Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Một số kinh nghiệm đào tạo Luật ở Mỹ và gợi mở cho Việt Nam

ảnh Internet
TS. Nguyễn Bích Thảo
Khoa Luật, ĐHQGHN

Cách đây không lâu Khoa Luật có tổ chức Hội thảo về đổi mới đào tạo và nghiên cứu Luật. Đây là Hội thảo hay, có nhiều ý nghĩa. Trong Hội thảo này có bài tham luận của TS. Nguyễn Bích Thảo, giảng viên Bộ môn Lut Dân s, Khoa Luật.

Nhận thấy, bài viết này hữu ích cho các bạn sinh viên đang học môn Luật So sánh để làm tài liệu học tập cũng như tham khảo cách thức đào tạo Luật được cho là rất tiến bộ hiện nay để mỗi sinh viên tự chiêm nghiệm, hoàn thiện bản thân trong quá trình học tập, đổi mới tư duy! Xin phép TS. Bích Thảo được đăng lên đây!
Trân trọng cảm ơn TS. Bích Thảo và xin giới thiệu cùng các bạn!


1. Đào tạo luật ở bậc sau đại học kết hợp đào tạo nghề luật

Mặc dù nước Mỹ không có một trường đào tạo nào dành riêng cho các chức danh tư pháp như mô hình Học viện Tư pháp ở Việt Nam và nhiều nước khác, nhưng đây lại là nơi sản sinh ra những luật sư, thẩm phán, công tố viên xuất sắc, được xã hội trọng vọng và kính nể. Người tốt nghiệp trường luật ở Mỹ sau khi được cấp bằng Juris Doctor và thi đỗ trong kỳ thi sát hạch luật sư của bang (bar exam) là có thể hành nghề luật sư.

Vậy bằng Juris Doctor (J.D.) thực chất là bằng gì? Cử nhân luật, thạc sĩ luật, hay tiến sĩ luật?

Juris Doctor không phải là chương trình cử nhân luật (undergraduate). Tuy nhiên, đây cũng không phải là chương trình đào tạo văn bằng hai, thạc sĩ, hay tiến sĩ. Đó là một chương trình ở bậc sau đại học (graduate) kết hợp với đào tạo nghề (professional training), vì trong chương trình này, sinh viên được đào tạo một cách toàn diện cả ba yếu tố: kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề luật và đạo đức nghề nghiệp.

Do nghề luật có vị thế cao và rất được trọng vọng trong xã hội, nên nhiều gia đình ở Mỹ mơ ước con em mình được vào học trường luật. Hai tiếng “law school” gắn liền với khát vọng, niềm tự hào, hãnh diện, với những cơ hội và thách thức lớn đối với sinh viên luật ở Mỹ. Hai tiếng ấy cũng đầy bí ẩn, thu hút sự tò mò ngay cả đối với người dân Mỹ, bởi luật là một trong những ngành học khó nhất, nặng nhất với học phí cao nhất ở quốc gia này. Người Mỹ quan niệm rằng chỉ những sinh viên xuất sắc nhất, thông minh nhất mới có thể đi học luật và sau này trở thành những người lãnh đạo xã hội. Rất nhiều nhà lãnh đạo cấp cao ở Mỹ tốt nghiệp trường luật. Ví dụ, tổng thống Obama từng tốt nghiệp Trường luật Đại học Harvard và từng là giáo sư luật tại Đại học Chicago, bang Illinois.

Trước năm 1960, nước Mỹ cũng áp dụng mô hình đào tạo luật ở bậc cử nhân. Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945), nền kinh tế Mỹ phát triển vượt bậc, các quan hệ kinh tế - xã hội ngày càng phức tạp hơn, đòi hỏi phải hình thành một đội ngũ luật sư giỏi, giàu kinh nghiệm để đáp ứng nhu cầu tư vấn pháp lý và tranh tụng ngày càng tang. Điều này khó có thể đạt được ở người mới tốt nghiệp cử nhân luật ở độ tuổi 22, còn thiếu kiến thức xã hội, sự chín chắn và trải nghiệm cuộc sống. Do đó, sau năm 1960, các trường luật ở Mỹ chuyển sang mô hình đào tạo luật ở bậc sau đại học với chương trình chuẩn 3 năm (có thể kéo dài 4 năm đối với chương trình buổi tối).

