Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Vị trí, vai trò của Nga trên Biển Đông

ảnh: Internet
Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN

Nước Nga không phải là nơi tôi sinh ra, nhưng nước Nga với tôi như một người Mẹ hiền vĩ đại. Nước Nga đã nuôi dưỡng tôi, dạy dỗ tôi, cho tôi tri thức, lẽ sống và tình yêu... Tôi yêu nước Nga bằng cả trái tim mình.
Để tri ân và nhớ về nước Nga, tôi luôn muốn tìm hiểu nhiều hơn về nó. Có lẽ vì vậy mà trong số những bài viết ít ỏi của mình số lượng các bài viết về Nga là nhiều hơn cả. Lần này cũng vậy, tôi xin có vài tìm hiểu nhỏ về vị trí, vai trò của Nga trên khu vực Biển Đông. Đây là bài mở đầu cho các bài viết về Nga và vai trò của Nga trong giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay. Âu cũng là có chút chủ quan vì qua đây muốn thanh minh với mọi người rằng, Nga không phải đang “bán” người bạn Việt Nam, mà trong bối cảnh mới Nga cần có một vị trí mới, vai trò mới và nếu biết khai thác tốt chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một cục diện và cách tiếp cận hợp lý trong giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay.

1.Vị trí của Nga ở khu vực Biển Đông
Biển Đông có tên gọi quốc tế là Biển Nam Trung Hoa (South China Sea) là một biển rìa lục địa và là một phần của Thái Bình Dương và được bao bọc bởi các quốc gia thuộc Đông Nam Á ở phía Đông, Tây và Nam và phí Bắc, Đông Bắc bao bọc bởi lãnh thổ của Trung Quốc và Đài Loan. Đây là vùng biển rộng lớn với diện tích khoảng ba triệu rưỡi cây số vuông [24]. Không chỉ là vùng biển lớn, Biển Đông còn là một vùng biển có tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp, là vùng biển được dự báo là có trữ lượng dầu, khí lớn chưa được khai thác và đặc biệt là vùng biển có nhiều đảo được quản lý bởi nhiều quốc gia và có tranh chấp khá phức tạp về chủ quyền. Biển Đông còn có vị trí địa chính trị rất quan trọng đối với nhiều quốc gia trong khu vực và được cho là cửa ngõ của Trung Hoa.[25]
Chính vì những lý do đó, Biển Đông hôm nay có vị trí hết sức quan trọng trong những vấn đề liên quan đến địa chính trị và những toan tính, chiến lược của các quốc gia kể cả trong và ngoài khu vực, trong đó có Liên bang Nga.
Xét về mặt địa lý, Liên bang Nga không có những mối tiếp giáp trực tiếp với khu vực này. Tuy nhiên, Liên bang Nga có vị trí hết sức quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng ngoại giao và kinh tế của các quốc gia trong khu vực. Không chỉ chiếm vị trí khá quan trọng trong các lĩnh vực và sách lược của các quốc gia có liên quan, Biển Đông cùng với chiến lược hướng Đông của mình đang dần có một vị thế hết sức quan trọng trong các chiến lược và sách lược về quốc phòng, ngoại giao, kinh tế và an ninh, chính trị cũng như chiến lược biển của mình.
Trước giai đoạn thực hiện chiến lược hướng Đông, mặc dù Nga có căn cứ quân sự đặt ở Cam Ranh, tuy nhiên Liên bang Nga hầu như đã không đưa biển Đông vào định hướng chiến lược của mình kể từ giai đoạn bắt đầu cải tổ cho đến tận những năm đầu tiên của thế kỷ XXI. Đỉnh điểm sự thiếu vắng Biển Đông trong sách lược của Liên bang Nga là vào năm 2001 Nga đã rút hết quân của mình khỏi Căn cứ trên Vịnh Cam Ranh. Trước đó, vào cuối những năm 80 của thế kỳ XX, do bận rộn với những cải cách của mình và tiềm lực kinh tế yếu, Liên Xô cũng đã phó mặc mọi vấn đề của Biển Đông dù vẫn còn sự hiện diện của Căn cứ quân sự của mình ở trên đó. Biểu hiện rõ nhất là việc Trung Quốc chiếm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, song các tàu chiến ở trong căn cứ Cam Ranh không hề có những phản ứng phù hợp nào.
