Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

ÁN LỆ TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT LIÊN BANG NGA HIỆN ĐẠI

TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
Nguồn: Chuyên san Luật học, số 3/2017
Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN
(Xem tại đây)
Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích các nguyên nhân cơ bản thúc đẩy sự hình thành và phát triển, bản chất, vị trí và vai trò của án lệ với tư cách là nguồn pháp luật trong hệ thống pháp luật nước Nga hiện đại. Khác với nguyên tắc “stare decisis” của án lệ trong Thông luật, án lệ ở Nga chiếm vị trí thứ yếu, là nguồn bổ trợ, mang tính chất giải thích pháp lý của hệ thống pháp luật. Án lệ ở Nga cũng không được trao vị trí chính thức, không được lựa chọn, công bố mà là sự khẳng định giá trị, tính thuyết phục, sự vượt trội, hợp lý của những quan điểm, giải pháp pháp lý được thể hiện trong các quyết định của các tòa án cấp cao và được sử dụng làm căn cứ trong các phán quyết, quyết định của các tòa án cấp dưới cho dù án lệ được tạo ra bởi Tòa án Hiến pháp Liên bang trong nhiều trường hợp không theo nguyên tắc này vì tính bắt buộc của nó. Các quan điểm, giải pháp pháp lý là nội dung của án lệ không phải là quy phạm pháp luật.
Từ khóa: Án lệ, Nga, tòa án, hệ thống pháp luật, nguồn pháp luật.

1.   Đặt vấn đề
Đã có nhiều nghiên cứu về án lệ ở nước ta. Tuy vậy, trong số nhiều những công trình đó, rất ít có những nghiên cứu về bản chất, vị trí và vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật của các quốc gia đang chuyển đổi, đặc biệt là ở những nơi từng hiện diện hệ tư tưởng, ý thức và văn hóa pháp luật Xô Viết.
Thiết nghĩ, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến quan niệm, bản chất, vị trí vai trò và cách thức áp dụng án lệ trong hệ thống pháp luật của những quốc gia đó rất ý nghĩa với Việt Nam hiện nay cả trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn. Bởi ở một góc độ nào đó, các điều kiện công nhận, vận dụng án lệ có nhiều nét tương đồng với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta cần hiểu cách nhận thức và ứng xử với án lệ ở những nơi mà văn bản quy phạm pháp luật là nguồn pháp luật quan trọng nhất, đáng tin và thậm chí là độc tôn nhất để chuyển hóa đường lối lãnh đạo của đảng cầm quyền từng là (và thậm chí vẫn đang hiện hữu trong nhận thức thực tế của người dân và công quyền) [1]; nơi mà niềm tin về tính chuyên nghiệp, sự công tâm, công lý và sự độc lập của thẩm phán nói riêng và hệ thống tư pháp nói chung từng như là một thứ gì đó vô cùng xa xỉ; và là nơi mà thẩm phán từng được coi là quan chức hành chính được phân công xét xử với nhiệm vụ then chốt là bảo vệ chế độ, bảo vệ của công hơn là bảo vệ công lý, quyền, lợi ích hợp pháp của con người, công dân…
Vì vậy, bài viết này tác giả tập trung nghiên cứu một số vấn đề liên quan đến quan điểm, bản chất, vị trí, vai trò và cách thức áp dụng án lệ trên thực tế ở nước Nga hiện nay để từ đó, một mặt, bổ sung cho những nghiên cứu còn khá ít ỏi về án lệ ở những quốc gia chuyển đổi, mặt khác, đưa ra những phân tích về cách tiếp cận, bản chất, cũng như những điều kiện hình thành và phát triển của án lệ ở nước Nga hiện nay và từ đó học giả có thể nhận diện, tiếp cận so sánh với những gì đang được nhận thức và vận dụng ở nước ta hiện nay.
2.       Những nguyên nhân cơ bản hình thành và phát triển án lệ ở Liên bang Nga
Hiện nay, ở Nga không có một văn bản pháp luật chính thống nào khẳng định án lệ là nguồn pháp luật trong hệ thống pháp luật quốc gia. Nhưng trên thực tế án lệ đã được áp dụng, thừa nhận, đặc biệt trong những năm gần đây. Có lẽ vì thế mà giới học thuật vẫn còn tranh luận sôi nổi về bản chất, đặc điểm, vị trí của án lệ trong hệ thống nguồn luật của nước Nga hậu Xô Viết.[1] Tuy nhiên, dù còn nhiều tranh luận, thực tế án lệ đã hiện hữu như là nhu cầu và quy luật tất yếu của cuộc sống nước Nga hiện đại.
Theo tác giả, những nguyên do cơ bản đến sự hình thành và phát triển của án lệ trong hệ thống pháp luật Liên bang Nga hiện nay bao gồm:
Thứ nhất, nếu như trước đây, tòa án có quyền từ chối thụ lý vụ việc khi không có luật quy định, thì nay pháp luật Liên bang Nga ghi nhận rõ hai nguyên tắc cơ bản: 1)Đảm bảo sự bảo vệ của tòa án đối với quyền và tự do của mỗi người[2] [2]và 2)Việc từ chối thực hiện quyền tiếp cận tòa án không có giá trị pháp lý”.[3][3]
Như vậy, với những nguyên tắc này, tòa án không thể không giải quyết vụ việc chỉ vì lý do thiếu luật và người dân được đảm bảo quyền được bảo vệ của tòa án. Không có luật tòa án có nghĩa vụ tìm mọi phương tiện pháp lý khác để thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh của mình. Trong điều kiện này, việc đa dạng hóa các loại nguồn pháp luật vô cùng cấp thiết, trong đó đương nhiên có án lệ như là loại nguồn phổ biến trong thế giới hiện đại cần được tính đến.
