Nguồn ảnh: Internet |
Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
Tham luận tại Hội thảo khoa học:
"Các tiêu chuẩn, kinh nghiệm quốc tế về
quản trị công và những giá trị tham khảo
cho Việt Nam"
quản trị công và những giá trị tham khảo
cho Việt Nam"
Khoa Luật, ĐHQGHN -3/2019
Tóm tắt: Trong bài viết
này, tác giả đi tìm câu trả lời tại sao nước Nga với nền quản trị công tương đối
lạc hậu trước kia lại có những bước tiến khá nhanh trong thời gian gần đây. Những
thành tựu bước đầu trong việc xây dựng hệ thống chính quyền điện tử, thông minh
và hiện đại ở Nga có mối liên hệ nào hay không với việc Mát-x-cơ-va được Tổ chức
Liên minh Viễn thông quốc tế công nhận là thành phố có mức độ phát triển đô thị
thông minh hàng đầu thế giới năm 2018? Tại sao lại là Mát-x-cơ-va và thành phố ấy
đã làm như thế nào để có được những thành tựu đó? Có mối liên hệ nào hay không
giữa việc xây dựng thành phố thông minh và thành tựu trong phát triển nền quản
trị thông minh, hiện đại ở Mát-x-cơ-va và nước Nga? Bài viết cũng tập trung
phân tích kinh nghiệm của Mát-x-cơ-va trong lựa chọn con đường, cách thức tiếp
cận xây dựng nền quản trị thông minh từ chương trình thành phố thông minh và
đưa ra những đánh giá, khuyến nghị, gợi mở để vận dụng hoàn thiện, đổi mới hệ
thống quản trị công ở nước ta trong điều kiện hiện nay.
1. Dẫn nhập
Quản trị hiện tốt, dù có
nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng, thiết nghĩ phải là nền quản trị hiện đại
có mục đích đem lại cho người dân hệ thống công vụ và chính quyền phục vụ tốt,
luôn bị giám sát chặt chẽ, hiệu quả, bảo đảm các điều kiện tốt nhất để người
dân thực hiện các quyền làm chủ của mình, đem đến môi trường, điều kiện sống thật
sự an toàn, thoải mái, tiện nghi và ở đó mỗi cá nhân được bảo đảm phát huy tối
đa năng lực, phẩm chất và phát triển trong một xã hội phát triển bền vững, hiện
đại và văn minh.[1]
Mong muốn và thực tiễn xây dựng hệ thống thể
chế, nền quản trị công theo các mô hình, tiêu chuẩn tiến bộ của phương Tây đã
không thực sự thành công ở nước Nga trong suốt hai thập kỷ sau sự sụp đổ của
Liên bang Xô Viết. Trình độ phát, bối cảnh, điều kiện xã hội, hệ giá trị, nhận
thức của người dân và chính giới về mối quan hệ, vị trí, vai trò của nhà nước,
chính quyền, pháp luật có nhiều điểm không tương đồng với phương Tây dẫn tới những
thất bại, làm cho thực tế khác so với các tuyên bố của các chính trị gia, cũng
như so với các nguyên tắc, quy phạm được gọt giũa gọn gàng trong các văn bản
pháp luật thực định. Một đất nước dù đã không còn đi theo CNXH nhiều thập kỷ,
nhưng đa số người dân vẫn quen với lỗi sống cũ, còn “Đỏ” về ý thức, và cùng với
sự rộng lớn về diện tích, đa dạng về văn hóa, dân tộc, không đồng đều về trình
độ, nhận thức cũng như điều kiện phát triển giữa các vùng miền, khu vực luôn là
những trở lực không nhỏ để xây dựng thể chế, hệ thống quản trị đồng bộ theo các
tiêu chuẩn hiện đại.
Thật vậy, Liên xô sụp đổ
để lại nhiều hệ lụy. Dù đã chuyển sang một nhà nước dân chủ, tự do, nhưng do sống
quá lâu trong ý thức hệ XHCN kiểu cũ, nền quản trị quan liêu, tập trung, bao cấp
nên hệ thống chính quyền, công bộc, công vụ và người dân vẫn còn ảnh ưởng sâu đậm
mô hình, tư duy và cách làm trước đây. Thực tế cho thấy, dù đã có rất nhiều văn
bản, chính sách tiến bộ được ban hành, nhưng việc đi vào thực tế và vận hành hiệu
quả luôn là thách thức. Suốt thời gian dài sau khi chính quyền Xô Viết sụp đổ,
hệ thống quan liêu, tệ tham nhũng, lợi ích nhóm vẫn hiện hữu khắp nơi…, người
dân đâu đó vẫn cam chịu, ít linh hoạt, chậm đổi mới và có thiên hướng trông chờ,
dựa vào nhà nước.
