Mai Văn Thắng
Khoa Luật,
ĐHQGHN
Lý
luận về nhà nước và pháp luật là khoa học pháp lý cơ sở, nền tảng và đồng thời là môn học nền tảng, cánh cửa
để bước vào khoa học pháp lý, giúp cho
việc tiếp nhận các khoa học pháp lý chuyên ngành và khoa học pháp lý ứng dụng
trở nên có hệ thống, logic và chuẩn xác hơn. Cũng chính vì tầm quan trọng ấy mà
việc cung cấp, phổ biến tri thức thuộc lĩnh vực này cần đảm bảo sự chuẩn xác,
phù hợp với định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền và chiến lược cải cách giáo
dục, đào tạo ở Việt Nam hiện nay.
Để
xây dựng thành công nhà nước pháp quyền, thiết nghĩ, xã hội cần phải được tư
duy theo hướng pháp quyền và nhân quyền. Muốn có được tư duy theo hướng pháp
quyền và nhân quyền, trước hết cần phải truyền bá tri thức và tiếp cận theo pháp quyền, nhân
quyền. Với tư cách như là một khoa học pháp lý, một môn học cơ sở trong quá
trình đào tạo luật học, Lý luận nhà nước và pháp luật đóng một vai
trò quan trọng. Bởi, nếu những nhà luật học tương lai, những người đã chọn luật
như nghề nghiệp tương lai của mình được trang bị ngay từ những giây phút đầu một
tri thức chuẩn, một tư duy pháp quyền, nhân quyền trên nền tảng của Lý luận nhà
nước và pháp luật, thì sứ mệnh đó có cơ sở để thành công!
Tuy
nhiên, nghiên cứu về chương trình giảng dạy và hệ thống giáo trình của môn học
này ở nước ta, tôi cho rằng, với những gì hiện có Lý luận nhà nước và pháp luật
chưa hoàn toàn đủ sức gánh vác việc thực thi sứ mệnh cao cả “đi trước mở đường”
đó.
Trên
cơ sở những suy nghĩ trên, tôi xin tập trung vào phân tích hai phần chủ yếu:
Phần 1, Khái quát về sự "chưa tương thích" của của chương trình, giáo trình cho môn học LLNNPL trong hướng
tiếp cận hiện đại, nhân quyền, pháp quyền.
Phần 2: Một số khuyến nghị hoàn thiện học
liệu, khung chương trình để việc tiếp cận môn học này thực sự theo hướng hiện đại
và nhân quyền.
Phần 1:
Vấn
đề 1: Về chương trình, đề cương giảng dạy môn học
Chương trình và
đề cương môn học đã có nhiều điều chỉnh, nhưng thời lượng của môn học chưa cho
phép người học có thể trao đổi, thảo luận chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến
lý luận nhà nước và pháp luật hiện đại, nhất là những vấn đề lý luận nhà nước
và pháp luật và nhân quyền. Hiện (theo Chương trình sửa đổi năm 2014 của Khoa
Luật ĐHQGHN), môn học được xây dựng với 60 giờ tín chỉ, trong đó có 12 giờ tự học,
48 giờ lý thuyết và không có một giờ thảo luận nào. Theo tác giả, chương trình
này chưa thật sự phù hợp với sự nghiệp cải cách phương pháp dạy và học, với định
hướng nhân quyền và thậm chí còn có chỗ chưa chuẩn xác trong tiếp cận theo hệ
thống tín chỉ. Theo chương trình này, sinh viên hầu như không có cơ hội trao đổi,
tranh luận chuyên sâu về các vấn đề lý luận hiện đại hoặc còn tranh luận về nhà
nước và pháp luật, những vấn đề nhân quyền trong lý luận hiện đại về nhà nước
và pháp luật. Ví dụ như, để tiếp cận chuyên sâu hơn về các lĩnh vực nhân quyền
trong lý luận NNPPL hoặc những vấn đề mang tính hiện đại về nhà nước pháp luật,
cần phải có giờ trao đổi, thảo luận về mối
quan hệ giữa nhà nước và pháp luật trong xã hội hiện đại; quyền lực nhà nước là
gì; mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước và nhà nước, tính hợp pháp và tính
chính đáng của quyền lực nhà nước; pháp quyền, nhà nước pháp quyền, pháp trị,
pháp chế; bàn luận về những nguyên tắc hiến định, những quy định mới trong hiến
pháp về nhân quyền, mối quan hệ giữa nhà nước và công dân trong lịch sử và hiện
đại; con người, cá nhân, công dân và quy chế pháp lý của họ; và nhiều vấn đề
khác về trách nhiệm pháp lý như trách nhiệm pháp lý gắn với vi phạm pháp luật,
trách nhiệm pháp lý không có vi phạm pháp luật (trách nhiệm nghiêm ngặt, trách
nhiệm pháp lý tích cực…), các loại hình phạt, trách nhiệm pháp lý trong pháp luật
Việt Nam với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế;;... tất cả điều đó đều liên
quan đến Lý luận về NN&PL và nhân quyền (Thảo luận những điều này chính là
lồng ghép tri thức nhân quyền và cũng là cách tiếp cận giáo dục hiện đại kh người
học có quyền thẳng thắn, trao đổi).
