Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

Chính sách kinh tế của Liên bang Nga ở khu vực Biển Đông

ảnh: Internet
Mai Văn Thắng
Khoa Luật- ĐHQGHN
[Bài viết là một phần của những khảo cứu của tác giả về vai trò, vị trí của Nga trong khu vực biển Đông nhằm tìm kiếm các giải pháp pháp lý, kinh tế, ngoại giao, chính trị cho vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta trên Biển Đông]

1.     Thực trạng và xu hướng quan hệ kinh tế giữa Nga với các quốc gia khu vực Biển Đông
Hiện tại, Nga chưa phải là một cường quốc kinh tế trên thế giới. Mô hình phát triển kinh tế của Nga vẫn còn có nhiều vấn đề và cần phải được đổi mới để đáp ứng như cầu phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa. Theo mô hình hiện tại, Nga vẫn là quốc gia có nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, GDP của nước này vẫn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên. Một điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế đó chính là nền công nghiệp quốc phòng. Nga là một quốc gia có tiềm lực kỹ thuật, công nghệ quốc phòng mạnh, vì thế thu nhập từ xuất khẩu vũ khí, thiết bị quốc phòng cũng là một trong những nguồn chủ yếu cho ngân sách nhà nước và cũng qua đây Nga cũng có những ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới.

Sau hàng thập niên hướng Tây với kỳ vọng tận dụng kinh nghiệm và công nghệ phương Tây để hiện đại hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, cái mà Nga nhận được vẫn là nền kinh tế ốm yếu và phụ thuộc chủ yếu vào công nghiệp khai thác, công nghiệp nặng, công nghiệp quốc phòng với sự bất ổn cao khi phụ thuộc vào giá năng lượng trên thị trường thế giới và giá của các mặt hàng này thường rất dao động và nhiều khi bị chính trị hóa.
Trong thập niên trở lại đây, nhìn thấy tiềm lực của phương Đông về nguồn vốn, công nghệ cao cũng như sự hấp dẫn từ các thị trường năng lượng và vũ khí, Nga đã thực hiện chính sách hướng Đông theo định hướng từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Nga V.Putin. [16, 67]
Cùng với chính sách hướng Đông, hiện nay quan hệ kinh tế giữa Nga với các quốc gia thuộc Châu Á – Thái Bình Dương có những chuyển biến đáng kể. Cùng với chính sách ngoại giao hết sức linh động, có phần thực dụng và tận dụng những ưu thế của nền kinh tế cũng như những yếu tố thuận lợi do lịch sử để lại, quan hệ kinh tế giữa Nga và các nước trong khu vực này đang ngày càng chặt chẽ và gắn kết hơn.
Biển Đông là một trong khu vực quan trọng đặc biệt ở Châu Á – Thái Bình Dương. Biển Đông là đường vận tải biển quốc tế quan trọng, nhưng đối với Nga không có nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế. Bởi, trên thực tế hàng hóa của Nga ít đi qua khu vực này. Nhưng có lẽ, điều quan trọng hơn cả và thu hút Nga tham gia nhiều hơn vào đời kinh tế của khu vực này đó là những cơ hội về lợi ích kinh tế, địa chính trị mà Nga có thể sẽ nhận được từ những tranh chấp trên Biển Đông, nơi đang có cuộc đọ sức cam go giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia trong khu vực. Cuộc tranh chấp ấy có sự đan xen lợi ích và vì thế có sự tham gia của các cường quốc vừa là đồng mình, địch thủ của nhau [Trung quốc, Mỹ vừa là đồng minh và địch thủ của nhau]. Mặt khác, đa phần các quốc gia đang tranh chấp với Trung Quốc lại là thành viên của Tổ chức khu vực mới nổi và đang có xu hướng liên kết chặt chẽ thành cộng đồng chung năng động và phát triển ASEAN. Rõ ràng, Nga không thể đứng ngoài những tranh chấp này vì những lợi ích mà nó có thể đem lại cho nền kinh tế Nga trong bối cảnh hiện nay.
Trong phần này, tác giả sẽ tập trung làm rõ hơn tình hình cũng như xu hướng quan hệ trong lĩnh vực kinh tế giữa Nga và một số nước có tranh chấp chủ yếu ở Biển Đông và qua đó, cùng với những phân tích về chính sách vĩ mô của Nga, sẽ đưa ra những nhận định của tác giả về chính sách kinh tế của Nga ở khu vực Biển Đông.