Rõ ràng, những cải cách lớn cả về kinh tế, hệ
thống chính quyền đã được thực thi, nhưng hiệu quả mang lại không như kỳ vọng.
Sau những cải cách mạnh mẽ thời kỳ đầu của Tổng thống Putin, hệ thống chính quyền,
nền quản trị công của nước Nga, tư duy quản lý chưa có nhiều chuyển biến, đột
phá.
Trước những khó khăn thách thức đó, lựa chọn
được đưa ra xây dựng chính quyền điện tử, nền quản trị thông minh. Bởi việc xây
dựng nền quản trị thông minh sẽ là động lực để hệ thống công quyền, công vụ phải
vận hành theo, góp phần tinh giản bộ máy, thông minh hóa nền công chức, công vụ,
đáp ứng nhanh và hiệu quả nhu cầu ngày càng cao của người dân, giúp người dân
tiếp cận dịch vụ và thông tin tốt hơn, giám sát hệ thống công vụ chặt chẽ hơn.
Nhưng khó khăn đặt ra là nước Nga có diện tích rộng lớn lên tới 17 triệu km2,
không dư dật về tài chính, ngân sách trong điều kiện các nước phương Tây đang tấn
công có hệ thống để hạn chế, kiềm tỏa sự phát triển, vươn lên của Nga; sự chênh
lệch về điều kiện sống giữa các vùng, miền, nhóm dân cư, chệnh lệch về mức độ
nhận thức, thu nhập, mức độ phủ sóng Wi-fi và hạ tầng công nghệ; đồng thời phải
bảo đảm tự chủ về công nghệ để ngăn ngừa khả năng bị tấn công hệ thống từ bên
ngoài… Trong bối cảnh đó, cách làm, mô hình của chính quyền Mát-x-cơ-va với từ
các từ khóa “thành phố thông minh”, “tinh hoa”, “lan tỏa” được cho là khá phù hợp,
bước đầu đã có những thành tựu đáng ghi nhận.
Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức
tương tự. Đất nước cần một nền quản trị mới, hiệu quả trong điều kiện hội nhập,
toàn cầu hóa và sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ. Nhưng, những
hạn chế về nguồn lực, chênh lệch trình độ kinh tế, dân trí, thu nhập, hạ tầng
công nghệ giữa các vùng miền,…cũng không cho phép Việt Nam xây dựng đồng bộ nền
quản trị thông minh. Bên cạnh đó, nếu áp dụng các mô hình quản trị phương Tây sẽ
có nguy cơ mâu thuẫn hệ thống khi chúng ta đang sống trong một nền tảng chính
trị, tư tưởng khác với phương Tây – nơi sản sinh ra các mô hình quản trị đó và
đang hoạt động hiệu quả.
Cách tiếp cận giải quyết vấn đề và những
thành công bước đầu rất nhanh của Nga từ mô hình Mát-x-cơ-va có lẽ là kinh nghiệm
quý để chúng ta nghiên cứu, vận dụng. Xây dựng nền quản trị thông minh ở thành
phố lớn, có tiềm lực và áp lực, nhu cầu cao từ đó lan tỏa, chuyển giao công nghệ,
kinh nghiệm tới các địa phương khác sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu tiếp cận
quản trị tốt một cách nhanh, hiệu quả, phù hợp và bền vững nhất, không chỉ giảm
thiểu sự những mâu thuẫn thống mà còn giúp xã hội, hệ thống công quyền và người
dân phát triển theo lẽ rất tự nhiên.
2. Kinh nghiệm Thành phố
Mát-x-cơ-va trong xây dựng quản trị thông minh
Cuối năm 2018, Mát-x-cơ-va trở thành thành phố
có mức độ phát triển thành phố thông minh đứng đầu thế giới ở cấp độ thành phố.[2] Chỉ trong năm này, nước Nga tăng 3 bậc, từ
35 lên thứ tự thứ 32 những nước được xếp hạng phát triển chính quyền điện tử
trên phạm vi toàn cầu. Như vậy, với quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới với
nhiều vùng dân cư hoang sơ, việc Nga vươn lên 3 bậc trong một năm và
Mát-x-cơ-va trở thành thành phố có mức độ phát triển chính phủ điện tử cao tạo
ra sự quan tâm lớn.
