Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA VỚI QUYỀN CON NGƯỜI



Nguồn ảnh: Internet
Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
Hà Nội, tháng 5/2019

1. Dẫn nhập
Trí tuệ nhân tạo đang hiện hữu, dần trở phổ biến trong thế giới thực của con người. Những lợi ích mà TTNT đem lại là vô cùng to lớn, nhưng cùng với đó là những mối đe dọa, những thách thức con người đang và có thể sẽ phải đối diện. Nhà vật lý học người Anh, Stephen Hawking từng nói: “TTNT có thể là một sự kiện (tốt) lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Hoặc nó có thể là một sự kiện tồi nhất. Chúng ta vẫn chưa biết”.[1] Đã có nhiều quan ngại sâu sắc về sự xuất hiện của TTNT, trong đó thậm chí có nhiều nghiên cứu bàn về khả năng TTNT sẽ là mối nguy cơ cho sự tồn vong của loài người.[2]
Dù muốn hay không TTNT đã, đang hiện diện và sẽ tiếp tục phát triển như một hiện tượng khách quan. Những lợi ích, tiện ích của nó hấp dẫn đến mức các doanh nghiệp dưới sức ép của sự tồn vong, lợi nhuận, cạnh tranh sẽ áp dụng nó dù các chính phủ có hậu thuẫn, phát triển TTNT hay không. Các chính phủ cũng khó đứng ngoài cuộc bởi “Nếu ai đó nắm độc quyền về lĩnh vực TTNT, thì như tất cả chúng ta đều rõ – người đó sẽ làm chủ thế giới”.[3]
Trong lĩnh vực quyền con người, các nghiên cứu gần đây chủ yếu dẫn, phân tích các tác động tiêu cực, những thách thức với pháp luật và quyền con người khi TTNT xuất hiện và phát triển. Đó là thách thức về sự công bằng, bình đẳng xã hội,[4] những vấn đề đặt ra với lao động, việc làm, an ninh cá nhân, an ninh, chủ quyền quốc gia, quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân… Những lo lắng, dự báo này là hoàn toàn có cơ sở và thực tế đã diễn ra ở nhiều cấp độ, quy mô, phạm vi khác nhau.
[5]
Nhưng sự phản ứng có phần chậm chạp của nhiều chính quyền trong việc kiến thiết những khung khổ, thể chế, chính sách vĩ mô về TTNT cũng là vấn đề không chỉ đối với năng lực quản trị, khả năng dẫn dắt mà ở mức độ nào đó cũng ảnh hưởng đến các quyền con người. Thiếu Chiến lược để thúc đẩy phát triển TTNT nhằm tận dụng tối đa, lợi ích, ưu thế của nó để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giành thị phần quan trọng trong chuỗi giá trị mới, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, thách thức thì từ góc độ quyền con người, theo tác giả, cũng là một trong những nhân tố rất quan trọng tác động đến bảo vệ, bảo đảm thực thi các quyền con người trong bối cảnh xã hội hiện đại. Việc chậm xây dựng Chiến lược quốc gia có thể là mảnh đất màu mỡ cho các chủ thể khác (doanh nghiệp, công quyền, tổ chức, cá nhân khác…) ứng dụng TTNT và có thể một cách trực tiếp hay gián tiếp, cố ý hay vô ý xâm hại các quyền con người. Hơn nữa, nhà nước là chủ thể được thiết lập với nhiệm vụ tối cao và quan trọng nhất là ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người và vì vậy cần không thể chậm chễ trong việc chủ động và là thiết chế trung tâm trong việc xây dựng Chiến lược này.
Không thể phủ nhận rằng, TTNT là công cụ, phương tiện tuyệt vời để thực hiện, bảo đảm thực hiện các quyền con người trong xã hội hiện nay. Rõ ràng, các quyền tiếp cận thông tin, quyền trong lĩnh vực chính trị, xã hội, tiếp cận công lý hay việc bảo đảm thực thi các quyền của nhóm người khuyến tật sẽ dễ thực hiện hơn nhiều khi có được sự hỗ trợ của TTNT.
Bài viết này tiếp cận từ quan niệm rằng, bất cứ sự vật, hiện tượng nào đó khi xuất hiện cũng đều có hai mặt tác động. Sự xuất hiện của TTNT không chỉ mang đến những nguy cơ, phiền toái, thách thức cho quyền con người, mà trên hết, nó đem lại những cơ hội tốt, những lợi ích rất to lớn trong việc thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền con người nói riêng và sự phát triển của quốc gia nói chung. Vấn đề không nằm ở chỗ nó sẽ có những tác động thế nào mà thiết nghĩ là ở chỗ ta ứng xử với nó, sử dụng nó và phát huy giá trị của nó. Trong bối cảnh hiện nay, việc khẩn trương xây dựng được một Chiến lược quốc gia về TTNT là cần thiết không chỉ cho sự phát triển của đất nước mà còn có ý nghĩa trên phương diện nhân quyền. Bởi, nhà nước là chủ thể có trách nhiệm lớn nhất, có năng lực nhất trong việc tạo lập môi trường, khuôn khổ về chính sách đồng bộ, toàn diện và phù hợp để thúc đẩy sự phát triển TTNT theo hướng có lợi cho xã hội và quyền con người. Bài viết cũng phân tích những kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia phát triển TTNT và đưa ra một số gợi ý cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
2. Vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng Chiến lược quốc gia về TTNT với việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người
Cụm từ “Trí tuệ nhân tạo” (artificial intelligence) lần đầu tiên được đưa ra bởi J. McCarthy trở thành một khái niệm khoa học.[6] Trong báo cáo của mình, J. McCarthy và cộng sự cho rằng nghiên cứu TTNT nhằm mô tả chính xác các khía cạnh của xử lý trí tuệ và học (để có được tri thức) và tạo ra được các hệ thống, máy mô phỏng hoạt động học và xử lý trí tuệ.[7]
Tuy nhiên, TTNT và nhận thức về nó có nhiều phát triển kể từ đó tới nay. Hiện nay, theo quan điểm của Liên minh châu Âu, TTNT là một hệ thống các phương pháp khoa học, lý thuyết và kỹ thuật nhằm mục tiêu dùng máy tính để tái tạo khả năng nhận thức của con người, để máy tính có thể thực hiện các nhiệm vụ phức tạp mà trước đây do con người thực hiện.[8] TTNT có các thành phần chính là: 1) Người máy (Robotics); 2) Hệ chuyên gia (Expert systems); 3) Hệ thống thị giác (Vision systems); 4) Hệ thống học (Learning systems); 5) Hệ thống ngôn ngữ tự nhiên (Natural language processing); 6) Mạng nơ-ron (Neural Networks).[9] Các thuộc tính cơ bản của TTNT cơ bản được các chuyên gia nhận diện là: 1) tính sáng tạo; 2) tính không thể dự đoán trước; 3) tính độc lập, tự chủ trong hoạt động, không có sự can thiệp của con người; 4) tính hợp lý; 5) khả năng tự học tập và không ngừng cải tiến, phát triển thông qua sự tương tác với môi trường; 6) khả năng thu thập dữ liệu và truyền đạt; 7) tính hiệu quả, chính xác; 8) khả năng tự do sử dụng các phương án thay thế.[10]
Với các thuộc tính và cấu phần như vậy, TTNT mang lại cho con người nhiều lợi ích, nhưng kèm theo đó là không ít những thách thức, hệ quả bất lợi nếu không có những chính sách, cơ chế, sự ứng phó phù hợp, kịp thời.
