Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

Chiến lược ngoại giao của Nga ở khu vực Biển Đông

(ảnh: nguồn từ Internet)
Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN
Tôi xin được tiếp tục nói lên những khảo cứu về chiến lược của Nga trong vấn đề Biển Đông. Khảo cứu này được thực hiện vào cuối năm 2014 và có tham khảo nhiều quan điểm của các nhà nghiên cứu các vấn đề quốc tế! Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân.
[…trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Nga luôn có chiến lược coi Việt Nam là đồng minh và Nga có lợi khi ủng hộ Việt Nam, tuy nhiên, trên phương diện tuyên bố, Nga luôn cố gắng thể hiện vai trò trung lập. Vì vậy, một mặt Nga tích cực hợp tác toàn diện với Việt Nam, mặt khác luôn cố gắng để các thỏa thuận đó không “lộ liễu” chống lại Trung Quốc. Có lẽ, đó là lựa chọn đối ngoại mà Nga cần và tiếp tục duy trì trong một thời gian nữa trong mối quan hệ với Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông…]
Ngay từ thời điểm lên nắm quyền lực vào năm 2000, Tổng thống Nga V. Putin đã thể hiện chiến lược ngoại giao khá mới mẻ so với vị Tổng thống trước đó với sự chuyển dịch đường lối ngoại giao từ Tây sang Đông bằng tuyên bố “Những định hướng cơ bản trong chính sách ngoại giao của Liên bang Nga” vào năm 2001. 
Vào ngày 12 tháng 7 năm 2008 Tổng thống Liên bang Nga Đ.A. Medvedev đã phê chuẩn “Những định hướng cơ bản trong chính sách ngoại giao của Liên bang Nga”. Theo đó, những định hướng cơ bản này được coi là sự tiếp tục với những định hướng cơ bản đã được phê duyệt bởi Tổng thống V.V. Putin vào những ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống Liên bang Nga. [4]
Sau khi quay trở lại nắm quyền Tổng thống Liên bang Nga, năm 2013 Tổng thống Nga V. Putin cũng đã tuyên bố các định hướng ngoại giao cơ bản của mình. Về cơ bản, chính sách đối ngoại của Liên bang Nga đó không có nhiều thay đổi. Một trong những trục xuyên suốt của chiến lược ngoại giao trong “thời đại Putin” là nâng cao vai trò của nước Nga trên trường quốc tế thông qua việc thiết lập một trật tự thế giới mới đa cực, bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng các nguyên tắc và luật pháp quốc tế cũng như nâng cao vai trò của Liên hợp quốc, nhất là vai trò của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc - cơ quan chịu trách nhiệm chính trong các vấn đề an ninh toàn cầu và Nga là một thành viên thường trực và chính sách được coi là hướng Đông khi Nga chú trọng đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia và tổ chức ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Theo những ghi nhận trong Chiến lược này “Trong bối cảnh chính sách đối ngoại đa phương của Liên bang Nga, khu vực châu Á - Thái bình dương có ý nghĩa quan trọng và ngày càng lớn hơn, do Nga thuộc về khu vực đang phát triển năng động này của thế giới, quan tâm sử dụng những khả năng của nó khi thực hiện những chương trình phát triển kinh tế vùng Sibiri và Viễn Đông, cần thiết tăng cường hợp tác khu vực trong lĩnh vực chống khủng bố, đảm bảo an ninh và xây dựng đối thoại giữa các nền văn minh. Nga đang tiếp tục tham gia tích cực vào những cơ cấu hội nhập chính của khu vực châu Á - Thái bình dương (ASEAN) - Diễn đàn “Hợp tác kinh tế châu Á - Thái bình dương”, các cơ cấu đối tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả diễn đàn khu vực ASEAN.” [3]
Trong nhiệm kỳ lần thứ ba của mình, vào ngày 12/2/2013 Tổng thống Nga V.V. Putin phê duyệt chiến lược ngoại giao theo đó, chính sách hướng Đông của Nga tiếp tục được khẳng định, trong đó quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và các nước trong khu vực Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN tiếp tục được coi là đối tác chiến lược ưu tiên. Trong số các đối tác chiến lược ở khu vực Trung Quốc và Nga đều là đối tác chiến lược toàn diện của Nga [30].
Như vậy, Liên bang Nga đã khẳng định vị thế của các quốc gia khu vực Đông Nam Á và Đông Á trong tổng thế chiến lược hướng Đông của mình. Theo đó, lần đầu tiên, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á được nhắc tới trong chính sách đối ngoại mới của Liên bang Nga, cụ thể “Nga phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam và mở rộng hợp tác với các quốc gia khu vực ASEAN” [3]
Ngoài ra, một trong những ưu tiên hợp tác trong chiến lược ngoại giao mới của Nga là quan hệ Nga-Trung và đẩy mạnh hợp tác quan hệ ba bên “Nga-Trung-Ấn”.  Theo đó “Phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và Ấn Độ là hướng quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Nga” [3]. “Nga sẽ gia tăng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và tin tưởng với Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở trùng hợp những quan điểm mang tính nguyên tắc về các vấn đề chính trị thế giới then chốt là một trong những bộ phận cấu thành cơ bản của ổn định khu vực và toàn cầu. [3] “Đẩy mạnh quan hệ đối tác toàn diện với Ấn Độ” và thực hiện đối ngoại theo hướng ưu tiên trong khuôn khổ hợp tác ba bên Nga-Trung-Ấn. [3]
Như vậy, phân tích những qui định về chiến lược ngoại giao và trọng tâm trong định hướng ngoại giao của Liên bang Nga, có thể thấy, các quốc gia ở khu vực Biển Đông có vị trí quan trọng trong chiến lược ngoại giao của Liên bang Nga.
Cần phải lưu ý rằng, những định hướng này có ý nghĩa rất quan trọng ngay cả trong bối cảnh ngày nay, khi vấn đề Biển Đông ngày càng trở nên cấp thiết và phức tạp. Vì lẽ đó, sự gia tăng các hoạt động ngoại giao và nâng cao vai trò đối ngoại của Nga với các tổ chức, quốc gia ở khu vực Biển Đông không chỉ phù hợp với định hướng chiến lược mà còn phù hợp với các yêu cầu và điều kiện quan hệ quốc tế mới.
Cũng cần phải nói thêm rằng, khi vấn đề Biển Đông càng trở nên phức tạp, những tranh chấp trên khu vực Biển Đông luôn có nguy cơ leo thang thành các cuộc chiến tranh, hậu quả của những cuộc xung đột ấy hoàn toàn có thể vượt ra ngoài phạm vi khu vực và có tác động đến an ninh toàn cầu. Bên cạnh đó, xung đột, tranh chấp về chủ quyền lại chủ yếu liên quan đến những đòi hỏi, yêu cầu về chủ quyền của các quốc gia ở khu vực ASEAN với Trung Quốc – một quốc gia ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn trên đời sống kinh tế, chính trị thế giới đồng thời cũng là quốc gia thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Trong khi đó, Nga lại là một bên đối thoại của ASEAN và có lợi ích chặt chẽ với Trung Quốc. Rõ ràng với những vấn đề về lợi ích trong quan hệ với các quốc gia liên quan và trách nhiệm của một thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Nga không thể không có những động thái tích cực hơn trong hoạt động đối ngoại với các quốc gia, tổ chức trong khu vực có tranh chấp.
Về cơ bản, theo đánh giá của Luzyanhin S.G, quan hệ ngoại giao giữa Nga với khu vực này chủ yếu được thực hiện trong hai hình thức: Quan hệ ngoại giao với các tổ chức, tập thể và quan hệ song phương [6].
Hiện nay, quan hệ giữa Nga và khu vực này cũng diễn ra ở cả hai cấp độ: quan hệ song phương và đa phương.
1. Chiến lược ngoại giao đa phương của Nga trong khu vực Biển Đông
Chiến lược ngoại giao của nước Nga hiện đại trong vấn đề liên quan đến Biển Đông trên thực tế cũng đã bắt đầu khá sớm và ngày càng được thể hiện rõ nét hơn tỉ lệ thuận với việc đẩy nhanh chiến lược hướng Đông của Nga cũng như việc vị thế và vai trò của Nga trong các vấn đề quốc tế được khẳng định và nâng cao hơn. Trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông, chiến lược ngoại giao của Nga được thể hiện một cách “tế nhị” trong tổng thể chính sách ngoại giao của Nga với các tổ chức, diễn đàn đa phương có trong khu vực có liên quan đến các vấn đề Biển Đông.