Theo công bố trên cơ sở
kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Tổ chức Liên minh viễn thông thế giới
(ITU) thuộc Liên hiệp quốc, Mát-x-cơ-va được công bố là một trong những thành
phố thông minh nhất thế giới của Liên hiệp quốc và theo nhận định của Tổng thư
ký tổ chức này: “sự phát triển của
Mát-x-cơ-va – một trong những đại đô thị của lục địa châu Âu với dân số trên 12
triệu người - là kinh nghiệm quý cho nhiều thành phố khác phải học tập”.[3]
Không phải ngẫu nhiên mà
Mát-x-cơ-va lại chọn phát triển thành phố thông minh và chính quyền điện tử. Bởi
chỉ mới đầu năm 2017, “khi Thị trưởng
thành phố Moscow chỉ thị quyết tâm hiện thực hóa Chương trình phát triển “Thành phố thông minh”, thì đa phần cư dân và
nhiều người làm chính sách chỉ mới nghe qua về nó mà chưa hiểu gì. Chỉ hơn một năm, giờ đây, việc xếp hàng ở bệnh
viện đã đi vào lịch sử. Người dân đã có thể ở nhà đăng ký cho con đi học, chọn
món ăn cho con ở trường, nộp tiền, đặt chỗ đỗ xe, giám sát, khiếu nại công việc
của công chức thành phố, người lao động hoặc đơn vị cung ứng dịch vụ công, kiểm
tra tình trạng giao thông, các phương tiện công cộng…. chỉ bằng một nốt bấm”[4].
a) Xây dựng thành phố thông minh để hình
thành quản trị công thông minh, hiện đại
Chương trình xây dựng Mát-x-cơ-va trở thành
“Thành phố thông minh” được Thị trưởng Moscow phát lệnh chính thức triển khai từ
tháng 4 năm 2018. Trên thực tế, trước đây những kế hoạch, dự án riêng lẻ mang
tính hợp phần của thành phố thông minh đã được vận hành, thực hiện ở thành phố
nhưng chưa thực sự hiệu quả đồng bộ. Chương trình “Thành phố thông minh” là sự
hợp nhất, tổng thể, đồng bộ hóa và có mục tiêu đưa Mát-x-cơ-va thành thành phố
thông minh với chuẩn mực chính là một nền tảng (platfom) duy nhất có thể tiếp cận
mọi loại dịch vụ, ở mọi thời điểm, từ bất kỳ công cụ nào và với chất lượng tốt
nhất. Chính quyền Mát-x-cơ-va thiết lập 09 nguyên tắc xây dựng và triển khai
Chương trình “Thành phố thông minh”, gồm: 1)
Vì người dân; 2) Sự tham gia của người dân vào công việc quản trị thành phố; 3)
Trí tuệ nhân tạo để giải quyết các vấn đề của thành phố; 4) Công nghệ số để tạo
ra môi trường toàn diện, không có rào cản cho mọi lĩnh vực đời sống; 5) Phát
triển thành phố cùng với sự phát triển của kinh doanh và cộng đồng khoa học
trên cơ sở các bên cùng có lợi và hợp tác; 6) Ưu tiên văn bản điện tử so với
văn bản giấy cùng loại; 7) Thẩm thấu công nghệ vào mọi lĩnh vực của đời sống xã
hội; 8) Dùng các giải pháp của trong nước để ứng phó với các vấn đề công nghệ
(dùng công nghệ trong nước); 9) Công nghệ số xanh (cụ thể, xem bảng dưới, tháng 6/2018)[5].
Theo đó, có một số nguyên tắc cần được chú ý đặc biệt liên quan mật
thiết đến các nguyên tắc quản trị hiện đại: vì
người dân; sự tham gia của người dân vào quản trị thành phố và nguyên tắc dùng
công nghệ nội địa để xây dựng thành phố thông minh. Bên cạnh những yếu tố,
trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ số, thì nguyên tắc quan trọng của
Chương trình này là hướng các yếu tố đó để phục vụ con người và sự tham gia của
người dân vào quản trị thành phố. Điều này cũng phù hợp với 2 mục tiêu chính của
chương trình là: 1) hướng đến người sử dụng
- sự thuận tiện, dễ tiếp cận và cá thể hóa/nhân cách hóa; 2) quản trị hiệu quả
trên nền tảng số và trí tuệ nhân tạo.
- Xây dựng và vận hành “Cổng dịch vụ điện tử trực tuyến
Mát-x-cơ-va thống nhất” – hợp phần quan trọng của Chương trình “Thành phố thông
minh”.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Chương trình là xây dựng nền
tảng (platform) trực tuyến duy nhất tiện dụng, trên cơ sở đó người dân/doanh
nghiệp chỉ cần truy cập tại một nền tảng số duy nhất là có thể giải quyết được
mọi nhu cầu của mình. Yêu cầu này đã được cụ thể hóa bằng việc xây dựng Cổng dịch
vụ điện tử trực tuyến Mát-x-cơ-va thống nhất tại địa chỉ: www.mos.ru. Đây là sự hợp nhất của tất cả các nền tảng trực tuyến hiện có và
hiện đại hóa thành một nền tảng điện tử cung ứng dịch vụ thống nhất, đồng bộ,
toàn diện và hiện đại nhất.
