ảnh Internet |
TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
(Nguồn: Báo cáo Đề tài cấp cơ sở
năm 2016
"Sự ảnh hưởng của
tư tưởng pháp luật Xô Viết
lên HTPL Việt Nam
trước Đổi mới 1986
(tiếp cận dưới góc độc lịch sử pháp luật)")
Rất nhiều người (trong đó đã từng có tôi) cho rằng mình quá
hiểu về tư tưởng pháp luật Xô Viết. Thế nhưng, khi đi vào nghiên cứu mới thấy
những gì mình hiểu trước đây là chưa đầy đủ, thậm chí có đôi chỗ là chưa chuẩn.
Điều này không chỉ nguy hiểm cho nhận thức mà còn cho việc truyền bá, vận dụng
đúng đắn trên thực tiễn. Gần đây, được Khoa Luật, ĐHQGHN tạo điều kiện, tôi đã
bước đầu nghiên cứu về Tư tưởng này và sự ảnh hưởng của nó tới Việt Nam giai đoạn
trước 1986. Báo cáo rất dài và gồm nhiều phần và những dòng dưới đây là một
trong số kết quả đầu tiên của quá trình khởi đầu nghiên cứu về tư tưởng này.
Tôi sẽ lần lượt công bố để những ai quan tâm tìm đọc và góp ý, trao đổi! Trân
trọng và mong nhận được ý kiến góp ý!
Tư tưởng pháp
luật Xô Viết với tư cách là hệ thống các quan điểm, học thuyết về bản chất,
nguồn gốc, nguyên lý tổ chức và vận hành, vị trí, vai trò, chức năng của pháp
luật và nhà nước được hình thành gắn liền với sự ra đời của nhà nước Xô Viết
đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, hệ tư tưởng này không phải xuất hiện ngẫu
nhiên mà trải qua quá trình phát triển lâu dài và đưa vào vận dụng những quan
điểm, nguyên lý của triết học duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác cũng như
nhưng quan điểm, tư tưởng Mác–Lênin về nhà nước và pháp luật.
Tư tưởng pháp
luật Xô Viết không tách rời với sự phát triển của tư tưởng của Mác, Ăngghen về
nhà nước và pháp luật cũng như các giai đoạn phát triển sau đó của hệ tư tưởng
này. Có thể khẳng định, ở mức độ khái quát nhất, lịch sử hình thành và phát
triển của tư tưởng pháp luật Xô Viết trải qua các giai đoạn cơ bản sau:
-
Giai đoạn hình thành tư tưởng về nhà nước và pháp luật của
Mác– Ăngghen (còn gọi là tư tưởng Mác-Ăngghen về nhà nước và pháp luật);
-
Giai đoạn phát triển tư tưởng Mác–Lênin về nhà nước và pháp
luật (Giai đoạn tư tưởng về nhà nước và pháp luật Xô Viết);
-
Giai đoạn mở rộng, phát triển tư tưởng về nhà nước và pháp
luật Xô Viết ra thế giới và trở thành hệ tư tưởng chính thống của nhiều quốc
gia trên thế giới;
-
Giai đoạn tư tưởng về nhà nước và pháp luật Xô Viết lâm vào
khủng hoảng và phải tiến hành cải cách.
Như vậy, tư tưởng của C. Mác, chủ nghĩa Mác–Lênin và tư tưởng Xô Viết về
nhà nước và pháp luật có rất nhiều tương đồng, hàm chứa nội dung của nhau, nhưng
không hoàn toàn trùng khớp với nhau. Làm rõ những điều này, thiết nghĩ, có vai
trò quan trọng trong việc phân tích, làm rõ những ảnh hưởng của tư tưởng pháp
luật này lên hệ thống pháp luật Việt Nam trước giai đoạn Đổi mới. Dù phạm vi của
nghiên cứu này chỉ dừng lại ở những vấn đề chung nhất, khái luận nhất, nhưng
qua đó cũng cho thấy cái nhìn khái quát nhất về nội dung của những ảnh hưởng. Sự
khác nhau giữa những giai đoạn phát triển trong nội dung của tư tưởng cũng góp
phần làm rõ phần nào bức tranh của đời sống pháp luật nước ta trong quá trình tiếp
nhận, vận dụng và phát triển tư tưởng pháp luật Xô Viết. Từ cách tiếp cận này,
chúng tôi xin được chỉ ra một số đặc điểm khái quát của các giai đoạn phát triển
của tư tưởng pháp luật Xô Viết.
