Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Câu chuyện Thời sự cuối năm Bính Thân!

Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
ảnh: Internet

Những ngày cuối năm Bính Thân được nghỉ ngơi bên gia đình, tôi mới có dịp ngồi thưởng thức trọn vẹn Bản tin thời sự của VTV1 lúc 17h00. Nghe xong, mừng có, vui có, buồn có và băn khoăn cũng có!
Nhân rảnh rỗi công việc, tôi xin được bàn luận đôi điều về những gì mà còn thấy băn khoăn.
Chẳng là, hôm nay tôi có nghe BTV Chương trình thời sự sử dụng mấy từ quen miệng sau: “Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đi thăm và chúc Tết….”
Nghe xong tôi hơi băn khoăn và tự hỏi:
-         Ai là lãnh đạo Đảng?
-         Ai là lãnh đạo Quốc hội ?
-         Quốc hội, Chính phủ có khác Nhà nước không?

1.     Lãnh đạo Đảng ?
Tôi cũng là một Đảng viên đang sống và làm việc theo lý tưởng và Điều lệ của Đảng. Với tôi, Đảng là tổ chức của những Đảng viên có lý tưởng, có cùng mục tiêu và nguyện sống, chiến đấu vì lý tưởng, mục tiêu ấy và cùng tuân theo các quy định của tổ chức. Tôi chỉ biết rằng Đảng là một tập thể và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng là cơ quan cao nhất. Cơ quan này bầu ra BCH Trung ương và tuyệt nhiên không thể có đồng chí nào được coi là lãnh đạo Đảng. Đảng là cao nhất và không thể có tổ chức, cá nhân nào trong Đảng lại cao hơn Đảng. Có lẽ không thể có một đồng chí nào là lãnh đạo Đảng. Tại sao truyền thông lại nói như vậy ? Tôi thật sự không hiểu ! Nói và viết không cẩn thận sẽ làm cho ý nghĩa, bản chất của vấn đề bị hiểu sai đi, nhất là các cơ quan truyền thông uy tín. Ai giải thích cho tôi với ?!
2.     Lãnh đạo Quốc hội?
Tôi là người học luật và dạy luật. Hiến pháp Việt Nam hiện hành quy định: «Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất». Như vậy, không thể có một cá nhân nào cao hơn Quốc hội. Quốc hội là một tập thể bình đẳng về mặt pháp lý của các đại biểu dân cử và chỉ có Quốc hội với tư cách là thiết chế quyền lực tập thể mới là cơ quan có quyền lực cao nhất. Nếu có thiết chế nào cao hơn thì phải là Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không phải là đồng chí A, B, C nào vì đây là quy định Hiến định (Điều 4 Hiến pháp Việt Nam năm 2013). Tôi băn khoăn lắm? Ai giải thích cho tôi hiểu câu trên mà truyền thông hay dùng với ạ? Quốc hội chứ có phải là cơ quan hành chính đâu mà có người lãnh đạo!
3.     Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ ?
Câu này tôi cũng hay nghe. Có điều tôi không hiểu lắm Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ tại sao lại hay được sắp đặt ngang hàng nhau thế ? Chả lẽ Quốc hội, Chính phủ lại là các thiết chế độc lập với Nhà nước? 

Người ta thường nói rằng, lời nói dối mà có tới cả chục người nói và nói đi nói lại nhiều lần thì dễ làm cho người ta tin là thật. Truyền thông không nên cổ súy những điều phi lý và cần phải ý thức được trách nhiệm xã hội của mình!!!   Vấn đề là cẩn phải sử dụng cho chuẩn ngôn ngữ để mọi thứ không bị thay đổi và biến tướng mất đi !!!


Đôi điều lảm nhảm bên chén trà ngày cuối năm ! Chúc cho một Năm mới khởi sắc, an lành trên quê hương Việt Nam ta!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.