Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

“Chính trị” và “Politics”

ảnh: Internet
Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN



Tìm về cội nguồn ...

Cách đây không lâu, tôi có đọc lại những tranh luận về Nho giáo của hai cụ Phan Khôi và Trần Trọng Kim. Sự sâu sắc trong nhận thức về Nho học, Đạo Khổng của hai cụ quả thật không thể bàn cãi. Khi đọc những nghiên cứu của cụ Phan Khôi về “Chính Danh” và “Luân lý học phương Đông” tôi lại thấy có một điều khá thú vị: thú vị về mặt ngôn ngữ và thú vị về mặt bối cảnh. Đó là vấn đề về mối liên hệ giữa hai thuật ngữ “Chính trị” với “Politics”.
Thoạt đầu, tôi cũng thấy rằng, chẳng có gì phải bàn đến ở đây cả, vì thuật ngữ “Politics” khi dịch sang tiếng Việt thì được gọi là “Chính trị”. Tiếng Nga cũng vậy, thuật ngữ “Politics” cũng có nghĩa tương tự trong tiếng Nga là “Политика” (phiên âm: Politika). Tuy nhiên, khi liên hệ với thuyết “Chính danh” của Nho học, tôi có cảm giác hình như có gì đó cần phải bàn thêm.
Trong ngôn ngữ phương Tây (bao gồm cả ngôn ngữ Anh và Nga), thuật ngữ “Politics” (hay “Политика”) đều có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ đại. Theo đó, trong tiếng Hy Lạp cổ, bắt đầu từ chữ “πολιτική ” (công việc quốc gia). Ở đây, thuật ngữ mà chúng ta dịch là “Chính trị” có gốc là “πόλις” (polic) có nghĩa là thành phố quốc gia (cũng hay được dịch là thành bang). Bên cạnh gốc “πόλις” thì thuật ngữ đó còn được ghép với đuôi “τική” (phiên âm là tiky) có nghĩa là ý nghĩa. Như vậy, từ gốc Hy Lạp đó có nghĩa là “Công việc có ý nghĩa quốc gia”. Sau này, trong tiếng Hy Lạp từ đó cũng được viết thành “πολιτικός” với nghĩa “πόλι” (“poli” - nhiều, nhiều người) và “τόκος” (“tokoc”nghĩa là lợi ích) hay “τικός” (tikos – liên quan đến người dân).[1] Ngoài ra, việc hiểu nghĩa của từ “ Politika” và việc phát triển nó cũng có công lớn của nhà triết học Aristotle với cuốn sách “Politika” và được hiểu theo nghĩa công việc của quốc gia hay liên quan đến các công dân.

Ngày nay, thì thuật ngữ này được hiểu khá nhiều nghĩa, chẳng hạn “Chính trị là tiến trình một nhóm người đưa ra quyết định…”[2] Hay “Chính trị là tất cả những hoạt động, những vấn đề gắn với quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội xoay quanh một vấn đề trung tâm đó là vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước”.[3] Trong nhân dân và trong nhiều quan niệm thông thường chính trị được hiểu là thủ đoạn, mưu mô, chính sách cai trị của các lực lượng khác nhau trong xã hội…
Tuy nhiên, khi liên hệ với thuyết “Chính danh” mà cũng từ đây ta có từ “Chính trị” và từ này lại được hiểu tương đồng với “Politics” ở phương Tây, thì tôi thấy có chút gì đó chưa ổn lắm.
Chính trị là sự quản lý cai trị dân chúng một cách chính danh, chính đáng, chính trực của những người quân tử. Tôi cho rằng cụ Phan Khôi khá chính xác khi nhận định: “Nguyên chữ “chánh () (nghĩa là chánh trị) có chữ “chánh” () một bên (nghĩa là ngay). Cho nên ngài cắt nghĩa chánh trị tức là người trên phải ăn ở cho ngay thẳng để mà xướng suất kẻ dưới. Đó là một cách chánh danh nữa: cái tên chánh trị, là do từ sự chánh trực mà ra.
Vậy nếu trong việc chánh trị mà không theo lẽ chánh trực, tức như khi trong một nước, trên có vua đần, dưới có quan tham lại nhũng, mọi việc đều làm bậy bạ hết, thì có gọi là chánh trị được đâu. Nếu gọi là chánh trị thì cũng như cái không có khía mà gọi là cái cô, theo ngài, ngài cho là tầm bậy cả. Họa loạn sanh ra là ở đó, cho nên nói rằng dân không chỗ đặt tay chưn”. [4]
Và hệ quả…
Như vậy, từ thuyết “Chính danh” mà sinh ra “Chính trị”, nhưng thuật ngữ “Chính trị” cùng với phong trào “Tây hóa” lại được hiểu theo nghĩa “Politics” và thậm chí làm cực đoan nó đi. Vậy nên, hiện nay ở vài nơi người cai trị không cần đến chính danh, chính trực nữa. Làm chính trị thì được hiểu là sắp xếp vị trí, là mưu toan, thủ đoạn chiếm lĩnh quyền lực, là cai trị không cần biết đến dân là ai. Chính danh ở đâu khi người dân ở vài nơi nào đó vô cùng ngỡ ngàng khi biết được ai đó vừa “trúng” và trở thành lãnh đạo mình. Chính danh ở đâu khi những người ta thay nhau bố trí, chia sẻ lợi ích và sắp xếp vị trí trong hệ thống, bộ máy. Có lẽ, ở những nơi đó, chính trị dường như đang xa rời cái gốc “chính danh” mất rồi. Thật là ngày càng khó tìm thấy nghĩa “Chính danh” trong nội hàm thuật ngữ “Chính trị” ở những nơi đó.
Thật ra, từ “Politics” trong cả tiếng Anh và tiếng Hy Lạp cổ cũng không có nghĩa tệ như vậy, nhưng vì nội hàm của nó ít nhấn mạnh đến tính chính danh mà chủ yếu nhấn mạnh đến công việc nhà nước, trong khi đó, khởi nguyên của từ “Chính trị” của chúng ta lại nhấn mạnh đến tính “Chính danh” (gốc Nho học)– chính trực, chính đáng của người lãnh đạo dân chúng, và có lẽ vì vậy cùng với thời gian người ta quên dần mất ý nghĩa cao đẹp của nó đi. Phải chăng “Chính trị” không nên được hiểu hoàn toàn đồng nghĩa với “Politics”, mà cần có một chút quay về với “Tính chính danh” để cho nền chính trị và nghĩa của từ “chính trị” được đẹp đẽ hơn, cao sang hơn và nhân văn hơn.
Logic học hay luân lý học đã dạy rồi, cái gì cũng nên định nghĩa đúng như bản chất vốn có của nó, kẻo không thì nó sẽ dần bị định vị sai lệch mất đi.
Gọi là có vài lời bày tỏ cái sự hiểu của mình, chỗ nào không đúng mong các bạn góp ý!

MVT, 2015.





[2] Dẫn theo Đoàn Đăng Duệ, Nguyễn Đăng Dung, Giáo trình chính trị học. Nxb. Nghệ An, 2012. Tr.5.
[3] Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam.
[4] Phan Khôi “Người mở đường cho nền Luận lý học phương Đông”. Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.57 (19.6.1930). Phiên bản điện tử: http://lainguyenan.free.fr (Xem thêm trên :http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/logic-hoc-tu-duy-phan-bien/nguoi-mo-duong-cho-luan-ly-hoc-a-dong_263.html )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.