Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Tại sao là “law-based state” chứ không phải “The rule of law”?

Mai Văn Thắng
Khoa Luật - ĐHQGHN

Khi nghiên cứu về nhà nước pháp quyền, các nhà nghiên cứu, học giả thường chỉ ra các đặc điểm  mang tính chất thuộc tính bản chất của nó như: “pháp luật là tối thượng”, “quyền và tự do của con người, của công dân”, phân quyền”, “tư pháp độc lập… Tôi cũng đã từng có những quan niệm như vậy.
Tuy nhiên, có một vấn đề làm tôi suy nghĩ: tại sao chúng ta không dùng thuật ngữ khá phổ biến “The rule of law” (tạm dịch là pháp quyền) mà lại dùng thuật ngữ “law-based state” (tạm dịch là nhà nước pháp quyền, hay đúng ra là nhà nước trên cơ sở pháp luật)? Bản chất vấn đề là ở chỗ nào?
Đi vào tìm hiểu, tôi thấy rằng, có vẻ như trước nay mình đã nhầm. Nhầm lẫn là ở chỗ, mình luôn coi “Nhà nước pháp quyền” có nhiều điểm tương đồng với những thuộc tính kẻ trên.
Có lẽ không phải là như vậy, bởi nội hàm của thuật ngữ “Pháp quyền” phải rộng hơn “Nhà nước pháp quyền”. Nhìn vào logic hình thức cũng đủ để nhận ra điều đó. Pháp quyền không chỉ liên quan đến nhà nước được xây dựng trên cơ sở của pháp luật, nhà nước ở dưới pháp luật mà còn là một xã hội có nền pháp luật thượng tôn, tinh thần pháp luật bao trùm lên toàn bộ xã hội, là chuẩn mực chung của xã hội để tổ chức cuộc sống của mọi cá nhân, tổ chức và đương nhiên trong đó có nhà nước. Pháp quyền là một trạng thái xã hội với đầy đủ tính nhân văn, tính chuẩn mực, tính chủ quyền nhân dân và tính tối thượng của các quy phạm pháp luật trong xã hội dân chủ, hiện đại, văn minh. Nhà nước pháp quyền có lẽ chỉ gói gọn trong phạm vi tổ chức và hoạt động của nhà nước. Nhà nước pháp quyền là lý thuyết tổ chức quyền lực nhà nước và cũng có thể coi là mô hình tổ chức quyền lực nhà nước mà ở đó, nhà nước cũng như các bộ phận cấu thành của nó được thiết lập nên và hoạt động trên cơ sở của pháp luật. Pháp luật đó do ai lập nên không quan trọng trong nội hàm của “Nhà nước pháp quyền”, tuy nhiên khác với pháp trị, nội hàm của “Nhà nước pháp quyền” thường gắn với tính hiện đại, tính nhân dân, tính nhân văn hơn của pháp luật. Pháp trị thường bị liên hệ với tính chất nghiêm khắc, sự khắc nghiệt, sự tuân thủ triệt để của các chủ thể pháp luật cũng như tính chất hoạt động theo pháp luật của các cơ quan, cá nhân trong thực thi quyền lực nhà nước – nghĩa là ở khía cạnh hoạt động chứ không phải ở khía cạnh tổ chức. Điều này có nghĩa, nhà nước pháp quyền có nghĩa là nhà nước được thiết lập (tổ chức) và hoạt động (vận hành) trên cơ sở pháp luật, còn pháp trị chủ yếu ở khía cạnh hoạt động (vận hành) của pháp luật trên thực tế.

Tôi cũng có băn khoăn: vậy người ta được lợi gì mà không dùng ngay thuật ngữ “Pháp quyền” (The rule of law) mà lại dùng thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” (The law-based state)? Từ những suy diễn có phần nông cạn của mình, tôi cho rằng, nếu dùng thuật ngữ “Pháp quyền” thì có nghĩa tất cả, kể cả các tổ chức chính trị (ví dụ là đảng chính trị) hay các tổ chức cá nhân khác (dù tổ chức có quyền lãnh đạo xã hội, lãnh đạo nhà nước hay đơn thuần chỉ là những tổ chức theo sở thích…) cũng phải được tổ chức và hoạt động trên cơ sở của pháp luật (một cách thực chất), còn nếu dùng thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” thì hoàn toàn hợp lý khi nhà nước đúng là phải tổ chức và hoạt động trên cơ sở pháp luật (pháp luật tạo ra nhà nước và chỉ dẫn hoạt động của nhà nước), nhưng hệ thống pháp luật ấy có thể được chỉ đạo xây dựng bởi một tổ chức chính trị hoặc trên cơ sở định hướng của tổ chức chính trị ấy!

Nếu suy diễn của tôi là đúng thì có nghĩa không hề có chuyện đồng nghĩa của hai thuật ngữ này, mọi thứ đều được tính toán rất kỹ, rất chuyên nghiệp và tất cả đều đã hiểu rất sâu về nó. 
Có lẽ, cái khác cơ bản nhất giữa “Pháp quyền” và “Nhà nước pháp quyền” là ở chỗ Hiến pháp được phúc quyết bởi chính Nhân dân!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.