Thứ hai, khi thực hiện nhiệm vụ xét xử, thẩm phán không chỉ đơn thuần áp dụng luật mà còn được phép dựa vào niềm tin nội tâm (khi giải thích và đưa ra các quan điểm pháp lý) và lương tâm của chính mình. Đây là điều mới ở Nga so với các giai đoạn lịch sử trước đó.
Theo Khoản 1 Điều 17 Bộ luật Tố tụng Hình sự Liên bang Nga: “Thẩm phán, bồi thẩm, cũng như kiểm sát viên, điều tra viên, người được giao một số hoạt động điều tra, đánh giá chứng cứ theo niềm tin nội tâm của mình trên cơ sở tất cả các chứng cứ có trong vụ án hình sự và được chỉ dẫn bởi luật và lương tâm”.[4] Tương tự như vậy, Bộ Luật Liên bang về Tố tụng trọng tài năm 2002 cũng cho phép thẩm phán dựa trên niềm tin nội tâm khi xét xử vụ việc.[5] [4]
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không phải lúc nào cũng hoàn thiện, miễn nhiễm với những lỗ hổng, chồng chéo và bất cập. Luật thành văn là công cụ hữu hiệu nhưng không toàn năng. Luật pháp được tạo nên bởi ngôn ngữ mà bản chất của ngôn ngữ là trừu tượng, phong phú, đa dạng về ngữ cảnh, nội hàm… và đôi khi lại vô cùng hạn hẹp. Chủ thể áp dụng nó cũng có những trình độ nhận thức, lợi ích, sự tác động khác nhau để có phương thức, cách hiểu và vận dụng khác nhau. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì công lý cũng cần phải được bảo đảm và thực thi. Trong trường hợp ấy, để có được công lý thì không thể loại trừ lương tâm và niềm tin nội tâm của thẩm phán. Không có luật hoặc luật không rõ ràng, đa nghĩa thì còn niềm tin nội tâm, lương tâm của thẩm phán bởi họ có trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ công lý. Chánh án Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga V.D. Zorkin từng nói: “Sự chuyên nghiệp và trong sạch. Đó là những gì rất quan trọng. Nhưng, những cái khác cũng rất cần thiết. Nếu chỉ là sự chuyên nghiệp và trong sạch, thẩm phán sẽ không phải là con người” [5]
Như vậy, với lương tâm và niềm tin nội tâm, thẩm phán hoàn toàn có thể bằng kinh nghiệm, hiểu biết của mình để đưa ra một “quan điểm pháp lý” phù hợp và đáng để các thẩm phán khác noi theo và cứu cánh khi không có luật hoặc luật có vấn đề… và đương nhiên giải pháp, quan điểm pháp lý đó phải phù hợp với các nguyên tắc pháp lý cơ bản hiện hành.
Thứ ba, án lệ góp phần đảm bảo tính thống nhất, thượng tôn pháp luật trong thực tiễn tư pháp. Pháp luật cho phép thẩm phán dựa trên niềm tin nội tâm khi giải quyết vụ việc và điều này có thể dẫn tới tình trạng lộn xộn của hệ thống tư pháp, sự lạm dụng của thẩm phán khi xét xử. Trong trường hợp ấy, án lệ cần thiết và quan trọng cho sự áp dụng thống nhất pháp luật trong thực tiễn và đảm bảo nguyên tắc pháp quyền. Bởi án lệ ở là những quyết định của tòa án có thẩm quyền (cấp cao) về những vấn đề cần có giải pháp pháp lý mới chưa được nhận thức, hiểu thống nhất hoặc chưa được luật quy định.
Thứ tư, sự hiện diện của Tòa án Hiến pháp Liên bang và tính chất đặc biệt của các quyết định của thiết chế này.
Tòa án Hiến pháp Liên bang ra đời cùng với sự xuất hiện của nhà nước Liên bang Nga hiện đại. Đây là thiết chế hiến định có chức năng quan trọng nhất là bảo hiến. Ngoài ra, Tòa án Hiến pháp Liên bang còn giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền ở cấp độ Liên bang, giải thích Hiến pháp, công nhận vi hiến một văn bản khi áp dụng vào một trường hợp cụ thể và đưa ra kết luận về việc luận tội Tổng thống Liên bang về tội phản bội Tổ quốc và các tội đặc biệt nghiêm trọng khác.[6]
Khi thực hiện thẩm quyền của mình, Tòa án Hiến pháp thường căn cứ vào việc giải thích các nguyên tắc hiến định. Các quan điểm pháp lý ẩn chứa trong các quyết định của Tòa án này thường là những giải pháp mẫu mực và có giá trị bắt buộc trên toàn lãnh thổ Liên bang. Trong rất nhiều trường hợp, những quan điểm pháp lý này được viện dẫn trực tiếp để giải quyết các trường hợp cụ thể. Đa phần các quyết định của cơ quan này đều hướng đến các chủ thể đặc biệt (lập pháp, hành pháp), ít mang tính cá biệt nhưng thông qua vụ việc cụ thể, có giá trị áp dụng nhiều lần và bắt buộc chung. Không phải mọi quyết định của thiết chế này chứa quy phạm mà đa phần chứa đựng “quan điểm pháp lý” như những giải pháp pháp lý hợp lý và mẫu mực. Các văn bản này có giá trị áp dụng cho các tòa án và các chủ thể khác.