Theo số liệu công bố năm 2018, có tổng cộng 222 loại dịch vụ được
cung ứng, trong đó 77 loại dịch vụ được cung ứng hoàn toàn trên nền tảng di động.
Năm 2018 có tới 631 triệu dịch vụ đã được cung ứng, trung bình mất 5 phút để
hoàn thành việc cung cấp 01 loại dịch vụ trên cổng điện tử này. Việc cung ứng dịch
vụ đảm bảo 24/7 và có thể truy cập ở tất cả các địa điểm trên toàn thế giới.
Trên trang này đã có 21,3 triệu văn phòng điện tử được các pháp nhân lập để
cung ứng dịch vụ chuyên biệt, 6,3 triệu văn phòng điện tử của cá nhân được đăng
ký thành lập và tham gia vào hoạt động dịch vụ. Thống kê cho biết có hiện đã có
trên 77% dân số Mát-x-cơ-va có điện thoại thông minh để sử dụng các loại dịch vụ
này.[6] Hàng năm có tới hàng trăm triệu lượt truy cập để sử dụng các dịch
vụ có trên nền tảng này. Đã có hơn 1 triệu lượt truy cập thông qua hệ thống nhận diện giọng nói để truy cập và
đăng ký dịch vụ.
Cổng thông tin dịch vụ điện tử thống nhất hiện đã bao quát gần như
tất cả các lĩnh vực của đời sống dân sinh thành phố. Từ đăng ký kinh doanh,
giáo dục, sức khỏe, thể thao, giao thông công cộng, dịch vụ liên quan đến chung
cư và quản trị chung cư, nhà ở, vệ sinh công cộng, cung cấp thông tin, chỉ dẫn,
các tình huống khẩn cấp, du lịch, khách sạn, khiếu kiện, phản ánh thông tin, đánh
giá công chức...
Việc xây dựng nền tảng số thống nhất dịch vụ công trực tuyến và
thông minh này đã từng bước đưa Mát-x-cơ-va thành thành phố có nền quản trị
công thông minh và hiện đại của châu Âu.[7] Kết quả bước đầu của Chương trình “Thành phố thông minh” đã giúp
Mát-x-cơ-va có được nền quản trị hiện đại, thông minh, phục vụ tốt hơn nhu cầu
của người dân.
-
Trường học
điện tử thông minh
Đề án “Trường học thông minh” đã được triển
khai từ cuối năm 2016 và tiếp tục được phát triển trong nền tảng Chương trình tổng
thể xây dựng thành phố thông minh của Mát-x-cơ-va. Đầu năm 2018 đã có tất cả
các trường phổ thông toàn thành phố được phủ sóng Wifi chất lượng cao, hoạt động
hệ thống đăng ký học trực tuyến tích hợp trong cổng dịch vụ công trực tuyến thống
nhất. Hệ thống máy tính bảng ở tất cả các trường học được trang bị, hàng trăm
loại sách giáo khoa điện tử được trang bị để cho các trường sẵn sàng sử dụng,
khoảng 30 ngàn bài tập điện tử, hệ thống bảng điện tử, phòng học thông minh,
đào tạo 10 ngàn giáo viên sử dụng thành thạo công nghệ mới để sử dụng phòng học
thông minh và phù hợp với điều kiện của “trường học điện tử thông minh”. Thành
lập các sổ liên lạc điện tử, phụ huynh có thể tiếp cận quá trình giáo dục của
con, giám sát bữa ăn, gửi kiến nghị, đăng ký học, nhập học trực tuyến qua nền tảng
công nghệ…
- Giám sát chính quyền, trách nhiệm giải trình qua công nghệ số
Thành phố thông minh tích hợp với Đề án với tên gọi “Thành phố của chúng ta”. Mục tiêu Đề án
này là nhận được sự giám sát và phản ánh của người dân đối với hệ thống cán bộ,
công chức, công vụ của thành phố và khuyến khích phát triển “sự tích cực của
công dân thành phố”. Từ những quan chức cao cấp nhất của thành phố, tới những
công chức nhỏ và cả những nhân viên thu dọn rác, vệ sinh môi trường đều được
giám sát, đánh giá thực hiện nhiệm vụ thông qua hệ thống đánh giá bằng điện tử
trực tuyến và chịu sự đánh giá xếp hạng qua mức độ hài lòng của người dân. Ở
đây, người dân có thể đánh giá, phản ánh cả những vấn đề nhỏ như việc thang máy
vận hành không an toàn, quản lý ở các khu đô thị, tòa nhà, công việc dọn dẹp
công viên, chăm sóc cây xanh, thái độ phục vụ…của công chức, nhân viên công ty
cung ứng dịch vụ công… Trung bình một năm có hàng triệu phản ánh và tới trước
khi tích hợp và hoàn thiện vào “Thành phố thông minh” (tháng 9/2017) đã có 81
triệu quan điểm, phản ánh được thể hiện trên Kênh “Thành phố của chúng ta”. Những
công dân tích cực góp ý, phản ánh thông tin sẽ được chấm điểm và có thể trở
thành “công dân tích cực” và họ sẽ được
nhận các phần thưởng về vật chất, tinh thần của chính quyền thành phố.
