Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

(Phần 2) Bàn về Cấu trúc của quy phạm pháp luật

Mai Văn Thắng
Khoa Luật, ĐHQGHN

Xin gửi Phần 2 để chúng ta cùng bàn luận. Trong phần này trên cơ sở phân định "quy phạm pháp luật" và "quy tắc pháp luật" tôi có đưa ra ý kiến về cấu trúc của quy phạm pháp luật.
Xin giới thiệu!

Một trong những vấn đề gây nhiều tranh luận nhất trong nhận thức lý luận về quy phạm pháp luật được cho là cấu trúc của quy phạm pháp luật.
Các học giả trong và ngoài nước đều cho rằng, quy phạm pháp luật là một hiện tượng pháp luật độc lập và cũng có cấu trúc riêng. Tuy nhiên, quy phạm pháp luật có cấu trúc như thế nào, được tạo thành từ những bộ phận nào lại chưa có sự thống nhất. Về cơ bản, tựu chung lại hiện tồn tại hai nhóm quan niệm về cấu trúc của quy phạm pháp luật. Nhóm thứ nhất là những quan niệm cho rằng quy phạm pháp luật có cấu trúc gồm hai bộ phận, và nhóm thứ hai - coi quy phạm pháp luật có cấu trúc ba bộ phận. Tuy nhiên, trong nhóm thứ nhất cũng có những quan điểm không giống nhau về các cấu thành của quy phạm pháp luật. Có một số học giả cho rằng, quy phạm pháp luật gồm hai phần là giả định và chỉ dẫn[1], nhưng cũng có quan niệm cho rằng quy phạm pháp luật bao gồm quy tắc và bảo đảm.[2] Theo GS người Nga N.M. Korkunov: “mỗi quy phạm pháp luật gồm hai bộ phận cấu thành: phần xác định điều kiện để áp dụng quy tắc và phần mô tả chính quy tắc (nội dung quy tắc)”.[3]
Ngược lại với nhóm thứ nhất, nhóm thứ hai, dù thống nhất ở điểm quy phạm pháp luật có cấu trúc ba bộ phận, nhưng lại có nhiều khác biệt về nội dung và tên gọi của mỗi bộ phận cấu thành đó. Theo đó, có một số học giả cho rằng, quy phạm pháp luật có ba bộ phận: giả định, quy định và bảo đảm[4] hoặc phổ biến hơn cả là quan niệm cơ cấu quy phạm ba bộ phận: giả định, quy định và chế tài.[5] Thậm chí còn có quan niệm cho rằng, không phải mọi quy phạm pháp luật đều có cấu tạo ba phần, mà cấu tạo của quy phạm pháp luật còn tùy thuộc vào loại hình quy phạm đó. Chẳng hạn, đối với quy phạm thông thường thì có cấu tạo ba bộ phận, còn các quy phạm xung đột thì chỉ có hai bộ phận phạm vi và hệ thuộc.[6]

Từ những tranh luận trên, thiết nghĩ, để đi đến xác định cấu thành của quy phạm pháp luật, cần thiết phải xem xét đến một số vấn đề nhận thức lý luận về pháp luật và quy phạm pháp luật.
Trước hết, pháp luật là hiện tượng phái sinh từ xã hội và có ảnh hưởng qua lại với thực tiễn xã hội. Xã hội vốn dĩ đã dạng và vì vậy pháp luật cũng được ghi nhận và biểu hiện đa dạng, phong phú và thay đổi theo thực tiễn. Có lẽ vì vậy mà nội dung, hình thức của pháp luật và kỹ thuật lập pháp luôn có những thay đổi cho phù hợp với thời đại.
