Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

Nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật Liên bang Nga: Lịch sử, hiện trạng và những vấn đề thực tiễn đặt ra

 

Gorsky Vadim Vadimovich,

Gorsky Maxim Vadimovich,

Mai Văn Thắng

Nguồn: Tạp chí Nhà nước và pháp luật

Số 2, 2021

Tóm tắt: Bài viết phân tích tiến trình phát triển của nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong pháp luật nước Nga từ giữa thế kỷ XIX đến nay. Đồng thời, bài viết cũng làm rõ hiện trạng, nội hàm và một số vấn đề phát sinh liên quan đến thực tiễn áp dụng nguyên tắc này trong bối cảnh ngày càng nhiều những phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại được áp dụng để xử lý các vi phạm pháp luật. Trong đó, bài viết đặc biệt nhấn mạnh đến những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ chứng minh như là một nội dung quan trọng của nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật Liên bang Nga hiện nay. 

Abstract: The paper analyzes the development of the connotation of previous regulations that later became the "Presumption of Innocence" principle in Russian law from the mid-nineteenth century to the present. Simultaneously, the paper also clarifies the current situation, connotation, and issues related to the practical application of the "Presumption of Innocence" principle in the context of modern technologies being applied increasingly to handle law violations. In particular, the paper specifically emphasizes issues related to the burden of proof as an important content of the "Presumption of Innocence" principle in the current legal system of the Russian Federation.

1. Dẫn nhập

Trong pháp luật Liên bang Nga, suy đoán vô tội là nguyên tắc hiến định. Điều 49 Hiến pháp Liên bang năm 1993 quy định: “(1)Người bị cáo buộc thực hiện một tội phạm được coi là không có tội khi tội của người đó chưa được chứng minh theo trình tự được quy định trong luật Liên bang và chưa bị tuyên là có tội bởi một bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật; (2) Người bị buộc tội không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội; (3) Những nghi ngờ về tội của người đó mà không thể loại bỏ sẽ phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội”.

Quy định này của Hiến pháp được cụ thể hóa trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) Liên bang Nga hiện hành. Theo đó, suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của TTHS Liên bang (Chương 2 của Bộ luật TTHS). Theo Điều 14 của Bộ luật này (tên Điều được đặt là Suy đoán vô tội): (1) Người bị buộc tội được coi là không có tội khi tội của người đó vẫn chưa được chứng minh theo trình tự được quy định bởi Bộ luật TTHS Liên bang Nga và chưa bị tuyên là có tội bởi một bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật; (2) Nghi phạm hoặc bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội. Nghĩa vụ chứng minh cho bản luận tội và bác bỏ những lập luận được đưa ra để bào chữa cho nghi phạm, bị can hoặc bị cáo thuộc về bên buộc tội; (3) Tất cả nghi ngờ về việc phạm tội của bị cáo nếu không thể loại bỏ theo thủ tục được thiết lập bởi Bộ luật TTHS Liên bang Nga thì đều được giải thích có lợi cho bị cáo; (4) Một bản án kết tội không thể dựa trên các giả định.

Những nội dung đó là kết quả của một quá trình phát triển dài của lịch sử pháp luật nước Nga. Những nội dung của nguyên tắc này dù được coi là hiện đại, nhưng đến nay lại đang gặp phải những thách thức trong quá trình áp dụng trên thực tiễn. Bối cảnh xã hội hiện đại, công nghệ số cũng như những quy định có phần chưa tương thích nhau giữa tố tụng hành chính và TTHS Liên bang Nga đã phần nào làm sâu sắc hơn những vấn đề như thế.