Với tư cách là một quốc gia Âu-Á, Liên bang Nga ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc đẩy mạnh quan hệ với các quốc gia ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đông Á và khu vực Đông Nam Á là một bộ phận đặc biệt quan trọng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực này không chỉ là nơi có tốc độ phát triển kinh tế năng động với nguồn vốn, công nghệ dồi dào mà Nga đang rất cần cho công việc cách tân nền kinh tế vốn rất ọp ẹp, ốm yếu của mình, mà khu vực này còn là thị trường lý tưởng để tiêu thụ nguồn tài nguyên được coi là “vô tận” của Nga và cũng bởi vì đây là nới đã và đang phát sinh nhiều những mâu thuẫn, xung đột mà với vị trí của mình trong Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc cũng như tiềm lực quân sự và mối quan hệ trong quá khứ  nơi đây hoàn toàn có thể là nơi giúp Nga thể hiện tốt vai trò của một cường quốc trong tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Về quan hệ đa phương, có thể nói Nga đã tăng cường hợp tác về an ninh, chính trị với các tổ chức, diễn đàn khu vực như gia nhập APEC và chủ động tăng cường hợp tác với khối ASEAN, ký hiện định hợp tác và thân thiện (TAC), tham gia diễn đàn an ninh khu vực (ARF)… Đặc biệt, đối thoại cấp cao Nga – ASEAN vào tháng 12/2005 đã khẳng định vị trí và vai trò của Nga trong khu vực mà có nhiều quốc gia có tham gia vào các tranh chấp chủ quyền cũng như có lợi ích thiết thực trong anh ninh trên biển Đông. Tại cuộc họp này, Nga đã ký kết các hiệp định quan trọng như Tuyên bố chung về quan hệ đối tác toàn diện và năng động, Hiệp định hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Nga – ASEAN 2005-2015 và Chương trình hành động toàn diện thực hiện hợp tác kinh tế và phát triển 2005-2015.
Riêng đối với APEC, có thể nói quan hệ giữa Nga và APEC chỉ bắt đầu một cách thực chất kể từ khi Nga gia nhập tổ chức này vào năm 1998. Năm 2012 Nga lần đầu tiên trở thành chủ tịch của APEC và theo đánh giá của nhiều quốc gia trên thế giới Nga đã thành công trong nhiệm vụ chủ nhà [31]. Vào năm 2013 khi Indonesia làm chủ tịch APEC, ông Lavrov – Ngoại trưởng Nga cũng đã trình bày những quan điểm của mình về vấn đề phát triển và lưu ý chủ nhà trong thực thi nhiệm vụ của APEC. Ngoại trưởng Nga cho rằng “chủ đề an ninh năng lượng trong khu vực APEC xứng đáng được quan tâm đặc biệt. Trong khuôn khổ diễn đàn sẽ tiếp tục sự thỏa luận mang tính xây dựng về năng lượng xanh, năng lượng sinh thái. Đồng thời việc thảo luận về những lĩnh vực như hoàn thiện các biện pháp điều hành trong lĩnh vực năng lượng, đảm bảo tính minh bạch và khả năng có thể dự báo của các thị trường nhiên liệu cũng rất quan trọng. Nga sẽ tiếp tục duy trì đường lối gia tăng hợp tác trong những lĩnh vực khác về phát triển an ninh trong khu vực, trước hết là trong khuôn khổ chiến lược thống nhất được thông qua tại diễn đàn APEC về đấu tranh chống khủng bố và đảm bảo an ninh thương mại. Điều quan trọng là phải duy trì tốt sự hợp tác trong việc ngăn chặn tham nhũng, hoạt động buôn bán bất hợp pháp và các dạng tội phạm có tổ chức khác. Có một nội dung ưu tiên nữa trong nhiệm kỳ Indonesia làm chủ tịch APEC đang tạo ra những khả năng hợp tác rộng mở trong khối, đó là tăng cường mối liên hệ tương hỗ trong khu vực nhằm tạo ra một cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương hợp tác toàn diện. Nga cho rằng việc đặt ra nhiệm vụ như vậy hiện nay là có cơ sở và đúng thời điểm.”[33]
Đối với ASEAN – tổ chức có nhiều quốc gia tham gia vào cuộc xung đột trên Biển Đông, Nga cũng có những quan hệ khá đặc biệt.
So với nhiều nước lớn khác, lịch sử quan hệ của Liên bang Nga với khu vực Đông Nam Á được bắt đầu khá muộn màng và trải qua những giai đoạn phát triển thăng trầm và phức tạp. Tuy vậy, bằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao của Liên Xô với các nước Đông Dương và với một số nước Đông Nam Á khác kể từ đầu thập niên 50, ảnh hưởng của nước Nga với khu vực đã được xác lập, củng cố và mở rộng rất đáng kể.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, quan hệ Liên Xô - Đông Nam Á chịu sự chi phối mạnh mẽ của mâu thuẫn Đông - Tây và tính chất gay gắt của cuộc đối đầu Xô - Mỹ. Liên Xô chú trọng phát triển quan hệ toàn diện với các đồng minh trên bán đảo Đông Dương nhằm nâng cao vai trò của mình trong cán cân so sánh lực lượng ở Đông Nam Á (và Châu Á - Thái Bình Dương). Quan hệ của Liên Xô với các nước ASEAN bị ngừng trệ, thậm chí không ít thời gian trở nên căng thẳng trong tình trạng thù địch. Đến thời kỳ Liên Xô tiến hành cải tổ, quan hệ Liên Xô - ASEAN được cải thiện một bước do chính sách giảm đối đầu của các siêu cường thế giới và chủ trương giảm cam kết quốc tế của Liên Xô với các đồng minh tại khu vực. Mặc dù vậy, sự cải thiện quan hệ chính trị và ngoại giao giữa Liên Xô với các nước ASEAN lúc đó, do nhiều nguyên nhân đã không góp phần tạo ra được những tiến bộ đáng kể trên lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại. Tỷ trọng kim ngạch buôn bán của Liên Xô với ASEAN thời kỳ cải tổ rất nhỏ bé, chỉ chiếm từ 0,3%-0,4% tổng kim ngạch ngoại thương của Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã (12-1991), nước Nga tuyên bố kế thừa tư cách pháp lý quốc tế của Liên Xô, cam kết tôn trọng và thực hiện các thỏa thuận, các hiệp định song phương và đa phương mà Liên Xô đã tham gia hoặc ký kết với các nước, trong đó có các nước ASEAN[12]. Tuy nhiên Liên bang Nga do phải đối diện trước những khó khăn kinh tế - xã hội to lớn ở trong nước; mặt khác trong chính sách đối ngoại lại quá chú trọng quan hệ với phương Tây; cho nên chưa xác định được một chính sách thỏa đáng, cụ thể với các nước Đông Nam Á. Thực tế cho thấy, từ 1991 đến 1993 chính sách của Nga ở Châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á về cơ bản vẫn tiếp tục dựa trên nền tảng tư duy đối ngoại trước đây do phía Nga bận nhiều việc đối nội, củng cố nội bộ. Trong khi các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Tây Âu đều tích cực điều chỉnh chính sách đối với Đông Nam Á nhằm giành lợi thế so sánh và mở rộng ảnh hưởng ở đây thì vai trò của Nga bị suy giảm mạnh so với vai trò của Liên Xô trước đây[11]. Nga buộc phải đứng ngoài nhiều hoạt động trong quan hệ quốc tế ở khu vực, không tận dụng được những điều kiện thuận lợi của khu vực như nguồn vốn, công nghệ, thị trường, phân công lao động quốc tế v.v... phục vụ cải cách kinh tế - xã hội trong nước. Mặc dù, từ tháng 7-1992 Nga trở thành "bạn hiệp thương" của của ASEAN và hàng năm với tư cách quan sát viên, Nga tham dự Hội nghị sau Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (PMC); song quan hệ Nga - ASEAN vẫn tiến triển chậm chạp. Bắt đầu từ năm 1994 trở lại đây, trong quan hệ Nga - ASEAN đã ghi nhận những chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn. Tháng 7-1994, Nga trở thành một trong 18 nước tham gia "Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN" (ARF) cùng với các nước Châu Á - Thái Bình Dương thảo luận những vấn đề an ninh, chính trị khu vực. Sau đó hai năm, tháng 7-1996, Nga chính thức trở thành một trong 10 bên đối thoại đầy đủ của ASEAN, mở ra triển vọng mới cho quan hệ Nga - ASEAN. Sự chuyển biến ấy trước hết là do những thay đổi quan trọng diễn ra trong cục diện khu vực. Các nước lớn ngày càng quan tâm đến việc mở rộng quan hệ ở khu vực. Với sự cải thiện nhanh chóng quan hệ giữa hai nhóm nước Đông Dương và ASEAN, xu thế hợp tác - liên kết Đông Nam Á phát triển sang một giai đoạn mới về chất. Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianma lần lượt tham gia Hiệp ước Bali và trở thành quan sát viên ASEAN; đặc biệt sự kiện Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995) càng làm cho ý tưởng về ASEAN trong "Cộng đồng Đông Nam Á gồm 10 quốc gia" ngày một trở thành hiện thực. Nga vốn có quan hệ truyền thống với Việt Nam và các nước Đông Dương, cho nên việc các nước này đã và sẽ gia nhập ASEAN tạo điều kiện thuận lợi cho Nga tăng cường quan hệ với các nước ASEAN khác, nâng mối quan hệ đó lên những nấc thang mới cao hơn. [33]
Mặt khác, đối với Nga, khu vực ASEAN tuy không tiếp giáp trực tiếp với lãnh thổ Nga, nhưng nếu xét trên bình diện địa - chiến lược, Nga lại có sự ràng buộc về lợi ích quân sự, hàng hải, kinh tế, an ninh - chính trị tại đó. Và nếu so sánh với thời kỳ Liên Xô trước đây, vị trí chiến lược của Đông Nam Á đối với Nga còn trở nên có ý nghĩa quan trọng hơn. Sau khi Liên Xô tan rã, các nước cộng hòa trong thành phần của nó đều tuyên bố độc lập. Nước Nga bị mất quyền kiểm soát nhiều hải cảng quan trọng ở biển Đen, biển Ban Tích và cả tuyến đường bộ qua vùng Trung Á. Chính vì vậy, Nga phải tăng cường sử dụng các hải cảng Viễn Đông và các đường hàng hải phục vụ các mục tiêu kinh tế, thương mại, quân sự ở Thái Bình Dương. Trong số đó, có tuyến đường biển huyết mạch đi qua khu vực ASEAN sang Ấn Độ Dương để về các hải cảng ở Tây Nam và Tây Bắc của Nga và ngược lại. Như vậy, lợi ích của Nga ở khu vực các nước ASEAN là rất quan trọng. Nga rõ ràng không thể xem nhẹ lợi ích đó. Sự hiện diện của Nga ở Đông Nam Á cho phép họ đảm bảo được lợi ích an ninh - kinh tế có ý nghĩa chiến lược và góp phần củng cố an ninh - chính trị sườn phía Đông của mình.