Tiếc rằng, với
chương trình hiện tại các giảng viên khó lòng khó thể truyền tải hết trong 48
giờ tín chỉ những nội dung trên, mà nếu có truyền tải hết cũng khó được tiếp nhận
với một sinh viên mới bước ra từ trường phổ thông. Chỉ còn có cách là trao thêm
nhiều cơ hội cho thảo luận. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, với chương trình hiện tại
nếu đi sâu vào thảo luận thì sẽ giảm thời lượng cho giờ lý thuyết và như vậy sẽ
gặp vấn đề về giảng dạy theo tín chỉ.
Ở Liên bang Nga,
môn học được tiếp cận dạy tín chỉ như sau: Nếu môn học có số tín chỉ là 60 thì
sẽ có khoảng 40 tiết lý thuyết và sẽ có khoảng 20 tiết thảo luận, giải quyết
bài tập, tình huống. 40 giờ lý thuyết sẽ được dạy ở một giảng đường rất đông
khoảng 150-200 sinh viên do các chuyên gia uy tín về môn học giảng dạy (sinh
viên và giảng viên trẻ đều được vào nghe). Ở đây các giáo sư giảng giải lý thuyết,
còn sinh viên nghe và có vấn đề gì đó ghi lại và sẽ có tiết thảo luận để trao đổi.
20 tiết thảo luận sẽ được tiến hành ở các lớp nhỏ theo nguyên tắc: mỗi lớp
không quá 20 người. Như vậy nếu lớp lý thuyết là 200 thì sẽ có 10 lớp thảo luận.
Ở những lớp thảo luận giảng viên phụ trách sẽ đưa ra những câu hỏi chuẩn bị trước,
sinh viên bị yêu cầu phải tự tìm tài liệu và trả lời mấy câu hỏi đó trên lớp để
kiểm tra (mất khoảng 30 phút), sau đó trao đổi, thảo luận. Thông thường ở đây
sinh viên sẽ trao đổi, thảo luận, tranh luận về các vấn đề thắc mắc trên lớp lý
thuyết, đọc trong tài liệu dưới sự điều khiển bởi một giảng viên (thường không
phải là giáo sư đầu ngành). Những vấn đề hiện đại, nhân quyền như đề cập ở trên
sẽ được tranh luận sâu hơn ở 20 tiết thảo luận này. Bằng cách này, sinh viên được
tôi luyện kỹ năng tranh biện, hỏi đáp và tự tìm kiến thức để tranh biện nên nắm
những kiến thức hiện đại sâu hơn, hiểu tốt hơn cả những vấn đề giảng dạy trên
giờ lý thuyết. Nếu không được giải đáp và không thỏa mãn, sinh viên có thể gặp
người giảng dạy lý thuyết để trao đổi vì mỗi giảng viên bị quy định 1 tuần có 2
tiếng “tư vấn bắt buộc” trong cơ sở đào tạo (họ ngồi ở Bộ môn và ai cũng có quyền
đến hỏi trong thời gian này). Ở Việt Nam chúng ta có chương trình chưa tốt, các
giảng viên thường tranh thủ thời gian lý thuyết để tiến hành 1-2 giờ thảo luận
theo kiểu “méo mó có hơn không” thậm chí “cho mình đỡ mệt”.
