Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

ĐÀO TẠO LUẬT Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

ảnh: Internet

Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN

Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán về đoàn viên với gia đình, quê hương, vì có thời gian rảnh, không biết làm gì nên tôi có chút mơ màng và suy tư về đào tạo luật ở Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0. Bài viết này chỉ là cảm nhận, phân tích của cá nhân với nhiều hạn chế về nhận thức, nên mong nhận được góp ý chân thành của các đồng nghiệp và những ai quan tâm!
Trân trọng cám ơn!
1.     Dẫn nhập
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang hiện hữu trong mọi khía cạnh của cuộc sống xã hội. Nhận thức đúng bản chất, nội dung của cuộc cách mạng này và nắm vững được những cơ hội, thách thức mà nó đem lại giúp cho mỗi quốc gia điều chỉnh, xây dựng được chiến lược phù hợp tận dụng thời cơ để phát triển đất nước và không bị bỏ lại phía sau.
    CMCN 4.0 lần đầu tiên được đề cập đến từ năm 2011[1] tại Đức và, thực tế, đã được tận dụng khá thành công ở nhiều quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp góp phần tạo thịnh vượng, thiết lập các xu hướng, dẫn dắt sự phát triển của thế giới.
    Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, đẩy mạnh truyền thông về cuộc cách mạng này và đã có những quyết sách bước đầu quan trọng.[2] Trong lĩnh vực học thuật, đã có một số hoạt động, nghiên cứu có chất lượng bàn về CMCN 4.0 nhằm chỉ ra những thách thức, cơ hội mà Việt Nam đã và sẽ đối diện.[3] Tuy nhiên, thực tế cho thấy không chỉ nhận thức về CMCN 4.0 chưa thật đầy đủ, toàn diện, mà cho đến nay dường như chưa có sự chuyển dịch lớn nào trên phương diện chính sách pháp luật hướng tới kỷ nguyên 4.0 ở nước ta.
    Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0 nhưng cũng được coi là có thể tác động ngược lại. Nếu hoạch định được chiến lược, chính sách đúng đắn, đi trước một bước giáo dục và đào tạo sẽ trở thành chìa khóa, động lực to lớn cho sự phát triển hiệu quả, bền vững[4] đồng thời tận dụng lợi thế CMCN 4.0 và tác động trở lại dẫn dắt sự phát triển của xã hội.
    Tuy nhiên, ngoài một số đơn vị giáo dục tư thục, cơ sở giáo dục quốc tế, liên kết quốc tế có những chuyển dịch[5] theo hướng ứng dụng công nghệ, chương trình hiện đại trong hoạt động giáo dục và đào tạo, đa phần các trường đại học công lập, kể cả những đại học lớn của đất nước, những chuyển biến tiệm cận CMCN 4.0 vẫn khá chậm dù ngày 4/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0 và sau đó một ngày, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký công văn số 1891/BGDĐT-GDĐH gửi các trường đại học, cao đẳng về nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với cuộc CMCN 4.0.[6]
    Hiện có quan điểm cho rằng, đào tạo luật là “yên ả nhất” và ít chịu ảnh hưởng nhất từ CMCN 4.0 trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Theo đó, CMCN 4.0 chỉ tác động đến các lĩnh vực chuyên đào tạo về kỹ thuật, công nghệ, kỹ sư, khoa học về vật liệu….[7] . Tuy nhiên, mới đây, ở Hoa Kỳ, một AI (trí tuệ nhân tạo) đã chiến thắng 20 luật sư hàng đầu của nước Mỹ trong việc phát hiện những sai sót của hợp đồng.[8] Điều này cho thấy nếu không có những thay đổi để thích ứng, giới luật và đào tạo luật sẽ “không thể ngồi yên” trong bối cảnh CMCN 4.0 này.
    Bài viết này, trên cơ sở nhận thức thực trạng đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay cùng với những tìm hiểu, nghiên cứu về nội dung của CMCN 4.0, tác giả lựa chọn phân tích, đánh giá những xu hướng nghề luật, những thay đổi mang tính cách mạng do CMCN 4.0 mang lại trong hình thức, phương pháp, chương trình giảng dạy, quản trị đại học nói chung và lĩnh vực đào tạo luật nói riêng để từ đó nhận diện những yêu cầu, thách thức và đưa ra những khuyến nghị phù hợp để sản phẩm đào tạo và hệ thống đào tạo luật của Việt Nam từng bước tận dụng thời cơ và thích ứng với yêu cầu, bối cảnh của CMCN 4.0.