1.1.Thực trạng và xu hướng quan hệ kinh tế Nga – Việt
Quan hệ Nga-Việt được coi là một hình mẫu của quan hệ quốc tế. Mối quan hệ này được hình thành và thử thách qua lịch sử. Đến nay, giữa Việt Nam và Liên bang Nga trên phương diện ngoại giao được nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, còn thực tế trên mọi lĩnh vực, đây là mối quan hệ của những người bạn lớn, đồng chí, anh em. Chính mối quan hệ đặc biệt ấy, cùng với những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải trong những năm qua liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, Nga, cả trên cả phương diện công khai lẫn không công khai, đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Việt Nam, trong đó có quan hệ trong lĩnh vực kinh tế hoặc có liên quan chặt chẽ đến kinh tế.
Như đã nói ở trên, nhằm đưa quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga phát triển thực chất hơn, hai nước đã xác lập khuôn khổ hợp tác mới - là đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 7/2012 nhân chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang [39]. Khuôn khổ hợp tác này mang đến một luồng sinh khí mới cho sự phát triển của quan hệ hai nước. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống V. Pu-tin (tháng 11-2013), của Chủ tịch Đu-ma quốc gia S.E. Na-rư-xkin (tháng 12-2014) và chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 11-2014) cũng là nhằm nhìn nhận lại kết quả phát triển quan hệ giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, từ đó cùng thỏa thuận các biện pháp cụ thể để củng cố, nâng cao hơn nữa hợp tác Việt Nam - Nga trong bối cảnh mới.
Ngoài những vấn đề quan hệ song phương, lãnh đạo hai nước thông qua các cuộc gặp chính thức tại mỗi nước và bên lề các hội nghị, diễn đàn, các tổ chức quốc tế,... bàn thảo nhiều vấn đề chính trị - an ninh quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, tạo nên sự đồng thuận cao trong nhiều vấn đề quốc tế nóng bỏng. Trên thực tế, hợp tác chiến lược Việt Nam - Nga đã trở thành một nhân tố quan trọng, có ảnh hưởng tích cực tới tình hình Đông Nam Á và toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhờ lực đẩy của hợp tác chính trị - ngoại giao, quan hệ kinh tế Việt Nam - Nga ngày càng có những thay đổi tích cực, những bước tiến về chất trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong thương mại, đầu tư và năng lượng.
Về thương mại, nếu năm 1994, kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt khoảng 300 triệu USD, năm 2000 hơn 363 triệu USD, thì từ năm 2007 đến nay, con số đó đã vượt mốc 1 tỷ USD, năm 2012 đạt 3,7 tỷ USD; năm 2013 là 4 tỷ USD [40] và trong năm 2014 tính đến hết tháng 9 đạt hơn 2 tỷ USD. Đáng chú ý là từ một nước nhập siêu, kể từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu xuất siêu sang Nga. Hai nước quyết tâm thúc đẩy thương mại hai chiều đạt 7 tỷ USD năm 2015 và trên 10 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam và các nước thuộc Liên minh Hải quan (Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan), sau 8 phiên đàm phán, đã thống nhất ký Thông báo về kết thúc cơ bản đàm phán và tiếp tục thúc đẩy quá trình trao đổi, tham vấn nội bộ để nhanh chóng hoàn tất những vấn đề kỹ thuật còn lại để có thể ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vào đầu năm 2015. Việc ký kết FTA giữa Việt Nam và ba nước thuộc Liên minh Hải quan hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi cho các nước thành viên và sẽ là bước đột phá mở đầu cho việc hình thành mối liên kết kinh tế chặt chẽ giữa các bên, đồng thời mở ra các hướng hợp tác mới với các nước, các tổ chức kinh tế bên ngoài khu vực.
Về đầu tư, tính đến hết tháng 6-2014, Nga có 101 dự án đầu tư ở Việt Nam đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 2,05 tỷ USD, đứng thứ 18/101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Điểm mới đáng chú ý là đầu tư của Việt Nam vào Nga trong vài năm gần đây tăng nhanh, từ 100 triệu USD năm 2008 lên hơn 2,5 tỷ USD hiện nay, với 20 dự án, trong đó có đầu tư khai thác các mỏ dầu khí của Nga trên Biển Đông. Ngoài ra có hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ 100% vốn của người Việt đang hoạt động sản xuất, kinh doanh khá hiệu quả tại Nga.
Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống, được coi là hiệu quả nhất, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước Việt Nam và Nga trong nhiều năm qua. Hiện nay, hợp tác về năng lượng được coi là lĩnh vực then chốt, có ý nghĩa chiến lược với cả hai nước, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và điện hạt nhân. Điều đáng nói là giờ đây hợp tác dầu khí Việt Nam - Nga có sự phát triển mang tính đột phá về quy mô và lĩnh vực, địa bàn hoạt động. Bên cạnh Liên doanh Vietsovpetro và Gazprom, Rosneft đang gia tăng sự hiện diện ở Việt Nam, còn có liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet đang mở rộng hợp tác trong lĩnh vực dầu khí ở cả Việt Nam và Nga. Với Việt Nam, lĩnh vực hợp tác này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, mà cả về an ninh, về bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo.
Hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Nga được phát triển thêm một bước khi hai nước ký nhiều thỏa thuận trong chuyến thăm Nga vừa qua của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong chuyến thăm này giữa các nhà sáng lập công ty liên doanh – Zarubezhneft (Nga) và Petrovietnam đã diễn lễ ký biên bản ghi nhớ phát triển hợp tác.
Văn bản này không chỉ liên quan tới Vietsovpetro ở Vũng Tàu mà cả liên doanh Rusvietpetro hoạt động tại vùng Cực bắc châu Âu của Nga. Năm nay, Rusvietpetro lên kế hoạch khai thác hơn 3 triệu tấn dầu, lớn hơn một nửa trữ lượng khai thác dự kiến của Vietsovpetro. Cách Vũng Tàu ba trăm cây số, tại các mỏ Mộc Tinh và Hải Thạch đang diễn ra hoạt động khai thác khí đốt với hãng Gazprom của Nga.
Sau khi đạt mức dự án, hàng ngày tại đây sẽ sản xuất 8,5 triệu mét khối khí và 3,5 nghìn tấn khí ngưng tụ. Việc Petrovietnam lựa chọn doanh nghiệp Nga làm đối tác được cân nhắc dựa vào kinh nghiệm một chục năm hợp tác hiệu quả với Gazprom và cũng được coi là sự lựa chọn chiến lược khi tranh chấp trên Biển Đông ngày càng căng thẳng. Công ty liên doanh đầu tiên được hai bên lập ra là Vietgazprom hiện nay điều khiển ba dự án trên thềm lục địa Việt Nam.
Liên doanh thứ hai – Gazpromviet hoạt động ở Nga, quản lý hai mỏ khí – tại tỉnh Orenburg trên biên giới với Kazakhstan và ở phía bắc khu vực châu Âu của Nga. Doanh nghiệp Gazprom Neft có cổ đông lớn nhất là Gazprom cũng quan tâm tham gia vào việc hiện đại hóa và mua cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất. Điều kiện tham gia dự án này là cung cấp nhiên liệu cho nhà máy.
Gazprom Neft và Petrovietnam đã ký một hợp đồng bán dầu thô cho Việt Nam. Tiếp đến hai bên đã ký tài liệu thành lập công ty liên doanh khai thác mỏ dầu Dolginskoe tại vùng biển Pechora ở phía Bắc của Nga ở độ sâu 35-55 mét.
Ngoài ra theo thỏa thuận nữa giữa Gazprom và Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, hai bên sẽ thành lập công ty liên doanh sản xuất nhiên liệu xe từ khí tự nhiên. Nhiên liệu sẽ phục vụ các phương tiện giao thông công cộng tại TP.HCM, hiện là yếu tố gây ô nhiễm nghiêm trọng cho không khí đô thị. Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất xe buýt mới chạy bằng khí đốt tự nhiên.” Ngoài việc hợp tác với Gazprom, Petrovietnam và Rosneft, một hãng khai thác dầu lớn của Nga đã đạt được thỏa thuận thành lập liên doanh mới hoạt động ở hai mỏ nữa trên thềm lục địa Nga. [41]
Về điện hạt nhân, hai nước đã ký kết Hiệp định liên chính phủ về việc Nga cấp tín dụng cho Việt Nam xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I. Dự án này đang được triển khai theo đúng tiến độ đã được thỏa thuận, và năng lượng nguyên tử sẽ đóng vai trò là một trụ cột mới làm nền móng cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga. [42].
Bên cạnh những hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, hạt nhân, Việt Nam và Nga còn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tài chính. Chẳng hạn giữa Việt Nam và Nga thành lập ngân hàng liên doanh Việt-Nga. Đây là ngân hàng liên doanh đầu tiên giữa hai nước mà nhiệm vụ chủ yếu là để tạo động lực cho phục vụ các hoạt động thanh toán, đầu tư của doanh nghiệp hai nước trong quan hệ thương mại, đầu tư.
Ngoài ra, cùng với những động thái cấm vận lẫn nhau do tác động của cuộc khủng hoảng ở Ucraine, Nga đang thiếu những mặt hàng thủy, hải sản và nông phẩm khác. Điều này đã tạo điều kiện tốt cho thúc đẩy quan hệ hai nước, bởi phía Nga đang thiếu hụt loại hàng này, trong khi đó phía Việt Nam thì nguồn cung luôn dồi dào.