-
Đề cương môn học đã tiếp cận theo hướng
hiện đại, nhân quyền như vấn đề nguồn gốc, quan niệm về nhà nước pháp luật, nhà
nước pháp quyền và xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, nhưng trong đề
cương vẫn chủ yếu mang tính lồng ghép tùy nghi. Có nghĩa giảng viên có thể nói
thêm về nhân quyền trong mỗi bài giảng bắt buộc tùy theo khả năng và hứng thú của
mình chứ khó kiếm tra, đánh giá. Đề cương hiện chia làm ba phần: phấn 1 khái luận về môn học, khoa học
LLNNPL, phần 2: Lý luận về nhà nước và phần 3: lý luận về pháp luật. Đề
cương theo thiết kế này khá dễ hiểu, rõ ràng, nhưng để phục vụ tiếp cận theo hướng
nhân quyền thì có vẻ chưa phù hợp. Có những
vấn đề chung chưa được giải quyết và sẽ hợp lý hơn nếu đưa vào 1 phần riêng:
như Mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật; Quyền, tự do của con người, công
dân (những vấn đề cần bàn về lý luận cơ
bản về quyền con người quyền công dân, phân loại các quyền cơ bản, quyền và
nghĩa vụ của công dân, những cơ chế đảm bảo thực hiện và bảo vệ quyền con người
quyền công dân, quy chế pháp lý của cá nhân), tài phần này có thể đưa tách vấn
đề nhà nước pháp quyền, pháp quyền, pháp trị ra để bàn luận. Tôi cho rằng, Lý
luận nhà nước và pháp luật là khoa học độc lập chứ không phải phép cộng giản
đơn giữa hai lĩnh vực khoa học: Lý luận về nhà nước và Lý luận về pháp luật,
nên cần phải có những vấn đề chung, giải quyết mối liên hệ và những vấn đề liên
quan đến nhân quyền, quyền và nghĩa vụ của công dân trong mối liên hệ với nhà
nước và pháp luật.
Giải
pháp các giảng viên thường áp dụng: Không cho sinh viên
nghỉ các buổi tự học mà thay vào đó sẽ cho lớp thảo luận về những vấn đề hiện đại
về nhà nước và pháp luật, trao đổi những vấn đề thời sự về quyền con người, quyền
công dân liên quan đến các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Bộ máy nhà nước;
thảo luận về pháp quyền, pháp chế, pháp trị, nhà nước pháp quyền, phân biệt các
quyền con người, quyền công dân và các nhóm quyền… Nhưng tôi xin lưu ý là: điều
này là không đúng với Chương trình vì chương trình không có giờ thảo luận và giảng
viên có thể nghỉ 1 số tiết. Hơn nữa, thảo luận với 120 sinh viên là không hiệu
quả bằng cách chia học thảo luận theo lớp nhỏ (20-30 sinh viên).
Cũng nên lưu ý
là việc cho tự học có kiểm tra phải là bắt buộc vì đây là thời gian đào tạo chứ
không phải là thời gian nghỉ. Sinh viên được giao bài tự học, tự tìm kiếm tài
liệu dưới sự hướng dẫn của giảng viên và họ sẽ bị kiểm tra. Triết lý đào tạo hiện
tại sẽ bị phá vỡ (hoặc không đạt được như mong muốn) nếu không hiểu và không áp
dụng tốt “giờ tự học này”.
Ngoài ra, có một
số giảng viên cũng lập ra trang blog,
địa chỉ trực tuyến để đưa những tài
liệu hay những quan điểm trên đó để sinh viên đọc đưa ra câu hỏi, thảo luận và
cung cấp thêm tài liệu qua email cho những nhóm thuyết trình, hoặc qua mail của
những tài liệu liên quan đến môn học, liên quan đến phần thảo luận chuyên sâu. Đây là cách hay mà nhiều giảng viên ở nước
ngoài hay sử dụng để hỗ trợ đào tạo. Một số các giảng viên cũng đã dùng các tiết
để tư vấn ngoài giờ (kể cả qua email và trên Bộ môn…).
Bên cạnh đó, tôi
cũng cho rằng, nên bỏ tên gọi chương IX “Hệ thống chính trị Việt Nam” mà thay
vào đó là tên “Nhà nước trong hệ thống chính trị” (sau đó thêm mục về Việt Nam)
hoặc “Nhà nước và pháp luật trong hệ thống chính trị” bởi ta hiểu hệ thống
chính trị đâu chỉ mỗi các tổ chức thành viên mà còn chức năng của các tổ chức
đó và hệ thống các quy phạm điều chỉnh nữa.