a) Giai đoạn hình thành hệ thống quan niệm, lý thuyết của Mác, Ăngghen
về nhà nước và pháp luật
Khác với các giai
đoạn phát triển sau này (đặc biệt là giai đoạn hình thành chủ nghĩa Mác–Lênin),
ở thời điểm của C. Mác, những vấn đề lý luận liên quan đến nhà nước và pháp luật,
có thể khẳng định không phải là vấn đề được đề cập nhiều nhất và trọng tâm nhất.
Những quan điểm của Mác và Ăngghen về nhà nước và pháp luật được định hình như
là sản phẩm tất yếu của tư duy lý luận triết học Mác - Triết học duy vật biện
chứng. Điểm lại những tác phẩm bất hủ của riêng Mác có thể thấy, vấn đề nhà nước
và pháp luật không được đề cập như trọng tâm của cuốn “Tư bản” của ông, tuy nhiên, nội dung của nó lại là chứng minh cho
những nguyên lý, nguồn cội của sự ra đời, tiêu vong của các nhà nước.
Bàn đến một cách
trực tiếp hơn cả về các vấn đề liên quan đến nhà nước và pháp luật phải nhắc tới
các tác phẩm xuất bản khi ông còn sống, bao gồm: “Sự khốn cùng của triết học” (1847) và “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848). Trong các tác phẩm này, quan
niệm Mác về nhà nước và pháp luật được định hình khá rõ. Tuy nhiên, trên thực tế,
các vấn đề liên quan đến quan niệm về nhà nước và pháp luật của Mác đã được nhắc
tới trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”
(viết chung với Ăngghen vào các năm 1845-1846).
Nhìn chung, thông
qua các tác phẩm kinh điển nói trên cũng như các bài viết, nội dung các bức thư
và các bài nói chuyện, có thể nhận thấy, quan niệm của Mác (Ăngghen) về nhà nước
(và pháp luật) cơ bản thể hiện ở những điểm như sau:
Thứ nhất, Về nguồn gốc của nhà nước, Mác cho rằng sự ra đời
của nhà nước bắt nguồn từ sự phân công
lao động trong xã hội, gắn liền với sự ra đời của chế độ sở hữu tư nhân[1].
Sự phân công lao động (và cùng với nó là chế độ sở hữu tư nhân) làm phát sinh
mâu thuẫn giữa lợi ích riêng (lợi ích của cá nhân riêng biệt hay của gia đình
riêng biệt) và lợi ích chung (lợi ích tập thể của tất cả các cá nhân liên hệ
với nhau). Nhà nước ra đời nhằm giải quyết mâu thuẫn đó, dưới danh nghĩa là đại
diện cho lợi ích chung của xã hội. Do các cá nhân chỉ theo đuổi lợi ích riêng
của mình, cho nên cần thiết phải có sự can thiệp và kiềm chế của nhà nước – đại
diện cho lợi ích chung. Điều đặc biệt trong quan niệm của Mác là ở chỗ ông coi
nhà nước như một cộng đồng hư ảo, và
cái lợi ích “phổ biến” mà nhà nước là đại diện cũng chỉ là một thứ lợi ích phổ biến mang tính chất hư ảo.[2]
Gọi nhà nước là một cộng đồng hư ảo,
bởi vì mặc dù về danh nghĩa, nó đại diện cho lợi ích chung của toàn xã hội;
nhưng trong thực tế, nó chỉ đại diện cho lợi ích chung của giai cấp thống trị
mà thôi. Còn đối với giai cấp bị trị, nhà nước không những là một cộng đồng
hoàn toàn hư ảo mà còn trở thành xiềng xích trói buộc.
Thứ hai, về bản chất, nhà nước, trong quan niệm của Mác, là
một hình thức tổ chức mà giai cấp thống trị sử dụng để thực hiện lợi ích chung
của họ. Nhưng để buộc mọi người trong xã hội phải chấp nhận, nhà nước đó lấy danh nghĩa đại diện cho lợi ích chung của toàn xã
hội, nghĩa là trở thành quyền lực công cộng. Nhà nước về bản chất là “bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn
áp một giai cấp khác”.
