Gorsky Maxim Vadimovich*
Mai Văn Thắng**
Nguồn: T/c: Khoa học Kiểm sát
số 2/2017
Tóm tắt: Trong bài viết này các tác giả nghiên cứu chỉ ra
một số bất cập cũng như những đổi mới pháp lý cơ bản liên quan đến bảo đảm thực
hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân trong tố tụng hình sự (TTHS) Liên
bang Nga hiện nay. Đặc biệt, các tác giả tập trung phân tích, đưa ra một số giải
pháp nâng cao tính hiệu quả của các quy định đề nghị thay đổi chủ thể tố tụng
trong mối liên hệ với cơ chế điều chỉnh mâu thuẫn, đối kháng lợi ích được ghi
nhận trong pháp luật TTHS. Ngoài ra, các tác giả cũng tập trung phân tích khả
năng hiện đại hóa, áp dụng hệ thống “Tư
pháp điện tử” như là những công cụ hiện đại, hiệu quả bảo đảm quyền tiếp cận
thông tin của người dân trong TTHS ở Nga.
Từ khóa: Quyền tiếp cận thông tin, thay đổi chủ thể tố tụng,
đối kháng lợi ích, tư pháp điện tử, tố tụng hình sự, Liên bang Nga.
Legal innovations of guaranteeing the right to access to information in
criminal proceedings in the Russian Federation
1.
Đặt vấn đề
Theo khoản 1, Điều 120 Hiến pháp Liên bang Nga và khoản 1, Điều 5 Luật
Hiến pháp Liên bang[1] về
Hệ thống tư pháp Liên bang, tòa án thực hiện quyền tư pháp độc lập, chỉ tuân
theo Hiến pháp Liên bang và luật, không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ chủ thể
nào khác. Chương trình mục tiêu Liên bang “Phát
triển hệ thống tòa án Nga giai đoạn 2013-2020” [1] đã nêu bật hàng loạt bất
cập liên quan đến chất lượng hoạt động xét xử, thời hạn tố tụng, tình trạng người
dân thiếu thông tin về hoạt động của tòa án, yếu kém của tòa án trong thực thi
chức năng, nhiệm vụ, kém hiệu quả trong thi hành các bản án, quyết định của tòa
án và tình trạng thiếu thốn những điều kiện quan trọng đảm bảo thực hiện quyền
tư pháp…
Giải quyết những bất cập đó, Chương trình mục tiêu nói trên đã đề xuất bộ
giải pháp ưu tiên áp dụng công nghệ thông tin, đại chúng hiện đại trong hệ thống
tư pháp qua đó khẳng định quan điểm tiếp cận mới về phát triển hệ thống tư
pháp, cải thiện chất lượng, thời hạn thực hiện quy trình tố tụng và bảo đảm thực
thi hiệu quả các phán quyết, quyết định của toà án.
Trên thực tế, trước đây, Chương trình mục tiêu Liên bang “Phát triển hệ thống tòa án ở Liên bang Nga
giai đoạn 2007-2011” cũng đã đề xuất bộ giải pháp đảm bảo tính mở, công
khai, minh bạch của tòa án, tính khách quan và vô tư trong TTHS. Đương cử như:
1) yêu cầu về nghĩa vụ công khai nội dung tất cả các cuộc tiếp xúc, kiến nghị
phi hình thức gửi đến thẩm phán trước khi tiến hành xem xét vụ việc theo trình
tự để đảm bảo tính công khai, tính mở trong hoạt động tố tụng của tòa án; 2) yêu
cầu thành lập ở các tòa án thẩm quyền chung ở cấp quận, huyện những đơn vị chức
năng chuyên tiếp nhận các đơn thư, các kiến nghị của công dân do các luật gia
được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản phụ trách. Điều này giúp loại trừ những tiếp
xúc trực tiếp giữa thẩm phán và các chủ thể tham gia tố tụng trước khi bắt đầu
các hoạt động tố tụng tại tòa án nhằm đảm bảo tính vô tư và khách quan của họ;
3) quy định về quy trình bắt buộc thẩm phán và vợ/chồng của thẩm phán phải khai
báo công khai tài sản, thu nhập cũng như việc thực hiện các nghĩa vụ có tính chất
tài sản; 4) xây dựng và ban hành luật Liên bang về đảm bảo quyền tiếp cận thông
tin về hoạt động của thẩm phán ở Liên bang Nga năm 2008. Hầu hết các giải pháp
này đã được thực hiện, triển khai ở mức độ lập pháp [2; 142-153].