    2. Thực trạng đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay trước thách thức của CMCN 4.0
    Khác với các cuộc cách mạng trước đó, CMCN 4.0 gắn liền với: 1) trí tuệ nhân tạo (AI); 2) người máy thông minh (smart robots), 3) internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud computing) với khả năng chứa đựng dữ liệu cực lớn (big data), khả năng kết nối và thuận tiện khi sử dụng; 4) công nghệ và vật liệu tiên tiến; 5) nền kinh tế chia sẻ…[9]
      Có nhà khoa học đã ví von rằng là nếu như các cuộc cách mạng trước đó đã biến người thành máy, thì CMCN 4.0 đã biến máy móc từng bước trở thành người với trí tuệ và khả năng thay thế con người trong những công việc liên quan đến trí óc.[10] Không chỉ thế, với khả năng kết nối thực ảo, internet vạn vật, dữ liệu cực lớn, kinh tế chia sẻ, công nghệ in 3D,… đã làm cho nhiều mô hình, trong đó có mô hình quản trị, đào tạo đại học cũ không còn phù hợp. Đó không đơn thuần cải tiến mà là cuộc cách mạng và bất kỳ cuộc cách mạng nào đều dẫn đến những chuyển biến mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
    Thế giới hiện nay đã có những mô hình đào tạo mà trước đây dường như ít ai có thể hình dung ra được. Chẳng hạn như mô hình đào tạo mới của Minerva mà nhiều chuyên gia cho là khá tương thích với kỷ nguyên 4.0.[11]
     Theo mô hình Minerva, trường đại học tập trung “dạy học tích cực” trên cơ sở các “khóa học trực tuyến”. Lớp học thường chỉ ở mức 15-19 sinh viên và các môn học thực hiện qua videos, yêu cầu về sự tương tác giữa giáo viên và sinh viên rất cao. Trường sẽ cung cấp các tài liệu trực tuyến và hệ thống các khái niệm để người học phải chuẩn bị trước khi vào học môn tương ứng. Giảng viên thay vì là người giảng bài giờ trở thành người giải thích, hướng dẫn thông qua tương tác với người học. Các môn học đại cương thường được thiết kế học trực tuyến là chủ yếu để đảm bảo tiết kiệm kinh phí vì những tài liệu, học liệu đã có sẵn và người học không phải trả cả nhiều tiền để phải học những kiến thức mà họ hoàn toàn có thể tự học với những tài liệu miễn phí được cung cấp tràn ngập trên internet hoặc trên tài nguyên số. Điều này giúp nhà trường giảm được chi phí, tăng sức cạnh tranh, tiết kiệm thời gian thực tế cho người học. Vấn đề chỉ là tổ chức thực hiện các phương pháp, cách thức tiến hành kiểm tra, đánh giá đảm bảo chất lượng. Chương trình đào tạo được thiết kế nhiều thời lượng học thực tế tại các doanh nghiệp, tổ chức, thị trường…nhằm giảm kinh phí, đáp ứng yêu cầu của người học, nhu cầu xã hội, đồng thời cơ sở đào tạo không phải lo lắng quá nhiều về trang bị cơ sở vật chất cho người học, tăng tính hấp dẫn, tính thực tiễn cho kiến thức kỹ năng của người học khi hoàn thành khóa học. Trường cũng không có hệ thống giáo viên cơ hữu vì họ coi cơ hữu là căn bệnh của các trường đại học truyền thống. Thư viện cũng không cần to, nhiều phòng… mà quan trọng là hệ thống tư liệu, học liệu điện tử phong phú, đầy đủ, chuẩn quốc tế để người học có thể học ở bất cứ đâu, khi nào cần. Điều này giúp cho trường có thể tiết kiệm được kinh phí xây dựng, duy trì hoạt động của thư viện, trả lương cho đội ngũ cán bộ thư viện, lưu trữ sách và bảo quản tài liệu, sách. Thậm chí, trường đại học theo mô hình Minerva cũng không cần thiết phải có trụ sở với cơ sở vật chất hoành tráng, khu vui chơi, kí túc xá, giảng đường… như các trường đại học truyền thống. Điều này giúp giảm tối đa kinh chính, chi phí vận hành nhằm gia tăng sức cạnh tranh của trường trong bối cảnh cắt giảm chi phí, cạnh tranh khốc liệt không chỉ trong phạm vi quốc gia mà trên phạm vi toàn cầu trong bối cảnh giáo dục mở thời kỳ 4.0.[12]
    Mô hình đại học Minerva còn khá lạ lẫm với bối cảnh đại học Việt Nam hiện nay, trong đó có đào tạo luật.
    Mô hình quản trị, chương trình, phương thức tổ chức đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay cơ bản không có nhiều thay đổi lớn so với những năm trước đây và chưa thích ứng tốt với kỷ nguyên 4.0. Các cơ sở đào tạo luật nói riêng và hệ thống giáo dục nói chung đang đứng trước thực tế là sẽ bị cắt giảm kinh phí từ ngân sách nhà nước như là một xu hướng tất yếu, sự cạnh tranh khốc liệt của các trường tư, hệ thống giáo dục quốc tế, thị trường lao động được đào tạo bài bản ở các quốc gia phát triển. Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đang còn chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vấn đề tự chủ và trên thực tế chưa có một cơ sở đào tạo luật nào ở nước ta tiên phong thực hiện thí điểm tự chủ đại học một cách đầy đủ.
    Theo số liệu được công bố cho thấy, đến cuối năm 2015, cả nước đã có hơn 30 cơ sở đào tạo luật ở bậc đại học; 13 cơ  sở đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ luật (trong đó có 8 cơ sở đào tạo tiến sĩ).[13] Đến thời điểm cuối năm 2017, dù chưa có thống kê chính thức, nhưng số lượng cơ sở đào tạo luật đã lớn hơn con số trên khá nhiều.