Năm 2017 là năm bắt đầu cuộc đua phát triển TTNT và thời điểm đó có 5 quốc gia xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển TTNT. Đến giữa năm 2019, đã có 30 quốc gia thông qua Chiến lược này.[11] Đây vừa là cuộc đua về công nghệ, vị trí quốc gia trong thế giới hiện đại vừa là sự khẳng định năng lực và trách nhiệm của chính quyền. Tụt hậu hay bứt phá, bị dẫn dắt hay dẫn dắt sự phát triển của thế giới được nhiều chính phủ nhận định là gắn liền với chiến lược và tố độ phát triển TTNT ở quốc gia đó.
Về cơ bản, việc xây dựng Chiến lược quốc gia về TTNT vai trò, ý nghĩa sau:
Thứ nhất, xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển TTNT đúng đắn, phù hợp sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng và sự phát triển của quốc gia, hiện đại hóa đất nước, nâng cao năng suất lao động và qua đó tạo được nền tảng vững chắc bảo đảm nền tảng kinh tế, xã hội để bảo vệ, bảo đảm thực hiện các quyền con người. Quốc gia tụt hậu, bị lệ thuộc chắc chắn sẽ khó bảo vệ được người dân của mình trước những thách thức, sự chuyển biến mạnh mẽ của thế giới trong thời đại CMCN 4.0.
PwC ước tính (và được thừa nhận rộng rãi) là lợi ích thu được từ TTNT của thế giới vào năm 2030 khoảng 15.700 tỷ USD (6.900 tỷ do đóng góp tăng năng suất và 9.100 tỷ do tác động bổ sung) và đóng góp 14% vào GDP danh nghĩa toàn cầu (34).[12] Theo ước tính này, Trung Quốc (7.000 tỷ USD) và Bắc Mỹ (3.700 tỷ USD), chiếm tới 70% lợi ích thu được từ TTNT trên thế giới (34).[13] Và như vậy, nếu không xây dựng được một Chiến lược quốc gia về TTNT thì quốc gia đó gần như đứng ngoài cuộc với nguồn thu đó và chắc chắn sẽ trở nên tụt hậu. Không chỉ là vấn đề kinh tế, sự tụt hậu về kinh tế, đặc biệt là kinh tế công nghệ sẽ làm cho sự phát triển của quốc gia đó lệ thuộc vào quốc gia khác. Khi lệ thuộc vào công nghệ quốc gia khác, thì sự thao túng hoặc áp đặt là không thể tránh khỏi. Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đã chỉ ra điểm yếu của Huawei nói riêng và Trung Quốc nói chung khi không có được sự độc lập về công nghệ phần mềm bao gồm cả TTNT.[14] Và nếu điều đó xảy ra trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, an ninh quốc gia… thì sự thao túng, kiểm soát, giám sát về chính sách, chính trị của quốc gia này với quốc gia kia là không tránh khỏi. Khi đó, không chỉ các quyền con người thuộc thế hệ thứ nhất (quyền chính trị, dân sự) mà các quyền thế hệ thứ hai (các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội) và quyền thế hệ thứ ba đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, nếu không có Chiến lược TTNT ở tầm quốc gia, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nguy cơ bị tụt hậu trong nền kinh tế số, nền kinh tế công nghệ và điều này dẫn đến sự tụt hậu của quốc gia nói chung. Trong cuộc phỏng vấn báo chí, một quan chức Bộ KH&CN đã cho biết: “Hiện tại, chưa có báo cáo khảo sát chính thức về quy mô thị trường TTNT Việt Nam. Theo đó, các báo cáo về thị trường TTNT thế giới và khu vực của các công ty khảo sát có uy tín trên thế giới chưa cho thông tin về Việt Nam. Điều đó có nghĩa là thị trường TTNT Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé. Ngoài ra, qua trao đổi với đại diện một số doanh nghiệp tại Hội nghị AI4Life-2018, chúng tôi tiếp thu được một điều là TTNT chưa thành hạng mục đầu tư của nhiều doanh nghiệp Việt Nam và nếu có chỉ chiếm một phần không đáng kể. Đó là các chỉ báo cho thấy thị trường TTNT Việt Nam hiện còn rất nhỏ và độ cam kết của các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp vào thị trường TTNT chưa rõ ràng”.[15] Điều này cho thấy, việc thiếu Chiến lược Quốc gia về TTNT đã phần nào đó không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào TTNT, làm chậm sự phát triển của TTNT ở Việt Nam.
Thứ hai, xây dựng Chiến lược quốc gia về TTNT sẽ tạo được sự đồng bộ, toàn diện về chính sách, nguyên tắc và là cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế đáp ứng nhu cầu phát triển TTNT và ứng phó với các vấn đề xã hội và pháp lý đặt ra.
Trên thực tế, sẽ rất khó phát triển, tối ưu hóa được những lợi ích của TTNT nếu không có hệ thống các quy định định vị rõ như thế nào là TTNT, cơ quan nào quản lý, hoạch định chiến lược chung, các nguyên tắc tối thiểu khi ứng dụng TTNT, các chính sách hạn chế hay khuyến khích phát triển, ứng dụng TTNT, cơ chế vận hành, giám sát thực hiện, bảo đảm an ninh quốc gia, cơ chế bảo vệ các loại quyền về dữ liệu cá nhân, quyền về sự riêng tư,… quyền lao động và an sinh xã hội khi phát triển TTNT. Ở Mỹ hàng loạt văn bản, chính sách đã được nghiên cứu xây dựng như: Dự luật về nhận thức cơ bản về tính khả dụng và khả năng phát triển thực tế của TTNT, Dự luật về việc làm TTNT, Dự luật quản lý xe không người lái, Dự luật về cơ quan quốc gia về TTNT. Đây chắc chắn là các nền tảng chính sách, nguyên tắc và pháp lý quan trong giúp Hoa Kỳ thúc đẩy, tối ưu hóa lợi ích của TTNT để tiếp tục dẫn dắt sự phát triển của thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển TTNT.