Có thể khẳng định, nội dung của nhóm quyền này được tìm thấy ở nhiều quy
định Bộ luật TTHS Liên bang Nga hiện hành. Đó là liên quan đến yêu cầu thông
tin cho bị can, bị cáo, người bị hại, tiếp cận những trình tự, thủ tục tố tụng
và những quyết định, phán quyết trong hoạt động tố tụng. Việc thực hiện quyền
này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với việc bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của
bị can, bị cáo, người bị hại bởi khả năng thực hiện tất cả các quyền còn lại của
họ phụ thuộc phần lớn vào sự tuân thủ, thực thi các quyền này từ phía các chủ
thể tiến hành tố tụng khác, đặc biệt là điều tra viên và thẩm phán [3].
Những đổi mới pháp lý hiện nay ở Nga đã trao cho các chủ thể TTHS quyền tiếp
nhận thông tin trong giải quyết vụ án hình sự ở tất cả các giai đoạn khác nhau
của quá trình tố tụng. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ khối lượng, giới hạn và trình tự
cung cấp thông tin lại không được quy định rõ, vì vậy đây là nguồn cơn nảy sinh
khá nhiều những vấn đề trong thực tiễn áp dụng. Trên cơ sở đó chúng tôi cho rằng
sẽ là không hợp lý nếu đề ra quy định nhà chức trách có nghĩa vụ cung cấp thông
tin cho các chủ thể tham gia tố tụng và người đại diện của họ về thực hiện các
quyết định, hành vi tố tụng và gửi bản sao các văn bản, giấy tờ tố tụng vì cần
lưu ý là còn có cái gọi là bí mật điều tra… Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần phải
có một cách tiếp cận khác biệt và hiệu quả hơn.
2.
Về quy định thay đổi người tiến hành tố tụng trong TTHS
Một trong những bảo đảm quan trọng tính khách quan của hoạt động xét xử
và tính vô tư của các chủ thể tiến hành TTHS là quy định “Thay đổi các chủ thể tiến hành tố tụng tại tòa” được ghi nhận tại Chương
9 Bộ luật TTHS Liên bang Nga hiện hành. Chương này quy định chi tiết những trường
hợp cần loại trừ sự tham gia của chủ thể xác định vào hoạt động tố tụng tại tòa
án và trình tự gửi đề nghị, xem xét đề nghị thay đổi các chủ thể chuyên nghiệp đó
trong hoạt động tố tụng.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 61 Bộ luật TTHS Liên bang Nga, những tình
tiết loại trừ sự tham gia của thẩm phán, công tố viên, điều tra viên bao gồm:
- Khi các chủ thể đó là người bị hại, là nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự,
người làm chứng trong chính vụ án hình sự đó;
- Đã từng tham gia vào vụ việc với tư cách là bồi thẩm, giám định viên,
chuyên gia, phiên dịch viên, người chứng kiến, thư ký phiên tòa, người bảo vệ,
người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo, đại diện của bị hại, của bị đơn và
nguyên đơn dân sự, hoặc thẩm phán đã tham gia vụ việc này trước đây với tư cách
là điều tra viên, kiểm sát viên, công tố viên;
- Là người thân thích hoặc họ hàng của bất kỳ người nào trong số các chủ
thể tiến hành, tham gia hoạt động tố tụng hình sự của vụ án hình sự đó.