- Ngoài những cấu phần trên, Chương trình “Thành phố Thông minh” của
Mát-x-cơ-va còn tích hợp và phát triển các hoạt động khác rất quan trọng như: 1) Thành phố Wifi; 2) Tòa nhà thông minh; 3)
Hệ thống giám sát an ninh thông minh; 4) Thông tin và dịch vụ y tế điện tử trực
tuyến thống nhất; 5) Quản lý kinh tế thông minh… Dù mới chỉ ở giai đoạn đầu,
nhưng tất cả các cấu phần này đã góp phần biến Mát-x-cơ-va thành thành phố thuộc
top thành phố có tốc độ phát triển thành phố thông minh cao trên thế giới.
Rõ ràng, không phải là các quy định, các nguyên tắc pháp lý hay mô
hình, tiêu chuẩn quản trị hiện đại mà là yếu tố công nghệ và cách làm đã biến nền
quản trị Mát-x-cơ-va từ chỗ lạc hậu đến quản trị thông minh trên cơ sở xây dựng
chính quyền thông minh từ “Chương trình Thành phố thông minh”.
Không thể phủ nhận rằng, việc xây dựng thành phố thông minh luôn gắn
liền với một nền quản trị thông minh. Bởi lẽ, các cấu phần của thành phố thông
minh, mục tiêu và kết quả của nó luôn gắn liền với mục tiêu, kết quả mong muốn
của một nền quản trị hiện đại. Sự tiện lợi, thuận tiện của người dân trong giao
tiếp với công quyền, chất lượng cao và thuận tiện trong việc cung ứng dịch vụ
công, một chính quyên fminh bạch, rõ ràng, gọn nhẹ, được giám sát cũng luôn là
mục đích hướng tới của nền quản trị hiện đại.
b) Mát-x-cơ-va – Là Thủ đô, đầu
tầu, “tinh hoa” của đất nước cần có sứ mệnh tiên phong, chia sẻ kinh nghiệm góp
phần phát triển quản trị quốc gia hiện đại ở Nga
Phát triển đồng bộ trên toàn nước Nga ở cùng
một thời điểm là điều khó khả thi, tốn kém và mạo hiểm trong điều kiện ngân
sách Nga hiện nay. Một đất nước rộng lớn, nhiều khác biệt về văn hóa, điều kiện
sống, trình độ dân trí, mức độ phủ và khả năng sử dụng công nghệ cùng điều kiện
phải tự chủ về công nghệ nếu áp dụng đại trà sẽ mạo hiểm, tốn kém và khó có thể
hiệu quả như mong đợi.
Mát-x-cơ-va là trung tâm kinh tế, chính trị của đất nước, có nhiều
điều kiện thuận lợi cũng như nhu cầu bức thiết phải phát triển thành phố thông
minh và nền quản trị thông minh. Thành phố này có lợi thế hơn hẳn các chính quyền
khác thuộc Liên bang bởi hội tụ được điều kiện về công nghệ, nguồn lực tài
chính, nhân lực, hiện hữu nhu cầu bức thiết phải hiện đại hóa nền quản trị và
còn là danh dự quốc gia. Mát-x-cơ-va xây dựng thành công thành phố thông minh
và nền quản trị hiện đại, chắc chắn sẽ tạo xung lực cho những chính quyền đô thị
khác trong cả nước phải cạnh tranh, phải bứt phá để chiếm lĩnh được thị phần
chính trị hoặc ít nhất là các phiếu bầu trong dân chúng và phát triển khu vực của
mình. Điều này giảm thiểu nguy cơ tham nhũng, thiếu hiệu quả nếu dồn ngân sách
liên bang phân bổ cho địa phương để thực hiện đề án chính quyền thông minh.