    Ở hầu hết các cơ sở đào tạo luật hiện nay, chương trình đào tạo luật cơ bản vẫn được thiết kế theo niên chế (cũ) hoặc theo tín chỉ (mới). Ở những cơ sở đào tạo đã chuyển đổi chương trình theo hình thức tín chỉ thì vẫn còn rất nhiều bất cập. Ở một số nơi, sinh viên vẫn còn bị hạn chế trong việc lựa chọn giảng viên, các lớp tín chỉ ở nhiều cơ sở được tổ chức chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giờ lý thuyết, giờ thực hành, thảo luận, tự học…, số lượng sinh viên trong một lớp môn học nhiều nơi còn vượt quá số lượng quy định…
    Ở nhiều đơn vị đào tạo luật hiện nay, hình thức truyền thụ kiến thức cơ bản vẫn là giáo viên lên các giảng đường lớn để thuyết giảng, người học ngồi nghe, ghi chép và về nhà hoặc lên thư viện đọc tài liệu. Thuyết giảng vẫn là phương pháp truyền đạt chủ đạo và người dạy chủ yếu dạy về các lý thuyết, đôi khi có những bài tập mẫu cho sinh viên, học viên tập phân tích. Cũng có những giảng viên am hiểu công nghệ thông tin đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nhưng chủ yếu các giảng viên vẫn dùng các máy trình chiếu bài giảng (slides) để giảng bài cho sinh viên. Nhiều giảng viên còn hạn chế trong kỹ thuật sử dụng máy chiếu, công nghệ thông tin và trình bày slides một cách khoa học. Hệ thống slides, bài giảng điện tử chuẩn của nhiều cơ sở đào tạo luật vẫn còn hạn chế và hầu như không được cung cấp đầy đủ cho sinh viên, học viên đọc trước để làm nền tảng cho những trao đổi, thảo luận trên các giờ thảo luận. Sự tương tác giữa người học và người dạy phụ thuộc nhiều vào phong cách giảng dạy của từng giảng viên. Rất ít trường, đơn vị đào tạo luật sử dụng các bài giảng điện tử bằng videos trực tuyến có sự tương tác thực để thay thế cho các bài giảng thuyết giảng thông thường, nếu có chủ yếu là nỗ lực cá nhân của một số giảng viên. Một số lượng không nhiều các giảng viên luật ở Việt Nam thiết lập các trang mạng/blog cá nhân để tương tác với người học, hỗ trợ, cung cấp tài liệu và làm cho hoạt động giảng dạy được hiệu quả hơn. Việc sử dụng tài liệu, sách, giáo trình điện tử thông qua các phần mềm, tài liệu số, google scholar thực tế vẫn là những khó khăn của không ít các giảng viên luật hiện nay…
    Ngoài những khó khăn về năng lực sử dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, giảng viên ở nhiều cơ sở đào tạo còn hạn chế trong sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Hạn chế này thường đi kèm với chất lượng của giảng viên, bởi theo yêu cầu mới, giảng viên cần có khả năng hội nhập và quốc tế hóa rất cao. Sẽ khó sử dụng được công nghệ, tài liệu trực tuyến, tiếp cận với thế giới hiện đại nếu giảng viên luật không thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, đặc biệt là sử dụng thành thạo tiếng Anh. Nếu không sử dụng được tiếng Anh, giảng viên sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận với tri thức tiến bộ của nhân loại trong kỷ nguyên internet kết nối vạn vật, công nghệ số, phần mềm quản trị đại học… chủ yếu được viết bằng tiếng Anh và đào tạo ra những luật gia có đẳng cấp, trình độ quốc tế trong bối cảnh thế giới đang phẳng ra và cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động và cung ứng dịch vụ pháp lý không chỉ đến từ các trường luật, luật gia trong nước mà chủ yếu đến từ các trường luật, luật gia quốc tế. Chất lượng đào tạo luật vì thế cũng trở nên kém cạnh tranh hơn so với các trường luật ở các nước tiên tiến.
     Hạn chế của giảng viên còn ở chỗ không nhiều giảng viên có được kiến thức thực tiễn bằng hoạt động thực nghiệm, thực tế của chính mình. Đa phần các giảng viên luật là viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập nên còn bị hạn chế ở một số hoạt động khác liên quan đến rèn rũa kỹ năng thực tiễn của nghề nghiệp để có thể truyền đạt tốt nhất cho sinh viên, người học kiến thức, kỹ năng và những gì kiểm chứng được và chắt lọc được từ thực tiễn. Có lẽ cũng vì thế mà các giờ học thường hàn lâm và người sử dụng lao động thường cho rằng sinh viên ra trường không có nhiều kiến thức, kỹ năng thực tế.
    Chương trình đào tạo luật hiện nay của Việt Nam chưa cho tạo điều kiện tối đa cho sự linh hoạt, uyển chuyển khi cần thay đổi. Quản lý nhà nước về khung, chương trình còn khá cứng theo khung, các trường chưa thực sự được tự quyết trong điều chỉnh môn học, học phần giữa các khối kiến thức của chương trình. Sinh viên về lý thuyết có thể học 3,5 năm để có được tấm bằng cử nhân luật, nhưng thực tế họ phải học 4 năm hoặc hơn. Nhiều môn học đại cương trên thực tế có thể giảng dạy bằng hình thức trực tuyến với tài liệu vô cùng phong phú và miễn phí trên internet… nhưng sinh viên nhiều trường, đơn vị đào tạo luật vẫn phải lên lớp truyền thống để tiếp thu kiến thức. Đây là một trong những yếu tố làm giảm năng lực cạnh tranh của đào tạo luật Việt Nam so với nhiều cơ sở đào tạo luật ở các quốc gia tiên tiến.
    Mặt khác, các chương trình đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay bị chuyên sâu hóa rất cao, không chú trọng đến đào tạo liên ngành, xuyên ngành, đào tạo những kiến thức mới về công nghệ, kiến thức cập nhật…. Đây là một trong những điểm đi ngược lại xu thế của thế giới trong bối cảnh CMCN 4.0. Các chương trình hầu như chia làm nhiều khối kiến thức, trong đó có khối kiến thức chung, khối kiến thức ngành, khối kiến thức bổ trợ … Khối kiến thức chung chủ yếu là các môn học đại cương theo quy định, còn lại là khối kiến thức ngành, chuyên sâu cho ngành. Trong bối cảnh CMCN 4.0, những luật gia không thể không có kiến thức về công nghệ, kỹ năng sử dụng các công nghệ phục vụ công việc ở kỷ nguyên 4.0. Những tri thức, kỹ năng về không gian mạng, công nghệ thông tin, công nghệ số, phương pháp tiếp cận, làm việc với thế giới ảo, sử dụng dữ liệu trên mạng, làm việc với trí tuệ nhân tạo, khai thác dữ liệu…. chưa được chú trọng thiết kế vào các chương trình đào tạo luật ở các trường luật ở Việt Nam hiện nay…. Việc thiết kế các môn này cũng gặp nhiều khó khăn khi chia chương trình thành các khối kiến thức theo hướng chuyên sâu dần vào ngành, chuyên ngành nhất định. Các môn học mang tính liên ngành, xuyên ngành chưa được chú trọng đầu tư.[14]