Ở Nga cho tới nay không có một đạo luật Liên bang quy định về các văn bản quy phạm pháp luật.[7] Do đó, khó có thể xếp loại nhiều quyết định của Tòa án hiến pháp Liên bang vào văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng có điều các quyết định ấy được sử dụng làm nguồn quan trọng giải quyết các vụ việc của hệ thống tòa án một cách chính thức, công khai. Điều này khiến việc sự thừa nhận án lệ trong thực tiễn pháp lý ở Nga càng trở nên cấp thiết.
Thứ năm, phân quyền, độc lập tư pháp và hội nhập.
Bàn đến phân quyền nhiều học giả cho rằng, nếu trao cho thẩm phán quyền tạo lập và sử dụng án lệ trong xét xử sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguyên tắc pháp quyền bởi một trong đặc điểm cơ bản là sự phân quyền. Tuy nhiên, ở Nga, vấn đề lại khác. Trước kia, nhà nước Xô Viết vận dụng mô hình tập quyền và điều này đã làm mờ nhạt quyền tư pháp, thậm chí không có khái niệm “quyền tư pháp” trong tư duy pháp lý và chính trị Xô Viết. Ở trong chế độ đó, một hệ thống cơ quan làm nhiệm vụ xét xử, các thẩm phán cũng như hội thẩm nhân dân được thiết lập bằng con đường chính trị, còn phẩm chất, năng lực và sự chuyên nghiệp không được quan tâm đúng mực. Vị trí, vai trò của thẩm phán trong xã hội không lớn, họ bị nghi ngờ về tính độc lập và trình độ chuyên môn. Thẩm phán chỉ có quyền “đọc luật” và giải thích pháp luật để vận dụng trong trường hợp cụ thể. Trong bối cảnh đó, thật khó để giới cầm quyền có thể tin tưởng trao cho tòa án quyền tạo lập án lệ chứ chưa bàn tới việc không nên hay không thể trao quyền này cho thẩm phán.[8]
Ngày nay, nước Nga tuyên bố xây dựng chính thể với sự phân quyền thành quyền lập pháp, quyền tư pháp quyền hành pháp.[6] Các nhánh quyền lực độc lập với nhau, được trao quyền và vì vậy các nhánh quyền trở nên cân bằng, thực quyền, trong đó có quyền tư pháp. Hệ thống những đảm bảo sự độc lập của tư pháp nói cung và từng thẩm phán nói riêng được ghi nhận, thực thi đã giúp uy tín, địa vị của họ được khẳng định. Thẩm phán trở thành những chuyên gia, am hiểu luật nhất, đặc biệt là sự vận hành pháp luật trong đời sống thực tiễn.
Phân quyền không đồng nghĩa với sự phân chia quyền lực một cách tuyệt đối. Xây dựng quy phạm pháp luật không chỉ là việc của cơ quan dân cử (Quốc hội). Sự tham gia của các thiết chế khác vào các công đoạn khác nhau của quá trình lập pháp, hoạt động giải thích pháp luật của các cơ quan hành pháp cũng tạo ra hệ thống các quy phạm pháp luật dưới luật. Vậy tại sao tòa án lại không thể? Thực tế là đã có và phổ biến. Nhưng, không chỉ tạo các quy phạm, trong rất nhiều trường hợp khi không có quy phạm (hoặc nhận thức không thống nhất) để bảo vệ công lý, thẩm phán đã lập luận cho phán quyết của mình bằng những quan điểm pháp lý mới với những giải pháp pháp lý hợp lý, mẫu mực, được thừa nhận rộng rãi trong thực tiễn.
Ngoài ra, xu thế hội nhập trên thế giới là không thể đảo ngước. Quá trình hội nhập, toàn cầu hóa làm cho việc tiếp nhận, ảnh hưởng lẫn nhau của các dòng họ, truyền thống pháp luật dễ dàng hơn và như là nhu cầu khách quan, tất yếu. Tiếp thu, áp dụng các phán quyết của các thiết chế tài phán quốc tế là bắt buộc trong nhiều trường hợp ở Nga hiện nay.
Thứ sáu, sự ưu việt của án lệ trong xã hội hiện đại.
Trên thực tế, ở Nga ngày nay cũng như ở Liên Xô trước kia, khi cần áp dụng thống nhất pháp luật, Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao cũng có thể ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Đây là sản phẩm của truyền thống pháp luật mang màu sắc chủ nghĩa thực chứng Xô Viết. Tuy nhiên, có thể khẳng định, văn bản hướng dẫn này so với án lệ có nhiều điểm hạn chế. Bởi không thể đưa ra những hướng dẫn chống lại văn bản luật (có giá trị pháp lý cao hơn) mà chỉ tổng kết thực tiễn, đưa ra cách giải quyết chung trong những trường hợp còn có ý kiến khác nhau và tòa cấp dưới buộc phải tuân theo. Còn án lệ thì không như thế. Các quan điểm pháp lý là nội dung của án lệ được ẩn chứa trong quyết định, phán quyết của tòa án cấp cao có khả năng chống lại (xung đột) văn bản luật. Tuy nhiên, những quan điểm pháp lý mới có thể chống lại luật nhưng không chống lại Hiến pháp bởi quan điểm của thẩm phán dựa trên tinh thần, nội dung của các nguyên tắc hiến định.