Như vậy, có thể thấy, vị trí của Biển Đông trong chiến lược và sách lược ngoại giao, kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng chỉ thực sự hiện diện trong khoảng thời gian gần đây cùng với việc cụ thể hóa chính sách hướng Đông và sự phát triển nhanh của nền kinh tế. [7, tr.102]
Trong khu vực Biển Đông, vị trí của Nga được thể hiện không đồng đều, nhất quán ở mỗi quốc gia. Chẳng hạn, Nga có ảnh hưởng sâu sắc về văn hóa đối với Trung Quốc và Việt Nam thông qua những quan hệ đã được hun đúc và thiết lập kể từ thời kỳ Xô-Viết. Trong văn hóa của Việt Nam, văn hóa Nga có dấu ấn đậm nét chính vì vậy, Nga luôn có vị trí hết sức đặc biệt trong văn hóa và xã hội Việt Nam.
Về chính trị, Nga cũng có vị trí hết sức quan trọng đối với Việt Nam, nhất là những năm trước đây. Ảnh hưởng trước hết là việc trong hàng ngũ lãnh đạo của Việt Nam có không ít người được đào tạo tại Liên Xô/Nga và có quan hệ khá tốt đẹp với đất nước, con người Nga.
Trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, Nga có vị trí hết sức đặc biệt đối với không ít quốc gia trong khu vực, tuy không nhất quán ở mỗi quốc gia có chung Biển Đông. Vị trí đó trước hết đến từ tiềm lực quân sự, quốc phòng của Nga. Nga là quốc gia sản xuất và xuất khẩu vũ khí lớn vào bậc nhất trên thế giới. Ở khu vực Biển Đông, vũ khí, khí tài của Nga có mặt trong quân đội của Việt Nam (chiếm tới gần 90%). Ngoài ra vũ khí Nga còn hiện diện khá phổ biến ở các quốc gia như Trung Quốc, Lào và hiện nay dần hiện diện rõ nét hơn trong trang bị quân đội của Indonesia và mốt số quốc gia khác. Không chỉ mạnh về xuất khẩu vũ khí, Nga còn đào tạo cách sử dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngày nay, Nga đang có xu hướng quay trở lại Việt Nam, nhất là trở lại căn cứ Cam Ranh mặc dù không thể đặt căn cứ quân sự nhưng Nga sẽ được ưu tiên trong thực hiện các hoạt động bảo dưỡng trang thiết bị quân sự. Vị trí của Nga trong lĩnh vực trang bị quân đội và đào tạo quân đội ở một số quốc gia có tuyên bố phần lớn chủ quyền trên Biển Đông đã làm cho vị thế của Nga trong khu vực ngày càng được khẳng định và rõ nét hơn.
Không chỉ dừng lại ở những lĩnh vực vũ khí, khí tài, trang bị quân đội, vị thế của Liên bang Nga ngày càng được khẳng định với các cuộc tập trận có qui mô trên khu vực Biển Đông cũng như việc các chiến hạm Nga gia tăng các hoạt động trong khu vực nhất là việc thăm và giao lưu với các quốc gia trong khu vực Biển Đông – điều mà hầu như trước đây không hề xảy ra. Chẳng hạn, cuộc tập trận trung với Trung Quốc, chiến hạm Nga ghé thăm Việt Nam, Philippines cũng như việc máy bay Nga đã lần đầu tiên kể từ khi Nga rút khỏi Cam Ranh đã hạ cánh xuống quân cảng này. Các sự kiện nói trên cho thấy sự hiện diện ngày càng nhiều hơn các hoạt động quân sự của Nga trong khu vực Biển Đông [26].