Ở Nga, dù chậm chạp đối chút so với các nước khác, nhưng việc xây dựng Chiến lược quốc gia về TTNT đang gấp rút được hoàn thiện, góp ý đã cho thấy sự cần thiết phải tăng tốc trong cuộc đua phát triển TTNT. Các mục tiêu cơ bản đã được xác định, như: Thiết lập các nguyên tắc cơ bản cho TTNT; Xây dựng chính sách phát triển và thu hút nguồn nhân lực nội địa đáp ứng yêu cầu phát triển TTNT; Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng chuẩn mực công nghệ mới; Trang bị cho người dân năng lực sử dụng, ứng dụng TTNT trong đời sống thường nhật…[16]
Để phát triển và tận dụng được TTNT cần có một hệ thống thể chế phù hợp. Mỗi quốc gia đều thành lập một thiết chế đặc biệt để thúc đẩy, giám sát hoạt động này. Trên thực tế, việc thành lập thiết chế này luôn được thể hiện trong Chiến lược quốc gia ở mỗi nước hoặc ít nhất cũng ở cấp độ một đạo luật riêng biệt ở cấp cao nhất. Chiến lược Quốc gia về TTNT chắc chắn sẽ có vai trò to lớn cho tổ chức và hoạt động thiết chế này.
Như vậy, nếu Nhà nước không có chính sách, chiến lược đồng bộ, toàn diện thì sự lôn xộn trong nhận thức, cục bộ và thiếu nhất quán trong phát triển, ứng dụng TTNT là khó tránh khỏi, không tạo đà khuyến khích, tối ưu hóa tiện ích mà TTNT mang lại và đương nhiên sẽ tạo ra những hệ quả xấu cho xã hội khi không có được chính sách ứng phó thích hợp và cơ chế kiểm soát, giám sát hiệu quả. Việc xây dựng Chiến lược Quốc gia về phát triển TTNT còn là cơ sở nền tảng để hoàn thiện và đồng bộ hóa hệ thống pháp luật của đất nước bởi nếu thiếu Chiến lược này, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật sẽ dẫn đến hiện tượng chắp vá, cục bộ, nguy cơ hiện diện lợi ích nhóm trong việc hoàn thiện văn bản, chính sách ở cấp độ bộ, ngành, địa phương.
Thứ ba, Chiến lược quốc gia về TTNT sẽ ngăn ngừa nguy cơ các chính quyền (đặc biệt là chính quyền địa phương), công quyền, các chủ thể khác đặc biệt là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, TTNT xâm hại đến quyền con người.
Việc đầu tư ứng dụng TTNT luôn là ưu tiên của doanh nghiệp để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu xuất, chất lượng sản phẩm. Nhưng nếu không có chính sách phù hợp, đồng bộ sẽ làm rất nhiều người mất việc trong khi chưa có cách ứng xử, chính sách thuế, an sinh xã hội phù hợp. Bên cạnh đó, việc ứng dụng TTNT khi chưa có Chiến lược đồng bộ sẽ có nguy cơ ứng dụng TTNT vượt quá giới hạn của đạo đức và vô tình hay hữu ý tạo ra hệ quả xấu cho xã hội và con người. Chẳng hạn, việc dùng TTNT quản lý nhân viên, thu thập thông tin cá nhân, quản lý đời tư, đánh giá tín nhiệm công dân để hưởng các dịch vụ công cộng hoặc sa thải hàng loạt nhân viên, công nhân vì lý do ứng dụng khoa học công nghệ… chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyền con người. Không có khuôn khổ thống nhất, chính sách đồng bộ sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp nhỏ sẽ bị xóa sổ, phá sản do năng lực tài chính đầu tư cho TTNT hạn chế và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người lao động, người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ở nhiều thành phố lớn, chính quyền đô thị trên thế giới đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, TTNT để phát triển các thành phố thông minh, tiện ích. Tuy nhiên, mặt trái của những tiện ích này chính là khả năng giám sát con người, nguy cơ xâm phạm đời sống riêng tư, lạm dụng khai thác thông tin, chỉ số cá nhân phục vụ mục đích quản lý, đánh giá công dân và thậm chí giám sát công dân…. Những chương trình này nếu không có chính sách, nguyên tắc cơ bản thì nguy cơ tự do, dữ liệu cá nhân sẽ bị hạn chế và rất nhiều quyền khác sẽ bị xâm hại trong xã hội được mô tả bỡi mỹ từ “thông minh”.
Thứ tư, nếu không có Chiến lược cụ thể, sẽ không phát triển được hệ thống đào tạo nhân lực phù hợp, dẫn đến lệ thuộc nhân lực nước ngoài…làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người trong lĩnh vực lao động, an sinh xã hội…
Một trong những điểm mấu chốt nhất mà nhiều quốc gia muốn phát triển TTNT đó là nguồn nhân lực. Thông thường có hai cách: 1) Thu hút chuyên gia nước ngoài bằng cơ chế và trả lương cao; 2) Phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Nhiều quốc gia thực hiện đồng thời cả hai chính sách này. Nhưng dù chọn cách nào đi nữa, vẫn cần Chiến lược để lựa chọn. Trên thực tế, để phát triển bền vững, lựa chọn phát triển nguồn lực của chính mình luôn là lựa chọn đầu tiên và để làm được điều này, Chiến lược phải ở tầm quốc gia để phát triển nhân lực TTNT.
Thứ năm, không có Chiến lược quốc gia phát triển TTNT sẽ khó tạo được động thực phát triển thị trường TTNT, không khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên phát triển TTNT và từ hệ quả đó rất khó phát triển được TTNT của Việt Nam. Điều này dẫn đến nguy cơ lệ thuộc nước ngoài quá nhiều về công nghệ và TTNT.
Thứ sáu, xây dựng được Chiến lược Quốc gia về phát triển TTNT sẽ tạo cơ chế để đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển TTNT.
Trên thực tế, để có thể phát triển được TTNT và có công nghệ độc lập, cần có hệ thống dữ liệu lớn, siêu máy tính với bộ nhớ khổng lồ và khả năng tính toán ở tốc độ cao, có hệ thống các phòng thí nghiệm hiện đại, con chip chuyên biệt và nhiều trang bị hạ tầng khác.[17] Điều này đòi hỏi phải có chính sách đồng bộ, nhất quán từ trên xuống để thu hút nguồn vốn, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển. Theo nhiều chuyên gia, đầu tư cho phát triển TTNT là khoản đầu tư lâu dài và tốn kém. Bình quân, các quốc gia muốn thống lĩnh thế giới về lĩnh vực này thì phải chi phí khoảng vài tỷ đô la một năm, có quốc gia bình quân chi từ 5-9 tỷ đô ngân sách hàng năm cho phát triển TTNT.[18] Con số này với Việt Nam là khó khả thi, vì vậy, càng cần phải có Chiến lược quốc gia về phát triển TTNT để trên cơ sở đó thu hút đầu tư từ nguồn lực xã hội.