Mở rộng quan hệ với ASEAN và thâm nhập sâu vào khu vực, Nga có thể tham gia có hiệu quả hơn vào đời sống mọi mặt ở Châu Á - Thái Bình Dương, phục vụ cho nhu cầu phát triển đất nước, góp phần cân bằng quan hệ với các nước lớn ở khu vực. Trên cơ sở đó, Nga có khả năng vươn tới những mục tiêu chiến lược đã được điều chỉnh ở Châu A' - Thái Bình Dương nhằm thực thi tham vọng về chiến lược toàn cầu của một siêu cường như Liên Xô trước đây. Liên bang Nga cho rằng việc hình thành 10 bên đối thoại của ASEAN sẽ mở ra một trang mới trong đời sống các nước khu vực... Đông Nam Á là khu vực được ưu tiên trong chính sách Châu Á - Thái Bình Dương của Nga"  Vào năm 1997, khi đánh giá tổng kết nền ngoại giao Nga năm 1996, E. Primacốp cho rằng: "Trong năm 1996 Nga đã cố gắng sửa chữa sự thái quá trong chính sách đối ngoại hướng Tây và tích cực phát triển quan hệ với các nước châu Á. Nước Nga cố gắng phát triển quan hệ một cách có định hướng và tích cực cuộc đối thoại chính trị và các quan hệ kinh tế với các quốc gia châu Á hàng đầu như Trung Quốc, Â'n Độ, Nhật Bản, ASEAN". [33]
Cùng với sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Ban lãnh đạo Nga với Châu Á - Thái Bình Dương, vai trò của khu vực Đông Nam Á cũng được nhận thức lại và được đề cao nhất định so với giai đoạn những năm đầu thập niên 1990. Quan hệ Nga - ASEAN đã được xúc tiến trên nhiều lĩnh vực và kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN thì Việt Nam đương nhiên trở thành một đối tác hàng đầu của Nga trong ASEAN, một đầu cầu quan trọng để nối dài cây cầu quan hệ Nga - ASEAN bước sang một giai đoạn mới[15].
Trong quan hệ với ASEAN, một mặt Nga tiếp tục khẳng định chủ trương xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, trung lập (ZOFAN), không có vũ khí hạt nhân. Tích cực tham gia ARF với những đề xuất về cơ cấu và cơ chế duy trì an ninh chung. Theo quan điểm của Nga, cơ cấu an ninh khu vực phải được đặt trong mối quan hệ với cơ cấu an tỉnh tổng thể của Châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, việc xây dựng nền an ninh khu vực phải được tiếp cận như một tiến trình dài hạn với những bước đi thận trọng phù hợp: từ đơn giản như tạo dựng niềm tin, thu thập và xử lý các thông tin an ninh khu vực đến các hình thức hợp tác an ninh cao hơn như thiết lập các trung tâm nghiên cứu, ngăn chặn và xử lý xung đột.
Khi tham gia vào ngoại giao đa phương với ASEAN, một vấn đề khác rất nhạy cảm và có tác động đến quan hệ Nga - ASEAN hiện nay là vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp khai thác tài nguyên ở biển Đông. Vấn đề này liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tất cả các nước ASEAN, đến Trung Quốc, Đài Loan và trên những mức độ nhất định đến Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ôxtrâylia thông qua quan hệ của họ với một hoặc nhiều bên kể trên. Cho nên, thái độ và phản ứng của Nga trước các tranh chấp ở biển Đông phụ thuộc rất nhiều vào mức độ lợi ích mà phía Nga có liên quan và được đặt trong sự tính toán về so sánh cán cân lợi ích với các nước hữu quan. Cho đến nay thái độ của Nga trước những tranh chấp ở biển Đông tương đối nhất quán và cũng giống như lập trường của Liên Xô thời kỳ cải tổ. Đó là thái độ thận trọng, đứng giữa, không muốn dính líu vào các cuộc tranh chấp phức tạp. Qua phát biểu của các đại diện ngoại giao của mình tại khu vực, Nga muốn khẳng định sự ủng hộ các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp ở biển Đông. Chẳng hạn, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước trưởng đoàn đại biểu Đuma quốc gia Nga E. Batin tại cuộc họp Hội đồng Tổ chức liên quốc hội ASEAN (Jacacta-Indonesia) ngày 27/9/1995 nhấn mạnh rằng: "Nga ủng hộ ý tưởng thiết lập tại Đông Nam Á khu vực hòa bình, tự do và trung lập; ủng hộ những đề nghị hợp tác ở biển Đông; vùng biển này không được trở thành nguồn thù địch và căng thẳng" [33]. Cho đến nay, dù Nga đã tham gia sâu hơn vào các vấn đề khu vực, nhưng chiến lược ngoại giao của Nga trong mối quan hệ với ASEAN về vấn đề Biển Đông về cơ bản vẫn không có nhiều thay đổi. Trong mọi diễn đàn đối thoại với các quốc gia của tổ chức này, Nga vẫn tỏ rõ lập trường trung lập, kêu gọi kìm chế, đảm bảo an ninh, an toàn trên Biển Đông. [11]
Một trong những vấn đề khá nhạy cảm mà qua đó có thể biểu đạt chiến lược ngoại giao của Nga ở khu vực này là việc Nga tham gia vào các vấn đề liên quan đến các tranh chấp khai thác tài nguyên trong khu vực Biển Đông. Có thể nói, về cơ bản, Nga luôn kêu gọi sự kiềm chế, hòa bình, đối thoại và hợp tác. Tuy nhiên, Nga vẫn là một bên cung cấp vũ khí, thực hiện các quan hệ ngoại giao song phương khá phức tạp.
Liên quan đến các tranh chấp về khai thác và thăm dò tài nguyên trên Biển Đông, ban đầu Nga cũng tỏ ra dè dặt, cố gắng tránh tham gia hợp tác thăm dò tài nguyên ở các vùng tranh chấp hoặc có khả năng nổ ra tranh chấp. Trên các diễn đàn an ninh và hợp tác Đông Nam Á mà phía Nga tham dự, quan điểm của Nga cho thấy họ không phản đối đưa vấn đề tranh chấp ở biển Đông ra bàn bạc ở các diễn đàn đa phương, nhưng họ chủ trương ủng hộ thương lượng song phương là chủ yếu. Theo quan điểm Nga, diễn đàn đa phương chỉ có ý nghĩa làm rõ lập trường của các bên tranh chấp và hỗ trợ các giải pháp song phương tiến triển thuận lợi. Bằng việc giữ thái độ trung dung, Nga muốn đóng vai trò trung quan thúc đẩy các giải pháp song phương. Thông qua đó, Nga có thể tăng cường vị thế của mình ở khu vực và dành những lợi ích cụ thể trong quan hệ với mỗi bên tranh chấp. Tuy nhiên, đến nay, dù vẫn giữ thái độ trung dung, nhưng qua các kênh ngoại giao và hợp tác song phương, Nga có vẻ như đã thực hiện một chiến lược mới: Tuyên bố trung dung nhưng luôn dùng ảnh hưởng và sử dụng thời cơ để hợp tác với các bên có liên quan như khai thác dầu khí với Việt Nam hoặc đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực năng lượng với Trung Quốc.