Có thể nói, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong thời gian gần đây đã có những chuyển biên rõ rệt, đa dạng hơn trong các lĩnh vực hợp tác và có tính hai chiều. Tuy nhiên, có thể khẳng định ưu tiên hợp tác chính trong lĩnh vực kinh tế vẫn là hợp tác về dầu khí và năng lượng. Điều này đã được khẳng định trong tuyên bố chung sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Liên bang Nga trong tháng 11/2014 vừa qua. [43].
Rõ ràng, quan hệ về dầu khí có ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam bởi đây không chủ là nguồn thu chủ yếu của Việt Nam mà việc Nga tham gia vào khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam đã góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và cũng là yếu tố tạo nên vị thế địa chính trị có lợi cho Việt Nam trong các tranh chấp ở Biển Đông. Rõ ràng, Nga không thể không biết điều này, tuy nhiên với việc Nga và Việt Nam thỏa thuận khai thác hai lô khí đốt 05.2 và 05.3 vào tháng 4/2012 ở Biển Đông [27] giữa lúc căng thẳng tranh chấp chủ quyền đang lên cao đã cho thấy những “hỗ trợ” của Nga trong vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
1.2. Thực trạng và xu hướng quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc
Hiện nay, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Nga. Với chính sách hướng Đông của mình cũng với những tác động của tình hình Ucraine, Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng hơn trong các chính sách kinh tế của Nga trong thời gian gần đây. Chuyến thăm của Tổng thống Nga V.Putin tới Bắc Kinh tháng 5/2014 và kết quả là hàng loạt những thỏa thuận được ký kết, trong số đó đáng lưu ý nhất là thỏa thuận về việc  Nga bán khí đốt cho Trung Quốc. Đây được coi là thỏa thuận có giá trị lớn nhất trong lịch sử quan hệ kinh tế giữa hai nước bởi giá trị của nó vào khoảng 400 tỉ USD. [44] [10] Rõ ràng, một thỏa thuận đã được tiến hành đàm phán nhiều năm mà trở ngại chủ yếu là yếu tố giá bán nay được ký kết nhanh chóng đã cho thấy vị thế khá quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế Nga trong bối cảnh hiện nay.
Theo những thống kê gần đây nhất, quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đã phát triển với một tốc độ rất nhanh và ở “một trình độ rất cao của quan hệ đối tác chiến lược” [45]. Cho đến trước năm 2010 tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước mới chỉ đạt trên dưới 40 tỉ USD, nhưng đến năm 2014 con số này đã lên tới trên 90 tỉ USD. Như vậy, với chỉ 4 năm con số này đã tăng lên gấp đôi với số lượng kỷ lục. [46].
Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, trong năm 2013 trong số 20 đối tác thương mại hàng đầu của Nga, Trung Quốc đứng thứ 10. Trong năm 2014 dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng với những thỏa thuận đạt được cùng với những chế tài do Mỹ và phương Tây áp đặt, chắc chắn Trung Quốc sẽ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nga. [46].
Trong năm 2013, Trung Quốc xuất khẩu vào Nga đạt gần 50 tỉ USD, còn Nga xuất vào Trung Quốc khoảng 40 tỉ USD. Xét về cơ cấu, Nga chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc những mặt hàng như khí, dầu và các sản phẩm từ dầu khí, sau đến là các kim loại đen, kim loại màu, sản phẩm công nghiệp nặng và gỗ và các sản phẩm từ gỗ… Còn về phía Nga chủ yếu nhập về từ Trung Quốc hàng hóa theo nhóm máy móc và phụ kiện cũng như các sản phẩm của công nghiệp hóa học… [46]
Trong lĩnh vực đầu tư, chỉ tính riêng năm 2013 Trung Quốc đã đầu tư vào Nga khoảng 3 tỉ USD, trong đó chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực khai khoáng và công nghiệp gỗ, xây dựng và giao thông…
Theo thỏa thuận của năm 2014, Trung Quốc sẽ xây dựng tuyến đường sắt Bắc Kinh – Moscow với chiều dài 7000 km và đi qua nước Cộng hòa Ca-dắc-x-tan. Đây là tuyến đường sắt chiến lược có giá trị lên đến 242 tỉ USD. [45] Cũng theo thỏa thuận đạt được vào tháng 5 năm 2014, Nga và Trung Quốc sẽ xây dựng đường ống dẫn dầu sang Trung Quốc [44].