3. Chiến lược Quốc gia về Trí tuệ nhân tạo ở một số quốc gia
Tính đến thời điểm hiện tại có tới hơn 30 quốc gia đã xây dựng Chiến lược Quốc gia về TTNT.[19] Đây không đơn thuần là vấn đề nội bộ của quốc gia mà đã trở thành cuộc đua nhằm khẳng định, tăng khả năng ảnh hưởng, chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu thế giới, chứng minh năng lực quốc gia trong xã hội hiện đại. Ở góc độ khác, việc hoạch định được chiến lược phát triển TTNT ở tầm quốc gia còn chứng minh sự nhạy bén, trách nhiệm của chính quyền trước người dân trong việc ứng phó với những vấn đề mới của thời đại và năng lực của chính quyền trong việc dẫn dắt sự phát triển của xã hội.
3.1. Chiến lược quốc gia về TTNT của Mỹ
Mỹ là quốc gia luôn dẫn đầu thế giới về công nghệ và có nhiều điều kiện thuận lợi (như internet, dữ liệu, công nghệ, nhân lực, tài chính, thể chế…) để phát triển TTNT. Tuy nhiên, ý thức được việc cần phải triệt để nắm bắt cơ hội, nhận diện và loại trừ thách thức để Mỹ luôn là cường quốc dẫn đầu thế giới, Chính phỹ Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng chiến lược quốc gia về TTNT.
Chiến lược quốc gia về TTNT của Mỹ được xây dựng và ban hành năm 2016. Trong bản Chiến lược này, Mỹ đã vạch ra 7 chiến lược để phát triển TTNT:[20]
  – Đầu tư dài hạn cho nghiên cứu TTNT. Ưu tiên đầu tư vào thế hệ TTNT tiếp theo nhằm thúc đẩy việc khám phá và thấu hiểu TTNT làm cho Mỹ duy trì vị trí dẫn đầu thế giới về TTNT.
  – Phát triển các phương pháp hiệu quả cho cộng tác con người – TTNT. Thay vì thay thế con người, hầu hết các hệ thống TTNT cộng tác với con người để đạt được hiệu năng tối ưu. Cần tiến hành nghiên cứu tạo ra sự tương tác hiệu quả giữa con người và hệ thống TTNT.
  – Hiểu và giải quyết được các hệ lụy đạo đức, pháp lý và xã hội của TTNT. Công nghệ TTNT được kỳ vọng hoạt động theo các tiêu chuẩn chính thức và phi chính thức nhằm gìn giữ đồng loại của chúng ta. Cần tiến hành nghiên cứu để hiểu được ảnh hưởng đạo đức, pháp lý và xã hội của TTNT, và phát triển các phương pháp thiết kế hệ thống TTNT phù hợp với các mục đích đạo đức, pháp lý và xã hội.
   – Đảm bảo an toàn và bảo mật hệ thống TTNT. Trước khi hệ thống TTNT được sử dụng rộng rãi, cần đảm bảo rằng hệ thống sẽ hoạt động an toàn và bảo mật, theo phương thức kiểm soát được, xác định tốt và hiểu rõ. Cần tiến hành các nghiên cứu tiên phong giải quyết các thách thức trong việc tạo ra hệ thống TTNT đúng đắn, có căn cứ và đáng tin cậy.
   – Phát triển các tập dữ liệu và môi trường đào tạo và đánh giá về TTNT dùng chung. Độ sâu, chất lượng và độ chính xác của tập dữ liệu và nguồn lực đào tạo ảnh hưởng đáng kể đến hiệu năng TTNT. Cần nghiên cứu phát triển các tập dữ liệu và môi trường chất lượng cao cho phép truy cập có thẩm quyền vào các tập dữ liệu chất lượng cao tốt như tài nguyên đánh giá và đào tạo.
   – Đo lường và đánh giá công nghệ TTNT thông qua các tiêu chuẩn và quy chuẩn. Cần cải tiến các tiêu chuẩn, quy chuẩn, bộ kiểm thử và sự tham gia của cộng đồng TTNT đối với hướng dẫn và đánh giá tiến bộ trong TTNT. Cần tiến hành các nghiên cứu bổ sung nhằm phát triển một phổ rộng rãi kỹ thuật đánh giá.
   – Thấu hiểu nhu cầu về đội ngũ nghiên cứu – phát triển (NC-PT) TTNT quốc gia. Tiến bộ trong TTNT đòi hỏi một cộng đồng nhân lực nghiên cứu TTNT mạnh mẽ. Nâng cao hiểu biết về nhu cầu nhân lực NC-PT TTNT hiện tại và trong tương lai là rất cần thiết để đảm bảo sự sẵn có các chuyên gia TTNT giải quyết các khu vực NC-PT chiến lược được nêu trong bản kế hoạch.
Theo Chiến lược này, do ở Mỹ các công ty, tập đoàn tư nhân chủ động đầu tư khá mạnh vào TTNT nên Chính phủ Mỹ đã lựa chọn chuyển hướng đầu tư và xác định Chiến lược này nhắm tới những vấn dề cơ bản liên quan đến trách nhiệm của chính quyền với người dân đó là: khu vực y tế công cộng, hệ thống đô thị, phúc lợi xã hội, tư pháp hình sự, bền vững môi trường, an ninh quốc gia và khoa học cơ bản.