Như vậy, có thể thấy, trong chiến lược ngoại giao đa phương liên quan đến các vấn đề trên Biển Đông, có thể khẳng định rằng, Nga luôn muốn thúc đẩy ngoại giao với các tổ chức có ảnh hưởng trực tiếp tới các vấn đề liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông. Mặc dù, việc tham gia vào các tổ chức như ASEAN hay các diễn đàn APEC hay các Hội nghị thượng đỉnh… mục tiêu chính không phải là các vấn đề của Biển Đông. Tuy nhiên, thông qua các kênh đối ngoại trong các tổ chức và diễn đàn này, Nga thể hiện rõ chiến lược ngoại giao trong các vấn đề ở Biển Đông là muốn trở thành một lực lượng trung gian tham gia vào các cuộc hòa giải, kiềm chế xung đột qua đó nâng cao vị trí, vai trò của Nga trong khu vực và trên trường quốc tế. Rõ ràng, thông qua các tuyên bố có thể thấy rõ tham vọng của Nga trong hoạt động ngoại giao đa phương trong khu vực liên quan đến các vấn đề của Biển Đông.
Tuy nhiên, có thể khẳng định, chiến lược ngoại giao của Nga ở khu vực liên quan đến các vấn đề trên Biển Đông lại được biểu hiện rõ nét khi thực hiện ngoại giao song phương. Có thể nói, đây là một chiến lược hết sức hợp lý của Nga trong bối cảnh hiện nay. Một mặt, luôn thể hiện rõ tư tưởng trung lập, hòa giải, nhưng mặt khác, Nga cũng thực hiện đường lối ngoại giao khá riêng biệt với từng quốc gia trong vấn đề tranh chấp chủ quyền. Trong chiến lược riêng biệt ấy, Nga thực tế đang hỗ trợ một số quốc gia đơn lẻ trong trang bị vũ khí, trang bị quân đội nhằm kiềm chế một quốc gia khác. Bên cạnh đó, Nga cũng đã hết sức tận dụng thời cơ để gia tăng những hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế với nhiều bên liên quan.
2. Chiến lược ngoại giao song phương của Nga trong khu vực Biển Đông
2.1. Thực trạng và chiến lược quan hệ ngoại giao Nga – Trung trong vấn đề Biển Đông
Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Liên bang Nga trong thời gian gần đây được thể hiện rất rõ nét và ngày càng củng cố và phát triển. Là đối tác chiến lược toàn diện của nhau, giữa Nga và Trung Quốc, dù còn có nhiều vấn đề, nhưng có nhiều điểm chung mang tính chiến lược, nhất là các vấn đề về chính trị - an ninh trên thế giới. Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Liên bang Nga càng đặc biệt phát triển hơn, khi ngay ở ngày nhậm chức nhiệm kỳ thứ 3 của mình trên cương vị người đứng đầu nhà nước, Tổng thống Nga đã ký “Đường lối đối ngoại Liên bang Nga” [3], theo đó, Trung Quốc được coi là đối tác quan trọng bậc nhất trong chiến lược của Tổng thống Nga ở nhiệm kỳ mới này.
Tại mục 79 của Đường lối này đã chỉ rõ “Hướng quan trọng bậc nhất trong đường lối ngoại giao của Liên bang Nga là phát triển quan hệ hữu nghi với Trung Quốc và Ấn Độ”. Theo đó, với Trung Quốc, Liên bang Nga đẩy mạnh quan hệ đối tác tin tưởng chiến lược toàn diện với Trung Quốc, tích cực phát triển quan hệ trên mọi lĩnh vực. Đối với Nga, việc có được sự đồng thuận trong nhiều vấn đề cơ bản quốc tế với Trung Quốc là một trong những nguyên tắc cơ bản đảm bảo sự ổn định của khu vực và toàn cầu [3]. Cũng theo Đường lối này, nước Nga sẽ phát triển quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả việc tìm kiếm những câu trả lời cho những thách thức và những đe dọa, giải quyết những vấn đề hóc búa của khu vực và thế giới, hợp tác trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nhóm G20, BRICS, Đối thoại Đông Á, Tổ chức hợp tác Thượng Hải và các tổ chức khác [3].
Cũng giống như các Đường lối ngoại giao các năm 2000, 2008, Đường lối ngoại giao năm 2013 của Chính quyền tổng thống Putin vẫn tiếp tục khẳng định vị trí và tầm quan trọng trong việc phát triển quan hệ chiến lược toàn diện và tin tưởng lẫn nhau giữa Nga và Trung Quốc và đó được coi là trọng tâm của chính sách hướng Đông của Nga trong thập niên trở lại đây [3].
Như vậy, trong tất cả các văn bản chính thức như Đường lối ngoại giao, Chính sách quốc phòng, Học thuyết Biển của Nga, vấn đề Biển Đông hầu như không được nhắc tới trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Rõ ràng, đây là vấn đề rất tế nhị, bởi lẽ về phía Nga, Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nma - một quốc gia có quan hệ lịch sử gần gũi và cũng là đối tác chiến lược toàn diện của Liên bang Nga. Việt Nam cũng được coi là một trong những hướng ưu tiên trong quan hệ ngoại giao của Liên bang Nga và được Nga coi là “Cánh cửa” để vào khu vực Đông Nam Á cũng như hợp tác với toàn khối ASEAN – một trong những trung tâm kinh tế mới đầy tiềm năng và triển vọng[2].
Xét trên phương diện Đường lối đối ngoại và các tuyên bố chính thức, Nga đặt ưu tiên hợp tác, phát triển quan hệ ngoại giao với Trung Quốc hơn Việt Nam. Nội dung của Đường lối ngoại giao năm 2013 cũng như Lệnh của Tổng thống Nga về “Các biện pháp thực thi đường lối đối ngoại” ký ngày 7.2.2012 đều cho thấy rõ điều đó [3].  Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi Trung Quốc là nền kinh tế lớn, là đối tác thương mại hàng đầu của Nga. Bên cạnh đó, Trung Quốc là quốc gia – thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và có tiếng nói ngày càng lớn trong các vấn đề quốc tế. Quan trọng hơn, giữa Nga và Trung Quốc đang có nhiều lợi ích chung, chung quan điểm trong nhiều vấn đề quốc tế và đứng trước một đối thủ sức mạnh như Mỹ, cả Nga và Trung Quốc cần sự ủng hộ của nhau.
Tuy nhiên, trên thực tế, giữa Nga và Trung Quốc còn không ít vấn đề, đặc biệt là ở sự tin cậy lẫn nhau. Nga rõ ràng khó có thể đặt niềm tin vào một người hàng xóm khổng lồ đang lớn mạnh hàng ngày và rất có xu hướng bành trướng và tham vọng bá chủ thế giới. Một quốc gia mạnh mẽ ngay bên cạnh mình rõ ràng không phải là điều dễ chịu với Nga. Nga không mong muốn nhìn thấy một Trung Quốc quá mạnh, nhưng Nga cũng không hề muốn nhìn thấy một Trung Quốc yếu ớt trong bối cảnh Nga chưa đủ mạnh so với Mỹ. Rõ ràng, giữa Nga và Trung Quốc quan hệ khá phức tạp: vừa là đối tác nhưng cũng chính là đối trọng của nhau.
Vậy, chiến lược nào cho Nga trong quan hệ với Trung Quốc ở Biển Đông? Rõ ràng, Nga không thể đứng về một phía – điều mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều mong muốn, nhất là Trung Quốc. Trung Quốc luôn muốn Nga lên tiếng ủng hộ lập trường và đòi hỏi về lãnh thổ của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp. Tất nhiên, Nga không thể làm thế, bởi Việt Nam không muốn như vậy.