Thông thường, các trường luật xét tuyển chủ yếu dựa vào hai tiêu chí mang tính cạnh tranh cao: Thứ nhất, ứng viên đã có ít nhất một bằng đại học ngành bất kỳ (tự nhiên, kỹ thuật hay xã hội đều được chấp nhận) với kết quả học tập cao ở bậc đại học. Thứ hai, ứng viên có điểm thi LSAT cao. LSAT (Law School Aptitude Test) là kỳ thi quốc gia được chuẩn hóa nhằm kiểm tra năng lực tư duy lô gic dành cho những người muốn dự tuyển vào trường luật.

2. Trường luật là trường thành viên của một đại học đa ngành (university) và không phân chia thành các bộ môn, các chuyên ngành

Rất hiếm có một trường luật nào ở Mỹ đứng riêng rẽ một mình mà không phải là thành viên của một đại học đa ngành. Việc là thành viên của một đại học đa ngành đem lại rất nhiều lợi ích cho trường luật. Trường luật có thể tận dụng được uy tín, thương hiệu của đại học đa ngành để xây dựng hay nâng cao vị thế, uy tín của mình. Trường luật cũng có thể tận dụng lợi thế đa ngành của đại học để xây dựng các chương trình đào tạo liên kết với các trường thành viên khác, ví dụ như J.D./MBA (luật và thạc sĩ quản trị kinh doanh). Ngược lại, sự hiện diện của trường luật cũng làm tăng thêm vị thế, uy tín cho đại học.

Về cơ cấu tổ chức, trường luật ở Mỹ không phân chia thành các bộ môn, các chuyên ngành, tạo điều kiện tối đa cho tự do học thuật. Sinh viên được tự do lựa chọn các môn học mình thích; các giáo sư luật có thể giảng dạy nhiều môn học thuộc các lĩnh vực khác nhau mà không bị giới hạn sinh hoạt chuyên môn trong một bộ môn. Hội đồng toàn thể giáo sư (faculty) là cơ quan có quyền quyết định cao nhất về các vấn đề về đào tạo và học thuật như sửa đổi, bổ sung, thay thế các môn học trong chương trình đào tạo, tuyển dụng giảng viên, phê duyệt giảng viên kiêm nhiệm, xét tốt nghiệp v.v…

