ảnh Internet |
TS. Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
(Nguồn: Tham luận tại Hội thảo khoa học
"Nhà nước kiến tạo phát triển: Lý luận và thực tiễn
trên thế giới và ở Việt Nam"
tại Khoa Luật, ĐHQGHN, tháng 3/2017)
1. Dẫn nhập
“Nhà nước kiến tạo phát triển”
(Developmental state) không phải là thuật ngữ mới,[1] nhưng hiện nay lại trở nên
thời sự ở Việt Nam. Từ 2009 trên các phương tiện thông tin đại chúng thuật ngữ
“Chính phủ kiến tạo phát triển” bắt đầu được nhắc đến. Trong diễn văn của Thủ
tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 đã khẳng định “Phải chuyển mạnh từ Nhà nước điều hành nền kinh tế sang Nhà
nước kiến tạo phát triển”[2] và gần đây nhất là tuyên bố
và nỗ lực của đương kim Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về “Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển,
Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính.[3]
Đây không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên mà bởi vì “Việt Nam còn rất ít dư địa tăng tưởng nếu vẫn tiếp tục theo mô hình quản
trị, cách làm cũ”[4] và xu thế hội nhập, phát
triển là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh mở cửa và hội nhập sâu rộng vào đời sống
kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, đã có nhiều “Nhà nước kiến tạo phát triển” thành
công trong khu vực[5]
và trở thành hình mẫu phát triển cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.