Từ Chiến lược này có thể nhận thấy, ngoài những nội dung mang tính chất chuyên về phát triển hạ tầng, cơ sở, nguồn lực và chính sách đầu tư phát triển TTNT, Chính phủ Mỹ cũng quan tâm rất lớn đến những vấn đề đặt ra khi xuất hiện và ứng dụng phổ biến TTNT như vấn đề quan hệ cộng tác giữa TTNT và con người, nâng cao các quy chuẩn, chuẩn mực bảo đảm độ an toàn và đặc biệt quan tâm đến xử lý các vấn đề liên quan đến đạo lý, pháp lý và xã hội phát sinh khi xuất hiện TTNT. Bên cạnh đó, trên cơ sở Chiến lược này, Mỹ đã xây dựng hàng loạt dự luật để thúc đẩy, xử lý, điều chỉnh những vấn đề liên quan đến TTNT. [21]
3.2. Chiến lược TTNT của Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia đứng sau Mỹ về phát triển TTNT, tuy nhiên, nước này lại có tham vọng lớn trở thành nước dẫn đầu thế giới về TTNT. Để cụ thế hóa tham vọng đó, Chính phủ Trung Quốc đã quyết tâm xây dựng Chiến lược Quốc gia về TTNT với nhiều nội dung và mục tiêu chi tiết.[22]Các nội dung cơ bản của Chiến lược này gồm:[23]
- Phát huy lợi thế về khối lượng dữ liệu nội tại và sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ và cộng động hàn lâm – công nghiệp về một lộ trình phát triển công nghiệp TTNT với tốc độ từ 2020 bắt kịp các cường quốc TTNT tiên tiến nhất trên thế giới đến 2030 đạt mức tiêu chuẩn quốc tế đổi mới TTNT ưu việt với công nghiệp TTNT lõi: 150,8 tỷ USD và công nghiệp liên quan TTNT: 1500 tỷ USD;
- Sáu nhiệm vụ chính được xác định là: (1) Xây dựng một hệ thống đổi mới công nghệ TTNT hợp tác mở: thiết lập một hệ thống lý thuyết cơ bản mới về TTNT, thiết lập một thế hệ mới của hệ thống công nghệ TTNT quan trọng, bố cục phối hợp nền tảng đổi mới TTNT, đẩy nhanh thu hút và ươm trồng tài năng TTNT cao cấp (đào tạo Tiến sỹ và Thạc sỹ ngành TTNT); (2) Chăm nuôi nền kinh tế TTNT tiên tiến và hiệu quả: phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp TTNT mới nổi, đẩy nhanh việc thúc đẩy nâng cấp công nghiệp TTNT, phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp TTNT, tạo hệ sinh thái đổi mới TTNT; (3) Xây dựng một xã hội TTNT an toàn và thuận tiện: phát triển các dịch vụ TTNT tiện lợi và hiệu quả, thúc đẩy quản trị xã hội thông minh, sử dụng TTNT cải thiện năng lực bảo mật công cộng, thúc đẩy tương tác xã hội và chia sẻ niềm tin lẫn nhau; (4) Tăng cường sự tích hợp quân sự và dân sự trong lĩnh vực TTNT; (5) Xây dựng một hệ thống hạ tầng TTNT thông minh hiệu quả và phổ biến; (6) Bố trí một thế hệ mới các dự án khoa học và công nghệ TTNT lớn tương lai.
- Xác định chín lĩnh vực công nghệ TTNT gồm lĩnh vực công nghệ TTNT lõi và tám lĩnh vực công nghệ liên quan TTNT. Lĩnh vực công nghệ lõi bao gồm: (1) các nghiên cứu cơ bản như học sâu, tính toán thần kinh, hệ thống thần kinh xử lý thông tin; (2) phát triển các phần mềm và phần cứng cơ bản như chíp, cảm biến, hệ điều hành; (3) nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực thị giác máy tính, sinh trắc học, nhận diện môi trường phức tạp, tương tác người – máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, dịch máy, điều khiển thông minh và an ninh mạng. Tám lĩnh vực công nghệ liên quan TTNT gồm: (1) nền tảng dịch vụ công cộng cho tính toán; (2) nhà thông minh; (3) xe thông minh; (4) các ứng dụng giao thông không người điều khiển thông minh; (5) An ninh thông minh; (6) Ứng dụng người dùng cuối được TTNT hỗ trợ; (7) Thiết bị neo thông minh cho con người; (8) Người máy thông minh. Đồng thời, nhận diện bốn động cơ phát triển TTNT Trung Quốc gồm phần cứng, dữ liệu, nghiên cứu và thuật toán, hệ sinh thái TTNT thương mại.
- Về phần cứng, Trung Quốc chủ trương bắt kịp các nước tiên tiến thế giới về sản xuất chíp và siêu máy tính. Tiếp cận của Trung Quốc là kết hợp thúc đẩy các cuộc đua tranh nội địa, khuyến khích giao dịch với các công ty nước ngoài, xây dựng siêu máy tính với việc tạo động lực cho các tập đoàn công nghệ khổng lồ và các công ty khởi nghiệp huyền thoại đầu tư vào sản xuất chíp TTNT.
- Về dữ liệu, Trung Quốc chủ trương phát huy lợi thế nguồn dữ liệu kết hợp hoạt động chia sẽ dữ liệu giữa Chính phủ và các công ty, bảo hộ dòng dữ liệu xuyên biên giới với việc nâng cao sự quan tâm về quyền riêng tư trong các ứng dụng TTNT dựa trên tiêu chuẩn hóa các ngành công nghệ liên quan TTNT và tăng cường thảo luận quốc gia cho quan điểm bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu mạnh mẽ hơn chống lại việc lợi dụng thái quá tự do hóa dữ liệu vào kinh doanh TTNT.
- Về nghiên cứu và phát triển thuật toán, Trung Quốc tăng tốc hoạt động đào tạo và thu hút tài năng TTNT, kết hợp các biện pháp hỗ trợ nghiên cứu cơ bản thu hút và đào tạo tài năng (đặc biệt các tài năng TTNT hàng đầu thế giới) với khuyến khích các công ty công nghệ khổng lồ (Baidu, Huawei , Alibaba, Tencent, iFlyTek…) thành lập các viện nghiên cứu TTNT ở nước ngoài để tuyển dụng tài năng TTNT, khắc phục hạn chế công bố khoa học về TTNT (tuy nhiều về số lượng, nhưng yếu về tác động ảnh hưởng).
- Về xây dựng hệ sinh thái TTNT thương mại, Chính phủ Trung Quốc đầu tư hơn một tỷ đô la Mỹ cho các công ty khởi nghiệp trong nước, đồng thời hướng dẫn các chính quyền địa phương và các tập đoàn nhà nước thu hút đầu tư tư nhân để thành lập các quỹ (government guidance funds: GGF) tài trợ các dự án TTNT khai thác khối lượng dữ liệu khổng lồ từ một quy mô dân số, tích hợp mục tiêu TTNT của công ty vào mục tiêu chiến lược TTNT của đất nước.
Như vậy, có thể thấy, Chiến lược TTNT của Trung Quốc chủ yếu nhắm tới hoạch định các chính sách phát triển các cấu phần khác nhau của TTNT, thúc đẩy cơ chế khuyến khích đầu tư và định hướng phát triển các mục tiêu nhằm có được vị trí dẫn đầu trong thị trường TTNT và trở thành cường quốc ứng dụng TTNT phục vụ hoạt động quản trị thông minh, cung ứng dịch vụ thông minh, phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong chiến lược này, chỉ có một vài nội dung liên quan đến bảo vệ, thúc đẩy các quyền con người, ngăn ngừa các hệ quả xấu mà TTNT có thể tác động đến con người, môi trường sống và các quyền, tự do cơ bản của con người cũng như xử lý mối quan hệ giữa con người và TTNT. Trong đó chỉ có một nội dung liên quan đến nhiệm vụ của Chính phủ là bảo vệ dữ liệu và nâng cao sự quan tâm đến việc bảo vệ quyền riêng tư. Tuy vậy, nội dung này lại cho phép Chính phủ sử dụng dữ liệu, thông tin cá nhân bởi đây là thiết chế được trao quyền bảo vệ dữ liệu và các thông tin này.
