Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

Ảnh hưởng của pháp luật phương Tây đến pháp luật Nhật Bản trong lịch sử và những giá trị tham khảo đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay



ảnh Internet
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Số 34 (3) tháng 9/2018.


Là giảng viên, tôi tâm niệm rằng, nỗ lực làm cho mình hoàn thiện hơn từng ngày là vô cùng quan trọng, nhưng có lẽ quan trong hơn tất cả là phải làm cho người học ngày càng giỏi hơn, gia tăng được nhiều hơn giá trị trong lĩnh vực chuyên môn, bởi suy cho cùng, người thầy dù có nỗ lực làm cho mình hoàn thiện hơn mỗi ngày cũng là hướng đến thành quả là người học.
Bài viết này là nỗ lực của một sinh viên năm thứ nhất dưới sự hướng dẫn của tôi. Bài viết chắc chắn chưa hoàn thiện, tuy nhiên, với một sinh viên năm thứ nhất đại học mà đã làm được như thế này là điều vô cùng trân quý. Ở cùng thời điểm năm nhất đại học như bạn ấy, tôi đã không làm được như thế. Mong rằng, đây là bước khởi đầu cho sự hoàn thiện và phát triển của sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu tại Khoa Luật của chúng tôi. Xin được giới thiệu bài viết này và đây chỉ là báo cáo tóm lược công trình nghiên cứu gần 100 trang của các tác giả.

Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích những lĩnh vực của hệ thống pháp luật Nhật Bản đã chịu tác động, ảnh hưởng của pháp luật các quốc gia phương Tây, làm rõ những yếu tố tiếp nhận pháp luật nước ngoài, những nguyên do góp nên thành công của hệ thống pháp luật Nhật Bản khi tiếp nhận pháp luật từ các hệ phái pháp luật tiến bộ khác nhau của phương Tây cũng như sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống của Nhật Bản với những giá trị tiến bộ ngoại lai qua đó chỉ ra những kinh nghiệm quý có thể tham khảo cho Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện nay.
Từ khóa: Ảnh hưởng của pháp luật, pháp luật phương Tây, pháp luật Nhật Bản, lịch sử pháp luật; pháp luật Việt Nam.




1. Đặt vấn đề *
Lịch sử pháp luật Nhật Bản cận, hiện đại đã chứng kiến những nỗ lực, quyết tâm đặc biệt để kiến thiết hệ thống pháp luật có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống, đạo đức Nhật Bản và những tiến bộ của pháp luật phương Tây. Quyết tâm và nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật theo mô hình phương Tây làm nền tảng hướng tới mục tiêu “khoa học phương Tây, đạo đức phương Đông”, tạo hành lang pháp lí thuận lợi, động lực cho công cuộc hội nhập, tiến bước cùng phương Tây hiện đại đã giúp nước Nhật thành công, đạt tới sự phát triển thần kì. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao thời điểm đó người Nhật lại chọn pháp luật phương Tây để tiếp nhận? Cơ sở và phương thức nào được người Nhật quyết định lựa chọn, vận dụng các mô hình, kĩ thuật, chuẩn mực, tư tưởng pháp luật phương Tây? Nội dung tiếp nhận qua các giai đoạn lịch sử cụ thể như thế nào, các con đường tiếp nhận là gì? Các yếu tố nào tác động đến việc du nạp, tiếp nhận? Các kĩ thuật nào được lựa chọn để kết hợp hài hòa giữa truyền thống, đạo đức, giá trị Nhật Bản với các quy chuẩn, quy phạm, nguyên tắc pháp lí phương Tây? Kĩ thuật nào được vận dụng, lựa chọn để dung hòa được các yếu tố tiến bộ của các nền pháp luật có phần không giống nhau là Pháp, Đức và Hoa Kì trong một truyền thống pháp luật mang đậm chất Á Đông lúc bấy giờ?
Lời giải cho những vấn đề đó có ý nghĩa và cấp thiết cho Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, trong giới hạn phạm vi của bài viết này, các tác giả tập trung tìm lời giải cho mấy vấn đề cơ bản sau: (1) Sự ảnh hưởng và con đường ảnh hưởng của pháp luật phương Tây đến các khái cạnh của hệ thống pháp luật Nhật Bản; (2) Nguyên nhân ảnh hưởng của pháp luật phương Tây đến pháp luật Nhật Bản và những thành công của Nhật Bản trong việc vận dụng, tiếp nhận pháp luật phương Tây; (3) Những giá trị mà Việt Nam có thể học hỏi từ Nhật Bản qua sự tiếp nhận pháp luật phương Tây đặt trong bối cảnh hiện nay ở nước ta.
2. Khái niệm về sự ảnh hưởng, tiếp nhận pháp luật và đặc điểm cơ bản của pháp luật Nhật Bản trước khi tiếp nhận, du nạp các yếu tố của pháp luật phương Tây
2.1. Khái niệm về ảnh hưởng và tiếp nhận pháp luật
Ảnh hưởng của hệ thống pháp luật này đến hệ thống pháp luật khác là mối quan hệ giữa hệ thống pháp luật của các quốc gia, trong đó đã hoặc đang diễn ra sự chuyển hóa của các yếu tố pháp luật của quốc gia này vào trong cấu trúc của pháp luật quốc gia kia. Ảnh hưởng có thể là tích cực, hoặc tiêu cực hay tác động qua lại [1; tr.15]. “Các yếu tố của pháp luật” là công cụ và đồng thời là địa chỉ của quá trình gây ảnh hưởng. Các yếu tố ảnh hưởng có thể ở mức độ “vĩ mô” hoặc “vi mô”.
Ảnh hưởng ở tầm “vĩ mô” là ảnh hưởng toàn bộ đời sống pháp luật - từ các quy định của pháp luật cho đến thực tiễn pháp luật và hiểu biết, nhận thức về pháp luật hết sức đa dạng trong xã hội. Ở tầm “vi mô” - là sự tác động trực tiếp đến các chế định và các quy phạm pháp luật cụ thể.
Khi bàn đến sự “ảnh hưởng” của pháp luật nước này đến pháp luật nước khác, thông thường cần làm rõ ít nhất ba yếu tố của cơ chế ảnh hưởng: Sự áp đặt của bên gây ảnh hưởng đến bên chịu ảnh hưởng; sự tiếp nhận chủ động của bên tiếp nhận; và cuối cùng là ảnh hưởng bởi hấp lực tự nhiên như con người ta vẫn thường hấp dẫn nhau bởi những giá trị của mình - “Hữu xạ tự nhiên hương” [1; tr.16].