3. Chương trình đào tạo chú trọng đào tạo toàn diện kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề luật, linh hoạt theo nhu cầu của thị trường, hướng mạnh vào luật tư với số lượng lớn các môn học tự chọn
Chương trình đào tạo luật ở Mỹ kéo dài 3 năm, gồm hai phần: phần bắt buộc và phần tự chọn. Phần bắt buộc chiếm khoảng 35% tổng số tín chỉ mà sinh viên cần tích lũy (1 sinh viên luật ở Mỹ phải tích lũy tối thiểu 87 tín chỉ để được tốt nghiệp). Trong năm học đầu tiên, toàn bộ các môn học là môn bắt buộc, chủ yếu là luật tư (khoảng 30 tín chỉ), bao gồm: Luật tài sản, Luật hợp đồng, Luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Luật Tố tụng dân sự, Luật Hình sự, Luật Hiến pháp, Kỹ năng viết và tranh tụng của luật sư (Legal Research, Writing and Advocacy); mỗi môn bắt buộc này gồm hai học phần học trong 2 học kỳ. Mỗi lớp môn học bắt buộc có khoảng 90-100 sinh viên, trừ môn Kỹ năng viết và tranh tụng của luật sư được chia thành lớp nhỏ hơn, mỗi lớp 20 người.
Từ năm thứ hai trở đi, sinh viên mới có quyền lựa chọn môn học theo nhu cầu của mình. Tuy nhiên, sau khi kết thúc năm thứ nhất, sinh viên vẫn phải tích lũy một số môn bắt buộc khác như Đạo đức hành nghề luật sư (Professional Responsibility), một môn kỹ năng viết cơ bản (General Writing), một môn kỹ năng viết bài luận nghiên cứu (Edited Writing), nhưng sinh viên có thể quyết định học những môn này trong bất kỳ học kỳ nào của 2 năm học còn lại. Mặc dù không bắt buộc, nhưng sinh viên cũng thường lựa chọn các môn học tự chọn được coi là kiến thức cơ bản sẽ được kiểm tra trong kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư của bang, ví dụ: Luật doanh nghiệp (Business Enterprises), Luật chứng cứ (Evidence), Luật giao dịch bảo đảm (Secured Transactions), Luật thanh toán (Payment Systems), Luật mua bán hàng hóa (Sales of Goods) v.v…
Chương trình đào tạo được thiết kế rất linh hoạt theo nhu cầu của thị trường và thay đổi theo từng học kỳ. Việc bổ sung một môn học mới chỉ cần có đề xuất bằng văn bản của giáo sư trực tiếp giảng dạy và được hội đồng giáo sư phê chuẩn. Mỗi học kỳ trường tổ chức giảng dạy khoảng 150-200 lớp môn học. Ngoài các môn học bắt buộc và các môn học cơ bản, có rất nhiều môn học chuyên sâu để sinh viên có thể lựa chọn đi sâu vào một lĩnh vực nào đó dù không phân chuyên ngành. Ví dụ, về lĩnh vực luật sở hữu trí tuệ, ngoài môn Luật sở hữu trí tuệ cung cấp kiến thức chung, tổng quát về sở hữu trí tuệ, còn có khoảng 10 môn học chuyên sâu có liên quan như Luật sáng chế, Luật bản quyền, Luật nhãn hiệu, Luật về li xăng quyền sở hữu trí tuệ, Luật về giải trí, Luật thể thao, Kỹ năng tranh tụng trong các vụ kiện về sáng chế, Luật nhượng quyền thương mại và phân phối, Luật sở hữu trí tuệ quốc tế, Sở hữu trí tuệ và các giao dịch thương mại v.v...
Chương trình đào tạo còn chú trọng trau dồi đạo đức nghề nghiệp và tinh thần phục vụ cộng đồng cho sinh viên. Ngoài môn đạo đức nghề luật là môn học bắt buộc, để đủ điều kiện tốt nghiệp, mỗi sinh viên phải hoàn thành ít nhất 30 giờ phục vụ cộng đồng (public service) có liên quan đến pháp luật (không được trả thù lao) tại một cơ sở đã được trường luật phê duyệt, ví dụ: trung tâm trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho cộng đồng, hỗ trợ pháp lý cho bệnh viện, trường học, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức hoạt động từ thiện đấu tranh cho quyền con người, quyền động vật, giảng dạy pháp luật cho học sinh phổ thông v.v…
3. Việc tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá được thực hiện một cách linh hoạt
 Đề cương môn học được xây dựng rất đơn giản, độ dài trung bình từ 2-5 trang tùy theo từng giảng viên (thậm chí có đề cương chỉ vỏn vẹn 1 trang giấy A4), được giảng viên cập nhật từng học kỳ, từng năm học, trong đó ghi thông tin liên hệ và giờ tiếp sinh viên tại văn phòng của giảng viên, mục tiêu môn học, các tài liệu bắt buộc (required) và tài liệu tham khảo (recommended), nội dung chính của môn học, tài liệu phải đọc trong từng tuần (ghi rõ số trang), hình thức kiểm tra – đánh giá, chính sách môn học. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên có thể điều chỉnh đề cương môn học để tăng hoặc giảm tiến độ môn học nếu thấy cần thiết, miễn là vẫn đảm bảo cho sinh viên nắm được toàn bộ các nội dung trong đề cương và phải thông báo công khai cho sinh viên về việc thay đổi đó. Giảng viên có quyền lựa chọn giáo trình để giảng dạy (vì cùng một môn học có rất nhiều giáo trình khác nhau), do đó, mỗi giảng viên sẽ có một đề cương môn học riêng. Giảng viên cũng có quyền thay đổi giáo trình, có thể năm học trước sử dụng giáo trình này, năm sau sử dụng giáo trình khác nếu thấy giáo trình mới tốt hơn.
Trong đề cương môn học không có sự phân chia giờ lý thuyết, bài tập, thảo luận, thực hành, tự học. Tất cả các giờ lên lớp đều bao hàm có giờ tự học nhưng không thể hiện trong đề cương, và trong mỗi giờ lên lớp giảng viên có toàn quyền quyết định áp dụng hình thức giảng dạy nào, miễn là sinh viên nắm được bài. Giảng viên trực tiếp giảng dạy lớp nào sẽ quyết định hình thức kiểm tra đánh giá, ra đề thi và chấm thi của lớp đó.