Án lệ cũng hấp dẫn bởi những lập luận và tính thuyết phục của nó khi thẩm phán hoặc cơ quan có thẩm quyền luận giải để đưa ra quan điểm pháp lý đó. Án lệ không phải lúc nào cũng có tính áp đặt cứng nhắc và còn hấp dẫn bởi tính mới, sự cụ thể, chi tiết và thực tiễn sinh động vốn có của thực tiễn xét xử.
Như vậy, có thể khẳng định, những điều kiện trên đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của án lệ như là một hiện tượng pháp lý tất yếu và trở thành nguồn pháp luật trong hệ thống pháp luật Nga hiện nay, dù chưa có một văn bản pháp lý nào chính thức ghi nhận điều này.
3.     Bản chất, vị trí và vai trò của án lệ ở Nga
Án lệ ở Nga là một loại nguồn đã được thực tế thừa nhận mà không cần có một sự “cấp phép” nào từ văn bản quy phạm pháp luật. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi bản thân văn bản nào là văn bản quy phạm pháp luật ở Liên bang Nga cho đến nay vẫn chưa có một sự xác định rõ ràng về mặt pháp lý,[9] nhưng các văn bản ấy vẫn được áp dụng thực tế, là trụ cột của đời sống pháp luật nước Nga cả trong quá khứ lẫn hiện tại.
Khảo cứu án lệ ở Nga, xét trên phương diện bản chất, vị trí và vai trò, có thể chỉ ra mấy đặc điểm cơ bản sau của án lệ trong hệ thống pháp luật Nga như sau:
a)      Án lệ của Nga không tuân theo nguyên tắc “stare decisis” của án lệ trong truyền thống Thông luật.
Truyền thống pháp luật chuyển đổi và đang trên đường trở lại họ pháp luật châu Âu lục địa ở Nga không chấp nhận mô hình án lệ kiểu Anh với nguyên tắc phán quyết phải được tuân thủ như tiền lệ. Trên thực tế, án lệ của Nga là mô hình mang tính chất giải thích, bổ sung và khỏa lấp những bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật. Tính chất này có nhiều điểm tương đồng với nguyên tắc “Jurisprudence constante” của án lệ ở Pháp, nơi mà án lệ cũng không theo mô hình Anh mà dựa trên tính chất và giá trị thuyết phục của các bản án.[7] Tuy nhiên, những quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang trong nhiều trường hợp không theo nguyên tắc này bởi tính chất bắt buộc chung của nó.
Có thể đương cử một ví dụ về tính kháng luật và sự thuyết phục của những lập luận trong bản án được áp dụng trên thực tế như là một án lệ ở Nga như sau: Theo Quyết định số 40-А08-1207 của Tòa án Tối cao Liên bang về việc giữ nguyên không thay đổi nội dung phán quyết của Tòa án tỉnh Chelyabisk số 2-2373/2008 về vụ việc, công dân Nga khởi kiện cơ quan đăng ký quyền sở hữu bất động sản đã từ chối đăng ký quyền bất động sản của mình.
Sơ lược nội dung như sau: Một công dân Nga đến cơ quan đăng ký quyền bất động sản và các giao dịch gắn liền với bất động sản đề nghị đăng ký quyền sở hữu đối với bất động sản mà ông đang ở và có quyền sở hữu trên thực tế. Tuy nhiên, sau khi xem xét quy định của Luật đăng ký quyền đối với bất động sản và các giao dịch liên quan,[10] chuyên viên đăng ký từ chối với lý do là theo Khoản 5 Điều 18, công dân phải cung cấp 02 bản gốc giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu đất đai của chủ cũ và các giấy tờ chính khác về cấp phép xây dựng, hợp đồng xây dựng… (một bản sẽ được trả lại sau khi thực hiện xong việc đăng ký). Tuy nhiên, công dân không có giấy tờ đó mà chỉ có thể trình được bản chứng thực của Phòng công chứng hợp đồng với chủ cũ về quyền xây dựng trên bất động sản từ năm 1935 và Giấy chứng nhận của Phòng công chứng về việc giấy tờ gốc đang được lưu ở Phòng công chứng. Căn cứ vào Khoản 1 Điều 20 Luật này, chuyên viên đăng ký đã từ chối tiếp nhận hồ sơ.