     Trong hoạt động giảng dạy luật hiện nay ở Việt Nam luôn những vấn đề liên quan đến liên kết đào tạo với nước ngoài, quốc tế hóa đào tạo luật, chia sẻ của các học giả nước ngoài, trao đổi thỉnh giảng của các giảng viên nước ngoài chưa thật  phát triển trong các chương trình đào tạo luật ở nước. Số lượng giảng viên quốc tế tham gia thỉnh giảng cho các chương trình đào tạo luật thông thường của các đơn vị đào tạo luật còn rất khiêm tốn (nếu không phải là chương trình liên kết, quốc tế). Đây là hạn chế lớn đối với việc quốc tế hóa chất lượng đào tạo trong bối cảnh hoạt động ngành nghề của luật gia trong thời gian tới sẽ không còn bị giới hạn bởi phạm vi quốc gia, lãnh thổ và cạnh tranh công việc từ phía các luật gia đào tạo ở các nước khác đang trở nên vô cùng cấp thiết thông qua các hoạt động tư vấn trực tuyến, internet kết nối vạn vật…
    Chương trình đào tạo luật ở Việt Nam có tính hội nhập chưa cao. Các môn học nội luật còn chiếm tỉ trọng lớn, trong đó các môn học mang tính quốc tế như thương mại quốc tế, tư pháp quốc tế, luật so sánh… vẫn còn chiếm tỉ trọng khiêm tốn. Trong nội dung các môn nội luật cũng có rất ít so sánh với nước ngoài dù rằng trong xã hội mới, sự tương tác với thế giới, giao lưu dân sự giữa các quốc gia không còn là trở ngại. Điều này ít nhiều làm giảm năng lực cạnh tranh của các luật gia được đào tạo trong nước với đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt là các luật gia được đào tạo từ các cơ sở giáo dục có uy tín trên thế giới…
    Mối tương tác giữa đại học và thị trường lao động cũng là một vấn đề của các cơ sở đào tạo luật hiện nay. Các chương trình đào tạo đều có thiết kế các khóa thực tập, thực tế tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức..., nhưng tính hiệu quả và thiết thực không cao. Nhiều sinh viên thừa nhận là  có đến các cơ sở thực tập nhưng đôi khi là “cho có” hoặc chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”... Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, kiến thức, kỹ năng thực tế của sinh viên. Chương trình đào tạo có thiết kế các môn đào tạo kỹ năng, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau các môn này phần nhiều do các giảng viên của chính cơ sở đào tạo giảng dạy, dù họ có hạn chế trong tiếp cận thực tiễn và kỹ năng hành nghề.
    Trình độ tin học, kỹ năng ứng dụng công nghệ, khả năng có được các thiết bị công nghệ kết nối internet (laptops, máy tính bảng, điện thoại thông minh…), năng lực ngoại ngữ của sinh viên chưa đồng đều. Đây cũng là thực trạng chung của nền giáo dục. Rất khó có thể ứng dụng công nghệ khi rất nhiều sinh viên không thể trang bị cho mình những thiết bị đó trong khi nhà trường, với ngân sách ngày càng eo hẹp thì khả năng trang bị cho sinh viên, người học những thiết bị hiện đại bị hạn chế. Sinh viên không sử dụng tốt ngoại ngữ sẽ khó sử dụng công nghệ, tìm kiếm, phân tích tài liệu trực tuyến, tài liệu mở để trở thành những luật gia giỏi sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động toàn cầu, tư vấn luật pháp cho các khách hàng, dịch vụ vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
    Cơ sở vật chất hiện nay ở các cơ sở đào tạo luật vẫn còn hạn chế. Hệ thống máy tính có kết nối internet, cung cấp mạng WIFI chưa đồng đều ở các đơn vị đào tạo. Các lớp, phòng học thông minh trên thực tế ở một số đơn vị đã được trang bị[15] nhưng nhiều giảng viên không biết sử dụng, ngại dùng hoặc không cần dùng bởi lẽ giảng dạy truyền thống khi đang còn là phương pháp truyền thụ kiến thức phổ biến thì chưa cần đến các thiết bị đó.
    Thư viện các trường đại học, đơn vị, cơ sở đào tạo luật đang chú trọng đến số lượng đầu sách, tài liệu và chỗ ngồi, phòng đọc… mà chưa quan tâm ở mức cần thiết đến “thư viện số” và “quốc tế hóa nguồn tài liệu”, quản trị thư viện số. Đại học Quốc gia Hà Nội và một số cơ sở đào tạo quan tâm đến thư viện số, tuy nhiên, tài liệu thuộc lĩnh vực luật hoặc liên quan còn khiêm tốn, tài liệu luật nước ngoài còn ít. Giảng viên, sinh viên luật vẫn chưa sử dụng hiệu quả nguồn tài liệu này bởi nhiều nguyên nhân như: không có thiết bị phù hợp, hệ thống quản trị chưa tốt, tài liệu chưa phong phú… Trên phương diện quản lý, các cơ quan quản lý đào tạo đại học vẫn chú trọng đến “diện tích” và số đầu sách hiện có mà chưa có chính sách khuyến khích phát triển “tài nguyên số”, “thư viện số”…[16] Trong khi đó, rất nhiều nước trên thế giới đã chuyển sang mô hình thư viện số để vừa giảm tải mang vác nặng cho sinh viên trong bối cảnh càng ngày càng cần nhiều tài liệu cho học tập, nghiên cứu, phân tích tài liệu, giảm chi phí tài chính mua tài liệu và các sách, giáo trình kiểu cũ đã trở nên lỗi thời.[17]
    Tài liệu của thư viện ở nhiều trường còn chưa được phong phú. Tài liệu chủ yếu là các sách, giáo trình, tạp chí và văn bản luật. Thực tế cho thấy, để có được một luật gia có kiến thức, chuyên môn tốt cần nhiều những tài liệu về tình huống pháp lý, bản án, các quyết định, các loại hợp đồng mẫu… được cập nhật thường xuyên. Hiện nay, ở rất nhiều các thư viện luật, tài liệu chủ yếu tồn tại dưới dạng bản cứng nên rất nhanh lạc hậu, đôi khi bị trái với những thay đổi, bổ sung của pháp luật hiện hành. Các tài liệu nếu được số hóa thì cũng là bản chụp các tài liệu hiện có và điều này chỉ giúp dễ hơn trong tiếp cận, lưu trữ chứ không làm cho nguồn tài liệu trở nên hữu ích, cập nhật hơn trong bối cảnh hiện nay.