4. Phương pháp giảng dạy

Phương pháp giảng dạy chủ yếu là phương pháp Socrat do Trường luật Harvard khởi xướng và hiện nay được áp dụng tại tất cả các trường luật ở Mỹ. Đó là phương pháp liên tục hỏi đáp, trao đổi, thảo luận, tranh luận trên lớp với tốc độ cao giữa giảng viên và sinh viên xung quanh các vụ án điển hình được lựa chọn đưa vào giáo trình và đã được giảng viên giao cho sinh viên đọc trước khi đến lớp theo đề cương môn học. Để thực hiện được phương pháp này, điều kiện bắt buộc là sinh viên phải đọc, hiểu và tóm tắt được các vụ án, nếu không đọc trước sẽ không thể theo kịp tốc độ rất nhanh trên lớp. Các câu hỏi của giảng viên xoay quanh các tình tiết cơ bản của vụ án, câu hỏi pháp lý cần giải quyết trong vụ án, quy tắc pháp lý được áp dụng để giải quyết, lập luận của nguyên đơn, bị đơn, lập luận của tòa án, bình luận về cách giải quyết của tòa án và bài học rút ra. Từ việc đặt câu hỏi và trả lời liên tục như vậy về các vụ án, sinh viên không những nắm được các quy phạm pháp luật mà còn thấy rõ các quy phạm đó được áp dụng một cách sinh động trong thực tiễn ra sao, học hỏi được kỹ năng phân tích, lập luận của luật sư các bên và của tòa án, nắm được trình tự tố tụng của vụ án trải qua các bước nào, đồng thời rèn luyện phản xạ nhanh nhạy, tư duy phản biện, phê phán, nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều. Trên lớp sinh viên luôn chịu áp lực trả lời câu hỏi nên bản thân phải tự giác chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