Pháp luật được định nghĩa là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính chất bắt buộc và được đảm bảo bằng quyền lực của nhà nước. Vì vậy, ở đây cần có sự phân biệt giữa “hệ thống các quy tắc xử sự” với “hệ thống các quy phạm”. Quy tắc pháp luật và quy phạm pháp luật là hai khái niệm rất gần gũi với nhau, hay được dùng thay thế cho nhau nhưng, thiết nghĩ, không hoàn toàn trùng khít với nhau. Quy tắc pháp luật so với quy phạm pháp luật thì hẹp hơn và có cấu trúc đơn giản hơn. Quy tắc pháp luật chỉ là những quy định về cách thức ứng xử được thể hiện trong một loại văn bản pháp luật nào đó. Quy tắc pháp luật có thể quy định rất chung chung và không gắn với một điều kiện cụ thể, giả định cụ thể nào. Quy tắc pháp luật nhiều khi cũng không cần phải có những chế tài hay biện pháp bảo đảm cụ thể nào. Các quy tắc pháp luật được đảm bảo thực hiện bởi vì nó là một phần của pháp luật và vì vậy được đảm bảo bằng quyền lực nhà nước và có tính quyền lực nhà nước. Trên thực tế có nhiều loại quy tắc dạng này, như: quy tắc giả định (hay cũng còn gọi là quy tắc mặc định), quy tắc mang tính tiên đề pháp lý… Chẳng hạn, quy tắc pháp lý thừa nhận trạng thái vô tội của người bị buộc tội cho đến khi được chứng minh là có tội theo trình tự thủ tục luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp lý[7]… Những quy tắc này thường là những cách ứng xử được đúc kết từ thực tiễn và công nhận là cách hành xử chuẩn mực chung được bảo đảm và có tính chân lý. Loại quy tắc xử sự này thể hiện nhiều dưới dạng các nguyên tắc pháp luật.
Khác với quy tắc, quy phạm pháp luật là phạm trù chỉ giới hạn, phạm vi cho cách ứng xử chuẩn mực, được chấp nhận từ phía nhà nước cho những trường hợp được dự liệu trước. Vì vậy, quy phạm pháp luật thông thường có cấu trúc đầy đủ cả ba phần: Nêu điều kiện áp dụng cách ứng xử (giả định hay giả thiết), nêu cách thức ứng xử (quy định) và nêu các biện pháp cụ thể đảm bảo thực hiện các cách thức ứng xử đã dự liệu (đảm bảo hoặc chế tài).
a)                      Giả định (giả thiết): Là bộ phận cấu thành của quy phạm pháp luật ghi nhận trong văn bản pháp luật những dự liệu về tình huống, sự kiện, tình tiết hoặc nhân vật… và là căn cứ thực hiện quy phạm pháp luật trong cuộc sống.
Quy pham pháp luật được thiết lập để điều chỉnh, bảo vệ, thúc đẩy các quan hệ xã hội vì vậy nó cần phải ghi nhận các điều kiện để áp dụng các quy phạm ấy. Nếu không nêu điều kiện, pháp luật không thể áp dụng cho tình huống cụ thể. Ghi nhận điều kiện áp dụng pháp luật là phần bắt buộc của mọi quy phạm pháp luật. Nếu phân tích một cách logic, thì phần giả định được ẩn chứa trong nghĩa của từ “nếu”. Ví dụ, Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự; d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này. Như vậy, trong trường hợp này, phần giả định của quy phạm pháp luật là: 1) là một người nam và một người nữ (vì nhà nước không thừa nhận hôn nhân đồng giới); 2) điều kiện về tuổi của từng giới; 3) điều kiện về sự tự nguyện kết hôn của nam và nữ; 3) điều kiện về năng lực hành vi (không bị mất năng lực hành vi dân sự, nhưng hạn chế năng lực hành vi thì vẫn được); 4) không phạm vào các điều cấm được quy định ở luật này. Trong trường hợp này, nếu đáp ứng tất cả các yêu cầu trên thì mới có thể kết hôn (tất nhiên có những quy định về trường hợp đặc biệt).
Giả định của quy phạm pháp luật cũng được biểu hiện khác đa dạng. Tồn tại hai loại giả định: 1) giả định đơn giản (là khi trong quy phạm chỉ nêu một điều kiện, giả thiết) và 2) giả định phức tạp (là khi trong quy phạm nêu từ hai giả thiết, điều kiện trở lên). Đến lợt mình, giả định phức tạp cũng có hai phân loại: 1) giả định phức tạp lựa chọn (là khi quy phạm pháp luật nêu nhiều điều kiện, giả thiết, nhưng quy phạm đó đủ điều kiện áp dụng trên thực tiễn chỉ cần một hoặc một vài điều kiện đã xảy ra mà không nhất thiết tất cả các điều kiện phải đồng loạt xảy ra), và 2) giả định phức tạp bắt buộc (là khi quy phạm ghi nhận nhiều điều kiện nhưng quy phạm đó chỉ được áp dụng trên thực tiễn nếu tất cả các điều kiện đó phải xảy ra).
