Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Ngôn ngữ không thể và không nên là sản phẩm của sự tiết kiệm, rẻ tiền

Cha đẻ của Bom nguyên tử (ảnh: Internet)
Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
[Tản mạn chiều Đông 2017]
Tôi viết mấy dòng này vì có một sự đồng cảm sâu sắc với lập luận và suy nghĩ của tác giả Crescy D. Nguyen với bài viết “Tiếng Anh, Tây Ban Nha còn khác người hơn Tiếq Việt” đăng trên Vnexpress.net (nguồn: https://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/tieng-anh-tay-ban-nha-con-khac-nguoi-hon-tieq-viet-3678598.html). Tôi cũng không có ý định phê phán PGS.TS. Bùi Hiền vì, dù gì đi chăng nữa, đó cũng là công trình khoa học đầy tâm huyết của ông. Nhưng, tôi chỉ xin có vài lời vì cảm thấy cần góp một “hạt cát nhỏ” để cùng xây lên “thành lũy” bảo vệ, giữ gìn sự giàu có, phong phú, bảo vệ chất thơ, chất nhạc… của tiếng Việt chúng ta.

Cũng giống như tác giả bài viết, tôi thật sự hiểu hơn tiếng Việt của mình khi học tiếng Nga (và giờ bắt đầu mon men học tiếng Anh). Bạn bè và thầy, cô ngoại quốc của tôi nói rằng tiếng Việt khi nói véo von như đang hát. Có lẽ vậy, tiếng Việt của chúng ta thật dễ chạm đến trái tim của người nghe, dễ làm cho người ta thổn thức, dễ làm cho người ta cảm động nếu người nói thực sự hiểu biết và biết dụng vốn từ và âm điệu giàu có, phong phú của nó. Tiếng Việt là sự kết tinh của truyền thống, văn hóa và ngữ hệ phương Đông và phương Tây nên vừa đủ ngắn để người nghe không cảm thấy mệt mỏi, cho người ta nhấn nhá khi cần thiết nhưng cũng đủ dài để phô diễn được sự giàu có, đầy đủ và trù phú của nó.
Tiết kiệm ư? Ngôn ngữ không thể là sản phẩm của sự tiết kiệm, rẻ tiền. Ngôn ngữ luôn là biểu thị của bề dày truyền thống, là hình thức biểu hiện văn hóa nên ngôn ngữ chỉ có thể giàu có, phong phú và đa dạng. Tiết kiệm không phải lúc nào cũng gắn liền với sự rẻ tiền và đem đến sản phẩm rẻ tiền, nhưng tiết kiệm trong ngôn ngữ thì luôn là như vậy. Tiết kiệm trong ngôn ngữ luôn là sự đục đẽo, cắt gọt một cách thô kệch, lởm khởm. Có những thứ không thể nào tiết kiệm được và với tôi, ngôn ngữ là một trong số đó. Nếu tiết kiệm, tiếng Việt sẽ không còn những âm tiết, ngữ điệu mà chúng ta trước đây vẫn tự hào và là những thứ mà làm cho chúng ta hơn rất nhiều ngôn ngữ khác. Ngôn ngữ là sự phát triển dài đi từ đơn điệu đến phong phú, giàu có. Từ vài cái gạch sơ sài, mấy cái hình thô sơ biểu thị cho hành động đơn giản ngôn ngữ qua nhiều thế hệ dần hoàn thiện như ngày nay. Tiếng Việt hiện nay được kế thừa lịch sử phát triển ngôn ngữ phương Đông và phương Tây nên giàu có và vô cùng đa dạng. Bài viết của tác giả Crescy D. Nguyen nói trên đã phân tích và chỉ rõ những âm tiết mà tiếng Việt giàu có hơn nhiều ngôn ngữ khác. Ngôn ngữ phương Tây chỉ vẻn vẹn có 6 ngôi trong đại từ nhân xưng, nhưng chúng ta có cả tá. Thât là phí phạm khi mà cứ để quá nhiều ngôi thứ như anh, em, cậu, tớ, bạn, cô, dì, chú, bác, thím, chú, mày, tao….???!!! Với ai thì đó là phiền phức và tốn kém, nhưng, với tôi, đó là sự phong phú, đa dạng và đáng yêu. Tôi phải cảm ơn nó vì nó giúp tôi minh định rõ quan hệ, tình cảm khi muốn biểu đạt tình cảm, suy nghĩ của mình trong mỗi tình huống của cuộc sống muôn màu!!!
Ngoài những gì nói trên, tôi viết ra đây bởi vì còn có một nỗi lo. Cái lo lắng nhất không phải là ở chỗ Nhà nước sẽ đồng ý thay đổi theo đề xuất cải cách tiếng Việt hay không vì tôi biết Nhà nước ta, khi cần, luôn đủ thông minh để đưa ra quyết định. Cái tôi lo lắng là giới trẻ với tính cách luôn muốn những gì mới lạ, sự cách tân, chạy theo mốt thời thượng, ưa sự ngắn gọn, tiện lợi, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, có xu hướng dùng thứ ngôn ngữ đó trong giao tiếp xã hội với nhau. Điều này chắc chắn sẽ gây hậu quả rất lớn cho tiếng Việt, cho sự phát triển và tiếp nối của truyền thống, văn hóa Việt… và, theo đó, sự giàu có của tiếng Việt sẽ bị mất đi. Rồi có ngày, tôi sẽ không hiểu con tôi viết gì, các con, cháu tôi sẽ không thể đọc được di chúc của cha ông chúng để lại nếu không có phiên dịch, chuyển tự….
Ngôn ngữ là sự rèn giũa, trải nghiệm, trau dồi, học hỏi, tìm tòi… thì mới giàu có, đa dạng. Nếu hàng ngày cứ dùng thứ ngôn ngữ rẻ rúm, ngắn ngủi, thô kệch… cũng sẽ làm người ta bị quen đi thôi. Khi đó, chúng ta có nguy cơ lại trở về với mấy cái gạch thô kệch và loằng ngoằng như buổi sơ khai của lịch sử hình thành ngôn ngữ!
Tôi cũng lo cho một nhà khoa học nữa. Cha đẻ của Bom nguyên tử - Robert Oppenheimer đã không nguôi day dứt, từng phải thốt lên rằng “Bàn tay của chúng ta đã vấy máu đồng loại”. Nghiên cứu về ngôn ngữ này tất nhiên không nguy hiểm như bom nguyên t, không thể giết người, nhưng nó cũng có thể hủy hoại một thứ ngôn ngữ, làm xóa nhòa đi truyền thống một dân tộc, làm cho các thế hệ không còn hiểu được nhau, làm cho văn hóa không còn được phát triển trên nền tảng kế thừa…. Sợ rằng, một ngày nào đó ông lại phải day dứt với chính công trình mà ông tâm huyết, dành cả đời cho nó và phải thốt lên rằng "… giá như mình đừng công bố nó, giá như…".
Tự do học thuật là thứ cần thiết để nuôi dưỡng khoa học phát triển. Nhưng khoa học cũng cần phải có tính nhân văn và vị nhân sinh… Tôi luôn nghĩ vậy!
Vài dòng trong một ngày Chủ nhật đầy tâm trạng và lo lắng khi trên FB các bạn trẻ nhắn tin nhiều cho nhau bằng thứ ngôn ngữ mới mà tôi đọc mãi mới hiểu được vài từ…! Đấy, âu cũng là lo cho cái thân mình mà ra!
Trân trọng, mong đừng ném gạch, đá! Tôi đã đủ nguyên vật liệu xây ngôi nhà mơ ước của mình rồi!!!





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.