trách nhiệm pháp lí hiến pháp của các chức vụ bầu cử trong các cơ quan nhà nước của Liên bang, Luận án tiến sĩ luật học, 2014, tr. 5); Богомолов Никита Сергеевич, Конституционно-правовая ответственность как формально-юридическая категория/ Богомолов Никита Сергеевич // Вестник Академии Генеральной прокуратуры РФ. 2010. №17. С.68-74 (Bogomolov Nikita Sergeievich, “Trách nhiệm hiến pháp như là phạm trù pháp hình thức”, Chuyên san khoa học, Tổng viện công tố Liên bang Nga, 2010, số 17, tr. 68 - 74 ; Шевердяев С., Филиппов И. Проблемы конституционно-правовой ответственности: конференция на юридическом факультете МГУ// Вестник Московского университета. Серия 11. Право. 2001. №3 (Sheverdyaev S, Philippov I, Những vấn đ của trách nhiệm hiến pháp, Hội thảo khoa học của Khoa luật, Đại học tổng hợp Mat-xcơ-va, Chuyên san khoa học của Đại học Tổng hợp Mat-xcơ-va, Quyển số 11 “Luật học”, 2001, số 3).
([3]). Tên gọiLuật hiến phápphổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, trong thời Liên Xô, thay vì tên gọi Luật hiến pháp trong khoa học và thực tiễn thường hay dùng thuật ngữ “Luật nhà nước”. Chỉ sau khi Liên Xô sụp đổ, ở Nga và nhiều nước thuộc Liên Xô trước đây tên gọi “Luật hiến pháp” mới chính thức đưa vào sử dụng thay thế tên gọi “Luật nhà nước”.
([4]). Krưisanov Anton Vyacheslavovich, tlđd, tr. 5 8.
([5]). Điều này có một phần nguyên nhân là trong truyền thống pháp luật Civil law và Common law, việc phân pháp luật thành các ngành luật không phải là mối quan tâm lớn cũng không được cho là cần thiết.
([6]). Phân chia pháp luật thành các ngành luật mà không chia thành công pháp, tư pháp là một trong những đặc điểm của truyền thống pháp luật XHCN.
([8]). Bùi Ngọc Sơn, Tố tụng hiến pháp, Tạp chí nhà nước và pháp luật, số 12/2004; Bùi Ngọc Sơn, Tài phán hiến pháp và viễn cảnh chủ nghĩa hợp hiến ở Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 4/2009; Bùi Ngọc Sơn, Tài phán hiến pháp và vị trí của Quốc hội, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 16/2009; Bùi Ngọc Sơn, Một số vấn đề về chủ nghĩa hợp hiến, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 11/2008; Bùi Ngọc Sơn, Cơ sở của toà án hiến pháp, Tạp chí nhà nước và pháp luật, số 7/2012; Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Đăng Duy, “Bàn về lập hiến: Chúng ta cần hiến pháp hay chủ nghĩa hiến pháp/chủ nghĩa hợp hiến”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 13/2013 và nhiều công trình có liên quan khác.
([9]). Bùi Ngọc Sơn, Bàn về lập hiến, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 4/2003, http://quochoi.vn/tulieuquochoi/anpham/Pages/anpham.aspx?AnPhamItemID=33, truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2017
([10]). Krưisanov Anton Vyacheslavovich, tlđd, tr. 35 - 37.
([11]). Zdrazhevskya T.D., Chức năng của trách nhiệm hiến pháp trong nhà nước pháp quyền, Chuyên san khoa học pháp lí của Trường đại học tổng hợp Voronezh, Liên bang Nga, số 15/2002, Nxb. VGU, 2002, tr. 83.
([12]). Chương XIII Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
([13]). Zdrazhevskya T.D. tlđd, tr. 85 - 86.
([14]). Ở một s quốc gia, giữa hiến pháp và các đạo luật, bộ luật thông thường có một loại đạo luật gọi là luật hiến pháp hay còn được gọi là luật tổ chức. Luật này có hiệu lực pháp lí thấp hơn hiến pháp nhưng cao hơn các đạo luật thông thường và có quy trình ban hành, sửa đổi chặt chẽ, khó khăn hơn các luật thông thường. Các luật đó điều chỉnh những vấn đề được hiến định trực tiếp (như về quốc hội, chính phủ, hệ thống tư pháp, giới hạn quyền con người, chính quyền địa phương, trưng cầu ý dân…)
([15]).Bùi Ngọc Sơn, “Bàn về lập hiến”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 4/2003, http://quochoi.vn/tulieuquochoi/anpham/Pages/anpham.aspx?AnPhamItemID=33, truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2017.
([16]). Khoản 2 Điều 118 Hiến pháp Liên bang Nga đã thừa nhận tố tụng hiến pháp như là loại hình tố tụng độc lập (cùng với tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và tố tụng hình sự).
([17]). Khoản 2 Điều 119 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Cơ chế bảo vệ hiến pháp do luật định”.
([18]). Quan điểm này đã được thừa nhận rộng rãi, trong đó có tác giả Nguyễn Đăng Dung với nhiều công bố liên quan như: Hiến pháp là văn bản phòng, chống tham nhũng (2016); Sự hạn chế quyền lực nhà nước (2014); Bàn về vai trò của Hiến pháp (2013)…
([19]). Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác để giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, đây là giải pháp hành chính-kĩ thuật, mang tính quản lí. Sẽ khó khăn hơn nếu “hành vi không hành động” được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp cao hoặc “cơ quan ngang quyền” khác. Ngay cả trường hợp các bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh không thực hiện đúng chỉ đạo, việc bãi miễn với các chức danh này không phải là điều dễ với Thủ tướng và nguyên tắc làm việc theo chế độ tập thể của Chính phủ.
([21]). Vụ việc kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với thành phố Đà Nẵng về sai phạm trong quản lí đất đai làm thất thoát ngân sách. Tuy nhiên, Đà Nẵng luôn có những luận giải và “phản pháo”. Đây là ví dụ cần được xem xét tới, https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/da-nang-phan-bac-ket-luan-cua-thanh-tra-chinh-phu-2416067.html, truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.