Theo Khoản 2 điều 61 Bộ luật TTHS Liên bang Nga bất kỳ cá nhân nào được
quy định tại Khoản 1 của Điều này nếu có những tình tiết mà qua đó đủ căn cứ để
khẳng định cá nhân đó trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến vụ việc trong quá
trình giải quyết, đều không thể tham gia vào quá trình tố tụng.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, liên quan đến quy định
này có thể gặp hai vấn đề cần phải giải quyết:
1)
Vấn đề liên quan đến thực hiện
quy định “đề xuất tự miễn”[2]
khi các chủ thể tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật buộc phải tự xin
miễn tham gia vào vụ việc do có căn cứ làm ảnh hưởng đến tính vô tư, khách quan
khi giải quyết vụ việc;
2)
Vấn đề liên quan đến thực hiện
quyền kiến nghị thay đổi người tiến hành tố tụng của các chủ thể khác khi họ gặp
khó khăn trong việc xác định những tình tiết loại trừ sự tham gia của người tiến
hành tố tụng (thông thường các chủ thể này khó hoặc không được tiếp cận do nhiều
nguyên do khác nhau).
Đối với vấn đề thứ nhất, khó khăn bất cập ở chỗ hiện chưa có quy định cụ
thể, chi tiết về trách nhiệm pháp lý đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ tự xin miễn của
các chủ thể tiến hành tố tụng dù các quy định về căn cứ đã được luật quy định rõ.
Trường hợp thứ hai, như đã trình bày ở trên, khó khăn ở chỗ các chủ thể tham
gia tố tụng gặp nhiều vấn đề trong việc xác định các tình tiết, thông tin để kiến
nghị thay đổi người tiến hành tố tụng bởi thiếu cơ chế pháp lý xác định các
tình tiết này.
Liên quan đến quyền tiếp cận thông tin, thì trong trường hợp tự xin miễn
không tham gia của các chủ thể tiến hành tố tụng khi có căn cứ pháp lý cấm họ
tham gia vào quá trình tố tụng thì không có vấn đề lớn bởi họ có trách nhiệm và
nghĩa vụ phải tự biết mình thuộc các trường hợp phải xin thôi. Tuy nhiên, các
chủ thể khác thì lại gặp khó khăn trong đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng
vì đối với các chủ thể tham gia tố tụng các chủ thể tiến hành tố tụng là người
không quen biết hoặc đôi khi vì mục tiêu an toàn hoặc các quy định pháp luật,
thông tin của họ còn được giữ kín hay thuộc chế độ bảo mật. Vậy nên các chủ thể
tham gia tố tụng khó biết được các thông tin mang tính chất cá nhân của các chủ
thể tiến hành tố tụng để thực hiện quyền yêu cầu thay đổi theo quy định.
Trường hợp này việc tìm kiếm phương pháp điều tra hình sự nào để xác định
tình tiết loại trừ sự tham gia của người tiến hành tố tụng vào vụ việc phụ thuộc
nhiều vào đặc tính của mỗi tình tiết, căn cứ. Chẳng hạn, để tìm ra được tình tiết
là chủ thể tiến hành tố tụng xác định đã tham gia vào vụ việc này với tư cách
khác trước đó thì cần phải phân tích, nghiên cứu tài liệu của vụ án. Nhưng
phương pháp này lại không có nhiều ý nghĩa để xác định mối quan hệ họ hàng, thân
thích giữa các chủ thể tiến hành tố tụng và các chủ thể tham gia tố tụng hoặc
khó trong xác định tính chất “có liên quan” hay “có lợi ích liên quan” của các
chủ thể này. Rõ ràng quyền tiếp cận những thông tin trong trường hợp này là cần
thiết và quan trọng bởi lẽ nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến kết quả của quá trình tố tụng
trong trường hợp các chủ thể tiến hành tố tụng có chủ đích và không xin tự thôi
theo quy định hoặc họ có cách nhận thức khác về “sự liên quan” của mình đối với
vụ việc mà họ tiến hành tố tụng.
3.