Thứ ba, nhà nước là hiện tượng của kiến trúc thượng tầng, nảy
sinh từ xã hội do cơ sở hạ tầng quyết định. Đó là sự áp dụng phương pháp biện
chứng duy vật vào lĩnh vực lịch sử - xã hội: vật chất quyết định ý thức, kinh
tế quyết định chính trị.
Thứ tư, nhà nước sinh ra từ xã hội công dân, nhưng lại tách
rời khỏi xã hội, đứng đối lập với xã hội. Mâu thuẫn này gắn liền với sự phân
công lao động xã hội, với chế độ tư hữu, với tình trạng chia cắt giữa lợi ích
riêng và lợi ích chung.
Thứ năm, quy luật tất yếu là sự tiến tới chủ nghĩa cộng sản và
ở đó nhà nước theo đúng nghĩa của nó không còn mà tự tiêu vong. Bởi, chỉ trong
xã hội cộng sản con người mới là các cá nhân tự do và họ liên hiệp lại thành các
“liên hiệp” (association). Như ông khẳng định trong tác phẩm “Sự khốn cùng của triết học”: “Quyền lực của các cá nhân đã liên hợp lại“
không phải là một hình thức chính quyền mới, mà là một xã hội không còn có nhà
nước. Theo Mác, liên hiệp này mất
đi tính chính trị vốn có của nó và vì vậy chính quyền hay nhà nước (mang bản chất
giai cấp, bóc lột) không còn nữa vì không còn đối kháng giai cấp mà là các cá
nhân tự do liên hiệp lại.
Cũng cần phải
nói thêm rằng, C. Mác và Ph. Ăngghen đã không chấp nhận mô hình đại nghị hay phân
quyền. Hai ông cũng đã nêu lên những kinh nghiệm quý và bài học dân chủ của mô
hình Công xã Paris (1871). Chẳng hạn, Mác và Ăngghen ca ngợi Công xã Paris vì
đã công khai hoá mọi hoạt động của mình, thừa nhận những khuyết điểm của mình
thì ở một số quốc gia nền chuyên chính vô sản đôi khi không công khai các hoạt
động của mình. Điều này, có vẻ như trong tiến trình phát triển của tư tưởng này
có đôi chỗ đã không được như quan điểm của Mác.
Thứ sáu, theo quan điểm của Mác và Ăngghen, tất cả sẽ tiến tới
chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản, nhưng con đường, phương thức
đi tới đó sẽ không hoàn toàn giống nhau ở mọi quốc gia.
b)
Giai đoạn chủ nghĩa Mác–Lênin
(tư tưởng Xô Viết).
Cần phải khẳng
định ngay rằng, giai đoạn đầu trong lịch sử tư tưởng chỉ nhắc tới chủ nghĩa Mác.
Tuy nhiên, sau khi Lênin mất, lãnh tụ Liên Xô khi ấy là J. Stalin đưa thêm nền
tảng tư tưởng của Lênin vào học thuyết của Mác và phát triển thành Chủ
nghĩa Mác-Lênin.[3]
Như vậy, trên phương diện lịch
sử, chủ nghĩa Mác–Lênin chỉ thực sự xuất hiện với tên gọi này sau khi lãnh tụ
đầu tiên của nhà nước Xô Viết là Lênin qua đời.
Về cơ bản, tư
tưởng về nhà nước và pháp luật thời kỳ “Chủ nghĩa Mác–Lênin” là sự kế thừa quan
điểm của Mác về nhà nước và pháp luật. Tuy nhiên, có những điểm có thể coi là sự
phát triển mới. Cũng cần phải nói thêm rằng, quan điểm của Lênin trong giai đoạn
đấu tranh làm cách mạng tháng Mười hình thành nhà nước Xô Viết đầu tiên và kể cả
thời kỳ ngắn ngủi nắm quyền, cũng không hoàn toàn giống với tư tưởng được gọi là
Mác–Lênin ở giai đoạn sau đó, đặc biệt là giai đoạn nắm quyền của Nguyên soái J.
Stalin.