Tuy nhiên, trên thực tế cũng có khá nhiều những quy phạm có cách diễn đạt các giả thiết, điều kiện đan xen, lồng ghép vào nhau và vì vậy rất cần có sự am hiểu và kỹ năng phân tích quy phạm. Chẳng hạn, Khoản 1 Điều 23 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 quy định: “Người nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”. Trong trường hợp này các điều kiện, giả thiết được quy định đan xen nhau. Có cả các điều kiện bắt buộc và các điều kiện lựa chọn được ghi nhận ở đây. Rõ ràng, không nhất thiết phải nghiện cả ma túy với các chất kích thích khác và cũng không nhất thiết phải nghiện tất cả các chất được công nhận là chất kích thích khác thì quy phạm này mới được áp dụng.
b)                     Quy định: Quy định là bộ phận cấu thành tiếp theo của quy phạm pháp luật. Quy định là phần ghi nhận cách thức ứng xử, hành động khi các điều kiện nêu trong phần giả định đã xảy ra.  
Quy phạm pháp luật là phần quan trọng bậc nhất của quy phạm pháp luật và có lẽ vì thế nó luôn được liên hệ với quan niệm về pháp luật như là “các quy tắc xử sự”. Quy định là phần chứa đựng các cách thức ứng xử được nhà nước chấp nhận và bảo đảm như là cách thức ứng xử chuẩn mực, phổ quát, phù hợp với các lợi ích, giá trị chung của nhà nước, cộng đồng trong những giai đoạn phát triển nhất định của xã hội. Chẳng hạn, như ví dụ trên, các giả thiết được nêu nếu đã đáp ứng thì (quy định) người nam và người nữ được phép kết hôn. Như vậy, pháp luật quy định cho họ cách ứng xử tiếp theo khi đủ các điều kiện nói trong quy phạm là: được quyền kết hôn. Hoặc, tại ví dụ trong Điều 23 Bộ luật Dân sự 2005, nếu tất cả các điều kiện để công nhận hạn chế năng lực hành vi đã thỏa mãn thì cách hành xử tiếp theo là “tòa án tuyên bố người đó là hạn chế năng lực hành vi”.
Xét về nội dung của những quy định trong các quy phạm pháp luật, có thể thấy quy định của quy phạm pháp luật tồn tại ở 3 dạng phổ biến sau: 1) quy định cấm đoán (nếu giả thiết đó xảy ra thì quy định cách ứng xử tiếp theo là không được pháp làm gì); 2) quy định bắt buộc (nếu giả thiết xảy ra thì quy định cách ứng xử tiếp theo là phải thực hiện cái gì đó); 3) quy định cho phép (nếu giả thiết đã xảy ra thì cách ứng xử tiếp theo sẽ là được làm gì đó).
c)                      Đảm bảo thực hiện (chế tài): là bộ phận cấu thành của quy phạm pháp luật truyền thống, tuy nhiên cũng là bộ phận gây nhiều tranh luận nhất. Như đã nói ở trên thì pháp luật hiện tại không phải quy định nào cũng gắn liền với chế tài. Theo truyền thống, chế tài được hiểu là một bộ phận cấu thành của quy phạm pháp luật ghi nhận những hậu quả bất lợi đối với chủ thể thực hiện không đúng hoặc không thực hiện các quy định như trong phần quy định đã nêu. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, pháp luật hiện đại không phải lúc nào cũng gắn với chế tài, bởi chế tài thông thường gắn với các quy phạm pháp luật bảo vệ, có mối liên hệ chặt chẽ với luật công, nhất là luật hình sự. Trong khi đó, pháp luật hiện đại có xu hướng phát triển các quy phạm mang tính tư do, thỏa thuận, khuyến khích, quy phạm điều chỉnh và không phải lúc nào cũng gắn liền với các biện pháp cưỡng chế, các hậu quả bất lợi. Hơn nữa, chế tài đúng với các quy định bắt buộc, quy định cấm đoán nhưng lại không hẳn đúng với các quy định cho phép bởi chủ thể được phép có thể lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện các quy định đó.