Bên cạnh vị thế về quốc phòng, trong khu vực Biển Đông Nga ngày càng có vị thế quan trọng hơn trong lĩnh vưc kinh tế. Dù quan hệ kinh tế, trao đổi thương mại hai chiều giữa Nga và các quốc gia khu vực Biển Đông trên thực tế còn khá khiêm tốn, tuy nhiên những ảnh hưởng của những dự án này lại có tác động tới tình hình chung trong khu vực và cũng chính vì lẽ đó vị trí trong lĩnh vực kinh tế của Nga ở khu vực này trở nên quan trọng.
Thực tế cho thấy, trong khu vực Biển Đông, Nga cùng lúc có quan hệ kinh tế mật thiết với hai quốc gia có nhiều tranh chấp trên khu vực Biển Đông là Trung Quốc và Việt Nam. Những quan hệ kinh tế của Nga đối với các quốc gia này lại chủ yếu xoay quanh những lĩnh vực có tác động không nhỏ đến an ninh khu vực. Chẳng hạn, như việc Nga và Việt Nam có chung công ty khai thác dầu khí trên Biển Đông và gần đây, ngay trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc đến Việt Nam, vào năm 2012 Việt Nam đã ký thỏa thuận khai thác dầu khí trên Biển Đông với công ty Gazprom của Nga. Đây là hai doanh nghiệp chứ không phải cơ quan nhà nước, nhưng theo các chuyên gia phân tích, do là các công ty nhà nước nên việc tham gia khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp đều truyền tải ý chí của lãnh đạo nhà nước [27]. Cùng với đó là việc Nga đã tham gia dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam và tham gia đào tạo các chuyên gia điện hạt nhân hay việc lên kế hoạch xây dựng doanh nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai quốc gia cũng làm cho những yếu tố kinh tế mang đậm nét màu sắc địa chính trị. Thời gian gần đây, việc Việt Nam xúc tiến đàm phán hợp tác để tham gia Liên minh Hải quan với Nga-Belarus-Kazaxtan cũng góp phần củng cố quan hệ kinh tế không chỉ giữa Việt Nam và khu vực nói trên mà quan trọng hơn với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN sắp được hình thành thì Việt Nam sẽ trở thành cửa ngõ để Nga cũng như ASEAN thâm nhập vào thị trường của nhau và đẩy mạnh hợp tác kinh tế.
Song song với những quan hệ kinh tế với Việt Nam, gần đây Nga đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Thực tế cho thấy, Nga là bạn hàng, là đối tác kinh tế rất quan trọng của Trung Quốc. Hai nước luôn có kim ngạch thương mại lớn và có nhiều dự án hàng trăm tỉ đô la. Gần đây, việc Nga đồng ý bán khí đốt cho Trung Quốc với giá khá ưu đãi sau nhiều năm thương thảo và việc xây dựng đường ống trung chuyển khí đốt từ Siberia Nga sang Trung Quốc cho thấy quan hệ kinh tế Nga Trung ngày càng khăng khít. Điều này trên thực tế lại có ảnh hưởng không nhỏ tới các vấn đề trên Biển Đông.
Trong lĩnh vực đối ngoại, quan hệ giữa Nga và các nước trong khu vực Biển Đông cũng có những thay đổi đáng kể. Trong thời gian gần đây, Nga đã tham dự nhiều hơn vào các các Hội nghị Thượng Đỉnh Nga – ASEAN, quan hệ song phương giữa Nga và các quốc gia trong khu vực ngày càng được củng cố và phát triển.
Trong số các quốc gia trong khu vực ASEAN, Nga có vị trí đặc biệt trong chiến lược ngoại giao của Việt Nam. Quan hệ Nga – Việt đã được hun đúc từ lịch sử và trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất và xây dựng đất nước. Quan hệ ngoại giao với Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Liên bang Nga trong chiến lược ngoại giao của nước này ở khu vực.