Trong khi đó, thuật ngữ “tiếp nhận pháp luật” được hiểu là sự chủ động hay bị động (hoặc bị áp đặt) thu nạp nhiều hay ít những “yếu tố của pháp luật”. Sự tiếp nhận chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như sự ảnh hưởng khách quan của pháp luật từng mức độ, sự sáng tạo, chọn lọc những giá trị phù hợp hay không phù hợp của chủ thể tiếp nhận, nhu cầu của chủ thể tiếp nhận pháp luật…
2.2.  Đặc điểm cơ bản pháp luật Nhật Bản trước giai đoạn ảnh hưởng của pháp luật phương Tây
Pháp luật và các thiết chế chính quyền của Nhật Bản ở thời kì tiền cổ đại (khoảng từ năm 250 TCN đến năm 603) mang tính “thuần Nhật”, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng, triết lí tôn giáo và không bị ảnh hưởng của các yếu tố ngoại lai. Pháp luật Nhật Bản ở thời kì tiền cổ đại hầu như không có sự phân biệt rạch ròi giữa quy phạm pháp luật với quy phạm xã hội và các quy phạm tôn giáo khác [2; tr.48].
 Ở thời kì cổ đại và trung đại pháp luật Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi pháp luật phong kiến Trung Hoa [2; tr.48]. Hệ thống pháp luật Nhật Bản trong thời kì này còn được gọi là hệ thống “ritsu - ryo” bởi lí do nhiều bộ luật (bao gồm hai phần, phần “ritsu” là các quy định về hình sự và phần “ryo” bao gồm các quy định mang tính chất khuyến cáo) mô phỏng một cách trung thực các bộ luật của nhà Đường - triều đại hưng thịnh của phong kiến Trung Hoa.
Pháp luật phong kiến Trung Quốc lúc đó được Nhật Bản vận dụng, mô phỏng do lịch sử để lại và được cho là phù hợp với thời kì phong kiến trong bối cảnh Trung Hoa là quốc gia trung tâm của khu vực Đông Á. Nhưng theo thời gian, pháp luật phong kiến Trung Hoa đã trở nên lạc hậu, kìm hãm sự phát triển toàn diện của đất nước với những đặc trưng về tính chuyên chế, áp đặt về tư tưởng thần quyền, khép kín, hà khắc, thiếu tính dân chủ, kém phát triển ở lĩnh vực luật tư, giao lưu dân sự, không có sự tham khảo và học hỏi pháp luật các quốc gia khác trên thế giới. Vì vậy, khó bắt kịp với sự vận động của pháp luật thế giới, đặc biệt là pháp luật phương Tây tiến bộ, không khuyến khích sự giao lưu, phát triển kinh tế, tiếp nhận tư tưởng tiến bộ, giải phóng sức lao động, tư tưởng của con người.
Nhận diện rõ những nguy cơ tụt hậu, những bất cập của triết lí pháp luật Trung Hoa, đến thời kì cận đại và hiện đại, Nhật Bản đã tiếp nhận và vận dụng thành công pháp luật phương Tây để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của riêng mình, “xây dựng một nền văn minh đặc biệt, không theo kiểu châu Âu và cũng không theo kiểu châu Á”[3].
3. Con đường ảnh hưởng của pháp luật phương Tây đến pháp luật Nhật Bản
Nghiên cứu lịch sử tiếp nhận pháp luật phương Tây ở Nhật bản, có thể nhận thấy những con đường cơ bản mà qua đó pháp luật phương Tây đến với Nhật Bản, cụ thể:
3.1. Thông qua người ngoại  quốc
Pháp luật Pháp và Đức ảnh hưởng đến Nhật Bản thông qua những cố vấn mà người Nhật mời đến. Tiêu biểu là: các cố vấn người Pháp, đặc biệt là Boissonade, Bousquet, and Benet và Roesler cùng các đồng sự người Đức của mình như Lorenz von Stein và Rudolf von Gneist... Những chuyên gia đã tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển, giáo dục, tuyên truyền pháp luật phương Tây đến pháp luật Nhật Bản.
Pháp luật Mỹ ảnh hưởng đến Nhật Bản với vai trò rất lớn của Thống chế Douglas MacArthur và Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng Đồng minh tại Nhật Bản trong quá trình xây dựng Hiến pháp 1946 và cải cách dân chủ. Những người ngoại quốc đã mang những tư tưởng tiến bộ, dân chủ của phương Tây tới pháp luật Nhật Bản.
3.2.  Thông qua người Nhật Bản
Một trong những điều làm nên thành công của sự tiếp nhận pháp luật nước ngoài là sự chủ động, tinh thần, quyết tâm của chính người Nhật và chính giới Nhật Bản. Trước hết, có thể kể đến:
Thứ nhất, lực lượng đứng đầu đất nước, chính quyền, những người tham gia xây dựng pháp luật. Những người này đã sáng suốt, nhiều tài năng, nhiệt huyết và chủ động, không kìm hãm, không bảo thủ trong tiếp cận những nền pháp lí mới tiến bộ (Thiên hoàng, Hoàng hậu, người trong bộ máy nhà nước…).
Thứ hai, những cá nhân có tư tưởng tiến bộ có vai trò trong việc truyền bá tư tưởng mới, góp phần thức tỉnh dân tộc: Trong “Thuyền trung bát sách” (Senchu Hassaku - 6/1867) của Sakamoto Ryoma - Nhân vật chủ chốt trong việc hiện đại hóa của Nhật Bản và đóng góp và việc luật đổ triều đại Mạc Phủ Tokugawa đã đề cập nội dung: “Xóa bỏ luật lệ cũ, chế định pháp luật làm cơ sở cho việc xây dựng quốc gia mới”. Hay trong: “Ngũ điều Ngự thệ văn” (Gokajo Goseimon) do Kido Takayoshi tu sửa đó ghi: “Phải phá bỏ những tập quán xấu xa và mọi việc phải dựa trên công đạo (công pháp)” [4].
Thứ ba, những người được cử sang tìm hiểu pháp luật phương Tây hoặc được đào tạo ở phương Tây. Chẳng hạn, chính quyền Minh Trị gửi người của mình đi khắp thế giới để nghiên cứu về pháp luật phương Tây hiện đại. Trước tiên, họ tập trung vào pháp luật của Pháp, sau đó là tiếp thu kinh nghiệm của pháp luật Đức vào cuối thế kỉ XIX.