2. Quá trình phát triển của “suy đoán vô tội” ở nước Nga

Suy đoán vô tội đã được biết đến trong khoa học TTHS của Nga hơn một thế kỷ. Một số khía cạnh của nguyên tắc này đã được tìm thấy trong các văn bản luật của thế kỷ XIX. Bộ Quy tắc[1] TTHS năm 1864 quy định rằng: Không ai bị trừng phạt vì một tội hoặc hành vi phạm pháp khác (mà thuộc thẩm quyền của tòa án) ngoại trừ bản án của một tòa án hợp pháp đã có hiệu lực pháp luật (Điều 14). Các thẩm phán phải xác định lỗi hoặc sự vô tội của bị cáo[2] theo niềm tin nội tâm mà cơ sở của nó phải căn cứ vào việc xem xét, thảo luận tất cả các tình tiết của vụ án (Điều 766). Nếu sự thú tội/thừa nhận tội của bị cáo không tạo ra (không có) bất kỳ nghi ngờ nào, tòa án có thể không cần thực hiện thêm hoạt động điều tra tư pháp theo thẩm quyền quy định mà có thể tiến hành ngay thủ tục tranh luận cuối cùng. Tuy nhiên, các thẩm phán, bồi thẩm đoàn, công tố viên và những người tham gia vụ án, có thể yêu cầu điều tra tư pháp mà không quan tâm đến việc nhận tội của bị cáo. Trong trường hợp này, tòa án tiến hành xem xét và kiểm tra các chứng cứ (Điều 681, 682). Sự im lặng của bị cáo không được coi là sự nhận tội (Điều 685).

Trong giai đoạn phát triển của TTHS Xô Viết (sau năm 1917), thái độ đối với “suy đoán vô tội” là khá mâu thuẫn: Từ sự phủ nhận hoàn toàn[3] đến công nhận nó như là quy chế pháp lý tố tụng đặc biệt của bị cáo và cuối cùng, thậm chí, trở thành nguyên tắc của TTHS[4]. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các lập luận chống lại việc áp dụng suy đoán vô tội trong TTHS của Liên Xô (được thể hiện trong các nghiên cứu khoa học trong thời kỳ Bộ luật TTHS năm 1923 có hiệu lực) không nhằm mục đích thực thi chính sách trừng phạt của Nhà nước, xâm phạm các quyền của bị cáo. Ngược lại, họ muốn tạo ra một cơ chế điều chỉnh pháp luật như vậy (bằng việc quy định nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự với mục tiêu nhằm điều tra đầy đủ, khách quan và toàn diện các tình tiết của vụ án) để cho phép các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra được những kết luận đáng tin cậy về các tình tiết cần được chứng minh trong vụ án và trên cơ sở đó đưa ra các quyết định hợp pháp và có cơ sở[5].

Vì vậy, Điều 5 Bộ luật TTHS của Cộng hòa Liên bang Xô Viết Nga năm 1923[6] đã ghi nhận quy định “bị lược bớt” rằng: Không ai có thể bị tước quyền tự do và bị giam giữ trừ các trường hợp được quy định trong luật và theo trình tự được pháp luật quy định. Quy định này đã được cụ thể hóa trong Điều 111, theo đó, trong quá trình điều tra, điều tra viên có nghĩa vụ phải làm rõ, điều tra mọi tình tiết, bao gồm cả tình tiết buộc tội, gỡ tội, tăng nặng, giảm nhẹ mức độ và tính chất trách nhiệm của người bị buộc tội. Điều 319 quy định: Tòa án chỉ được dựa vào các dữ liệu được xem xét tại phiên tòa làm căn cứ cho phán quyết của mình. Việc đánh giá các chứng cứ vụ án được các thẩm phán thực hiện dựa trên niềm tin nội tâm của họ và cơ sở của nó chính là việc xem xét tất cả các tình tiết của vụ án một cách tổng thể.

Chuyên gia nổi tiếng về TTHS Xô Viết, M.S. Strogovich đã khẳng định, nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội đã được thực hiện liên tục trong thực tiễn xét xử suốt giai đoạn lịch sử này. Theo đó, tất cả những vi phạm quy định về suy đoán vô tội luôn được coi là vi phạm pháp chế, những vi phạm này dẫn đến việc đưa ra các bản án không chính xác, bất hợp pháp và không chính đáng[7]. Liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao Liên Xô ngày 27/12/1946 về vụ án Kalinin có ý nghĩa rất lớn. Nghị quyết này đã hủy quyết định của Tòa Hình sự Tòa án tối cao bởi trong đó có nêu rằng, quan điểm của bị cáo chỉ có thể có giá trị chứng cứ nếu bị cáo chứng minh được cơ sở quan điểm của mình. Nghị quyết Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao Liên Xô cho rằng: “Quy định này không chỉ không có căn cứ pháp luật, mà còn mâu thuẫn với các nguyên tắc cơ bản của TTHS của Liên Xô, theo đó bất kỳ bị cáo nào đều được coi là vô tội cho đến khi việc vô tội của họ không được chứng minh theo trình tự luật định. Theo nội dung và tinh thần của luật pháp Liên Xô, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội, mà cơ quan công tố có nghĩa vụ chứng minh tính đúng đắn của lời buộc tội[8].