3.3. Chiến lược TTNT của Pháp
Pháp là một trong những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đầu tiên quan tâm đến xây dựng Chiến lược quốc gia về TTNT. Điều này xuất phát từ nguyên do các cường quốc khác trong Liên minh có những mối quan tâm khác và cũng bởi nguyên liệu cơ bản của TTNT là dữ liệu nhưng châu Âu có sự quan tâm lớn và cách tiếp cận khá hạn chế trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân do liên quan đến các bảo đảm của châu Âu về các quyền cơ bản của con người trong lĩnh vực đời tư và quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu cá nhân. Một số nội dung cơ bản của Chiến lược của Pháp là:[24]
     - Xây dựng một chính sách dữ liệu tích cực: khuyến khích các công ty cùng tạo lập và chia sẻ dữ liệu, tạo lập dữ liệu được xã hội quan tâm, hỗ trợ quyền sao lưu dữ liệu.
    - Bốn khu vực TTNT chiến lược trọng tâm là y tế, giao thông, môi trường, quốc phòng và an ninh: tiến hành các chính sách riêng theo từng khu vực chiến lược hướng vào các vấn đề chính, tạo nền tảng đặc thù khu vực, kiểm tra vùng đổi mới cho mỗi khu vực.
    - Thúc đẩy lợi thế tiềm năng nghiên cứu TTNT của Pháp: thành lập các tổ chức TTNT liên ngành tại các trường đại học và viện nghiên cứu được chọn lựa, phân bổ nguồn lực phù hợp dành cho nghiên cứu (bao gồm một siêu máy tính được thiết kế riêng cho ứng dụng TTNT với sự hợp tác của nhà sản xuất), tăng độ hấp dẫn với nghề nghiệp nghiên cứu công nhờ thúc đẩy sự hấp dẫn của Pháp đối với tài năng xuất ngoại hoặc nước ngoài: tăng số lượng thạc sĩ và sinh viên tiến sĩ nghiên cứu TTNT, tăng lương cho nhà nghiên cứu và tăng cường trao đổi hàn lâm – công nghiệp.
    - Lập kế hoạch ứng phó tác động của công nghệ TTNT tới người lao động: thiết lập phòng thí nghiệm công về chuyển đổi công việc, phát triển nghiên cứu về sự bổ trợ của máy móc tới con người, đánh giá phương pháp tài trợ mới cho đào tạo nghề.
     - Nâng cao tính thân thiện môi trường của công nghệ TTNT: xây dựng trung tâm nghiên cứu về TTNT với hệ sinh thái (bao gồm đo lường tác động của các công cụ TTNT tới môi trường), giảm thiểu năng lượng cho sử dụng TTNT (bao gồm hỗ trợ chuyển đổi hệ sinh thái từ công nghiệp tính toán đám mây châu Âu), chuyển đổi hệ sinh thái song hành với độ tự do dữ liệu hệ sinh thái.
    - Đảm bảo tính minh bạch của công nghệ TTNT: Phát triển tính minh bạch và kiểm toán thuật toán, lưu ý trách nhiệm của các tác nhân TTNT liên quan tới đe dọa đạo đức, thành lập ủy ban đạo đức tư vấn cho các công nghệ số và TTNT với trách nhiệm tổ chức các tranh luận công khai về đạo đức TTNT, đảm bảo nguyên tắc trách nhiệm là của con người (đặc biệt khi công cụ TTNT dùng trong dịch vụ công).
     - Đảm bảo TTNT hỗ trợ tính đa dạng và không bị loại trừ xã hội: đảm bảo phụ nữ chiếm 40% số người tham dự các khóa học kỹ thuật số vào năm 2020, sửa đổi thủ tục hành chính và nâng cao kỹ năng hòa giải, hỗ trợ cải tiến xã hội dựa trên TTNT.
Như vậy, có thể thấy, trong Chiến lược này, ngoài những mối quan tâm về sự phát triển TTNT, nâng cao vị trí trong thị phần TTNT… nước Pháp quan tâm đến xử lý các vấn đề như trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm pháp lý khi ứng dụng TTNT, bảo đảm quyền của người lao động, bảo vệ môi trường an ninh, ưu tiên xử lý các vấn đề liên quan đến công ích, dịch vụ công ích, an ninh quốc gia và thậm chí là bảo đảm bình đẳng của phụ nữ, bảo đảm tính minh bạch của TTNT. Đây là một cách tiếp cận khá khác với Trung Quốc hiện nay.
3.4. Chiến lược quốc gia về TTNT của Nga
Nga là một quốc gia đi sau các nước phát triển khác về xây dựng Chiến lược quốc gia TTNT. Mãi tới năm 2018 Tổng thống Nga mới giao cho Ngân hàng quốc gia Sberbank[25] cùng Chính phủ Liên bang và Chính quyền Thành phố Moscow phối hợp xây dựng Chiến lược quốc gia về TTNT. Tháng 6 năm 2019, Dự thảo Chiến lược đã được đệ trình lên Tổng thống Liên bang và đem ra thảo luận.[26]
Trong Dự thảo Chiến lược đệ trình Tổng thống Nga phê duyệt khẳng định 3 mục tiêu cơ bản của Chiến lược quốc gia về TTNT: 1) Tăng phúc lợi và chất lượng cuộc sống của người dân; 2) Thúc đẩy phát triển nền kinh tế; 3) Bảo đảm an ninh quốc gia và bảo vệ trật tự pháp luật.
Nội dung cơ bản của Chiến lược quốc gia về TTNT của Nga được nêu trong Dự thảo gồm:
- Xây dựng các nguyên tắc, phương pháp của TTNT thông qua việc xây dựng và phát triển các trung tâm, cơ sở nghiên cứu quốc tế và đầu tư tài chính cho các trung tâm, nhà nghiên cứu về TTNT;
- Chính sách phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực TTNT, trong đó ưu tiên cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nguồn nhân lực của đất nước;
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đủ năng lực ứng phó với bối cảnh TTNT, thúc đẩy sự phát triển của TTNT, rà soát loại bỏ những quy định gây cản trở, không khuyến khích phát triển TTNT nhưng với điều kiện bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh xã hội và tuân thủ các quyền con người;
- Hoàn thiện hệ thống quy định về thu thập, lưu giữ và sử dụng cơ sở dữ liệu để phát triển TTNT;
- Chiến lược bảo đảm bộ máy chuyên trách và hạ tầng để thực hiện mục tiêu phát triển TTNT;
- Chiến lược trang bị cho người dân, xã hội năng lực sẵn sàng ứng dụng TTNT trong đời sống thường nhật và nền kinh tế.