Như vậy, có thể thấy, Nga sẽ chọn chiến lược trung lập và sẵn sàng làm trung gian hòa giải các tranh chấp trên Biển Đông. Nếu không hòa giải được thì cũng sẽ cố gắng đảm bảo cho xung đột không leo thang và giữ nguyên hiện trạng. Ngoai ra, một chiến lược khó được công bố, nhưng chắc chắn sẽ luôn được thực thi trong Đường lối ngoại giao của Nga liên quan đến Biển Đông đó là: Trong khi thực hiện chiến lược trung lập và làm một bên hòa giải trong tranh chấp Biển Đông, Nga có một nhiệm vụ khác là vừa thể hiện được vai trò cường quốc, khai thác tối đa lợi ích kinh tế mà nhờ cuộc tranh chấp này mang lại, nhưng phải kìm chế Trung Quốc và tìm cách đối trọng với Mỹ. Chiến lược này, xuất phát từ các vấn đề sau:
-         Như đã phân tích ở trên, Nga không thể đứng về một phía trong quan hệ giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp, trong đó nhất là đối với Việt Nam. Ở đây Nga không chỉ có quan hệ mật thiết với Trung Quốc, Việt Nam mà còn có lợi ích kinh tế rất lớn với cả hai quốc gia;
-         Chiến lược ngoại giao của Nga là giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Thực tế, Nga cũng đã nêu quan điểm tôn trọng Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982;
-         Đây là cơ hội cho Nga giữ vai trò như là một nhân vật trung tâm điều phối lợi ích, đảm bảo cân bằng, gìn giữ hòa bình và xung đột trong khu vực. Với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Nga rất muốn thể hiện vai trò cao hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế, nhưng do tiềm lực kinh tế còn thấp nên chưa có điều kiện thể hiện. Chính vì lẽ đó, vấn đề Biển Đông đối với Nga là cơ hội thể hiện, bởi vừa ít chi phí vừa thể hiện được vai trò của mình;
-         Nga có thể hưởng lợi không nhỏ nếu can thiệp sâu hơn vào khu vực, bởi cả Trung Quốc và Việt Nam cũng như một số quốc gia khác muốn Nga thể hiện tốt hơn vai trò của mình ở khu vực Biển Đông, kể cả Mỹ [34]. Về phía Trung Quốc, để “chèo kéo Nga” ủng hộ quan điểm của mình, Trung Quốc luôn sẵn sàng nhượng bộ hoặc có thể ký kết một số thỏa thuận hợp tác có lợi cho Nga, hoặc chí ít cũng sẽ làm cho quyền lợi kinh tế của Nga gắn chặt chẽ hơn với Trung Quốc để đến lúc vì quyền lợi kinh tế, Nga cần phải ủng hộ Trung Quốc. Mặt khác, Nga cũng sẽ được Việt Nam dành cho những ưu đãi đặc biệt hơn nhằm gắn kết hơn nữa để gắn chặt quyền lợi của Nga với Việt Nam hoặc chí ít cũng không để Trung Quốc “chiếm” được sự ủng hộ của Nga trong vấn đề này. Ngoài những lợi ích này, nếu vấn đề khu vực nằm ở thế giằng co, Nga hoàn toàn có lợi thế để xuất khẩu quốc phòng cho các quốc gia trong khu vực. Xu thế trang bị quân đội của một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia… và những hợp đồng xuất khẩu vũ khí béo bở cho các quốc gia đang “chạy đua vũ trang” vì Biển Đông với Nga trong thời gian qua đã minh chứng cho điều đó;
-         Nếu tham gia vào khu vực này, Nga vừa củng cố liên minh với Trung Quốc, ngăn cản (đối trọng) sự lớn mạnh của Mỹ ở khu vực này, nhưng đồng thời cũng ngăn cản, kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc. Thế chân vạc: Trung-Nga-Mỹ sẽ có lợi cho Nga và có lợi cho cả khu vực Biển Đông.
Như vậy, với những nguyên nhân trên, chiến lược ngoại giao của Nga ở khu vực Biển Đông là phù hợp với lợi ích của Nga và trước mắt, phù hợp với lợi ích của các bên xung đột. Trong thực hiện chiến lược đó, nếu biết khai thác tốt, Việt Nam sẽ được lợi nhiều hơn khi mà Trung Quốc là bên xung đột, còn với Mỹ, Việt Nam vẫn chưa đủ căn cứ để xây dựng niềm tin với quốc gia này.
Để thực hiện chiến lược này, trong quan hệ với Trung Quốc, trên cấp độ đa phương, Nga luôn bày tỏ lập trường trung lập và kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết bằng con đường hòa bình, kêu gọi tuân thủ pháp luật Biển quốc tế và tầm quan trọng trong an ninh trên Biển Đông.
Về mặt song phương, Nga luôn thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với Trung Quốc nhằm tối đa hóa lợi ích của mình, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng ở Ucraina, Nga càng gắn kết chặt chẽ hơn. Tháng 5/2014 quan hệ ngoại giao giữa Nga và Trung Quốc lên tới đỉnh điểm khi Tổng thống Nga đã ký thỏa thuận về cung cấp khi đốt cho Trung Quốc – dự án mà bao nhiêu năm vẫn còn khúc mắc chủ yếu về vấn đề giá cả. Bên cạnh thỏa thuận năng lượng, giữa Nga và Trung Quốc còn ký gần 40 văn bản hợp tác khác trong các lĩnh vực khác nhau [35]. Trên phương diện ngoại giao, việc hai nước luôn có những tiếp xúc ở cấp cao đồng nghĩa với việc cả hai nước rất quan tâm đến phát triển mối quan hệ song phương. Tổng thống Putin đã từng khẳng định trong cuộc gặp gỡ cấp cao vào tháng 5/2014 rằng, quan hệ Nga-Trung rất đặc biệt, là nhân tố quan trọng cho sự ổn định của thế giới. Ngược lại, ông Tập Cận Bình khẳng định “Những thay đổi trong bối cảnh quốc tế hiện nay không làm ảnh hưởng đến quan hệ của hai quốc gia. Hai bên cần nỗ lực củng cố, tăng cường và phát triển mối quan hệ toàn diện và cùng có lợi” [36] [10, 25]
2.2. Thực trạng và chiến lược ngoại giao Nga – Việt trong vấn đề Biển Đông
Là hai quốc gia có quan hệ gần gũi và từng là liên minh trong lịch sử, ngày nay, Nga tiếp tục là đối tác tin cậy của Việt Nam. Trong Đường lối ngoại giao của Liên bang Nga, quan hệ với Việt Nam được coi là một trong những hướng ưu tiên của quốc gia này.[3][4]
Quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga, theo nhiều nhà nghiên cứu ngoại giao cũng như địa chính trị, là loại quan hệ đặc biệt. Đó là kiểu mẫu quan hệ thủy chung, vừa là đồng chí, anh em vừa là đồng minh, đối tác tin cậy và phát triển suốt gần 70 thập niên qua dù trải qua bao thay đổi căn bản về chế độ chính trị, đường lối phát triển và những ảnh hưởng của thời đại toàn cầu.
Ngày nay, quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng được củng cố, phát triển. Trong những năm qua, hầu như các cuộc thăm viếng cấp cao giữa hai nhà nước, hai chính phủ luôn được thực hiện một cách đều đặn. Mới đây, cuộc viếng thăm Liên bang Nga của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam được cho là có kết thúc rất tốt đẹp. Ngoài những thỏa thuận được ký kết, những cam kết chính trị được tuyên bố, hoạt động ngoại giao trong cuộc viếng thăm này có ý nghĩa hết sức đặc biệt, nhất là đối với Việt Nam. Trong cuộc viếng thăm này, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã được Tổng thống Liên bang Nga V. Putin tiếp đón tại dinh thự riêng của mình tại Sochi – một thành phố nghỉ dưỡng trên Biển Đen. Điều này, được nhiều nhà phân tích cho rằng, là dấu hiệu cho thấy Nga coi mối quan hệ với Việt Nam là đặc biệt gần gũi, gắn bó và thân thiện.
Không chỉ ở những cuộc thăm viếng diễn ra thường xuyên, nhất là trong mấy năm trở lại đây, mối quan hệ đặc biệt giữa Nga và Việt Nam còn thể hiện ở những thành tựu trong quan hệ toàn diện.
Trước hết đó là việc Nga và Việt Nam ký kết thỏa thuận trong lĩnh vực dầu khí. Cần phải nói thêm rằng, hiện giữa Nga và Việt Nam có một doanh nghiệp chung đó là công ty Vietsovpetro – bắt đầu khai thác từ năm 1980 trên vùng biển phái Nam của Việt Nam. Trong năm 2012, giữa Nga và Việt Nam lại ký kết một thỏa thuận đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò và khái thác dầu khí.  Thỏa thuận này đã cấp cho tập đoàn của Nga hai giấy phép khai thác các giếng khí đốt Mộc Tinh và Hải Thạch tại Biển Đông, ngoài khơi thềm lục địa của Việt Nam, và trao cho Gazprom 49% cổ phần của các giếng này, tương đương với 55,6 tỷ m3 khí đốt. Điều đặc biệt quan trọng ở chỗ đây là bản hợp đồng được thực hiện ngay trong những tháng đầu tiên khi Tổng thống V.Putin vừa được bầu lại cương vị Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 3 và được thực hiện trong khu vực được coi là “hết sức nhạy cảm” trên Biển Đông, dù rằng nó không phạm vào khu vực có tranh chấp.