Chiếu theo các điều khoản và giải thích về mặt từ ngữ thì công dân không thể thực hiện các hoạt động để xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản mà trên thực tế ông đã xác lập từ rất nhiều năm nay. Việc nhận lại các giấy tờ gốc theo yêu cầu là điều không thể và việc yêu cầu tòa án công nhận quyền sở hữu cũng không thể vì theo quy định của luật. Để đòi quyền lợi của mình, ông khởi kiện ra tòa. Năm 2008, tòa án tỉnh Chelyabisk, Nga đã ra quyết định công nhận việc từ chối đăng ký với các lý do trên là bất hợp pháp và cho rằng, về mặt ngữ nghĩa và hình thức thì đúng, nhưng quy định của Luật trái với các nguyên tắc pháp lý phổ quát là nguyên tắc hợp lý và công bằng.[11] Sau khi xem xét, Tòa án tối cao Liên bang đã đồng tình với lập luận của Tòa án tỉnh Chelyabisk và bằng Quyết định số 40-А08-1207 năm 2009, đã giữ nguyên phán quyết sơ thẩm, đồng thời làm rõ thêm những quan điểm pháp lý của trường hợp này. Điều đặc biệt là sau đó rất nhiều vụ việc đã được áp dụng theo và cuối cùng nó là cơ sở để ban hành Luật mới thay thế Luật đăng ký quyền đối với bất động sản và các giao dịch liên quan năm 1997.[12]
Đây chưa phải là những vụ việc có tính chất điển hình, nhưng là một trong những vụ việc cho thấy sức lan tỏa của quyết định tòa án và bằng sự hợp lý của những lập luận của mình nó trở thành tiền lệ cho các tòa án cấp dưới tuân theo và buộc các nhà lập pháp phải thay đổi luật bất hợp lý nêu trên.[13]
Ngoài ra, tiêu biểu nhất để lấy các ví dụ cho các án lệ ở Nga là các quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang. Các quyết định này có tính chất đặc biệt, bởi nó vừa không phải là các văn bản áp dụng pháp luật đơn thuần nhưng cũng không được thừa nhận là các văn bản quy phạm pháp luật. Thông qua vụ việc cụ thể tòa án Hiến pháp Nga đã ban hành các quyết định mà trong đó luôn chứa các “quan điểm pháp lý” thể hiện quan điểm chính thống của Tòa án Hiến pháp (tư tưởng hiến pháp chính thống). Các quan điểm pháp lý đó không thể và không có chức năng hủy, bổ sung, thay thế văn bản pháp luật mà chỉ công nhận văn bản bất hợp hiến, không còn được áp dụng, nhưng khác với văn bản thông thường khác, các quan điểm pháp lý thể hiện trong các quyết định ấy có tính bắt buộc chung, giá trị áp dụng nhiều lần, cho nhiều đối tượng. [8] Những quyết định đó không tạo ra quy phạm mới và chỉ là giải pháp pháp lý, quan điểm pháp lý và mang tính giải thích hiến pháp (đặc biệt là các nguyên tắc pháp lý phổ quát được ghi nhận trong Hiến pháp). Các quyết định này là cơ sở và được vận dụng nhiều vào trong các quyết định của hệ thống tòa án ở Nga khi giải quyết các vụ việc cụ thể. Ngoài ra, dù xuất phát từ yêu cầu, vụ việc cụ thể, nhưng, như đã đề cập, các “quan điểm pháp lý” thể hiện tư tưởng hiến pháp của Tòa án Hiến pháp Nga không chủ đích nhắm đến chủ thể cụ thể mà là nhắm tới các chủ thể hành pháp và lập pháp nói chung, thậm chí tới cả hệ thống tư pháp trong hoạt động xét xử. [9]
Rõ ràng, các quan điểm pháp lý được thể hiện trong các quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang không phải là quy phạm pháp luật mà là giải pháp, quan điểm pháp lý thể hiện triết lý, tư tưởng hiến pháp ở Liên bang Nga. Nó có tính chất bắt buộc, được áp dụng rộng rãi và được các thẩm phán sử dụng để giải quyết các vụ việc liên quan, không trái với pháp luật mà dựa trên tinh thần của Hiến pháp và các nguyên tắc phổ quát của pháp luật – nghĩa là đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật. Các quan điểm pháp lý này được coi là một loại án lệ kiểu Nga và có nhiều điểm tương đồng với một số nước thuộc hệ thống pháp luật châu Âu lục địa.[10] Vậy nên, án lệ kiểu này không chỉ có tính thuyết phục mà còn có tính bắt buộc trong rất nhiều trường hợp.
b)      Án lệ ở Nga không phải là nguồn pháp luật chủ đạo mà là nguồn pháp luật bổ trợ trong hệ thống pháp luật Liên bang Nga.
Phân tích các quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang, cũng như các quyết định của Tòa án tối cao Liên bang và Tòa án trọng tài Liên bang,[14] có thể thấy trong bối cảnh của truyền thống pháp luật Nga, án lệ có vị trí và vai trò khá khiêm tốn. Nhiệm vụ cơ bản của các phán quyết, quyết định của tòa án không phải là sáng tạo quy phạm mà là áp dụng và giải thích các quy phạm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các phán quyết, quyết định của các cơ quan này trở thành là nền tảng, cơ sở cho nhiều quyết định của các tòa án cấp dưới. [11] Vấn đ chỗngôn ngữ của luật thường keo kiệt và vắn tắt”,[12] trừu tượng và đôi khi có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Điều này dẫn đến việc áp dụng pháp luật có thể bị sai, lệch nguyên nghĩa, ý chí của nhà làm luật. Hoặc do nhận thức, trình đ của thẩm phán, đặc biệt là thẩm phán cấp dưới, vì vậy các tòa án cấp trên hoặc ban hành văn bản trên cơ sở tổng hợp thực tiễn để áp dụng thống nhất pháp luật hoặc thông qua một vụ việc cụ thể để đưa ra quan điểm pháp lý chính thức về ý nghĩa của ngôn ngữ pháp luật, nội dung của quy phạm, nguyên tắc ấy. Cả hai loại hình trên đều tìm thấy trong thực tiễn xét xử Nga. Loại thứ nhất khá phổ biến trong quá khứ và cả hiện tại. Loại thứ hai mới xuất hiện gần đây và chưa phổ biến, nhưng, nếu loại thứ nhất là thực tiễn xét xử, thì loại thứ hai mới được cho là án lệ - loại án lệ mang tính chất giải thích luật.