3.3. Thông qua các “Tân thư”
Tân thư chính là những sách báo phương Tây chứa những học thuyết tiến bộ của những tác giả nổi tiếng đã được du nhập vào Nhật Bản. Tân thư thực sự là nhịp cầu tư tưởng quan trọng kết nối người Nhật với người phương Tây. Nhờ đó mà người Nhật sớm thoát khỏi ảnh hưởng tư tưởng chính trị và học thuật Trung Hoa, khi ấy đã trở thành lạc hậu, bảo thủ, kìm hãm sự phát triển của lịch sử; đồng thời, đó cũng là phương tiện quan trọng nhất để người Nhật tiếp cận và tiếp thu một cách có bài bản, hệ thống không chỉ các tri thức, các thành tựu về khoa học kĩ thuật, mà còn cả những tư tưởng mới về tự do, dân chủ, dân quyền; về các thiết chế xã hội từ các nhà tư tưởng - triết học châu Âu như R. Descartes, Voltairre, J. Rousseau, Motesquieu… [5].
4. Ảnh hưởng của pháp luật Pháp và Đức đến pháp luật Nhật Bản
Sự mở cửa, tiếp nhận pháp luật phương Tây của Nhật Bản bắt đầu từ năm 1868 khi Nhật Bản cải cách, mở cửa giao lưu với các quốc gia bên ngoài và các trào lưu tư tưởng, chính trị, pháp luật, văn hoá phương Tây nhờ đó bắt đầu được du nhập vào Nhật Bản.
Sự ảnh hưởng về tư tưởng bước đầu thông qua tư tưởng của các cố vấn, chuyên gia nước ngoài. Cố vấn người Pháp - Boissonade là người theo chủ nghĩa pháp luật tự nhiên, ông phản đối các hình phạt tàn nhẫn, những chế tài hà khắc, đề cao quyền và tự do con người. Ông có ảnh hưởng rất lớn trong giai đoạn đầu khi là người truyền bá và ủng hộ tư tưởng thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền tự nhiên của con người, bất chấp giai cấp và vị thế xã hội.
Trong khi đó, cố vấn người Đức - Roesler là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho trường phái lịch sử pháp luật [6; tr.11]. Theo đó mọi hệ thống pháp luật đều phải phù hợp với các lịch sử, văn hóa bản địa của từng quốc gia. Roesler cùng các đồng sự người Đức của mình như Lorenz von Stein và Rudolf von Gneist là những người đưa ra khái niệm về việc xây dựng hệ thống nhà nước thượng tôn Nhật Hoàng và một nền quân chủ lập hiến - nền tảng chính của Hiến pháp Minh Trị.
4.2. Trong xây dựng pháp luật
Sự ảnh hưởng của Pháp tới Nhật trong xây dựng pháp luật thể hiện ở sự giúp đỡ của các chuyên gia, cố vấn người Pháp, đặc biệt là Boissonade, Bousquet, and Benet, nổi tiếng nhất là Boissonade [6; tr. 199 - 200]. Boissonade cũng như các cố vấn khác là người có công lớn trong việc đưa ra bản dự thảo hai bộ luật dân sự 1890, hình sự 1880 (刑法) (được coi là các bộ luật hiện đại đầu tiên được pháp điển hóa tại Nhật Bản).
Có thể kể đến Yeto, người đứng đầu Bộ Tư pháp Hoàng gia đã mời Bousquet làm cố vấn, dịch bộ luật dân sự Pháp sang tiếng Nhật cho các thẩm phán người Nhật. Từ năm 1879, Boissonade đã thay thế Bousquet để cố vấn cho người kế nhiệm Oghi của Yeto. Bộ luật của Boissonade đã được chấp nhận bởi hội đồng Hoàng gia, và được tuyên bố sẽ có hiệu lực vào năm 1893. Tuy nhiên, ngay sau đó, bộ luật này đã gặp phải chỉ trích vì lấy nguyên mẫu quá nhiều từ bộ luật Pháp, không phù hợp với luật tự nhiên của Nhật Bản. Kết quả là, bộ luật đã phải ngày có hiệu lực của nó đã phải lùi đến năm 1896 cũng như phải có những điều chỉnh hợp lí [7; tr. 200]. Cuối cùng, bộ luật sau chỉnh sửa và đưa ra đã hoàn toàn khác với tác phẩm của Boissonade, nhưng vẫn có nhiều chế định ảnh hưởng từ Pháp.
Bộ luật hình sự năm 1880 cũng lấy mẫu từ mô hình pháp, dù bộ luật này chỉ tồn tại trên 20 năm và sau đó bị thay thế bởi Bộ luật hình sự lấy khuôn mẫu từ Đức năm 1907, nhưng nó đã để lại những dấu ấn mạnh mẽ, đặc biệt về việc đối xử với người phạm tội.
Sự ảnh hưởng cũng thể hiện thông qua các cố vấn pháp luật, các chuyên gia Đức. Họ là Roesler cùng các đồng sự như Lorenz von Stein và Rudolf von Gneist. Hiến pháp Nhật được tuyên bố vào 11/2/1889 như là một minh chứng thể hiện sự ảnh hưởng của pháp luật Đức tới Nhật Bản.
Ngoài ra, trong bộ luật hình sự của Nhật Bản 1907 cũng tìm thấy những dấu vết rõ nét của pháp luật Đức. Để có được bộ luật chính thức này, hàng loạt các bản dự thảo từ năm 1894, 1901, 1903, 1906 đã chứng kiến sự tham gia của người Đức, cũng như việc lấy cảm hứng từ pháp luật Đức của các nhà làm luật [8; tr.370] bộ luật được sửa đổi lại năm 1947 và viết lại năm 1995 sau đó.
4.3. Về nguồn pháp luật
Cũng như pháp luật Pháp, Đức - các hệ thống pháp luật Civil Law, hình thành trên cơ sở luật La Mã, Nhật Bản có hệ thống pháp luật thành văn. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều được điều chỉnh bởi pháp luật thông qua các văn bản thành văn, như: Hiến pháp, Bộ luật, văn bản quy phạm của Nghị viện và Chính phủ trung ương hay các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau được ban hành bởi chính quyền địa phương. Trong hệ thống pháp luật, nguồn luật quan trọng của pháp luật Nhật Bản là Hiến pháp, đạo luật của Nghị viện, văn bản pháp luật (Meirei) do Nội các hay các cơ quan hành chính ban hành, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương Nhật Bản (Jorei). Ngoài ra, còn có các điều ước quốc tế (Joyaku), tập quán pháp (kanshu), các quan điểm học thuật (gakusetsu), các bản án mẫu hay hình thức giải thích pháp luật bởi tòa án (hanrei).