Như vậy, có thể thấy, chính sách hướng Đông của Nga coi Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu. Nga đang tận dụng nguồn vốn và công nghệ của Trung Quốc để bù đắp những thiếu hụt về vốn, công nghệ của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy, đây là mối quan hệ hai bên cùng có lợi. Nga không chấp nhận những khoản hỗ trợ của Trung Quốc. Bởi theo nhiều nguồn tin, Thủ tướng Trung Quốc đã ngỏ ý muốn giúp Nga thoát khỏi khủng hoảng do những cấm vận của phương Tây đem lại và sự rớt giá của giá dầu trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, phía Nga vẫn chưa muốn nhận những giúp đỡ tài chính đó, bởi nếu nhận được những hỗ trợ đó Nga sẽ phải có những nhượng bộ nhất định, chí ít là bị ảnh hưởng trong quan điểm giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có Biển Đông. Ngoài ra, những nguy hại có thể đến bất cứ lúc nào đối với vùng Siberia nếu những ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc quá lớn. Rõ ràng, quan hệ giữa Trung Quốc và Nga chủ yếu vẫn là quan hệ lợi ích. Trung Quốc muốn thông qua những lợi ích về kinh tế để ảnh hưởng lên những vấn đề chính trị, an ninh quốc tế. Tuy nhiên, có thể thấy Nga vẫn có những bước đi mang tính chất phòng ngừa.
1.3. Thực trạng và xu hướng quan hệ kinh tế giữa Nga và một số quốc gia khác trong khu vực Biển Đông
Quan hệ kinh tế giữa Nga và các quốc gia trong khu vực ASEAN trên thực tế mới được thúc đẩy trong những năm gần đây. Ngoài Việt Nam là đối tác chủ yếu và truyền thống, quan hệ kinh tế giữa Nga và các quốc gia liên quan trong khu vực Biển Đông phần lớn được thúc đẩy nhờ vào quan hệ ngày càng được củng cố thông qua quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Mối liên hệ về kinh tế giữa Nga và các quốc gia trong khu vực phát triển khá muộn chủ yếu là do những trở ngại về địa lý, yếu tố lịch sử, truyền thống cũng như những điều kiện về kinh tế, chính trị không thuận lợi cho hợp tác giữa Nga và khu vực này. Quan hệ ngoại giao cũng như kinh tế của các quốc gia ở khu vực này chỉ thực sự nhen nhóm khi vị thế của ASEAN với tư cách là một hiệp hội đang dần phát triển thành một cộng đồng chung, có tiềm lực kinh tế mạnh và có tiếng nói, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Ngoài ra, nhờ sự phục hồi của nền kinh tế, vai trò cầu nối của Việt Nam ngày càng được khẳng định, thực hiện chính sách hướng Đông của Nga, quan hệ thương mại đầu tư giữa Nga và các quốc gia khu vực Biển Đông (trong Hiệp hội ASEAN ) mới ngày càng phát triển.
Như đã nói ở trên, nếu trong các quan hệ quốc phòng, ngoại giao, ngoài Việt Nam, trong khu vực ASEAN Nga còn có quan hệ ngày càng phát triển với một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh tế, trên thực tế mới chỉ thông qua tổ chức hiệp hội của các quốc gia trong khu vực này.
Về quan hệ kinh tế giữa Nga và ASEAN có thể tóm lược ở những kết quả dưới đây:
-Tháng 12/2005, ASEAN và Nga hoàn tất Hiệp định Hợp tác Kinh tế và Phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ và văn hóa.
-Cuộc họp tham vấn các quan chức cao cấp về Kinh tế (SEOM) ASEAN-Nga lần thứ nhất (Singapore, 19/7/2006) quyết định Nhóm Công tác ASEAN-Nga về Hợp tác Thương mại và Kinh tế (ARWGTEC) sẽ báo cáo lên SEOM thay cho báo cáo Ủy ban Hợp tác chung ASEAN-Nga (ARJCC) như trước.
- Cuộc họp Ủy ban Quản lý và Kế hoạch chung ASEAN-Nga (JPMC) lần thứ 7 và Ủy ban Hợp tác chung ASEAN-Nga (JCC) lần thứ 8 (Yangon, 25/11/2009) nhất trí đề nghị tổ chức thường xuyên Nhóm Công tác và Tham vấn SEOM-Nga để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai bên. ASEAN và Nga đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp nhân dịp Cấp cao ASEAN-Nga lần thứ hai tại Hà Nội tháng 10/2010.
- ASEAN và Nga đã tổ chức họp tham vấn Bộ trưởng Kinh tế tại Đà Nẵng tháng 8/2010. Các Bộ trưởng đã thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, trong đó có các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại, tiêu chuẩn chất lượng, năng lượng, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, an ninh lương thực, du lịch, vận tải hàng không và năng lượng tái tạo. Các Bộ trưởng cũng nhất trí xây dựng lộ trình tăng cường quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Nga.