Ngoài việc đạt được thỏa thuận hết sức quan trọng có tính chiến lược trong lĩnh vực dầu khí. Nga còn cung cấp cho Việt Nam một khoản tín dụng trí giá 8 tỉ USD để xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở Việt Nam. Dự án này sẽ được tiến hành xây dựng ở Ninh Thuận và sử dụng công nghệ điện hạt nhân của Nga cũng như với sự giúp đỡ của các chuyên gia về năng lượng hạt nhân của Nga. Hiện Nga cũng đang gấp rút đào tạo cho Việt Nam các chuyên gia về lĩnh vực này.
Bên cạnh năng lượng hạt nhân, Nga cũng là quốc gia giúp Việt Nam xây dưng và vận hành các nhà máy thủy điện lớn như thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La…
Trong lĩnh vực quốc phòng, cần phải khẳng định rằng, Nga là quốc gia cung cấp trang bị quốc phòng chủ chốt nhất của Việt Nam. Hiện có đến 90% vũ khí, trang bị quốc phòng của Việt Nam được Nga cung cấp. Hiện Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu kỹ thuật quân sự, vũ khí từ Nga. Nga đã cung cấp cho Việt Nam những máy bay hiện đại nhất mà Nga chưa bán cho Trung Quốc và xây dựng hệ lực lượng tàu ngầm hiện đại cho Việt Nam. Đây là một trong những hợp tác rất quan trọng bởi lẽ, lực lượng không quân hỗ trợ hải quân và xây dựng lực lượng tàu ngầm để phát triển và hiện đại hóa quân đội sẽ giúp Việt Nam chủ động trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình trên khu vực Biển Đông.
Ngoài trang bị quân đội, giữa Nga và Việt Nam còn có mối liên hệ trong lĩnh vực quân sự quan trọng khác đó là quân cảng Cam Ranh. Nga và Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận về việc đơn giản hóa các thủ tục cho phép tàu chiến Nga vào cảng Cam Ranh. Theo đó, “các tàu chiến của Nga nếu muốn đi vào cảng Cam Ranh chỉ cần thông báo trước với chính quyền sở tại. Tại đây, các tàu chiến Nga sẽ được bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Các thủy thủ có chỗ để được nghỉ ngơi…” [37]. Đây là một thỏa thuận lịch sử và có ý nghĩa lịch sử, bởi nó được xây dựng đựa trên những trang thiết bị, nhà kho còn lại của căn cứ Cam Ranh thời kỳ Nga rút khỏi đây và trên độ tin cậy cao vì Cam Ranh có vị trí địa chính trị trong lĩnh vực quân sự hết sức quan trọng. Cam Ranh có tầm ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề chiến lược trên Biển Đông. Việc ưu tiên Nga cho thấy quan hệ đặc biệt của Việt Nam và Liên bang Nga và Việt Nam muốn để Nga có vai trò quan trọng hơn đối với an ninh khu vực.
Ngoài những lĩnh vực nói trên, giữa Nga và Việt Nam còn đẩy mạnh quan hệ trong lĩnh vực khoa học, đào tạo, văn hóa cũng như thương mại. Kể từ năm 1998 sau khi Nga ký lại thỏa thuận về hợp tác khoa học giáo dục, lưu học sinh Việt Nam bắt đầu sang Nga học tập ngày càng nhiều. Trong lĩnh vực văn hóa, việc mở các “Thế giới Nga” tại Việt Nam giúp cho Văn hóa Nga trở lại với người dân Việt Nam. Cũng trong cuộc viếng thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Liên bang Nga, trong số các thỏa thuận quan trọng có nhiều thỏa thuận về lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo.
Về quan hệ kinh tế thương mại, giữa Nga và Việt Nam chưa có quan hệ thương mại tương xứng với quan hệ truyền thống giữa hai quốc gia. Kim ngạch chỉ đạt khoảng gần 3 tỉ USD, trong đó phần lớn đến từ các hoạt động kinh tế liên quan đến các hợp đồng về năng lượng, trang bị quân sự. Lĩnh vực thương mại khá khiêm tốn. Trong tương lai, Việt Nam và Liên bang Nga đang thúc đẩy gia nhập Liên minh Hải quan và việc Nga hạn chế nhập khẩu nông sản từ Liên minh Châu Âu là cơ hội mở rộng quan hệ thương mại giữa hai bên.
Như vậy, có thể nói, trọng những năm gần đây, quan hệ Nga-Việt chuyển biến mạnh mẽ trên mọi phương diện. Nga và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức đối tác toàn diện (tương đồng với mức quan hệ với Trung Quốc) vào năm 2012 nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang Liên bang Nga. Bên cạnh đó, trong cơ cấu hợp tác giữa hai bên, những thỏa thuận về năng lượng, dầu khí và trang bị quân đội chiếm tỉ trọng lớn, nhất là trong mấy năm trở lại đây. Đây không phải là sự ngẫu nhiên, những lĩnh vực hợp tác trọng tâm cũng như những ưu tiên của hai phía dành cho nhau có mối liên hệ chặt chẽ với một mối quan tâm chung – đó là tình hình Biển Đông và mong muốn nâng cao vị thế của Nga trong khu vực cũng như việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.
Rõ ràng, xét trên phương diện chính thức, Nga chưa có đường lối ngoại giao chuyên biệt cho vấn đề Biển Đông, tuy nhiên, thông qua việc chọn Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên trọng điểm ở khu vực cũng như những thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nhà nước, rõ ràng đã biểu hiện rõ nét đường lối ngoại giao của Nga ở Biển Đông.
Trung Quốc chắc chắn sẽ không thích thú gì việc Nga cung cấp cho Việt Nam trang thiết bị rất hiện đại cho quân đội, đặc biệt là trang bị máy bay chống tàu, chống ngầm cũng như các máy bay, tên lửa hiện đại nhắm tới lực lượng Hải Quân hiện đại của Trung Quốc. Nga cũng đã bán và đào tạo Việt Nam để xây dựng lực lượng tàu ngầm bảo vệ chủ quyền trên biển. Trung Quốc càng tỏ ra khó chịu hơn khi Nga và Việt Nam đạt thỏa thuận khai thác dầu khí trên biển Đông ngay trước thềm chuyến thăm của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc sang Việt Nam…
Như vậy, có thể thấy, chiến lược đối ngoại của Nga với Việt Nam liên quan đến Trung Quốc trên Biển Đông được thể hiện ở hai lĩnh vực sau:
-         Trên phương diện tuyên bố chính thức: Nga luôn công bố và tuyên bố công khai về lập trường trung lập và trung gian hòa giải giữa các bên tranh chấp. Trong công báo báo chí kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng sang Liên bang Nga cuối năm 2014, Tổng thống Liên bang Nga và Thủ tướng Chính phủ S. Medvedev – đống thời cũng là Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất cầm quyền đều tuyên bố “Nga ủng hộ giải quyết các tranh chấp trên biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về luật biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ qui tắc ứng xử (COC) trên biển Đông” [38]. Trong thỏa thuận với Việt Nam về khí đốt, Nga vẫn đảm bảo sự trung lập khi những khu vực được khai thác nằm ngoài phạm vi tranh chấp với các quốc gia khu vực.
-         Trên phương diện thực tế: Theo những phân tích về những thảo thuận đã đạt được với Việt Nam, đặc biệt về vũ khí và khí đốt, năng lượng, có vẻ như Nga đang “nghiêng” về phía đối tác Việt Nam trong các cuộc tranh chấp trên biển Đông, dù rằng, về mặt tuyên bố chính thức thì không phải là như vậy.
Vấn đề là, tại sao Nga lại thực hiện chính sách có thể tạm coi là “hai mặt” trong giải quyết vấn đề Biển Đông này?