Về xung đột, chồng lấn về lợi ích trong mối quan hệ với thực hiện quyền
tiếp cận thông tin
Ngoài việc nâng cao tính hiệu quả của cơ chế tự xin miễn hoặc yêu cầu
thay đổi người tiến hành tố tụng (chủ thể chuyên nghiệp) như đã bàn đến ở trên,
có một khía cạnh khác nữa quan trọng liên quan đến bảo đảm sự khách quan và vô
tư của các chủ thể TTHS. Những ngành luật khác nhau của Liên bang Nga đã quy định
những điều cấm hoặc giới hạn đối với những chủ thể có quyền và đang nắm giữ quyền
lực nhà nước (quy định cấm mâu thuẫn, chồng lấn lợi ích). Ví dụ, Luật về quy chế
của thẩm phán Liên bang Nga đã quy định về các biện pháp cấm như: cấm giữ chức
vụ khác trong cơ quan nhà nước, cấm là thành viên của một tổ chức chính trị, cấm
hoạt động kinh doanh, thương mại)[4]. Những quy định này hướng đến việc loại trừ
những mâu thuẫn, xung đột về lợi ích.
Thuật ngữ “mâu thuẫn, chồng lấn về lợi ích” được sử dụng khá rộng rãi
trong các công trình nghiên cứu luật học cũng như các văn bản pháp luật điều chỉnh
hoạt động công vụ. Tuy nhiên, khái niệm này chỉ xuất hiện ở trong lĩnh vực TTHS
từ năm 2008 khi sửa đổi Luật Liên bang về quy chế thẩm phán ở Liên bang Nga,
liên quan đến quy định đảm bảo tính khách quan và vô tư của thẩm phán [5].
Khoản 2 Điều 3 của Luật này chỉ quy định khi thực hiện nhiệm vụ quyền hạn
của mình và cả trong các quan hệ khác không gắn liền với nhiệm vụ, thẩm phán cần
phải tránh những gì có thể gây phương hại đến uy tín của quyền tư pháp, danh dự
của người thẩm phán và làm nảy sinh những hoài nghi về sự khách quan, công tâm
và vô tư của mình.
Năm 2008 trong Luật Liên bang về quy chế của thẩm phán đã thay đổi và có
những bổ sung liên quan đến mâu thuẫn, chồng lấn lợi ích, lần đầu tiên đưa vào
luật khái niệm “mâu thuẫn lợi ích” và “lợi ích cá nhân thẩm phán”.[3]
Theo đó, trong trường hợp phát sinh những mâu thuẫn/đối kháng lợi ích của mình,
thẩm phán tham gia giải quyết vụ việc phải tự làm đơn xin thôi và thông báo cho
các chủ thể tố tụng khác viết về tình huống phát sinh này.
Khái niệm mâu thuẫn/xung đột về lợi
ích theo Luật nói trên được hiểu là tình huống mà trong đó lợi ích cá nhân
(trực tiếp hoặc gián tiếp) của thẩm phán ảnh hưởng hoặc có thể làm ảnh hưởng tới
việc thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của mình và qua đó làm phát sinh sự đối
kháng giữa lợi ích cá nhân của thẩm phán với các quyền, lợi ích hợp pháp của cá
nhân, tổ chức, của đơn vị tự quản, chủ thể Liên bang, của Liên bang Nga, xâm hại
hoặc gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể đó.
Cũng theo luật này, khái niệm lợi
ích cá nhân của thẩm phán được hiểu là những gì ảnh hưởng hoặc có thể làm ảnh
hưởng tới việc thực hiện một cách nghiêm chỉnh quyền hạn và nghĩa vụ thẩm phán
và tạo ra khả năng thẩm phán có thể nhận được những khoản thu nhập dưới hình thức
lợi ích về vật chất hoặc các những ưu đãi (ưu tiên) bất hợp pháp trực tiếp dành
cho thẩm phán, cho các thành viên gia đình thẩm phán hoặc cho các tổ chức, cá
nhân khác mà thẩm phán có mối liên hệ về tài chính hoặc những mối liên hệ trách
nhiệm khác.
Tuy nhiên, theo quan niệm của chúng tôi, khái niệm lợi ích cá nhân của thẩm
phán được đưa ra trên đây là chưa hoàn toàn chính xác. Bởi nếu theo định nghĩa
trên thì từ ngôn từ của văn bản có thể hiểu lợi ích tư chỉ bao gồm “khả năng nhận
được lợi ích”. Như vậy, nếu trong trường hợp thẩm phán có quan hệ bạn bè, thân
hữu với các chủ thể tiến hành tố tụng khác trong vụ việc đó thì lại được hiểu là
không có lợi ích cá nhân.