Với tư cách là Thủ đô của Liên bang, Mát-x-cơ-va có nghĩa vụ chia
sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ cho các thành phố, chính quyền cấp khác để
thực hiện. Mô hình này khá phù hợp, hiệu quả và tiết kiệm. Hiện đã có nhiều
thành phố học tập mô hình Mát-x-cơ-va để xây dựng thành phố thông minh, chính
quyền điện tử thống nhất cho mình phù hợp điều kiện của mình. Không chỉ dừng lại
ở cấp độ chính quyền ngang cấp và cấp dưới, Chính phủ Liên bang cũng đã ký thỏa
thuận với Mát-x-cơ-va để chuyển giao, hợp tác, chia sẻ để thực hiện Chương
trình “Trường học thông minh Liên bang Nga” của Bộ Giáo dục và khoa học Liên
bang.[9] Điều này cho thấy hiệu quả kép trong thực hiện chính quyền thông
minh ở Mát-x-cơ-va.
Như vậy, chỉ với năm 2018 nhiều nỗ lực xây dựng thành phố thông
minh, Mát-x-cơ-va trở thành thành phố có tốc độ xây dựng chính quyền điện tử rất
nhanh và hiệu quả. Nhờ tốc độ phát triển của Mát-x-cơ-va, nước Nga tăng 3 bậc
trên bảng xếp hạng của Liên hiệp quốc về phát triển chính phủ điện tử (từ thứ
35 lên thứ 32 trong năm 2018).[10] Rõ ràng, Mát-x-cơ-va đã thực hiện thành công sứ mệnh tiên phong
và bây giờ cần tiếp tục chia sẻ cho cả nước Nga về mô hình, kinh nghiệm và công
nghệ xây dựng chính quyền thông minh.
c) Quản trị thông minh – kinh nghiệm “đi tắt, đón đầu” trong xây dựng
nền quản trị hiện đại
Mát-x-cơ-va của những năm cuối 1990 và đầu những năm 2000 là thành
phố lớn nhất Nga, nhưng cơ bản là thành phố lạc hậu, có nền quản trị công quan
liêu, tham nhũng hàng đầu châu Âu với ệ thống cung ứng dịch vụ công cũ kỹ, quản
lý giao thông và nền kinh tế lạc hậu, an ninh, trật tự không được vảo đảm tốt.
Cùng với Chương trình “Thành phố thông minh”
Chính phủ Mát-x-cơ-va đã quyết tâm thực hiện và được sự hậu thuẫn của Chính phủ
Liên bang, thành phố đã cơ bản đã có những thay đổi lớn như nêu trên. Nếu không
phát triển chương trình “Thành phố Thông minh” thì khó có thể có được kết quả
như thế. Lựa chọn ứng dụng công nghệ giúp thành phố “đi tắt, đón đầu” trong
phát triển nền quản trị hiện đại và Mát-x-cơ-va đã và đang chứng minh điều đó.
Nước Nga trên thực tế là quốc gia tự chủ được về công nghệ cao. Người Nga hoàn
toàn có thể làm chủ công nghệ hiện đại mà không phải nhập từ các quốc gia tiên
tiến khác nên họ đã tận dụng lợi thế này vừa để phát triển chính quyền điện tử
riêng cho mình nhưng cũng góp phần sử dụng hiệu quả các sản phẩm, thành tựu
khoa học công nghệ nội địa tiến bộ. Ứng dụng công nghệ và tận dụng thành tựu cuộc
cách mạng công nghệ sẽ giúp các quốc gia rút ngắn khoảng cách phát triển, thậm
chí nếu tận dụng thành công còn có thể phát triển vượt bậc và đi trước các nước
phát triển khác.
d) “Hạ tầng thông minh” sẽ tạo áp lực làm con người và hệ thống
công vụ trở nên “thông minh” theo – kinh nghiệm Mát-x-cơ-va
Năm 2017, Mát-x-cơ-va đã đào tạo được 10 ngàn giáo viên phổ thông
sử dụng thành thạo các hợp phần của Dự án “Trường học thông minh”.[11] Điều này cho thấy, nếu có hạ tầng thông minh, con người sẽ phải
hoàn thiện để phù hợp với nó.
Nhiều nhà hoạch định chính sách và người dân Mát-x-cơ-va từng e ngại
về hiệu quả của “Thành phố thông minh” khi con người và hệ thống công chức,
công vụ không thể tham gia được vào hệ thống mới quá thông minh này. Nhưng quy
luật “cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng” ở mức độ nào đó đã được
khẳng định. Dưới áp lực của hệ thống mới, cán bộ, công chức và hệ thống cung ứng
dịch vụ công của Mát-x-cơ-va đã buộc phải vận hành theo nó một cách hiệu quả.