Vấn đề 2: Về giáo trình LLNNPL
trong mối tương quan với giảng dạy hiện đại theo định hướng nhân quyền, pháp
quyền.
Tại
sao lại phải đổi mới giáo trình LLNNPL theo hướng hiện đại, nhân quyền và pháp quyền để hiệu quả hơn việc giảng dạy
theo định hướng nhân quyền của môn học này thì tôi đã trả lời ở trên.
Hiện
tại, hệ thống giáo trình LLNNPL của chúng ta cũng khá đồ sộ: của GS.TS. Hoàng
Thị Kim Quế, của ĐHL Hà Nội (chủ biên GS. Lê Minh Tâm), GT của PGS.TS. Nguyễn Cửu
Việt, PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan, PGS.TS. NGuyễn Văn Động và còn của nhiều trung
tâm, nhà nghiên cứu khác.
Phải
thừa nhận đây là các giáo trình nói trên là những công trình hết sức có giá trị,
là kết quả nghiên cứu của các chuyên gia có uy tín trong nước. Tuy nhiên, để
đáp ứng yêu cầu cung cấp lượng kiến thức cần thiết về lĩnh vực nhân quyền, đặc
biệt là phục vụ yêu cầu và sứ mệnh chuyển trọng tâm sang hướng tiếp cận theo
góc độ nhân quyền thì có thể nói cần phải có những điều chỉnh thì mới đảm bảo
hiệu quả và phù hợp với hơi thở thời đại.
Có
thể nói, hệ thống giáo trình của ta đã được viết cách đây một số năm nên nội
dung không theo kịp những đổi mới và tư duy tổ chức quyền lực của như hướng tiếp
cận nhân quyền của nhà nước và nhu cầu xã hội và đặc biệt, không theo kịp nhu cầu
đổi mới của chương trình đào tạo tại Khoa Luật. Ví dụ như: trong trương trình đào tạo tại Chương V đã yêu cầu giảng dạy
và cung cấp kiến thức về: Các quan niệm về nhà nước (rất tiến bộ, nhân quyền),
nhưng trong các giáo trình hầu như chỉ đề cập đến các quan niệm liên quan nguồn
gốc (sự xuất hiện) của nhà nước.
Ngoài
ra, như đã nói, giáo trình của ta chưa tiếp cận theo hướng nhân quyền vì vẫn
dành nhiều dung lượng cho những vấn đề nặng về “cách tiếp cận cũ”. Chẳng hạn, thay
vì dành cần phải nhiều dung lượng hơn cho những vấn đề như: các quan niệm, hướng tiếp cận về bản chất
nhà nước, pháp luật trên thế giới, lý luận về quyền con người, quyền công dân
trong mối tương quan với nhà nước và pháp luật trong thế giới hiện đại, các
nguyên tắc phân quyền, giá trị xã hội của pháp luật, vai trò của pháp luật đối
với công bằng, bình đẳng, bản chất hiện đại của quyền lực nhà nước, mối quan hệ
giữa chủ quyền nhân dân với quyền lực nhà nước… thì một số giáo trình còn dành
một số lượng lên đến hàng trăm hoặc gần trăm trang cho kiểu nhà nước và sau đó
là kiểu pháp luật. Khi chúng ta bàn quá nhiều về từng hình thức, bản chất,
cơ sở kinh tế, xã hội, tính chất, hình thức của từng kiểu nhà nước và pháp luật
có nghĩa là giáo trình còn tiếp cận theo hướng tuyên truyền, vì mục đích chính
trị, chứ không phải khoa học (nêu các kiểu cũ xấu và cuối cùng là kiểu XHCN ưu
việt nhất). Cách tiếp cận này không chỉ nặng về tư tưởng, thiếu tính hiện đại,
không đáp ứng nhu cầu tiếp cận theo hướng nhân quyền mà có thể còn sai lại đối
tượng – vì những vấn đề đó là vấn đề của lịch sử nhà nước và pháp luật. Trong
LLNNPL cũng đề cập đến phân chia theo kiểu nhà nước hay kiểu pháp luật nhưng chỉ
là nêu quan điểm và cách thức phân chia, khái quát nội dung của các kiểu chứ
không đi sâu vào phân tích từng kiểu nhà nước và kiểu pháp luật một. Cùng lắm
nên chỉ cần dung lượng 3-5 trang cho vấn đề kiểu nhà nước và cũng từng ấy cho vấn
đề kiểu pháp luật. Cũng liên quan đến vấn đề này, trong đề cương có đề cập đến
phân kiểu nhà nước theo thuyết văn minh, tuy nhiên trong các giáo trình ta
không tìm thấy nội dung này.