    Quản trị đại học hiện nay của Việt Nam cũng chậm thích ứng với công nghệ số và bối cảnh của kỷ nguyên 4.0. Các cơ sở đào tạo luật có bộ máy tổ chức khá cồng kềnh, nhiều phòng ban, nhiều số lượng chuyên viên hành chính. Hệ thống với nhiều phòng, ban, tổ chức… không còn phù hợp khi ứng dụng công nghệ số, quản lý phần mềm thông minh trong xã hội internet kết nối vạn vật… Quản lý về chuyên môn theo các bộ môn, khoa truyền thống chưa hỗ trợ tốt cho việc tạo tính liên kết, liên thông về học thuật và đâu đó làm chậm thay đổi để thích ứng với các chương trình, học phần mới. Hiện nay, một số đại học đã phát triển các trung tâm nghiên cứu gắn với các lĩnh vực đào tạo và tăng tính liên ngành, xuyên ngành.  Tuy nhiên, do nguồn nhân lực và tài chính cho nghiên cứu phục vụ phát triển các học phần hiện đại bị hạn chế nên các viện, trung tâm hiện nay chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Luật học ngày càng cần tính hệ thống, sự biệt lập và chỉ chuyên sâu một lĩnh vực sẽ không đào tạo ra các luật gia bối cảnh 4.0 và cùng với đó là sự cục bộ, chậm thay đổi, kém linh hoạt, gia tăng chi phí trong quá trình đào tạo.
    Quản lý nhà nước về đào tạo luật cũng còn chưa tạo ra sự linh hoạt cần thiết. Việc xây dựng khung cứng cho mã ngành, chương trình đào tạo, quy định về các điều kiện sửa đổi chương trình đào tạo, quy định về công tác nhân sự, tổ chức quản lý, kiểm định chất lượng giáo dục, thi cử… chưa khuyến khích sự đổi mới, linh hoạt cho cơ sở đào tạo trong việc chuyển đổi, đổi mới mô hình quản trị đại học, chương trình, ngành đào tạo, tuyển dụng và định vị nguồn đầu vào phù hợp. Các môn học mới, các phương thức đào tạo mới… cần có nhiều bước để xin phép mới có thể yên tâm áp dụng trong đào tạo đại học mà không bị xử lý.
    Sự đổi mới về đào tạo luật còn xuất phát từ những thay đổi về nghề luật trong bối cảnh mới. Nghề luật đang đứng trước những thay đổi về yêu cầu, nhu cầu và bối cảnh xã hội. Trong thời gian tới, với những gì đã nhận thức được về nội dung của CMCN 4.0, có thể thấy, những yêu cầu mới và những thay đổi về nghề luật, theo tác giả, cơ bản tập trung chủ yếu vào mấy điểm chính sau:
  -  Đào tạo luật sẽ mang tính liên ngành và xuyên ngành. Để có thể làm việc tốt trong môi trường mới, người thực hành luật không chỉ biết có luật pháp mà còn phải nắm vững kiến thức và kỹ năng về công nghệ, thông tin, trí tuệ nhân tạo, giao dịch điện tử, syber law, chữ ký số, sở hữu trí tuệ ... Thật khó hình dung nổi sẽ như thế nào, nếu luật gia thực hành trong tương lai không biết tư vấn pháp luật trên không gian số, không nắm được công nghệ để hiểu được các giao dịch điện tử…Bên cạnh đó, để thực hiện các tư vấn, họ cũng phải sử dụng mạng internet, dữ liệu số, quản trị mạng và các thiết bị điện tử khác…
-  Luật gia của thời đại mới cũng cần phải có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ tiếng Anh. Những máy tính, robots thông minh có thể hỗ trợ các luật gia hiểu ngôn ngữ khác, nhưng nếu có được ngoại ngữ tiếng Anh, họ sẽ thực hiện một cách chuyên nghiệp, gây dựng niềm tin với khách hàng và đối tác của mình, có khả năng tư vấn khách hàng nhanh nhất và chất lượng nhất có thể thông qua nền tảng số, internet … mà ở đó không có khái niệm biên giới, lãnh thổ. Vì vậy, một trong những năng lực cần có là luật gia tới đây sẽ phải làm việc xuyên biên giới, với đa dạng về đối tác, loại hình và nội dung dịch vụ cung ứng.
-  Luật gia của thời gian tới sẽ là luật gia toàn cầu. Không cần biết luật gia đó được đào tạo ở đâu, anh ta phải có khả năng tư vấn cho mọi đối tác, hiểu biết luật không chỉ của quốc gia mình mà còn cả các quốc gia khác. Thẩm phán, công tố viên… cũng sẽ cần có kiến thức rộng, năng lực sử dụng ngoại ngữ và năng lực hội nhập quốc tế cao. Vì vậy, giới luật sẽ phải cạnh tranh toàn cầu chứ không chỉ trong nước. Họ có thể ngồi ở Việt Nam mà tư vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài ở nước ngoài và mọi hoạt động được thực hiện qua internet và máy tính.
-  Nghề giảng viên luật chắc chắn sẽ phải cạnh tranh với giảng viên ngoại quốc với trình độ và năng lực ngoại ngữ hơn hẳn. Vì vậy, nếu không có ngoại ngữ, không quốc tế hóa, không khai phóng về tư duy thì khó cạnh tranh. Tuy nhiên, việc am hiểu pháp luật Việt Nam và biết được tiếng Việt cũng sẽ là một lợi thế khi thực hiện các hoạt động pháp lý, giảng dạy với người Việt.
-  Luật gia tương lai cần phải có kiến thức đa dạng, tư duy khai phóng, linh hoạt, bởi việc tư vấn đơn giản, hỗ trợ thủ tục, dịch vụ đơn giản… sẽ không còn là công việc của riêng luật sư, luật gia mà đôi khi các AT với dữ liệu khổng lồ cũng hoàn toàn có khả năng phân tích và đưa ra những tư vấn kém phức tạp.