5. Mối quan hệ chặt chẽ giữa trường luật và các nhà tuyển dụng và vai trò của phòng hướng nghiệp
Đào tạo luật ở Mỹ hướng mạnh vào thực hành, vì vậy rất chú trọng đến việc tạo cơ hội thực tập cho sinh viên ngay từ khi kết thúc năm thứ nhất. Trường luật có một mạng lưới các đối tác là các cơ sở tuyển dụng (công ty luật, tòa án, cơ quan công tố, các cơ quan khác của chính quyền bang và liên bang, các doanh nghiệp…).  Trong trường luật có riêng một phòng hướng nghiệp (Career Services Office) để kết nối giữa sinh viên và nhà tuyển dụng, hàng ngày phòng này cập nhật thông báo các cơ hội thực tập và tuyển dụng cho sinh viên, tư vấn cho sinh viên viết lý lịch khoa học (CV) và thư đề nghị xét tuyển (cover letter), tổ chức các buổi phỏng vấn thử (mock interview). Ngay sau khi kết thúc học kỳ 1, trên cơ sở kết quả học tập của kỳ 1, sinh viên đã có thể nộp hồ sơ và được phỏng vấn để đi thực tập hè năm thứ nhất tại một công ty luật hay một cơ quan, doanh nghiệp nào đó. Vì vậy, sinh viên không thể học tập lơ là trong năm đầu tiên, mà ngay từ đầu đã phải lao vào cuộc cạnh tranh gay gắt để giành được cơ hội thực tập ở những công ty luật lớn hay những cơ quan, doanh nghiệp có uy tín, bởi các cơ sở thực tập thường tuyển sinh viên có kết quả học tập cao nhất. Mỗi học kỳ, sinh viên một khóa được phòng đào tạo xếp hạng theo điểm trung bình học kỳ theo nhóm 5%, 10%, 20% của khóa, và thường những sinh viên thuộc top đầu tiên đó sẽ là những sinh viên có nhiều cơ hội thực tập tốt nhất. Việc có cơ hội thực tập ngay từ hè đầu tiên sẽ giúp sinh viên tạo lập CV của mình, sinh viên nào càng có kết quả học tập tốt với nhiều kinh nghiệm thực tập thì sau khi tốt nghiệp càng có cơ hội được tuyển dụng vào các vị trí việc làm tốt hơn. Việc thực tập của sinh viên mang tính thực chất chứ không hình thức, sinh viên thực tập được tập huấn chặt chẽ, được giao máy tính và bàn làm việc riêng, cơ sở thực tập có cam kết hướng dẫn và giao việc một cách nghiêm túc.
Ngoài ra trong chương trình đào tạo cũng có một số môn học dưới hình thức kiến tập, thực tập tại tòa án hoặc các cơ quan nhà nước có cam kết hợp tác với trường luật, sinh viên được tích lũy tín chỉ và phải làm việc rất nghiêm túc dưới sự giám sát của 1 giảng viên trong trường và người trực tiếp hướng dẫn tại cơ sở thực tập. Thông thường, các môn học kiến tập này được thiết kế thành hai phần: 1/3 thời gian đầu sinh viên học trên lớp về các quy tắc đạo đức và một số kỹ năng làm việc tại tòa án hoặc cơ quan thực tập, 2/3 thời gian còn lại sinh viên làm việc trực tiếp tại cơ sở thực tập nhưng hàng tuần phải viết bài thu hoạch theo chủ đề được giao hàng tuần để nộp cho giảng viên hướng dẫn và người hướng dẫn tại cơ sở thực tập.
6. Tôn vinh các hoạt động của giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên trên trang web của trường
Các trường luật ở Mỹ rất chú trọng đến việc quảng bá hình ảnh của trường thông qua việc tôn vinh các hoạt động của giảng viên, sinh viên và cựu sinh viên trên trang web của trường. Ngoài việc công bố lý lịch khoa học của giảng viên, trang web của trường còn thường xuyên cập nhật các hoạt động khoa học của giảng viên: ví dụ, sách, công trình, bài báo khoa học mới được xuất bản và các công trình được tặng giải thưởng khoa học, được tòa án trích dẫn trong bản án.., các báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, sự tham gia của giảng viên vào các hoạt động tư vấn, phản biện chính sách, trả lời phỏng vấn của giảng viên trên các kênh truyền hình, báo chí… Các hoạt động của sinh viên, các giải thưởng mà sinh viên được nhận cũng thường xuyên được cập nhật. Trang web của trường theo sát hoạt động của các cựu sinh viên thành đạt (như việc họ mới được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước, hay được thăng tiến trong các công ty luật, các doanh nghiệp, được bình chọn là luật sư xuất sắc…), đồng thời cũng đưa tin về những đóng góp cống hiến của họ cho trường luật cả về vật chất và phi vật chất. Điều này tạo động lực phấn đấu cho các sinh viên đang học và cũng động viên, khuyến khích các giảng viên, các cựu sinh viên tiếp tục cống hiến cho trường để nâng cao vị thế, uy tín của trường và thu hút các sinh viên tiềm năng nộp hồ sơ vào trường.
7. Một số gợi mở cho việc đổi mới đào tạo luật ở Việt Nam
Thứ nhất, tuy ở Việt Nam hiện nay chưa thể thực hiện mô hình đào tạo luật bắt đầu ở bậc sau đại học như ở Mỹ bởi đây là mô hình rất tốn kém, nhưng nên từng bước nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào và chất lượng đào tạo chứ không nên quá chú trọng số lượng.
Thứ hai, nên chú trọng phát triển các trường luật trong các đại học đa ngành, đại học nghiên cứu có uy tín chứ không chỉ tập trung vào các trường đại học luật riêng lẻ.
Thứ ba, nên có sự linh hoạt hơn trong việc phân chia các chuyên ngành đào tạo, các bộ môn trong trường luật, tăng cường hợp tác, giao lưu giữa các bộ môn để phát huy tối đa tiềm năng nghiên cứu, giảng dạy của các giảng viên và nhu cầu tiếp thu kiến thức đa dạng của sinh viên.
Thứ tư, linh hoạt hơn trong việc thiết kế khung chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường, linh hoạt trong thiết kế đề cương môn học, tổ chức giảng dạy, kiểm tra-đánh giá, tăng quyền chủ động cho giảng viên.
Thứ năm, từng bước áp dụng phương pháp Socrat, phương pháp nghiên cứu vụ án trong giảng dạy luật, nhất là trong điều kiện Việt Nam đã thừa nhận án lệ và chính thức sử dụng án lệ.
Thứ sáu, xây dựng và củng cố mối quan hệ giữa trường luật với các cơ sở thực tập để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc thực tiễn ngay từ khi kết thúc năm học đầu tiên, có phòng/bộ phận hướng nghiệp hoạt động một cách thực chất để hỗ trợ sinh viên trong việc tìm kiếm cơ hội thực tập và tìm việc làm.
Thứ bảy, tăng cường quảng bá hình ảnh cho trường luật bằng việc cập nhật thường xuyên các hoạt động của giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên trên trang web của trường. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.