Tuy nhiên, các nhà khoa học trong lĩnh vực TTHS không dừng lại ở đó. Nhiệm vụ mà họ đặt ra là đưa nguyên tắc suy đoán vô tội vào các đạo luật với nội hàm đầy đủ nhất. Họ thể hiện sự không đồng tình với quy định tại Điều 282 của Bộ luật TTHS nước Nga Xô Viết năm 1923. Theo đó, Bộ luật cho phép khả năng thực hiện quy trình rút gọn đối với điều tra tại tòa nếu bị cáo thừa nhận tội: Nếu bị cáo đồng ý với các tình tiết được nêu trong cáo trạng, công nhận cáo buộc chống lại anh ta là đúng và đưa ra lời khai, tòa án có thể bỏ qua giai đoạn điều tra tư pháp và chuyển ngay đến phần tranh luận của các bên. Quy định này cùng với sự không công tâm của các điều tra viên đã dẫn đến nhiều vi phạm các quyền của bị cáo và vì thế đã có nhiều phán quyết bất công được tuyên.

Quy định này đã được đưa ra thảo luận riêng trong quá trình xây dựng Dự thảo Bộ luật TTHS mới của nước Nga Xô Viết (được thông qua năm 1960). Lãnh đạo Ủy ban xây dựng Dự thảo (thuộc Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Nga) chính là M.S. Strogovich. Ông gọi việc đưa quy định này vào trong Bộ luật TTHS là một nỗ lực hồi sinh loại tố tụng điều tra - buộc tội, coi việc thú nhận tội của bị cáo là “nữ hoàng chứng cứ”. Nhờ những nỗ lực của ông, quy định về thủ tục rút gọn này đã không được đưa vào Bộ luật TTHS của nước Nga Xô Viết năm 1960.

Tuy nhiên, nội dung đầy đủ của suy đoán vô tội đã không được thể hiện trong Bộ luật TTHS mới của nước Nga Xô Viết. Nhưng, những người xây dựng Bộ luật này bằng nỗ lực của mình đã đưa được vào đó những định đề cơ bản của suy đoán vô tội. Như, Điều 13: “Chỉ tòa án mới được thực hiện quyền xét xử” xác định rằng, việc xét xử các các vụ án hình sự chỉ được thực hiện bởi tòa án. Không ai có thể bị kết tội và phải chịu hình phạt ngoài bản án của tòa án. Khoản 2 của Điều 20 Bộ luật này đã có quy định cấm tòa án, công tố viên, điều tra viên và những người được giao tiến hành điều tra đề xuất chuyển nghĩa vụ chứng minh sang bị cáo. Khoản 2 Điều 77 tuyên bố rõ ràng rằng, lời nhận tội của bị cáo chỉ có thể được sử dụng làm cơ sở cho lời buộc tội nếu lời thú tội đó được xác thực bởi tất cả các chứng cứ có trong vụ án. Các quy định này của Bộ luật TTHS nước Nga Xô Viết hoàn toàn phù hợp với Điều 7, 14 của Bộ Quy tắc nền tảng về thủ tục TTHS của Liên Xô năm 1958, cũng như khoản 1 Điều 36 xác định rằng, việc đưa ra xét xử không quyết định đến tính có lỗi của hành vi và khoản 4 Điều 43 quy định rằng, một bản án kết tội không thể dựa trên các giả định và chỉ được tuyên với điều kiện tội của bị cáo đã được chứng minh trong quá trình xét xử.

Vào năm 1977, Hiến pháp mới của Liên Xô đã được thông qua, trong đó Điều 160 xuất hiện quy định về suy đoán vô tội: “Không ai có thể bị kết tội và phải chịu hình phạt trừ khi có phán quyết của tòa án phù hợp với luật định”. Quy tắc tương tự cũng đã được thể hiện tại Điều 172 của Hiến pháp nước Nga Xô Viết năm 1978. Dù vậy, có một thực tế là ở cả mức độ Hiến pháp lẫn các đạo luật về TTHS thời điểm đó chưa bao giờ gọi đích danh suy đoán vô tội như là một nguyên tắc, và nhiều nhà khoa học cả trong lĩnh vực tố tụng hình sự và tội phạm học[9] đã viết trực tiếp về vấn đề này trong các công trình của mình[10].

3. Nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật Liên bang Nga hiện nay và một số vấn đề thực tiễn đặt ra

Thực tế, nội dung đầy đủ nguyên tắc suy đoán vô tội chỉ xuất hiện ở Nga vào năm 1992 trong Hiến pháp của nước Nga Xô Viết[11]: “Người bị buộc tội được coi là vô tội khi tội của người đó chưa được chứng minh theo trình tự luật định, chưa bị khẳng định bởi một bản án đã có hiệu lực của tòa án có thẩm quyền, độc lập, khách quan. Bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Những nghi ngờ về tội của bị cáo không thể loại bỏ phải được giải thích theo hướng có lợi cho bị cáo” (khoản 1 Điều 65). Quy định này được giữ nguyên trong Điều 49 của Hiến pháp hiện hành của Liên bang Nga năm 1993 và Bộ luật TTHS Liên bang năm 2001.

Trong những năm gần đây, do sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học và công nghệ, đã xuất hiện các tội phạm mới (được gọi là tội phạm máy tính/tội phạm công nghệ cao). Những cách thức mới để thực hiện các tội phạm truyền thống cũng đã bắt đầu xuất hiện (ví dụ: Lừa đảo trực tuyến…). Điều này đòi hỏi phải hiện đại hóa các phương tiện kỹ thuật trong quá trình chứng minh. Vì lẽ đó, một trong những nội dung chính của nguyên tắc suy đoán vô tội là nghĩa vụ chứng minh đã có những thay đổi, dẫn đến những thay đổi của nguyên tắc này.

Có thể lấy ví dụ liên quan đến xử lý vi phạm trong tố tụng hành chính, bởi trong lĩnh vực này việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật mới để chứng minh hành vi vi phạm đã được áp dụng rộng rãi hơn cả. Ở Nga, cũng như ở nhiều quốc gia khác, để bảo đảm hiệu quả hơn trật tự an toàn giao thông đường bộ, các phương tiện ghi hình các vi phạm giao thông đã được lắp đặt ở khắp mọi nơi. Thực tế, các phương tiện kỹ thuật này không chỉ tự động ghi lại hành vi vi phạm, mà còn đưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng trách nhiệm hành chính (phạt nguội). Nhưng, các phương tiện kỹ thuật cho đến nay chỉ cho phép xác định phương tiện giao thông vi phạm chứ chưa thể xác định được người nào vi phạm, vì vậy chủ sở hữu của phương tiện đương nhiên bị coi là người vi phạm nếu anh ta không chứng minh được mình không có lỗi. Đó là lý do tại sao trong Điều 1.5 “Suy đoán không có lỗi”[12] của Bộ luật Vi phạm hành chính Liên bang Nga trong phần thiết lập quy tắc về chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính cũng quy định về việc không phải chứng minh mình không có lỗi, ngoại trừ trường hợp: Việc xác định vi phạm hành chính được thực hiện bằng các thiết bị, phương tiện kỹ thuật đặc biệt có chức năng ghi hình, video, chụp ảnh ở chế độ tự động. Nói cách khác, trong trường hợp này, nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi được chuyển cho chủ sở hữu của phương tiện giao thông.

Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao Liên bang Nga giải thích rằng, các chứng cứ chứng minh sự kiện phương tiện giao thông đang được người khác sử dụng có thể là thẻ bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ sở hữu phương tiện, trong đó có ghi nhận hiện trạng phương tiện đang được chuyển cho người khác sử dụng, hợp đồng thuê mướn phương tiện, lời khai của các nhân chứng và (hoặc) người trực tiếp điều khiển phương tiện tại thời điểm hành vi vi phạm được ghi nhận. Các bằng chứng cụ thể, cũng như các bằng chứng khác được điều tra và đánh giá theo các quy tắc tại Điều 26.11 của Bộ luật Vi phạm hành chính Liên bang Nga[13].

Mặc dù thực tế là Tòa án tối cao Liên bang Nga đã liệt kê cụ thể các phương tiện chứng minh, nhưng không phải lúc nào một công dân bình thường cũng dễ dàng chứng minh được mình không có lỗi. Vì, thông tin về việc xử phạt có thể hàng tháng sau mới được biết gây khó khăn trong việc nhớ chính xác ai đã điều khiển phương tiện vào thời điểm vi phạm.