4.4. Trong giáo dục, đào tạo pháp luật
Năm 1872, Boissonade and Bousquet đã dạy tiếng Pháp cho những người sẽ trở thành thẩm phán tại khoa luật được thành lập bởi Bộ Tư pháp Nhật Bản. Sau này, chính khoa này vào năm 1876 đã trở thành “Special school of French law” (Trường luật đặc biệt của Pháp), dạy pháp luật Pháp bằng tiếng Pháp ở Nhật Bản. Năm 1877, Chính phủ Nhật Bản mở ra một trường luật khác dạy pháp luật Pháp bằng tiếng Nhật. Boisonade cũng như các giảng viên người Pháp khác đã giảng dạy tại trường Đại học luật Tokyo (1870) và sau này là hàng loạt các trường luật tư tại Tokyo [6; tr.199].
Khoa học pháp lí Đức phát triển rất nhanh chóng tại Nhật. Năm 1885, Khoa Luật của Bộ Tư pháp được mở ra, phát triển từ Đại học Hoàng gia Tokyo và có một bộ phận nghiên cứu luật Đức được thành lập ở đây vào năm 1887. Chính phủ khuyến khích tạo lập môi trường học tập thuận lợi cho việc nghiên cứu pháp luật Đức. Mặc dù pháp luật Anh, Pháp cũng được giảng dạy, nhưng tư tưởng pháp luật Đức đã chiếm ưu thế lớn tại Nhật trong suốt thời kí này cho đến tận trước khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai [9; tr.110].
Ngày nay, nhìn chung, đào tạo luật ở Nhật Bản tương tự như đào tạo luật ở các nước có hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Civil law, đặc biệt là gần gũi với mô hình đào tạo của Pháp và Đức [10; tr.393].
4.5. Về hệ thống tòa án
 Hệ thống tòa án của Nhật được xây dựng trên cơ sở tiếp thu mô hình hệ thống tư pháp của các nước thuộc hệ thống pháp luật Civil Law mà chủ yếu là của Pháp và Đức. Tòa án chịu sự giám sát của cơ quan hành pháp. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống tòa án của Nhật đã có sự thay đổi và không còn chịu sự can thiệp của chính phủ như trước mà đã có vị trí độc lập trong bộ máy nhà nước. Hệ thống Tòa án của Nhật ngày nay được tổ chức tương tự như hệ thống pháp luật các nước phương Tây.

5. Ảnh hưởng của pháp luật Mỹ đến pháp luật Nhật Bản
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật Bản bị quân đội Mỹ chiếm đóng. Người giữ trách nhiệm “Chỉ huy tối cao Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng Đồng minh” (General Headquaters of Supreme  Commander for the Allied Powers - SCAP) là tướng Douglas MacArthur. Ông có vài trò to lớn trong những cải cách dân chủ ở Nhật Bản, trong đó có hệ thống pháp luật.
5.1. Về tư tưởng pháp luật
Những quan điểm, tư tưởng mới đã được Mỹ mang đến cho Nhật Bản, đặc biệt là tư tưởng dân chủ, bình đẳng và bảo vệ hòa bình.
Đối với Bộ luật hình sự 1907, tướng MacAthur cũng đưa ra chỉ định yêu cầu hủy bỏ điều luật về tội “leje majesty” (tạm dịch là bất kính với Thiên Hoàng, xúc phạm nhà nước) trong bộ luật cổ. Ông cho rằng điều này đã đi ngược lại quyền bình đẳng của tất cả mọi người trước pháp luật. Ông cũng buộc thay đổi tội ngoại tình khi trước đây nó chỉ được buộc tội cho phụ nữ. Ông nhận thấy như thế là bất bình đẳng giới nên “một là phải quy tội cho cả hai, hoặc là bỏ đi…”.
 Hiến pháp năm 1946 của Nhật được xây dựng với mục đích vô cùng tiến bộ. Trong đó, buộc nhà nước phải hoạch định nền chính trị theo những quy định tối cao của Hiến pháp. Hiến pháp đã xác định ba nguyên tắc: Chủ quyền cho nhân dân, bảo đảm nhân quyền cơ bản và tinh thần hòa bình.
Các điều khoản của Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở phủ định khuynh hướng quân biệt và xâm lược của Nhật Bản trong quá khứ, triệt để quá triệt nguyên tắc hòa bình như Điều 9 quy định: “Tham vọng chân thành đến một nền hòa bình quốc tế dựa trên công bằng và trật tự, người dân Nhật Bản mãi mãi từ bỏ chiến tranh như quyền tự chủ của dân tộc và các mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực như một phương tiện giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Để thực hiện mục đích đấy, đất, biển, và lực lượng không quân, cũng như những tiềm tàng gây chiến tranh, sẽ không được duy trì. Quyền giao chiến của nhà nước sẽ không được công nhận” [11].
5.2. Trong xây dựng pháp luật
Trước hết, Bộ luật Hình sự 1907 đã được chỉnh lí từ Bộ luật Hình sự 1880 và gần như tồn tại nguyên đến ngày nay (dù đã được chỉnh sửa, bổ sung). Người Mỹ đã điều chỉnh một số vấn đề trong bộ luật như tăng tuổi phạm tội tối thiểu được nâng từ 14 lên 16, hay buộc phải điều chỉnh cách viết luật, sử dụng bảng chữ cái mềm và cứng Hiragana, Katakana thay cho những từ Kanji khó đọc.
Tuy nhiên, phải đến Hiến pháp 1946 mới thấy rõ dấu ấn của sự ảnh hưởng của pháp luật Mỹ đến hệ thống pháp luật Nhật Bản.
Tháng 2/1946 phía Nhật Bản đã viết dự thảo Hiến pháp, nhưng Douglas MacArthur không chấp nhận, coi đó chẳng qua chỉ là một thứ “bình cũ rượu pha” [12] của Hiến pháp Minh Trị. Chính vì thế, MacAthur đã ra lệnh cho văn phòng của mình tự thảo ra Hiến pháp mới cho Nhật Bản kịp trước phiên họp ngày 26 tháng 2 năm 1946 của quân Đồng minh.
Hiến pháp Nhật Bản có hiệu lực ngày 3/5/1947 kèm theo sau đó là các dự luật  được Chính phủ Nhật Bản xây dựng trên cơ sở chỉ đạo của Mỹ (được Quốc hội thông qua từ 1947 - 1948) với các nội dung cơ bản: Phép tắc Hoàng đế; Luật về Quốc hội; luật Bầu cử hạ viện; Luật Bầu cử thượng viện; Luật Nội các; Luật tổ chức hành chính quốc gia; Luật công chức nhà nước; Luật về khiếu nại; Luật về tòa án; Luật về viện công tố; Luật địa phương tự trị; Luật về cảnh sát; Luật giáo dục phổ thông; Luật giáo dục trường học…
Ngoài ra, việc sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 1947 (Chiêu Hòa thứ 22) dẫn đến kết quả là đã sửa đổi toàn bộ các phần quy định về luật gia đình và luật thừa kế, chế độ gia trưởng bị xóa bỏ. [13; tr.88 - 89].     