Công chức không thể ngồi yên khi người dân đang theo dõi, đánh giá mình mà ai
cũng biết kết quả đó. Nhà cung ứng dịch vụ công, người lao công quét dọn đường
phố… sẽ không thể bàng quan khi người dân đánh giá dịch vụ của họ và chính quyền
thành phố biết về việc này chỉ trong ít phút. Nạn trộm cướp sẽ khó khăn hơn nhiều
khi hệ thống giám sát an ninh thành phố dày đặc và hoạt động hiệu quả. Không ai
có thể vượt đén đỏ nếu chỉ mấy phút sau có thông báo vi phạm và gửi mã số đóng
tiền phạt trực tuyến….
Người dân khó có thể làm ngơ với những tiện ích mà nó mang lại.
Không cần xin xỏ, không cần xếp hàng, không phải ra đường… mọi người cũng có thể
giải quyết nhu cầu của mình chỉ thông qua một cái “click”. Đơn thư, phản ánh được
gửi và có địa chỉ tiếp nhận rõ ràng…Những người tích cực sử dụng hệ thống Cổng
dịch vụ trực tuyến thống nhất, có nhiều ý kiến, phản ánh sẽ có cơ hội tích điểm
trực tuyến để trở thành “Công dân tích cực” và sẽ được thưởng về vật chất và
tinh thần. Những lợi ích đó sẽ là động lực để người dân thay đổi.[12]
Thiết nghĩ, những thay đổi đó chắc chắn sẽ có những tác động không
nhỏ tới trí thức, mức độ đòi hỏi của người dân với công quyền và hệ thống công ứng
dịch vụ công. Dân chủ cũng từ đó được phát triển.
3. Một số
kinh nghiệm cho Việt Nam trong xây dựng mô hình và phương thức quản trị quốc
gia hiện đại
Dù có không ít những khác biệt, nhưng trong bối cảnh hiện nay, Nga
và Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng để xây dựng nền quản trị hiện đại. Từ
những phân tích trên về trường hợp của Mát-x-cơ-va tác giả cho rằng, có mấy điểm
sau cần được lưu tâm, xem xét:
-
Mô hình quản
trị công hiện đại rất đa dạng, phong phú. Nhưng, mỗi mô hình quản trị sẽ chỉ
thành công khi phù hợp với bối cảnh và điều kiện tổng thể ở quốc gia đó. Tuy vậy,
khoa học và công nghệ lại không có biên giới và giống nhau ở mọi quốc gia, vùng
lãnh thổ, dân tộc. Vì vậy, có lẽ cách tốt nhất và nhanh nhất đến với nền quản
trị hiện đại là tận dụng thành tựu khoa học và công nghệ. Công nghệ sẽ tạo áp lực
để nền công vụ vì dân hơn, phục vụ người dân tốt hơn khi bị giám sát chặt chẽ
hơn và người dân có được một cuộc sống tiện nghi hơn. Người dân cũng nhờ công
nghệ mà trở nên “thông minh hơn”. Xây dựng chính quyền điện tử là bước ngắn nhất
và an toàn về chính trị nhất đến với quản trị hiện đại.
-
Xây dựng
thành phố thông minh là bước nhanh nhất dẫn đến chính quyền điện tử và chính
quyền thông minh. Quản trị thông minh là kết quả nhưng cũng là hợp phần không
thể thiếu được của một thành phố thông minh.
-
Không nhất
thiết phải hiện hữu tư duy đồng bộ, thống nhất từ trung ương xuống địa phương
vì như thế sẽ dẫn đến bất hợp lý bởi nhu cầu mỗi địa phương thường không giống
nhau, trình độ không đồng đều và lúc đó sẽ khó khăn cho việc huy động tài
chính, nhân lực và công nghệ, thậm chí nguy cơ tham nhũng khi xin hoặc xây dựng
đề án, chương trình. Thiết nghĩ, nên mạnh dạn và khuyến khích Hà Nội, TP. Hồ
Chí Minh, Đà Nẵng hoặc các thành phố có điều kiện thuận lợi và “áp lực lớn hơn”
phải xây dựng thành phố thông minh. Khi các thành phố này trở thành các thành
phố thông minh thì không có lý do gì chính quyền và nền quản trị ở đó không trở
nên “thông minh” và hiện đại hơn. Các thành phố này xây dựng chính quyền thông minh
trong tổng thể “thành phố thông minh” sẽ chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, nguồn
lực cho các địa phương khác ở những mức độ khác nhau. Từ thành phố có thể vận dụng
kinh nghiệm phù hợp cho các đô thị nhỏ hơn, thậm chĩ tới cấp huyện, xã… và chắc
chắn các chính quyền đó sẽ phải trở nên “thông minh” hơn. Kết quả cuối cùng, Việt
Nam sẽ có chính quyền thông minh với ít chi phí nhất và phù hợp, hiệu quả nhất.