Như vậy, do mới được hình thành, phát triển và đặt trong bối cảnh truyền thống pháp luật thành văn, văn hóa pháp luật vẫn còn nhiều dấu ấn tư tưởng pháp luật Xô Viết, án lệ trên thực tiễn chỉ được coi là nguồn bổ sung và chủ yếu mang tính bổ trợ, diễn giải, giải quyết các bất cập của luật thành văn Nga. Sự xuất hiện của án lệ Nga không làm mất đi tính thượng tôn của pháp luật mà ngược lại giúp đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật, bởi vai trò của các án lệ đó trong việc khỏa lấp những lỗ hổng, sự nhập nhằng của pháp luật, tính trừu tượng, đa nghĩa vốn có của ngôn ngữ và cũng chính bởi tính thống nhất, nhất quán của việc áp dụng pháp luật trong quá trình xét xử thông qua thực tiễn xét xử và án lệ kiểu giải thích pháp luật ấy.
c) Án lệ Nga không phải là đặt ra quy phạm mới mà là hình thành các quan điểm pháp lý[15] trong đó thể hiện quan điểm của tư pháp (cấp cao) trong nhận thức pháp luật cũng như đưa ra các giải pháp pháp lý cho những trường hợp cụ thể.
Vẫn còn những quan điểm khác nhau về tính quy phạm của các quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang. [13][16] Có học giả cho rằng, bản thân các quyết định ấy có tính quy phạm bởi tính chất bắt buộc chung và áp dụng nhiều lần. Tuy nhiên, có thể khẳng định và như trên đã đề cập, những lập luận làm cơ sở đưa ra phán quyết có trong các quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang không phải là quy phạm mà là các quan điểm pháp lý. Đặc điểm pháp lý của nó đã nêu trên và cũng được đại đa số các học giả, đội ngũ thẩm phán Nga đồng tình. Trên cơ sở giải quyết các vụ việc, yêu cầu cụ thể, Tòa án đưa ra quyết định trong đó có chứa quan điểm pháp lý chính thức. Nhờ uy tín của nó trong hệ thống tư pháp mà các quan điểm ấy được thể hiện, áp dụng vào các vụ việc của các tòa án cấp dưới và hệ thống cơ quan khác. Các quyết định của các tòa án tối cao, cấp cao khác[17] cũng tương tự như vậy, được hình thành dựa trên quá trình giải quyết các vụ việc cụ thể, giải thích và vận dụng pháp luật cho những trường hợp cụ thể. Các quan điểm pháp lý không chứa đầy đ các thành tố cấu thành của quy phạm (dù có một vài tính chất quy phạm như đã đề cập) như giả định, quy định và đảm bảo (hay quen gọi là chế tài). [14] Chúng được vận dụng nhiều lần cấp dưới cho các vụ việc cụ thể và dần trở thành án lệ đặc biệt của Nga.
d) Án lệ chứa đựng trong các quyết định của các tòa án cấp cao nhất của từng hệ thống (phổ biến nhất là Tòa án Hiến pháp Liên bang), đã được phổ biến và được áp dụng nhiều lần cấp dưới chứ không cần thiết phải lựa chọn, công bố, tập hợp ghi danh án lệ.
Do tính chất tự nhiên của pháp luật, ở Nga không hề có bất kỳ văn bản nào ghi nhận án lệ được thừa nhận hay không thừa nhận. Án lệ được hình thành và sử dụng bằng con đường cũng rất tự nhiên”, xuất phát từ chính nhu cầu tự thân của đời sống pháp luật Liên bang Nga, xây dựng nhà nước pháp quyền, sự cần thiết phải khỏa lấp những lỗ hổng, bất cập tạo nên sự thống nhất trong hoạt động áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử. Án lệ được hình thành cũng xuất phát từ uy tín của các thiết chế tạo ra các quan điểm pháp lý thể hiện ra trong quyết định của mình và hầu hết là của các tòa án tối cao, tòa án cấp cao nhất. Các quyết định của tòa án cấp dưới cũng có thể chứa những giải pháp pháp lý, quan điểm pháp lý mẫu mực nhưng nếu chưa được sự đồng thuận của tòa án tối cao trên cơ sở các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩmthì cũng khó có thể trở thành án lệ.
Khác với nhiều nước, Nga án lệ không được hình thành ngay sau khi quyết định của tòa án được ban hành và cũng chẳng được trao cho một vị trí chính thức nào mà là một quá trình chứng minh giá trị của mình để hệ thống bên dưới có thể chấp nhận, sử dụng rộng rãi. Chỉ khi đó nó mới trở thành án lệ. Điều này trong nhiều trường hợp không đúng với các quan điểm có trong các quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang vốn có tính chất bắt buộc.
e) Án lệ Nga (судебный прецедент/ judicial precedent) khác với thực tiễn xét xử (судебная практика/Judicial practice).
các nước theo truyền thống thông luật, sự phân biệt này không cần thiết, nhưng Nga việc phân biệt hai thuật ngữ này có ý nghĩa quan trọng.