5.3. Về hệ thống tư pháp
Theo Hiến pháp năm 1947, trong khi nhánh lập pháp và hành pháp của Nhật Bản được tổ chức cơ bản giống nền chính trị Anh quốc, thì nhánh tư pháp - tòa án lại được tổ chức giống như ở Mỹ. Tương tự thẩm phán Mỹ, thẩm phán Nhật Bản phải từ bỏ các đảng phái để xét xử độc lập và hưởng lương cao [14].
Điều 81 Hiến pháp Nhật Bản đã học tập Hiến pháp Mỹ và quy định cho Tòa án tối cao quyềnquyết định cuối cùng về tính hợp hiến: “Tòa án tối cao là cấp xét xử cao nhất với thẩm quyền xác định tính hợp hiến của các đạo luật, sắc lệnh, quy tắc hoặc các hành vi công khác” [15; tr.133].
5.4. Về nguồn luật
 Về lí thuyết, thẩm phán Nhật Bản không có nghĩa vụ phải tuân thủ tiền lệ pháp và cũng không có điều khoản cụ thể nào quy định rằng các phán quyết trong quá khứ của tòa án là tiền lệ pháp, là nguồn luật và rằng Nhật Bản áp dụng học thuyết tiền lệ pháp. Nhưng trên thực tế, phán quyết của Tòa án tối cao thường được các tòa án cấp dưới tôn trọng và tuân thủ như một nguồn luật cơ bản và thuật ngữ “tiền lệ pháp” (precedents) thường được sử dụng khi nói về phán quyết của Tòa án Tối cao [10; tr.387].
Ngoài ra, án lệ của Mỹ cũng có ảnh hưởng đến cách giải thích và sử dụng pháp luật của Nhật Bản. Ảnh hưởng này có thể nhìn thấy trong việc giải thích những quyền cơ bản trong Hiến pháp Nhật bản [12; tr.163 -164].
5.5. Về mô hình tố tụng hình sự
Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) của Nhật Bản trong quá trình soạn thảo có sự giúp đỡ tích cực từ phía Mỹ và phản ảnh rõ nét quan điểm pháp luật tố tụng của người Mỹ. Cụ thể, sự ảnh hưởng đó thể hiện trong các quy định về nguyên tắc tranh tụng, điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ, hạn chế trong việc chấp nhận chứng cứ gián tiếp. BLTTHS của Nhật Bản được soạn thảo theo khuôn mẫu của BLTTHS Mỹ ngoại trừ chế định xét xử có Bồi thẩm đoàn. Trong quá trình tố tụng, thẩm phán chỉ đóng vai trò trọng tài, vai trò chính trong quá trình tố tụng được dành cho đại diện của bên buộc tội và bên bào chữa. Tuy vậy, vai trò của thẩm phán Nhật Bản có nét khác với vai trò thẩm phán Mỹ. Do không tiếp thu chế định bồi thẩm của Mỹ mà các thẩm quyền của thẩm phán Nhật Bản rộng hơn thẩm quyền của các thẩm phán Mỹ. Trong thủ tục tố tụng, có sự thay đổi phương thức thẩm vấn nhân chứng theo kiểu tố tụng đối kháng [16].
6. Kết luận và một số gợi mở
6.1. Nguyên nhân ảnh hưởng pháp luật phương Tây đến pháp luật Nhật Bản
Trên thực tế, ban đầu việc tiếp nhận pháp luật phương Tây không hoàn toàn suôn sẻ bởi đã có nhiều rào cản, như: (1) Tư tưởng Nho giáo bảo thủ, giáo điều đã tồn tại ở Nhật Bản suốt một thời gian dài và đã ảnh hưởng, chi phối nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa...; (2) Nhật Bản là một quốc đảo, có một vị trí khá biệt lập ở phía Đông của châu Á, tính chất đảo khiến người Nhật mang tâm lí “đảo quốc - Shimakuni” - vừa hiếu khách, lại vừa dè dặt trong giao tiếp và quan hệ với người khác, vừa mang lòng tự tôn dân tộc vừa tự ti mặc cảm, có thái độ bài ngoại... [17; tr. 22 - 23]; (3) Khó khăn về ngoại ngữ và dịch những bộ luật, tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Nhật; (4) Sự duy trì của những phong tục tập quán đã ăn sâu vào mỗi người dân khiến họ khó chấp nhận thay đổi…
Tuy nhiên, cùng với đó là nguyên nhân khiến Nhật Bản chấp nhận thay đổi, tiếp nhận tư tưởng pháp luật mới. Trước hết, theo các tác giả, cần phải kể đến cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về nguyên nhân khách quan, Nhật Bản thời kì cuối thế kỉ XIX đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phương Tây do sự phát triển và lan rộng của văn minh phương Tây sang phương Đông qua nhiều con đường khác nhau, như: xâm lược, phát triển thương mại, du học… Ví dụ như Pháp luật Nhật Bản chịu ảnh hưởng đầu tiên từ pháp luật Pháp trong thời gian đầu tiến hành cải cách (cuối thế kỉ XIX) là do giai đoạn này chính trị và pháp luật Napoleon đang vươn mình ảnh hưởng tới vùng Viễn Đông, đây là tiền đề để những người Nhật thức thời tiếp nhận và đi theo tư tưởng pháp luật mới.
Về những nguyên nhân chủ quan, trước hết, có thể kể đến:
Thứ nhất, những người đứng đầu đất nước Nhật Bản muốn thoát khỏi ảnh hưởng của phong kiến Trung Quốc khi nhận thức rằng những nguy cơ sẽ tác động tiêu cực từ Trung Quốc đến Nhật Bản và nhiều tư tưởng, quan điểm phong kiến của họ không còn phù hợp sẽ có thể sẽ kéo lùi sự phát triển của Nhật Bản. Nền văn minh Trung Quốc đã dần suy yếu, đặc biệt kể từ năm 1644 khi triều Minh sụp đổ và bị nước ngoài kiểm soát. Sự kiện này ở Trung Quốc trùng hợp với giai đoạn đầu của chế độ Mạc phủ Tokugawa (1600-1868); khi đó các tướng lĩnh cai trị đang tìm cách bảo vệ nhà nước Nhật và bản thân họ khỏi tầm ảnh hưởng của ngoại bang, trong đó có Trung Quốc. Với quyết tâm bảo vệ nền tự chủ đồng thời ý thức được các hệ tư tưởng trái chiều nhau, Mạc phủ đã ra lệnh cấm người dân Nhật Bản ra nước ngoài (người phạm tội sẽ bị xử tử) [18].