Chế độ tự động ghi lại hành vi vi phạm đã bắt đầu áp dụng cho các lĩnh vực khác, ví dụ, đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo đảm trật tự trị an và phát triển đô thị được quy định trong các đạo luật của các chủ thể Liên bang. Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vào tháng 4/2020, nhiều vi phạm hành chính liên quan đến bảo đảm quy định về cách ly xã hội đã được xử lý. Ở một số vùng của Nga, các phương tiện kỹ thuật đặc biệt đã được lắp đặt (ví dụ: ứng dụng di động, máy quay video nhận dạng khuôn mặt được cài đặt trên đường phố, trên tàu điện ngầm, ở những nơi công cộng khác) nhằm tự động phát hiện người vi phạm.

Trong thực tế, có những trường hợp bằng chứng thu được bằng phương tiện kỹ thuật ở chế độ tự động trong phạm vi của vụ việc hành chính (tố tụng hành chính) được chuyển vào hồ sơ của các vụ án hình sự. Ví dụ, khi vi phạm giao thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hoặc làm cho nạn nhân bị chết, hoặc tái phạm một số hành vi vi phạm hành chính (ví dụ, lái xe trong khi say rượu) được coi là vi phạm hình sự. Và như vậy, các sự kiện, chứng cứ được khẳng định trong quy trình tố tụng hành chính lại được coi là đã được khẳng định và không yêu cầu phải xác minh, đánh giá lại trong khuôn khổ của hoạt động TTHS sau đó.

4. Kết luận và một số vấn đề đặt ra

Từ những phân tích ở trên, có thể kết luận rằng, những thay đổi của nguyên tắc suy đoán không có lỗi trong tố tụng hành chính đã và đang có những ảnh hưởng gián tiếp đến sự thay đổi của nguyên tắc suy đoán vô tội trong TTHS. Vì, nếu một người trong vụ việc hành chính (trong tố tụng hành chính) không thể chứng minh được mình không có lỗi thì những sự kiện, chứng cứ đã được ghi nhận trong quy trình của tố tụng hành chính đó có thể lại được sử dụng trong TTHS để chống lại anh ta. Điều này không hề phù hợp với một nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội (trong TTHS) - nghĩa vụ chứng minh mình vô tội không thuộc về bị cáo. Cũng cần lưu ý rằng, Hiến pháp Liên bang Nga đã có quy định đảm bảo mọi người có quyền được hưởng hỗ trợ pháp lý miễn phí trong khuôn khổ của quy trình TTHS, nhưng trong tố tụng hành chính thì không hề có quy định về việc người đó được cung cấp trợ giúp pháp lý miễn phí như vậy. Do đó, các nhà khoa học trong lĩnh vực TTHS và khoa học điều tra hình sự ngay từ bây giờ cần xem xét liệu việc phát triển các phương tiện kỹ thuật để chứng minh trong các vụ việc vi phạm hành chính và cả trong TTHS có thể ảnh hưởng thế nào đến sự thay đổi nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của nghi phạm, bị can, bị cáo và suy rộng ra là đến nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội đã được hiến định. Rất khó để không đồng ý với ý kiến ​​của giáo sư O. Ya. Baev khi ông cho rằng: Bị can, bị cáo luôn phải được coi là vô tội. Quan điểm ​​của điều tra viên về tội của bị can, bị cáo và sự bất hợp pháp của những lợi ích cá nhân của họ luôn mang tính chủ quan. Quy định này thẩm thấu vào toàn bộ nội dung của TTHS, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các kỹ thuật và phương pháp điều tra hình sự nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và điều tra tội phạm[14].

Tài liệu tham khảo

1. Баев О.Я. Конфликтные ситуации на предварительном следствии (основы предупреждения и разрешения). Воронеж: Издательство Воронежского университета, 1984. 132 с (Baev O.Ya. Những tình huống xung đột trong quá trình điều tra hình sự (những cơ sở đ phòng ngừa và xử lý). Voronezh: NXB. Đại học Tổng hợp Voronezh, 1984.132 tr.).