-  Luật gia ngày nay rõ ràng cũng cần có đạo đức nghề luật nhiều hơn. Bởi lẽ, khi xã hội thay đổi liên tục, khoảng trống pháp luật lộ ra cũng sẽ nhiều hơn, cùng với sự hỗ trợ của internet, AT… việc thực hiện các hành vi phi đạo đức sẽ trở nên dễ dàng. Trong bối cảnh đó, xã hội cũng yêu cầu luật gia phải có đạo đức nghề nghiệp cao hơn. Những luật gia có đạo đức nghề nghiệp cao sẽ được tin dùng hơn.
-  Luật gia trong thời gian tới càng cần phải có tư duy đa chiều, đa diện, thích ứng nhanh với những thanh đổi ngày càng nhanh cần có tư duy phản biện, giáo dục khai phóng, đa diện. Bởi nếu không có tư duy như thế, anh ta sẽ phải tranh chấp thị phần công việc với người máy thông minh, khó thay đổi linh hoạt trong xã hội nhiều thay đổi. Luật gia trong kỷ nguyên mới lại càng phải nắm vững kiến thức nền tảng, hiểu được quy luật vận động của pháp luật, có khả năng sáng tạo, thích ứng với sự thay đổi của cuộc sống hiện đại.
3. Một số khuyến nghị đổi mới đào tạo luật trong bối cảnh CMCN 4.0
Trên cơ sở những phân tích trên và từ những quan điểm cá nhân về giáo dục đại học, tác giả đề xuất một số khuyến nghị hướng tới đổi mới đào tạo luật ở Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0.
-  Thứ nhất, trong bối cảnh mới các trường luật cũng cần áp dụng phương thức dạy trực tuyến tích cực đối với các môn học trong chương trình đào tạo ở chừng mực nhất định, đặc biệt là các môn học thiên về cung cấp kiến thức thuần túy, cơ bản. Tất nhiên, trực tuyến không có nghĩa là học qua videos mà phải có sự tương tác giữa giáo viên và người học – sự tương tác giữa thực và ảo hay phương pháp dạy “trực tuyến tích cực”. Khuyến nghị này phù hợp với bối cảnh công nghệ hiện đại, dữ liệu số khổng lồ, internet kết nối vạn vật… của thời đại CMCN 4.0. và không khó để thực hiện. Đối với một số môn học, giảng viên sẽ không phải lên lớp để chỉ thuyết giảng, thay vào đó, họ ngồi ở nhà và có thể tương tác bình thường với sinh viên trong các giờ dạy trực tuyến. Hình thức học tập này nếu được áp dụng sẽ giảm chi phí xã hội, cho cả người dạy, người học và đơn vị đào tạo, thời gian đào tạo góp phần gia tăng tính cạnh tranh của cơ sở đào tạo. Hình thức học tập trực tuyến tích cực có thể áp dụng cho các giờ giảng lý thuyết đối với một số môn học cấp đại cương, còn đối với các giờ thảo luận vẫn có thể tổ chức trên lớp thực kết hợp với lớp ảo để người học có thể thảo luận, trao đổi hoặc trình bày quan điểm trong không gian thật. Mô hình này không chỉ đã được áp dụng ở một số trường ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.[18]
-   Thứ hai, chương trình đào tạo luật phải được bổ sung các môn học có mục tiêu cung cấp tri thức, kỹ năng cho người học về công nghệ số, người máy thông minh, không gian mạng, tư liệu điện tử, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, tài nguyên số, sở hữu trí tuệ… vào hoạt động thực tiễn, đời sống pháp lý.
-  Thứ ba, khi thiết kế chương trình và môn học phải đảm bảo điều kiện cho người học tương tác với thực tiễn công việc và gắn với nhu cầu xã hội.[19] Giảng dạy không chỉ là việc của các trường đại học mà còn là của người sử dụng lao động (các doanh nghiệp, công ty luật, cơ quan, tổ chức…) đều có thể tham gia vào quá trình đào tạo với mục đích tạo ra những sản phẩm phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đào tạo hàn lâm trong lĩnh vực pháp lý cần gắn chặt chẽ với đào tạo trên thực tiễn. Người học cần được thực nghiệm chứ không phải là nghe mô tả về nó.[20] Trước hết, các trường, cơ sở đào tạo luật cần hợp tác chặt chẽ với các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực luật để xây dựng chương trình môn học, kiểm định chất lượng và đào tạo thực tế cho các cơ sở, đơn vị của mình để gia tăng năng lực cạnh tranh.
-  Thứ tư, chương trình đào tạo cần tăng dung lượng các môn học thuộc về lĩnh vực liên quan nhiều đến thương mại, tư pháp quốc tế… để đào tạo các luật gia có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp trong bối cảnh giới hạn phạm vi lãnh thổ quốc gia sẽ không còn nhiều ý nghĩa, công việc, dịch vụ pháp lý sẽ thường xuyên vượt ra khỏi biên giới quốc gia và thực hiện nhiều trên không gian internet vốn không có giới hạn không gian và thời gian.
- Thứ năm, trong bối cảnh CMCN 4.0, những thay đổi mạnh mẽ của đời sống xã hội sẽ tạo ra nhiều những khoảng trống pháp lý, các điều kiện để xâm hại đời tư, xâm hại đến trật tự xã hội, an ninh… trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khi pháp luật sẽ khó thích ứng kịp với những thay đổi. Việc sử dụng người máy thông minh, trí tuệ nhân tạo… đôi khi cũng tạo ra những tổn hại không chỉ cho một nhóm người mà rộng hơn là cả một xã hội, thậm chí cho nhân loại nói chung. Trong điều kiện đó, đạo đức nghề nghiệp của luật gia trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, những môn học chuyên sâu về đạo đức nghề luật nói chung và một số lĩnh vực đặc thù như đạo đức luật sư, công chứng, thẩm phán… cần phải được chú trọng mà trước hết là trong đào tạo. Bởi nếu không có đạo đức nghề nghiệp, xã hội sẽ dần mất niềm tin vào giới luật và tiếp đó là những tổn hại lớn hơn cho xã hội.