Các
giáo trình hiện tại cũng còn nhiều điểm chưa nhất quán. Trong một giáo trình
trang trên thì nói “Chế độ chính trị dân chủ thì chia thành: chế dộ dân chủ chủ
nô, chế độ dân chủ phong kiến, chế độ dân chủ tư sản” nhưng trong khi nói về kiểu
nhà nước phong kiến thì lại viết “nhà nước phong kiến là kiểu nhà nước triệt
tiêu mọi quyền dân chủ của người dân” hay “NN XHCN Việt Nam là nhà nước dân chủ,
mọi quyền lực nhà nước là của nhân dân”… nhưng lại thể hiện ý chí của giai cấp
công nhân nhưng khi viết về mục đích của Cải cách BMNN Việt Nam thì “dân chủ
hóa”. Hoặc một trong các đặc điểm của NN CHXHCN Việt Nam là “có hệ thống pháp
luật hoàn thiện”, thì trong phần phương hướng hoàn thiện Bộ máy NN là “hoàn thiện
hệ thống pháp luật theo hướng pháp quyền”…. (Xin không được trích dẫn ở đây vì
những lý do tế nhị)
Hơn
nữa, rất nhiều những luận điểm về pháp quyền, nhà nước pháp quyền, nhà nước
pháp quyền xã hội CNVN được các giáo sư, các giảng viên dạy cập nhật hơn so với
giáo trình – điều này là bình thường, nhưng sinh viên lại học giáo trình.
Phương án mà nhiều giảng viên đã sử
dụng nhằm hiện đại hóa, tiếp cận lồng ghép nhân quyền trong môn học này:
-
Dạy thêm chương: các quan niệm truyền thống
và hiện đại về nhà nước; những tranh luận về các dấu hiệu của nhà nước; mối
liên hệ giữa các quan niệm về nhà nước đó với chức năng của nhà nước;
-
Dạy về nhà nước pháp quyền, xây dựng
NNPQ Việt Nam lên 6 tiết lý thuyết và thêm hai tiết thảo luận. Phân biệt pháp
quyền, nhà nước pháp quyền, pháp trị, pháp chế và so sánh các tiêu chí nhận diện
nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta khác với thông lệ ở chỗ nào, cho sinh viên
đánh giá, bình luận, tranh luận và phản biện;
-
Dạy thêm quan niệm thuyết văn minh về kiểu
nhà nước và hạn chế tối đa dung lượng về các kiểu nhà nước và pháp luật theo
quan niệm của thuyết hình thái kinh tế xã hội (chỉ mang tính giới thiệu);
-
Nói thêm về các quan niệm khác nhau về
pháp luật và mối liên hệ giữa các quan niệm về pháp luật với quan niệm về nguồn
pháp luật và các chức năng của pháp luật theo hướng hiện đại, pháp luật là công
cụ để bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân tổ chức, là công cụ duy trì hòa bình,
trật tự xã hội.
-
Truyền thụ thêm kiến thức về Quyền con
người, quyền công dân và cho người học tranh luận về sự tương đồng và khác biệt
giữa hai thuật ngữ này. Sự khác biệt giữa Hiến pháp 1992 với Hiến pháp 2013 về
chế định này và ý nghĩa của nó;
-
Bàn thêm về “Quyền lực nhà nước”, như:
khái niệm, phương thức thực hiện quyền lực nhà nước, tính hợp pháp, tính chính
đáng của quyền lực nhà nước. Nhà nước và quyền lực nhà nước, phân chia quyền lực
nhà nước vì mục tiêu kiểm soát, giới hạn quyền lực nhà nước. Nhà nước và chính
quyền;
-
Bàn thêm về nguyên tắc ‘Công dân được
làm tất cả những gì pháp luật không cấm’và “cán bộ, công chức, viên chức” được
những gì pháp luật cho phép”. Sự biến chuyển của quan niệm này trên thực tế từ
các đạo luật (Luật doanh nghiệp…), về sự khác biệt giữa “nhà nước không thừa nhận
hôn nhân đồng giới” với “nhà nước không cấm kết hôn đồng giới” liên quan đến nguyên
tắc trên.