Thực tiễn xét xử (hay thực tiễn tư pháp) là một bộ phận của thực tiễn pháp lý được thể hiện trong lĩnh vực tư pháp. Tổng hợp kinh nghiệm xét xử, đưa ra những hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử, hoạt động tranh tụng tại tòa hay xây dựng các quy phạm pháp luật phục vụ cho hoạt động tư pháp… là thực tiễn xét xử. Trong khi đó, án lệ là nguồn của pháp luật, nội dung của nó là các quan điểm pháp lý hay giải pháp pháp lý thể hiện trong các quyết định của tòa án cấp cao đưa ra khi giải quyết các vụ việc, yêu cầu cụ thể và được chứng minh giá trị thông qua việc áp dụng bởi các tòa án cấp dưới để giải quyết các vụ việc cụ thể.
Sự phân biệt này quan trọng bởi lẽ, cho đến nay, nhiều học giả, chuyên gia thực tiễn đang có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm trên khi coi thực tiễn xét xử cũng là nguồn luật và gọi là án lệ. Điều này làm cho ranh giới giữa hoạt động tạo lập quy phạm pháp luật của tư pháp với án lệ không được rõ ràng. Trong trường hợp đó hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao cũng có thể trở thành án lệ, mặc dù trên thực tế nó là một phần của thực tiễn tư pháp và bản thân nó được coi là văn bản có chứa quy phạm pháp luật. Án lệ ở Nga là các quan điểm pháp lý hàm chứa trong các quyết định của tòa án cấp cao và có tính chất giải thích pháp luật.
4.     Thay lời kết
Sự hình thành và phát triển án lệ ở Nga là quá trình phát triển tự nhiên, hợp quy luật của nhà nước và pháp luật nước Nga hiện đại trong một thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng. Vì vậy, dù không có một văn bản nào quy định một cách chính thức thừa nhận án lệ như là một loại nguồn pháp luật, án lệ vẫn hình thành và được sử dụng trong thực tiễn. Án lệ của Nga khác nhiều so với truyền thống án lệ Anh - Mỹ với nguyên tắc “stare decisis” kinh điển, mà thực chất là hoạt động giải thích pháp luật thông qua việc giải quyết các vụ việc, yêu cầu cụ thể. Các quan điểm pháp lý hay các giải pháp pháp lý được hình thành trên cơ sở đó, trải qua kiểm nghiệm thực tiễn chứng minh giá trị của nó bằng sự hợp lý, ưu việt và công bằng hơn cả trong giải quyết các vấn đề của luật thành văn và rồi các tòa án cấp dưới viện dẫn trong nhiều trường hợp cụ thể thì mới được thừa nhận là án lệ. Tất nhiên, các án lệ của Tòa án Hiến pháp Liên bang là một ngoại lệ.
Dẫu vậy, án lệ trong đời sống pháp luật Nga còn có vị trí vô cùng khiêm tốn so với truyền thống đồ sộ của luật thành văn. Tuy nhiên, dù không được trao địa vị chính thức nào, án lệ cũng vẫn sẽ tồn tại và phát triển cùng với sự lớn mạnh của hệ thống tư pháp và công lao của nó trong việc khẳng định và đảm bảo tính pháp quyền, tính hệ thống của pháp luật nước Nga hiện đại./.
Tài liệu tham khảo
[1] Xem thêm: “Văn hóa pháp luật nước Nga: Những đặc trưng cơ bản” của Mai Văn Thắng. In trong sách “Văn hóa pháp luật: Những vấn đề lý luận cơ bản và ứng dụng chuyên ngành”, Hoàng Thị Kim Quế, Ngô Huy Cương (Đồng Chủ biên), Nxb. ĐHQGHN, Hà Nội, 2011.
[2] Khoản 1, Điều 46 Hiến pháp Liên bang Nga 1993.
[3] Khoản 2, Điều 3 Bộ Luật Tố tụng Dân sự Liên bang Nga năm 2002.
[4] Xem Khoản 1 Điều 71 Bộ Luật Liên bang về Tố tụng trọng tài năm 2002.
[5] Интернет-интервью с В. Д. Зорькиным «Предварительные итоги деятельности Конституционного Суда РФ на пороге 15-летия» // Справ. правовая система «КонсультантПлюс
[6] Điều 10 Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993.
[7] Nguyễn Văn Quân, Pháp luật trong nhà nước pháp quyền: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2016. Khoa Luật, ĐHQGHN.
[8]Xem: http://www.ind.kurganobl.ru/assets/files0/skindereva.pdf (Truy cập ngày 26.6.2017).
[9]Xem các quyết định của Tòa án hiến pháp: http://www.ksrf.ru/ru/Pages/default.aspx
[10] Xem: Козлова Е.И. Источники Конституционного права// Конституционное право России: Учебник 2-е изд. М.2004, С.18; Бондарь Н.С. Решения Конституционного суда РФ в системе правового регулирования налоговых отношений// Налоговое право России: Учебник для вузов/ От.ред. Ю.А. Крохина, М. 2003, 131 и др.
[11] Кулапов В.Л. Формы права // Теория государства и права: Курс лекций / Под ред. Н.И. Матузова и А.В. Малько. 2-е изд. М., 2004, С. 378.