Một số đặc điểm
tiêu biểu liên quan đến tư tưởng về nhà nước và pháp luật giai đoạn này, ngoài
những nguyên lý chung vốn có mang tính bản chất của chủ nghĩa Mác, có thể nhấn
mạnh ở mấy điểm sau:
-
Nguyên tắc tập trung dân
chủ (Tiếng
Nga: Демократический централизм; Tiếng Anh: Democratic centralism) đã trở thành
nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt và là nguồn cơn của sức mạnh chiến đấu của Đảng Cộng
sản và chính quyền Xô Viết;
-
Nền chuyên chính vô sản đã được xây dựng và phát
triển mạnh, là sức mạnh chiến đấu của Đảng Cộng sản và chính quyền Xô Viết;
-
Chủ nghĩa Mác–Lênin trở
thành ý thức hệ chính thống và duy nhất của nhà nước, pháp luật và xã hội Xô
Viết. Đa
nguyên về tư tưởng là điều không thể được chấp nhận;
-
Đảng Cộng sản trở thành
lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng được xây dựng thành hệ thống có
tổ chức, có kỷ luật và sức chiến đấu cao theo mô hình Đảng Bôn-sê-vích - điều mà
các đảng phái thời Mác mới chỉ dừng lại ở các kiểu mẫu đảng “Dân chủ - xã hội”. Ở những nước theo thể
chế dân chủ nhân dân có thể tồn tại các đảng phái khác nhưng không cạnh tranh
vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Ở Liên Xô, Đảng Cộng sản giữ vị trí độc tôn
trong đời sống chính trị và có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống nhà
nước và pháp luật Xô Viết;
-
Tồn tại hệ thống các tổ
chức chính trị, chính trị-xã hội, xã hội nhưng dưới dự lãnh đạo thống nhất của
Đảng Cộng sản và vận hành theo nguyên tắc chung là “Tập trung dân chủ”. Không tồn tại và không thừa
nhận xã hội công dân/xã hội dân sự;
-
Nhà nước quản lý toàn diện
về kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhà nước đứng trên xã hội và bao trùm toàn bộ xã hội. Sở hữu
nhà nước, sở hữu tập thể được khẳng định. Hạn chế sở hữu cá nhân và tiến tới xóa
bỏ sở hữu cá nhân là con đường tiến tới xã hội cộng sản;
-
Pháp luật thể chế hóa
đường lối, chính sách, tư tưởng của Đảng cầm quyền, là công cụ của Đảng, Nhà
nước để quản lý xã hội, thể hiện ý chí của Đảng cầm quyền;
-
Xô Viết (Hội đồng) là cơ
quan quyền lực tối cao. Tuy nhiên, đến thời J. Stalin, việc hình thành các cơ quan
mang tính chất “Chính phủ” hay các “ủy viên dân ủy” được chuyển biến theo cơ
cấu Chính phủ làm cho vai trò của các Xô Viết (hình mẫu Xô Viết) giảm dần.
Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm rằng,
khi nghiên cứu những quan điểm, tư tưởng của C. Mác, Ăngghen và cả Lênin sau này
và đem so sánh với những quan điểm, tư tưởng được thể hiện ở giai đoạn hình thành
chủ nghĩa Mác–Lênin, theo một số học giả,[4]
có những điểm đáng chú ý sau:
Thứ nhất, tại Cương lĩnh thứ nhất của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga (1903)
và Cương lĩnh thứ hai của Đảng Cộng sản
(Bôn-sê-vích) Nga (1919) đều không có chỗ nào nói rõ chủ nghĩa xã hội là gì và
gồm những đặc trưng nào?