Theo quan điểm của tác giả, chính sách đó của Nga xuất phát từ những lý do sau đây:
-         Xét về mặt đồng minh, Việt Nam là đồng minh thân thiết và tin cậy hơn Trung Quốc. Giữa Nga và Việt Nam lại không có bất kỳ vấn đề lớn nào có thể làm cho mối quan hệ bị xấu đi. Việt Nam không phải là đối thủ cũng như mối đe dọa đối với Nga kể cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Việt Nam có mối liên kết lịch sử với Liên bang Nga. Tình cảm và sự tin cậy đã được hun đúc bằng suốt chiều dài lịch sử. Người Việt luôn quí trọng và biết ơn người Nga, nhất là những giúp đỡ, hi sinh của Nga trong giai đoạn khó khăn của đất nước. Nhiều lãnh đạo của Việt Nam là cựu lưu học sinh ở Liên Xô và có mối quan hệ với Nga rất tốt. Giữa Nga và Việt Nam có nhiều lợi ích về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, khí đốt;
-         Việt Nam trong mối tương quan lực lượng với Trung Quốc thì rõ ràng là không thể sánh được về các yếu tố trang bị quân đội, tiềm lực kinh tế và quyền lực mềm. Nếu có xảy ra xung đột, Việt Nam có thể sẽ chịu nhiều tổn thất hơn;
-         Trung Quốc và Liên bang Nga là hai đối tác rất cần có nhau, nhưng lại cũng chính là đối thủ của nhau, là mối đe dọa của nhau, nhất là mối đe dọa đối với Nga từ phía Trung Quốc. Cả Nga và Mỹ không muốn nhìn thấy một Trung Quốc làm chủ cả khu vực Đông Nam Á. Điều đó không có lợi cho an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và không có lợi cho chính sách xoay trục của Mỹ và chính sách hướng Đông của Nga. Nga vừa muốn là đối tác của Trung Quốc vì lợi ích của mình, nhưng cũng rất muốn kìm chế Trung Quốc;
-         Trong khu vực ngoài Trung Quốc còn có sự can dự của Mỹ. Mỹ là đồng minh của Philippines ở khu vực. Mặc dù là đồng minh khá lỏng lẻo, nhưng sự hiện diện của Mỹ vẫn có sức nặng với tương quan lực lượng ở khu vực. Nga đương nhiên không thể ủng hộ lập trường và cách ứng xử của Trung Quốc và đứng hẳn về phía Trung Quốc vì như vậy sẽ làm tương quan lực lượng có lợi cho Trung Quốc. Như vậy, Nga chẳng được lợi ích gì mà có thể mất đi uy tín trên trường quốc tế;
-         Việt Nam là “cửa ngõ” vào khu vực của Nga. Việt Nam rất cần có một lực lượng giúp Việt Nam kìm chế Trung Quốc. Nếu không có lực lượng kìm chế, Trung Quốc sẽ “bắt nạt” Việt Nam nhiều hơn, bởi trên thực tế Việt Nam có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc và Phillipines. Nếu Philipines có liên minh với Mỹ, Trung Quốc sẽ tập trung tranh chấp với Việt Nam trước. Trong hoàn cảnh hiện tại, Việt Nam chưa thể sẵn sàng liên minh với Mỹ vì còn nhiều vấn đề lịch sử để lại. Trong bối cảnh đó, nếu Nga đứng về phía Việt Nam vừa có lợi cho Nga kể cả trong việc nâng cao vị thế của Nga ở khu vực, đồng thời giúp tạo thế cân bằng lực lượng và bảm bảo lợi ích kinh tế của Nga;
-         Nga còn quá nhiều lợi ích gắn kết chặt chẽ với TRung Quốc, vì thế, Nga không thể công khai đứng về phía Việt Nam, phản đối Trung Quốc. Lựa chọn duy nhất tốt cho Nga và cho an ninh khu vực đó là: Quan hệ đối tác với Trung Quốc và đồng minh với Việt Nam trên thực tế và trên phương diện tuyên bố, Nga sẽ giữ vai trò trung lập, kể cả đối với Việt Nam.
Như vậy, trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Nga luôn có chiến lược coi Việt Nam là đồng minh và Nga có lợi khi ủng hộ Việt Nam, tuy nhiên, trên phương diện tuyên bố, Nga luôn cố gắng thể hiện vai trò trung lập. Vì vậy, một mặt Nga tích cực hợp tác toàn diện với Việt Nam, mặt khác luôn cố gắng để các thỏa thuận đó không “lộ liễu” chống lại Trung Quốc. Có lẽ, đó là lựa chọn đối ngoại mà Nga cần và tiếp tục duy trì trong một thời gian nữa trong mối quan hệ với Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông.
2.3. Thực trạng và chính sách ngoại giao của Nga với một số quốc gia trong khu vực Biển Đông
Ngoài chính sách ngoại giao với Trung Quốc, Việt Nam, trong vấn đề Biển Đông, Nga cũng đang có chiến lược ngoại giao khá tinh tế và chủ động với các nước trong khu vực.
Trước hết là với Philippines. Dù là liên minh với Mỹ, nhưng đây là một liên minh “mù mờ”, bởi người Philippines cũng đã bắt người Mỹ rút căn cứ quân sự của mình trên lãnh thổ của mình từ lâu. Vì lẽ đó, Philippines cũng rất cần có sự ủng hộ quốc tế rộng rãi. Trong bối cảnh tranh chấp trong khu vực, Nga đang cố gắng thể hiện chiến lược ngoại giao của cường quốc đóng vai trò trung lập và hòa giải. Vì lẽ đó, với Philippines, Nga đang tích cực đẩy mạnh quan hệ đối ngoại với mục tiêu tăng vị thế ở Philippines trong thực hiện chính sách của mình. Gần đây, các tàu chiến của Nga thăm Philippines cho thấy, Nga đang nỗ lực cụ thể hóa chính sách này.
Với Indonesia – một bên tranh chấp nhưng tạm giữ vị thế trung lập cao và chưa có liên minh quân sự với quốc gia nào. Trong bối cảnh đó, Nga cũng đang cố gắng đẩy mạnh ngoại giao, tranh giành ảnh hưởng của mình ở đất nước có tới hơn hai trăm triệu dân này. Hiện nay Indinesia cũng vươn lên là một trong những quốc gia nhập vũ khí từ Nga nhiều thứ hai sau Việt Nam trong khu vực. Rõ ràng, Nga sẽ thực hiện vai trò trung lập, trung gian đồng thời sẽ cố gắng tận dụng tranh chấp này để xuất khẩu vũ khí sang khu vực này. Điều này cũng phù hợp với mong muốn của Indonesia cũng như một số quốc gia khác trong khu vực.
Như vậy, trên cơ sở phân tích những nguyên tắc cơ bản của đường lối ngoại giao Liên bang Nga, thực tiễn hoạt động ngoại giao song và đa phương ở khu vực Biển Đông, có thể đi đến nhận định chung về chiến lược ngoại giao của Nga ở khu vực Biển Đông như sau:
-         Nga sẽ tiếp tục và tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực có tranh chấp trên Biển Đông vì điều này phù hợp với mục tiêu chiến lược và lợi ích của Nga trong bối cảnh hiện nay;
-         Chiến lược ngoại giao của Nga hiện nay dựa trên nền tảng cốt lõi là lợi ích quốc gia chứ không đặt trọng tâm vào vấn đề tư tưởng;
-         Trong quan hệ ngoại giao liên quan đến các tranh chấp trên Biển Đông, Nga thực hiện chiến lược ngoại giao thực dụng, vừa là lực lượng trung lập có vai trò trung gian hòa giải nhưng cũng khai thác triệt để các mâu thuẫn chồng chéo trên Biển Đông để đạt được lợi ích cao nhất và cố gắng nâng cao vị thế như là cường quốc ngày càng có ảnh hưởng ở khu vực. Chính sách này được coi là có hai mặt thống nhất: Một mặt kêu gọi hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán. Mặt khác, luôn tận dụng triệt để mâu thuẫn để gia tang ảnh hưởng trong khu vực, tang cường và phát triển lợi ích quốc gia thông qua các hợp đồng về kinh tế, thương mại, mua bán vũ khí;
-         Trong quan hệ ngoại giao liên quan đến Biển Đông, Nga coi Trung Quốc là đối tác nhưng ở mức độ nào đó coi Việt Nam là đồng minh. Nga luôn có xu thế hợp tác với Trung Quốc để phục vụ lợi ích quốc gia, đối trọng với Mỹ, nhưng Nga luôn coi trọng việc kiềm chế Trung Quốc thông qua hợp tác chặt chẽ với các quốc gia ASEAN, nhất là đối với Việt Nam để làm lực lượng đối trọng với Trung Quốc.
Thực tế cho thấy, có không ít quốc gia, nhất là Trung Quốc, tỏ ra không có thiện cảm với chiến lược ngoại giao “nước đôi” và khá “lập lờ” của Nga. Tuy nhiên, về cơ bản, chiến lược này là hợp lý để giữ nguyên hiện trạng trên Biển Đông. Nga không thể ủng hộ Hoa Kỳ, nhưng cũng không thể đứng về phía Trung Quốc bởi thực chất Trung Quốc là kẻ thù tiềm năng là “láng giềng nguy hiểm”của Nga. Nga ủng hộ Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông sẽ gia tăng sức mạnh của Trung Quốc. Điều này bất lợi cho an ninh khu vực, bất lợi cho hình ảnh của Nga. Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược như trên, Nga luôn cảnh giác để không bị lợi ích kinh tế chi phôi và cũng cảnh giác với chính mình bởi nếu Nga tỏ ra quá trục lợi sẽ làm hình ảnh của một cường quốc có trách nhiệm xấu đi trong cộng đồng quốc tế, nhất là những quốc gia trong khu vực. Nga cần tránh đẩy cao cuộc chạy đua vũ trang nhằm gia tang ảnh hưởng và bán vũ khí vì điều này có lợi trước mắt nhưng xét về mặt địa chính trị lâu dài sẽ có những tác động xấu cho vị thế của Nga trong khu vực và quốc tế.