[12]Г.А. Василевич, Судебный прецедент в национальной правовой системе// Материалы международной научно-практической конференции 13.5.2011 (https://xn--80aaifradibgfzb7br.xn--b1agajc0ayikbb.xn--b1aew.xn--p1ai/upload/site126/document_file/kt7NMgoeyS.pdf).
[13] Xem thêm những quan niệm khác nhau tại: В.В. Гриценко, О соотношении судебного прецедента и источников налогового права // Вестник ВГУ, серия Право, № 1-2006, С. 209-2015.
[14] Dẫn theo: В.В. Гриценко, О соотношении судебного прецедента и источников налогового права // Вестник ВГУ, серия Право, № 1-2006, С. 209-2015.
Precedent in the Russian legal system contemporarily
Dr. Mai Văn Thắng
VNU, School of law, 144 Xuan Thuy, Cau Giay, Ha Noi
Abstract: The Article focus on analyzing the fundamental reasons fostering the creation and progress, the nature, the position and value of precedent as a source of law within the Russian legal system contemporarily. However, there is not any official legal documents governing precedent in Russia so far. Unlike the "stare decisis" principle in the Common law system, precedent in Russia only plays an inferior role which is a supplement source considered legal interpreting in the system. 
Precedents in Russia are also not granted an official authorization as well as not selected or published, instead of that, case laws are the opinions, decisions from the superior courts which are believed to be trustworthy, outstanding, valuable and appropriate. These case laws would be cited in the lower courts although some of them which were granted by Constitution Federal Court may not follow previously mentioned principle because of their own binding rules. The opinions, legal reasonings considered the content of the precedents are not the laws.
Keywords: Precedent, Russia, court, legal system, source of law.





* ĐT: 0947.055.811
Email: mvtanson@gmail.com/thangmv@vnu.edu.vn
[1] Trong khoa học pháp lý Nga, hiện có 2 luồng quan điểm rất rõ: coi án lệ là nguồn pháp luật và phản đối.
[2] Nguyên văn tiếng NgaКаждому гарантируется судебная защита его прав и свобод
[3] Nguyên văn tiếng Nga: “Отказ от права на обращение в суд недействителен.
[4] Nguyên văn tiếng Nga Khoản 1 Điều này như sau: “Судья, присяжные заседатели, а также прокурор, следователь, дознаватель оценивают доказательства по своему внутреннему убеждению, основанному на совокупности имеющихся в уголовном деле доказательств, руководствуясь при этом законом и совестью.
[5]Nguyên văn tiếng Nga: “Арбитражный суд оценивает доказательства по своему внутреннему убеждению, основанному на всестороннем, полном, объективном и непосредственном исследовании имеющихся в деле доказательств”
[6] Xem Điều 125 Hiến pháp Liên bang Nga 1993: http://www.constitution.ru/10003000/10003000-9.htm.
[7] Ở Cộng hòa Belarus và Việt Nam có văn bản này. Một đạo luật quy định về bản chất, đặc điểm, các loại văn bản quy phạm pháp luật và quy trình, điều kiện làm ra các văn bản đó. Ở Belorus đã cố gắng “nhét” loại văn bản này vào văn bản quy phạm pháp luật dù bản chất không phải lúc nào cũng thỏa mãn.
[8] Không nên trao là bởi sợ có sự lạm dụng khi cơ chế kiểm soát quyền lực còn khá kém cỏi và sợ không đúng với đường lối.
[9] Ở Nga chưa có Luật về văn bản quy phạm pháp luật như Việt Nam. Đã có dự luật như thế được làm trong thời gian gần đây. Xem trên trang Web chính thức của Bộ Tư pháp Liên bang Nga: http://minjust.ru/ru/print/116235
[10] Tên tiếng Nga: Федерального закона от 21 июля1997 г. № 122-ФЗ «О государственной регистрации прав на недвижимое имущество и сделок с ним»
[11] Các nguyên tắc trong tiếng Nga: Принцип разумности и справедливости.
[12] Luật mới nhất được ban hành năm 2015 với tên gọi: Luật đăng ký bất động sản: http://www.consultant.ru/document/cons_doc_LAW_182661/
[13] Dù có nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm đó, nhưng thực tế nó đã được vận dụng và là tác nhân quan trong buộc phải làm luật mới về lĩnh vực này.
[14] Hiện nay, hệ thống tòa án này đã được sáp nhập vào hệ thống tòa án tư pháp Liên bang.
[15] Trong tiếng Nga là “Правовая позиция” (dịch là: quan điểm pháp lý).
[16] Xem thêm những quan niệm khác nhau tại: В.В. Гриценко, О соотношении судебного прецедента и источников налогового права // Вестник ВГУ, серия Право, № 1-2006, С. 209-2015.
[17] Trước đây Nga tồn tại ba hệ thống tòa án độc lập: hệ thống tòa án bảo hiến; hệ thống tòa án tư pháp và hệ thống tòa án trọng tài. Trong mỗi hệ thống có tòa án cao nhất của hệ thống ấy. Ví dụ, hệ thống tòa án bảo hiến có Tòa án Hiến pháp Liên bang (hệ thống đặc biệt); Hệ thống tòa án tư pháp có Tòa án tối cao Liên bang; Hệ thống tòa án trọng tài có Tòa án trọng tài cấp cao Liên bang. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống tòa án trọng tài đã được sáp nhập vào hệ thống tòa án tư pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.