Thứ hai, trong số các đặc trưng của
CNXH được V.I. Lênin nêu lên trong tác phẩm “Nhà nước và cách mạng” không thấy có đặc trưng “phát triển nền kinh tế quốc dân một cách có
kế hoạch”, trong khi đó nội dung này lại được thể hiện cả trong hai Cương lĩnh
nêu trên;
Thứ ba, trong tác phẩm “Nhà nước và cách mạng” không thấy có đặc
trưng nào viết rằng trong chủ nghĩa xã hội
cũng như chủ nghĩa cộng sản sẽ không còn sản xuất hàng hóa. Trong khi đó, tư
tưởng này lại đậm nét trong Cương lĩnh thứ hai (năm 1919). Trong Cương lĩnh thứ
hai ghi rõ: “Trong lĩnh vực phân phối,
nhiệm vụ hiện nay của Chính quyền Xô Viết là phải kiên quyết tiếp tục thay thế
buôn bán bằng chế độ phân phối sản phẩm một cách có kế hoạch và có tổ chức trên
quy mô toàn quốc”.[5]
“Dựa vào công cuộc quốc hữu hóa ngân hàng, Đảng Cộng sản Nga cố gắng thi hành một
số biện pháp mở rộng lĩnh vực thanh toán
không bằng tiền và chuẩn bị cho việc thủ tiêu tiền”.[6]
Như vậy, có thể thấy, dường như đến
giai đoạn hình thành nhà nước Xô Viết ở Nga, trong tư tưởng của Lênin cũng đã có
những thay đổi so với trước đó. Rõ ràng, đã có sự xuất hiện của các tiêu chuẩn
của XHCN mà trước đó C.Mác, Ăngghen và ngay cả V.I. Lênin trước đó cũng chưa đề
cập đến. Song, chính những “tiêu chí” này đã làm thay đổi nhiều liên quan đến lý
luận và thực tiễn vận dụng tư tưởng và mô hình Xô Viết.
Như đã trình bày ở trên, sau khi V.I.
Lênin qua đời, nhà lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin lúc này trở thành J.V.
Stalin. Trong Báo cáo chính trị của BCH Trung ương tại Đại hội XVI của Đảng Cộng
sản Liên Xô, J.V. Stalin đã trình bày một đoạn so sánh chế độ kinh tế XHCN và
chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa. Dù chỉ là báo cáo về kinh tế nhưng thông qua đó
đã hình thành được một số đặc trưng quan trọng của CNXH mà trước thời kỳ của chủ
nghĩa Mác-Lênin chưa đề cập tới. Sáu điểm của báo cáo đó là:
1.
Chính quyền của giai cấp bọn tư bản và bọn địa chủ, đã bị lật
đổ và đã bị thay thế bằng chính quyền của giai cấp công nhân và nông dân lao động;
2.
Những công cụ và tư liệu sản xuất, ruộng đất, công xưởng, nhà
máy, … đã tước lại trong tay bọn tư bản, và chuyển giao cho giai cấp công nhân
và quần chúng nông dân lao động làm sở hữu của họ;
3.
Sự phát triển sản xuất không phải phục tùng nguyên tắc cạnh
tranh và nguyên tắc đảm bảo lợi nhuận tư bản chủ nghĩa, mà phải phục tùng nguyên
tắc lãnh đạo có kế hoạch và nguyên tắc không ngừng phát triển trình độ vật chất
và văn hóa của những người lao động;
4.
Sự phân phối thu nhập quốc dân không phải là để làm cho giai
cấp bóc lột và bọn tay sai ăn bám rất đông của chúng trở nên giàu có, mà là để
không ngừng nâng cao đời sống vật chất của công nhân và nông dân và để phát triển
sản xuất XHCN ở thành thị và nông thôn;
5.
Việc cải thiện không ngừng đời sống vật chất của những người
lao động và những nhu cầu của họ (tức là sức mua của họ) không ngừng tăng lên,
vì nó là một cái nguồn cứ ngày một lớn mạnh thêm mãi đối với việc mở rộng sản
xuất, nên đảm bảo cho những người lao động tránh được nạn khủng hoảng sản xuất
thừa, tránh được nạn thất nghiệp và sự cùng khổ cứ ngày một tăng thêm;
6.
Giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm chủ đất nước, họ
không làm việc cho bon tư bản mà là làm việc cho nhân dân lao động của họ.[7]
Như vậy, nếu đi phân tích sâu hơn từng
đặc điểm có thể thấy sự vận dụng chủ nghĩa Mác vào điều kiện cụ thể ở giai đoạn
sau đã có những chuyển biến so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, đó cũng là điều
dễ hiểu, bởi trên thực tế mô hình nhà nước chuyên chính vô sản, các nguyên tắc
vận hành của nó, các đặc điểm của XHCN và CNCS…. chưa được luận giải kỹ trong các
tác phẩm của C. Mác và Ph. Ăngghen. Sự phát triển của V.I Lê nin và đặc biệt là
của J.V. Stalin trong bối cảnh Nga đã xây dựng mô hình nhà nước đồ sộ, bao trùm
toàn bộ xã hội… Và, có thể nói, mô hình đó mới chỉ dừng lại ở nhiệm vụ cố gắng
tạo tiền đề cho một xã hội không còn giai cấp, không còn sở hữu tư nhân - nguồn
cơn của sự bóc lột, bất công - để tiến tới chủ nghĩa cộng sản, nơi mà, như Mác
khẳng định nhà nước sẽ bị tiêu tan và chỉ còn sự liên hiệp của các cá nhân tự
do và tính chất chính trị vốn có của nhà nước không còn. Tuy nhiên, những điểm mới
này lại đem lại nhiều những tác động to lớn cho những quốc gia tiếp nhận mô hình
và tư tưởng Xô Viết cho việc định hình đường lối phát triển đất nước, trong đó
có Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
c)
Giai đoạn tư tưởng pháp luật
Xô Viết hình thành hệ thống trên phạm vi thế giới và phát triển một số các quan
điểm, tư tưởng về mô hình Xô Viết ở một số quốc gia.
Sau giai đoạn của J.V. Stalin, mô
hình Xô Viết ở Liên Xô đã chuyển sang một giai đoạn khác. Sự tập trung cao độ đã
được giảm xuống, mối quan hệ thù địch với các nước phương Tây cũng được cải thiện
và Liên Xô hướng tới xây dựng quan hệ hài hòa, cùng tồn tại với các quốc gia khác
về hệ tư tưởng. Những phát biểu của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev
buộc tội J.Stalin cho thấy một sự “xét
lại” trong quan niệm của những người cộng sản Liên Xô so với thời kỳ trước đó
(thời kỳ J. Stalin). Dân chủ trong Đảng đã được đề cao, nguyên tắc tập thể đã
được xác lập và cải thiện hơn so với trước đó, cố gắng chấm dứt tệ sùng bái cá nhân.[8]
Tuy nhiên, giai đoạn này cũng chứng
kiến sự phát triển mạnh mẽ của tư tưởng và mô hình Xô Viết. Không chỉ trở thành
hệ thống, tư tưởng và mô hình Xô Viết phát triển ngoài phạm vi châu Âu và vươn
ra các dân tộc ở Á-Phi (kể cả châu Mỹ). Phương thức tổ chức của Đảng Cộng sản,
mô hình tổ chức nhà nước của Xô Viết rất phù hợp và cần thiết cho các dân tộc đứng
dậy chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng xã
hội lý tưởng… Yếu tố kỷ luật, chặt chẽ,
tinh thần quốc tế vô sản, ái quốc… đã giúp cho mô hình Xô Viết được lựa chọn và
giúp các quốc gia, dân tộc Á – Phi thành công. Điều này giúp mở rộng mô hình Xô
Viết cũng như các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin có điều kiện áp dụng,
phát triển trên phạm vi thế giới.
Thời kỳ này, ở Liên Xô đã định hình
nên các đặc điểm của chủ nghĩa cộng sản và được ghi nhận một cách chính thống
trong Cương lĩnh được thông qua tại Đại hội lần thứ XXII của Đảng năm 1961. Những
đặc trưng này của CNCS cũng đã ảnh hưởng lớn đến các quốc gia tiếp nhận hệ tư
tưởng này.
Tuy nhiên, cũng ở giai đoạn này, mô hình
và các nguyên lý của chủ nghĩa Mác–Lê nin cũng có những phát triển phù hợp với
các điều kiện ở các quốc gia đó. Ở Trung Quốc, sau khi thành lập Nhà nước Cộng
hòa Nhân dân Trung Hoa (10/1949), bước đầu hình thành hệ thống lý luận và quan điểm
của Mao Trạch Đông về mô hình Xô Viết. Chẳng hạn, ở Trung Quốc hình thành các luận điểm
của Mao như: ba phương châm “dân tộc,
khoa học, đại chúng” trong lĩnh vực văn hóa; “dân chủ mới” rồi “chuyên
chính dân chủ nhân dân” trong lĩnh vực chính trị; “ba giai đoạn” trong lĩnh vực quân sự; “chỉnh phong, chỉnh đảng” trong lĩnh vực xây dựng đảng, rồi “cải tạo xã hội chủ nghĩa”, “hợp tác hóa nông nghiệp”, rồi đấu tranh
“chống chủ nghĩa xét lại hiện đại”
trong lĩnh vực tư tưởng…
Giai đoạn này thậm chí còn có sự cạnh
tranh về tư tưởng giữa tư tưởng Xô Viết
kiểu Liên Xô và tư tưởng Xô Viết kiểu Trung Quốc. Quan điểm của Mao Trạch Đông
dường như cần có sự tập trung mạnh mẽ hơn, chuyên chính hơn và chống lại tư tưởng
xét lại ở Liên Xô thời đó.