Về cơ bản, cho đến thời điểm hiện tại, Chiến lược quốc gia của Nga về TTNT vẫn chưa được Tổng thống Nga phê duyệt vì vẫn cần nhiều thảo luận chi tiết ở nhiều mục, nội dung khác nhau. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy, Nga đã giao cho Chính phủ Liên bang, Doanh nghiệp và Chính quyền địa phương (Moscow) cùng nhau soạn thảo Dự thảo Chiến lược này. Đây cũng là cách làm hay bởi hợp tác công tư là mô hình phù hợp trong bối cảnh Doanh nghiệp có năng lực về tài chính, nhu cầu đổi mới, chính quyền địa phương như Moscow là nơi có đủ điều kiện để cung ứng nhân lực, cơ sở hạ tầng và chính phủ Liên bang lại là nơi ban hành chính sách, kết nối trong xử lý công việc có liên quan nhiều bộ ngành và đầu tư về tài chính. Nhưng, cũng có thể nhận thấy, Chiến lược này nhắm đến chủ yếu là biến nước Nga thành một trong những nước dẫn đầu về TTNT, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa, chính quyền quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển mà ít quan tâm đến bảo vệ, bảo đảm quyền con người và ứng phó với những vấn đề, thách thức đặt ra với con người, xã hội khi ứng dụng TTNT vào cuộc sống và nền kinh tế.
4. Một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam khi xây dựng Chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo
Như vậy, đến thời điểm hiện tại đã có tới hơn 30 quốc gia xây dựng Chiến lược quốc gia về TTNT và Việt Nam hiện không nằm trong số đó. Trong số các quốc gia xây dựng Chiến lược về TTNT có thể tạm chia làm 2 nhóm: 1) Nhóm ưu tiên đến mục tiêu kinh tế, thúc đẩy phát triển TTNT nhằm tận dụng các lợi thế mà TTNT đem lại để phát triển kinh tế, đưa đất nước vào nhóm dẫn đầu thế giới mà ít dành sự quan tâm đến xử lý các vấn đề xã hội, các thách thức đặt ra đối với con người, xã hội khi ứng dụng TTNT; 2) Nhóm các quốc gia bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia nhưng vẫn dành nhiều nội dung quan tâm và hoạch định các chính sách xử lý các vấn đề phát sinh, những thách thức có thể xảy ra khi ứng dụng TTNT vào đời sống như: xử lý những vấn đề liên quan đến quyền của người lao động, an sinh xã hội; an toàn và an ninh cá nhân; các tiêu chuẩn về trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm pháp lý của TTNT…
Việt Nam có lẽ không thể đứng ngoài cuộc đua nói trên bởi lẽ sự phát triển và ứng dụng TTNT là tất yếu và vì thế cần phải có một chiến lược, chính sách thống nhất ở tầm vĩ mô. Cần vạch ra các nguyên tắc, đường lối, chính sách cơ bản để thúc đẩy khuyến khích phát triển TTNT, hoàn thiện cơ sở pháp lý, nhưng cùng với đó cũng phải đề ra các nguyên tắc, chuẩn mực để ứng phó với những thách thức đặt ra với xã hội, cá nhân và quyền con người.
Không thể phủ nhận rằng, TTNT sẽ giúp Việt Nam tận dụng tiến bộ của công nghệ để nâng cao năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, cung ứng các loại dịch vụ công tốt hơn, chất lượng hơn, góp phần hỗ trợ quản trị công thông minh và tiện ích hơn. Chắc chắn, cùng với TTNT thì rất nhiều những nhóm người dễ bị tổn thương (người khuyết tật…) sẽ được bảo đảm thực thi các quyền con người cơ bản mà trước đây ghi thực hiện nó sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Sự xuất hiện xe tự lái, ti vi cảm ứng, ngôi nhà thông minh, phần mềm giúp đọc thông tin, robot thông minh, … sẽ làm cho cuộc sống và việc hưởng thụ các quyền trở nên dễ dàng hơn. TTNT cũng sẽ giúp các cơ quan quản lý, cơ quan tư pháp đưa ra được những quyết định đúng đắn hơn, giám sát chính quyền minh bạch hơn, tiếp cận công lý hiệu quả hơn….Nhưng, khả năng xâm hại đến các quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân bị mất, những vấn đề về lao động, việc làm, an sinh xã hội, an toàn cá nhân, chủ quyền quốc gia….  Cũng là những vấn đề đặt ra cần có đường lối, nguyên tắc, chính sách để từng bước giải quyết một cách đồng bộ, toàn diện.
Để xây dựng Chiến lược phù hợp, thiết nghĩ, Việt Nam cân nhắc xem xét mấy vấn đề sau:
- Chính phủ cần sớm thiết lập cơ chế để tiến hành xây dựng Chiến lược quốc gia về TTNT, trong đó đặc biệt lưu ý đến hợp tác công-tư trong xây dựng Chiến lược này. Chính phủ có trọng trách, áp lực phải dẫn dắt sự phát triển của xã hội, có ngân sách, có cơ chế, quyền lực còn doanh nghiệp có nhu cầu, có nguồn lực tài chính để thực hiện. Một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Viettel, Vingroup, FPT và một số ngân hàng lớn hoàn toàn có năng lực và động lực để tham gia xây dựng Chiến lược này.
- Cần ưu tiên xây dựng chính sách, chiến lược phát triển nguồn nhân lực về TTNT và có thể làm chủ về TTNT. Bởi khi phụ thuộc vào công nghệ và nguồn nhân lực về công nghệ sẽ có nguy cơ về an ninh quốc gia và trong hoàn cảnh đó quyền dân tộc, chủ quyền quốc gia khó được bảo đảm.
- Cần nhận diện rõ những tiềm năng, lợi thế của Việt Nam về TTNT, nhận diện rõ những lợi ích, thách thức, những vấn đề đặt ra của TTNT và xác định những nguyên tắc cơ bản trong ứng xử với TTNT. Trên cơ sở những thách thức, vấn đề đó, cần định vị những chính sách để xử lý đặc biệt là những vấn đề xã hội phát sinh khi ứng dụng TTNT;
- Cần xác định rõ chiến lược phát triển TTNT để từ đó nêu lên những yêu cầu lớn hoàn thiện pháp luật, thể chế nhằm tháo gỡ những lực cản, tạo xung lực thúc đẩy phát triển và ứng dụng TTNT ở Việt Nam.
- Cần khẩn trương thành lập được thiết chế tầm quốc gia phục vụ triển khai, giám sát việc nghiên cứu, phát triển, ứng dụng TTNT trong đời sống. Hội đồng hoặc ủy ban quốc gia phát triển và giám sát ứng dụng TTNT Việt Nam là phương án có thể cân nhắc.
- Định vị rõ trong Chiến lược những nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong quá trình phát triển TTNT ở Việt Nam để từ đó có những giải pháp bảo vệ, hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền con người, sự ổn định, phát triển bền vững của xã hội.
- Chiến lược quốc gia về TTNT cần được phê chuẩn bởi Quốc hội và theo đó cần thành lập một Ủy ban chuyên trách của Quốc hội để giám sát việc thực hiện Chiến lược trên bởi những vấn liên quan đến TTNT có tác động rất lớn đến sự phát triển chung của quốc gia, đến các quyền con người và ngân sách phục vụ triển khai Chiến lược này sẽ rất lớn và cần có thiết chế đủ năng lực, độc lập.