Hiện tại giữa Nga và Việt Nam luôn có các cuộc tiếp xúc cấp cao. Các cuộc tiếp xúc này gần như là thường niên. Gần đây nhất là cuộc thăm Việt Nam của Tổng thống Nga vào năm 2012 và các cuộc thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam năm 2013 và năm 2014 đã phần nào mình chứng cho điều đó. Đặc biệt, trong năm 2014 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Liên bang Nga và được Tổng Thống Nga tiếp đón theo nghi lễ dành cho Nguyên thủ quốc gia và hơn cả là cuộc tiếp kiến lại được thực hiện ở biệt thự dành riêng cho Tổng thống ở Sochi – điều mà theo nhiều nhà phân tích nhận định là: thể hiện sự thân thiết và khẳng định tầm quan hệ đặc biệt với Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy ngoài việc đẩy mạnh hợp tác trong hầu hết các lĩnh vực them chốt và có ý nghĩa với các quốc gia trong khu vực Biển Đông, Nga cũng đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam và coi Việt Nam như là đối tác, đồng minh truyền thống, tin cậy. Qua hợp tác với Việt Nam, vị thế của Nga trong bức tranh chung của khu vực Biển Đông đã trở nên khởi sắc và rõ nét. Việt Nam đã được coi là cửa ngõ để Nga tham gia sâu hơn vào các vấn đề khu vực qua đó thể hiện rõ hơn vị thế cũng như vai trò của mình ở khu vực đang có những phát triển mạnh mẽ nhưng cũng có không ít những bất ổn xung quanh những tranh chấp ở khu vực Biển Đông.
2. Vai trò của Nga ở khu vực Biển Đông
Những phân tích ở trên cho thấy, vị thế của Nga ở khu vực Biển Đông đang ngày càng được khẳng định và điều đó có tác động không nhỏ tới việc phát huy vai trò của nước Nga trong giải quyết các vấn đề của khu vực Biển Đông.
Từ những phân tích về vị trí của Nga trong khu vực Biển Đông và trên cơ sở diễn biến tình hình khu vực trong thời gian gần đây, có thể đưa ra những nhận định về vai trò của Nga đối với khu vực Biển Đông trên các phương diện sau:
-         Thứ nhất, vai trò trong việc kiềm chế, ngăn chặn xung đột trên Biển Đông
Hiện nay, Biển Đông được coi là khu vực có thể coi là có nhiều biến động nhất trên thế giới và nguy cơ leo thang luôn tiềm ẩn. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của những mâu thuẫn, xung đột ở khu vực đó chính là những tranh chấp, yêu cầu về chủ quyền và chính sách được coi là ngày càng “hiếu chiến”, “bá cường” của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông.
Bên cạnh những yêu cầu, hành động được đánh giá là phi lý và phi pháp về chủ quyền và “Đường chín đoạn” trên Biển Đông mà qua đó Trung Quốc hầu như là có tranh chấp về lãnh thổ với hầu hết các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên biển, Biển Đông và các đảo, bãi đá, bãi cạn trên Biển Đông còn là đối tượng tranh chấp của nhiều quốc gia khác trong khu vực, trong đó có tranh chấp giữa Việt Nam với các quốc gia khác như Phillippines, Indonesia, Đài Loan, Malaysia, Brunei…hay giữa các quốc gia đó với nhau. Tuy nhiên, những tranh chấp phức tạp nhất là là tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines và giữa Trung Quốc với Việt Nam. Gần đây nhất, tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trong khu vực bãi cạn Scarborough vào năm 2012 - nơi mà cả hai đều tuyên bố chủ quyền. Cuộc tranh chấp đó gần như đã có lúc có nguy cơ thành xung đột vũ trang [28]. Tương tự như vậy, tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến vụ Tàu thăm dò của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam bị cắt dây cáp quang năm 2012 hay vụ Trung quốc hạ đặt giàn khoan “Hải Dương 981”[29] vào năm 2014… Trong những tranh chấp đó, có những lúc đã có những va chạm và trên thực tế đã có những lúc tưởng như cuộc chiến tranh giữa Việt Nam với Trung Quốc đang cận kề.