Cũng như ở Trung Quốc, hệ thống tư tưởng
và mô hình về nhà nước và pháp luật Xô Viết cũng lan tỏa tới Việt Nam như là một
tất yếu lịch sử và sự lựa chọn cần thiết của một dân tộc đang cần có hệ thống lý
luận đủ khoa học, chặt chẽ và minh định[9]
để dẫn dắt dân tộc giành lại độc lập xây dựng tương lai tươi sáng hơn. Sự lựa
chọn lịch sử ấy đã giúp Việt Nam giành lại độc lập và thống nhất đất nước. Tuy
vậy, có thể thấy, dù áp dụng mô hình và hệ thống lý luận của Liên Xô, nhưng với
sức ảnh hưởng từ Trung Quốc, từ truyền thống dân tộc, đặc điểm lịch sử, từ quan
điểm, tư tưởng dân tộc, chủ nghĩa yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà
cách mạng giai đoạn này… ít nhiều đã làm cho những nguyên tắc, mô hình của Xô
Viết về nhà nước và pháp luật có những thay đổi. Vấn đề này sẽ được phân tích ở
các phần sau của nghiên cứu này.
d)
Giai đoạn khủng hoảng, cải
tổ
Giai đoạn này
bắt đầu từ nửa cuối những năm 70 của thế kỷ XX khi Liên Xô bắt đầu đi vào giai đoạn
trì trệ. Trung Quốc, sau những hậu quả nặng nề của cách mạng văn hóa, bắt đầu có
những cải cách để thoát khỏi khủng hoảng. Ở Việt Nam, cuối những năm 70, sau khi
áp dụng triệt để mô hình Liên Xô, đã gặp những khủng hoảng trầm trọng về kinh tế-xã
hội…dẫn tới phải có những cải cách, đổi mới phù hợp.
Như vậy, những
bất hợp lý của mô hình Xô Viết dần được phát lộ vào cuối những năm 70 của thế kỷ
trước. Nguyên nhân của hiện tượng này không nằm trong phạm trù nghiên cứu của đề
tài này, nhưng có thể thấy, rõ ràng mô hình và hệ thống lý luận kiểu Xô Viết đã
có những điểm bất hợp lý và cần được khắc phục.
Ở Trung Quốc,
mô hình XHCN mang màu sắc Trung Quốc đã được Đặng Tiểu Bình và Đảng Cộng sản
Trung Quốc[10] bắt
đầu triển khai. Trung Quốc đã bắt đầu thừa nhận quan hệ tư bản chủ nghĩa, khuyến
khích phát triển quan hệ hàng hóa trong khi vẫn giữ lại những nguyên tắc cốt lõi
về chính trị như vai trò lãnh đạo của Đảng, tổ chức hệ thống bộ máy nhà nước,
nhất nguyên về chính trị. Việt Nam cuối những năm 80 cũng bước theo những chính
sách này dưới tên gọi là “Đổi mới”. ở Liên Xô và Đông Âu, cuộc khủng hoảng đã
diễn ra theo chiều hướng tệ hại hơn. Những cải cách mạnh mẽ về chính trị như việc
đa nguyên về tư tưởng, cho phép các đảng phái khác tham gia vào đời sống chính
trị…. đã góp phần quan trọng làm cho hệ
thống XHCN ở Đông Âu đi tới sụp đổ.