2. Вилкова Т.Ю. Принцип презумпции невиновности в период действия УПК РСФСР 1923 года // Юридическая наука. 2016. № 6. С. 141-146. (Vilaria T.Yu. Nguyên tắc suy đoán vô tội trong Bộ luật TTHS của Liên bang CHXHCN Xô Viết Nga năm 1923 // Tạp chí Khoa học pháp lý. 2016. Số 6. S. 141-146.).

3. Постановление Пленума Верховного Суда РФ от 25.06.2019 № 20 "О некоторых вопросах, возникающих в судебной практике при рассмотрении дел об административных правонарушениях, предусмотренных главой 12 Кодекса Российской Федерации об административных правонарушениях" // Бюллетень Верховного Суда РФ, N 9, сентябрь, 2019. URL: https://www.vsrf.ru/documents/newsletters/5388/ (Nghị quyết Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao Liên bang Nga ngày 25 tháng 6 năm 2019 số 20 "Về một số vấn đ phát sinh trong thực tiễn tư pháp khi giải quyết các trường hợp vi phạm hành chính quy định tại Chương 12 của Bộ luật vi phạm hành chính của Liên bang Nga" // Bản tin của Tòa án tối cao Liên bang Nga, số 9, tháng 9 năm 2019 URL: https://www.vsrf.ru/document/newsletters/5388/).

4. Рубинштейн Д. Марксизм и уголовный процесс // Известия правового отд. правового фак. Азербайджан. гос. ун-та. Баку, 1929. № 1. C. 3-16. (Rubinstein D. Chủ nghĩa Mác và Tố tụng hình sự // Tạp chí Khoa học pháp lý của Phân viện Luật, trường Đại học Tổng hợp Azerbaijan, Baku, 1929. Số 1. P. 3-16)

5. Сборник постановлений Пленума и определений коллегий Верховного Суда СССР по вопросам уголовного процесса, 1946-1962 гг. М.: Юрид. лит., 1964. 334 с. (Tuyển tập các quyết định của Hội đồng thẩm phán và các quyết nghị của các Tòa thuộc Tòa án tối cao Liên Xô về các vấn đ của Tố tụng hình sự, 1946-1962. M .: NXB. Juris, 1964.334 tr.).

6. Строгович М.С. Курс советского уголовного процесса : В 2 т. М. : Наука, 1968. Т. 1. 469 с. (Strogovich M.S. Khóa học TTHS Xô Viết: 2 tập. M.: Nauka, 1968. T. 1. 469 tr.).

7. Строгович М.С. Право обвиняемого на защиту и презумпция невиновности // Виктимология и профилактика правонарушений. Иркутск, 1979. – 143 с. (Strogovich M.S. Quyền bào chữa của bị cáo và suy đoán vô tội // Tạp chí Nạn nhân học và phòng ngừa vi phạm pháp luật. Irkutsk, 1979 - 143 tr.).

8. Строгович М.С. Процессуальное положение и процессуальные функции защитника // Защита по уголовным делам. М., 1948. С. 41–47. (Strogovich M.S. Tư cách tố tụng và chức năng tố tụng của người bảo vệ // Tạp chí Bào chữa trong các vụ án hình sự. M., 1948, tr. 41-47).

9. Строгович М.С. Теоретические вопросы советской законности // Советское государство и право. 1956. № 4. С. 15-25. (Strogovich M.S. Những vấn đ lý luận về pháp chế Xô Viết // Tạp chí Nhà nước và pháp luật Liên Xô. 1956. Số 4., tr. 15-25.).

10. Тадевосян В.С. К вопросу об установлении материальной истины в советском уголовном процессе  //  Советское государство и право. 1948. № 6. С. 65 – 72. (Tadevosyan V.S. Về xác định sự thật vật chất trong tố tụng hình sự Xô Viết // Tạp chí Nhà nước và pháp luật Liên Xô. 1948. Số 6, tr. 65 - 72).

11. Элькинд П.С. Развитие демократических принципов советского уголовного процесса  //  Сорок лет советского государства и права и развитие правовой науки : межвуз. науч. совещ. : тез. докл. Л., 1957. С. 53-55. (Elkind P.S. Sự phát triển các nguyên tắc dân chủ trong Tố tụng hình sự Xô Viết // Bốn mươi năm phát triển nhà nước và pháp luật Liên Xô và sự phát triển của khoa học pháp lý Xô Viết: Hội thảo khoa học giữa các cơ sở đào tạo: Tóm tắt các báo cáo tham luận, 1957, tr. 53-55.).