Một điều rất dễ nhận thấy là trong những tranh chấp ở khu vực, nguyên nhân chủ yếu đến từ những yêu cầu và hành động ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc. Việc Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và những đòi hỏi về chủ quyền ngày càng nhiều hơn và cứng rắn hơn làm cho các quốc gia trong khu vực cảm thấy bất an hơn. Trong bối cảnh đó, việc tìm kiếm một lực lượng đối trọng để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc trong khu vực là không thể tránh khỏi. Rõ ràng, với nhiều quốc gia trong khu vực sự hiện diện của Mỹ là đảm bảo an ninh cho họ. Nhưng cũng có một số quốc gia trong khu vực việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ là chưa thể sẵn sàng. Trong bối cảnh đó, cần có một lực lượng mà đủ sức để kìm chế Trung Quốc nhưng đồng thời cũng có thể kìm chế cả Mỹ. Việc kìm chế Mỹ cũng là mong muốn của Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc cũng chưa đủ sức để đối đầu trực diện với Mỹ. Trong hoàn cảnh đó, Nga là một sự lựa chọn phù hợp. Nga vừa có quan hệ khăng khít với Việt Nam từ truyền thống đến hiện tại và bên cạnh đó Nga cũng có những quan hệ không thể tách rời trong mối quan hệ với Trung Quốc. Về phía Nga, sự hiện diện và thể hiện vai trò rõ nét hơn đối với khu vực này cũng là mối quan tâm của Nga và phù hợp với chiến lược hướng Đông của Nga. Hơn nữa Nga cũng có lợi ích kinh tế với khu vực này, nhất là đối với Trung Quốc và Việt Nam. Trên thực tế, vẫn còn có Ấn Độ có thể thay thế vai trò của Nga trong việc kìm chế xung đột trong khu vực, tuy nhiên, xét về mặt ngoại giao, tiềm lực quốc phòng, kinh tế… Ấn Độ chưa đủ sức và cũng khó có thể tạo lập được thế chân vạc, tạo dựng lòng tin trong quan hệ khá phức tạp để bảo đảm ổn định, kìm chế xung đột trong khu vực.
Rõ ràng, Trung Quốc rất muốn bá chủ trên biển Đông, những chưa đủ sức, trong bối cảnh đó kể cả Trung Quốc và các nước trong khu vực rất cần tạo nên một thế chân vạc “Trung – Mỹ - Nga” để có thể đủ sức kiềm chế lẫn nhau và kiềm chế xung đột ở Biển Đông. Nga rõ ràng không có lợi ích nếu xung đột nảy ra và cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn điều đó, ít nhất là trong tương quan lực lượng hiện tại. Trong khi đó, Việt Nam rất muốn chào đón Nga như là lực lượng đối trọng, bởi lẽ Nga có quan hệ mật thiết với Việt Nam.
Vậy để kiềm chế xung đột, Nga cần đóng vai trò như thế nào? Với tình hình hiện tại, theo nhiều nhà phân tích, Nga nên và chỉ nên đóng vai trò trung lập, vừa là nhân vật trung gian hòa giải vừa là một lực lượng đối trọng. Nhiều nhà phân tích chiến lược cho rằng, tốt nhất Nga nên đóng vai trò này. Trung Quốc rất muốn lôi kéo Nga thể hiện quan điểm ủng hộ mình trong các tranh chấp và đồng thời cũng muốn Nga hiện diện như là lực lượng liên minh đối trọng với Mỹ. Tuy nhiên, việc Nga đứng về phía Trung Quốc không có lợi cho ổn định ở khu vực và trên hết tổn hại cho quan hệ Việt – Nga cũng như các lợi ích thiết thực của Nga trong quan hệ kinh tế, chính trị, ngoại giao với Việt Nam. Việc giữ được vị trí trung lập giúp Nga có thể đóng vai trò rõ nét hơn trong việc kìm chế xung đột ở khu vực và bảo vệ lợi ích của mình, tuy nhiên, để làm được điều đó không phải dễ, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang có những động thái “lôi kéo” Nga vào “một phe” trong việc giải quyết các vấn đề ở Biển Đông bằng các thỏa thuận và lợi ích kinh tế với Nga trong thời gian gần đây.
Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay ở Biển Đông, vai trò của Nga hết sức quan trọng. Nga phải trung lập vừa là lực lượng “thứ ba” nhằm kiềm chế những tham vọng của Bắc Kinh trong tranh chấp biển đảo. Hiện tại, sự hiện diện của Nga với vai trò này vừa giúp cho những căng thẳng không leo thang đồng thời giúp Nga khẳng định được vị thế và vai trò trong khu vực vốn có ảnh hưởng cực lớn từ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đặc biệt hơn cả, nếu thực hiện tốt vai trò này, Nga còn có thể khai thác những lợi ích cho nước Nga nhất là các lợi ích chính trị-kinh tế.
Thứ hai, Nga có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông
Hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á mà có ý nghĩa đối với cả các nước ở khu vực Đông Bắc Á và trên phạm vi toàn cầu. Bởi một cuộc xung đột ở khu vực Biển Đông sẽ kéo theo sự tham dự (Dù bằng cách này hay cách khác) rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó trên hết và trước hết là các cường quốc. Thực tế, Mỹ cũng đã tuyên bố an ninh hàng hải trên Biển Đông có lợi ích cốt lõi của Mỹ. Không chỉ Mỹ, bất kỳ những xung đột nào trong khu vực này cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu do đây là vùng lưu chuyển hàng hóa lớn và nhộn nhịp bậc nhất trên thế giới và xung đột đồng nghĩa với việc tuyến đường vận chuyển này sẽ bị gián đoạn.
Với vai trò là nhân tố đảm bảo an ninh trên Biển Đông, Nga có lợi ích và mong muốn thực hiện nhiệm vụ này.
Trước hết, Nga đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh hàng hải.
Như đã nói ở trên, Biển Đông luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Cho đến nay, nguyên nhân của hầu hết mọi xung đột đều bắt nguồn từ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Việc Nga – một đối tác của Trung Quốc, một cường quốc với tiềm lực quân sự nổi trội hiện diện ở khu vực sẽ làm cho Trung Quốc phải dè chừng. Hơn nữa, việc Nga vào khu vực lại kéo theo những sự hợp tác nhiều mặt với Ấn Độ, nhất là thông qua Việt Nam, làm cho Trung Quốc phải dè chừng hơn. Chắc chắn Trung Quốc sẽ không muốn phải đối đầu cùng một lúc với cả Nga, Mỹ, Nhật và Ấn Độ. Trung Quốc sẽ phải dè chừng với các đối thủ như Mỹ, Nhật và thậm chí cả Ấn Độ. Vì lẽ đó Trung Quốc muốn lôi kéo Nga ủng hộ quan điểm của mình trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Chừng nào Trung Quốc chưa chủ động gây hấn, tạo xung đột thì những mâu thuẫn trong khu vực thực tế chưa xảy ra. Việc ổn định, hòa bình ở Biển Đông có ý nghĩa lớn đối với việc đảm bảo an ninh trên Biển Đông.
Ngoài đảm bảo hòa bình, ổn định, Nga còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực. Nga có nguồn cung năng lượng dồi dào vì vậy, ngay cả trong trường hợp nguồn cung từ khu vực trung Đông qua Biển Đông bị gián đoan thì Nga vẫn có thể đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực thông qua những khai thác trên Biển Đông và cung ứng thông qua hệ thống đường ống đã được ký kết với Bắc Kinh.
Ngoài ra, Nga cũng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh vận tải biển và an ninh phi truyền thống như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán động vật quí hiếm, vũ khí trái phép…
Kinh nghiệm và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng điện, dầu khí góp phần tạo ra thị trường năng lượng ổn định cho sản xuất và phát triển ở khu vực. Bên cạnh đó, Nga còn đóng vai trò là trung gian trung chuyển hàng hóa giữa Á và Âu bằng đường ống, đường thủy phương Bắc và hệ thống giao thông thuận lợi trên bộ và trên đường sắt. Điều này có nghĩa, ngay cả khi xung đột nổ ra, với vị thế sẵn có, Nga vẫn đủ sức đảm bảo nguồn cung năng lượng cho thị trường khu vực.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.