- Thứ sáu, đào tạo tiếng Anh pháp lý trở nên không kém phần quan trọng. Trong bối cảnh mới, không gian, phạm vi hoạt động của luật gia có thể xuyên quốc gia, trên không gian mạng… nên sức mạnh cạnh tranh sẽ mất đi nếu không có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh pháp lý.
- Thứ bảy, cần thay đổi các chương trình đào tạo, khuyến khích chia sẻ tín chỉ, tiếp nhận công nghệ giảng dạy trực tuyến và tài liệu giảng dạy trực tuyến của các cơ sở đào tạo luật uy tín của các quốc gia có nền giáo dục hiện đại để nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó cần mở rộng nguồn giảng viên quốc tế để tham gia vào quá trình đào tạo luật ở Việt Nam.
- Thứ tám, phương pháp giảng dạy cần phải có những điều chỉnh. Với nguồn tài liệu ngày càng phong phú, đa dạng, dễ tiếp cận, giảng viên sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu chỉ thuyết giảng. Vai trò hướng dẫn, giải thích sẽ trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh mới. Dạy học phải có sự tương tác chặt chẽ với người học và trong điều kiện hiện nay việc đó không hề khó thực hiện.
- Thứ chín, kiến thức hàn lâm vẫn rất quan trọng, nhưng cần tập trung vào những kiến thức nền tảng, giảng dạy nguyên tắc, quy luật vận hành, tư duy... Xã hội kỷ nguyên 4.0 sẽ có những thay đổi rất nhanh, vì vậy, việc tạo ra các luật gia có năng lực nhận biết, phát hiện quy luật, khai phóng về tư duy, linh hoạt… sẽ tốt hơn là đào tạo ra luật gia chỉ viết vận dụng văn bản, quy phạm hiện hành.
- Thứ mười, tự chủ đại học là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam. Tự chủ sẽ không chỉ dừng lại ở vấn đề tài chính mà sẽ tự chủ cả về công tác cán bộ, chiến lược phát triển, chương trình đào tạo, tuyển sinh… Cùng với tự chủ đại học, các xu hướng và điều kiện CMCN 4.0 mang lại sẽ quyết định mô hình quản trị đại học hiện đại.
CMCN 4.0 là cơ hội để những trường đại học không có bề dày truyền thống có thể tận dụng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay nếu biết ứng dụng mô hình quản trị đại học hiệu quả, hiện đại, chất lượng và cùng với đó là giảm chi phí đào tạo cho người học để gia tăng năng lực cạnh tranh. Do đó, trường luật trong bối cảnh 4.0 không nhất thiết phải có quá nhiều cán bộ quản lý bởi đã có hệ thống dữ liệu khổng lồ, tài nguyên số, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào quản trị đại học, các phần mềm quản trị đại học…. Việc ứng dụng các phần mềm quản lý thì chỉ cần không nhiều chuyên viên thạo công nghệ, tiếng Anh để hỗ trợ quản lý. Công nghệ chữ ký điện tử, ký duyệt trên phần mềm sẽ giảm đi khá nhiều đội ngũ cán bộ quản lý cấp phòng, ban. Trường luật có thể thuê những công ty thiết kế phần mềm để quản lý đào tạo, sinh viên, thư viện, cơ sở vật chất…. và một số không nhiều những cán bộ có chuyên môn về quản trị hiện đại, sử dụng công nghệ hiện đại và năng lực ngoại ngữ tốt. Các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội khác sẽ vận hành theo xu hướng mới phù hợp với xu thế tự chủ đại học, quản trị bằng công nghệ…
- Thứ mười một, quản lý đào tạo cần có những chuyển dịch linh hoạt hơn. Quản lý nhà nước theo Danh mục ngành nghề đào tạo như hiện nay chưa cho phép liên thông liên kết và khuyến khích xây dựng các chương trình xuyên ngành trong đào tạo luật gia 4.0. Quy định về mã ngành, chuyên ngành hiện nay cần có sự điều chỉnh để cho phép sự phát triển nhanh, thay đổi kịp thời trong xây dựng chương trình. Những quy định về quy mô, điều kiện cơ sở vật chất, thư viện, phòng học, các tiêu chí kiểm định chất lượng cũng cần có sự điều chỉnh để khuyến khích ứng dụng công nghệ vào đào tạo, giảm chi phí, thời gian cho xã hội. Quản lý nhà nước về tuyển sinh cũng cần thay đổi để các cơ sở có thể tự tuyển lựa cho mình những thí sinh thích hợp với các điều kiện thích hợp để đào tạo thành tài.
-  Thứ mười hai, các trường luật hiện nay cần chuyển dịch sang thư viện số, tài liệu số, đa dạng hóa nguồn tài liệu. Các tài liệu số cần được tạo điều kiện để dễ sử dụng. Tài liệu không chỉ tập trung vào giáo trình, bài viết mà cả các cuốn “casebooks”, các phán quyết được cập nhật đầy đủ, toàn văn, các quyết định, loại hợp đồng, thỏa thuận và hệ thống văn bản…
 4. Thay lời kết
CMCN 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội và trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh mới, các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam rõ ràng cần thay đổi để cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Nếu không có những thay đổi mạnh mẽ, các trường luật của đất nước đang đứng trước nguy cơ không thể “sinh tồn” của quy luật đào thải khắc nghiệt. 
Cách mạng luôn đồng hành cùng những chuyển động mang tính xáo trộn, căn cơ của xã hội. CMCN 4.0 cũng không ngoại lệ. Đó không đơn thuần là sự cải tiến mà là sự thay đổi mạnh mẽ của toàn xã hội trên phạm vi toàn cầu. Giáo dục pháp luật vì thế sẽ phải thay đổi theo để thích ứng, tồn tại và phát triển.
