Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

“Suy đoán vô tội”, “giả định vô tội” hay “mặc định vô tội”!?

ảnh Internet
Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN

Tôi vốn không thích cãi cọ, nhưng tranh luận khoa học hoặc phản biện thì có chút hứng thú. Vậy nên tôi viết bài này với mục đích góp phần tranh luận về những thứ rất mới, rất tiến bộ về mặt pháp lý vừa được ghi nhận ở nước ta hai năm trở lại đây (nhưng cũng rất nguy hiểm nếu không nhận diện đúng và phù hợp). Tôi đơn giản nghĩ rằng, chân lý chỉ có thể đạt được khi tranh luận. Tôi thật không muốn chứng tỏ điều gì, mà ngược lại, những gì tôi biết, tôi suy nghĩ tôi cứ viết lên đây để mọi người đọc và góp ý qua đó tôi sẽ có cơ hội hoàn thiện mình hơn. Âu cái sự học cũng là cái nghiệp suốt đời. Ngoài ý này ra, tôi viết bài này cũng là bởi vì tôi quá xúc động khi nghe câu nói của ông "Người tù thế kỳ " Huỳnh Văn Nén: "Ở cái đất nước này có ai khổ như tôi không!?....". Giá như cái gọi là "Mặc định vô tội" hay "suy đoán vô tội", "giả định vô tội" được nhận thức và áp dụng ở nước ta sớm hơn...!.... 
Cách đây không lâu tôi có đọc được một bài viết khá thú vị trên chuyên mục Tuần Việt Nam của giảng viên Khoa Luật, ĐHQGHN Bùi Tiến Đạt về cách dịch thuật ngữ “presumption of innocence” trong tiếng Anh sang tiếng Việt và tính chất quan trọng của việc chuẩn hóa việc sử dụng thuật ngữ đó, nhất là trong những vấn đề liên quan đến pháp luật. Phải nói rằng, đây là một phân tích khá thú vị và mở ra nhiều điều, nhất là những vấn đề liên quan đến lập pháp, du nạp pháp luật nước ngoài, mối quan hệ giữa văn hóa, ngôn ngữ và luật pháp…
Tôi đồng tình với tác giả Bùi Tiến Đạt ở chỗ không nên dịch thuật ngữ nói trên trong tiếng Anh sang tiếng Việt là “Suy đoán vô tội” (SĐVT). Những lập luận của tác giả về vấn đề này tôi cho là khá thuyết phục.