Hiện nay, các
quốc gia cải cách khác, dù vẫn theo những nguyên lý về chính trị của tư tưởng Xô
Viết về nhà nước và pháp luật, nhưng đã có những bước đi mạnh dạn hơn nhiều. Chẳng
hạn, ở Trung Quốc và Việt Nam đã đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng nhà nước
pháp quyền, thừa nhận các nhánh quyền lực nhưng nằm trong một thể thống nhất của
quyền lực nhà nước và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và nguyên tắc tập trung dân
chủ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh tế, cải cách đã diễn ra rất mạnh mẽ. Các
nguyên lý, quy luật thị trường đã được áp dụng. Các doanh nghiệp nhà nước dần đã
được cổ phần hóa, đề cao vai trò của kinh tế tư nhân… và hội nhập kinh tế quốc
tế đang là xu thế tất yếu của các quốc gia này.
Như vậy, với những mô tả khái quát trên, có thể hình dung ra
được lịch sử phát triển của tư tưởng pháp luật Xô Viết. Rõ ràng, nền tảng của tư
tưởng này gắn liền với học thuyết của Mác, Mác–Lênin về nhà nước và pháp luật.
Trong từng giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển, hệ tư tưởng này đã có những
chuyển dịch phù hợp với điều kiện lịch sử, bối cảnh, điều kiện khác nhau. Quan điểm
tiếp cận của V.I. Lênin và đặc biệt là của J.V. Stalin trong giai đoạn Chủ nghĩa
Mác-Lênin về CNXH và CNCS đã dần định hình nên nền tảng tư tưởng pháp luật Xô
Viết và, như một tất yếu, những nền tảng đó đã có những ảnh hưởng rất lớn lên hệ
thống pháp luật Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
[1] Marx, Engels, Tuyển tập, Nxb Sự Thật (cộng tác xuất bản: Dietz
Verlag Berlin), Hà Nội, 1980-1984, sáu tập, T. I, tr. 293)
[2] Sđd, T. I, tr. 293-295
[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_Marx-Lenin
(truy cập ngày 11/6/2017). Theo những gì được viết trong cuốn “Lexikon A-Z in
zwei Bänden. Band 2, Volkseigener Verlag Enzyklopädie Leipzig 1957, S. 114” Thuật
ngữ chính trị này được Iosif Vissarionovich Stalin định nghĩa là "học
thuyết do Karl Marx và Friedrich Engels sáng lập và được Vladimir Ilyich Lenin
phát triển trong mối quan hệ đấu tranh giai cấp giữa thời đại Chủ nghĩa đế quốc
và các cuộc cách mạng của giai cấp vô sản.
[4] Xem thêm: Bùi Đình Phong, Phạm Ngọc Anh (Đồng Chủ biên), Vận dụng và
phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin của Hồ Chí Minh và Đảng ta (thời ký trước Đổi mới).
NXB. CTQG, 2011, tr.83-85
[5] V.I. Lênin, Toàn tập. NXB. CTQG. Tập 38, Hà Nội,
2005, tr.525.
[6] V.I. Lênin, Toàn tập, Sđd.
T.38, tr. 517.
[7] J.V. Stalin: Toàn tập, NXB. Sự thật, Hà Nội, 1965, t 12, tr. 320-322. (Dẫn theo: Bùi Đình Phong, Phạm
Ngọc Anh (Đồng Chủ biên), Vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lê nin của Hồ
Chí Minh và Đảng ta (thời ký trước Đổi mới). NXB. CTQG, 2011, tr.86-87).
[8] https://vi.wikipedia.org/wiki/Phi_Stalin_h%C3%B3a
(truy cập ngày 30/5/2017)
[9] Sự thất bại của các nhà yêu nước Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu…, sự
hi sinh của lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng Phạm Hồng Thái… cho thấy những tư tưởng
khác không đủ sức mạnh, sự lan tỏa, sự thuyết phục để giành lại nền độc lập dân
tộc, tổ chức lại xã hội mới.
[10] Xem thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/Socialism_with_Chinese_characteristics.
Bắt đầu thực hiện từ năm 1978: Ý thức hệ này hỗ trợ việc tạo ra một nền kinh tế
thị trường xã hội chủ nghĩa chi phối bởi các khu vực công vì Trung Quốc đang
trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội. Chính phủ Trung Quốc cho rằng Trung
Quốc không từ bỏ chủ nghĩa Mác nhưng đã phát triển nhiều thuật ngữ và khái niệm
của lý thuyết Mác-xít để hàm chứa hệ thống kinh tế mới. Đảng Cộng sản Trung
Quốc cho rằng chủ nghĩa xã hội là tương thích với các chính sách kinh tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.