Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Đôi điều về thuật ngữ "giới hạn" và "hạn chế" quyền - phân tích từ góc nhìn ngôn ngữ trong KHPL Nga

ảnh: Internet
Mai Văn Thắng
Nguồn: Sách chuyên khảo
Giới hạn chính đáng đối với các QCN, QCD 
trong pháp luật quốc tế và Việt Nam,
Nguyễn Minh Tuấn (Chủ biên), 
NXB. ĐHQGHN 2015 tr.94-97)
Giới hạn quyền là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn không chỉ cộng đồng khoa học mà còn của các nhà hoạt động chính trị, hoạt động xã hội và người dân. Tuy nhiên, cho đến nay, ở nước ta vẫn còn có nhiều cách hiểu, dịch khác nhau về hai thuật ngữ "giới hạn" và "hạn chế" quyền. Tác giả xin giới thiệu một cách hiểu, một quan niệm về nội hàm của hai khái niệm này. Có thể quan niệm của tác giả là chưa chuẩn, nhưng khoa học là vậy, đặc biệt là luật học - tranh luận là phương thức để tìm ra chân lý. Xin giới thiệu cách hiểu của tác giả về hai khái niệm này!
Giới hạn (hạn chế) quyền con người là một trong những vấn đề được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn khoa học cũng như thực tiễn cuộc sống ở Liên bang Nga trong hai thập niên trở lại đây. Tính thời sự của nó được qui định bởi bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tổ chức quyền lực, dân chủ hóa và xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước Nga thời kỳ hậu Xô viết.

Cơ sở pháp lý của việc giới hạn (hạn chế) quyền con người ở Liên bang Nga là Hiến pháp Liên bang. Bản Hiến pháp này được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân (bỏ phiếu toàn dân) được tiến hành vào ngày 12 tháng 12 năm 1993.[1] Theo qui định của Hiến pháp, quyền con người có nguồn gốc tự nhiên, không thể phân chia và thuộc về mỗi cá nhân ngay từ khi mới được sinh ra. Các quyền này phù hợp với các nguyên tắc chung được thừa nhận rộng rãi và các chuẩn mực của pháp luật quốc tế.[2] Tuy vậy, cũng như theo các nguyên tắc và chuẩn mực của pháp luật quốc tế, việc thực thi các quyền con người cũng có thể bị giới hạn (hạn chế) trong những trường hợp và mục tiêu xác định. Theo Khoản 3 Điều 55 Hiến pháp Liên bang Nga “Các quyền và tự do của con người và của công dân có thể bị giới hạn bởi luật liên bang chỉ trong mức độ cần thiết đủ để bảo vệ nền tảng chế độ hiến pháp, đạo đức, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bảo đảm phòng thủ đất nước và an ninh quốc gia”.
Mặc dù đã được hiến định, nhưng cho đến nay, chỉ riêng vấn đề liên quan đến việc sử dụng thuật ngữ “ограничить” trong Hiến pháp cũng đã dẫn đến nhiều quan niệm, cách nhận thức rất khác nhau. Thuật ngữ “ограничить” nên hiểu là “giới hạn” hay “hạn chế” và điều này có tác động như thế nào đến thực thi chế định Hiến pháp nói trên cũng như đến nhận thức của giới nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước. Tại Khoản 3 Điều 55 của Hiến pháp Liên bang Nga các nhà lập hiến Liên bang Nga đã dùng thuật ngữ “ограничить” để miêu tả nội dung quan trọng nhất của điều khoản này. Nhưng thuật ngữ này được hiểu không chỉ với nghĩa là “giới hạn”. Ngay trong các bản dịch Hiến pháp Liên bang Nga sang tiếng Việt, cùng một thuật ngữ “ограничить” nhưng lại được các tác giả dịch theo cả nghĩa “giới hạn” và “hạn chế”.[3]
Vấn đề là ở chỗ, nội hàm của hai khái niệm “hạn chế” và “giới hạn” trong lĩnh vực nhân quyền lại có sự khác biệt. Luật Nhân quyền quốc tế phân biệt rất rõ ràng hai khái niệm “Limitation of human rights” và “Derogation of human rights”. Theo đó, các quyền có thể bị giới hạn còn việc thực thi các quyền ấy thì có thể bị hạn chế. TS. Vũ Công Giao đã phân tích rất thuyết phục sự khác biệt và nguy hiểm khi đồng nhất hai khái niệm này.[4]
Như vậy, nhất thiết cần phải làm rõ nội hàm thuật ngữ “ограничить” được dùng trong Hiến pháp Liên bang để đảm bảo sự nhất quán trong nhận thức và thực thi các qui định của Hiến pháp liên quan đến nội dung đặc biệt quan trọng và nhạy cảm này.
Theo các Từ điển Tiếng Nga, thuật ngữ “ограничить” được định nghĩa là “hạn chế, gò ép bởi những điều kiện xác định, đặt cái gì đó vào khung hay phạm vi nào đó[5] hay “hạn định, co lại, giảm bớt (cái gì đó, khả năng gì đó, quyền gì đó), đặt cái gì đó vào khung, thiết lập giới hạn cho cái gì đó”.[6]
Như vậy, thuật ngữ này được sử dụng để biểu đạt cả hai nghĩa: “giới hạn” và “hạn chế”. Vậy, cần hiểu nội hàm của thuật ngữ này trong Hiến pháp như thế nào cho phù hợp?
Với nghĩa “ограничение” – “hạn chế”, có thể hiểu là quyền con người trong các trường hợp, thời điểm xác định (luật định) việc sử dụng các quyền con người có thể bị giảm bớt, thu hẹp, gián đoạn, không được đầy đủ, liên tục.
Với xuất phát từ ngôn ngữ gốc của tiếng Nga “-гранич-”(nghĩa: giới hạn, ranh giới, phạm vi…),[7]  thuật ngữ “ограничениеcũng được hiểu là “giới hạn”. Trong lĩnh vực quyền con người thuật ngữ này được sử dụng để biểu đạt giới hạn quyền con người - là việc thiết lập một cách hợp pháp các ranh giới, phạm vi, thời điểm mà trong khuôn khổ đó việc thực thi quyền con người có thể bị hạn chế hoặc bị trì hoãn.
Trong giới nghiên cứu Liên bang Nga, tranh luận về thuật ngữ này cũng khá gay gắt. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cần phải phân biệt rõ ngay trong Hiến pháp để công quyền (và cả chủ thể mang quyền) không thể lạm dụng. Theo họ, không nên sử dụng thuật ngữ “quyền và tự do của con người và công dân có thể bị giới hạn”, mà chỉ cần “quyền con người có thể bị giới hạn” là đủ. Bởi, tự do là lợi ích mà quyền đem lại, là nội dung của quyền.[8] Còn theo một số khác thì cần thiết phải thêm tính từ “quyền - правовые” vào trước danh từ “giới hạn - ограничения” để phân biệt rõ “giới hạn quyền - правовые ограничения” với “ограничения” theo nghĩa “hạn chế”, bởi hạn chế là hạn chế trong việc sử dụng, trong việc thủ đắc các lợi ích mà quyền đem lại mà thôi.[9] Một số khác lại cho rằng, cần thiết phải thêm danh từ “Пределы – giới hạn” ngay trước từограничения (Những giới hạn của sự hạn chế) khi nói về nghĩa giới hạn để tránh sự nhầm lẫn.[10]
Như vậy, có thể có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng về cơ bản thuật ngữ “ограничение” theo cả hai nghĩa. Với nghĩa “hạn chế” quyền thì có nghĩa là hạn chế trong việc thực thi, sử dụng, áp dụng các quyền con người, còn nghĩa “giới hạn” được sử dụng khi diễn đạt việc thiết lập phạm vi, ranh giới mà trong khuôn khổ đó quyền có thể bị hạn chế trong các điều kiện, hoàn cảnh, mục đích xác định. Và vì vậy, tại Khoản 3 Điều 55, thuật ngữ “ограничить” cần được nhận thức và được hiểu theo nghĩa “giới hạn” để phù hợp với Luật Nhân quyền quốc tế cũng như với ý tưởng, nội dung cơ bản của Hiến pháp Liên bang Nga.