Ngoài ra, vẫn chưa có quy định giải quyết rõ vấn đề làm thế nào để điều
chỉnh những xung đột lợi ích đã được hình thành. Mục 2 Khoản 2 Điều 3 Luật Liên
bang về quy chế của thẩm phán chỉ quy định “trong trường hợp nảy sinh xung đột
về lợi ích thẩm phán có trách nhiệm tự xin thôi và thông báo về việc này tới
các chủ thể tố tụng khác”, tuy nhiên trong luật này lại không quy định cơ chế
phát hiện và giải quyết xung đột, chồng lấn về lợi ích.
Cần phải nhấn mạnh rằng, quy định nói trên trong Luật liên bang về quy
chế của thẩm phán chỉ là nhắc lại những quy định của Luật công vụ mà cụ thể là
quy định tại Điều 19 của Luật này “Điều chỉnh xung đột lợi ích trong lĩnh vực
công vụ”[6]. Bởi, ngoài những quy định nói trên, Luật công vụ còn quy định cơ
chế rất rõ ràng để phát hiện, giải quyết xung đột lợi ích trong hoạt động công
vụ của khối dân sự. Chẳng hạn như quy định yêu cầu báo cáo cho lãnh đạo trực tiếp
và nghĩa vụ của lãnh đạo trong việc giải quyết cho tới khi miễn cả chức vụ liên
quan để giải quyết xung đột lợi ích. Thậm chí còn cả quy định về thành lập Ủy
ban theo dõi những xung đột về lợi ích trong hoạt động công vụ.
Rõ ràng, dù có nhiều thay đổi, cập nhật, nhưng trong lĩnh vực TTHS ở Nga
vẫn chưa có cơ chế cụ thể để giải quyết các xung đột lợi ích và hiện tượng liên
quan đến lợi ích cá nhân trong TTHS. Tiếc rằng, thực tiễn và khoa học vẫn dành
ít sự chú ý đến chế định thay đổi người tiến hành tố tụng và chế định tự xin thôi
(hay tự xin miễn) đảm nhận nhiệm vụ tiến hành tố tụng để đạt tới mức độ cần thiết
đảm bảo cho sự khách quan, minh bạch, tính mở và vô tư của TTHS và sự độc lập của
thẩm phán [6].
Những thiếu sót trên của pháp luật TTHS Nga hiện hành hiển nhiên gây ra
những hệ lụy không nhỏ tới việc thực thi quyền tiếp cận thông tin của người dân
trong TTHS. Người dân rất khó để biết được những thông tin khẳng định có hay không
những mối quan tâm, mối quan hệ cá nhân của thẩm phán, những tình tiết phát
sinh xung đột, chồng lấn lợi ích của thẩm phán từ đó có nguy cơ việc giải quyết
vụ án sẽ không được công tâm, vô tư và khách quan. Pháp luật hiện hành vẫn dựa
nhiều vào ý chí và nhận thức chủ quan của thẩm phán và rộng hơn là các chủ thể
tiến hành tố tụng. Pháp luật TTHS cần có những điều chỉnh phù hợp để khỏa lấp
những khoảng trống mà đương nhiên có thể bị lợi dụng này.
4.
Về “Tư pháp điện tử”[4]
Nhằm thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu Liên bang về phát
triển hệ thống tư pháp Nga giai đoạn 2013-2020 và Luật Liên bang năm 2008 về đảm
bảo quyền tiếp cận thông tin trong hoạt động của tòa án Liên bang Nga, quá
trình hiện đại hóa hệ thống Tự động hóa quốc gia mang tên “Tư pháp”[5]
đang được tiến hành.