Cũng có luồng ý kiến cho rằng, kể cả quy định được phép cũng có chế tài và trong trường hợp này chế tài là các biện pháp áp dụng đối với bên có nghĩa vụ đảm bảo thực hiện các quyền của chủ thể có quyền. Chẳng hạn, khi đáp ứng các điều kiện kết hôn, nam nữ có quyền kết hôn và nhà nước và các chủ thể khác phải không được ngăn cản việc họ thực hiện quy định đó. Chế tài sẽ được áp dụng đối với ai ngăn cản hoặc thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ của mình mà qua đó việc thực hiện quyền kết hôn của nam, nữ gặp khó khăn. Thiết nghĩ quan điểm này cũng chưa phù hợp khi chế tài lại đẩy sang cho chủ thể khác có nghĩa vụ mà với chủ thể có nghĩa vụ thì đã có những giả thiết (điều kiện) và những quy định khác (nghĩa là có quy phạm khác). Theo quan điểm của chúng tôi và cũng đồng tình với quan điểm của các tác giả Nguyễn Thị Hồi và Đỗ Đức Hồng Hà,[8] trong bối cảnh hiện nay và để phù hợp hơn với logic xây dựng quy phạm hiện đại, phần thứ ba của quy phạm pháp luật được gọi là phần “Đảm bảo thực hiện”.
Đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước là một trong những đặc trưng cơ bản của pháp luật nói chung và mỗi quy phạm pháp luật nói riêng. Đây là một trong những đặc trưng cơ bản của quy phạm pháp luật so với các quy phạm xã hội khác. Khác với việc đảm bảo bằng quyền lực nhà nước một cách chung chung khi nói về các nguyên tắc pháp luật, các quy phạm pháp luật với tính chất quy định rõ ràng, chi tiết vốn có cũng ghi nhận trong nó những biện pháp bảo đảm cụ thể. Mỗi quy phạm pháp luật ghi nhận một hay một vài biện pháp đảm bảo và các biện pháp ấy, tùy vào tính chất của quy phạm, có thể là: các biện pháp khuyến khích, biện pháp tuyên dương, khen thưởng, trao thêm quyền hay là các chế tài. Chế tài như là biện pháp đảm bảo sử dụng khá phổ biến trong các quy phạm, nhất là các quy phạm pháp luật trong truyền thống, pháp luật hình sự, pháp luật hành chính và các ngành luật công khác. Chế tài cũng được dùng trong các ngành luật tư như luật dân sự, kinh doanh, thương mại… Chế tài có thể là các hình phạt, các hình thức xử phạt hành chính, biện pháp xử lý kỷ luật, phạt vi phạm hợp đồng, các biện pháp cưỡng chế khác như biện pháp xử lý hành chính khác. Ngoài chế tài, các biện pháp đảm bảo còn có cả các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp khẩn cấp, tạm thời các hình thức khen thưởng, trao quyền và các biện pháp khác.



[1] Nguyễn Thị Hồi, Đỗ Đức Hồng Hà, Cơ cấu quy phạm pháp luật và cơ cấu quy phạm pháp luật hình sự// Tạp chí NCLP số 19 (156) tháng 10/2009, tr.4.
[2]  Dẫn theo Nguyễn Thị Hồi, Đỗ Đức Hồng Hà, Tài liệu đã dẫn, trang 4.
[3] Korkunov N.M. Các bài giảng về Lý luận nhà nước và pháp luật. Tr. 124-125 (Tiếng Nga). Dẫn theo Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật (Chủ biên I.N. Matuzov và A.V. Malko), Saratov, 2001. (Tiếng Nga)
[4] Dẫn theo: Nguyễn Thị Hồi, Đỗ Đức Hồng Hà, Tài liệu đã dẫn, tr.4-5.
[5] Quan điểm thể hiện trong các giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật-ĐHQHN và ở nhiều những công trình trong và ngoài nước khác.
[6] Nguyễn Thị Hồi, Đỗ Đức Hồng Hà, Tài liệu đã dẫn, tr.5-6.
[7] Khoản 1, Điều 31 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013.
[8] Nguyễn Thị Hồi, Đỗ Đức Hồng Hà, Tài liệu đã dẫn, tr.6.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.