-Hợp tác ASEAN-Nga được tiến hành trong khuôn khổ triển khai Lộ trình thực hiện Kế hoạch Hành động Toàn diện ASEAN-Nga (CPA) thúc đẩy hợp tác giai đoạn 2005-2015. Để thúc đẩy việc triển khai các dự án hợp tác, Nga sẽ đóng góp 1,5 triệu USD mỗi năm cho Quỹ Hợp tác ASEAN-Nga.
-Cuộc họp tham vấn Quan chức cao cấp về năng lượng ASEAN-Nga lần thứ nhất đã được tổ chức ngày 21/7/2010 tại Đà Lạt, thông qua Chương trình Công tác Hợp tác Năng lượng ASEAN-Nga giai đoạn 2010-2015.[47]
Như vậy, có thể thấy, hầu hết các mối liên hệ kinh tế giữa Nga và các quốc gia ASEAN chủ yếu được thực hiện hoặc tiến hành thông qua cơ chế đa phương. Điều này cho thấy, vai trò đặc biệt của Việt Nam như là một cầu nối quan trọng giúp Nga gia nhập vào thị trường Đông Nam Á.
Có thể thấy, nếu như so với trước đây, trong những năm gần đây Nga đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến thị trường và quan hệ kinh tế với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Điều này phù hợp với chính sách hướng Đông của Nga. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, quan hệ kinh tế của Nga với các quốc gia ở khu vực này còn rất sơ khai, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng, cũng như các hợp đồng buôn bán vũ khí. Rất khó khăn để Nga gia nhập thị trường này bởi sự ảnh hưởng cũng như sự cạnh tranh rất lớn từ Mỹ, Trung Quốc. Tuy nhiên, trên cơ sở những tuyên bố chính thức và nỗ lực gần đây, rõ ràng Nga muốn có vị trí tốt hơn trong khu vực này. Điều này được thể hiện thông qua những nỗ lực của Nga trong việc đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam và coi Việt Nam là cầu nối cho Nga thâm nhập thị trường ASEAN.
2. Nhận định về chính sách kinh tế của Nga ở khu vực Biển Đông
Trên cơ sở phân tích thực trạng quan hệ kinh tế giữa Nga và một số quốc gia khu vực Biển Đông cũng như với ASEAN, đồng thời xem xét những xu hướng trong quan hệ kinh tế giữa Nga và khu vực này, chúng tôi xin được đưa ra những nhận định về chính sách kinh tế của Nga ở khu vực Biển Đông.
Thứ nhất, chính sách kinh tế của Nga ở khu vực Biển Đông gắn liền với chính sách hướng Đông của quốc gia này và dần coi quan hệ thương mại, đầu tư với các quốc gia khu vực Biển Đông và ASEAN là đối tác thương mại quan trọng, nhất là những hợp tác trong lĩnh vực Nga là thế mạnh như hợp tác về dầu khí, năng lượng, các ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp quốc phòng. Bên cạnh đó, quan hệ trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm chế biến cũng dần được phát triển do những khan hiếm về thực phẩm ở thị trường Nga;
Thứ hai, Nga vẫn tập trung vào quan hệ kinh tế với với Trung Quốc và Việt Nam như là hai thị trường chủ chốt trong khu vực. Chính sách kinh tế của Nga ở khu vực này có sự phân chia khá rõ nét khi vẫn coi Trung Quốc là đối tác chủ yếu do nhu cầu nguồn vốn, công nghệ rất lớn của Nga cũng như việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế đáp ứng được nhu cầu, lợi ích của cả hai nước. Đối với Việt Nam, chính sách kinh tế của Nga coi Việt Nam là bạn hàng truyền thống trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng và công nghiệp quốc phòng. Bên cạnh đó, Nga coi Việt Nam là cửa ngõ để tham gia vào thị trường Đông Nam Á. Chính vì thế, trong tương lại, chính sách kinh tế của Nga với Việt Nam sẽ mở rộng hơn nữa để áp ứng yêu cầu hội nhập này. Việc Việt Nam và Liên minh hải quan tuyên bố kết thúc đàm phàn cho thấy những mong muốn và xu thế đó trong quan hệ kinh tế giữa Nga với Việt Nam và ASEAN.
Thứ ba, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, chính sách kinh tế của Nga luôn nỗ lực tách bạch kinh tế và an ninh, chính trị. Tuy nhiên, trong quan hệ kinh tế với Việt Nam, Nga luôn có chính sách lựa chọn những lĩnh vực hợp tác kinh tế được coi là nhạy cảm hơn để qua đó có thể phần nào giúp Việt Nam củng cố tiềm lực quốc phòng, giảm lệ thuộc vào năng lượng, tác động an ninh từ Trung Quốc cũng như khẳng định chủ quyền trong những tranh chấp ở Biển Đông dù rằng trong mọi tuyên bố Nga luôn khẳng định Nga chỉ quan tâm đến các lợi ích kinh tế và việc thỏa thuận khai tác mỏ khí tại hai lô 05.2 và 05.3 trên Biển Đông là một ví dụ.