Trên đây là một vài những phân tích, đánh giá liên quan đến việc xây dựng Chiến lược quốc gia về TTNT ở Việt Nam. TTNT chắc chắn sẽ trở nên phổ biến và có nhiều tác động to lớn trong mọi mặt của đời sống xã hội. Sự chủ động của quốc gia, mà trên hết là Chính quyền Trung ương sẽ là chia khóa thúc đẩy sự phát triển, tận dụng cơ hội để thành công và cũng góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, trong đó có quyền con người – lĩnh vực đang ngày càng trở thành trung tâm của mọi đường lối, chính sách của Nhà nước và xã hội Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.        Calum Chace. Artificial Intelligence and the Two Singularities. CRC, 2018.
2.      Dominic Barton, Jonathan Woetzel, Jeongmin Seong, Qinzheng Tian. Artificial intelligence: Implications for China. Report, McKinsey Global Institute, April 2017.
3.      European Commission for the Efficiency of Justice (CEPEJ), European Ethical Charter on the Use of Artificial Intelligence in Judicial Systems and Their Environment, December 2018, p. 69.
4.      Jeffrey Ding. Deciphering China’s AI Dream: The context, components, capabilities, and consequences of China’s strategy to lead the world in AI. Research Report, Future of Humanity Institute, University of Oxford, March 2018. https://www.fhi.ox.ac.uk/wp-
5.      John McCarthy, M.L. Minsky, N. Rochester, C.E.Shannon. AProposal for the Dartmouth summer conference on artificial intelligence. AI Magazine, 31 Aug. 1955.
6.      Ralph M. Stair, George Reynolds. Principles of Information Systems (13thedition). Course Tachnology, 2018
7.        Shlomit Yanisky Ravid & Xiaoqiong (Jackie) Liu, When Artificial Intelligence Systems Produce Inventions: The 3A Era and an Alternative Model for Patent Law, Cardozo Law Review, forthcoming 2017, pp. 11-15.


* Khoa Luật, ĐHQGHN.
[1] https://www.cnbc.com/2017/11/06/stephen-hawking-ai-could-be-worst-event-in-civilization.html.
[2] https://uet.vnu.edu.vn/tri-tue-nhan-tao-trong-thoi-dai-boi-canh-gioi-va-lien-voi-viet-nam/
[3] Phát biểu của Tổng thống Nga trong cuộc họp bàn về chiến lược quốc gia về phát triển TTNT. Nguồn: http://kremlin.ru/events/president/news/60630. Nguyên văn tiếng Nga “…если кто‑то сможет обеспечить монополию в сфере искусственного интеллекта, – ну последствия нам всем понятны – тот станет властелином мира.”
[4] Calum Chace. Artificial Intelligence and the Two Singularities. CRC, 2018.
[5] Chẳng hạn, Trung Quốc áp dụng hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội (SCS) đối với công dân.
[6] John McCarthy, M.L. Minsky, N. Rochester, C.E.Shannon. AProposal for the Dartmouth summer conference on artificial intelligence. AI Magazine, 31 Aug. 1955.
[7] Tlđd.
[8] European Commission for the Efficiency of Justice (CEPEJ), European Ethical Charter on the Use of Artificial Intelligence in Judicial Systems and Their Environment, December 2018, p. 69.
[9] Ralph M. Stair, George Reynolds. Principles of Information Systems (13thedition). Course Tachnology, 2018
[10] Shlomit Yanisky Ravid & Xiaoqiong (Jackie) Liu, When Artificial Intelligence Systems Produce Inventions: The 3A Era and an Alternative Model for Patent Law, Cardozo Law Review, forthcoming 2017, pp. 11-15.
[17] Nhật định của Chủ tịch Ngân hàng Sberbank Nga German Gref trong buổi làm việc với Tổng thống Nga về Chiến lược Liên bang về TTNT: http://kremlin.ru/events/president/news/60630 (25/6/2019)
[18] TLđd.
[20] Dẫn theo Báo cáo của GS. TS. Nguyễn Thanh Thủy, PGS. TS. Hà Quang Thụy, PGS. TS. Phan Xuân Hiếu, PGS. TS. Nguyễn Trí Thành: https://uet.vnu.edu.vn/tri-tue-nhan-tao-trong-thoi-dai-boi-canh-gioi-va-lien-voi-viet-nam/
[21] Tuy nhiên, hiện nay, do chính quyền mới của Tổng thống Trump có cách tiếp cận khác nên sự đầu tư trực tiếp từ ngân sách cho các chương trình đó cũng đã được chuyển hướng sang chính sách thuế nhằm khuyến khích đầu tư phát triển TTNT của các doanh nghiệp trên đất Mỹ. Tuy vậy, việc hoạch định được nhóm 7 chiến lược trong Chiến lược quốc gia nói trên đã tạo khung khổ để phát triển TTNT ở Mỹ. Giai đoạn 2017 đến nay Mỹ cũng đã xây dựng được một số dự luật liên quan đến nội dung này và đã được điểm qua ở phần trên của bài viết này.
[22] Xem: 1) Dominic Barton, Jonathan Woetzel, Jeongmin Seong, Qinzheng Tian. Artificial intelligence: Implications for China. Report, McKinsey Global Institute, April 2017. 2) Jeffrey Ding. Deciphering China’s AI Dream: The context, components, capabilities, and consequences of China’s strategy to lead the world in AI. Research Report, Future of Humanity Institute, University of Oxford, March 2018. https://www.fhi.ox.ac.uk/wp-content/uploads/Deciphering_Chinas_AI-Dream.pdf.
[23] Dẫn theo Báo cáo của GS. TS. Nguyễn Thanh Thủy, PGS. TS. Hà Quang Thụy, PGS. TS. Phan Xuân Hiếu, PGS. TS. Nguyễn Trí Thành: https://uet.vnu.edu.vn/tri-tue-nhan-tao-trong-thoi-dai-boi-canh-gioi-va-lien-voi-viet-nam/
[24] Dẫn theo Báo cáo của GS. TS. Nguyễn Thanh Thủy, PGS. TS. Hà Quang Thụy, PGS. TS. Phan Xuân Hiếu, PGS. TS. Nguyễn Trí Thành: https://uet.vnu.edu.vn/tri-tue-nhan-tao-trong-thoi-dai-boi-canh-gioi-va-lien-voi-viet-nam/
[25] Là một Ngân hàng cổ phần nhưng do Chính phủ Nga chi phối về nguồn vốn và nhân sự (Tạm dịch là: Ngân hàng Tiết kiệm Liên bang).
[26] Nội dung thảo luận tại Điện Kremlin với sự chủ trì của Tổng thống Nga V. Putin: http://kremlin.ru/events/president/news/60630

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.