Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

“Nợ công” của Quốc hội

ảnh: Internet
Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta được nghe nhiều hai từ “nợ công”. Nợ công hay nợ quốc gia là nói đến các khoản vay của chính quyền các cấp đi vay để bù đắp cho khoản ngân sách thiếu hụt. Chúng ta đang rất lo lắng về nợ công và bàn nhiều cách để giảm nợ công. Tôi cũng nghe nói, Quốc hội cũng rất lo lắng về vấn đề này và cũng đã nhiều lần cân nhắc có nên nới trần nợ công hay không, thậm chí khống chế trần nợ công…
Nói thế có nghĩa là Quốc hội là cơ quan quyết định trần nợ công và giám sát nợ công?! Chính phủ phải giải trình Quốc hội về nợ công của Chính phủ và các khoản nợ quốc gia khác.
Nhưng, ở đây, tôi thấy có một vấn đề. Chả lẽ Quốc hội không có “nợ công”!

Ở một góc độ khác, Quốc hội “nợ” công dân và người dân rất nhiều. Nợ việc ban hành luật mà Hiến pháp quy định thuộc trách nhiệm của Quốc hội - với tôi cũng là nợ công!
Rà soát lại các quy định của Hiến pháp 2013, rất nhiều điều khoản của Hiến pháp đã giao cho Quốc hội ban hành luật để cụ thể hóa với hai từ rất đắt là “luật định”. Kể từ năm 2013 đến nay cũng đã sắp được 4 năm rồi, có nhiều khoản nợ đã được Quốc hội trả đầy đủ, sòng phẳng, như việc ban hành hàng loạt các đạo luật, bộ luật lớn, có ý nghĩa đặc biệt cho nhà nước pháp quyền XHCN của chúng ta.
Nhưng, cũng bằng ấy năm, Quốc hội đang “nợ” không ít luật.
Đương cử các ví dụ. Chúng ta có hai thiết chế hiến định mới là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước trong Hiến pháp 2013. Thế nhưng, hiện nay Quốc hội mới trả nợ được “nợ công” phần về “Kiểm toán nhà nước”, còn thiết chế còn lại thì chưa thấy gì. Ngoài ra, Hiến pháp giao cho Quốc hội “luật định” cơ chế bảo hiến dựa trên mô hình bảo hiến phi tập trung được quy định tại Chương XI, nhưng cho đến nay chưa có được Luật để thực hiện cơ chế bảo hiến này. Đây là món nợ quan trọng bởi trong Nhà nước pháp quyền thì Hiến pháp phải tối tượng và được bảo vệ. Các chủ thể đã có quyền nhưng làm thế nào để bảo vệ Hiến pháp thì vẫn chưa.
Đấy là chưa kể tới các luật cụ thể hóa các quyền về lập hội, biểu tình… vẫn còn chưa được rõ cơ chế luật định. Bộ Luật Hình sự và TTHS cũng vẫn đang còn “nợ”…
Chúng tôi bàn việc này lên đây không phải để đòi nợ mà là để thấy rõ là Quốc hội cũng nợ công đấy chứ đâu chỉ có Chính phủ và chính quyền địa phương?! Làm thế nào để Quốc hội giảm bớt nợ công kể ra cũng không phải là chuyện dễ bởi chúng ta chưa có cơ chế giới hạn trần nợ công của Quốc hội.
Nói vậy chứ, công bằng mà nói, kể từ 2013 tới nay Quốc hội của chúng ta cũng đã rất tích cực giảm món “nợ công” này, cái gì cũng cần phải có thời gian, nhất là trả nợ. Hi vọng với thời gian món nợ công này của Quốc hội ngày càng giảm và không còn nợ nần gì nữa!

Một bình luận cho ngày đầu năm không đi Du Xuân theo lệnh của Thủ tướng và Thủ trưởng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.