Thứ hai, sự minh triết của Thiên hoàng cùng tinh thần dân tộc, ái quốc của những người trong chính quyền đã ủng hộ Thiên hoàng cách tân đất nước đồng thời là thái độ cởi mở tiếp thu học tập cái mới, tiến bộ của người Nhật Bản. Thiên hoàng không chỉ loại bỏ những rào cản đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Nhật Bản mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá cái mới, nền văn minh hiện đại từ phương Tây, giáo dục dân tộc biết tiếp thu cái mới. Ngoài Thiên hoàng, Hoàng hậu Nhật Bản cũng đóng vai  trò quan trọng và là một gia đình phương Tây để đưa đất nước trên con đường “văn minh và ánh sáng” [19]
Thứ ba, chính trong những hoàn cảnh khó khăn, vận mệnh dân tộc lâm nguy, người Nhật Bản đã chấp nhận thay đổi, bỏ cái cũ, cái lạc hậu (mặc dù đã tồn tại khá vững chắc ở: (1) Nhật Bản đã từ bỏ những quy định cổ hủ trong tư tưởng Nho giáo để tiếp nhận và đi theo nền văn minh phương Tây nhằm phát triển, nâng cao tiềm lực vị thế đất nước trong bối cảnh đất nước khó khăn và nguy cơ các nước phương Tây đẩy mạnh xâm lược; (2) Nhật Bản đã chấp nhận từ bỏ chiến tranh, gạt bỏ thù hận để tiếp nhận, học hỏi chính đối thủ của mình trong Chiến tranh thế giới lần nhứ II để từ đống đổ nát sau chiến tranh thể khôi phục kinh tế, ổn định chính trị và bước vào thời kì phát triển “thần kì sau đó”.
6.2. Nguyên nhân Nhật Bản vận dụng thành công pháp luật phương Tây
Sự thành công của Nhật Bản trong việc tiếp nhận, vận dụng pháp luật Phương Tây thể hiện ở: (1) Nhật Bản đã không phải bỏ nhiều công sức, thời gian xây dựng cho riêng mình hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh, hiện đại, tiến bộ, phù hợp với xu thế của thời đại, có sự kết hợp giữa yếu tố ngoại lai và tính bản địa dân tộc, góp phần đẩy lùi những tư tưởng pháp luật phong kiến đã lỗi thời; (2) Hệ thống pháp luật tiến bộ đã góp phần đáng kể cho sự phát triển trên nhiều lĩnh vực của Nhật Bản, từ chính trị, văn hóa, trật tự xã hội và nền kinh tế; (3) Hệ thống pháp luật Nhật Bản giữ vị trí nhất định trong bản đồ pháp luật thế giới: Nhật Bản là quốc gia phương Đông tiếp nhận, vận dụng thành công nhất pháp luật phương Tây và từ đó để lại nhiều bài học kinh nghiệm, giá trị tham khảo cho nhiều quốc gia; (4) Pháp luật Nhật Bản từ chỗ bất bình đẳng với pháp luật phương Tây, phải học hỏi từ các nước lớn đã phát triển ngang hàng, thậm chí có những tiến bộ và phù hợp hơn với Nhật Bản. Trong lĩnh vực luật kinh tế, Nhật Bản đã tạo điều kiện để phát triển những công ty nhỏ, công ty gia đình khá linh hoạt, thích ứng với những khủng hoảng mang tính chu kì vốn là căn bệnh “trầm kha” của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. “Nhật Bản đã không giới hạn số vốn nhỏ nhất, nhưng các công ty cổ phần phải có uy tín cao trong xã hội. Phần lớn các công ty cổ phần có số vốn ít và số cổ đông cũng ít, các cổ phần không được mua bán trên thị trường. Trong đa số các trường hợp, số lượng các cổ đông được giới hạn trong gia tộc, vì vậy đại hội cổ đông, hội đồng quản trị dù đã được quy định trong luật, thực tế không được triệu tập” [12; tr. 250]. Những thành công đó do nhiều nguyên nhân, trước hết phải kể đến như:
Thứ nhất, người Nhật Bản mà trước hết là những người đứng đầu đất nước đã rất thức thời, dám nghĩ, dám làm, tiên phong, cởi mở để tiếp nhận các giá trị, tư tưởng hiện đại của pháp luật phương Tây, đồng thời thực hiện cải cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện cho pháp luật thích ứng và phát triển. Nhật Bản đã mạnh dạn từ bỏ những ảnh hưởng của Nho giáo phong kiến kìm hãm sự phát triển để thay đổi toàn bộ đất nước mình từ chính trị, pháp luật, kinh tế đến văn hóa. Trong đó, mọi lĩnh vực đều ảnh hưởng đến pháp luật. Người Nhật và chính giới Nhật Bản cho rằng không thể có cải cách pháp luật thành công nếu các lĩnh vực khác không được cải cách. Bởi pháp luật không thể tách rời với các hiện tượng khác của hạ tầng cơ sở và kiến trúc thượng tầng, trong đó có giáo dục, văn hóa, kinh tế và chính trị.
Thứ hai, Nhật Bản có phương thức tiếp nhận văn minh phương Tây được cho là đúng đắn và phù hợp. Người Nhật tiếp thu một cách chọn lọc, không dập khuôn những giá trị tiên tiến nhất của thời đại mà tiếp nhận những giá trị hơn mình nhằm “đi tắt đón đầu” hiệu quả. GS. Vĩnh Sính viết rằng: “Có thể nói rằng không có dân tộc nào nhạy bén về văn hóa nước ngoài cho bằng người Nhật. Họ không ngừng theo dõi những diễn tiến trên thế giới bên ngoài, đánh giá và cân nhắc ảnh hưởng của những trào lưu và xu hướng chính đối với Nhật Bản. Một điều đáng chú ý khác là khi họ biết trào lưu nào đang thắng thế thì họ có khuynh hướng chấp nhận, học hỏi, nghiên cứu để bắt kịp trào lưu đó, không để mất thời cơ” [20].