-
Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ Tư là cơ hội tuyệt vời để bứt phá
trong quản trị công. Cần nhanh chóng tạo cơ chế cho phép các thành phố chủ động
xây dựng chính quyền thông minh hoặc thành phố thông minh (có thành phố thông
minh sẽ chắc chắn có chính quyền thông minh). Trao quyền chủ động cho các chính
quyền sẽ giúp cho quá trình này nhanh hơn, phù hợp hơn và hiệu quả hơn. Chính
quyền trung ương chỉ nên hỗ trợ về chính sách, định hướng để sau này có được sự
đồng bộ. Trung ương nắm quyền và chỉ đạo trực tiếp sẽ dẫn đến lãng phí, nguy cơ tham nhũng và hiệu quả chưa
chắc đã cao.
4. Kết luận
Mô hình quản trị hiện đại ở mỗi quốc gia sẽ
không thể giống nhau vì những điều kiện, bối cảnh, chủ thể và đối tượng khác
nhau. Vì vậy, dù có hiện đại đến đâu, mô hình đó cũng khó hoàn mỹ khi vận dụng
thực tế ở một quốc gia khác. Tuy vậy, khoa học và công nghệ và thành tựu của nó
là không có nhiều khác biệt. Vận dụng khoa học và công nghệ xây dựng nền quản
trị thông minh đang là cơ hội quý giá cho các quốc và các chính quyền gia bứt
phá đi lên.
Mát-x-cơ-va thực tế không có mô hình hay
trong xây dựng nền quản trị hiện đại, nhưng cách làm lại có nhiều điểm đáng để
nghiên cứu. Vì vậy, cách làm của Nga với xuất phát điểm từ Mát-x-cơ-va luôn có
những giá trị hữu ích để tham khảo trong điều kiện phù hợp với Việt Nam hiện
nay./.
Tài liệu
tham khảo
1. Quản trị tốt: Lý luận và thực tiễn. Sách tham khảo. NXB. Chính trị
quốc gia sự thật, 2017.
2. http://www.tadviser.ru/index.php/Статья:Москва_Умный_город_(Smart_city)_Информационные_технологии_в_Москв
(Truy cập 22/3/2019)
3. https://news.un.org/ru/story/2018/11/1342291.
4. https://vm.ru/news/546611.html (truy cập 22/3/2019)
5. https://tass.ru/obschestvo/5271421 (truy cập 22/3/2019)
6. http://www.tadviser.ru/index.php/Статья:Проект_"Московская_электронная_школa
7. www.mos.ru.
[1] Có nhiều quan điểm khác
nhau về quản trị tốt, tuy nhiên tựu chung lại, quản trị tốt đồng nghĩa với quản
trị hiện đại với các tiêu chuẩn, phương thức hiện đại và hướng đến người dân.
Xem thêm: Quản trị tốt: Lý luận và thực tiễn. NXB. Chính trị quốc gia sự thật,
2017.
[2]Xem trên: http://www.tadviser.ru/index.php/Статья:Москва_Умный_город_(Smart_city)_Информационные_технологии_в_Москв (Truy cập 22/3/2019)
[3] Toàn văn bằng tiếng Nga: “Москва, в которой проживает более
12 миллионов человек, является крупнейшим мегаполисом на Европейском
континенте, – заявил Генеральный секретарь МСЭ Хоулинь Чжао. – С учетом
размеров Москвы и численности ее населения в данном исследовании предложена
уникальная подборка полезных «уроков», которая пригодится и другим городам
мира, разрабатывающим стратегию «умного» города». Он выразил признательность
властям Москвы за «готовность делиться этим опытом и знаниями с международным
сообществом». (https://news.un.org/ru/story/2018/11/1342291. ).
[4] https://vm.ru/news/546611.html (truy cập 22/3/2019)
[5] Nguồn: http://www.tadviser.ru/index.php/Статья:Москва_Умный_город_(Smart_city)_Информационные_технологии_в_Москве (truy cập 22/3/2019)
[6] Nguồn: http://www.tadviser.ru/index.php/Статья:Москва_Умный_город_(Smart_city)_Информационные_технологии_в_Москве (Truy cập 22/3/2019). Cổng dịch vụ công trực tuyến thống
nhất: https://www.mos.ru/services/catalog/cat/3532/item/5532/
[8]
http://www.tadviser.ru/index.php/Статья:Проект_"Московская_электронная_школa
[9]
http://www.tadviser.ru/index.php/Статья:Проект_"Московская_электронная_школa
[11] http://www.tadviser.ru/index.php/Статья:Проект_"Московская_электронная_школa. (Truy cập 22/3/2019)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.