[1] Trong bài viết này, tác giả có trích dùng bản dịch Hiến pháp Liên bang Nga trong cuốn “Tuyển tập hiến pháp của mốt số nước trên thế giới”, Nxb. Thống kê, 2009 và cuốn “Tuyển tập hiến pháp của một số quốc gia – Tài liệu tham khảo”, Nxb. Hồng Đức 2012 và trong nhiều trường hợp có đối chiếu, so sánh và đưa ra quan điểm cá nhân về những phần, đoạn dịch cụ thể.
[2] Các khoản 1 và 2 Điều 17 Hiến pháp Liên bang Nga.
[3] Trong cuốn “Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới”,Nxb. Thống kê, Hà Nội – 2009, và Cuốn “Tuyển tập hiến pháp của một số quốc gia – Tài liệu tham khảo”, Nxb. Hồng Đức, 2012, tại điều 55 và điều 56 của Hiến pháp Liên bang Nga, các tác giả đều dịch từ “ограничить” với cả hai nghĩa “hạn chế” và “giới hạn”.
[4] Xem: Vũ Công Giao, Tạp chí khoa học ĐHQGHN, Luật học, tập 29, số 3 (2013), trang 53.
[5]   Ожегов С. И. Словарь русского языка. М., 1988. С. 357. Nguyên văn Tiếng Nga là:  «стеснить определенными условиями, поставить в какие-то рамки, границы».
[6] Xem: Словарь синонимов русского языка. М., 1986. С. 305. Nguyên văn tiếng Nga: “лимитировать, свести к чему-то (возможности, сферу деятельности и т.п.), сузить (возможности, права и т.п.), ущемить, поставить в рамки, поставить предел чему-либо”.
[7]http://ru.wiktionary.org/wiki
[8] Xem: Беломестных Л.Л. Ограничение прав человека. — М., 2003. — С. 8
[9] Xem: Малько А. В. Правовые ограничения: от отраслевого понимания к теоретическому// Правоведение. 1993. № 5. С. 19. Кроме того, см.: Хессе К. Основы конституционного права ФРГ/ Под ред. Н. А. Сидорова. М., 1981. С. 163
[10] Шмоткин А.В. Пределы ограничения прав и свобод личности при обеспечении национальной безопасности / В кн.: Проблемы обеспечения национальной безопасности в современных условиях. Минск, 2001. С. 74-75

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.