 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.               Морская доктрина Российской Федерации на период до 2020 года (Học thuyết biển của Liên bang Nga đến năm 2020. Ban hành năm 2001) http://www.consultant.ru/document/cons_doc_LAW_99415.
2.               Внешнеэкономическая стратегия Российской Федерации до 2020 года (Chiến lược kinh tế đối ngoại của Liên bang Nga đến năm 2020. Ban hành năm 2008) http://economy.gov.ru/minec/activity/sections/foreignEconomicActivity/vec2020
3.               Концепция внешней политики Российской Федерации 2013 (Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga năm 2013) http://www.mid.ru/brp_4.nsf/0/6D84DDEDEDBF7DA644257B160051BF7F.
4.               Концепция внешней политики Российской Федерации 2008 (Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga năm 2008) Xem trên: http://kremlin.ru/acts/785.
5.               Российский Дальний Восток: стратегия развития в XXI веке: Монография / Отв. ред. Л.А. Аносова. – М.: Институт экономики РАН. 2014. – 214с.
6.               Восточная политика Владимира Путина. Возвращение России на «Большой Восток» (2004—2008 гг.) / С.Г. Лузянин. — М: ACT: ВостокЗапад, 2007. — 447, [I] с. (Chính sách hướng Đông của V.Putin: Sự trở lại của nước Nga về “phương Đông vĩ đại” (2004-2008)/ Chủ biên: S.G. Lunhianhin. –M: AST: Đông – Tây, 2007- 447 trang.).
7.               Восточная и Юго-Восточная Азия — 2011: внутренняя и внешняя политика, межстрановые конфликты. — М.: Инс титут экономики РАН, 2012. — 208 с. (Đông Á và Đông Nam Á – 2011: chính sách đối nội và đối ngoại, những tranh chấp giữa các quốc gia. – M. Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga, 2012. – 208 trang.).
8.               Панов А.Н. Интеграция России в Азиатско-Тихоокеанский регион: перспективы 2012–2020 / Внешняя политика России 2000–2020. Т. 2. РСМД. Москва, 2012. С. 214 (Panov A.N. Sự hội nhập của nước Nga vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: xu hướng từ 2002-2020/ Chính sách đối ngoại của nước Nga 2000-2020. Tập 2. Moscow, 2012).
9.               Đông Nam Á: Những vấn đề thời sự của sự phát triển (Quyển XX). Mosiakov D.V (Chủ biên) Viện nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, 2013 (Tiếng Nga)
10.          Kotlyar N.V. Chiến lược Nga-Trung trong tranh chấp lãnh thổ ở Thái Bình Dương// Tạp chí khoa học chính trị trường Đại học Tổng hợp Chelyabisk, Nga, sô 23 năm 2013;
11.           Serafimov V.V. Nga-ASEAN: 10 năm hợp tác hiệu quả.// Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 7/2006.
12.          GS.TS. Kheiphes. Những ưu tiên phát triển kinh tế giữa Nga với các nước ASEAN trong những năm đầu của thế kỷ XXI, Báo cáo tham luận Hội thảo quốc tế “Hướng tới quan hệ hợp tác toàn diện Nga – ASEAN trong những năm đầu thế kỷ XXI”. TP. Hồ Chí Minh, tháng 3/2007.
13.          PGS.TS. Nguyễn Quang Thuấn (Chủ biên), Quan hệ Nga-ASEAN trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, NXB. Khoa học xã hội. Hà Nội – 2008.
14.          Hoàng Minh Hà, Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga đến năm 2020 và vị trí của ASEAN trong chiến lược đó. Nghiên cứu Châu Âu, số 6, 2007.
15.          Võ Đại Lược, Quan hệ Việt-Nga với xu thế gia tăng giữa hợp tác khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh quốc tế mới. Đề tài độc lập cấp nhà nước, Hà Nội, 2004.
16.          Nguyễn Văn Tâm, Một số xu hướng phát triển kinh tế chủ yếu của Nga trong những năm đầu của thế kỷ XXI// Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới, 8/2003.
17.          Ngô Sinh (Tổng hợp), Nước Nga thời Putin. NXB, Văn hóa – thông tin, Hà Nội-2008.
18.          http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ChiTietVeQuocGia?diplomacyNationId=211&diplomacyZoneId=3&vietnam=0.
19.          http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A1m_%C4%91%E1%BB%99i_Th%C3%A1i_B%C3%ACnh_D%C6%B0%C6%A1ng_Nga.
20.          http://www.tinbiendong.com/nd5/detail/my-va-bien-dong/my-muon-nga-the-hien-vai-tro-trong-tranh-chap-bien-dao-o-chau-a/857.014.html.
21.          http://ria.ru/spravka/20140520/1008413779.html.
22.          http://tapchiqptd.vn/en/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/doi-net-ve-vai-tro-cua-nga-trong-cau-truc-an-ninh-khu-vuc-chau-a-%E2%80%93-thai-binh-duong/6080.html.
23.          http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-chau-au/725-vitaly-naumkin.
24.          http://vi.wikipedia.org/wiki/Bi%E1%BB%83n_%C4%90%C3%B4ng
25.          http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/gia-da-u-gia-m-no-i-len-die-u-gi-trong-tranh-cha-p-bie-n-dong-3141080.html
26.          http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/khong-quan-nga-lan-dau-dung-cam-ranh-viet-nam-giu-loi-3224019/
27.          http://vnsea.net/tabid/136/ArticleID/991/language/vi-VN/Default.aspx
28.          http://vi.wikipedia.org/wiki/Tranh_ch%E1%BA%A5p_b%C3%A3i_c%E1%BA%A1n_Scarborough
29.          http://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_gi%C3%A0n_khoan_H%E1%BA%A3i_D%C6%B0%C6%A1ng_981
30.          http://www.vietnamplus.vn/nga-gia-tang-hien-dien-o-chau-athai-binh-duong/223767.vnp
31.          http://www.vietnamplus.vn/nga-gia-tang-hien-dien-o-chau-athai-binh-duong/223767.vnp
32.          http://www.vietnamplus.vn/nga-gia-tang-hien-dien-o-chau-athai-binh-duong/223767.vnp
33.          http://www.dav.edu.vn/en/reseach/introduction.html?id=293:so-17-quan-he-cua-lien-bang-nga-voi-cac-nuoc-asean-hien-nay
34.          http://www.tinbiendong.com/nd5/detail/my-va-bien-dong/my-muon-nga-the-hien-vai-tro-trong-tranh-chap-bien-dao-o-chau-a/857.014.html
35.          http://ria.ru/world/20140520/1008598293.html
36.          http://lenta.ru/news/2014/11/09/putin/
37.          http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/thoa-thuan-viet-nga-ve-cam-ranh-goc-nhin-doi-ngoai-quan-su-3226248/
38.          http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri-viet-nam/viet--nga-ky-ket-9-van-kien-hop-tac-quan-trong-3214659/
39.          Mai Văn Thắng, Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam và Liên bang Nga – Khẳng định quan hệ truyền thống, nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện // Nghiên cứu lập pháp số 24 tháng 11/2012.
40.          Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga phát triển tích cực, www. chinhphu.vn, ngày 16-4-2014.
41.          http://nguyentandung.org/tang-cuong-hop-tac-dau-khi-viet-nga.html
42.          http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2015/31369/Nhin-lai-65-nam-quan-he-Viet-Nam-Nga.aspx
43.          http://baodientu.chinhphu.vn/The-gioi-va-Viet-Nam/Tuyen-bo-chung-Viet-Nam-va-LB-Nga/214323.vgp
44.          http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nga-trung-quoc-ky-thoa-thuan-khi-dot-400-ti-usd-20140521181147052.htm
45.          http://vietnamese.ruvr.ru/news/2014_10_13/278604380/
46.          http://ria.ru/spravka/20140520/1008413779.html
47.         http://asean.mofa.gov.vn/vi/nr070521170205/nr131114153204/nr131114235434/ns131114115616/newsitem_print_preview
48.          http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/hop-tac-quan-su-viet-nga-on-dinh-va-tin-cay-2360856/
49.          http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri-viet-nam/se-thanh-lap-lien-doanh-san-xuat-quoc-phong-viet-nga-2359401/
50.          http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/don-gian-hoa-thu-tuc-cho-tau-chien-nga-vao-cam-ranh-3215454/
51.          http://www.doisongphapluat.com/the-gioi/the-gioi-24h/900-binh-si-nga-toi-trung-quoc-tham-gia-tap-tran-a45585.htm
52.          http://www.doisongphapluat.com/lien-quan/the-gioi/quan-su/tac-dong-cua-cuoc-tap-tran-hai-quan-nga-trung-quoc-r33768.html
53.          http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/loi-nhac-thang-cua-nga-toi-trung-quoc-3227751/
54.          http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/loi-nhac-thang-cua-nga-toi-trung-quoc-322775


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.