Thứ ba, song hành cùng pháp luật, Nhật Bản tiếp nhận các giá trị của nền giáo dục tiến bộ của văn minh phương Tây nhưng biết giữ gìn các giá trị Nhật Bản. Ngay từ đầu, Chính phủ Minh Trị đã nhận thức rất rõ rằng muốn học tập và tiếp thu một cách thực sự nền khoa học của phương Tây, thì cần phải bắt đầu từ giáo dục. Do đó giáo dục được xác định là quốc sách hàng đầu là chìa khóa để hiện đại hóa Nhật Bản. Phương châm của nền giáo dục mới cũng được xác định là “học đi đôi với hành, nền học thuật không tách rời với đời sống, học dựa trên tinh thần khoa học độc lập có phê phán”, đặc biệt là trên nguyên tắc “khoa học phương Tây, đạo đức Nhật Bản”, chính nhờ việc xác định đúng đắn phương châm giáo dục cho nên Nhật Bản du nhập, học hỏi khoa học kĩ thuật phương Tây để cận đại hóa rất mạnh mẽ, nhưng không hề bị phương Tây hóa.
6.3. Sự kết hợp giữa pháp luật phương Tây với pháp luật truyền thống của Nhật Bản
Có nhiều lí do khác nhau để giải thích về sự ảnh hưởng của các giá trị đạo đức, triết lí truyền thống và chuẩn mực xã hội đối với vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội Nhật Bản. Dưới đây là một số ví dụ điển hình của các giá trị đạo đức, triết lí truyền thống và chuẩn mực xã hội vẫn được giữ gìn và kết hợp với pháp luật. (1) Quy tắc “giri” trong xã hội Nhật Bản: “giri” là hệ thống các chuẩn mực xử sự mang tính xã hội truyền thống nhằm điều chỉnh các mối quan hệ nảy sinh trong đời sống xã hội. (2) Ngoài ra, còn có hướng dẫn hành chính (“gyosei shido”) trong thực tiễn thi hành pháp luật ở Nhật Bản: Những chỉ dẫn do các cơ quan hoặc cán bộ có trách nhiệm quản lí đưa ra nhằm mục đích đề nghị các chủ thể có liên quan thực hiện hoặc không thực hiện những hoạt động cụ thể phù hợp với mục tiêu đặt ra trong hoạt động quản lí [21].
6.4. Những giá trị tham khảo cho Việt Nam
Nhật Bản và Việt Nam đều là những quốc gia có nhiều nét tương đồng về lịch sử và văn hóa. Trong lịch sử, Nhật Bản đã được dân tộc Việt Nam gọi là “người anh cả da vàng”, là quốc gia với nhiều thứ đáng để học hỏi. Quá trình hiện đại hóa hệ thống pháp luật ở Nhật Bản đã để lại nhiều giá trị cho Việt Nam xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật qua việc đã tiếp nhận và vận dụng thành công pháp luật phương Tây, cụ thể:
Thứ nhất, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách pháp luật đồng thời cải cách toàn diện, đồng bộ chính trị, kinh tế nhằm tạo điều kiện cho pháp luật thích ứng và phát triển. Cải cách pháp luật không thể thành công nếu không song hành cùng những cải cách đồng bộ về văn hóa, kinh tế, chính trị và giáo dục.
Thứ hai, quá trình tiếp nhận giá trị mới cần có sự nghiên cứu công phu, nghiêm túc với những đối chiếu, so sánh từ đó học hỏi, vận dụng những giá trị tiên tiến nhất, phù hợp nhất đối với hệ thống pháp luật và điều kiện của nước nhà. Đồng thời, cần cẩn trọng để tránh sự thiếu thống nhất trong việc tiếp nhận, xây dựng pháp luật khi học hỏi quá nhiều nền pháp luật khác nhau và cần phải biết kết hợp với những giá trị pháp luật truyền thống của Việt Nam.
Thứ ba, cử cán bộ có tiềm năng và tâm huyết đi nghiên cứu học tập kinh nghiệm tại các nước mà mình quan tâm trong khoảng thời gian đủ dài thay vì những chuyến khảo sát ngắn hạn. Đây là kinh nghiệm thành công của Nhật hoàng trong lịch sử.
Thứ tư, ở tầm vi vô, có thể nghiên cứu một số kinh nghiệm Nhật Bản trong quá trình cải cách hệ thống pháp luật của Việt Nam như: (1) Thiết lập cơ chế hợp tác hiệu quả, ổn định với các chuyên gia uy tín ở các trường luật hàng đầu thế giới - những nơi có những điều kiện phù hợp, muốn tiếp nhận; (2) Xây dựng một hệ thống tòa án chuyên nghiệp, độc lập và không tham nhũng, có đầy đủ sự tự tin để phát triển pháp luật và xây dựng án lệ đáp ứng nhu cầu phát triển của thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước (đặc biệt trong bối cảnh cơ quan lập pháp không thể hoặc không phản ứng một cách nhanh chóng và toàn diện) [22].  
Như vậy, hệ thống pháp luật Nhật Bản từ khi mới hình thành đến nay không chỉ chịu sự ảnh hưởng của pháp luật phong kiến Trung Quốc mà sau đó còn chịu ảnh hưởng bởi hai hệ thống pháp luật lớn nhất thế giới: Hệ thống pháp luật Civil Law và hệ thống pháp luật Common Law. Sự ảnh hưởng đó vừa có yếu tố khách quan, nhưng phần lớn là sự tiếp nhận một các chủ động do nhu cầu tự thân và sự hấp dẫn bởi những giá trị tiến bộ. Nhật Bản đã cẩn trọng, khôn khéo và nỗ lực trong việc tiếp nhận và “Nhật hóa” những giá trị tiên tiến nhất về pháp luật ở khắp nơi trên thế giới để chuyển hóa thành những thành những chuẩn mực của mình. Thành quả là Nhật Bản đã xây dựng được hệ thống pháp luật toàn diện, tiến bộ, phù hợp, có vị trí trên bản đồ pháp luật thế giới, thực sự là hình mẫu để nhiều quốc gia học hỏi, tham khảo, trong đó có Việt Nam. Đứng trước những biến động của thời đại, nhu cầu phát triển của dân tộc, Nhật Bản đã chọn cải cách pháp luật là một trong những nhiệm vụ trung tâm để xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Thiết nghĩ, đó là lựa chọn đúng đắn bởi pháp luật có giá trị lớn bởi khả năng tác động đến quảng đại quần chúng, tổ chức quản trị quốc gia, là cầu nối với thế giới hiện đại. Người Nhật cũng đã rất đúng khi tìm đến những nền pháp luật phát triển nhất của thời đại để học hỏi, tham khảo (Pháp, Đức, Mỹ). Người Nhật đã không chỉ nhận thấy giá trị tiến bộ của nền pháp luật phương Tây mà còn mạnh dạn tiếp nhận một nền pháp luật mới một cách đồng bộ với các thiết chế, hiện tượng và giá trị văn minh tiến bộ khác và biết kết hợp hài hòa với các giá trị truyền thống của mình xây dựng một văn minh pháp luật Nhật Bản, làm nên một chỗ đứng riêng cho nền pháp luật nước Nhật trên bản đồ của pháp luật trên thế giới. Đó cũng là những điều đáng để chúng ta tham khảo trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hệ thống pháp luật, hội nhập quốc tế hiện nay.