Tính cần thiết của việc hiện đại hóa Hệ thống tự động hóa “Tư pháp” có mối
liên hệ chặt chẽ với những yêu cầu, đòi hỏi đối với hệ thống tòa án, với sự
nghiệp phát triển công nghệ thông tin và phát triển xã hội thông tin ở Nga hiện
nay. Điều này, trước hết, gắn liền với việc xây dựng hệ thống “Tư pháp điện tử”. Ngay từ khi bắt đầu
thiết lập nền tảng tự động hóa cho công việc của thẩm phán, bộ máy tòa án, các
trang mạng điện tử chính thống, việc vận hành hệ thống tự động bao phủ nên toàn
bộ hoạt động dịch vụ điện tử cần thiết cho tổ chức và công dân, những người rất
cần có những thông tin đầy đủ từ phía hệ thống tòa án đã không được để cập đến.
Việc phát triển liên tục của hệ thống không dừng lại ở thời điểm đưa nó
vào vận hành. Sự mở rộng hệ thống phục vụ cho công dân, tổ chức, cơ quan nhà nước,
các luật sư đã cho thấy việc cải tổ Chương trình tự động hóa hệ thống Tư pháp
đã vượt ra ngoài giới hạn phát triển hiện tại và cần phải được tiến hành trong
phạm vi của một dự án hiện đại hóa quy mô rộng lớn.
Cải cách tư pháp, hợp nhất cơ cấu các tòa án thẩm quyền chung và các tòa
án trong tài kinh tế cũng sẽ ảnh hưởng to lớn đến kế hoạch phát triển tiếp theo
của hệ thống Tự động hóa hệ thống tư pháp Liên bang Nga.
Thời điểm hiện tại, văn bản cơ bản quan trọng nhất quy định chiến lược
áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của tòa án và mối quan hệ qua lại với
xã hội là Chiến lược phát triển thông tin hóa hệ thống tòa án ở Nga đến năm
2020 được thông qua bởi Nghị quyết sô 439 của Hội đồng thẩm phán tòa án tối cao
Liên bang năm 2015. Chiến lược này xác định những định hướng cơ bản xây dựng kế
hoạch áp dụng mô hình tòa án điện tử trong một không gian điện tử thống nhất giữa
tất cả các loại tòa án ở Liên bang Nga: hệ thống tòa án thẩm quyền chung, tòa
án trọng tài kinh tế, thẩm phán khu vực.
Ứng dụng dịch vụ tòa án điện tử đang là định hướng cơ bản của Chiến lược
kể trên.
Theo những quy định trong Chiến lược về phát triển tòa án điện tử thì
tòa án điện tử được hiểu là những phương pháp và hình thức thực hiện bởi tòa án
những hoạt động tố tụng với việc sử dụng công nghệ thông tin, bao gồm cả mối liện
hệ giữa các tòa án với các tổ chức, cá nhân trong không gian điện tử. Dù ở thời
điểm hiện tại khái niệm tư pháp điện tử (hay tòa án điện tử) vẫn chưa được quy
định trong luật.
Hiện nay, một trong nhiều những bộ phận cấu thành của tư pháp điện tử đã
được vận hành ở các tòa án trọng tài kinh tế và các tòa án có thẩm quyền
chung. Chế độ thông báo bằng các tin nhắn
(SMS), thư nhắn cho các đương sự hoặc người tiến hành tố tụng, người tham gia tố
tụng ở rất nhiều các tòa án đã được vận
hành, chế độ lưu trữ dần được chuyển sang chế độ lưu dữ dưới dạng điện tử, các
tòa án nếu được chánh án cho phép thì có thể sử dụng các kỹ thuật ghi hình,
phòng hội họp có video liên hệ…Theo lộ trình thì việc áp dụng các dịch vụ của
tòa án điện tử sẽ thực hiện chính thức từ năm 2017.
Có thể khẳng định, dù hiện tại các quy định về Tư pháp điện tử chưa được
luật hóa, tuy nhiên việc xây dựng chiến lược tự động hóa và ứng dụng công nghệ
thông tin vào hoạt động của tòa án với việc xây dựng hệ thống “Tư pháp điện tử”
sẽ góp phần không nhỏ vào việc mở rộng và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của
người dân đối với hoạt động của tòa án. Những thay đổi, cập nhật về mặt pháp luật
trong TTHS là cần thiết để đảm bảo thực hiện quyền này nhằm góp phần bảo đảm sự
vô tư, khách quan và công bằng của tòa án như là một thiết chế biểu tượng cho công
lý.