__________

1.              Морская доктрина Российской Федерации на период до 2020 года (Học thuyết biển của Liên bang Nga đến năm 2020. Ban hành năm 2001) http://www.consultant.ru/document/cons_doc_LAW_99415.
2.              Внешнеэкономическая стратегия Российской Федерации до 2020 года (Chiến lược kinh tế đối ngoại của Liên bang Nga đến năm 2020. Ban hành năm 2008) http://economy.gov.ru/minec/activity/sections/foreignEconomicActivity/vec2020
3.              Концепция внешней политики Российской Федерации 2013 (Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga năm 2013) http://www.mid.ru/brp_4.nsf/0/6D84DDEDEDBF7DA644257B160051BF7F.
4.              Концепция внешней политики Российской Федерации 2008 (Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga năm 2008) Xem trên: http://kremlin.ru/acts/785.
5.              Российский Дальний Восток: стратегия развития в XXI веке: Монография / Отв. ред. Л.А. Аносова. – М.: Институт экономики РАН. 2014. – 214с.
6.              Восточная политика Владимира Путина. Возвращение России на «Большой Восток» (2004—2008 гг.) / С.Г. Лузянин. — М: ACT: Восток — Запад, 2007. — 447, [I] с. (Chính sách hướng Đông của V.Putin: Sự trở lại của nước Nga về “phương Đông vĩ đại” (2004-2008)/ Chủ biên: S.G. Lunhianhin. –M: AST: Đông – Tây, 2007- 447 trang.).
7.              Восточная и Юго-Восточная Азия — 2011: внутренняя и внешняя политика, межстрановые конфликты. — М.: Инс титут экономики РАН, 2012. — 208 с. (Đông Á và Đông Nam Á – 2011: chính sách đối nội và đối ngoại, những tranh chấp giữa các quốc gia. – M. Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga, 2012. – 208 trang.).
8.              Панов А.Н. Интеграция России в Азиатско-Тихоокеанский регион: перспективы 2012–2020 / Внешняя политика России 2000–2020. Т. 2. РСМД. Москва, 2012. С. 214 (Panov A.N. Sự hội nhập của nước Nga vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: xu hướng từ 2002-2020/ Chính sách đối ngoại của nước Nga 2000-2020. Tập 2. Moscow, 2012).
9.              Đông Nam Á: Những vấn đề thời sự của sự phát triển (Quyển XX). Mosiakov D.V (Chủ biên) Viện nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, 2013 (Tiếng Nga)
10.         Kotlyar N.V. Chiến lược Nga-Trung trong tranh chấp lãnh thổ ở Thái Bình Dương// Tạp chí khoa học chính trị trường Đại học Tổng hợp Chelyabisk, Nga, sô 23 năm 2013;
11.          Serafimov V.V. Nga-ASEAN: 10 năm hợp tác hiệu quả.// Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 7/2006.
12.         GS.TS. Kheiphes. Những ưu tiên phát triển kinh tế giữa Nga với các nước ASEAN trong những năm đầu của thế kỷ XXI, Báo cáo tham luận Hội thảo quốc tế “Hướng tới quan hệ hợp tác toàn diện Nga – ASEAN trong những năm đầu thế kỷ XXI”. TP. Hồ Chí Minh, tháng 3/2007.
13.         PGS.TS. Nguyễn Quang Thuấn (Chủ biên), Quan hệ Nga-ASEAN trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, NXB. Khoa học xã hội. Hà Nội – 2008.
14.         Hoàng Minh Hà, Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga đến năm 2020 và vị trí của ASEAN trong chiến lược đó. Nghiên cứu Châu Âu, số 6, 2007.
15.         Võ Đại Lược, Quan hệ Việt-Nga với xu thế gia tăng giữa hợp tác khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh quốc tế mới. Đề tài độc lập cấp nhà nước, Hà Nội, 2004.
16.         Nguyễn Văn Tâm, Một số xu hướng phát triển kinh tế chủ yếu của Nga trong những năm đầu của thế kỷ XXI// Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới, 8/2003.
17.         Ngô Sinh (Tổng hợp), Nước Nga thời Putin. NXB, Văn hóa – thông tin, Hà Nội-2008.
18.         http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ChiTietVeQuocGia?diplomacyNationId=211&diplomacyZoneId=3&vietnam=0.