Tuy
nhiên, cần nhấn mạnh rằng, những phần giảng
dạy thêm đó lại chưa được cập nhật đầy đủ trong giáo trình cho có sự thống nhất,
chuẩn hóa về kiến thức và đặc biệt là không đủ thời lượng cho môn học, giảng
viên dạy mỗi lớp theo các cách khác nhau, thậm chí bỏ qua (vì ko thi) và cuối
cùng là sinh viên vẫn đọc các giáo trình cũ khi đi thi nên hiệu quả “lồng ghép
nhân quyền” trong giảng dạy môn học này là chưa cao.
Phần
2:
Một
số kiến nghị, gợi ý
1. Cần
đổi mới chương trình, đề cương môn học để cho tri thức và định hướng nhân quyền,
pháp quyền được giảng dạy và học tập theo hướng bắt buộc chứ không phải theo hướng
lồng ghép tùy nghi như hiện nay. Nếu không sửa đổi chương trình để đưa những
bài giảng bắt buộc về nhân quyền hay định hướng các bài hiện có theo hướng tiếp
cận nhân quyền thì có có thể kiểm soát việc cung cấp tri thức nhân quyền và tiếp
cận theo hướng nhân quyền trong từng bài giảng của giảng viên.
2. Đổi
mới giáo trình cho hiện đại, tiếp cận theo hướng nhân quyền, pháp quyền trong từng
chương và toàn toàn bộ giáo trình. Giáo trình nên có những chương riêng về vấn
đề Quyền con người, quyền công dân trong mối liên hệ với nhà nước và pháp luật;
Quan niệm đa chiều về pháp luật về nhà nước (chứ không chỉ dừng lại ở các quan
niệm về nguồn gốc); Mối quan hệ giữa nhà
nước, cá nhân, pháp luật… Trong giáo trình nên hạn chế dung lượng các chương về
Kiểu nhà nước và kiểu pháp luật theo thuyết hình thái kinh tế xã hội bởi lẽ đó
là kiến thức lịch sử nhà nước và pháp luật và phần nhiều mang tính tư tưởng,
chính trị không phù hợp với cách tiếp cận nhân quyền hiện đại.
3. Nên
chuẩn hóa việc dạy theo hình thức tín chỉ để có thời gian phù hợp, khoa học cho
việc dạy, học và thảo luận không chỉ đối với môn học Lý luận nhà nước và pháp
luật mà còn các môn học khác để đảm bảo dung lượng kiến thức và những vấn đề hiện
đại về nhà nước và pháp luật cũng như những vấn đề liên quan đến nhân quyền
trong mối liên hệ với lý luận nhà nước và pháp luật được truyền tải khoa học
hơn (cụ thể như đã phân tích ở trên).
4. Nên
có cơ chế về thời gian tư vấn bắt buộc đối với các giảng viên và có chế độ phù
hợp với thời gian này (điều này đảm bảo quyền và lợi ích của sinh viên và đảm bảo
những khúc mắc liên quan đến môn học được giải đáp đầy đủ và sâu hơn trên các
giờ này. Đây cũng là biểu hiện thiết thực của vấn đề nhân quyền).
Thay lời kết:
Lý luận nhà nước
và pháp luật là một khoa học pháp lý cơ sở, nền tảng và do đó môn học Lý luận
nhà nước và pháp luật có sứ mệnh “mở đường” để bước vào với thế giới của khoa học
pháp lý, với xã hội pháp quyền văn minh. Lý luận nhà nước và pháp luật nhất định phải được đối xử như là một
trong những khoa học và môn học nền tảng nhất, quan trọng nhất, đặc biệt không thể là
công cụ tuyên truyền, công cụ tư tưởng và không nên "chính trị hóa" nó. Lý luận nhà nước và pháp luật phải mở ra cho những người học luật
một con đường đúng, một trời tri thức khách quan, hiện đại và đa diện. Để được
như thế, trước hết, trên hết và cần thiết phải có những đổi mới hướng tiếp cận
đối với chương trình và giáo trình của môn học này/.
P/S: Bài viết trên chỉ là những cảm nhận của cá nhân và dựa trên Báo cáo của tác giả trong Hội nghị tập huấn giảng dạy lồng ghép "Quyền con người" trong các môn học Lý luận và lịch sử NNPL tổ chức tháng 7/2015 tại Khoa Luật, ĐHQGHN!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.