 



*,** PGS.TS., Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Voronezh (Nga).

 

*** TS., Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội.

[1] Tên gọi cũ. Theo tư duy hiện nay, văn bản này tương đương như Bộ luật luật TTHS cơ sở của Đế chế Nga.

[2] Trong TTHS Liên bang Nga có phân biệt bị cáo là người bị truy tố, còn đã được đưa ra xét xử không gọi là bị cáo nữa mà được gọi là “Người được đưa ra xét xử”.

[3] См., например: Рубинштейн Д. Марксизм и уголовный процесс/Известия правового отд. правового фак. Азербайджан. гос. ун-та. Баку, 1929. № 1.; Тадевосян В.С. К вопросу об установлении материальной истины в советском уголовном процессе/Советское государство и право. 1948. № 6.

[4] См., например: Строгович М.С. Теоретические вопросы советской законности // Советское государство и право. 1956. № 4. С. 22–23; Строгович М.С. Процессуальное положение и процессуальные функции защитника/Защита по уголовным делам. М., 1948. С. 41–47; Элькинд П.С. Развитие демократических принципов советского уголовного процесса/Сорок лет советского государства и права и развитие правовой науки: межвуз. науч. совещ.: тез. докл. Л., 1957. С. 53.

[5] Вилкова Т.Ю. Принцип презумпции невиновности в период действия УПК РСФСР 1923 года/Юридическая наука. 2016. № 6. С. 141-146.

[6] Là nước cộng hòa lớn nhất trong Liên bang Xô ViếtLiên Xô.

[7] Строгович М.С. Курс советского уголовного процесса: В 2 т. – М. : Наука, 1968. – Т. 1. С. 148.

[8] Сборник постановлений Пленума и определений коллегий Верховного Суда СССР по вопросам уголовного процесса, 1946-1962 гг. М.: Юрид. лит., 1964. С. 46, 47.

[9] Строгович М. С. Право обвиняемого на защиту и презумпция невиновности/Виктимология и профилактика правонарушений. Иркутск, 1979. С. 13.

[10] Баев О.Я. Конфликтные ситуации на предварительном следствии (основы предупреждения и разрешения) – Воронеж: Издательство Воронежского университета, 1984. 132 с.

[11] Lúc này dù Liên Xô đã tan rã, nước Nga đã độc lập, nhưng tên gọi chính thức của Nhà nước vẫn còn là Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Nga.

[12] Nga, Nguyên tắc “презумпция невиновности” được ghi nhận trong cả Bộ luật xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành. Bởi, trong tiếng Nga nguyên tắc này phải dịch chính xác là “Suy đoán không có lỗi”. Tuy nhiên, do bối cảnh lịch sử, nhận thức, Việt Nam, thuật ngữ  “невиновности” (không có lỗi) đã không biết tự bao giờ dịch thànhsuy đoán vô tộivà mặc nhiên chỉ dùng trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Đó là vấn đ lịch sử và dịch nghĩa của Việt Nam chưa chính xác. Vậy nên, hiện nay, dù cùng tên gọi trong tiếng Nga nhưng nếu dịch sang tiếng Việt là “suy đoán vô tộitrong xử lý vi phạm hành chính thì lại không hợp lý do trong tiếng Việt không có yếu tốtội phạmtrong xử lý vi phạm hành chính. Vì lẽ đó, đối với nội dung này trong tố tụng hành chính Nga, tác giả dịch nguyên tắc này là “Suy đoán không có lỗi” đ bảo đảm tính Việt hóa dù trong tiếng Nga cả hai lĩnh vực đều được gọi là Nguyên tắc “презумпция невиновности” (presumption of innocence).

[13] Постановление Пленума Верховного Суда РФ от 25.06.2019 № 20 "О некоторых вопросах, возникающих в судебной практике при рассмотрении дел об административных правонарушениях, предусмотренных главой 12 Кодекса Российской Федерации об административных правонарушениях"/Бюллетень Верховного Суда РФ, N 9, сентябрь, 2019. URL: https://www.vsrf.ru/documents/newsletters/5388/, truy cập ngày 9/7/2020.

[14] Баев О.Я. Конфликтные ситуации на предварительном следствии (основы предупреждения и разрешения) – Воронеж: Издательство Воронежского университета, 1984. 132 с.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.