Tài liệu tham khảo
    [1]    Ảnh hưởng của truyền thống pháp luật Pháp tới pháp luật Việt Nam (sách chuyên khảo). NXB. ĐHQGHN, 2016 (bài viết:  Mối quan hệ của pháp luật Việt Nam và pháp luật Pháp xét từ logic của sự tiếp nhận và chuyển hóa pháp luật của GS TSKH. Đào Trí Úc).
    [2]    Nguyễn Văn Quang, Văn hóa pháp luật Nhật Bản - Sự kết hợp truyền thống và hiện đại. Tạp chí Luật học 8/2014.
    [3]     Takaoka Saochihiko,140 năm cận đại Nhật Bản và những đặc trưng văn hóa Nhật Bản. Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á; số 2 (56) 4 -2005.
    [4]    Nguyễn Tiến Lực, Quá trình hình thành cương lĩnh duy tân ở Nhật Bản giữa thế kỉ XIX. Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á; số 10 (140), 2012.
    [5]    Phan Trọng Thưởng, Tân thư và phong trào Duy Tân ở Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam thời kì cận đại xem tại: http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/tan-thu-va-phong-trao-duy-tan-o-nhat-ban-trung-quoc-va-viet-nam-thoi-ky-can-dai.html (truy cập ngày 27/3/2018).
    [6]    Hermann Roesler and the Making of the Meiji State: An Examination of His Background and His Influence on the Founders of Modern Japan & the Complete... by His Personal Commentaries and Notes Hardcover - 1968 by Johannes Siemes (Author).
    [7]    The Debt of Modern Japanese Law to French Law; Charles P. Sherman; March 1918.
    [8]    History Of Law In Japan Since 1868; Editor: Wilhelm Röhl; pp 620. Wilhelm Röhl, LL.D. (1950), Ph.D. (1955) in Japanology, University of Hamburg, was jurist in various positions, and has retired. He has published extensively on Japanese legal history, pre-modern law in particular.
    [9]    Japanese Legal System.
 [10]    Giáo trình Luật so sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội. NXB Công an nhân dân, năm 2015.
 [11]    Dịch theo trang http://www.sangiin.go.jp/eng/law/tcoj/index.htm.
 [12]    Danh tướng Mỹ trên đất nước Mặt trời mọc: Sứ quân da trắng mắt xanh. Quang Hiếu lược dịnh từ quyển “Hồi tưởng” - Reminiscences - của Douglas MacArthur; bài biết đăng trên Báo Công an nhân dân điện tử. Xem tại: http://antg.cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Vi-tri-dac-biet-cua-danh-tuong-My-tren-dat-nuoc-Mat-troi-moc-bai-2-461501/ (truy cập ngày 30/5/2018).
 [13]    Tìm hiểu pháp luật Nhật Bản; Tsuneo Inako; 1993; Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
 [14]    Lương Văn Kế, Ảnh hưởng của giá trị phương Tây đối với Hiến pháp Nhật Bản 1946. Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á; số 9; năm 2009.
 [15]    “Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới”; Nhà xuất bản thống kê; Hà Nội năm 2009.
 [16]     Mô hình tố tụng hình sự Nhật Bản; Trường Đại học Kiểm sát; truy cập ngày 22/3/2018 tại: http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/146.
 [17]    Ảnh hưởng phương Tây đối với văn hóa Nhật Bản thời kì Minh Trị - Kinh nghiệm cho Việt Nam; Luận án tiến sĩ lịch sử; Nguyễn Thu Hằng; Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQGHN); năm 2016.
 [18]    Nhật Bản và quá trình 'cắt đứt' đau đớn với Trung Quốc; David Pilling. truy cập ngày 30/5/2018 tại: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/nhat-ban-va-qua-trinh-cat-dut-dau-don-voi-tq-168115.html
 [19]    Vai trò của Thiên hoàng trong thời kì Minh Trị của Nhật Bản; tạp chí nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á; số 5 (53); 10 – 2004; Nguyễn Ngọc Nghiệp.
 [20]    Về cách thức tiếp nhận văn minh bên ngoài của Nhật Bản; TS. Nguyễn Tiến Lực; Trường Đại học KHXH&NV; Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, truy cập ngày 27/3/2018; tại: https://nghiencuulichsu.com/2016/05/27/ve-cach-thuc-tiep-nhan-van-minh-ben-ngoai-cua-nhat-ban/.
 [21]    TS. Nguyễn Văn Quang, Văn hóa pháp luật Nhật Bản – Sự kết hợp truyền thống và hiện đại. Tạp chí Luật học 8/2014.
 [22]    Bộ Tư pháp. Báo cáo “Nghiên cứu tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp của năm quốc gia: Trung Quốc, In-đô-nê-xia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga” (Với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) và với sự tham gia của nhóm các chuyên gia quốc tế Dự án “Tăng cường tiếp cận công lí và bảo vệ quyền tại Việt Nam”). NXB. Tư pháp, Hà Nội, 2011.





The Influence of Western Laws on Japanese Law
in History and Experience for Vietnam Today
Hoang Van Doan, Mai Van Thang
VNUSchool of Law, 144 Xuan Thuy, Cau Giay, Hanoi, Vietnam
Abstract: This article approaches from a legal history perspective to discover the effects of advanced laws in Western such as Germany, France, the United States on Japanese law in the modern era. Thereby, the authors clarify the ways of integrating foreign law and decode the choices, decisions of the Japanese government. This paper also focuses on analysis areas of the Japanese legal system that have been affected by the Western laws as well as clarifies the factors of foreign law integration and reasons of  the success of the Japanese legal system when it integrates laws from different legal systems of the West as well as the harmonious combination of traditional Japanese elements with extrinsic progress values. It shows the valuable experiences for Vietnam in the process of building and perfecting the current legal system.
Keywords: influence of law, Western law, Japanese law, history of law, Vietnamese law.
.




* ĐT.: 84-0947055811.
   Email: mvtanson@gmail.com
   https://doi.org/10.25073/2588-1167/vnuls.4167

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.