19.         http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A1m_%C4%91%E1%BB%99i_Th%C3%A1i_B%C3%ACnh_D%C6%B0%C6%A1ng_Nga.
20.         http://www.tinbiendong.com/nd5/detail/my-va-bien-dong/my-muon-nga-the-hien-vai-tro-trong-tranh-chap-bien-dao-o-chau-a/857.014.html.
21.         http://ria.ru/spravka/20140520/1008413779.html.
22.         http://tapchiqptd.vn/en/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/doi-net-ve-vai-tro-cua-nga-trong-cau-truc-an-ninh-khu-vuc-chau-a-%E2%80%93-thai-binh-duong/6080.html.
23.         http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-chau-au/725-vitaly-naumkin.
24.         http://vi.wikipedia.org/wiki/Bi%E1%BB%83n_%C4%90%C3%B4ng
25.         http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/gia-da-u-gia-m-no-i-len-die-u-gi-trong-tranh-cha-p-bie-n-dong-3141080.html
26.         http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/khong-quan-nga-lan-dau-dung-cam-ranh-viet-nam-giu-loi-3224019/
27.         http://vnsea.net/tabid/136/ArticleID/991/language/vi-VN/Default.aspx
28.         http://vi.wikipedia.org/wiki/Tranh_ch%E1%BA%A5p_b%C3%A3i_c%E1%BA%A1n_Scarborough
29.         http://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_gi%C3%A0n_khoan_H%E1%BA%A3i_D%C6%B0%C6%A1ng_981
30.         http://www.vietnamplus.vn/nga-gia-tang-hien-dien-o-chau-athai-binh-duong/223767.vnp
31.         http://www.vietnamplus.vn/nga-gia-tang-hien-dien-o-chau-athai-binh-duong/223767.vnp
32.         http://www.vietnamplus.vn/nga-gia-tang-hien-dien-o-chau-athai-binh-duong/223767.vnp
33.         http://www.dav.edu.vn/en/reseach/introduction.html?id=293:so-17-quan-he-cua-lien-bang-nga-voi-cac-nuoc-asean-hien-nay
34.         http://www.tinbiendong.com/nd5/detail/my-va-bien-dong/my-muon-nga-the-hien-vai-tro-trong-tranh-chap-bien-dao-o-chau-a/857.014.html
35.         http://ria.ru/world/20140520/1008598293.html
36.         http://lenta.ru/news/2014/11/09/putin/
37.         http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/thoa-thuan-viet-nga-ve-cam-ranh-goc-nhin-doi-ngoai-quan-su-3226248/
38.         http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri-viet-nam/viet--nga-ky-ket-9-van-kien-hop-tac-quan-trong-3214659/
39.         Mai Văn Thắng, Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam và Liên bang Nga – Khẳng định quan hệ truyền thống, nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện // Nghiên cứu lập pháp số 24 tháng 11/2012.
40.         Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga phát triển tích cực, www. chinhphu.vn, ngày 16-4-2014.
41.         http://nguyentandung.org/tang-cuong-hop-tac-dau-khi-viet-nga.html
42.         http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2015/31369/Nhin-lai-65-nam-quan-he-Viet-Nam-Nga.aspx
43.         http://baodientu.chinhphu.vn/The-gioi-va-Viet-Nam/Tuyen-bo-chung-Viet-Nam-va-LB-Nga/214323.vgp
44.         http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nga-trung-quoc-ky-thoa-thuan-khi-dot-400-ti-usd-20140521181147052.htm
45.         http://vietnamese.ruvr.ru/news/2014_10_13/278604380/
46.         http://ria.ru/spravka/20140520/1008413779.html
47.         http://asean.mofa.gov.vn/vi/nr070521170205/nr131114153204/nr131114235434/ns131114115616/newsitem_print_preview
48.         http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/hop-tac-quan-su-viet-nga-on-dinh-va-tin-cay-2360856/
49.         http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri-viet-nam/se-thanh-lap-lien-doanh-san-xuat-quoc-phong-viet-nga-2359401/
50.         http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/don-gian-hoa-thu-tuc-cho-tau-chien-nga-vao-cam-ranh-3215454/
51.         http://www.doisongphapluat.com/the-gioi/the-gioi-24h/900-binh-si-nga-toi-trung-quoc-tham-gia-tap-tran-a45585.htm
52.         http://www.doisongphapluat.com/lien-quan/the-gioi/quan-su/tac-dong-cua-cuoc-tap-tran-hai-quan-nga-trung-quoc-r33768.html
53.         http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/loi-nhac-thang-cua-nga-toi-trung-quoc-3227751/
54.         http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/loi-nhac-thang-cua-nga-toi-trung-quoc-322775


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.