5.
Thay lời kết
Những phân tích trên về một số vấn đề trong quy định hiện hành của pháp
luật Liên bang Nga liên quan đến thay đổi người tiến hành tố tụng, quy định tự
miễn, cơ chế giải quyết xung đột, chồng lấn lợi ích và việc phát triển hệ thống
tư pháp điện tử chỉ là những nghiên cứu nhỏ trong hướng nghiên cứu của nhóm tác
giả về đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân trong hoạt động tố tụng
nhằm hướng tới nền tư pháp minh bạch, khách quan, vô tư và công bằng. Bảo đảm
thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân đối với hoạt động tư pháp, đặc
biệt là TTHS là tối cần thiết, bởi lẽ sẽ khó thành công xây dựng nhà nước pháp
quyền nếu không có một nền tư pháp thật sự quyền lực, độc lập, uy tín và dễ tiếp
cận. Những phân tích ở trên chỉ ra cho thấy còn có những vấn đề dù rằng trong
suốt hàng thập kỷ qua, hệ thống pháp luật của nước Nga đã ngày càng hoàn thiện,
hiện đại và hội nhập.
Tài liệu tham khảo
1.
Постановление Правительства РФ от 27.12.2012 № 1406 (ред. от 23.12.2016)
"О федеральной целевой программе "Развитие судебной системы России на
2013 - 2020 годы" // Собрание законодательства РФ. 07.01.2013, №1, ст. 13.
2.
Горский М.В. Механизм правового регулирования отводов участников уголовного
судопроизводства (процессуальное и криминалистическое исследование) / М.В.
Горский. – М., Юрлитинформ. –2011. – 240 с.
3.
Горский В.В. Ознакомление потерпевшего с состоянием расследования преступления
на различных его этапах / В.В. Горский // Воронежские криминалистические
чтения: сб. науч. трудов. – Воронеж, 2008. – Вып. 10. – С. 147-164.
4.Федеральным
законом от 25 декабря 2008 года N 274-ФЗ (Российская газета, N 266, 30.12.2008)
(о порядке вступления в силу см. статью 12 Федерального закона от 25 декабря
2008 года N 274-ФЗ);
5.Федеральный
закон "О государственной гражданской службе Российской Федерации" от
27.07.2004 N 79-ФЗ (последняя редакция 12/2016)
6.
Горский М.В. Роль механизма урегулирования «конфликта интересов» участников
уголовного судопроизводства в противодействии коррупции / М.В. Горский //
Юридические записки: сб. науч. трудов. Вып. 23: Противодействие коррупции в
России: общая теория и отраслевое правовое регулирование. – Воронеж, 2010. – С.
111-121.
*
Faculty of Law, Voronezh State
University (Russian Federation). E-mail: law-max-vsu@mail.ru/Tel : +7 (473) 220-85-14
** Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (School of Law, Vietnam National University,
Hanoi). E-mail: mvtanson@gmail.com/ Tel : 0947.055.811
[1]
Luật Hiến pháp Liên bang là loại văn
bản luật có hiệu lực dưới Hiến pháp Liên bang nhưng cao hơn các đạo luật liên
bang thông thường khác. Các văn bản này có nội dung điều chỉnh các vấn đề hiến
định trực tiếp và việc thay đổi, sửa đổi nó được tiến hành theo trình tự sửa đổi
Hiến pháp (nguyên văn tiếng Nga: Конституционные законы).
[2] Nguyên văn tiếng Nga là chế định «Самоотвод» («Samootvod» - Nghĩa vụ tự thân của chủ thể báo
cáo để miễn tư cách tham gia vào hoạt động tố tụng).
[3] Nguyên văn tiếng Nga là: “конфликт интересов” và “личная
заинтересованность судьи”
[4]
Nguyên văn tiếng Nga là: “Электронное правосудие”.
[5]
Nguyên văn tiếng Nga là: модернизация Государственной
автоматизированной системы «Правосудие» (ГАС «Правосудие»).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.