Những khuyến nghị trên, đương nhiên, sẽ không đúng với mọi cơ sở đào tạo luật và không thể phân tích đầy đủ mọi khía cạnh của đào tạo luật, nhưng ở một chừng mực nào đó cho thấy cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi trong giáo dục ở Việt Nam cũng cần phải tính đến bối cảnh, yếu tố tâm lý, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự đồng thuận không chỉ trong cơ sở giáo dục mà còn xã hội. Những thay đổi nóng vội, thiếu sự chuẩn bị kỹ, toàn diện thường không đem lại kết quả như mong đợi, thậm chí còn phản tác dụng, gây sự bất mãn trong xã hội. Bởi, ngay chính tác giả bài viết này cũng phải tự điều chỉnh và cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía nhà nước, cơ sở giáo dục đại học để điều chỉnh, hoàn thiện bản thân nhằm phù hợp hơn với các điều kiện của nền giáo dục đại học trong kỷ nguyên 4.0./.




[1] Việt Nam với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Sách tham khảo). Ban Kinh tế Trung ương (Chủ biên: Nguyễn Văn Bình). NXB. Đại học Kinh tế quốc dân, 2017, trang 17.
[2] Chẳng hạn, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0… Ban Kinh tế Trung ương đã triển khai, nghiên cứu và có những đề xuất cho từng lĩnh vực cụ thể… Ngày 01/1/2018 Nghị quyết 01 của Chính phủ cũng có những chính sách và chiến lược liên quan đến cuộc cách mạng này ở Việt Nam.
[3] Tiêu biểu trong số các hội thảo khoa học có thể điểm đến: 1) Hội thảo khoa học quốc tế “Mô hình Đại học 4.0 – Nền tảng giáo dục thế kỷ 21” diễn ra tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành, tháng 7/2017; 2) Hội thảo khoa học quốc tế: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với Quản trị nhà nước” tại Học viện Hành chính Quốc gia vào tháng 7/2017; 3) Hội thảo khoa học quốc tế “Cách mạng công nghiệp 4.0: Những xu hướng và chiến lược phát triển hiện nay” diễn ra vào tháng 11/2017 tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; 4) Hội thảo khoa học “Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với việc cải cách hệ thống pháp luật Việt Nam” tháng 1/2018 tại Khoa Luật, ĐHQGHN… Trong số các xuất bản phẩm uy tín có thể kể đến cuốn sách tham khảo của Ban Kinh tế Trung ương “Việt Nam với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (Chủ biên: TSKH Nguyễn Văn Bình). NXB. Đại học Kinh tế quốc dân, 2017….
[4] Việt Nam với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Sách tham khảo).Tài liệu đã dẫn. trang 358.
[5] Tiêu biểu như Tổ hợp giáo dục Topica, Trường Đại học FPT và một số trường đại học quốc tế hoặc liên kết quốc tế tại Việt Nam đã có những cải cách về chương trình giảng dạy, quản trị địa học tiên tiến…
[7] Ngay trong cuốn “Việt Nam với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Sách tham khảo) của Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ nhấn mạnh đến bốn lĩnh vực then chốt là STEM: Science, Technology, Engineering, Mathematics. Tuyệt nhiên, lĩnh vực đào tạo luật không được đề cập đến.
[9] Việt Nam với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Sách tham khảo). Tài liệu đã dẫn, trang 34-50.
[10] Việt Nam với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Sách tham khảo). Tài liệu đã dẫn, trang 29.
[11] Xem: Thông tin Giáo dục Quốc tế của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Tài liệu đã dẫn.
[12] Xem thêm: Thông tin Giáo dục Quốc tế của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, số 29/2017 (www.cheer.edu.vn)
[13] Thông tin của Bộ GD&ĐT và Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TW (Dẫn theo: Tham luận của PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn - Ủy viên thường trực Ủy ban cải cách tư pháp TW “Một số nét về đào tạo và nghiên cứu luật ở các trường luật ở Việt Nam” tại Hội thảo khoa học “Đổi mới hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các trường Luật ở Việt Nam hiện nay”, tổ chức tại Khoa Luật, ĐHQGHN tháng 10/2016). Số liệu này đến nay đã có chút thay đổi, bởi có 1 số cơ sở đào tạo đã được cho phép mở mã ngành đào tạo luật, cho phép đào tạo sau đại học.
[14] Ở ĐHQGHN, một số chương trình đào tạo thạc sĩ mang tính liên ngành cao như: Thạc sĩ pháp luật về Quyền con người, Thạc sĩ Luật Biển và Quản lý biển và tới đây là Thạc sĩ pháp luật về Quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng… đầu vào phải là người tốt nghiệp cử nhân luật. Điều này làm cho tính liên ngành của chương trình bị hạn chế đi rất nhiều và dường như không được phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
[15] Khoa Luật, ĐHQGHN được trang bị 15 phòng học thông minh kể từ năm 2016.
[16] Chẳng hạn, để đánh giá đạt chuẩn hay thành lập cơ sở giáo dục đại học thì cần có diện tích thư viện bao nhiêu … là một trong những yêu cầu quan trọng của tiêu chuẩn mà cơ quan quản lý đề ra.
[17] Xem thêm: Legal Education in the Digital age (2012). Edited by Edward Rubin. Cambridge University Press. P.13, p. 200
[19] Theo Edward Rubin, đây là một trong những biểu hiện của chính sách lấy người học làm trung tâm. Ông viết: “…. we now know that learner-centered education is the most effective approach and that mastery is generally achieved by experiential education, where the learner is given the opportunity to perform the task in question, rather than merely hearing a description of it.” (Xem: Legal Education in the Digital age (2012). Edited by Edward Rubin. Cambridge University Press. P.13, p. 204).
[20] Legal Education in the Digital age (2012). Edited by Edward Rubin. Cambridge University Press. P.13, p. 204

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.