Trong bài này, tác giả Bùi Tiến Đạt có khuyến nghị cần thay thuật ngữ “suy đoán vô tội” thành thuật ngữ “Giả định vô tội” (GĐVT) và cho rằng, việc sử dụng thuật ngữ này là phù hợp với ý nghĩa của thuật ngữ “presumption of innocence” trong tiếng Anh và tương thích với những quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này.
Tuy nhiên, tôi cho rằng việc sử dụng thuật ngữ “Giả định vô tội” cũng chưa làm thỏa mãn và khó có thể nói là hoàn toàn phù hợp với quy định mới của Hiến pháp 2013 “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (K.1, Điều 31). Bên cạnh đó, thiết nghĩ việc dịch thành GĐVT ở một khí cạnh nào đó cũng chưa hoàn toàn tương thích với cách sử dụng tiếng Việt trong thực tiễn ở nước ta.
Để lập luận cho quan điểm của mình, tác giả Bùi Tiến Đạt cho rằng: “…luật học không sử dụng khái niệm ‘presume’ theo nghĩa ‘suy đoán’ như trên. Từ điển Longman nêu rõ trong lĩnh vực luật, ‘presume’ được hiểu là ‘chấp nhận một điều gì đó là đúng cho đến khi nó được chứng minh là không đúng’. Đây chính là khái niệm giả định, giả thiết trong tiếng Việt.”[1]
Câu hỏi đặt ra là “chấp nhận một điều gì đó là đúng cho đến khi nó được chứng minh là không đúng” có phải là giả định trong tiếng Việt không là vấn đề cần bàn lại.
Giả định được hiểu là “cho một cái gì đó là có thật để làm căn cứ để tiến hành làm cái gì đó”.[2]  Giả định cũng được hiểu là “tương tự giả thiết”, “sắp đặt trước như đã có thật rồi”[3]… trong một số từ điển tiếng Việt trực tuyến.
 Trong thực tiễn sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, có rất nhiều trường hợp dùng từ giả định. Ví dụ như “tình huống giả định” về một vụ việc bắt cóc con tin là có 10 người bị một tay súng bắt cóc trong nhà hàng. Đây là một tình huống được đưa ra làm căn cứ cho việc diễn tập của lực lượng cảnh sát trong hoạt động phòng, chống tội phạm…
Như vậy, liệu với ý nghĩa và cách sử dụng thuật ngữ trên trong thực tiễn Việt Nam thì cách dịch GĐVT có phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 31 của Hiến pháp 2013 và thuật ngữ “presumption of innocence” trong tiếng Anh hay không?
Theo quy định của Hiến pháp “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Thiết nghĩ, đây không phải là một giả định và cũng không phải là một giả thiết, mà đây là một quy định nguyên tắc, là một quy tắc xử sự ghi nhận về một trạng thái “vô tội” được mặc định cho mọi người, kể cả người đang bị buộc tội. Người bị buộc tội phải được coi là chưa có tội… đó là một mặc định pháp lý mang tính nguyên tắc.
Trong lý luận về pháp luật có một loại quy tắc đặc biệt đó là quy tắc mặc định pháp lý. Quy tắc này khác với giả định như là một bộ phận của quy phạm pháp luật thông thường. Nếu như quy phạm pháp luật thông thường có ba bộ phận cấu thành là: giả định (nêu tình huống, chủ thể, tình tiết), quy định (cách thức ứng xử sau khi giả thiết đã xảy ra) và bảo đảm thực hiện (thường được gọi là chế tài vì truyền thống pháp luật thường gắn các biện pháp bảo đảm với chế tài), thì quy tắc pháp luật không phải là một loại quy phạm pháp luật truyền thống. Quy tắc pháp luật loại này chỉ nêu ra một cách hành xử chung và cách hành xử này đã được đúc kết, kiểm nghiệm từ thực tiễn và được công nhận như là chân lý cho đến khi bị bãi bỏ hoặc bị chứng minh ngược lại. Trong số các quy tắc đặc biệt đó có mặc định pháp lý, tiên đề pháp lý… Các quy tắc pháp lý này thường tồn tại khá ngắn gọn thông qua các quy định và không có phần giả định, chế tài. Nó được đảm bảo thực thi vì nó được quy định trong các văn bản pháp luật và với tính chất là quy tắc pháp lý nên nó luôn được đảm bảo bằng quyền lực của nhà nước và cả bằng tính chất “chân lý” được thừa nhận của nó.
Thực tế cho thấy có rất nhiều quy định dạng này. Ví dụ: Mặc định phải biết luật (nếu lấy lý do không biết luật nên mới vi phạm thì tòa án cũng sẽ bác bỏ lập luận này) hay mặc định phán quyết của tòa án là công lý, công bằng (cho tới khi chứng minh điều ngược lại), mặc định cha mẹ phải chịu trách nhiệm cho những hành vi của con vị thành niên…
Mặc định có thể biểu hiện rõ ràng dưới dạng nguyên tắc pháp lý hoặc không được biểu hiện rõ, nhưng được thể hiện ngầm ở những nội dung của các quy phạm pháp luật hay ở các quy định khác ở các văn bản pháp luật. Mặc định vô tội được thể hiện trong nội dung của Khoản 1, Điều 31 Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
Mặc định pháp luật khác với giả thiết và giả định, tiên đề pháp luật. Giả thiết thường được dùng phổ biến trong các hoạt động suy luận, điều tra. Chẳng hạn như người ta đưa ra nhiều giả thiết về cái chết của một thiếu phụ để từ đó tìm những chứng cứ khẳng định hoặc loại trừ giả thiết. Giả định thường được hiểu như giả thiết nhưng mang tính chất lý luận khoa học và chính xác, cụ thể hơn. Giả định thường có tính xác định (cho một trường hợp cụ thể) còn giả thiết thì có thể nhiều hơn. Khác với giả thiết, giả định, mặc định, tiên đề pháp luật là những quy tắc chung mang tính chất nền tảng (mang tính chất nguyên tắc) và là chân lý không cần phải chứng minh. Ví dụ, trong hệ thống pháp luật thường có các tiên đề sau “Tất cả những gì không cấm đều được phép”, “Mọi nghi ngờ (chưa có chứng cứ khẳng định) cần phải được hiểu theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo”, “Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về quyền”, “không thể buộc tội thì có nghĩa là vô tội”…
Vậy nên, tôi cho rằng nên dùng thuật ngữ “Mặc định vô tội” thì phù hợp hơn. Mặc định là thừa nhận một cái gì đó hiện diện, tồn tại hay một cái gì đó đúng cho đến khi chứng minh được điều ngược lại. Giả định là thuật ngữ dùng để nêu lên một cái gì đó có thật và làm căn cứ để tiến hành cái gì đó. Thật khó có thể nói “Giả định vô tội” để chứng minh anh ta vô tội. Vô tội là một trạng thái đang hiện hữu ở tất cả mọi người, kể cả người đang bị buộc tội và nó chỉ có thể bị phá vỡ nếu có ai đó chứng minh rằng tội của anh ta là có và đã được thừa nhận về mặt pháp lý. Vô tội là một trạng thái chứ không phải là một suy luận hay giả tưởng của một ai đó. Điều này có nghĩa, ở trạng thái bình thường tôi vô tội, còn ai muốn khẳng định ngược lại thì đi mà chứng minh -  đó là một trạng thái được mặc định bằng những quy định của pháp luật và tôi gọi nó là “mặc định pháp lý” – “Mặc định vô tội”. Có lẽ với “MĐVT” thì mới truyền tải hết được ý nghĩa của Khoản 1 Điều 3 Hiến pháp Việt Nam năm 2013, thuật ngữ “presumption of innocence” trong tiếng Anh hay “презумпция невиновности” trong tiếng Nga mà tôi học và, đặc biệt, mới phù hợp với tư duy và thực tiễn sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt ở nước ta.
Âu cũng là một quan điểm và kính mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc. Luật học cũng cần những tranh luận để tiệm cận tới chân lý khách quan.
(Thầy Đạt có đọc được bài này cũng mong Thầy chia sẻ, thông cảm và góp ý!!!)
Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN.





[1] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/245080/vi-sao--suy-doan-co-toi--pho-bien-.html
[3] http://hvdic.thivien.net/han/Gi%E1%BA%A3%20%C4%91%E1%BB%8Bnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.